Quyết định 6076/QĐ-BCT năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam-Lào đến năm 2020
Số hiệu: | 6076/QĐ-BCT | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Công thương | Người ký: | Vũ Huy Hoàng |
Ngày ban hành: | 15/10/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ CÔNG THƯƠNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6076/QĐ-BCT |
Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2012 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CHỢ BIÊN GIỚI VIỆT NAM-LÀO ĐẾN NĂM 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ và Nghị định số 44/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 189/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tống thể phát triển kinh tế- xã hội đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ;
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5745/VPCP-QHQT ngày 02 tháng 8 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ về việc quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam-Campuchia, Việt Nam-Lào đến năm 2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thương mại miền núi,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam-Lào đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam-Lào phải đảm bảo phát huy được vai trò của các loại hình chợ với nhiều công năng, kết hợp truyền thống với hiện đại hóa lưu thông hàng hóa để thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập và chất lượng sống của cư dân biên giới, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa khu vực biên giới với các khu vực khác của mỗi nước.
2. Phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam-Lào hợp lý và có trọng điểm, vừa khai thác được các lợi ích thương mại biên giới tương thích với các điều kiện, yếu tố phát triển kinh tế, xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong các chủ trương, chính sách của hai nước Việt Nam và Lào về phát triển thương mại biên giới, phù hợp với quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thương mại của địa phương và quy hoạch của các ngành kinh tế, giao thông, đất đai; vừa giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của khu vực biên giới hai nước, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp của hai dân tộc Việt Nam và Lào.
3. Phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam-Lào hiệu quả và bền vững, phải tuân thủ các tiêu chuẩn về xây dựng chợ; đảm bảo trình độ chuyên nghiệp trong quản lý chợ và tăng cường cơ sở vật chất-kỹ thuật, từng bước áp dụng các phương thức giao dịch, kinh doanh hiện đại; Nhà nước tiếp tục tăng cường hỗ trợ đầu tư, đồng thời từng bước đẩy nhanh xã hội hóa trong đầu tư phát triển chợ cửa khẩu ở những nơi thuận lợi; đảm bảo phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị của hai dân tộc Việt Nam và Lào, giữ gìn an ninh biên giới và bảo vệ môi trường.
4. Phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam-Lào phải có sự phối hợp liên ngành, liên cấp của hai nước để hoàn thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế miền núi, biên giới phát triển theo hướng thương mại hóa, mở rộng việc chuyển dịch lao động sang khu vực dịch vụ và tạo việc làm mới ở khu vực biên giới, thu hút người dân và thương nhân đến tham gia hoạt động của chợ, thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng chợ.
1. Mục tiêu tổng quát
Mục tiêu cơ bản phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam-Lào là nhằm đáp ứng yêu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân hai bên biên giới và bảo đảm cho các thị trường hàng hóa ở khu vực biên giới được hình thành và phát triển ổn định. Thông qua hoạt động của mạng lưới chợ biên giới để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại, nâng cao mức sống và tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho cư dân biên giới hai nước; kết hợp với phục vụ hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa của thương nhân mà thúc đẩy phát triển thị trường và thương mại biên giới, gắn kết với thị trường trong và ngoài nước. Qua đó rút ngắn khoảng cách phát triển của vùng biên giới với các vùng khác của mỗi nước, góp phần xây dựng và thúc đẩy tuyến biên giới chung Việt Nam-Lào phát triển bền vững trong hòa bình hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng.
2. Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2015, mạng lưới chợ biên giới Việt Nam-Lào có kết cấu và được phân bố hợp lý; phương thức giao dịch được nâng cao, nhất là ở các chợ cửa khẩu; nâng cao trình độ quản lý chợ theo hướng chuyên nghiệp, xây dựng được môi trường cạnh tranh lành mạnh. Thông qua mạng lưới chợ biên giới, đáp ứng được 60-70% nhu cầu trao đổi mua bán hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân hai bên biên giới; 60% nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ phục vụ kinh doanh thương mại và xuất nhập khẩu của thương nhân Việt Nam và Lào ở trong và ngoài khu vực biên giới. Bình quân hàng năm tại các chợ trong giai đoạn 2011-2015: doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 19-20%, doanh thu bán buôn hàng hóa tăng 14-15%.
