Quyết định 63/2000/QĐ-UB về Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn do Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành
Số hiệu: | 63/2000/QĐ-UB | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Lạng Sơn | Người ký: | Dương Công Đá |
Ngày ban hành: | 12/10/2000 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 63/2000/QĐ-UB |
Lạng sơn, ngày 12 tháng 10 năm 2000 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
Căn cứ Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã;
Theo đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh tại tờ trình số: 369/TT-TC, ngày 5/9/2000,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế về tổ chức và hoạt động của thôn" để áp dụng thống nhất trong phạm vi toàn tỉnh.
Điều 2. Giao cho Ban Tổ chức chính quyền tỉnh hướng dẫn thực hiện Quy chế này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN |
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN
Ban hành kèm theo Quyết định số: 63 /2000/QĐ-UB ngày 12/10/2000 của UBND tỉnh Lạng Sơn.
Thôn, bản, khối phố (sau đây gọi tắt là thôn) không phải là một cấp chính quyền, nhưng là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư; là nơi thực hiện dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi, nhằm giải quyết các công việc trong nội bộ dân cư, đảm bảo tình đoàn kết, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, xây dựng cuộc sống mới, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống; Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, thuần phong mỹ tục cộng đồng, nhằm thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân và nhiệm vụ cấp trên giao.
Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của thôn, nhiệm vụ, quyền hạn và quyền lợi của trưởng thôn trong toàn tỉnh Lạng Sơn.
- Việc thành lập, chia tách, sáp nhập thôn do UBND huyện xem xét, quyết định sau khi có Nghị quyết của HĐND xã, đề nghị của UBND xã và có ý kiến của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh (bằng văn bản).
Điều 2: Mỗi thôn có 1 trưởng thôn, Trưởng thôn do nhân dân trong thôn trực tiếp bầu ra, Chủ tịch UBND xã quyết định công nhận.
Trưởng thôn chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của UBND xã, chịu sự giám sát của nhân dân trong thôn và chịu sự lãnh đạo của chi bộ đảng ở thôn đó.
Những thôn có biên giới với Trung Quốc, những thôn có từ 100 hộ trở lên được bố trí 1 Phó trưởng thôn.
Nhiệm kỳ của trưởng thôn, phó trưởng thôn là 5 năm.
Điều 3: Trưởng thôn, Phó trưởng thôn có các tiêu chuẩn sau :
- Có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ văn hoá và hiểu biết nhất định về kiến thức quản lý nhà nước và pháp luật; Tích cực lao động, sản xuất, làm kinh tế giỏi, tổ chức tốt đời sống, sinh hoạt trong thôn; Có hộ khẩu thường trú ở thôn, có sức khoẻ, tận tuỵ, trách nhiệm, nhiệt tình công tác, được nhân dân tín nhiệm.
Điều 4: Lựa chọn, giới thiệu người để bầu Trưởng thôn, Phó trưởng thôn:
1. Căn cứ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 của Quy chế này, UBND xã phối hơp với chi bộ thôn và Ban công tác Mặt trận thôn, lựa chọn, giới thiệu người có năng lực đảm nhiệm công tác trưởng thôn, phó trưởng thôn để nhân dân bầu trong Hội nghị thôn.
Đại diện hộ gia đình dự họp hội nghị giới thiệu người đủ tiêu chuẩn đưa vào danh sách bầu trưởng thôn, phó trưởng thôn.
2. Số người đề cử cho từng chức danh trưởng thôn và phó trưởng thôn tối đa không quá 3 người.
Điều 5: Bầu Trưởng thôn, Phó trưởng thôn:
1. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã (phường, thị trấn) chủ trì bầu Trưởng thôn, Phó trưởng thôn.
2. Hình thức bầu: Có thể bằng cách bỏ phiếu kín hoặc bằng cách giơ tay biểu quyết cho từng chức danh.
3. Người chủ trì Hội nghị thôn dự kiến ban kiểm phiếu để nhân dân thông qua.
Ban kiểm phiếu có từ 3 đến 5 người dự hội nghị và là người không có tên trong danh sách ứng cử đề cử trưởng thôn, phó trưởng thôn.
