Quyết định 67/2003/QĐ-UB phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận Phú Nhuận do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: | 67/2003/QĐ-UB | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh | Người ký: | Lê Thanh Hải |
Ngày ban hành: | 09/05/2003 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 67/2003/QĐ-UB |
TP.Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 05 năm 2003 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Công văn số 1640/CP-CCHC ngày 19 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 1157/VPCP-CCHC ngày 14 tháng 3 năm 2003 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện thí điểm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận tại Công văn số 142/KH-UB ngày 14 tháng 3 năm 2003 và của Sở Giao thông Công chánh tại Công văn số 334/GT-VP ngày 08 tháng 4 năm 2003;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM VỀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN PHÚ NHUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 67 /2003/QĐ-UB ngày 9 tháng 5 năm 3003 của Ủy ban nhân dân thành phố)
ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC TỔ CHỨC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN
I.- VỊ TRÍ, CƠ SỞ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ, GIÁO DỤC VÀ GIAO THÔNG :
1- Quận Phú Nhuận là một quận nội đô thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố 4,7km. Phía Bắc giáp quận Gò Vấp, phía Đông giáp quận Bình Thạnh, phía Nam giáp quận 1 và quận 3, Phía Tây giáp quận Tân Bình. Với diện tích 5,14km2, dân số 184.000 người (chưa kể số đăng ký cư trú vãng lai), Phú Nhuận có mật độ dân số cao (37.898 người/km2).
2- Về giáo dục: Trên địa bàn quận có 43 cơ sở giáo dục với 1.400 giáo viên và 32.000 học sinh các cấp. Ngoài ra, còn có 06 trường đại học, cao đẳng, nghiệp vụ với hàng ngàn sinh viên học sinh đến học.
3- Về kinh tế: Trên địa bàn quận có 08 chợ (03 chợ cấp quận và 05 chợ cấp phường), 03 siêu thị, trung tâm thương mại với khoảng 5.000 người đến làm việc, giao dịch hàng ngày; có 1.445 doanh nghiệp và 4.924 hộ kinh doanh cá thể.
4- Về giao thông :
Trên địa bàn quận có 47 tuyến đường có tên với tổng diện tích 334.158m2, 03 cầu (cầu Công Lý, cầu Kiệu và cầu Trần Khánh Dư), 19 giao lộ có đèn tín hiệu giao thông và 584 đường hẻm lớn nhỏ với nhiều điểm giao cắt, mặt đường và lề đường nhỏ hẹp (2/3 số đường không có lề) … Ngoài ra, còn có 2km đường sắt Thống Nhất dài đi qua khu dân cư thuộc các phường 4, 5, 8, 9, 10, 11 và 13 và 2,26 km kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đi qua các phường 2, 7, 12, 13, 14 và 17). Cả đường sắt và đường sông đều giao cắt với trục đường chính của Quận.
Hầu hết các đường (liên quận, nội quận, đường hẻm) đều chưa được mở rộng đúng lộ giới qui hoạch, chưa đáp ứng được lưu lượng giao thông hiện nay.
Là một quận ở cửa ngõ ra vào trung tâm thành phố, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, trong những năm gần đây lưu lượng người và phương tiện giao thông hàng ngày trên địa bàn quận đã tăng rất nhanh trong khi các công trình hạ tầng giao thông chậm được bổ sung xây dựng và cải tạo dẫn đến tình hình trật tự an toàn giao thông đô thị ngày càng phức tạp.
Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện có lạc hậu và không đáp ứng được yêu cầu (thiếu bãi đỗ xe), qũy đất dành cho giao thông trên địa bàn quận còn rất thấp, không đáp ứng được tốc độ phát triển nên chưa đảm bảo được điều kiện an toàn cho người và các phương tiện giao thông. Trên địa bàn quận còn một số khu vực trật tự lòng, lề đường chưa tốt, quản lý còn yếu kém như đường dọc kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, đường Huỳnh Văn Bánh, đường Nguyễn Kiệm với hơn 1.000 trường hợp lấn chiếm lòng lề đường làm nơi để xe, kinh doanh ăn uống, bán hàng rong,v.v…
Việc lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, làm dịch vụ trên các tuyến đường nhánh và đường hẻm khá phổ biến, người đi bộ phải đi xuống lòng đường làm cản trở giao thông mà chưa được kiểm tra, xử lý triệt để.
Trên địa bàn quận có 12 điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông (06 điểm do Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-Công an thành phố quản lý và 06 điểm do Công an quận quản lý). Số vụ tai nạn giao thông tăng giảm thất thường, thiệt hại về người và tài sản ngày càng nghiêm trọng. Các đối tượng đua xe trái phép từ nơi khác lưu thông qua địa bàn quận trên các đường Phan Đình Phùng, Lê Văn Sỹ và khá đông thanh thiếu niên sử dụng xe mô tô phân khối lớn phóng nhanh, lạng lách trên đường dọc kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè vào các đêm cuối tuần và nhân dịp lễ hội. ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của đại bộ phận nhân dân còn kém. Các hành vi vi phạm phổ biến nhất là đi sai tuyến, lấn trái, vượt đèn đỏ, dừng chờ đèn tín hiệu giao thông không đúng vạch qui định, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, dừng đậu xe bừa bãi dưới lòng đường, người đi bộ không đi đúng phần đường qui định .v.v. Ngoài ra, còn có một số đông dân nhập cư buôn bán hàng rong bằng xe thô sơ, xe đẩy tay, xe đạp dừng đậu lấn chiếm lòng đường gây cản trở giao thông.
1- Ở cấp quận :
1.1. Tổ chức: Tổ chức bộ máy quản lý công trình giao thông và giữ gìn trật tự an toàn giao thông gồm có:
- 01 Phó Chủ tịch phụ trách đô thị;
- 01 Phòng Quản lý đô thị quận; Phòng có 01 Đội Quản lý trật tự đô thị được thành lập theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố gồm 07 người;
- 01 Đội Cảnh sát giao thông trật tự thuộc Công an quận được bố trí 40 người trực tiếp làm công tác trật tự an toàn giao thông (hiện có 22 người, còn thiếu 18 người).
1.2. Phạm vi quản lý :
Hiện nay Ủy ban nhân dân thành phố đã phân cấp quản lý cho cấp quận trong lĩnh vực giao thông như sau :
+ Xây dựng, duy tu sửa chữa lòng đường của 25/47 tuyến đường và toàn bộ lề đường trên địa bàn quận.
+ Đối với Chính quyền: Ủy ban nhân dân quận thực hiện nhiệm vụ được qui định tại điều 50 và 55 Pháp lệnh về quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở mỗi cấp, ngày 03 tháng 7 năm 1996.
+ Về ngành Công an : Theo phân công của Công an thành phố, Công an quận có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông ở 43/47 tuyến đường và 6/19 giao lộ có đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn (04 trục đường chính là đường Nguyễn Văn Trỗi, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng và 13 giao lộ khác do Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-Công an thành phố đảm nhận).
2- Ở cấp Phường :
2.1. Tổ chức : Quận Phú Nhuận có 15 phường, mỗi phường có :
- 01 Ủy viên Ủy ban hoặc cán bộ chuyên trách phụ trách về địa chính-nhà đất kiêm nhiệm quản lý trật tự đô thị, trật tự giao thông.
- Trong khối Ủy ban nhân dân phường có một tổ trực thuộc phụ trách quản lý đô thị gồm 3-5 người làm việc theo chế độ hợp đồng, hưởng lương ngoài biên chế.
- Công an phường có Tổ Trật tự-hình sự, được bố trí từ 2 đến 4 cán bộ chiến sĩ (tính chung 15 Công an phường còn thiếu 51 người).
2.2. Phạm vi quản lý :
Mặc dù quyền hạn, nhiệm vụ của cấp phường chưa được qui định trong “Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở mỗi cấp” nhưng như các phường ở các quận khác tại thành phố, Chính quyền ở 15 phường thuộc quận Phú Nhuận đều có một số nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
+ Thực hiện quản lý hành chính Nhà nước theo sự phân công của Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân quận đối với hệ thống cầu đường, bến bãi, cống rãnh …hiện có trên địa bàn, tổ chức hướng dẫn và vận động các đoàn thể, đơn vị kinh tế xã hội góp phần cùng Nhà nước bảo vệ, tu bổ, sửa chữa nhỏ các công trình.
