Quyết định 64/2006/QĐ-UBND về quy trình quản lý thực hiện di dân tái định cư dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Số hiệu: 64/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu Người ký: Lò Văn Giàng
Ngày ban hành: 27/10/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Đất đai, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 64/2006/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 27 tháng 10 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V: BAN HÀNH QUY TRÌNH QUẢN LÝ THỰC HIỆN DI DÂN, TÁI ĐỊNH CƯ CÁC DỰ ÁN THUỶ ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 12/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về bồi thường, di dân TĐC dự án thuỷ điện Sơn La;

Căn cứ Quyết định số 207/2004/QĐ-TTg ngày 12/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý và thực hiện dự án thủy điện Sơn La;

Xét đề nghị của Thường trực Ban chỉ đạo TĐC tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “quy trình quản lý thực hiện di dân TĐC các dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế quyết định số 72/2005/QĐ-UB ngày 23/8/2005 của UBND tỉnh Lai Châu về quản lý, điều hành và thực hiện dự án TĐC thuỷ điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch & Đầu tư, Xây dựng, Tài chính; Nông nghiệp & PTNT; Giao thông Vận tải; Trưởng ban QLDA bồi thường, di dân TĐC tỉnh; Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, Thị xã và Thủ trưởng các ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lò Văn Giàng

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUY TRÌNH QUẢN LÝ THỰC HIỆN DI DÂN TÁI ĐỊNH CƯ CÁC DỰ ÁN THUỶ ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 64/2006/QĐ-UBND ngày 27/10/2006 của UBND tỉnh Lai Châu)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nguyên tắc, phạm vi và đối tượng áp dụng.

1. Nguyên tắc: Quy trình quản lý thực hiện di dân tái định cư là hệ thống các quy định có tính pháp lý. Là căn cứ để kiểm tra, thanh tra, đánh giá chất lượng và hiệu quả công tác di dân, TĐC các dự án thuỷ điện.

2. Phạm vi áp dụng: Quy trình quản lý thực hiện di dân tái định cư được áp dụng trong việc tổ chức thực hiện di dân, TĐC các dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

3. Đối tượng áp dụng: Là các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội, các đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang và các tập thể, hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện bồi thường, di dân, tái định cư các dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Chương II

BỘ MÁY THỰC HIỆN DI DÂN TÁI ĐỊNH CƯ

Điều 2. Ở cấp tỉnh.

1. Chủ đầu tư: UBND tỉnh

2. Ban chỉ đạo di dân tái định cư tỉnh: Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 1262/QĐ-UBND ngày 13/9/2006 của UBND tỉnh.

3. Ban Quản lý dự án bồi thường, di dân tái định cư tỉnh: Tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ theo quyết định số 598/QĐ-UB ngày 30/7/2004 của UBND tỉnh Lai Châu.

4. Hội đồng thẩm định đề cương, dự toán lập quy hoạch chi tiết và dự án quy hoạch chi tiết các khu, điểm TĐC (gọi tắt là Hội đồng thẩm định TĐC tỉnh). Tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ theo Quyết định của UBND tỉnh Lai Châu.

Điều 3. Ở cấp huyện, xã.

1. UBND huyện được Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư một số hoặc toàn bộ các dự án khu, điểm TĐC trên địa bàn huyện.

2. Ban chỉ đạo di dân TĐC cấp huyện; Ban tái định cư xã: Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ theo công văn số 646/CV-UB ngày 22/11/2004 của UBND tỉnh Lai Châu.

3. Hội đồng đền bù, bồi thường cấp huyện: Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ theo Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ.

4. Ban QLDA bồi thường, di dân TĐC huyện: Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ theo quyết định của UBND tỉnh.

Chương III

QUY TRÌNH THỰC HIỆN DI DÂN, TÁI ĐỊNH CƯ

Giai đoạn I: Chuẩn bị di dân

Điều 4. Tổ chức tuyên truyền, vận động:

Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể nơi có dân di chuyển và nơi tiếp nhận dân TĐC tiến hành phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chế độ chính sách di dân TĐC dự án thuỷ điện đến những đối tượng bị ảnh hưởng, đảm bảo thực hiện tốt chủ trương, chính sách di dân TĐC, sẵn sàng di chuyển theo đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu tiến độ xây dựng các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Điều 5. Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu, điểm TĐC.

