Quyết định 661/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể các điểm đấu nối vào đường tỉnh trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030
Số hiệu: 661/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái Người ký: Phạm Duy Cường
Ngày ban hành: 04/06/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 661/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 04 tháng 6 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC: PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ CÁC ĐIỂM ĐẤU NỐI VÀO ĐƯỜNG TỈNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2011-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 17/6/2009;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ Giao thông vận tải về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 356/QĐ-TTG ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1154/QĐ-TTG ngày 28/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 630/2003/QĐ-UBND ngày 27/11/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt dự án điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2003 - 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1440/QĐ-UBND ngày 27/9/2011 của Chủ tich Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về phê duyệt đề cương, dự toán chi phí lập Quy hoạch các điểm đấu nối vào Đường tỉnh trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến 2030;

Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 250/TTr-SGTVT ngày 29 tháng 3 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể các điểm đấu nối vào đường tỉnh trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030, với các nội dung như sau:

1. Tên dự án: Quy hoạch tổng thể các điểm đấu nối vào Đường tỉnh trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030.

2. Phạm vi quy hoạch:

Quy hoạch này nghiên cứu đấu nối vào các tuyến Đường tỉnh trên địa bàn tỉnh Yên Bái đối với các đường giao thông công cộng, đường vào các khu công nghiệp, dịch vụ, các cơ quan, xí nghiệp, các cụm dân cư...

Đối với các khu dân cư, đô thị đã có quy hoạch được duyệt và các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, việc đấu nối vào các tuyến đường tỉnh được thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt.

3. Mục tiêu quy hoạch:

- Lập lại trật tự, kỷ cương trong việc quản lý, khai thác, bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ của các tổ chức, cá nhân có liên quan; ngăn chặn, không để phát sinh thêm các trường hợp đấu nối trái phép vào các tuyến Đường tỉnh.

- Từng bước khắc phục các điểm đấu nối không hợp lý theo hướng giảm dần các điểm đấu nối trực tiếp vào các tuyến Đường tỉnh, đồng thời bổ sung thêm một số điểm đấu nối mới cần thiết, nhằm bảo vệ và khai thác có hiệu quả công trình đường bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

- Làm căn cứ để quản lý các điểm đấu nối cũ và xác định các điểm đấu nối mới, đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện.

4. Nguyên tắc quy hoạch các điểm đấu nối:

* Các điểm đấu nối:

Phải ưu tiên đưa vào quy hoạch đấu nối trực tiếp với Đường tỉnh các tuyến đường quan trọng như: đường giao thông công cộng trục chính ( đường quốc lộ, Đường tỉnh, huyện, xã), đường vào các khu, cụm công nghiệp... Các điểm đấu nối này sẽ tuân thủ theo thỏa thuận của Bộ GTVT (theo Công văn số 2049/BGTVT-KCHT ngày 05/4/2010).

* Các đoạn đường qua khu dân cư đô thị đã có quy hoạch được duyệt:

- Đấu nối các đường giao thông theo quy hoạch khu dân cư, quy hoạch đô thị đã được duyệt.

- Trong khu đô thị những đoạn tuyến Đường tỉnh sẽ chuyển đổi thành các tuyến đường đô thị theo quy hoạch.

* Đấu nối các cửa hàng kinh doanh xăng dầu:

Các cửa hàng xăng dầu được đấu nối theo Quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được UBND tỉnh phê duyệt.

* Phương án xây dựng đường gom:

Đường gom được xây dựng để đóng các điểm đấu nối không đảm bảo khoảng cách theo quy định, bề rộng đường gom từ 5 - 7 m tuỳ trường hợp cụ thể.

- Đối với các điểm nằm trong khu dân cư chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt: Đường gom nằm trong hành lang an toàn đường bộ, nằm sát đường chính (có châm trước trường hợp này do dân cư đã bám sát hai bên đường, điều kiện GPMB khó khăn).

- Đối với các điểm nằm ngoài khu dân cư: Đường gom nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ, theo đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ.

5. Nội dung quy hoạch:

5.1. Quy hoạch các điểm đấu nối vào Đường tỉnh đến năm 2020

Giai đoạn đến năm 2020, trên cơ sở mạng lưới đường hiện có và các các quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch lĩnh vực, ngành từng bước khắc phục các điểm đấu nối không hợp lý, đồng thời bổ sung các điểm đấu nối mới nhằm khai thác hiệu quả các tuyến đường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội

Chi tiết quy hoạch đấu nối từng tuyến đường và sơ đồ các điểm đấu nối vào Đường tỉnh theo như thuyết minh của dự án quy hoạch được phê duyệt cùng với quyết định này.

5.2. Định hướng quy hoạch đến năm 2030

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 giữ nguyên các điểm đấu nối và đường gom như trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tiếp tục bổ sung các điểm đấu nối mới cho phù hợp với yêu cầu phát triển, đồng thời nâng cấp một số nút giao với các đường Quốc lộ, Đường tỉnh và một số đường vào khu công nghiệp quan trọng với Đường tỉnh thành nút giao khác mức hoàn chỉnh.

6. Giải pháp thực hiện:

- Tổ chức tuyên truyền phổ biến rộng rãi, công khai, minh bạch về Quy hoạch các điểm đấu nối vào Đường tỉnh được phê duyệt để các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân biết, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện.

- Xử lý các công trình hợp pháp trong hành lang an toàn đường bộ; tiến hành thống kê, phân loại các công trình hợp pháp trong hành lang an toàn đường bộ và lên phương án đền bù, giải toả hành lang. Đối với các công trình vi phạm trái phép trong hành lang an toàn đường bộ: Tiến hành thống kê, phân loại các công trình vi phạm trái phép trong hành lang an toàn đường bộ, đồng thời vận động kết hợp các biện pháp phù hợp dỡ bỏ theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường năng lực cán bộ quản lý giao thông các cấp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý giao thông vận tải trên địa bàn toàn tỉnh.

- Đơn vị quản lý đường bộ có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, phát hiện, đình chỉ và lập hồ sơ các vụ việc của tổ chức, cá nhân có hành vi mở đường ngang đấu nối trái phép, không đúng quy hoạch. Kịp thời báo cáo và yêu cầu ủy ban nhân dân cấp xã nơi có vi phạm và thông báo cho lực lượng Thanh tra giao thông cùng cấp để xử lý theo thẩm quyền

- Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; quan tâm đến việc giao đất, cho thuê đất, cấp chứng chỉ quy hoạch, giấy phép xây dựng dọc đường bộ để bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông đường bộ và không ảnh hưởng đến an toàn công trình giao thông và hoạt động giao thông vận tải.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

Trên cơ sở nội dung phê duyệt quy hoạch tại Điều 1 của Quyết định này, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm cụ thể hóa, tổ chức thực hiện, xây dựng kế hoạch hàng năm phù hợp với phát triển kinh tế xã hội; kiểm tra, giám sát việc thực hiện và đề xuất các giải pháp cần thiết để thực hiện quy hoạch theo đúng quy định hiện hành; định kỳ cập nhật, đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông vận tải thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3 QĐ;
- TT. Tỉnh uỷ;
- TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT.UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Chánh, Phó VP (TH, TNMT);
- Lưu: VT, XD, TNMT, TH.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Duy Cường