Ban kiểm phiếu có nhiệm vụ:
- Phổ biến thể lệ bầu, phát phiếu bầu, thu hồi phiếu bầu, kiểm phiếu và xác định kết quả bầu từng chức danh trưởng thôn, phó trưởng thôn, nếu bầu bằng cách bỏ phiếu kín. Khi kiểm phiếu Ban kiểm phiếu phải mời 2 đại diện hộ gia đình cùng chứng kiến.
- Xác định kết quả biểu quyết cho từng người theo từng chức danh trưởng thôn, phó trưởng thôn nếu bầu bằng cách giơ tay biểu quyết.
- Lập biên bản xác định kết quả bầu cho từng người và xác định kết quả người trúng cử.
4. Xác định kết quả người trúng cử.
Người trúng cử là người đạt quá nửa số phiếu bầu và có số phiếu bầu cao nhất. Nếu bầu bằng giơ tay biểu quyết, người trúng cử là người có kết quả biểu quyết của quá nửa số đại diện hộ gia đình dự họp và đạt kết quả cao nhất.
5. Biên bản kiểm phiếu được lập thành 3 bản có chữ ký của trưởng ban kiểm phiếu, người chủ trì hội nghị, người chứng kiến kiểm phiếu và được công bố công khai ngay tại Hội nghị thôn để nhân dân biết. Biên bản kiểm phiếu được gửi cho UBND xã, và lưu tại thôn.
Nếu biểu quyết giơ tay thì cũng lập biên bản như trên.
6. Trường hợp bầu lại: Sau khi bầu xong, nếu không có trường hợp nào đạt kết quả như mục 4 nói tại điều này thì phải tổ chức cho nhân dân bầu lại.
Nếu bầu lại mà vẫn không đạt kết quả thì không tổ chức bầu lại lần thứ hai, UBND xã chỉ định tạm thời trưởng thôn và chỉ đạo tổ chức bầu trưởng thôn, phó trưởng thôn vào hội nghị tiếp sau với tinh thần khẩn trương nhất.
Điều 6: Công nhận kết quả bầu trưởng thôn, phó trưởng thôn.
- Trong thời hạn 7 ngày, kể từ khi nhận được biên bản kết quả bầu trưởng thôn, phó trưởng thôn, Chủ tịch UBND xã xem xét, kiểm tra và ra quyết định công nhận kết quả bầu.
- Sau khi có quyết định công nhận kết quả bầu của Chủ tịch UBND xã, trưởng thôn, phó trưởng thôn mới được bầu chính thức nhận nhiệm vụ.
- Trường hợp phát hiện ra những sai sót, vi phạm Quy chế, hoặc người mới được bầu vi phạm pháp luật, thì Chủ tịch UBND xã không công nhận kết quả bầu, và thông báo cho nhân dân ở thôn biết, yêu cầu tổ chức bầu lại trưởng thôn, phó trưởng thôn.
- Thôn tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng 1 lần hoặc bất thường. Sinh hoạt thôn để phổ biến, học tập pháp luật, chính sách chế độ của Nhà nước, triển khai những nội dung công việc của thôn.
- Hằng năm, thôn tổ chức Hội nghị thôn vào cuối năm, để tổng kết hoạt động thôn sau một năm và đề ra phương hướng hoạt động cho năm tới.
- Khi có yêu cầu của UBND xã, hoặc 2/3 số hộ trong thôn đề nghị, thì tổ chức Hội nghị thôn bất thường.
- Chủ trì Hội nghị thôn là trưởng thôn và hoặc phó trưởng thôn (nếu trưởng thôn vắng mặt). Nếu khuyết cả trưởng thôn và phó trưởng thôn thì UBND xã đứng ra triệu tập và chủ trì Hội nghị thôn.
Điều 8: Nội dung Hội nghị thôn:
1. Bàn biện pháp tổ chức thực hiện các Nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND xã, các quyết định, chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên.
2. Thảo luận, bàn bạc, quyết định các công việc nội bộ của thôn về tổ chức sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện xoá đói giảm nghèo, đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống, về văn hoá-xã hội, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn xã hội, thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước...
3. Thảo luận và đóng góp ý kiến vào các báo cáo kết quả công tác, dự thảo chương trình công tác của UBND xã, các bản kiểm điểm, tự phê bình của Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND xã và của Trưởng thôn.