Hoàn thành 90% số lượng chợ thuộc hạng mục cải tạo (mở rộng và nâng cấp); xây dựng mới 60-70% số chợ dân sinh biên giới, bán lẻ hàng hóa phục vụ cư dân hai bên biên giới là chủ yếu và 40-50% số chợ cửa khẩu vừa bán lẻ, vừa thu gom tập trung và bán buôn phát luồng hàng hóa phục vụ cả hoạt động kinh doanh thương mại và xuất nhập khẩu của thương nhân hai nước trong và ngoài khu vực biên giới.
- Đến năm 2020, phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam-Lào toàn diện, bao gồm chợ biên giới ở các xã biên giới và cửa khẩu phụ hoạt động mua bán theo mô hình kinh doanh chuỗi và chợ phiên; chợ cửa khẩu ở cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính phát huy đầy đủ các chức năng của chợ bán buôn, bán lẻ tổng hợp, áp dụng phương thức giao dịch và kinh doanh theo hướng hiện đại, hình thành mạng lưới phân phối hàng hóa thông suốt, quản lý chợ chuyên nghiệp, cấu trúc hợp lý và trang thiết bị đầy đủ.
Thông qua mạng lưới chợ biên giới, đáp ứng tuyệt đại bộ phận nhu cầu trao đổi mua bán hàng hóa phục vụ cho sản xuất và đời sống thường ngày của cư dân hai bên biên giới, phục vụ cho hoạt động kinh doanh thương mại và xuất nhập khẩu của thương nhân Việt Nam và Lào trong và ngoài khu vực biên giới. Bình quân hàng năm, tại các chợ trong giai đoạn 2016-2020: doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 15-16%, doanh thu bán buôn hàng hóa tăng 17-18%.
1. Phát triển loại hình chợ biên giới (chợ dân sinh chuyên bán lẻ hoặc chủ yếu là bán lẻ) ở xã biên giới gắn với cửa khẩu phụ, lối mở qua biên giới để hình thành các điểm thị trường, bảo đảm thuận tiện và hiệu quả cao cho hoạt động mua bán, hình thành thói quen trao đổi, mua bán hàng hóa qua chợ cho cư dân biên giới hai nước và thu hút thương nhân đến tham gia kinh doanh.
- Chợ biên giới là kênh phân phối hàng hóa chủ yếu cho cư dân biên giới hai nước nên cần hướng vào mục tiêu mở rộng các chuỗi kinh doanh để cung ứng hàng hóa thuận tiện cho người dân, tăng cường khai thác cơ sở vật chất của chợ để đáp ứng và kích thích nhu cầu về đời sống vật chất và văn hóa của cư dân biên giới, chú trọng phát huy tác dụng hỗ trợ của thương nhân ở các trung tâm kinh tế để phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa đến tận chợ biên giới.
- Đầu tư xây dựng chợ biên giới với quy mô nhỏ, xây dựng kiên cố và bán kiên cố, bố trí không gian kiến trúc phù hợp với đặc điểm hoạt động mua bán, sản xuất, tiêu dùng và giao lưu văn hóa-xã hội ở từng nơi. Trong đó, cần chú trọng đến việc tạo mặt bằng, xây dựng nhà và nền chợ, dành diện tích (sân, bãi) thỏa đáng để cư dân biên giới hai nước trao đổi sản phẩm.
- Phát triển ngành hàng và lực lượng kinh doanh trong chợ biên giới theo hướng gia tăng số hộ kinh doanh cố định trên các chợ, đồng thời khuyến khích các hộ tăng thời gian bán hàng trong ngày hoặc theo phiên chợ. Thu hút các thương nhân ở các trung tâm kinh tế phát triển các điểm bán lẻ đến tận chợ biên giới. Từng bước hình thành khu vực mua bán cho ngành hàng có sức phát triển nhanh.
- Vốn đầu tư phát triển chợ biên giới chủ yếu bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước; Đồng thời, kết hợp lồng ghép việc xây dựng các chợ biên giới với các dự án và chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác của Chính phủ đối với khu vực biên giới; Sử dụng nguồn vốn hỗ trợ hợp tác, tài trợ quốc tế, tài trợ của các tổ chức phi chính phủ và các nguồn vốn khác.
- Quản lý chợ biên giới theo mục tiêu thúc đẩy hoạt động thương mại. Cần xây dựng mô hình tổ chức và áp dụng thí điểm vào quản lý chợ, tổng kết và nhân rộng mô hình tổ chức quản lý phù hợp với chợ biên giới. Xây dựng kế hoạch đào tạo và tuyển dụng đội ngũ quản lý chợ có trình độ chuyên nghiệp.
