Quyết định 658/QĐ-UBND năm 2008 Phê duyệt Đề án Đẩy mạnh phát triển và Ứng dụng Công nghệ sinh học (CNSH) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành
Số hiệu: | 658/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Trị | Người ký: | Lê Hữu Phúc |
Ngày ban hành: | 11/04/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Khoa học, công nghệ, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 658/QĐ-UBND |
Đông Hà, ngày 11 tháng 4 năm 2008 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04 tháng 3 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc Đẩy mạnh phát triển và Ứng dụng Công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
Căn cứ Chỉ thị số 06/CT-TU ngày 01 tháng 8 năm 2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị về việc Đẩy mạnh phát triển và Ứng dụng Công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 51/TTr-KHCN ngày 20 tháng 02 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Đề án Đẩy mạnh phát triển và Ứng dụng Công nghệ sinh học (CNSH) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2015” (Sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu tổng quát
- Đẩy mạnh việc tổ chức triển khai ứng dụng các thành tựu thuộc lĩnh vực CNSH phục vụ thiết thực và có hiệu quả sự phát triển bền vững nông- lâm- ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo vệ sức khỏe nhân dân và môi trường sống;
- Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực cho CNSH, xây dựng các lộ trình khuyến khích hình thành các xí nghiệp công nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản đổi mới công nghệ, áp dụng các thành tựu của CNSH vào sản xuất.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Giai đoạn đến 2010
- Tiếp nhận và làm chủ được các công nghệ về CNSH chủ yếu, triển khai ứng dụng công nghệ phù hợp với địa phương về các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, y tế, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường. Ứng dụng CNSH để sản xuất các sản phẩm mới về giống cây trồng, vật nuôi, chủng vi sinh vật, chế phẩm sinh học, sản phẩm chế biến công nghiệp...có năng suất cao, chất lượng tốt, có sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao. Tạo ra phong trào ứng dụng rộng rãi CNSH trong sản xuất và đời sống nhằm đa dạng hóa các sản phẩm trong các ngành sản xuất của địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và bảo vệ môi trường;
- Hoàn chỉnh công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ CNSH trong hoạt động ứng dụng công nghệ mới để có đủ năng lực làm chủ công nghệ, tăng cường tiềm lực cho các Trung tâm Nghiên cứu- Phát triển CNSH, các phòng thí nghiệm CNSH về cơ sở vật chất đủ năng lực tiếp nhận các kết quả nghiên cứu, phát triển từ các cơ quan nghiên cứu trung ương, từ đó chuyển hóa chúng vào thực tiễn của sản xuất và đời sống phục vụ phát triển kinh tế tỉnh nhà;
- Mở rộng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực CNSH.
2.2. Giai đoạn 2011- 2015
- Triển khai ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả CNSH vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, nông lâm nghiệp, thủy sản, y tế và bảo vệ môi trường, sản xuất được một số sản phẩm chủ lực và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà;
- Hình thành một số cơ sở, doanh nghiệp CNSH vừa và nhỏ nhằm sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm CNSH phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Lấy công nghệ nhập làm chính để hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học ở địa phương;
- Đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực có trình độ cao, làm chủ một số công nghệ trong lĩnh vực CNSH phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Hình thành Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng CNSH có đủ năng lực triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao về lĩnh vực CNSH và tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực CNSH.
1. Tập trung xây dựng và phát triển nhanh tiềm lực KHCN thuộc lĩnh vực CNSH
1.1. Đào tạo nguồn nhân lực cho CNSH
Xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho CNSH để có được đội ngũ cán bộ kỹ thuật về CNSH đủ mạnh về cả số lượng và chất lượng. Từ nay đến 2015 cần đào tạo, thu hút được từ 10- 20 cán bộ kỹ thuật CNSH; cần bổ sung cơ cấu hợp lý trong chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực KHCN về lĩnh vực CNSH, thu hút được các nhà khoa học trong và ngoài nước hợp tác phát triển CNSH cho tỉnh. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao, các doanh nghiệp của trung ương và các địa phương khác trong nước cũng như nước ngoài (Thái Lan, Trung Quốc) nhằm thu hút, tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển CNSH.
1.2. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu ứng dụng CNSH
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên ngành cho các phòng thí nghiệm CNSH thuộc các trung tâm, trạm, trại của các Sở, ngành đảm bảo đủ năng lực nghiên cứu và làm chủ được các công nghệ tiên tiến, triển khai ứng dụng các thành tựu CNSH vào sản xuất và đời sống.
2. Ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả CNSH vào sản xuất và đời sống
2.1. CNSH phục vụ phát triển nông- lâm nghiệp
- Ứng dụng rộng rãi CNSH trong việc cải tạo và tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương;
- Ứng dụng CNSH để tuyển chọn, nhân giống cây lương thực, rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp và cây rừng có năng suất, chất lượng tốt, có tính thích nghi cao với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của từng vùng trong tỉnh. Tạo và nhân giống cây trồng mới có năng suất chất lượng và hiệu quả cao cho phát triển nông, lâm nghiệp và cây dược liệu, nấm ăn;
- Chú trọng áp dụng CNSH trong việc lai tạo giống và ứng dụng giống lai nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng, sức đề kháng của các giống gia súc, gia cầm của tỉnh. Bảo tồn phát triển và sử dụng nguồn gen quý. Ứng dụng các loại vacxin cho vật nuôi. Ứng dụng các chế phẩm chẩn đoán (KIT) bệnh cây trồng, vật nuôi, ngăn chặn các bệnh dịch lớn;
- Ứng dụng CNSH trong chế biến thức ăn cho gia súc từ các phụ phẩm chế biến sẵn có tại địa phương;
- Ứng dụng rộng rãi các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trong nông nghiệp nông thôn;
- Ứng dụng CNSH trong việc sản xuất các chế phẩm bảo vệ cây trồng và bảo quản nông sản, vật nuôi cũng như trong sản xuất phân bón và các chế phẩm sinh học phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cải tạo đất, phát triển nền nông nghiệp sạch;
- Nghiên cứu ứng dụng quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm sinh học tiên tiến trong nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh về giá cả và tiêu chuẩn chất lượng quốc tế;
- Nghiên cứu ứng dụng quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn tiêu thụ nội địa và xuất khẩu như: Cà phê, hồ tiêu...
2.2. CNSH phục vụ chế biến và nuôi trồng thủy sản
- Ứng dụng CNSH sản xuất giống thủy sản có giá trị kinh tế cao nhằm chủ động nguồn giống và đa dạng hóa các giống loài thủy sản phù hợp. Nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ sinh sản nhân tạo, sản xuất giống sạch bệnh. Chuyển giao các tiến bộ CNSH cho người dân trong quá trình sản xuất giống và nuôi tôm cá để có chất lượng giống tốt, sạch bệnh, nuôi có hiệu quả kinh tế cao;
- Ứng dụng chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh và xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;
- Tăng cường năng lực thiết bị, KIT chẩn đoán để kiểm soát dịch bệnh và các chất dư lượng độc hại khác.
2.3. CNSH phục vụ Y tế và bảo vệ sức khỏe nhân dân
- CNSH phải phục vụ hiệu quả và góp phần nâng cao chất lượng của công tác khám, chữa bệnh và phòng bệnh cho nhân dân;
- Sản xuất kháng sinh, chế phẩm y sinh từ thảo dược bảo vệ sức khoẻ nhân dân;
- Ứng dụng các loại vacxin phòng các bệnh chính cho người, trong đó có vacxin thế hệ mới;
- Ứng dụng công nghệ KIT để chẩn đoán bệnh. Ứng dụng các chế phẩm CNSH trong chẩn đoán và điều trị các loại bệnh nhiễm khuẩn và không nhiễm khuẩn. Từng bước ứng dụng liệu pháp công nghệ gen, công nghệ tế bào vào điều trị các bệnh hiểm nghèo;
- Ứng dụng CNSH trong xử lý nước thải tại các bệnh viện.
2.4. CNSH phục vụ các ngành công nghiệp
- Cải tiến và nâng cao chất lượng các sản phẩm cổ truyền như rượu, nước mắm...;
- Ứng dụng các chế phẩm enzym sử dụng trong chế biến thực phẩm. Ứng dụng CNSH trong bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm.
2.5. CNSH phục vụ xử lý ô nhiễm môi trường
Ứng dụng các công nghệ xử lý nước thải, rác thải, phế thải hữu cơ rắn, chất thải chăn nuôi. Ứng dụng các giải pháp CNSH và các chế phẩm sinh học trong xử lý ô nhiễm như chất thải sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp để khắc phục suy thoái và ô nhiễm môi trường.
3. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển và ứng dụng Công nghệ sinh học
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về CNSH, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi của địa phương trên cơ sở các cơ chế, chính sách của trung ương, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ giai đoạn CNH, HĐH tỉnh nhà, trong đó chú trọng các chính sách thu hút, tăng cường và đa dạng hoá các nguồn đầu tư; chính sách ưu đãi nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ khoa học và công nhân lành nghề; chính sách khuyến khích và hỗ trợ hoạt động chuyển giao và áp dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm gắn kết chặt chẽ CNSH với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tự xây dựng cơ sở nghiên cứu và ứng dụng CNSH; chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy việc phát triển nhanh các doanh nghiệp CNSH vừa và nhỏ.
Tổng kinh phí để thực hiện Đề án sẽ được xác định trên cơ sở kinh phí của từng dự án, đề tài, nhiệm vụ KHCN cụ thể được UBND tỉnh phê duyệt.
Tổng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung của Đề án dự kiến khoảng 30 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí: Sự nghiệp Khoa học, sự nghiệp Kinh tế- Xã hội, kinh phí đào tạo của tỉnh, các nguồn hỗ trợ từ TW và các nguồn khác…
1. Đẩy mạnh việc triển khai và thực hiện có hiệu quả, khuyến khích chuyển giao công nghệ về lĩnh vực CNSH vào sản xuất và đời sống
Trên cơ sở định hướng chiến lược về phát triển CNSH của các Bộ liên quan và quy hoạch tổng thể phát triển CNSH của tỉnh, kết hợp hài hòa giữa phát triển CNSH với phát triển kinh tế- xã hội, các ngành và địa phương khẩn trương xây dựng định hướng và kế hoạch cụ thể về phát triển và ứng dụng CNSH. Ưu tiên đầu tư cho các dự án, đề tài về CNSH, nội dung KHCN của các dự án, đề tài CNSH phải được gắn kết, lồng ghép trong các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh. Các dự án, đề tài cần tập trung vào các lĩnh vực: Nông- lâm nghiệp, Thủy sản, Y tế, Bảo vệ môi trường, Công nghiệp.
Gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế; khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động phổ biến, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về CNSH vào trong sản xuất và đời sống.
2. Tăng cường đầu tư và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án
Hàng năm dành nguồn kinh phí ngân sách và kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh để đầu tư cho CNSH- tăng cường phân bổ kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án về CNSH. Đồng thời huy động các nguồn kinh phí khác và tranh thủ các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ ứng dụng và phát triển CNSH. Ưu tiên xem xét, bố trí nguồn vốn xây dựng cơ bản từ ngân sách hàng năm đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở vật chất và phát triển tiềm lực KHCN cho CNSH (Đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và năng lực nghiên cứu triển khai).
Đa dạng hóa các nguồn đầu tư (Vốn ngân sách nhà nước Trung ương, vốn ngân sách nhà nước địa phương, vốn tài trợ thông qua các tổ chức quốc tế, vốn mời gọi đầu tư qua doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân…) cho nghiên cứu, ứng dụng CNSH và sản xuất các sản phẩm CNSH, các ngành liên quan cần chủ động nhanh chóng xây dựng các chương trình, dự án khả thi về CNSH trình UBND tỉnh để có thể mời gọi đầu tư thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, vốn các Bộ, ngành, vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, ngân hàng thế giới, ngân hàng Châu Á, vốn vay ưu đãi từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Trung ương, vốn sự nghiệp Môi trường,…
Có chính sách ưu đãi cho phát triển nhanh các doanh nghiệp CNSH vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Ngân sách sự nghiệp Khoa học tỉnh tập trung đầu tư cho một số chương trình về quy hoạch phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, xây dựng cơ sở thí nghiệm, nghiên cứu ứng dụng và phát triển CNSH cho đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.
