Quyết định 65/2007/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Lào Cai do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành
Số hiệu: 65/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai Người ký: Nguyễn Hữu Vạn
Ngày ban hành: 22/08/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 65/2007/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 22 tháng 08 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài;
Căn cứ Thông tư số 04/2001/TT-BKH ngày 05/6/2001 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 70/2001/TT-BTC ngày 24/8/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại; Quyết định số 19/2007/QĐ-BTC ngày 27/3/2007 của Bộ Tài chính ban hành Quy chế hạch toán ghi thu ghi chi ngân sách nhà nước đối với các khoản vay và viện trợ nước ngoài của Chính phủ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 610/TTr-KHĐT ngày 14/8/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Lào Cai”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 374/2003/QĐ-UBND ngày 14/8/2003 của UBND tỉnh Lào Cai;

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ;
- TT. TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, TH, VX, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Vạn

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 65/2007/QĐ-UB ngày 22 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định thống nhất quản lý các hoạt động xúc tiến, vận động, sử dụng nguồn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (sau đây gọi tắt là viện trợ PCP). Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai thống nhất quản lý mọi nguồn viện trợ PCP từ quá trình vận động, đàm phán, ký kết, phê duyệt, giám sát đánh giá kết quả, hiệu quả sử dụng các khoản viện trợ PCP trên địa bàn toàn tỉnh.

Điều 2. Viện trợ PCP là khoản viện trợ không hoàn lại và trợ giúp không vì mục đích lợi nhuận của các tổ chức và cá nhân người nước ngoài, kể cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là Bên tài trợ) hỗ trợ cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức nhân dân (bao gồm các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp và một số tổ chức khác) của tỉnh Lào Cai (sau đây gọi tắt là Bên nhận tài trợ) thực hiện các mục tiêu nhân đạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Lào Cai, được quản lý tài chính theo quy định hiện hành của Nhà nước, bao gồm các hình thức chủ yếu sau đây:

- Viện trợ thông qua các chương trình, dự án.

- Viện trợ phi dự án (bao gồm cả khoản cứu trợ khẩn cấp).

Điều 3. Giải thích từ ngữ.

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Chương trình”: Là một tập hợp các dự án liên quan đến nhau, liên quan đến nhiều ngành kinh tế kỹ thuật, nhiều chủ thể khác nhau, cần được thực hiện thông qua phương pháp tiếp cận liên ngành, thời hạn thực hiện tương đối dài và phương tiện để thực hiện cần được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, theo nhiều phương thức khác nhau.

2. “Dự án”: Là một tập hợp các hoạt động có liên quan đến nhau nhằm đạt một hoặc một số mục tiêu cụ thể được thực hiện trong một thời hạn nhất định dựa trên những nguồn lực xác định.

3. “Thỏa thuận về viện trợ PCP”: Là văn bản ghi nhận ý định ban đầu (không ràng buộc về pháp lý) về các khoản viện trợ PCP giữa đại diện của Bên nhận tài trợ và Bên tài trợ.

4. “Văn kiện Chương trình, dự án viện trợ PCP”: Là tài liệu chính thức thể hiện cam kết giữa đại diện của Bên nhận tài trợ và đại diện của Bên tài trợ về một Chương trình hoặc một Dự án cụ thể, trong đó xác định rõ: Mục tiêu, các hoạt động, các kết quả cần đạt được, nguồn lực được sử dụng, thời hạn và kế hoạch thực hiện, nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của các bên có liên quan.

5. “Viện trợ phi dự án”: Là các khoản viện trợ không thuộc Chương trình, dự án cung cấp viện trợ dưới dạng hiện vật (hàng hóa, vật tư, thiết bị…), tiền mặt hoặc chuyên gia (kể cả chuyên gia tình nguyện) cho các mục đích nhân đạo, từ thiện (sau đây gọi chung là nhân đạo).

6. “Cứu trợ khẩn cấp”: Là khoản viện trợ thuộc viện trợ phi dự án được thực hiện khẩn trương ngay sau khi xảy ra các trường hợp khẩn cấp (thiên tai hoặc các tai họa khác) và kéo dài tối đa là 2 tháng sau khi các trường hợp khẩn cấp chấm dứt. Sau thời hạn trên, nếu khoản cứu trợ này vẫn được tiếp tục thì được coi là viện trợ khắc phục hậu quả sau khẩn cấp.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Vận động viện trợ PCP:

1. Vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài phải phù hợp Quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược xóa đói – giảm nghèo, theo kế hoạch và chương trình vận động của tỉnh Lào Cai tại thời điểm vận động.