2. Phát triển cả về lượng và chất các loại hình chợ cửa khẩu (chợ tổng hợp bán buôn và bán lẻ hàng hóa) ở cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính, vừa thực hiện đầy đủ các chức năng của thị trường trung tâm để phục vụ cho các hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới hai nước, vừa là nơi cung ứng các dịch vụ hỗ trợ cho thương nhân đến tham gia buôn bán và các dịch vụ mua sắm, ăn uống, giải trí, giao lưu văn hóa cho cư dân biên giới hai nước và khách du lịch.
- Phát triển chợ cửa khẩu theo hướng xây dựng và hoàn thiện chợ bán buôn nông, lâm sản, với các chức năng tập trung hàng hóa, giao lưu thông tin và hình thành giá nông sản, tổ chức thực hiện chợ phiên giao dịch hàng nông, lâm sản dễ bảo quản hoặc là nguyên liệu chế biến. Đồng thời, mở rộng các phương thức giao dịch và kinh doanh hàng công nghiệp tiêu dùng, hàng vật tư nông nghiệp như chuỗi cửa hàng, hệ thống đại lý trong chợ cửa khẩu. Đáp ứng các yêu cầu thâm nhập thị trường, bảo đảm vệ sinh an toàn và chất lượng hàng hóa giao dịch trong chợ cửa khẩu. Từ đó tăng cường mở rộng quy mô thương mại, kết nối thị trường biên giới với thị trường vùng và cả nước, cũng như với thị trường khu vực và thế giới.
- Từng bước áp dụng các phương thức giao dịch và kinh doanh hiện đại đối với chợ cửa khẩu, như bán đấu giá đối với hàng nông sản, hệ thống đại lý mua bán hàng hóa, chuỗi cửa hàng, giao dịch theo mạng và các phương thức khác. Hoàn thiện chế độ quản lý chợ cửa khẩu, đảm bảo thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động thương mại của thương nhân và cư dân biên giới hai nước, chú trọng thu hút các thương nhân ở các trung tâm kinh tế lớn đến tham gia hình thành các chuỗi cung ứng và mạng lưới phân phối hàng hóa hiệu quả.
- Thúc đẩy sự liên kết với các doanh nghiệp thương mại để từng bước dẫn dắt cư dân biên giới hai nước tham gia vào các hệ thống phân phối hiện đại, qua đó không chỉ cung ứng hàng hóa phục vụ đời sống và sản xuất của cư dân mà còn có thể chỉ dẫn việc điều chỉnh cơ cấu nông, lâm nghiệp theo yêu cầu của thị trường, phát triển nông-lâm nghiệp có hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển gia công, chế biến sau thu hoạch của địa phương, phát triển ngành nghề ở khu vực biên giới.
- Nhà nước hỗ trợ đầu tư về mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật hoặc Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư, các doanh nghiệp, cá nhân và hộ kinh doanh cùng tham gia đầu tư xây dựng chợ cửa khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài tăng cường đầu tư vào các chợ cửa khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh cá thể tham gia góp vốn đầu tư xây dựng chợ cửa khẩu.
1. Phương án quy hoạch
Số lượng, loại hình, vị trí, công năng, mức độ và phân kì đầu tư mạng lưới chợ biên giới của các tỉnh có chung đường biên giới hai nước Việt Nam và Lào đến năm 2020 được thể hiện chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo Quyết định này.
2. Lựa chọn ưu tiên đầu tư
Danh mục các dự án chợ biên giới Việt Nam-Lào được ưu tiên đầu tư (xây mới hoặc nâng cấp, mở rộng) trong giai đoạn 2011-2015 cụ thể như trong Phụ lục 2 kèm theo Quyết định này.
1. Chính sách đầu tư xây dựng chợ biên giới
Tập trung hướng dẫn và kiến tạo môi trường thuận lợi để vận dụng triệt để các chính sách hiện hành của Nhà nước về đầu tư phát triển chợ nói chung, chợ nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa và đặc biệt là chợ biên giới Việt Nam-Lào nói riêng.
- Khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức đầu tư hoặc liên kết, hợp tác cùng đầu tư xây dựng (kể cả xây mới và nâng cấp, mở rộng) và tổ chức quản lý, quản trị kinh doanh khai thác các loại hình chợ biên giới. Đối với điều kiện kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp và người dân có khả năng về tài chính, nhà nước kêu gọi, động viên doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư và các hộ kinh doanh tham gia đóng góp xây dựng chợ.
- Tùy theo tình hình và điều kiện trong từng thời kỳ nhất định, Nhà nước có các chính sách phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng chợ biên giới như: chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai; chính sách hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và các hỗ trợ phát triển khác.