3. Đẩy mạnh việc xây dựng tiềm lực KHCN
CNSH đòi hỏi tiềm lực nghiên cứu, triển khai đủ mạnh thì mới phát huy được hiệu quả ứng dụng của nó. Trong đó, có các yếu tố về đội ngũ cán bộ, hệ thống phòng thí nghiệm, Trung tâm nghiên cứu có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, chính sách hỗ trợ hợp lý để gắn kết việc triển khai các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, tạo ra sản phẩm. Do vậy, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực CNSH, nhất là cán bộ có trình độ trên đại học cần được ưu tiên triển khai thực hiện. Trong những năm tới, khẩn trương xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển CNSH tỉnh Quảng Trị đến năm 2015, trong đó bao gồm cả nội dung đào tạo nguồn nhân lực và mở rộng hợp tác quốc tế. Kế hoạch đào tạo, cần thực hiện theo hai hướng: Đào tạo đội ngũ cán bộ đầu ngành trong lĩnh vực CNSH nông nghiệp, công nghệ thực phẩm và môi trường để định hướng và dẫn dắt nhiệm vụ nghiên cứu triển khai, có khả năng tiếp cận và sáng tạo công nghệ mới trong lĩnh vực khoa học, tạo ra được các sản phẩm cho xã hội và đào tạo đội ngũ nhân lực cần thiết chuyên ngành để triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất hoặc ứng dụng công nghệ của nước ngoài để sản xuất sản phẩm CNSH.
Song song với đào tạo cán bộ thì việc tăng cường đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng mới các phòng thí nghiệm CNSH, nhất là các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thực phẩm và môi trường là rất cần thiết cho việc nghiên cứu, ứng dụng các kết quả vào sản xuất. Xây dựng các dự án tăng cường cơ sở vật chất phòng thí nghiệm CNSH đáp ứng nhu cầu triển khai và ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
4. Hoàn thiện cơ chế chính sách
Trên cơ sở những nội dung của Đề án này, xây dựng chính sách thích hợp để phát triển mạnh mẽ ngành CNSH địa phương, cụ thể:
- Xây dựng và áp dụng chính sách thu hút, đa dạng hóa các nguồn đầu tư trong nước và ngoài nước cho nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm CNSH; có chính sách ưu đãi cho phát triển nhanh các doanh nghiệp CNSH vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Rà soát, điều chỉnh lại các chính sách thu hút, bồi dưỡng nhân tài, đặc biệt là trong lĩnh vực CNSH.
5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và nhân dân về vai trò quan trọng của CNSH và tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực CNSH
- Triển khai quán triệt sâu rộng Chỉ thị 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các chủ trương, chính sách của Chính phủ, của tỉnh về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp ủy đảng, các ngành, các cấp và trong nhân dân về vai trò, vị trí của CNSH trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuyên truyền, phổ biến những thành tựu của CNSH, hướng dẫn việc ứng dụng CNSH phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh;
- Mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan khoa học, các trường Đại học, các doanh nghiệp CNSH trong và ngoài nước trong việc đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu CNSH.
Đề án đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh đến 2015 là nền tảng của mọi hoạt động ứng dụng và phát triển CNSH trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2008- 2015. Do vậy, để Đề án được triển khai hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu:
1. Sở Khoa học và Công nghệ
Là cơ quan đầu mối có nhiệm vụ giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện Đề án này, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Chủ trì xây dựng dự án “Tăng cường cơ sở vật chất xây dựng phòng thí nghiệm nuôi cấy mô tế bào, sản xuất giống nấm đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng CNSH tại Quảng Trị”.
Hướng dẫn các Sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng dự án phát triển và ứng dụng CNSH theo ngành và lĩnh vực liên quan.
Phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng và triển khai dự án: “Đào tạo nguồn nhân lực CNSH và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển CNSH đến năm 2015”.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập doanh nghiệp, xí nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm CNSH. Cân đối, bố trí vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch hàng năm và dài hạn để thực hiện các nội dung, chương trình, dự án của Đề án này đạt hiệu quả.
3. Các cơ quan Báo, Đài và Sở Văn hóa- Thông tin xây dựng kế hoạch phổ biến, tuyên truyền về CNSH, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật trong CNSH nông, lâm, ngư nghiệp nhất là việc tuyên truyền điển hình tiên tiến trong phát triển và ứng dụng CNSH của các địa phương.
4. UBMTTQ, các hội, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị trong công tác vận động, phát động tham gia triển khai thực hiện Đề án này.
6. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã căn cứ vào nội dung Đề án, lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm của địa phương. Phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan triển khai ứng dụng hiệu quả các chương trình, dự án CNSH vào sản xuất, đời sống.
Các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã căn cứ vào nội dung Đề án để tổ chức triển khai thực hiện, định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |