Quyết định 618/QĐ-UBND năm 2011 về Kế hoạch triển khai Chương trình Quốc gia về An toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành
Số hiệu: 618/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa Người ký: Lê Xuân Thân
Ngày ban hành: 11/03/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 618/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 11 tháng 3 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 2281/QĐ-TTg ngày 10/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa tại Tờ trình số 17/TTr-LĐTBXH ngày 17 tháng 2 năm 2011 về việc phê duyệt Chương trình Quốc gia về An toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Chương trình Quốc gia về An toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Công thương, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn lao động tỉnh, Công an tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Giám đốc các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Lao động – TBXH (b/c);
- TT. UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TmN, QP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Xuân Thân

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2011 – 2015.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 618/QĐ-UBND ngày 11 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Ngày 10 tháng 12 năm 2010, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 2281/QĐ-TTg về việc “phê duyệt Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015”.

Để triển khai thực hiện Quyết định số 2281/QĐ-TTg nêu trên, UBND tỉnh Khánh Hòa xây dựng kế hoạch triển khai chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa với các nội dung cụ thể như sau:

I. Tình hình thực hiện chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động đến năm 2010

1. Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2010

- Trong 03 năm thực hiện chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động từ 2008 đến năm 2010, tỉnh đã ban hành chỉ thị số 26/CT-UBND ngày 17/9/2008 về việc tăng cường quản lý chấn chỉnh hoạt động khai thác nhằm đảm bảo an toàn trong khai thác các mỏ đá và khoáng sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, ban hành công văn hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức thực hiện Chỉ thị số 10/2008/CT-TTg ngày 14/3/2008 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường công tác an toàn - vệ sinh lao động, ban hành kế hoạch và công văn hướng dẫn các doanh nghiệp hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ các năm; qua đó đã tuyên truyền sâu rộng và hiệu quả công tác an toàn - vệ sinh lao động đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Trong giai đoạn 2006-2010, trực tiếp từ Chương trình đã tổ chức huấn luyện cho 100 cán bộ quản lý an toàn - vệ sinh lao động thuộc ngành Lao động - TBXH từ cấp tỉnh đến cấp huyện, với các nội dung về nghiệp vụ an toàn - vệ sinh lao động, kỹ năng thông tin, tuyên truyền huấn luyện. Tổ chức 45 lớp huấn luyện công tác an toàn - vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn - vệ sinh lao động tại cơ sở và người làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn - vệ sinh lao động; 18 lớp huấn luyện để đào tạo kỹ năng giảng dạy, truyền thông, kiểm tra cho các cán bộ xã, phường trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra đã tổ chức hàng chục lớp an toàn - vệ sinh lao động cho người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các nội dung: An toàn: Khai thác Khoáng sản, Điện, May mặc, Chế biến gỗ, Xây dựng, Thủy sản v..v…; Tổ chức 101 lớp cho 4.244 cán bộ y tế cơ sở; Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức huấn luyện nhiều lớp an toàn vệ sinh viên cho cán bộ làm công tác công đoàn tại các doanh nghiệp.

- Thông qua Tuần lễ Quốc gia An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ hàng năm, tỉnh đã tổ chức hàng chục cuộc hội thảo về công tác an toàn - vệ sinh lao động, nhiều băng rôn, biểu ngữ cổ động cho Tuần lễ và nhiều loại ấn phẩm truyền thông (tờ rơi, tranh, áp phích, tạp chí, sách, đĩa CD tuyên truyền) về an toàn - vệ sinh lao động được phát miễn phí tới người lao động, người sử dụng lao động và các cán bộ làm công tác an toàn - vệ sinh lao động. Tuần lễ Quốc gia An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ hàng năm đã được tổ chức với nội dung và hình thức có nhiều đổi mới ngày càng được sự quan tâm, hưởng ứng của người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn toàn tỉnh. Qua các hoạt động trên, nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, các ngành đã từng bước được nâng cao, góp phần giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

2. Tình hình tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

(Xem bảng tổng hợp TNLĐ và Bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2006-2010)

- Theo kết quả tổng hợp tai nạn lao động của các doanh nghiệp, từ năm 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh trung bình mỗi năm xảy ra 53 vụ tai nạn lao động, trong đó 08 vụ tai nạn lao động chết người. Tuy nhiên việc báo cáo TNLĐ của các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 1% - 2%, nên số liệu còn thấp rất nhiều so với thực tế.

- Qua theo dõi tình hình bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ của các cơ sở sản xuất và người lao động được khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng theo từng năm, số người có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp phát hiện sớm và được đưa đi giám định kịp thời, số người mắc bệnh nghề nghiệp giảm. Việc khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động được các doanh nghiệp và bản thân người lao động quan tâm nhiều hơn, công tác y tế lao động ngày càng phát triển với các định hướng phù hợp trong tình hình mới.