2. Các tổ chức, cơ quan, đoàn thể trong tỉnh chủ động tiến hành công tác xúc tiến vận động viện trợ PCP, phối hợp với Sở Ngoại vụ để tìm hiểu thông tin về các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ lần đầu hoạt động tại Lào Cai nhằm đạt hiệu quả và tính khả thi cao, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan để tìm hiểu và thực hiện đúng quy trình và các quy định về quản lý các dự án viện trợ PCP trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

3. Vận động cứu trợ khẩn cấp phải căn cứ vào mức độ thiệt hại cụ thể về người, tài sản, công trình… đối với từng địa bàn bị ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc các tai họa khác, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các cơ quan liên quan đề xuất UBND tỉnh xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức độ kêu gọi viện trợ khẩn cấp với cộng đồng quốc tế.

Điều 5. Đàm phán và ký kết viện trợ PCP:

1. Việc đàm phán ký kết các khoản viện trợ PCP của Bên nhận tài trợ được dựa trên cơ sở định hướng thu hút và sử dụng viện trợ PCP và Chương trình hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các tổ chức tài trợ, đảm bảo tuân thủ các quy định của Nhà nước và của tỉnh Lào Cai về quản lý đầu tư, quản lý Chương trình, dự án theo pháp luật hiện hành.

2. Đối với các khoản viện trợ thông qua Chương trình, dự án: Sau khi ký kết thỏa thuận viện trợ với tổ chức PCP, Bên nhận tài trợ phải phối hợp với Bên tài trợ xây dựng chi tiết nội dung Chương trình, dự án nêu rõ kế hoạch thực hiện, nguồn vốn viện trợ cho từng giai đoạn (nếu thực hiện theo nhiều giai đoạn), nhu cầu vốn đối ứng (nếu có) và những điều kiện ràng buộc của Bên tài trợ trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

3. Đối với các khoản viện trợ phi dự án: Sau khi ký kết thỏa thuận viện trợ, Bên nhận tài trợ phải xây dựng báo cáo trong đó nêu rõ nội dung viện trợ, đối tượng viện trợ, hình thức viện trợ (bằng tiền hay hiện vật), tổng giá trị viện trợ hoặc danh mục cụ thể hàng viện trợ trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

4. Đối với các khoản cứu trợ khẩn cấp, ngoài những yêu cầu được nêu đối với khoản viện trợ phi dự án, cần nêu rõ mức độ thiệt hại, những nhu cầu thiết yếu trước mắt cần giải quyết ngay để khắc phục các hậu quả ban đầu, ổn định tình hình sau cứu trợ.

Điều 6. Phê duyệt các khoản viện trợ PCP:

Mọi Chương trình, dự án và các khoản viện trợ phi dự án, cứu trợ khẩn cấp đều phải được phê duyệt theo đúng thẩm quyền trước khi triển khai thực hiện, thẩm quyền phê duyệt như sau:

6.1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:

a) Các Chương trình, dự án sử dụng viện trợ PCP có mức vốn từ 500.000 USD trở lên.

b) Mọi Chương trình, dự án có nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, văn hóa thông tin, tôn giáo, quốc phòng, an ninh.

c) Các khoản viện trợ phi dự án có giá trị từ 200.000 USD trở lên.

d) Các khoản viện trợ phi dự án hỗ trợ các hoạt động có nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, văn hóa thông tin, tôn giáo, quốc phòng, an ninh.

e) Các Chương trình, dự án và các khoản viện trợ phi dự án có những mặt hàng thuộc diện hạn chế nhập khẩu (ô tô, xe máy, hàng hóa và trang thiết bị đã qua sử dụng và một số loại tân dược) theo quy định của chính phủ.

g) Các khoản cứu trợ khẩn cấp không có địa chỉ cụ thể (bên tài trợ không ấn định cứu trợ cho một địa phương cụ thể nào).

6.2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW, Thủ trưởng cơ quan TW của các tổ chức nhân dân phê duyệt:

a) Các Chương trình, dự án có mức vốn dưới 500.000 USD (trừ khoản b, e mục 6.1 nêu trên)

b Các khoản viện trợ phi dự án có giá trị dưới 200.000 USD (trừ khoản d, e mục 6.1 nêu trên)

c) Mọi khoản cứu trợ khẩn cấp đã có địa chỉ cụ thể.

Điều 7. Việc bán hàng hóa thuộc các viện trợ PCP quy định như sau:

1. Hàng hóa thuộc các khoản viện trợ PCP được các Bên thỏa thuận đưa vào tỉnh Lào Cai bán để thực hiện các mục tiêu đã đề ra do Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai xem xét, quyết định theo quy định.

2. Hàng hóa trên phải được tổ chức bán đấu giá theo quy định về việc bán đấu giá tài sản hiện hành.

Điều 8. Quy trình quản lý chương trình, dự án viện trợ PCP.

1. Chủ trương tiếp nhận viện trợ PCP.

a) Chương trình, dự án độc lập chủ dự án là các tổ chức của tỉnh Lào Cai.

