Quyết định 64/2006/QĐ-UBND vế chương trình thực hiện Chỉ thị 05/2006/CT-TTg về khắc phục yếu kém, sai phạm, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thi hành Luật đất đai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
Số hiệu: | 64/2006/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Đà Nẵng | Người ký: | Trần Văn Minh |
Ngày ban hành: | 30/06/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Đất đai, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 64/2006/QĐ-UBND |
Đà Nẵng, ngày 30 tháng 6 năm 2006 |
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 05/2006/CT-TTG NGÀY 22 THÁNG 02 NĂM 2006 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ KHẮC PHỤC YẾU KÉM, SAI PHẠM, TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH TỔ CHỨC THI HÀNH LUẬT ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Nghị định 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần;
Căn cứ Chỉ thị số 05/2006/CT-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục yếu kém, sai phạm, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thi hành Luật Đất đai;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình thực hiện Chỉ thị số 05/2006/CT-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục yếu kém, sai phạm, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thi hành Luật Đất đai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chương trình này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Chánh Thanh tra thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã; các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 05/2006/CT-TTG NGÀY 22/02/2006 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC KHẮC PHỤC YẾU KÉM, SAI PHẠM, TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH TỔ CHỨC THI HÀNH LUẬT ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 64/2006/QĐ-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2006 của UBND thành phố Đà Nẵng)
Căn cứ Chỉ thị số 05/2006/CT-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục yếu kém, sai phạm, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thi hành Luật Đất đai; Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Chương trình triển khai thực hiện Chỉ thị số: 05/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhằm:
1. Chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quản lý, sử dụng đất đai sau gần hai năm triển khai thi hành Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
2. Phát huy những việc đã làm tốt để tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thi hành Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền theo quy định.
a) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện nghiên cứu, đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định việc ban hành Quy định về hạn mức giao đất ở và hạn mức công nhận đất ở tính theo số lượng nhân khẩu (hiện tại thành phố chỉ mới có quy định về hạn mức công nhận đất ở nhưng quy định tính theo hộ). Việc quy định hạn mức giao đất ở là để làm cơ sở cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp đang sử dụng đất nhưng không có giấy tờ hợp lệ theo quy định tại khoản 5, Điều 87 Luật Đất đai và làm cơ sở cho việc quy định diện tích tối thiểu của thửa đất ở được phép tách thửa nhằm tránh tình trạng chia cắt thửa đất manh mún, không đảm bảo cảnh quan khu dân cư và an toàn trong xây dựng. Đồng thời nghiên cứu, rà soát lại các Quy định liên quan đến đất đai, nhà ở do Uỷ ban nhân dân thành phố đã ban hành nhằm kiến nghị để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với tình hình địa phương và pháp luật hiện hành, chậm nhất vào giữa quý III năm 2006.
b) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn liên ngành về việc áp dụng thống nhất các biểu mẫu, trình tự thủ tục về thừa kế quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong trường hợp người sử dụng đất đã chết mà nhà, đất để lại thừa kế không có các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1, Điều 50 Luật Đất đai và ban hành chậm nhất vào đầu quý III năm 2006.
c) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ, Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết, mức thu lệ phí và các loại mẫu hợp đồng, lời chứng trong từng trường hợp cụ thể đối với việc chứng thực hợp đồng hoặc văn bản khi người sử dụng đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, tặng cho quyền sử dụng đất, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của UBND phường, xã. Thời gian thực hiện trong quý III năm 2006.
2. Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai.
a) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan và UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố tiếp tục chỉ đạo, tổ chức việc phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai phù hợp với từng đối tượng; kịp thời chỉ đạo phát hành các ấn phẩm tuyên truyền pháp luật về đất đai do Trung ương xuất bản đưa về để phổ biến rộng rãi trong nhân dân khắp các xóm, thôn, khu dân cư, tổ dân phố.
b) Sở Văn hoá Thông tin tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí địa phương và phối hợp với cơ quan thông tin, báo chí Trung ương đóng trên địa bàn thành phố tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, biểu dương những nơi làm tốt, phê phán những nơi chậm chạp, trì trệ; phát hiện và đưa ra công luận các vi phạm, nhất là những hành vi lợi dụng chức quyền tham nhũng về đất đai hoặc nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
3. Kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công về đất đai; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về đất đai cho đội ngũ cán bộ, công chức và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đất đai.
a) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện tiến hành rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai và tổ chức dịch vụ công về đất đai ở địa phương, trước hết là phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; kiện toàn đội ngũ công chức địa chính - xây dựng xã, phường có đủ phẩm chất và năng lực, bảo đảm tính ổn định, chuyên nghiệp, khắc phục tình trạng thường xuyên thay đổi công chức địa chính - xây dựng; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý đất đai, trước hết đối với cán bộ quản lý đất đai cấp huyện và cấp xã.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Cục Thuế thành phố và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các thủ tục hành chính trong quản lý đất đai và thủ tục thực hiện các khoản thu từ đất đai; tiếp tục tiến hành rà soát nhằm kịp thời phát hiện và đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết. Nghiêm cấm việc tự đặt thêm các loại giấy tờ, thủ tục hành chính ngoài quy định của pháp luật và thu các khoản phí, lệ phí, các khoản ủng hộ ngân sách ngoài quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi công dân, tổ chức liên hệ giải quyết các thủ tục hành chính.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công khai việc giới thiệu địa điểm đầu tư, các quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư với môi trường minh bạch, bình đẳng trong việc tiếp cận quỹ đất cho đầu tư.
4. Tăng cường quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
a) Việc lập, thẩm định và xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng của thành phố và cần chú ý tính hợp lý về sử dụng các loại đất, hạn chế tối đa việc chuyển đất trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Từ nay, không xét duyệt quy hoạch chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang làm mặt bằng sản xuất, dịch vụ phi nông nghiệp ở địa bàn các quận, huyện có điều kiện sử dụng các loại đất khác. Đối với những nơi thật cần thiết phải chuyển đất trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì phải lập kế hoạch cụ thể với phương châm tiết kiệm, bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng thu hồi đất nhưng không sử dụng.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện hoàn thiện hệ thống quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ của giai đoạn 2006 – 2010 chậm nhất vào cuối năm 2006.
c) Uỷ ban nhân dân các quận, huyện chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư, Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức bàn giao mốc giới, niêm yết và công bố công khai đồ án quy hoạch đã được phê duyệt (các khu đô thị và khu dân cư); xử lý dứt điểm tình trạng “quy hoạch treo”; thường xuyên kiểm tra, rà soát, bảo đảm các quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt.
5. Tập trung xử lý dứt điểm hồ sơ tồn đọng về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hoàn thiện hồ sơ địa chính.
Hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố được cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, lượng hồ sơ tồn đọng về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ phát sinh mới, cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều. Do đó, từ nay đến cuối năm 2006 yêu cầu các sở, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện tập trung giải quyết một số nhiệm vụ sau:
a) Uỷ ban nhân dân các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ tồn đọng về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế các quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phù hợp với tình hình địa phương và phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai hiện hành; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về đất đai khi xem xét công nhận quyền sử dụng đất đối với người đang sử dụng đất, công nhận diện tích đất ở (nhất là xem xét công nhận diện tích đất ở có vườn, ao mà không phải nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất), xác định nghĩa vụ tài chính đúng quy định của pháp luật về đất đai khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bảo đảm thực hiện việc công khai quy trình, thủ tục hồ sơ, thời gian giải quyết, mức thu các khoản phí, lệ phí theo đúng quy định hiện hành.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu xử lý những vướng mắc trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức như xác định xuất xứ nguồn vốn hình thành tài sản, công nhận quyền sở hữu tài sản ..., tham mưu cho UBND thành phố nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, nhất là các cơ sở tôn giáo phải hoàn thành cơ bản trong năm 2006. Đi đôi với việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ địa chính ở các cấp quản lý Nhà nước.
