Quyết định 62/2011/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố, tai nạn xảy ra trong phạm vi công trình đường hầm Thủ Thiêm do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 62/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Hữu Tín
Ngày ban hành: 06/10/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 01/11/2011 Số công báo: Số 63
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 62/2011/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN NINH, AN TOÀN GIAO THÔNG, PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY, CỨU NẠN, CỨU HỘ KHI CÓ SỰ CỐ, TAI NẠN XẢY RA TRONG PHẠM VI CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG HẦM THỦ THIÊM

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Bộ Luật Hàng hải Việt Nam số 40/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 33/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 60/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định số 48/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

Căn cứ Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý vả bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 35/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội;

Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18 tháng 5 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý vả bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 36/TTr-SGTVT ngày 30 tháng 9 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố, tai nạn xảy ra trong phạm vi công trình đường hầm Thủ Thiêm.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Bộ Tư lệnh thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận 1, quận 2, quận 4, Cảng vụ Hàng hải thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong, Tổng Công ty Điện lực thành phố TNHH một thành viên, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên, Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tín

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN NINH, AN TOÀN GIAO THÔNG, PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY, CỨU NẠN, CỨU HỘ KHI CÓ SỰ CỐ, TAI NẠN XẢY RA TRONG PHẠM VI CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG HẦM THỦ THIÊM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 62/2011/QĐ-UBND ngày 06 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi áp dụng:

Quy chế này quy định về công tác phối hợp trong đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố, tai nạn xảy ra trong phạm vi công trình đường hầm Thủ Thiêm.

2. Đối tượng áp dụng:

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố, tai nạn xảy ra trong phạm vi công trình đường hầm Thủ Thiêm.

Điều 2. Hành lang an toàn và phạm vi công trình đường hầm Thủ Thiêm

1. Hành lang an toàn của công trình đường hầm Thủ Thiêm được xác định như sau:

a) Phần trên sông Sài Gòn: 100m (từ tim hầm về phía thượng lưu 50m, và về phía hạ lưu 50m);

b) Phần trên bờ, phía quận 1:

- Chiều ngang:

+ Phía Bắc: trong phạm vi lộ giới dự án Đại lộ Đông - Tây Thành phố;

+ Phía Nam (phía kênh Bến Nghé): từ tim hầm ra 50m;

- Chiều dọc: tính từ đầu hầm dẫn (lý trình Km 13+375 dự án Đại lộ Đông - Tây Thành phố);

c) Phần trên bờ, phía quận 2:

- Chiều ngang: trong phạm vi lộ giới dự án Đại lộ Đông - Tây Thành phố;

- Chiều dọc: tính từ đầu hầm dẫn (lý trình Km 14+865 dự án Đại lộ Đông - Tây Thành phố).

2. Phạm vi công trình đường hầm Thủ Thiêm: là tất cả các công trình xây dựng nằm trong hành lang an toàn của đường hầm Thủ Thiêm được xác định tại Quy chế này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sự cố, tai nạn bao gồm: tai nạn giao thông và các tai nạn khác xảy ra trong đường hầm; các sự cố về cháy, nổ phương tiện, thiết bị; sập đổ công trình; rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại và các sự cố khác xảy ra trong phạm vi công trình đường hầm Thủ Thiêm.

2. Sự cố, tai nạn không nghiêm trọng: là các sự cố, tai nạn không có thương vong, không cháy nổ và không ảnh hưởng đến giao thông qua hầm.

3. Sự cố, tại nạn nghiêm trọng: là các sự cố, tai nạn xảy ra có thương vong; cháy nổ, hư hỏng kết cấu, thiết bị của đường hầm, ảnh hưởng đến giao thông qua hầm (Phải đóng một số làn xe lưu thông qua hầm).

4. Sự cố, tai nạn đặc biệt nghiêm trọng: là các sự cố, tai nạn xảy ra gây ra hậu quả bắt buộc phải đóng toàn bộ hầm để điều tra xử lý và khắc phục hậu quả.

5. Cơ quan chủ trì: là cơ quan có trách nhiệm chủ trì xây dựng các kế hoạch, phương án và tổ chức thực hiện xử lý sự cố, tai nạn theo từng tình huống cụ thể đối với phạm vi lĩnh vực được giao.