- Trước khi ký kết thỏa thuận với Bên tài trợ, Bên nhận tài trợ (Chủ dự án) phải lập tờ trình báo cáo UBND tỉnh Đề cương sơ bộ Chương trình, dự án nhận tài trợ.

- Đề cương sơ bộ của Chương trình, dự án phải thể hiện rõ: Mục tiêu, nội dung triển khai, tính pháp lý của Bên tài trợ, điều kiện và yêu cầu của Bên tài trợ, Bên nhận tài trợ, đối tượng thụ hưởng, địa bàn triển khai, thời gian, tiến độ thực hiện và nguồn vốn thực hiện.

- Tờ trình báo cáo và Đề cương sơ bộ Chương trình, dự án được gửi tới Sở Kế hoạch và Đầu tư (05 bộ), trong thời hạn 07 làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham khảo ý kiến của các ngành, UBND huyện, thành phố có liên quan, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh quyết định đồng ý hay không đồng ý cho Bên nhận tài trợ tiếp nhận Chương trình, dự án.      

b) Chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành TW được triển khai trên địa bàn của tỉnh, chủ dự án hoặc đơn vị phối hợp thực hiện phải lập hồ sơ theo (mục a, khoản 1, Điều 8 nêu trên) để UBND tỉnh Lào Cai xem xét có văn bản đồng ý tiếp nhận hoặc không đồng ý tiếp nhận dự án trước khi ký kết thỏa thuận tài trợ và trình Chính phủ, bộ, ngành phê duyệt chương trình, dự án theo thẩm quyền phân cấp.

2. Xây dựng, ký kết thỏa thuận, thẩm định, phê duyệt Chương trình, dự án viện trợ PCP.

- Xây dựng Chương trình, dự án, ký kết thỏa thuận: Sau khi được cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho phép tiếp nhận Chương trình, dự án, Bên nhận tài trợ phối hợp với Bên tài trợ và các cơ quan liên quan xây dựng Chương trình, dự án chi tiết, ký kết thỏa thuận tài trợ đảm bảo yêu cầu của Bên tài trợ và phù hợp quy định hiện hành của Nhà nước và của UBND tỉnh Lào Cai.

- Thẩm định, phê duyệt Chương trình, dự án: Bên nhận tài trợ gửi đến sở Kế hoạch và Đầu tư (05 bộ) hồ sơ gồm: Tờ trình đề nghị phê duyệt; Chương trình, dự án; Văn bản ký kết thỏa thuận tài trợ (bản chính hoặc bản sao có công chứng); Giấy phép hoạt động hợp pháp còn hiệu lực của Bên tài trợ (Bản sao có công chứng). Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt Chương trình, dự án viện trợ PCP.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được Báo cáo thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh sẽ xem xét quyết định phê duyệt.

Trường hợp Chương trình, dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành TW phê duyệt, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức thẩm định những nội dung thuộc tỉnh quản lý theo quy trình trên và có ý kiến bằng văn bản để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Triển khai thực hiện Chương trình, dự án:

Bên nhận tài trợ triển khai thực hiện đúng những nội dung Chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo điều kiện, yêu cầu của Bên tài trợ, tuân thủ đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, tài chính và Báo cáo định kỳ theo quy định.  

Điều 9. Vật tư, hàng hóa, máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải nhập khẩu hoặc mua trong nước thuộc Chương trình, dự án viện trợ PCP đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt được miễn thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng (nếu có) theo quy định của Luật thuế hiện hành.

Điều 10.

1. Không tiếp nhận những hàng hóa (bao gồm vật tư, thiết bị…) thuộc danh mục các mặt hàng cấm nhập khẩu, cấm sử dụng theo quy định của Chính phủ.

2. Đối với hàng hóa đã qua sử dụng, cơ quan tiếp nhận chỉ thỏa thuận tiếp nhận nếu Bên tài trợ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước Bên tài trợ là hàng hóa đó còn chất lượng 80% trở lên và chỉ thông báo cho Bên tài trợ gửi hàng khi được cấp có thẩm quyền của Việt Nam cho phép tiếp nhận.

3. Các Chương trình, dự án viện trợ bằng hiện vật (hàng hóa, thiết bị, máy móc…) phải được các cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan xem xét, thẩm định trước khi tiến hành tiếp nhận.

Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của Bên nhận tài trợ

- Được quyền chủ động tiếp xúc, vận động, đàm phán, ký kết thỏa thuận với Bên tài trợ và triển khai thực hiện Chương trình, dự án viện trợ PCP theo đúng quy định của Chính phủ và bản Quy chế này.

- Xây dựng Chương trình, dự án theo đúng quy định phù hợp mục tiêu, định hướng của tỉnh và thỏa thuận cam kết của Bên tài trợ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và hướng dẫn của các cơ quan có liên quan.

