Quyết định 665/QĐ-UBND năm 2014 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Hà Nam
Số hiệu: 665/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam Người ký: Trần Hồng Nga
Ngày ban hành: 07/07/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 665/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 07 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ, CỘNG ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”;

Căn cứ Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020”;

Theo đề nghị của Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam tại tờ trình số: 30/TTr-KH ngày 18 tháng 6 năm 2014.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Hà Nam. (ban hành kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ GD&ĐT (để báo cáo);
- Hội Khuyến học VN (để báo cáo);
- TT Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh (để báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- VPUB: LĐVP, VX, NC;
- Lưu VT, VX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hồng Nga

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ, CỘNG ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 665/QĐ-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam)

Thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” và Công văn số 153/CV-KHVN ngày 05/5/2014 của TW Hội khuyến học Việt Nam về việc: Hướng dẫn triển khai Quyết định 281/QĐ-TTg ở các tỉnh, thành phố. Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu:

1- Mục đích:

- Nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập (XHHT), học tập suốt đời (HTSĐ) trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

- Xây dựng XHHT nói chung và đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng nói riêng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự chỉ đạo và quản lý của các cấp chính quyền và sự tham gia vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, các lực lượng xã hội, trong đó Hội khuyến học giữ vai trò nòng cốt.

2- Yêu cầu:

- Quán triệt sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về: Đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng cần kế thừa, phát huy và phát triển truyền thống hiếu học của dân tộc, coi “gia đình học tập” là tế bào của XHHT.

- Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” gắn với nhiệm vụ phát triển bền vững của địa phương về kinh tế, văn hoá, xã hội và bảo vệ môi trường, với các phong trào khác ở địa phương.

II. Mục tiêu:

1- Mục tiêu chung:

Đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”, góp phần vào xây dựng xã hội học tập.

2- Mục tiêu cụ thể:

a- Xây dựng và thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” để triển khai nhân rộng từ năm 2016 trong phạm vi cả tỉnh.

b- Phấn đấu đến năm 2020:

- 100% cán bộ, hội viên của Hội khuyến học tỉnh được tập huấn nâng cao nhận thức về xã hội học tập và các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.

- 70% gia đình được công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”; 50% dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập”; 60% cộng đồng (thôn, làng, tổ dân phố và tương đương) đạt Danh hiệu “Cộng đồng học tập”.

- 50% các tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị, doanh nghiệp đạt Danh hiệu “Đơn vị học tập”.

III. Nhiệm vụ và giải pháp:

1. Xây dựng và thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”:

a) Tổ chức tổng kết kinh nghiệm về các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân, tổ chức Hội thảo tham gia ý kiến về các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.

b) Triển khai, giám sát, đánh giá, tổng kết việc thí điểm các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.

c) Tổ chức phát hành tài liệu hướng dẫn tuyên truyền và nhân rộng các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.

2- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xã hội học tập, về mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.

a) Tổ chức tuyên truyền thông qua hệ thống mạng lưới cơ sở và hội viên Hội khuyến học các cấp.

b) Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và địa phương.

c) Tổ chức tuyên truyền thông qua sự phối hợp với các tổ chức xã hội khác.

3- Phát động phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng:

a) Tổ chức hội nghị quán triệt Quyết định số 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09 tháng 01 năm 2013 về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020” và tiêu chí đánh giá Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” cho các cấp Hội khuyến học;

b) Tổ chức các Hội nghị triển khai nhân rộng các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng;

c) Giám sát, kiểm tra việc nhân rộng các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng ở các địa phương trong tỉnh và tổ chức các Hội nghị sơ kết việc triển khai nhân rộng các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.

d) Tổ chức Đại hội biểu dương các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đạt Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” tiêu biểu toàn tỉnh và ở các huyện, thành phố trong tỉnh.

4- Duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng:

a) Triển khai chương trình, phát hành tài liệu và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động tại Trung tâm học tập cộng đồng cho đội ngũ cán bộ, hội viên Hội khuyến học các cấp tham gia quản lý và giảng dạy tại các Trung tâm học tập cộng đồng;

b) Tập huấn và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý Trung tâm học tập cộng đồng.

5- Tổ chức đánh giá, công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”.

a) Triển khai Bộ tiêu chí đánh giá, công nhận các Danh hiệu.

b) Hướng dẫn đánh giá, công nhận các Danh hiệu của Trung ương Hội.

c) Tập huấn tổ chức đánh giá, công nhận các Danh hiệu;

d) Tổ chức đánh giá, công nhận các Danh hiệu.

IV. Kinh phí thực hiện Đề án:

1- Kinh phí thực hiện Đề án bao gồm: Ngân sách Nhà nước theo phân cấp Ngân sách Nhà nước hiện hành (ngân sách địa phương) được cấp cho Hội có tính chất đặc thù và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

2- Căn cứ các nhiệm vụ được giao, hằng năm Hội khuyến học các cấp lập dự toán kinh phí thực hiện và tổng hợp chung vào dự toán chi Ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động của Hội, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để bố trí kinh phí thực hiện theo quy định.

3- Các địa phương có trách nhiệm cân đối ngân sách dành kinh phí hỗ trợ việc xây dựng và thí điểm các mô hình học tập suốt đời, tổ chức tập huấn, tuyên truyền, nhân rộng, giám sát, đánh giá, khen thưởng các cá nhân, gia đình, dòng họ,cộng đồng, các tổ chức có thành tích hoặc có đóng góp tích cực đối với phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và tổ chức đánh giá, công nhận các Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” tại địa phương mình.

V. Tổ chức thực hiện Đề án:

1- Hội khuyến học tỉnh:

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội có liên quan để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Đề án;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn các Hội khuyến học huyện, thành phố, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án ở địa phương.

c) Kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện Đề án của các địa phương và định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

2- Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Chủ trì, phối hợp với Hội khuyến học tỉnh củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng tại các địa phương.

b) Phối hợp với Hội khuyến học tỉnh tổ chức thí điểm và nhân rộng mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.

c) Phối hợp với Hội khuyến học tỉnh tổ chức xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”.

3- Sở Thông tin và Truyền thông:

Phối hợp chặt chẽ với Hội khuyến học tỉnh trong việc tuyên truyền về các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua các tổ chức, mạng lưới của mình.

4- Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:

Phối hợp với Hội khuyến học tỉnh trong việc đánh giá, công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” kết hợp với việc đánh giá công nhận Danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn văn hoá”, “Làng văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá” và tương đương.

5- Sở Tài chính:

- Bố trí nguồn kinh phí thường xuyên hàng năm để thực hiện Đề án theo qui định của Nhà nước.

- Phối hợp với Hội khuyến học tỉnh và các Sở, ngành liên quan hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính, đầu tư đối với các hoạt động của Đề án.

- Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án.

6- Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức từ tỉnh đến cấp xã.

7- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hà Nam.

- Tổ chức các hình thức tuyên truyền phong phú về xây dựng xã hội học tập thông qua cuộc vận động xây dựng phong trào “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”.

- Xây dựng chuyên mục “Xây dựng xã hội học tập”, qua đó vận động người dân học tập thường xuyên, suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng, tận dụng mọi cơ hội để học tập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

8- Các Sở, ngành khác:

- Phối hợp chặt chẽ với Hội khuyến học tỉnh và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện phong trào học tập suốt đời trong cơ quan, đơn vị.

9- Uỷ ban nhân dân các cấp:

a) Có trách nhiệm bố trí ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án tại địa phương; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp ở địa phương phối hợp với Hội khuyến học các cấp trong việc triển khai thực hiện Đề án.

b) Chỉ đạo cơ quan phát thanh của địa phương xây dựng chuyên mục tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập, trong đó có tuyên truyền về mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.

c) Chủ trì, phối hợp với Hội khuyến học tỉnh tổ chức công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” ở địa phương mình.

10- Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp:

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội khuyến học tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên thuộc cơ quan, tổ chức của mình được học thường xuyên, học suốt đời và tích cực tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng của mình đạt Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”.

VI. Tiến độ thực hiện:

1- Năm 2014, 2015: Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện. Cuối năm 2015 tổ chức sơ kết việc thực hiện kế hoạch.

2- Từ năm 2016 đến 2020: Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch, hoàn thành các mục tiêu đến năm 2020. Cuối năm 2020 tổ chức tổng kết việc thực hiện kế hoạch.

VII. Chế độ báo cáo:

Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan định kỳ báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch về UBND tỉnh (qua Hội khuyến học tỉnh) trước ngày 15/6 và ngày 15/12 hàng năm để tổng hợp và báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020.

Trên đây là kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Các Sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch này./.