+ Vận động nhân dân giữ gìn, bảo vệ các công trình giao thông công cộng như đường hẻm, đường đất, nắp cống, đèn đường, đường dây điện, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan đường phố và tổ chức tu bổ sửa chữa các công trình được phân cấp quản lý. Đồng thời phát hiện, báo cáo về các hư hỏng ở các công trình khác trên địa bàn để các ngành chức năng của quận và thành phố lên kế hoạch sửa chữa (Công văn số 429/UB ngày 22 tháng 3 năm 1993 của Ủy ban nhân dân thành phố).
+ Hàng năm, lập dự trù kinh phí duy tu, sửa chữa những công trình công cộng do phường quản lý và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về quản lý lòng lề đường theo phân cấp (Công văn số 1591/UB ngày 22 tháng 3 năm 1993 của Ủy ban nhân dân thành phố).
2.3. Về giữ gìn trật tự an toàn giao thông :
Theo Điều 22, Nghị định số 39/2001/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2001 của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Trưởng Công an phường đều có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị. Tuy nhiên, cũng như nhiều nơi khác, việc kiểm tra xử phạt nói trên chỉ mới được Công an phường thực hiện, còn vai trò của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường chưa phát huy hoặc chưa làm được do Ủy ban nhân dân phường không có lực lượng thường xuyên kiểm tra phát hiện, xử phạt.
Việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận Phú Nhuận hiện còn một số khó khắn trở ngại. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính quyền cấp quận, phường chưa được qui định cụ thể và việc phân cấp quản lý giữa ngành và địa phương chưa phù hợp đã làm cho quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là :
1- Một số đường thuộc địa bàn quận đã không được phân cấp cho quận kiểm tra xử lý các vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trong khi Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ và Phòng Cảnh sát trật tự-Công an thành phố chưa đủ lực lượng thường xuyên chốt chặn (đường Hoàng Văn Thụ và đường Phan Đăng Lưu nối dài), đã nổi lên một số hiện tượng làm mất trật tự an toàn giao thông (các loại xe tải, xe ben chở đất, cát rơi vãi trên đường, cơi nới thêm thùng xe, chở quá tải, chạy tốc độ nhanh nhưng lực lượng Công an quận không có thẩm quyền kiểm tra xử lý).
2- Theo qui định hiện hành, cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì cơ quan đó được quyền thu hồi giấy phép. Do đó, có nhiều trường hợp vi phạm nhiều lần, được quận gởi văn bản kiến nghị nhưng không được cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc giải quyết chậm trễ, gây bất cập cho công tác quản lý hành chính trên địa bàn.
3- Một số qui định pháp luật hiện hành về lĩnh vực trật tự an toàn giao thông vừa thiếu, vừa không phù hợp với tình hình thực tế như về thẩm quyền, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp chế tài làm cho các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền lúng túng khi xử lý.
4- Hạn mức kinh phí và thẩm quyền quyết định đầu tư của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận vẫn còn hạn chế nhất định đã ảnh hưởng đến tính chủ động trong đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn quận (hiện nay Quy định cho phép Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận quyết định đầu tư các dự án có mức vốn từ 5 tỷ đồng trở xuống và hàng năm quận chỉ được ngân sách thành phố phân cấp 15 tỷ đồng để đầu tư cho nhiều lĩnh vực).
5- ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của đại bộ phận nhân dân còn kém.
6- Còn thiếu một số điều kiện để thực hiện nhiệm vụ như :
+ Biên chế còn thiếu so với qui định, nên lực lượng chuyên trách ít mà các thành viên kiêm nhiệm nhiều dẫn đến các cấp Chính quyền, đơn vị và cá nhân không thể làm hết chức trách. Một số cán bộ, đơn vị chưa kiên quyết thực hiện có trách nhiệm cao các qui định pháp luật nên hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và trật tự an toàn giao thông còn hạn chế.
+ Trang thiết bị và phương tiện hỗ trợ quản lý còn thiếu và lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
+ Chế độ và chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trực tiếp giữ gìn trật tự an toàn giao thông còn nhiều bất cập, chưa động viên lực lượng tích cực làm nhiệm vụ (ngoài tiền lương chỉ bồi dưỡng thêm từ 100.000-200.000 đồng/người/tháng từ nguồn thu xử phạt hành chính).
7- Quy trình tổ chức bán đấu giá hàng hóa, tài sản tịch thu sung vào công quỹ, tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước và tài sản hàng hóa kê biên phát mãi theo quyết định xử lý của các cơ quan có thẩm quyền (Quyết định số 1766/QĐ-BTC ngày 07 tháng 12 năm 1998 của Bộ Tài chính và Quyết định số 38/2001/QĐ-UB ngày 07 tháng 5 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố) còn nhiều bước, thủ tục rườm rà.