1. Lựa chọn địa điểm TĐC và quy mô điểm TĐC:

Căn cứ quy hoạch tổng thể di dân TĐC, căn cứ kế hoạch di dân TĐC hàng năm, chủ đầu tư tổ chức kiểm tra lại khu, điểm TĐC, xác định lại khả năng dung nạp. Nếu khu, điểm TĐC đáp ứng được các điều kiện về đất đai, nguồn nước, đảm bảo cuộc sống ổn định, lâu dài cho dân TĐC thì tiến hành thoả thuận với chính quyền địa phương nơi đi và nơi đến về việc lập quy hoạch chi tiết khu, điểm TĐC.

Phối hợp với ban TĐC cấp xã tổ chức cho các hộ thuộc đối tượng di chuyển đi thăm quan và tiến hành đăng ký di chuyển về điểm TĐC.

Lập danh sách trích ngang, chuyển cơ quan Công an huyện thẩm định, trình UBND huyện nơi đi phê duyệt theo đúng đối tượng bị ảnh hưởng phải di chuyển đến nơi ở mới. Danh sách trích ngang được cấp có thẩm quyền phê duyệt là căn cứ pháp lý quan trọng trong quá trình thẩm định đề cương, quy hoạch chi tiết, thẩm định các phương án bồi thường, hỗ trợ, bàn giao hộ di dân giữa chính quyền nơi đi và nơi đến.

2. Lựa chọn đơn vị tư vấn:

Chủ đầu tư giới thiệu đơn vị tư vấn có tư cách pháp nhân, có năng lực lập quy hoạch chi tiết với danh sách ít nhất 2 đơn vị tham dự, gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư thẩm định trình UBND tỉnh ra quyết định lựa chọn đơn vị tư vấn. Sau khi có quyết định, chủ đầu tư ký hợp đồng để thực hiện.

3. Lập đề cương, dự toán:

Chủ đầu tư cùng đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát sơ bộ thực địa và thống nhất đề cương lập quy hoạch, lập dự toán cho công tác lập quy hoạch chi tiết gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư.

4. Thẩm định, phê duyệt đề cương, dự toán quy hoạch chi tiết:

Sau khi tiếp nhận đề cương, dự toán do chủ đầu tư trình, Sở Kế hoạch & Đầu tư gửi các thành viên hội đồng thẩm định và triệu tập đi thẩm định thực địa, lập biên bản thẩm định để chủ đầu tư, đơn vị tư vấn hoàn chỉnh lại đề cương, dự toán, gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư kiểm tra và trình UBND tỉnh phê duyệt.

5. Lập quy hoạch chi tiết:

Căn cứ đề cương, dự toán được UBND tỉnh phê duyệt; cơ chế, chính sách di dân TĐC hiện hành, đơn vị tư vấn tiến hành lập quy hoạch chi tiết khu, điểm tái định cư; chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tổ chức xin ý kiến chính quyền, các tổ chức đoàn thể, trưởng thôn, bản nơi đi và nơi đến về quy hoạch chi tiết đã lập, tiếp thu, chỉnh sửa và gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư.

6. Thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết:

Sau khi tiếp nhận hồ sơ quy hoạch chi tiết do chủ đầu tư trình, Sở Kế hoạch & Đầu tư gửi các thành viên hội đồng thẩm định và triệu tập đi thẩm định thực địa, lập biên bản thẩm định để chủ đầu tư, đơn vị tư vấn hoàn chỉnh lại, gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư; Chủ tịch HĐTĐ triệu tập các thành viên HĐTĐ xem xét và trình UBND tỉnh phê duyệt.

7. Nội dung, phương pháp, hồ sơ, thủ tục, thời hạn, thời hiệu, chế tài về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết có quy định riêng của UBND tỉnh.