6. Cơ quan chỉ huy: là cơ quan có trách nhiệm chỉ huy, triển khai phương án xử lý sự cố, tai nạn đối với phạm vi lĩnh vực được giao.

Điều 4. Nguyên tắc phối hợp

1. Công tác xử lý sự cố, tai nạn trong mọi tình huống ưu tiên cứu người bị nạn, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản, vật chất.

2. Cơ quan chủ trì được quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức và đơn vị có liên quan phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và phân công trong Quy chế này.

3. Cơ quan chỉ huy có trách nhiệm chỉ huy, triển khai phương án nhanh chóng, hợp lý, hiệu quả ngay khi nhận được thông báo xảy ra sự cố, tai nạn và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Các cơ quan, đơn vị tham gia phối hợp phải chấp hành lệnh điều động của cơ quan có thẩm quyền, sự điều hành của cơ quan chỉ huy và thực hiện trách nhiệm theo quy định; đảm bảo kịp thời, thống nhất và hỗ trợ nhau trong quá trình xử lý sự cố, tai nạn.

4. Cơ quan chỉ huy và các cơ quan tham gia phối hợp phải tổ chức lực lượng, cung cấp danh sách nhân sự và số điện thoại khẩn cấp (đường dây nóng) cho tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan để thông tin liên lạc kịp thời khi có sự cố, tai nạn xảy ra.

Điều 5. Cơ quan chỉ huy xử lý sự cố, tai nạn

1. Đối với các sự cố, tai nạn đặc biệt nghiêm trọng:

Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Đối với các sự cố, tai nạn nghiêm trọng:

a) Các sự cố, tai nạn liên quan đến an ninh hoặc an toàn giao thông:

Công an thành phố.

b) Các sự cố, tai nạn về cháy, nổ:

Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy.

c) Các sự cố, tai nạn liên quan đến kết cấu và thiết bị đường hầm:

Sở Giao thông vận tải.

3. Đối với các sự cố, tai nạn không nghiêm trọng:

Các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Ủy ban nhân dân các quận có liên quan (quận 1, quận 2 và quận 4) chỉ huy và phối hợp với Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn (gọi tắt là Trung tâm) để xử lý sự cố, tai nạn và xử lý các hành vi vi phạm.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẢM BẢO AN NINH, AN TOÀN GIAO THÔNG, PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY, CỨU NẠN, CỨU HỘ

Điều 6. Công tác đảm bảo an ninh và an toàn giao thông

1. Cơ quan chủ trì: Công an thành phố

a) Chủ trì xây dựng phương án và tổ chức thực hiện công tác đảm bảo an ninh và an toàn giao thông trong phạm vi công trình đường hầm Thủ Thiêm;

b) Chủ trì xây dựng phương án và tổ chức xử lý các sự cố, tai nạn giao thông xảy ra trong phạm vi công trình đường hầm Thủ Thiêm;

c) Chủ trì điều tra, khám nghiệm hiện trường xác định nguyên nhân của sự cố, tai nạn.

2. Các cơ quan tham gia phối hợp:

a) Bộ Tư lệnh thành phố;

b) Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố;

c) Ủy ban nhân dân quận 1 và quận 2;

d) Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy;

đ) Sở Y tế;

e) Sở Giao thông vận tải;

g) Cảng vụ Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh;

h) Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm;

i) Các cơ quan khác có liên quan (theo yêu cầu, phương án của Công an thành phố).

Điều 7. Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Cơ quan chủ trì: Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy.

a) Chủ trì xây dựng các phương án và tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi công trình đường hầm Thủ Thiêm;

b) Chủ trì xây dựng kế hoạch, tổ chức diễn tập các phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo định kỳ.

c) Chủ trì tổ chức công tác kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy theo định kỳ, tiến hành khám nghiệm hiện trường và điều tra nguyên nhân sự cố cháy, nổ.

2. Các cơ quan tham gia phối hợp:

a) Công an thành phố;

b) Bộ Tư lệnh thành phố;

c) Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố;

d) Sở Y tế;

đ) Sở Giao thông vận tải;

e) Lực lượng Thanh niên xung phong;

g) Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm;

h) Các cơ quan khác có liên quan (theo yêu cầu, phương án của Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy).

Điều 8. Công tác bảo vệ kết cấu công trình đường hầm

1. Cơ quan chủ trì: Sở Giao thông vận tải

a) Chủ trì tổ chức thực hiện bảo vệ kết cấu hạ tầng công trình đường hầm Thủ Thiêm;

b) Chủ trì xây dựng phương án tổ chức giao thông và khai thác đường hầm Thủ Thiêm.

2. Các cơ quan tham gia phối hợp:

a) Công an thành phố;

b) Cảng vụ Hàng hải thành phố;

c) Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm;

d) Các cơ quan khác có liên quan (theo yêu cầu, phương án của Sở Giao thông vận tải).

Điều 9. Trách nhiệm cụ thể của một số cơ quan khác

1. Sở Y tế: Chủ trì tổ chức, chuẩn bị lực lượng y bác sĩ, sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị, cơ số thuốc cần thiết để tham gia hoạt động cấp cứu, đảm bảo việc sơ cứu ban đầu và đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất.

2. Sở Tài chính: Phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét, cân đối ngân sách thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định để thực hiện công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi công trình đường hầm Thủ Thiêm.

3. Cảng vụ Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ trì hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng phương án và tổ chức điều tiết giao thông hàng hải đảm bảo an toàn trong hành lang an toàn công trình đường hầm Thủ Thiêm;

4. Ủy ban nhân dân quận 1 và quận 2: Xây dựng kế hoạch, phương án huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tham gia phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi công trình đường hầm Thủ Thiêm.

5. Lực lượng Thanh niên xung phong: Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tham gia các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và khắc phục hậu quả khi có sự cố, tai nạn xảy ra trong phạm vi công trình đường hầm Thủ Thiêm.

6. Tổng Công ty Điện lực thành phố TNHH một thành viên:

a) Lập phương án cung cấp điện ưu tiên và đảm bảo cung cấp điện liên tục cho công tác khai thác vận hành đường hầm Thủ Thiêm;

b) Phối hợp với Trung tâm xây dựng phương án phối hợp nhằm đảm bảo an toàn điện cho các lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi tham gia xử lý sự cố, tai nạn xảy ra trong phạm vi công trinh đường hầm Thủ Thiêm.

7. Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên: Cung cấp nước cho hoạt động vận hành, bảo trì của đường hầm Thủ Thiêm liên tục và phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy liên tục, đầy đủ.

8. Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm:

a) Tổ chức thực hiện quản lý, vận hành, khai thác, duy tu, bảo trì công trình đường hầm Thủ Thiêm theo chức năng, nhiệm vụ;

b) Tổ chức xử lý ban đầu trong mọi tình huống sự cố, tai nạn xảy ra trong khả năng cho phép; đồng thời thông báo ngay đến các cơ quan chức năng liên quan;

c) Báo cáo kịp thời về Sở Giao thông vận tải mọi sự cố, tai nạn xảy ra trong phạm vi công trình đường hầm Thủ Thiêm.

Chương III

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ SAU SỰ CỐ, TAI NẠN

Điều 10. Các cơ quan, đơn vị tham gia xử lý sự cố, tai nạn phải phối hợp thu dọn hiện trường trong thời gian nhanh nhất; ngăn chặn lây lan hóa chất độc hại, khí độc (nếu có); tiêu độc, khử trùng, phòng dịch, vệ sinh môi trường tại khu vực xảy ra sự cố, tai nạn.

Điều 11. Các cơ quan, đơn vị tham gia xử lý sự cố, tai nạn tùy theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại (về người và tài sản) gửi về cơ quan, đơn vị chủ trì theo từng lĩnh vực để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để có ý kiến chỉ đạo, quyết định các biện pháp xử lý khắc phục hậu quả sau sự cố, tai nạn.

Chương IV

CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO, HỘI HỌP

Điều 12. Đối với các sự cố, tai nạn nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng

1. Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm thực hiện thông tin, báo cáo đến các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ huy xử lý sự cố, tai nạn bằng đường dây nóng; người thực hiện thông tin, báo cáo phải báo rõ họ tên, chức vụ, bộ phận công tác và tình hình, địa điểm, cấp độ của sự cố, tai nạn.