MỤC ĐÍCH, PHƯƠNG CHÂM, PHƯƠNG PHÁP VÀ NỘI DUNG ĐỀ ÁN THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM
I.- MỤC ĐÍCH, PHƯƠNG CHÂM VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH :
1- Mục đích đề án :
Nhằm đề ra những công việc cần thực hiện thí điểm để phân định thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể của từng cấp Chính quyền (phường, quận, thành phố) trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận, đề xuất đổi mới quản lý trong lĩnh vực này. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tế, đưa ra những giải pháp hiệu quả đối với vấn đề giữ gìn trật tự an toàn giao thông và các vấn đề bức xúc khác trên địa bàn.
2- Phương châm và phương pháp tiến hành :
- Thí điểm có trọng điểm, theo đó chọn những khâu có liên quan nhiều nhất đến chức năng quản lý Nhà nước để thực hiện thí điểm đồng loạt, qua đó xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của các cấp Chính quyền trong việc tổ chức bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Thí điểm đến đâu, rút kinh nghiệm đến đó để kịp thời khắc phục những khiếm khuyết và lựa chọn, đưa vào thực hiện những vấn đề khả thi.
- Không gây xáo trộn lớn về mặt tổ chức, nhất là đối với diện biên chế chính thức; đồng thời không phải đầu tư nhiều kinh phí (nhất là ngân sách Nhà nước) trong quá trình thực hiện thí điểm.
- Quận Phú Nhuận trực tiếp, chủ động thực hiện đề án thí điểm, các sở - ngành thành phố có liên quan tham gia hỗ trợ, hướng dẫn và xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện; xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp trên.
II.- NỘI DUNG THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM:
Trong việc thí điểm về bảo đảm, chấn chỉnh trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận, Ủy ban nhân dân thành phố giao cho quận Phú Nhuận thực hiện trách nhiệm và có thẩm quyền giải quyết, xử lý ngay 05 nội dung sau đây:
- Quản lý và giữ gìn trật tự lề đường (vỉa hè);
- Xây dựng, quản lý và giữ gìn trật tự lòng đường theo phân cấp;
- Giải quyết ùn tắc giao thông;
- Lắp đặt, quản lý hệ thống báo hiệu đường bộ theo phân cấp;
- Xử lý các hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị;
Cụ thể là :
1- Đối với lề đường (vỉa hè):
1.1. Về xây dựng, sửa chữa:
Sở Giao thông Công chánh có trách nhiệm xét duyệt, đưa ra các thiết kế mẫu, các định ngạch, định mức chuyên ngành về xây dựng, sửa chữa lề đường; quận tổ chức đầu tư xây dựng, sửa chữa và duy tu các công trình về lề đường (thủ tục đầu tư, thực hiện xây dựng và duy tu sửa chữa).
1.2. Về quản lý, giữ gìn trật tự:
+ Toàn bộ lề đường, vỉa hè trên địa bàn quận Phú Nhuận đều do Ủy ban nhân dân quận trực tiếp quản lý và tổ chức giữ gìn trật tự, trong đó chú trọng vận động các cơ quan, đơn vị, các hộ nhân dân thực hiện tự quản và tham gia đóng góp cùng Nhà nước xây dựng, sửa chữa lề đường, vỉa hè, chăm sóc cây, hoa trồng trên vỉa hè trước mặt tiền cơ quan, đơn vị, hộ nhà mình.
Mọi trường hợp sử dụng dù tạm thời về lề đường, vỉa hè đều phải được Ủy ban nhân dân quận xem xét cấp phép (chỉ có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch được Ủy quyền mới được ký Giấy phép sử dụng lề đường, vỉa hè). Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép sử dụng và mức lệ phí sử dụng lề đường, vỉa hè do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận quy định theo hướng đơn giản hóa, nhanh, có hiệu lực và phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước.
+ Lực lượng Công an thuộc quận trực tiếp đảm nhiệm toàn bộ việc kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, giữ gìn trật tự lề đường; bảo đảm trật tự an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế; làm nòng cốt trong việc tổ chức giải tỏa những trường hợp chiếm dụng trái phép lề đường.