4. Đánh giá hoạt động của thôn, kiểm điểm việc thực hiện Quy chế dân chủ, thực hiện hương ước, quy ước, hoạt động của các tổ chức đoàn thể, các tổ tự quản, tổ hoà giải, tổ an ninh, ban chỉ đạo sản xuất, tổ kiến thiết...
5. Xem xét, đánh giá, biểu dương những hộ gia đình, cá nhân có thành tích tốt, phê bình, nhắc nhở những hộ gia đình, cá nhân còn có vi phạm, khuyết điểm.
6. Bầu, cho thôi chức trưởng thôn, phó trưởng thôn theo quy định.
Nghị quyết của Hội nghị thôn có giá trị khi có quá nửa số đại diện hộ trong thôn tán thành và không trái với pháp luật.
Điều 9: Trường hợp không tổ chức được Hội nghị thôn theo quy định thì thực hiện phát phiếu lấy ý kiến (trừ nội dung thứ 6-điều 8 của Quy chế này).
Phiếu lấy ý kiến được phát đến từng hộ gia đình.
Trưởng thôn phối hợp với Ban công tác Mặt trận ở thôn và các tổ chức đoàn thể, xây dựng thống nhất nội dung phiếu lấy ý kiến, các bản dự thảo, phát phiếu và thu hồi phiếu, tổng hợp ý kiến của các hộ trong thôn.
Các ý kiến có giá trị khi có quá nửa số hộ trong thôn đồng ý và không trái với pháp luật.
Điều 10: Thôn được thành lập các tổ chức trong nhân dân, như tổ hoà giải, tổ an ninh, ban chỉ đạo sản xuất, tổ kiến thiết, xây dựng đường, thuỷ lợi, trường học.
Các tổ chức này do Bí thư, Phó bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Phó trưởng thôn kiêm nhiệm phụ trách và một số thành viên được trưởng thôn chỉ định.
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TRƯỞNG THÔN, PHÓ TRƯỞNG THÔN
Điều 11: Chức năng, nhiệm vụ của Trưởng thôn:
1. Hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân trong thôn thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, Nghị quyết, quyết định của cấp trên.
Tổ chức thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, như nộp thuế, lao động công ích, nghĩa vụ quân sự, bảo vệ, giám sát và quản lý các công trình công cộng, mốc địa giới hành chính trên địa bàn thôn.
2. Phối hợp với Ban công tác Mặt trận thôn tổ chức, chủ trì các cuộc họp thôn, Hội nghị thôn.
3. Phối hợp với Ban công tác Mặt trận thôn, các tổ chức đoàn thể hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo, phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh môi trường, bảo vệ sản xuất, bảo vệ nguồn nước, quản lý đất đai.
Tổ chức vận động nhân dân thực hiện tốt Quy chế dân chủ, xây dựng và thực hiện tốt Quy ước thôn, giữ gìn đoàn kết, xây dựng gia đình văn hoá.
4. Phối hợp với Ban công tác Mặt trận thôn, hướng dẫn về hoạt động của Tổ hoà giải, Tổ an ninh, Tổ bảo vệ sản xuất, Tổ kiến thiết...
Giải quyết kịp thời những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm, những hành vi xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của nhân dân.
5. Đại diện cho thôn trong quan hệ mọi mặt với các thôn khác.
6. Thường xuyên lắng nghe những ý kiến, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phản ánh kịp thời với UBND xã để giải quyết.
7. Phối hợp với Công an viên ở thôn thực hiện tốt việc quản lý, đăng ký tạm trú, tạm vắng. Tham gia việc quản lý giáo dục, nhận xét về sự tiến bộ của những người ở trong thôn vi phạm pháp luật, người chưa được xoá án, người đang bị quản chế, người bị án treo, án cảnh cáo. Động viên, giúp đỡ người đã thi hành án xong về địa phương sinh sống, tạo điều kiện cho họ có công ăn, việc làm.
8. Chấp hành tốt chế độ thông tin báo cáo theo định kỳ hàng tháng, hàng quí, hàng năm về kết quả công tác, tự phê bình, phê bình kiểm điểm trước hội nghị thôn.
Tham gia đầy đủ các cuộc họp, các lớp học do cấp trên triệu tập.
9. Báo cáo kết quả công tác khi kết thúc nhiệm kỳ và có trách nhiệm chuẩn bị cho việc bầu trưởng thôn của nhiệm kỳ mới. Bàn giao đầy đủ tài liệu, sổ sách liên quan đến hoạt động của thôn cho trưởng thôn mới khi thôi làm nhiệm vụ trưởng thôn.
