Quyết định 63/2011/QĐ-UBND về quy chế tổ chức, hoạt động của tổ nhân dân tự quản về an ninh, trật tự trên địa bàn
Số hiệu: | 63/2011/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Ninh Thuận | Người ký: | Võ Đại |
Ngày ban hành: | 18/11/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 63/2011/QĐ-UBND |
Ninh Thuận, ngày 18 tháng 11 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ NHÂN DÂN TỰ QUẢN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới;
Căn cứ Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm;
Căn cứ Quyết định 282/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 543/TTr-CAT-PV11 ngày 09 tháng 11 năm 2011 và Báo cáo kết quả thẩm định số 1216/BC-STP ngày 27 tháng 10 năm 2011 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức, hoạt động của Tổ nhân dân tự quản về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, gồm: 4 Chương và 10 Điều.
Công an tỉnh có trách nhiệm tham mưu tổ chức hoạt động của Tổ nhân dân tự quản về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh theo quy chế ban hành.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 11/2006/QĐ-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ nhân dân tự quản.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ NHÂN DÂN TỰ QUẢN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 63/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy định chung
Tổ nhân dân tự quản về an ninh, trật tự (sau đây gọi tắt là Tổ nhân dân tự quản) là tổ chức quần chúng được thành lập trên tinh thần tự nguyện của các hộ gia đình liền kề ở các thôn, khu phố thuộc các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) để tham gia giữ gìn an ninh, trật tự (viết tắt là ANTT), vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nơi cư trú như các hương ước, quy ước của thôn, khu phố, … góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh ở khu dân cư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
Thành lập Tổ nhân dân tự quản nhằm phát huy vai trò làm chủ và sức mạnh, tinh thần đoàn kết của nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; bảo vệ tính mạng, tài sản, cuộc sống bình yên của từng gia đình và khu dân cư; phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, góp phần thực hiện các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.
Điều 2. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động Tổ nhân dân tự quản
1. Tổ nhân dân tự quản hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân cấp xã và hướng dẫn trực tiếp của Công an cấp xã, Ban quản lý thôn, khu phố về biện pháp, cách thức thực hiện nhiệm vụ giữ gìn ANTT.
2. Hoạt động của Tổ nhân dân tự quản thực hiện theo Quy chế này, nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa của Tổ nhân dân tự quản để thực hiện hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Chương II
TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ NHÂN DÂN TỰ QUẢN VỀ AN NINH TRẬT TỰ
Điều 3. Tổ chức Tổ nhân dân tự quản
1. Tổ nhân dân tự quản được thành lập ở thôn, khu phố trên cơ sở các hộ gia đình sinh sống liền kề, cứ 30 hộ gia đình trở lên thì thành lập một tổ, nhưng tối đa không quá 50 hộ gia đình. Ban quản lý thôn, khu phố căn cứ vào điều kiện cụ thể ở thôn, khu phố mình để quyết định số lượng cho phù hợp.
Tổ nhân dân tự quản gồm có tổ trưởng, không quá 02 tổ phó và các tổ viên là chủ hộ hoặc người đại diện do hộ gia đình cử tham gia.
2. Trình tự, thủ tục thành lập Tổ nhân dân tự quản về ANTT
a) Ban quản lý thôn, khu phố chủ trì, phối hợp với Cảnh sát khu vực, Công an viên phụ trách địa bàn, Ban công tác Mặt trận thôn, khu phố rà soát, lập danh sách chủ hộ hoặc làm việc với hộ gia đình để cử người đại diện tham gia Tổ nhân dân tự quản;
b) Căn cứ vào danh sách tổ viên, Ban quản lý thôn, khu phố dự kiến phân công tổ trưởng, tổ phó và tổ chức họp dân, thông qua tiêu chuẩn của tổ trưởng, tổ phó theo quy định của Quy chế này để lấy tín nhiệm của nhân dân đối với tổ trưởng, tổ phó bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín; tổ trưởng, tổ phó phải đạt trên 50% số người dự họp tán thành. Trường hợp tổ trưởng, tổ phó theo dự kiến của Ban quản lý thôn, khu phố không đạt được tỷ lệ nêu trên thì Ban quản lý thôn, khu phố tổ chức cho nhân dân giới thiệu tổ trưởng, tổ phó và lấy tín nhiệm lại.