- Ở những nơi điều kiện kinh doanh khó khăn, cả doanh nghiệp lẫn hộ kinh doanh đều không có khả năng đầu tư, trong khi nhu cầu cần phải có chợ cho dân là rất bức thiết, Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần vốn đầu tư, chủ yếu là về cơ sở hạ tầng như: tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, chi phí đền bù, giải tỏa, san lấp mặt bằng, chi phí lắp đặt điện nước, làm đường đi lại trong chợ và một số hạng mục khác.
- Nhà nước có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư xây dựng chợ biên giới thông qua các hình thức như: đấu thầu, giao, cho thuê, chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc các hình thức khác.
2. Chính sách phát triển hệ thống giao thông đường bộ, thúc đẩy sự hình thành và phát triển mạng lưới chợ biên giới
Cư dân sinh sống tập trung và giao thông đi lại thuận tiện là hai trong số các điều kiện tiên quyết để cho ra đời và thúc đẩy chợ phát triển. Do đó, Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển các hệ thống giao thông đường bộ tại khu vực biên giới, bao gồm:
- (1) Đường kết nối chợ với các khu, cụm cư dân biên giới
- (2) Đường kết nối chợ với các cửa khẩu, kể cả đường mòn, lối mở.
- (3) Đường kết nối chợ với các trung tâm kinh tế, các thị trấn, thị xã, thành phố.
- (4) Đường kết nối chợ với các quốc lộ, tỉnh lộ và mạng lưới giao thông ngoại vi, các trục giao thông dẫn đến các vùng kinh tế và các địa phương trong và ngoài nước.
- (5) Đường kết nối chợ với các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế, sân bay, bến cảng và các đô thị lớn.
Trước mắt, tập trung đầu tư để đến năm 2015 hoàn thành các hạng mục công trình giao thông đường bộ (1) và (2) cho 80% số chợ trong mạng lưới chợ biên giới và hoàn thành các hạng mục công trình giao thông đường bộ (3), (4) và (5) cho 40% số chợ cửa khẩu có hoạt động bán buôn và xuất nhập khẩu. Đến năm 2020, về cơ bản hoàn thành đồng bộ các hệ thống giao thông phục vụ hoạt động của tất cả các chợ trong mạng lưới chợ biên giới Việt Nam-Lào.
3. Chính sách phát triển nguồn nhân lực cho các chợ biên giới:
Nhà nước có chính sách hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí để tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho các đối tượng với hai chương trình chính là:
- Chương trình dành cho đối tượng là lãnh đạo và nhân viên thuộc Ban quản lý chợ và Công ty chợ: Hướng dẫn tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách về chợ; nâng cao kiến thức và kỹ năng về quản lý các mặt hoạt động của chợ...
- Chương trình dành cho các đối tượng là chủ thể (thương nhân) kinh doanh tại chợ: Tuyên truyền, phổ biến luật pháp, chính sách về chợ; nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn nhằm đem lại hiệu quả kinh doanh tối ưu...
4. Một số chính sách khuyến khích, ưu đãi cho chợ biên giới
a) Nhằm khuyến khích đội ngũ thương nhân kinh doanh cố định, thường xuyên và chuyên nghiệp tại chợ, đồng thời thu hút thêm ngày càng nhiều các thương nhân khác vào kinh doanh trong chợ, Nhà nước có các chính sách ưu đãi phù hợp với tình hình và điều kiện trong từng thời kỳ cho đối tượng này, như:
- Được miễn hoặc giảm một số loại thuế nhất định.
- Được giảm tiền thuê địa điểm kinh doanh, thuê quầy, sạp, cửa hàng, ki ốt, quầy bán hàng.
- Được cung cấp miễn phí một số dịch vụ: dịch vụ thông tin liên lạc; dịch vụ cân đo, dịch vụ kiểm tra chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động thực vật; dịch vụ quảng cáo; dịch vụ đào tạo; dịch vụ tư vấn và một số dịch vụ khác.
b) Nhằm khuyến khích đông đảo người dân vào chợ mua hoặc bán hàng hóa, Nhà nước có chính sách ưu đãi (miễn thuế xuất-nhập khẩu) cho cư dân biên giới hai nước khi đưa hàng hóa qua biên giới (chỉ áp dụng đối với hàng hóa đem từ chợ qua biên giới hoặc đem qua biên giới vào chợ). Danh mục, số lượng và giá trị hàng hóa được miễn thuế do Chính phủ quy định cụ thể tùy theo tình hình và điều kiện trong từng thời kỳ nhất định.