Việc bàn giao nói trên phải có đại diện UBND xã, Ban công tác Mặt trận ở thôn xác nhận.
Điều 12: Quyền hạn của Trưởng thôn:
1. Lập biên bản các trường hợp vi phạm pháp luật trên địa bàn thôn, như: chứa chấp người lạ mặt mà không khai báo tạm trú; tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu gây cháy nổ; khai thác lâm sản trái phép, đốt phá rừng, xâm phạm tài sản riêng của công dân, tranh chấp ruộng đất, làm nhà trái phép, mất trật tự xã hội, truyền bá văn hoá phẩm độc hại v.v... để báo cáo UBND xã hoặc cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Được huy động lực lượng dân quân ở thôn để ngăn chặn hoặc tạm giữ những người phạm pháp quả tang như phá hoại các công trình công cộng, mốc địa giới hành chính, hành hung, đánh nhau gây mất trật tự v.v... nhưng sau đó phải đưa ngay người bị tạm giữ lên UBND xã để giải quyết.
3. Được UBND xã thông báo cho biết về tình hình chung của xã, được tham khảo ý kiến khi giải quyết các vụ việc xẩy ra trong thôn.
4. Được xác nhận vào các biên bản, đơn đề nghị hợp pháp của các tổ chức, tập thể, cá nhân trong thôn để làm cơ sở cho cấp trên xem xét, giải quyết.
Điều 13: Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó trưởng thôn:
Phó trưởng thôn là người giúp việc cho Trưởng thôn.
Phó trưởng thôn thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do Trưởng thôn phân công và chịu trách nhiệm trước Trưởng thôn và nhân dân trong thôn về kết quả công tác thực hiện nhiệm vụ được phân công.
QUYỀN LỢI, KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT ĐỐI VỚI TRƯỞNG THÔN, PHÓ TRƯỞNG THÔN
Điều 14: Quyền lợi của Trưởng thôn.
- Trưởng thôn được tham dự các lớp tập huấn, lớp bồi dưỡng những kiến thức về quản lý Nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Trưởng thôn.
Trưởng thôn được mời tham dự các kỳ họp của HĐND, UBND xã khi bàn những vấn đề liên quan đến thôn.
Được đài thọ kinh phí ăn, ở, đi, về trong thời gian tham gia các lớp tập huấn, lớp bồi dưỡng và các cuộc họp do cấp trên triệu tập.
- Hàng tháng Trưởng thôn được hưởng một khoản phụ cấp theo quyết định của UBND tỉnh.
Điều 15: Quyền lợi của Phó trưởng thôn.
- Phó trưởng thôn được tham dự các lớp tập huấn, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn như Trưởng thôn, được đài thọ về kinh phí trong thời gian học tập.
- Hàng tháng Phó trưởng thôn được hưởng một khoản phụ cấp theo quyết định của UBND tỉnh.
Điều 16: Khen thưởng - kỷ luật.
- Trưởng thôn, Phó trưởng thôn hoàn thành tốt nhiệm vụ có thành tích xuất sắc trong công tác được xét khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
- Trưởng thôn, Phó trưởng thôn mắc khuyết điểm hoặc vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, không hoàn thành nhiệm vụ thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà phải chịu một trong các hình thức kỷ luạat như sau: khiển trách, cảnh cáo, miễn nhiệm, đồng thời phải bồi thường các thiệt hại về vật chất do cố ý gây ra.
Điều 17: Quy chế này áp dụng cho cả khối phố ở phường và thị trấn. Ban Tổ chức chính quyền tỉnh hướng dẫn cụ thể việc áp dụng Quy chế này cho khối phố ở phường và thị trấn.
Điều 18: Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức đoàn thể phối hợp với chính quyền cùng cấp chỉ đạo cấp dưới trong việc theo dõi, thực hiện Quy chế này.
Điều 19: Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế, nếu có vướng mắc, kiến nghị, UBND cấp xã phản ánh lên UBND huyện để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết ./.
Nghị định 29/1998/NĐ-CP năm 1998 Quy chế thực hiện dân chủ ở xã Ban hành: 11/05/1998 | Cập nhật: 08/12/2009