Công an quận thực hiện nhiệm vụ nêu trên ở các đường giáp ranh với quận Phú Nhuận, các đường giáp ranh giữa các phường trong quận (danh mục các đường cụ thể do Ủy ban nhân dân quận quy định).
+ Công an phường thực hiện nhiệm vụ nêu trên ở các đường còn lại thuộc địa bàn của phường quản lý
+ Trưởng Công an quận chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận đối với việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ nêu trên ở mọi nơi trên địa bàn quận. Trưởng Công an phường chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường đối với việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ nêu trên ở địa bàn phường mình quản lý.
2- Đối với lòng đường :
2.1. Về xây dựng, sửa chữa:
Sở Giao thông Công chánh và Ủy ban nhân dân quận chịu trách nhiệm xây dựng, sửa chữa, duy tu lòng đường trên các tuyến đường đã được phân cấp quản lý.
2.2. Về quản lý, giữ gìn trật tự:
+ Về kỹ thuật, đường do cấp nào quản lý thì cấp đó quản lý kỹ thuật.
+ Về giữ gìn trật tự lòng đường, cấp quận (trực tiếp là Đội Cảnh sát giao thông trật tự-Công an quận) chịu trách nhiệm toàn bộ các đường trên địa bàn quận.
3- Về giải quyết ùn tắc giao thông :
3.1. Ủy ban nhân dân quận đảm nhiệm toàn bộ các công tác nhằm hạn chế và giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn quận, chủ động phối hợp với các quận giáp ranh để giải tỏa ùn tắc giao thông trên những đoạn đường, những điểm giáp ranh với quận liền kề.
3.2. Công an quận và Công an phường là lực lượng thường trực, trực tiếp giải tỏa các vụ ùn tắc giao thông, cụ thể là:
+ Công an quận chịu trách nhiệm chủ trì, trực tiếp giải tỏa ùn tắc giao thông xảy ra trên các tuyến đường chính thuộc địa bàn quận, trên các tuyến đường hoặc điểm giáp ranh với quận khác (danh mục các đường cụ thể do Ủy ban nhân dân quận quy định).
+ Công an phường chịu trách nhiệm chủ trì, trực tiếp giải tỏa ùn tắc giao thông xảy ra trên các tuyến đường còn lại thuộc địa bàn phường, các vụ ùn tắc giao thông trên các đường, các điểm giáp ranh với phường khác.
3.3. Cảnh sát giao thông đường bộ thuộc Công an thành phố cần có lực lượng sẵn sàng hỗ trợ kịp thời cho Công an quận Phú Nhuận khi quận có yêu cầu.
3.4. Sở Giao thông Công chánh đảm nhiệm xử lý công trình ở các giao lộ, vòng xoay, các đường thuộc Sở quản lý nhằm tham gia giải quyết ùn tắc giao thông.
4- Hệ thống báo hiệu đường bộ :
Sở Giao thông Công chánh và Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận đảm nhiệm lắp đặt, sửa chữa, duy tu bảo dưỡng và quản lý sử dụng các biển báo hiệu đường bộ, vạch sơn đường, cọc tiêu, cột mốc lộ giới, đường bảo vệ, hàng rào chắn kể cả trên các đường giáp ranh với các quận khác theo phân cấp quản lý.
Các quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc sản xuất, lắp đặt tất cả các loại cọc tiêu biển báo hiệu đường bộ … nói trên được thực hiện thống nhất theo quy định của Sở Giao thông Công chánh.
Sở Giao thông Công chánh có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn thực hiện hệ thống báo hiệu đường bộ đúng quy định và thống nhất chung trên toàn địa bàn thành phố.
5- Xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị :
5.1. Tăng thẩm quyền xử phạt :
Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, Trưởng Công an phường và Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông trật tự-Công an quận được thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị như sau :
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường được quyền ra quyết định đình chỉ và tháo dỡ các công trình xây dựng lấn chiếm lộ giới, đất công …và chủ động xử lý trật tự an toàn giao thông trên các đường trên địa bàn phường mình giáp ranh với quận khác hoặc giáp ranh giữa các phường trong quận; không để xảy ra tình trạng đùn đẩy giữa các phường giáp ranh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Trưởng Công an phường được quyền xử phạt và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về trật tự lòng, lề đường từ 2.000.000 (hai triệu) đồng trở xuống. Tang vật, phương tiện có giá trị trên 2.000.000 (hai triệu) đồng thì lập biên bản tạm giữ, xin ý kiến cấp có thẩm quyền xử lý.
- Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự-Công an quận được quyền xử phạt và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về trật tự lòng, lề đường từ 2.000.000 (hai triệu) đồng trở xuống. Tang vật, phương tiện có giá trị trên 2.000.000 (hai triệu) đồng thì lập biên bản tạm giữ, xin ý kiến cấp có thẩm quyền xử lý.
5.2. Đơn giản hóa thủ tục xử lý phương tiện vi phạm hành chính nhằm tăng cường hiệu lực chế tài trong xử lý vi phạm hành chính.
- Phương tiện vi phạm hành chính nếu bị tạm giữ thì được thực hiện ngay sau khi lập xong biên bản vi phạm, không chờ đến khi có quyết định.
- Phương tiện vi phạm hành chính nếu bị tịch thu thì thực hiện theo hai bước:
Bước 1 : Bị tạm giữ ngay sau khi lập xong biên bản vi phạm hành chính, không chờ đến khi có quyết định tạm giữ hoặc tịch thu.
Bước 2 : Sau khi phuơng tiện đã bị tạm giữ, cơ quan chức năng làm thủ tục xử lý từ phương tiện tạm giữ sang phương tiện bị tịch thu theo quy định của Nhà nước. Thủ tục và thời gian cụ thể do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận quy định.
5.3. Tăng cường lực lượng hỗ trợ trong việc liên tục xử lý vi phạm hành chánh.
+ Đội kiểm tra trật tự giao thông đô thị của quận do Đội Cảnh sát giao thông trật tự-Công an quận trực tiếp quản lý điều hành được sử dụng biên bản kiểm tra vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trong việc kiểm tra xử lý nhưng quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải do Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông-trật tự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường hoặc Trưởng Công an phường ký theo sự phân công hoạt động của đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự.
+ Đội kiểm tra trật tự giao thông đô thị quận là lực lượng nồng cốt, trực tiếp hỗ trợ Công an trong việc giải tỏa các trường hợp chiếm dụng trái phép lề đường, các vụ ùn tắc giao thông.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận được quyền ban hành những qui định về thủ tục trong việc thực hiện các thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính qui định trong đề án này.
I.- CÁC HỖ TRỢ CHO ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN PHÚ NHUẬN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN:
1- Chấp thuận cho Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận lập kế hoạch đầu tư mua sắm bổ sung một số trang thiết bị cần thiết cho hoạt động thí điểm. Giao Ban An toàn giao thông thành phố và Sở Tài chính-Vật giá thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt.
Quận có thể tuyển dụng thêm lao động (tối đa 75 người) để có lực lượng hỗ trợ Công an quận, phường và Ủy ban nhân dân phường trong công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính và giải tỏa tình trạng chiếm dụng lề đường trái phép. Kinh phí phục vụ cho Đội kiểm tra trật tự giao thông đô thị (bao gồm đồng phục, trang bị, phụ cấp lao động.v.v…) trong thời gian thực hiện đề án thí điểm được sử dụng từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính của các đơn vị thuộc quận. Sau thời gian thực hiện thí điểm, nếu cần tiếp tục duy trì lực lượng này thì Ủy ban nhân dân quận tự cân đối nguồn chi.
2- Sở Giao thông Công chánh có nhiệm vụ :
+ Chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân quận tổ chức khảo sát tình hình các công trình giao thông đường bộ trên địa bàn quận, phân cấp cho quận thực hiện thí điểm những nội dung nêu ở mục II, phần 2 đề án này.
+ Giúp đỡ và hướng dẫn cho Ủy ban nhân dân quận về công tác phân luồng, tổ chức giao thông, các xử lý về mặt công trình để phòng chống ùn tắc giao thông.
+ Cung cấp và hướng dẫn cho quận thực hiện các thiết kế mẫu, các quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật, các định mức, định ngạch chuyên ngành về một số công trình giao thông như vỉa hè, dảy phân cách, cọc tiêu, biển báo hiệu giao thông đường bộ và các công trình thiết bị phụ trợ khác. Hướng dẫn cho quận việc lắp đặt, bảo trì, quản lý sử dụng các biển báo hiệu giao thông đường bộ.