- Thực hiện đầy đủ chế độ Báo cáo tiến độ thực hiện định kỳ 6 tháng, cả năm và Báo cáo đánh giá kết thúc Chương trình, dự án và đột xuất theo quy định hiện hành. 

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối quản lý viện trợ PCP có nhiệm vụ:

- Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các Chương trình, dự án phối hợp với các cơ quan ban, ngành, tổ chức đoàn thể xúc tiến, vận động nguồn viện trợ phi Chính phủ cho tỉnh.

- Tiếp nhận, thẩm định và quản lý các Chương trình, dự án sử dụng viện trợ PCP trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định của Quy chế này.

- Tổng hợp, báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Chương trình, dự án viện trợ PCP, tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh những cơ chế chính sách, giải quyết khó khăn vướng mắc cho các bên trong quá trình vận động, xúc tiến, ký kết thỏa thuận và thực hiện Chương trình, dự án PCP trên địa bàn toàn tỉnh.

- Cân đối nguồn lực bố trí vốn đối ứng để thực hiện Chương trình, dự án trong kế hoạch ngân sách hàng năm Báo cáo UBND tỉnh Quyết định, bố trí vốn đối ứng cho từng Chương trình, dự án cụ thể được thực hiện trong năm kế hoạch.

Điều 13. Sở Ngoại vụ là cơ quan đầu mối trong công tác xúc tiến, vận động viện trợ PCP có nhiệm vụ:

- Quản lý tình hình hoạt động của các tổ chức PCP trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Ủy ban công tác về các tổ chức PCP nước ngoài để tìm hiểu, cung cấp thông tin về các tổ chức PCP hoạt động tại Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức và cá nhân tiếp cận, xúc tiến vận động PCP.

- Phối hợp với các ngành thực hiện thẩm định Chương trình, dự án PCP, thẩm định năng lực, tư cách pháp nhân của Bên tài trợ theo quy định của Chính phủ và bản Quy chế này.

- Phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Mặt trận tổ quốc tỉnh trong công tác kêu gọi cứu trợ khẩn cấp từ các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức cứu trợ Quốc tế và Báo cáo các hoạt động đoàn ra, đoàn vào của các tổ chức cứu trợ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, dự án tại tỉnh Lào Cai.

Điều 14. Sở Tài chính có nhiệm vụ:

- Kiểm tra, giám sát, hạch toán và quyết toán các khoản thu, chi từ nguồn viện trợ PCP cho các đơn vị thụ hưởng nguồn viện trợ PCP theo quy định hiện hành.

- Chịu trách nhiệm tổ chức tiếp nhận, lên kế hoạch phân phối sử dụng các khoản tài chính cứu trợ khẩn cấp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Quyết định.

- Kiểm tra, giám sát việc miễn giảm thuế đối với vật tư, hàng hóa, máy móc, thiết bị và phương tiện nhập khẩu thuộc Chương trình, dự án viện trợ PCP đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phối hợp với tổ chức bán đấu giá hàng hóa thuộc các khoản viện (nếu có) theo quy định hiện hành.

Điều 15. Các cơ quan đơn vị thuộc tỉnh.

1. Các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn Quy chế này tới các tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý của mình, phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi thu hút các Chương trình, dự án viện trợ PCP đầu tư triển khai trên địa bàn đồng thời có trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện viện trợ PCP bảo đảm bảo vệ an ninh theo quy định hiện hành.

2. Các Sở quản lý chuyên ngành, UBND các huyện, thành phố trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được phiếu chuyển hồ sơ của Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham gia ý kiến bằng văn bản để Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp Báo cáo UBND tỉnh.

Điều 16. Chế độ báo cáo:

Tổ chức tiếp nhận và sử dụng viện trợ có trách nhiệm báo cáo đột xuất (theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có liên quan) và báo cáo định kỳ tình hình thực hiện, kết quả thực hiện chương trình, dự án 6 tháng, hàng năm và khi kết thúc Chương trình, dự án.

Thời hạn báo cáo chậm nhất vào ngày 15/6, 30/11 hàng năm và ba tháng sau khi kết thúc Chương trình, dự án về Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để tổng hợp Báo cáo UBND tỉnh và các Bộ, Ngành Trung ương.

Điều 17. Công tác kiểm tra, giám sát

Định kỳ hàng năm Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị của tỉnh thực hiện kiểm tra, giám sát Chương trình, dự án PCP theo quy định hiện hành.

Điều 18. Mọi tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Quy chế này được UBND tỉnh xem xét khen thưởng theo quy định, tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế này tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 19. Trong quá trình triển khai thực hiện các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tổng hợp Báo cáo định kỳ, phản ánh những khó khăn vướng mắc và đề xuất thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp Báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.