Chậm nhất là 02 ngày sau khi kết thúc cuộc họp dân, Ban quản lý thôn, khu phố có trách nhiệm hoàn chỉnh danh sách, làm văn bản đề nghị công nhận Tổ nhân dân tự quản (kèm theo biên bản cuộc họp dân) gửi về Công an cấp xã để đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét ra quyết định công nhận. Danh sách gồm các nội dung sau: số thứ tự, họ và tên, năm sinh, quê quán, nghề nghiệp, nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú, chức danh (ghi rõ: tổ trưởng, tổ phó, tổ viên) và các thông tin cần thiết khác (nếu có);
c) Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách và văn bản đề nghị của Ban quản lý thôn, khu phố, Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm tổng hợp đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ra quyết định công nhận;
d) Chậm nhất là 07 ngày kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận, Ban quản lý thôn, khu phố tổ chức họp Tổ nhân dân tự quản để công bố quyết định công nhận và chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện theo quy định;
đ) Trong quá trình hoạt động nếu có sự thay đổi về nhân sự của tổ kể cả tổ trưởng, tổ phó vì lý do sức khỏe, chuyển đi sinh sống ở nơi khác hoặc vi phạm pháp luật, … không thể tham gia thì Ban quản lý thôn, khu phố chủ trì, phối hợp với Cảnh sát khu vực, Công an viên, Ban công tác Mặt trận lập danh sách người thôi tham gia Tổ nhân dân tự quản và rà soát, lập danh sách người khác thay thế gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (qua cơ quan Công an cùng cấp) để xem xét, phê duyệt. Việc chọn cử người khác thay thế không phải lấy tín nhiệm theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.
Phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thay cho quyết định công nhận bổ sung thành viên, Ban quản lý thôn, khu phố căn cứ kết quả phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để tổ chức thực hiện. Trường hợp nhân sự thay đổi là tổ trưởng, tổ phó thì sau khi nhận được kết quả phê duyệt phải tiến hành thông báo đến Tổ nhân dân tự quản biết.
3. Tổ viên Tổ nhân dân tự quản phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú theo hộ gia đình (có sổ tạm trú cấp cho hộ gia đình) tại địa phương;
b) Từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chủ trương, chính sách của địa phương nơi cư trú.
4. Tổ trưởng, tổ phó phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau đây:
a) Các tiêu chuẩn quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Từ 22 tuổi trở lên, có phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, có uy tín trong nhân dân và khả năng thuyết phục, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của chính quyền địa phương; quan hệ mật thiết với nhân dân; có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình công tác và có sức khỏe đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.
Ưu tiên chọn cử tổ trưởng, tổ phó là người làm việc ở các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang đã nghỉ hưu, xuất ngũ, thôi việc hoặc người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, hết thời hạn phục vụ trong Công an nhân dân về địa phương sinh sống.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ nhân dân tự quản
1. Theo dõi, nắm tình hình chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của chính quyền địa phương; tình hình chấp hành pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn giao thông, môi trường, những vụ việc có nguyên nhân từ mâu thuẫn, mất đoàn kết hoặc tranh chấp, khiếu kiện, … trong nội bộ nhân dân ở khu dân cư thuộc tổ mình quản lý để kịp thời có biện pháp phòng ngừa như động viên, khuyến khích, hướng dẫn, giải thích, hoà giải. Trường hợp hoà giải không thành phải báo ngay đến Ban quản lý thôn, khu phố hoặc Công an cấp xã để có biện pháp giải quyết phù hợp.
2. Tích cực tham gia giữ gìn ANTT trên địa bàn, vận động, giáo dục thành viên gia đình mình và nhân dân trong tổ chấp hành tốt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của chính quyền địa phương, nội quy, quy ước về giữ gìn ANTT; thực hiện nếp sống văn hoá ở khu dân cư; tham gia xây dựng khu dân cư an toàn về ANTT, thôn, khu phố không có tội phạm, tệ nạn xã hội, gia đình không có người vi phạm pháp luật.