Điều 6. Xây dựng điểm tái định cư:

1. Đền bù, bồi thường, thu hồi đất trong khu, điểm TĐC giao cho chủ đầu tư:

Căn cứ vào quy hoạch chi tiết khu, điểm TĐC đã được phê duyệt, chủ đầu tư phối hợp với Hội đồng bồi thường đền bù và chính quyền nơi xây dựng khu, điểm TĐC tiến hành đền bù, bồi thường đất đai, tài sản trong khu, điểm TĐC, giao đất cho chủ đầu tư để tiến hành xây dựng khu, điểm TĐC. Quy trình đền bù, bồi thường đất đai, tài sản trong khu, điểm TĐC, giao đất cho chủ đầu tư được thực hiện như Điều 7 của quy định này.

2. Xây dựng mặt bằng điểm dân cư, giao đất ở cho các hộ TĐC và các hộ sở tại phải di chuyển nhà để lấy đất xây dựng điểm TĐC:

Đối với TĐC nông thôn: Căn cứ vào quy hoạch mặt bằng và thiết kế san nền trên bản đồ tỷ lệ 1/500 của quy hoạch chi tiết được duyệt, chủ đầu tư lập phương án hỗ trợ san nền (mức hỗ trợ san nền do UBND tỉnh quy định), trình UBND huyện nơi xây dựng điểm TĐC phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Đối với TĐC đô thị: Việc san nền và phân lô chia nền được thực hiện theo quy hoạch chi tiết đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu, điểm TĐC: Được thực hiện theo chính sách về di dân TĐC, theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt, theo quy chế quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành và cơ chế đặc thù quản lý, áp dụng cho di dân TĐC. Ưu tiên xây dựng các hạ tầng thiết yếu trước như: Đường công vụ nếu cần thiết, nước sinh hoạt, nhà lớp học, điện,…

Điều 7. Tổ chức đền bù, bồi thường ở nơi đi.

Việc tổ chức đền bù, bồi thường được thực hiện qua các bước như sau:

1. Tổ chức kê khai.

Hội đồng đền bù, bồi thường phát tờ kê khai, hướng dẫn các hộ tự kê khai đất đai, các loại tài sản và phương pháp đánh giá chất lượng từng loại tài sản, nhà ở, công trình kiến trúc, cây cối hoa màu và tính toán giá trị bồi thường theo quy định; phổ biến chế độ, chính sách, đơn giá đền bù.

Các hộ nộp tờ khai cho trưởng bản, trưởng bản tổng hợp nộp cho Hội đồng đền bù, bồi thường .

2. Kiểm tra kê khai của các hộ.

Kiểm tra trực tiếp bằng phương pháp đo, đếm các loại đất đai, tài sản, đánh giá chất lượng từng loại tài sản theo quy định hiện hành.

Đối chiếu, kiểm tra đo đạc thực tế đất thu hồi với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác minh nguồn gốc đất cho từng hộ gia đình.

Tổng hợp kết quả kiểm tra: Kết thúc quá trình kiểm tra, Hội đồng đền bù, bồi thường tổng hợp, lập biên bản kiểm tra. Biên bản kiểm tra phải có đầy đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng, Ban TĐC xã, đại diện chính quyền địa phương, đại diện bản, tổ dân phố và chủ hộ.

3. Lập, phê duyệt phương án đền bù, bồi thường.

Tính toán giá trị bồi thường: Căn cứ kết quả kiểm tra, Hội đồng đền bù, bồi thường tiến hành áp giá để xác định giá trị đền bù, bồi thường cho từng hộ. Thực hiện niêm yết công khai về dự toán bồi thường và xin ý kiến tham gia của các hộ gia đình bị thu hồi đất, chính quyền địa phương và nhân dân (thời gian không quá 5 ngày làm việc). Sau 3 ngày kể từ ngày hết thời hạn niêm yết công khai, Hội đồng đền bù, bồi thường tổ chức họp dân, tiến hành kiểm tra, xem xét lại dự toán bồi thường. Trường hợp ý kiến của nhân dân phù hợp, Hội đồng đền bù, bồi thường xem xét, thống nhất số liệu và bổ sung bằng văn bản. Trường hợp các ý kiến và kiến nghị chưa phù hợp với chính sách, chế độ đền bù, bồi thường hiện hành, Hội đồng đền bù, bồi thường phối hợp với Cấp uỷ, Chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể địa phương tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu rõ và thực hiện.