6. Thực hiện việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai:
a) Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các đơn vị liên quan có trách nhiệm kiểm tra tình hình sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, dự án đầu tư trên địa bàn quản lý, phát hiện và kiên quyết thu hồi đối với diện tích đất giao hoặc cho thuê không đúng đối tượng; đất đã được nhà nước giao, cho thuê nhưng không sử dụng hoặc chậm sử dụng so với tiến độ của dự án, sử dụng không hiệu quả, sử dụng sai mục đích; trường hợp có lý do chính đáng thì quyết định gia hạn và công khai quyết định gia hạn đó.
b) Các sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm soát xét lại toàn bộ diện tích đất được nhà nước giao hoặc cho thuê của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý, chủ động chuyển giao cho thành phố những diện tích đất không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả. Các đơn vị sử dụng đất trên địa bàn thành phố có vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất thì tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Kết quả thực hiện các công việc nêu tại khoản 6 này phải được báo cáo về UBND thành phố (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để tổng hợp báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường theo thời điểm quy định trước ngày 25 tháng 7 năm 2006.
7. Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất.
a) Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các Ban Giải toả đền bù các dự án đầu tư và xây dựng thành phố, các Ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và của UBND thành phố về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất sử dụng cho các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế; công khai hoá toàn bộ quá trình thực hiện; bảo đảm công bằng giữa các đối tượng có điều kiện tương tự. Đặc biệt chú trọng các vấn đề sau đây:
- Bảo đảm tính pháp lý và giá đất bồi thường theo đúng Quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất do UBND thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 181/2005/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2005 và Quy định giá các loại đất trên địa bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 180/2005/QĐ-UB ngày 28 tháng 12 năm 2005. Trường hợp giá đất bồi thường chưa phù hợp với nguyên tắc định giá đất quy định tại Điều 56 của Luật Đất đai thì các đơn vị phản ánh ngay về Sở Tài chính để kiểm tra, đề xuất UBND thành phố xử lý. Không đặt vấn đề hồi tố trong thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng tùy tình hình và điều kiện cụ thể cần vận dụng chính sách, pháp luật để xử lý thỏa đáng theo quan điểm vì dân và với yêu cầu ổn định tình hình, không gây ra những phức tạp mới.
- Làm tốt công tác tái định cư, dành diện tích đất tại những vị trí thuận lợi, kể cả bên cạnh các khu công nghiệp (trừ những nơi do yêu cầu bảo vệ môi trường hoặc do quá hạn hẹp về quỹ đất) để bố trí tái định cư, bảo đảm cho những hộ có đất bị thu hồi có chỗ ở mới tại khu tái định cư. Trong việc lập quy hoạch các khu công nghiệp, chỉnh trang, mở rộng khu đô thị hoặc khu dân cư nông thôn cần chú ý dành quỹ đất cho tái định cư tại chỗ. Từ nay, các địa phương không được cưỡng chế buộc tháo dỡ nhà ở khi người bị thu hồi đất chưa được giải quyết chỗ tái định cư.
b) Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 65/2005/QĐ-UB ngày 24 tháng 5 năm 2005 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Đề án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống đối với đối tượng trong diện thu hồi đất sản xuất, di dời, giải toả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
c) Sở Tài chính chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất UBND thành phố, trong năm 2006 ban hành Quy định về cho phép nợ, ghi nợ tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất, được xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất nhưng chưa đủ khả năng nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước.
8. Đẩy mạnh công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt về giải quyết đơn thư tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai với yêu cầu trong năm 2006 phải giải quyết dứt điểm các đơn thư tồn đọng và giải quyết kịp thời đơn thư phát sinh theo đúng quy định của pháp luật.
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường trực tiếp chỉ đạo công tác hoà giải tranh chấp, khiếu nại của công dân về đất đai ở địa phương mình quản lý. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện phải trực tiếp chỉ đạo công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật, khắc phục có hiệu quả tình trạng chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết đơn thư; coi trọng việc tổ chức đối thoại giữa người có đơn thư với cơ quan hoặc người có quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị khiếu nại. Kịp thời giải quyết các tranh chấp, khiếu nại ngay từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng khiếu kiện phức tạp, đông người và vượt cấp.