2. Trong quá trình phối hợp xử lý sự cố, tai nạn việc báo cáo, thông tin liên lạc giữa các cơ quan, đơn vị được thực hiện bằng hệ thống thông tin vô tuyến, hữu tuyến đã được thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị.

3. Sau khi xử lý xong sự cố, tai nạn, Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm phải có báo cáo bằng văn bản đến Sở Giao thông vận tải và cơ quan chủ trì về lĩnh vực sự cố, tai nạn được xử lý.

4. Việc thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự cố, tai nạn và kết quả xử lý, khắc phục phải do thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ huy xử lý sự cố, tai nạn chịu trách nhiệm công bố.

Điều 13. Đối với các sự cố, tai nạn không nghiêm trọng

1. Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm báo cáo kịp thời sự cố, tai nạn có liên quan đến an toàn, an ninh công trình và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị để chủ động khắc phục hậu quả.

2. Phối hợp với các lực lượng trên địa bàn thực hiện các biện pháp theo phương án và sự phân công trong kế hoạch đã được phê duyệt.

3. Thống kê, báo cáo các vụ, việc xảy ra sự cố, tai nạn theo quy định.

4. Ngay khi phát hiện sự cố, tai nạn gia tăng ở cấp độ nghiêm trọng hơn thì Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm phải thông báo kịp thời đến các cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định trong Quy chế này.

Điều 14. Đối với công tác phối hợp thường xuyên, định kỳ

1. Định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý, cơ quan chủ trì (theo phạm vi lĩnh vực được nêu tại Quy chế này) tổ chức họp giao ban về các công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi công trình đường hầm Thủ Thiêm và đề xuất các biện pháp cần thiết nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp theo Quy chế này.

2. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án về đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Thông qua công tác diễn tập, Trung tâm tổ chức hội nghị đúc kết kinh nghiệm, bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện các phương án và báo cáo theo quy định.

3. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn công trình đường hầm Thủ Thiêm và hợp tác với cơ quan có liên quan trong việc triển khai các hoạt động phối hợp kiểm tra về an ninh, an toàn phòng cháy và chữa cháy theo kế hoạch đã được thống nhất.

Chương V

NGUỒN TÀI CHÍNH, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH VÀ ĐẦU TƯ CHO HOẠT ĐỘNG ĐẢM BẢO AN NINH, AN TOÀN GIAO THÔNG, PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY, CỨU NẠN, CỨU HỘ

Điều 15. Nguồn tài chính đảm bảo cho hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

1. Ngân sách (Thành phố, quận, phường) cấp theo quy định của pháp luật.

2. Các khoản hỗ trợ, viện trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

3. Các khoản thu thông qua các hợp đồng dịch vụ, đền bù của cơ quan bảo hiểm, các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Đầu tư trang bị cho hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

1. Việc đầu tư đảm bảo các hoạt động của các lực lượng đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thụ hưởng từ ngân sách thành phố, được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Hàng năm, ngân sách thành phố đảm bảo và bố trí kinh phí cho Trung tâm để tổ chức đào tạo, huấn luyện, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, pháp lý, diễn tập, các hoạt động hội thảo, hội nghị về các công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Khen thưởng - xử lý vi phạm

1. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích trong hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của Quy chế này được khen thưởng theo Luật Thi đua, khen thưởng, các nghị định, thông tư hướng dẫn và các quy định khác của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về các hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi công trình đường hầm Thủ Thiêm thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Tổ chức thực hiện

1. Các cơ quan, đơn vị trong phạm vi điều chỉnh của Quy chế này có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế đến từng cơ quan, đơn vị trực thuộc có liên quan và quy định rõ thời gian triển khai thực hiện; thường xuyên huấn luyện, diễn tập các phương án đảm bảo chất lượng chuyên môn, hiệu quả khi tham gia xử lý các sự cố, tai nạn xảy ra theo quy định của Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung Quy chế, các Sở - ban - ngành, các cơ quan có liên quan phản ảnh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.