Sau khi công bố số liệu và lấy ý kiến tham gia của các chủ hộ, các tổ chức, Hội đồng đền bù, bồi thường lập biên bản cuộc họp thông qua kết quả tính giá trị bồi thường, hoàn thiện phương án bồi thường trình UBND huyện phê duyệt.

4. Công khai phương án và chi trả tiền đền bù, bồi thường.

Căn cứ quyết định phê duyệt phương án bồi thường của UBND huyện, Hội đồng đền bù, bồi thường thực hiện niêm yết công khai tại xã, bản, tổ dân phố, công khai tới các hộ gia đình được đền bù, bồi thường. Sau 3 ngày kể từ ngày hết thời hạn niêm yết công khai, nếu không có khiếu nại, tố cáo, chủ đầu tư tiến hành thông báo kế hoạch, thời gian và tổ chức chi trả tiền bồi thường đến từng hộ. Việc chi trả tiền đền bù, bồi thường có sự giám sát của Hội đồng đền bù, bồi thường, Chính quyền xã, Ban TĐC xã, trưởng thôn, bản.

5. Thu hồi đất đai, tài sản đã đền bù, bồi thường bàn giao cho chính quyền sở tại quản lý.

6. Nội dung, phương pháp, hồ sơ, thủ tục, thời hạn, thời hiệu, chế tài về lập, thẩm định, phê duyệt phương án đền bù bồi thường thực hiện theo quy định hiện hành, giao cho Ban QLDA bồi thường, di dân TĐC tỉnh hướng dẫn cụ thể. Về chính sách đền bù, bồi thường thực hiện theo quy định hiện hành, giao cho Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể. Thẩm quyền, thủ tục thu hồi, bàn giao đất đai sau khi đã đền bù bồi thường giao cho Sở Tài nguyên & Môi trường hướng dẫn cụ thể.

Giai đoạn II: Tổ chức di chuyển, ổn định đời sống và hỗ trợ sản xuất

Điều 8. Thực hiện hỗ trợ di chuyển, lập và phê duyệt kế hoạch di chuyển: Sau khi đền bù, bồi thường, đầy đủ cho các hộ nơi đi; hoàn thành việc giao đất ở, san nền, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại điểm TĐC, chủ đầu tư lập phương án hỗ trợ di chuyển trình UBND huyện nơi đi phê duyệt và tiến hành chi trả cho các đối tượng di chuyển.

Đồng thời lập kế hoạch di chuyển (thời gian bắt đầu di chuyển, thời gian kết thúc di chuyển, hình thức di chuyển, phương tiện vận chuyển, lực lượng tháo giỡ, bốc xếp, phương án phối hợp các lực lượng công an, quân đội, y tế nơi đi, nơi đến đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân trong quá trình di chuyển…) thống nhất với chính quyền nơi đi và nơi đến, xin ý kiến chỉ đạo Trưởng ban chỉ đạo TĐC tỉnh sau đó trình UBND huyện nơi đi phê duyệt.

Kế hoạch di chuyển sau khi được phê duyệt, chủ đầu tư phải gửi tới các thành viên ban chỉ đạo tỉnh, thông báo đến chính quyền cấp xã, huyện nơi đi và nơi đến, phổ biến đến từng hộ dân thuộc đối tượng di chuyển trước 5 ngày kể từ ngày bắt đầu di chuyển.

Điều 9. Tổ chức di chuyển: Căn cứ vào kế hoạch di chuyển được phê duyệt, chủ đầu tư tổ chức các lực lượng tham gia và cho các hộ di chuyển theo kế hoạch.

Kết thúc di chuyển, chủ đầu tư phải chủ trì cùng với chính quyền nơi đi và nơi đến kiểm tra lại danh sách trích ngang, lập biên bản giao nhận hộ di chuyển, bố trí các hộ di dân vào điểm dân cư theo sơ đồ đã được thẩm tra.