b) Đối với những đơn thư đã được các cơ quan hành chính hoặc Tòa án nhân dân giải quyết đúng pháp luật, phù hợp với thực tế mà người khiếu nại vẫn không chấp hành thì kiên quyết tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật; nếu đương sự có hành vi kích động, gây mất trật tự công cộng thì cần áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
c) Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường có trách nhiệm hoàn thiện công tác tiếp dân, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể về pháp luật cho người có đơn thư hoặc đến trình bày, khiếu nại, tố cáo tại nơi tiếp công dân; công bố công khai số điện thoại, số fax, hòm thư, địa chỉ thư điện tử để tiếp nhận các phát hiện, kiến nghị của công dân.
d) Thanh tra thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi, đôn đốc và báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố tình hình giải quyết đơn thư của các địa phương, đề xuất biểu dương, khen thưởng những địa phương làm tốt và phê bình, xử lý đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện không giải quyết hoặc giải quyết không tốt công tác này, để tồn đọng nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai.
9. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai.
a) Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch định kỳ tự kiểm tra và kiểm tra, thanh tra cấp dưới việc thực hiện pháp luật về đất đai. Ủy ban nhân dân cấp xã, phường thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng do vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan giúp Uỷ ban nhân dân thành phố tiếp tục kiểm tra việc thi hành pháp luật về đất đai đối với việc sử dụng đất của các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu dịch vụ, khu đô thị và khu dân cư nông thôn; việc sử dụng đất của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước được giao đất trước ngày Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành.
c) Thanh tra thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường trong phạm vi trách nhiệm của mình xây dựng kế hoạch định kỳ giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về đất đai ở các địa phương, đơn vị . Qua kiểm tra, thanh tra và qua giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo để ngăn chặn kịp thời, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt là những trường hợp lợi dụng chức quyền chia chác đất đai, trục lợi thông qua việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng.
d) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét trình UBND thành phố bố trí biên chế cần thiết (nếu chưa đủ) để tăng cường bộ máy thanh tra chuyên ngành về đất đai, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về thanh tra và yêu cầu chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường:
a) Căn cứ nội dung công việc được phân công tại phần II của Chương trình này khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai và định kỳ báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố về tình hình triển khai, kết quả thực hiện để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
b) Trực tiếp chỉ đạo và đánh giá tình hình thi hành pháp luật về đất đai tại đơn vị, địa phương được giao quản lý theo định kỳ, nhằm góp phần tiếp tục đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
2. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình này; định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
3. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, nếu có vướng mắc, phát sinh, yêu cầu các ngành, địa phương phải phản ảnh ngay với Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét quyết định./.
Nghị định 17/2006/NĐ-CP sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai và Nghị định 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần Ban hành: 27/01/2006 | Cập nhật: 20/05/2006
Chỉ thị 05/2006/CT-TTg về khắc phục yếu kém, sai phạm, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thi hành Luật Đất đai Ban hành: 22/02/2006 | Cập nhật: 20/05/2006
Quyết định 65/2005/QĐ-UB sửa đổi Quy chế áp dụng hình thức mua nhà đã xây dựng hoặc theo hình thức đặt hàng mua nhà để phục vụ di dân giải phóng mặt bằng, tái định cư kèm theo quyết định 01/2002/QĐ-UB do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà nội ban hành Ban hành: 04/05/2005 | Cập nhật: 20/05/2006
Quyết định 65/2005/QĐ-UB quy định chính sách trợ giúp kinh phí cho gia đình, cá nhân nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi và chính sách cứu trợ xã hội do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Ban hành: 21/02/2005 | Cập nhật: 08/08/2012
Quyết định 65/2005/QĐ-UB bổ sung dự toán kinh phí năm 2005 cho Thanh tra thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Ban hành: 25/04/2005 | Cập nhật: 08/08/2009
Quyết định 65/2005/QĐ-UB về đề án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống đối với lao động bị thu hồi đất sản xuất, di dời, giải toả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Ban hành: 24/05/2005 | Cập nhật: 16/11/2009
Nghị định 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần Ban hành: 16/11/2004 | Cập nhật: 17/09/2012
Nghị định 181/2004/NĐ-CP thi hành Luật Đất đai Ban hành: 29/10/2004 | Cập nhật: 10/12/2012