3. Tham gia phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ANTT đến nhân dân, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước các luận điệu xuyên tạc, chống phá cách mạng, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch và đối tượng xấu; vận động nhân nhân nêu cao ý thức tự chủ, tự giác trong phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội theo phương châm 3 giảm “giảm tội phạm, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông”; 4 giữ “giữ người, giữ của; giữ thôn xóm, giữ phố phường; giữ tình thương” bằng việc làm cụ thể như: không bao che, chứa chấp, tiếp tay cho tội phạm và hoạt động tệ nạn xã hội; không né tránh, đùn đẩy, bỏ mặc trước hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và nhân dân; dũng cảm, kiên quyết ngăn chặn đối tượng trộm cắp, cướp, cướp giật, cố ý gây thương tích, ... xảy ra ở địa bàn mình sinh sống; khi phát hiện có người lạ, đối tượng nghi vấn phạm tội hoặc vi phạm pháp luật khác ở địa bàn phải kịp thời báo ngay cho cơ quan Công an.
4. Tích cực tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, người được đặc xá, người chấp hành xong quyết định thi hành án phạt tù, quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trung tâm cai nghiện về địa phương sinh sống, giúp họ vượt qua mặc cảm sớm trở thành người có ích cho xã hội.
5. Đề xuất Ban quản lý thôn, khu phố các nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ giữ gìn ANTT và các nội dung khác có liên quan hoạt động của tổ.
6. Trao đổi, thông báo tình hình, thông tin có liên quan đến ANTT với các Tổ nhân dân tự quản giáp ranh để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, cùng nhau phối hợp giải quyết.
7. Tổ nhân dân tự quản được bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, quyết định truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn. Ngay sau khi bắt phải dẫn giải người bị bắt đến giao cho cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất; trường hợp không thể dẫn giải được thì phải báo ngay cho cơ quan Công an đến tiếp nhận giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Trách nhiệm của tổ trưởng, tổ phó, tổ viên Tổ nhân dân tự quản
1. Tổ trưởng có trách nhiệm:
a) Trực tiếp quản lý, điều hành, hướng dẫn mọi hoạt động của Tổ;
b) Gương mẫu thực hiện và vận động tổ viên thực hiện tốt các nhiệm vụ tại Điều 4 Quy chế này;
c) Triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bảo đảm ANTT trên địa bàn do Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý thôn, khu phố giao; lắng nghe và tập hợp các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phản ánh, kiến nghị, đề xuất đến Ban quản lý thôn, khu phố;
d) Chuẩn bị các nội dung, chủ trì tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất và sơ, tổng kết hàng năm; báo cáo tình hình, kết quả hoạt động của tổ về Ban quản lý thôn, khu phố.
2. Tổ phó có trách nhiệm: giúp việc cho tổ trưởng và thực hiện phần việc được tổ trưởng phân công, thay thế tổ trưởng điều hành hoạt động của tổ khi tổ trưởng đi vắng.
3. Tổ trưởng, tổ phó được tham gia sinh hoạt giao ban hàng tháng do Ban quản lý thôn, khu phố tổ chức để nắm tình hình, nhận nhiệm vụ và phản ánh kết quả hoạt động của tổ, ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến Ban quản lý thôn, khu phố.
4. Tổ viên có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo Quy chế này và sự phân công của tổ trưởng, tổ phó; tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt định kỳ của tổ và đề xuất các ý kiến liên quan đến hoạt động của tổ.
Điều 6. Quan hệ công tác và sinh hoạt của Tổ nhân dân tự quản
1. Mối quan hệ công tác:
a) Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã: Tổ nhân dân tự quản chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo chung trong quá trình hoạt động;
b) Đối với Ban quản lý thôn, khu phố: Tổ nhân dân tự quản chịu sự điều hành, hướng dẫn mọi mặt trong quá trình hoạt động;
c) Đối với Công an xã, phường, thị trấn: Tổ nhân dân tự quản chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ bảo vệ ANTT và tham gia phối hợp cùng lực lượng Công an trong công tác giữ ANTT trên địa bàn tổ mình;
d) Đối với các ban, ngành, đoàn thể cấp xã: hướng dẫn, phối hợp để thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động của Tổ nhân dân tự quản theo sự chỉ đạo của cấp ủy, Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Sinh hoạt của Tổ nhân dân tự quản:
a) Định kỳ hàng tháng Tổ nhân dân tự quản sinh hoạt một lần (trừ các trường hợp đột xuất). Việc sinh hoạt phải được thể hiện trong sổ theo dõi hoạt động của tổ gồm các nội dung sau: ngày tháng năm, người chủ trì, thành phần tham dự, tình hình ANTT và những vấn đề nổi lên trong tháng, nội dung phổ biến, quán triệt, thông báo, các ý kiến tham gia tại buổi sinh hoạt; triển khai nhiệm vụ, biện pháp thực hiện của tháng tiếp theo;
b) Hàng năm tổ chức tổng kết đánh giá kết quả hoạt động của Tổ nhân dân tự quản theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp xã; đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình hoạt động.