Điều 10. Ổn định đời sống ở nơi mới:

1. Hỗ trợ làm nhà: Căn cứ vào chính sách hỗ trợ nhà ở, chủ đầu tư lập phương án hỗ trợ làm nhà trình UBND huyện nơi đến phê duyệt và tiến hành tổ chức thực hiện.

2. Đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh: Chủ đầu tư phải chủ động phối hợp với Phòng giáo dục huyện sở tại bố trí lớp học, giáo viên để tiếp nhận học sinh TĐC vào học.

3. Hỗ trợ đời sống: Căn cứ vào chính sách hỗ trợ đời sống (Hỗ trợ lương thực, chất đốt, điện, dầu thắp sáng…), chủ đầu tư lập phương án, trình UBND huyện sở tại phê duyệt và chi trả cho các hộ theo quy định.

Giao cho Ban QLDA bồi thường, di dân TĐC tỉnh hướng dẫn chi tiết công tác ổn định đời sống ở nơi mới.

Điều 11. Giao đất sản xuất và hỗ trợ sản xuất.

1. Căn cứ phương án quy hoạch đất sản xuất tại khu, điểm TĐC được phê duyệt trong quy hoạch chi tiết, chủ đầu tư chủ trì phối hợp với UBND xã, trưởng thôn, bản có liên quan tiến hành giao đất sản xuất cho các hộ TĐC và các hộ dân sở tại nằm trong diện cân đối lại đất đai, đảm bảo tiêu chuẩn đất sản xuất cho các hộ nông nghiệp như quy định trong chính sách TĐC dự án thuỷ điện Sơn La:

Đối với đất khai hoang mới: Chủ đầu tư lập phương án hỗ trợ khai hoang, trình UBND huyện phê duyệt và tiến hành chi trả cho các hộ dân theo quy định.

Đối với đất đang sử dụng, cân đối, điều hoà lại giữa các hộ dân sở tại với các hộ dân TĐC, chủ đầu tư phải đảm bảo đủ đất sản xuất cho các hộ dân sở tại theo quy định và thực hiện đền bù, bồi thường phần đất lấy ra của các hộ dân sở tại (trình tự, thủ tục như quy định tại điều 8 của quy định này) và chia cho các hộ dân TĐC.

Giao cho Sở Tài nguyên & Môi trường hướng dẫn chi tiết việc giao đất sản xuất cho các hộ TĐC.

2. Hỗ trợ sản xuất:

Căn cứ vào chính sách hỗ trợ sản xuất, quy hoạch chi tiết được phê duyệt, chủ đầu tư phát phiếu đăng ký hỗ trợ sản xuất và hướng dẫn cho các hộ tự đăng ký, căn cứ vào bản đăng ký của các hộ, chủ đầu tư tổng hợp, lập phương án hỗ trợ sản xuất trình UBND huyện phê duyệt.

Việc thực hiện hỗ trợ sản xuất có thể bằng tiền, bằng hiện vật:

- Các khoản hỗ trợ bằng tiền được chi trả trực tiếp cho người dân theo cam kết giữa chủ đầu tư với hộ gia đình và theo khối lượng, giá trị thực hiện được chủ đầu tư nghiệm thu theo phương án đã cam kết.

- Phần hỗ trợ bằng hiện vật, chủ đầu tư thông qua các tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để cung cấp các hàng hoá, dịch vụ cho các hộ theo quy chế quản lý vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước hiện hành.

Giao Sở Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn chi tiết công tác hỗ trợ sản xuất cho các hộ TĐC.

Giai đoạn III: Kết thúc đầu tư

Điều 12. Công tác nghiệm thu, thanh toán, quyết toán.

1. Tổ chức nghiệm thu công trình theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP .

2. Tạm ứng, thanh toán, cấp phát vốn cho dự án TĐC: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển và các quy định hiện hành của Nhà nước.

Giao cho Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh Lai Châu hướng dẫn chi tiết cho các chủ đầu tư.

3. Quyết toán: Các chủ đầu tư có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Các dự án phân cấp cho UBND huyện quyết định đầu tư do UBND huyện phê duyệt quyết toán.

- Các dự án UBND tỉnh quyết định đầu tư do UBND tỉnh phê duyệt quyết toán.

Các quyết toán được phê duyệt, các chủ đầu tư gửi về cho ban QLDA bồi thường, di dân TĐC tỉnh. Ban QLDA bồi thường, di dân TĐC tỉnh tổng hợp gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt tổng quyết toán theo quy định hiện hành.

Giao cho Ban QLDA bồi thường, di dân TĐC tỉnh hướng dẫn chi tiết công tác quyết toán cho các chủ đầu tư.

Điều 13. Bàn giao, quản lý khai thác sử dụng:

1. Sau khi hoàn thành các công trình trong khu, điểm TĐC, chủ đầu tư tổ chức bàn giao cho các đối tượng quản lý, khai thác, sử dụng:

- Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật và phúc lợi công cộng thuộc UBND xã quản lý, bàn giao cho UBND xã có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác sử dụng và bảo trì công trình.

- Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật và phúc lợi công cộng thuộc bản quản lý, bàn giao cho trưởng bản, trưởng bản có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác sử dụng và bảo trì công trình.

- Đối với các công trình thuộc các tổ chức kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội, các hộ gia đình quản lý thì bàn giao cho các tổ chức kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội, các hộ gia đình có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác sử dụng và bảo trì công trình.

2. Các công trình giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt: UBND các huyện xây dựng quy chế quản lý mẫu; thành lập tổ tự quản giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt ở xã, bản; thống nhất mức thu phí quản lý và giao cho tổ tự quản thu, quản lý, sử dụng phục vụ cho công tác vận hành, sửa chữa, bảo trì công trình để phát huy hiệu quả công trình sau đầu tư.

Chương IV

KẾ HOẠCH HOÁ TRONG CÔNG TÁC TÁI ĐỊNH CƯ

Điều 14. Xây dựng kế hoạch hàng năm:

Căn cứ vào quy hoạch tổng thể di dân TĐC được cấp có thẩm quyền phê duyệt, căn cứ vào tiến độ nước dâng, các chủ đầu tư lập kế hoạch di dân TĐC hàng năm vào tháng 7 của năm báo cáo (theo mẫu biểu kèm theo quy định này gửi về Ban QLDA bồi thường, di dân TĐC tỉnh và Sở Kế hoạch & Đầu tư) với nội dung như sau:

1. Đánh giá tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm báo cáo:

a. Đánh giá tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm.

b. Dự báo thực hiện cả năm, những nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm, các giải pháp để hoàn thành kế hoạch năm.

2. Dự kiến kế hoạch cho năm sau:

a. Kế hoạch hoàn thành di dân, tái định cư trong năm (số điểm, số hộ hoàn thành trong năm).

b. Kế hoạch chuẩn bị đầu tư:

- Lập quy hoạch chi tiết

- Chuẩn bị đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng liên khu, điểm TĐC cần thực hiện đầu tư trước.

c. Kế hoạch thực hiện đầu tư:

- Thực hiện đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng liên khu, điểm tái định cư.

- Thực hiện đầu tư các khu, điểm TĐC đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết.

d. Kế hoạch thu, chi phần chi phí quản lý dự án (được lập theo quy định tại Thông tư số 98/2003/TT-BTC ngày 14/10/2003 của Bộ Tài chính).

Kế hoạch hàng năm do chủ đầu tư xây dựng gửi về Ban QLDA bồi thường, di dân tái định cư tỉnh và Sở Kế hoạch & Đầu tư.

Điều 15. Tổng hợp, giao kế hoạch hàng năm:

Căn cứ vào kế hoạch do các chủ đầu tư xây dựng, Ban QLDA bồi thường, di dân TĐC tỉnh tổng hợp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét trình UBND tỉnh phê duyệt và gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau khi có quyết định giao kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì cùng với Ban QLDA bồi thường, di dân TĐC tỉnh phân bổ trình UBND tỉnh phê duyệt để giao kế hoạch thực hiện di dân tái định cư cho các chủ đầu tư cùng với giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch ngân sách hàng năm.