3. Sự phối hợp của các đơn vị và các sở, ban, ngành, liên quan

- Nhận thức về tầm quan trọng của công tác BHLĐ ở các địa phương đã được nâng cao, kinh phí chương trình quốc gia về BHLĐ, AT-VSLĐ từ nguồn ngân sách của Trung ương và Địa phương đều đã được sử dụng đúng mục tiêu.

- Mạng lưới các cán bộ làm công tác AT-VSLĐ tại các cơ sở ngày càng được mở rộng, qua đó nhận thức về AT-VSLĐ của người lao động và người sử dụng lao động được chuyển biến rõ rệt.

- Các hoạt động của các Sở, ban, ngành đoàn thể liên quan tham gia vào chương trình ngày càng có sự phối hợp nhịp nhàng, hướng tới đạt mục tiêu chung của chương trình.

II. Mục tiêu, hoạt động, giải pháp, kinh phí về an toàn - vệ sinh lao động đến năm 2015

1. Mục tiêu:

- Trung bình hàng năm giảm 5% tần suất tai nạn lao động trong các ngành, lĩnh vực khai khoáng, xây dựng, sử dụng điện, sản xuất kim loại và sản xuất hóa chất;

- Trung bình hàng năm tăng 5% số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 5% số người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tăng 3% số cơ sở được giám sát môi trường lao động;

- Trung bình hằng năm tăng thêm 05 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý công tác an toàn - vệ sinh lao động;

- Đến năm 2015, huấn luyện AT-VSLĐ cho trên: 600 cho người sử dụng lao động và cán bộ làm công tác an toàn - vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp; cho 500 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn - vệ sinh lao động; 500 người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

- Đến năm 2015 trên 3.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ được phổ biến các thông tin về an toàn - vệ sinh lao động;

- 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp được chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng lao động;

- 100% số vụ tai nạn lao động chết người được điều tra, xử lý.

2. Các hoạt động thực hiện mục tiêu

2.1. Các hoạt động nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn - vệ sinh lao động.

a) Nội dung thực hiện:

- Tổ chức huấn luyện cho các cán bộ quản lý nhà nước thuộc ngành lao động từ cấp tỉnh, cấp huyện, đến cấp xã phường về AT-VSLĐ;

- Hỗ trợ các trang thiết bị cho hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát về AT-VSLĐ;

b) Thời gian thực hiện: 2011- 2015

c) Phân công trách nhiệm:

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Cơ quan phối hợp: Sở Y tế và Liên đoàn lao động tỉnh.

2.2. Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao đông và bệnh nghề nghiệp trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, xây dựng, điện, đóng tàu, kinh doanh khí hóa lỏng; cải thiện điều kiện trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.

a) Nội dung thực hiện:

Căn cứ vào thống kê tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, tổ chức tư vấn hỗ trợ kỹ thuật AT-VSLĐ cho các doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra TNLĐ và BNN.

b) Thời gian thực hiện: 2011 - 2015

c) Phân công trách nhiệm:

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Cơ quan phối hợp: Sở Y tế, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, Sở Xây dựng.

2.3. Các hoạt động phòng, chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc.

a) Nội dung thực hiện:

- Triển khai các mô hình phòng, chống bệnh nghề nghiệp phổ biến;

- Hỗ trợ thiết bị, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các cơ sở khám, điều trị và phục hồi chức năng lao động cho người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp;

- Tập huấn nghiệp vụ chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp;

- Hỗ trợ thiết bị, tập huấn kỹ năng giám sát môi trường lao động;

- Hỗ trợ về nghiệp vụ y tế lao động cho các doanh nghiệp, cơ sở để tổ chức chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc.

b) Thời gian thực hiện: 2011 - 2015

c) Phân công trách nhiệm:

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Y tế

- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh.

2.4. Các hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng:

a) Nội dung thực hiện:

- Triển khai các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ hàng năm;

- Tổ chức tuyên truyền công tác an toàn - vệ sinh lao động tại các địa phương;

- Triển khai các hoạt động nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác bảo hộ lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh phong trào “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động” tại các cơ quan, doanh nghiệp.

b) Thời gian thực hiện: 2011 – 2015

c) Phân công trách nhiệm:

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Liên đoàn lao động tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Sở Y tế, Công an tỉnh và các sở, ban, ngành thuộc tỉnh.

2.5. Các hoạt động huấn luyện, giáo dục về công tác an toàn - vệ sinh lao động cho người lao động và người sử dụng lao động.

a) Nội dung thực hiện:

- Tổ chức huấn luyện AT-VSLĐ cho người sử dụng lao động;

- Tổ chức huấn luyện AT-VSLĐ cho cán bộ làm công tác an toàn - vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp;

- Tổ chức huấn luyện AT-VSLĐ cho người lao động sử dụng các máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về AT-VSLĐ;

- Tổ chức huấn luyện AT-VSLĐ cho người lao động làm việc trong các ngành nghề có nguy cơ cao về AT-VSLĐ - PCCN;

b) Thời gian thực hiện: 2011 - 2015

c) Phân công trách nhiệm:

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Cơ quan phối hợp: Sở Y tế, Liên đoàn lao động tỉnh, Công an tỉnh.