Chương III
CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH VÀ KINH PHÍ ĐẢM BẢO CHO HOẠT ĐỘNG TỔ NHÂN DÂN TỰ QUẢN VỀ AN NINH TRẬT TỰ
Điều 7. Chế độ, chính sách đối với Tổ nhân dân tự quản
1. Tổ trưởng, tổ phó, tổ viên trong khi làm nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh với tội phạm; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân mà bị hy sinh, bị thương thì được xem xét đề nghị công nhận là liệt sĩ hoặc người được hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật.
2. Tổ trưởng, tổ phó được tập huấn một số kiến thức pháp luật, các biện pháp, cách thức tham gia giữ gìn ANTT. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức việc tập huấn theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Tổ trưởng, tổ phó, tổ viên được miễn đóng một số quỹ ở địa phương, việc miễn đóng một số quỹ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo quy định của pháp luật.
4. Được hưởng chế độ thù lao hoà giải viên khi tham gia hoà giải các vụ, việc ở cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Tổ nhân dân tự quản
1. Nguồn kinh phí: Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cân đối ngân sách của địa phương để chi hỗ trợ cho hoạt động của Tổ nhân dân tự quản như: chi văn phòng phẩm, nước uống, chi phục vụ sơ, tổng kết, … phù hợp với điều kiện thực tế và đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra Ủy ban nhân dân cấp xã được tiếp nhận kinh phí, vật phẩm do các cơ quan, tổ chức, cá nhân tự nguyện hỗ trợ cho hoạt động của Tổ nhân dân tự quản; trường hợp kinh phí, vật phẩm này do Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận thì Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm cân đối để giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, sử dụng theo quy định. Nguồn kinh phí, vật phẩm tiếp nhận từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ dùng để hỗ trợ cho Tổ nhân dân tự quản, không được sử dụng vào các mục đích khác.
2. Kinh phí tổ chức tập huấn, bồi dưỡng pháp luật, nghiệp vụ cho Tổ nhân dân tự quản do Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chi trong nguồn kinh phí thường xuyên.
3. Việc quản lý, sử dụng kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Tổ nhân dân tự quản phải được thực hiện công khai, dân chủ, đúng quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình hoạt động được xem xét quyết định khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; trường hợp vi phạm pháp luật tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xử lý theo quy định.
Điều 10. Giao Công an tỉnh giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân tích cực tham gia xây dựng tổ chức và tạo điều kiện giúp đỡ Tổ nhân dân tự quản trong quá trình hoạt động.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh) để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Quyết định 282/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Ban hành: 08/03/2018 | Cập nhật: 14/03/2018
Quyết định 282/QĐ-TTg năm 2017 sửa đổi Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba Ban hành: 01/03/2017 | Cập nhật: 03/03/2017
Quyết định 282/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2016-2020” Ban hành: 23/02/2016 | Cập nhật: 24/02/2016
Quyết định 282/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Dự án công bố và phổ biến Tác phẩm văn học được Giải thưởng Nhà nước Ban hành: 20/02/2014 | Cập nhật: 21/02/2014
Quyết định 282/QĐ-TTg năm 2011 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới Ban hành: 24/02/2011 | Cập nhật: 26/02/2011
Quyết định 282/QĐ-TTg năm 2008 phân công triển khai thực hiện Kết luận 20-KL/TW năm 2008 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008 - 2012 Ban hành: 14/03/2008 | Cập nhật: 22/03/2008
Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP về việc tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới Ban hành: 31/07/1998 | Cập nhật: 30/03/2010
Quyết định 138/1998/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm Ban hành: 31/07/1998 | Cập nhật: 02/11/2010
Quyết định 282/QĐ-TTg năm 2021 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Mỹ Thuận Ban hành: 26/02/2021 | Cập nhật: 01/03/2021