1. Nội dung giao kế hoạch hàng năm:

a. Kế hoạch hoàn thành di dân, tái định cư trong năm (số điểm, số hộ hoàn thành trong năm).

b. Kế hoạch chuẩn bị đầu tư:

- Lập quy hoạch chi tiết.

- Chuẩn bị đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng liên khu, điểm TĐC cần thực hiện đầu tư trước.

c. Kế hoạch thực hiện đầu tư:

- Thực hiện đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng liên khu, điểm tái định cư.

- Thực hiện đầu tư các khu, điểm TĐC đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết.

d. Quản lý dự án.

- Chi cho các hoạt động có tính chất XDCB.

- Chi thường xuyên.

- Chi khác.

2. Nguyên tắc phân bổ kế hoạch chi tiết và cấp phát, thanh toán theo kế hoạch hàng năm:

Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng: Phải có quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền mới được phân bổ vốn đầu tư. Cơ quan cấp phát, thanh toán chỉ được cấp phát, thanh toán khi có đầy đủ các thủ tục theo quy định và được ghi kế hoạch vốn đầu tư.

Các phương án đền bù, bồi thường, hỗ trợ: Phải có phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới được phân bổ vốn đầu tư. Cơ quan cấp phát, thanh toán chỉ được tạm ứng và thanh toán cho các chủ đầu tư khi các phương án đền bù, bồi thường, hỗ trợ nằm trong điểm TĐC đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt và thực hiện đầu tư trong năm kế hoạch, có phương án đền bù, bồi thường, hỗ trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Nếu các dự án thành phần, các phương án đền bù, bồi thường, hỗ trợ chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt vào thời điểm giao kế hoạch đầu năm thì chỉ phân bổ tổng mức đầu tư cho khu, điểm TĐC; việc phân bổ chi tiết sẽ được thực hiện theo quý.

Hàng quý vào ngày 20 của tháng cuối quý, các chủ đầu tư phải gửi hồ sơ dự án và quyết định phê duyệt dự án, quyết định phê duyệt phương án đền bù, bồi thường, hỗ trợ về Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì cùng với Ban QLDA bồi thường, di dân TĐC tỉnh và các cơ quan có liên quan giám sát, đánh giá đầu tư và phân bổ chi tiết trình UBND tỉnh phê duyệt.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Chế độ báo cáo.

1. Các chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo định kỳ tình hình thực công tác di dân, TĐC vào ngày 20 hàng tháng và thực hiện báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cấp trên. Các báo cáo gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, ban QLDA bồi thường, di dân TĐC tỉnh.

2. Ban QLDA bồi thường, di dân TĐC tỉnh: Tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện, đề xuất tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn với UBND tỉnh, Ban chỉ đạo di dân TĐC tỉnh. Thực hiện báo cáo định kỳ vào ngày 25 hàng tháng, báo cáo quý vào ngày 25 của tháng cuối quý, báo cáo năm và báo cáo đột xuất để UBND tỉnh báo cáo thường trực Tỉnh uỷ; Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương ...

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hướng dẫn các ngành, các chủ đầu tư tiến hành đánh giá giám sát đầu tư các dự án thành phần và tổng hợp báo cáo giám sát đánh giá đầu tư định kỳ, báo cáo đột xuất theo yêu cầu. Chuẩn bị báo cáo giám sát đánh giá đầu tư để UBND tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực tỉnh uỷ, HĐND tỉnh theo quy định.

4. Chi nhánh Ngân hàng phát triển tỉnh có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tháng, quý, năm theo quy định về tình hình giải ngân, thanh, quyết toán vốn; thực hiện báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cấp trên.

Điều 17. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có những khó khăn vướng mắc yêu cầu các thành viên ban chỉ đạo, các chủ đầu tư phản ánh bằng văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi bổ sung cho phù hợp./.