2.6. Hoạt động kiểm tra, giám sát báo cáo về các hoạt động của Chương trình Quốc gia AT-VSLĐ đến năm 2015.

a) Nội dung thực hiện:

- Xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát theo từng năm để có các đánh giá phù hợp theo thực tế tại từng cơ sở và từng ngành nghề để tổng kết và báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo định kỳ.

- Tổ chức đánh giá các kết quả đã thực hiện để tiếp tục có các định hướng cho các năm tiếp theo.

b) Thời gian thực hiện: 2011 – 2015

c) Phân công trách nhiệm:

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Cơ quan phối hợp: Sở Y tế, Liên đoàn lao động tỉnh, Công an tỉnh.

3. Giải pháp thực hiện

3.1. Tiếp tục quán triệt và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác an toàn - vệ sinh lao động trong thời kỳ mới.

3.2. Tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN hàng năm. Qua đó đánh giá công tác tổ chức hoạt động hưởng ứng Tuần lễ và xây dựng thực hịên chương trình hành động thiết thực trong giai đoạn tới.

3.3. Tích cực củng cố tổ chức bộ máy làm công tác BHLĐ ở các cơ sở. Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền về công tác an toàn - vệ sinh lao động cho người lao động.

3.4. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng, chuyển đổi nhận thức về công tác An toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ cho người sử dụng lao động và người lao động, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm ngăn ngừa và hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ xảy ra tại các doanh nghiệp.

3.5. Tăng cường công tác quản lý sức khoẻ người lao động ở nơi có nhiều yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đẩy mạnh công tác khám phát hiện bệnh nghề nghiệp như bụi phổi silic, điếc, nhiễm chất độc hoá học. Khảo sát môi trường lao động các đơn vị, doanh nghiệp. Tập huấn cho các đội y tế dự phòng trong công tác vệ sinh lao động đối với các cơ sỏ vừa và nhỏ.

3.6. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ -PCCC ở cơ sở bằng hình thức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hoạt động về công tác ATVSLĐ -PCCC, đào tạo kiến thức về công tác quản lý cho cán bộ và an toàn vệ sinh viên ở cơ sở…

3.7. Các ngành, địa phương chỉ đạo doanh nghiệp trong phạm vi quản lý xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác BHLĐ đồng thời với kế hoạch Sản xuất kinh doanh, chú trọng việc kiện toàn tổ chức, phân công trách nhiệm cho bộ máy làm công tác BHLĐ, xây dựng y tế cơ sở, mạng lưới an toàn vệ sinh viên, lực lượng Phòng cháy chữa cháy đủ về số lượng, mạnh về năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

3.8. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của nhà nước về an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ tại các cơ sở sản xuất thuộc các lĩnh vực: khai thác khoáng sản, xây dựng, lắp đặt, sửa chữa và sử dụng điện; sử dụng các đối tượng có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ.

3.9. Tiến hành điều tra, lập biên bản kịp thời, chính xác các vụ TNLĐ, tìm đúng nguyên nhân gây TNLĐ, xử lý đúng người, đúng tội từ đó đề ra các biện pháp khắc phục tai nạn lao động tương tự hoặc tái diễn.

4. Kinh phí thực hiện giai đoạn 2011- 2015

4.1. Tổng kinh phí thực hiện: 8.010 triệu đồng; trong đó:

- Ngân sách địa phương: 850 triệu đồng

- Ngân sách trung ương: 7.160 triệu đồng

4.2. Cơ chế phân bổ và quản lý kinh phí

- Phân bổ kinh phí: theo mục tiêu cần thực hiện cho cơ quan chủ trì các hoạt động.

- Quản lý kinh phí: kinh phí thực hiện kế hoạch được phân bổ trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của cơ quan chủ trì.

III. Tổ chức thực hiện

1. Sở Lao động - Thương bình và Xã hội là cơ quan thường trực tham mưu UBND tỉnh triển khai các hoạt động sau: Các hoạt động nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về AT-VSLĐ; Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp; Các hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng; Các hoạt động huấn luyện, giáo dục về công tác ATVSLĐ; Các hoạt động kiểm tra, giám sát đánh giá hoạt động của chương trình.

2. Sở Y tế: Chủ trì tham mưu UBND tỉnh triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc.

3. Liên đoàn lao động tỉnh chủ trì tham mưu UBND tỉnh triển khai các hoạt động nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác bảo hộ lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh phong trào “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động” tại các cơ quan, doanh nghiệp.

4. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan và các địa phương theo quy định của luật ngân sách.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ trì tham mưu UBND tỉnh các hoạt động tuyên truyền về AT-VSLĐ-PCCN trên địa bàn quản lý.

Trên đây là Kế hoạch triển khai Quyết định số 2281/QĐ-TTg ngày 10/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc “phê duyệt Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Ủy ban nhân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị có văn bản gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp; báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.