+ Theo dõi tình hình kiểm tra xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận.
+ Phối hợp và giúp đỡ quận chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án.
3- Công an thành phố có trách nhiệm phân giao nhiệm vụ quản lý, bổ sung lực lượng hợp lý, theo dõi, chỉ đạo và giúp Công an quận triển khai thực hiện nhiệm vụ.
4- Sở Văn hóa và Thông tin và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tốt công tác tuyên truyền việc thực hiện Đề án thí điểm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận Phú Nhuận.
5- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể thành phố có chương trình và những hoạt động tích cực hỗ trợ, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng việc thực hiện Đề án thí điểm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận Phú Nhuận và từ kinh nghiệm của Phú Nhuận để nhân ra các địa phương trong toàn thành phố.
Căn cứ Đề án thực hiện thí điểm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận Phú Nhuận được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, các sở - ngành thành phố có liên quan và Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận khẩn trương thực hiện ngay một số việc sau đây :
1- Ban Tổ chức Chính quyền thành phố làm việc với Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính thành phố và Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận trình Ủy ban nhân dân thành phố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án thí điểm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận Phú Nhuận.
2- Sở Giao thông Công chánh làm nhiệm vụ thường trực giúp Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1640/CP-CCHC ngày 19 tháng 12 năm 2002 và Công văn số 1157/VPCP-CCHC ngày 14 tháng 3 năm 2003, xây dựng Chương trình kế hoạch của thành phố để chỉ đạo và hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận tổ chức thực hiện đề án.
3- Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố để chuẩn bị nội dung Hội nghị của thành phố về việc triển khai thực hiện đề án.
4- Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận xây dựng kế hoạch cụ thể của quận để triển khai thực hiện đề án, báo cáo Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố để theo dõi, chỉ đạo.
III- LỊCH TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN :
Đề án thí điểm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận Phú Nhuận dự kiến được triển khai thực hiện trong vòng 6 tháng, từ tháng 5 năm 2003 đến ngày 31 tháng 10 năm 2003, với 3 bước sau đây :
Bước 1: Triển khai ở cấp thành phố và cấp quận:
+ Thành lập Ban chỉ đạo cấp thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức Hội nghị triển khai Đề án.
+ Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận thành lập Ban chỉ đạo cấp quận và và tổ chức Hội nghị triển khai Đề án.
+ Đầu tháng 4 năm 2003, hoàn tất các công việc chuẩn bị ở cấp thành phố. Từ ngày 15 đến ngày 30 tháng 4 năm 2003, hoàn tất triển khai Đề án tại quận Phú Nhuận; tổ chức thành lập lực lượng tập huấn đội ngũ tham gia, xây dựng kế hoạch của từng phường, từng cấp Chính quyền, Đoàn thể của quận.
Bước 2 : Thực hiện Đề án :
+ Từ tháng 5 năm 2003, Đề án được thực hiện đồng loạt trên địa bàn quận Phú Nhuận.
+ Cuối tháng 7 năm 2003, tổ chức sơ kết; rút kinh ngiệm, xác định nội dung có thể nhân ra ở các quận – huyện còn lại; bổ sung nội dung và biện pháp để đẩy mạnh thực hiện Đề án đạt kết quả cao nhất.
+ Mỗi tháng có nhận định kết quả và xử lý ngay các vấn đề phát sinh.
Bước 3 : Tổng kết thí điểm :
Đầu tháng 11 năm 2003, tổng kết, báo cáo kết quả và đánh giá tình hình thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ ./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Nghị định 39/2001/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị Ban hành: 13/07/2001 | Cập nhật: 17/09/2012
Quyết định 38/2001/QĐ-UB về Quy chế tổ chức bán đấu giá hàng hóa, tài sản tịch thu sung công quỹ Nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước và các tài sản hàng hóa kê biên phát mãi theo quyết định xử lý của các cơ quan có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Ban hành: 07/05/2001 | Cập nhật: 22/12/2009
Quyết định 38/2001/QĐ-UB về hỗ trợ giáo viên mầm non bán công Ban hành: 29/05/2001 | Cập nhật: 28/07/2014
Quyết định 38/2001/QĐ-UB về việc chuyển Trung tâm giáo dục và dạy nghề Tân Triều thành Trung tâm Giáo dục 06 - Tân Triều do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Ban hành: 11/06/2001 | Cập nhật: 23/12/2009