5. Giải pháp về đất đai
Việc sử dụng diện tích đất để xây dựng chợ biên giới áp dụng theo tiêu chuẩn thiết kế xây dựng (TCVN 9211:2012 về Chợ-tiêu chuẩn thiết kế xây dựng (được Bộ Xây dựng ban hành thay thế tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam 351:2006) tùy vào điều kiện cụ thể của địa bàn khu vực biên giới, chợ biên giới thuộc chợ hạng 3, chợ cửa khẩu chủ yếu thuộc chợ hạng 2.
6. Giải pháp về bảo vệ môi trường
Tuân thủ các tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật chuyên ngành và các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường được áp dụng đối với chợ (theo Quy định tại Nghị định 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011); thực hiện các quy chế kiểm tra và các chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm.
1. Trách nhiệm của các Bộ
1.1. Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành trong khu vực kinh tế thực hiện Quyết định này, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau đây
- Công bố Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020 và tổ chức theo dõi báo, giới thiệu và đăng tải Quyết định phê duyệt Quy hoạch này trên các phương tiện truyền thông đại chúng tới các Bộ, ngành, địa phương và đông đảo người dân, các nhà đầu tư trong toàn xã hội, trọng điểm là ở các tỉnh có chung đường biên giới với Lào.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hữu quan của hai nước trong việc rà soát, hoàn chỉnh đồng bộ các chính sách, luật pháp có liên quan đến chợ biên giới, trọng tâm là các chính sách, luật pháp nhằm khuyến khích, ưu đãi đầu tư xây dựng, thúc đẩy hoạt động của các chợ biên giới phát triển nhằm sửa đổi, bổ sung và ban hành theo thẩm quyền hoặc thống nhất với các Bộ, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Từng bước tạo sự tương thích giữa hệ thống chính sách, luật pháp của hai nước để mạng lưới chợ biên giới hai nước cùng nhau phát triển mạnh mẽ, hài hòa và bền vững.
- Chủ trì soạn thảo và tổ chức trao đổi, phối hợp với Bộ Công Thương Lào để ban hành Quy chế quản lý chợ biên giới trên tinh thần vừa tuân thủ luật pháp của mỗi nước, vừa tạo sự tương thích và hài hòa giữa hai nước về những vấn đề có liên quan đến chính sách khuyến khích, ưu đãi trong đầu tư xây dựng chợ, trong trao đổi mua bán hàng hóa của cư dân và trong hoạt động kinh doanh của thương nhân tại các loại hình chợ biên giới.
- Chủ trì, phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng danh mục các dự án xây dựng chợ biên giới trong vùng giới Việt Nam-Lào cần có sự hỗ trợ về ngân sách Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Hướng dẫn, kiểm tra các tỉnh trong vùng biên giới trong việc phân bổ và sử dụng vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước, bảo đảm sử dụng vốn xây dựng chợ đúng mục đích và có hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các tỉnh thành trong vùng biên giới với Lào trong việc lập và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư phát triển chợ biên giới trên địa bàn phù hợp với các quy định của Quyết định này và các văn bản pháp luật có liên quan.
1.2. Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm: Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành các tỉnh có biên giới với Lào triển khai thực hiện Quy hoạch và sửa đổi, bổ sung; cơ chế, chính sách có liên quan quy định tại Quyết định này.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh chung đường biên giới với Lào
- Giới thiệu, quảng bá các dự án đầu tư xây dựng các chợ biên giới cụ thể của địa phương nằm trong Quy hoạch cùng các cơ chế, chính sách của địa phương trong việc thu hút và động viên các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế xây dựng, quản lý kinh doanh và khai thác chợ biên giới.
- Tổ chức thực hiện (vận dụng) các cơ chế, chính sách, luật pháp có liên quan đến chợ biên giới gắn với điều kiện cụ thể của địa phương, đặc biệt là cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư xây dựng chợ và thúc đẩy hoạt động của các chợ biên giới phát triển.
- Chỉ đạo việc soạn thảo, phê duyệt và ban hành Nội quy chợ cho các chợ biên giới, đồng thời trao đổi, phối hợp với Chính quyền các tỉnh của Lào có chung biên giới để bảo đảm sự tương thích và hài hòa trong các quy định của Nội quy chợ có liên quan đến hàng hóa và mua bán hàng hóa qua chợ biên giới, tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho cư dân và thương nhân hai bên dễ dàng qua lại cùng tham gia họp chợ biên giới với số lượng ngày càng đông và hiệu quả ngày càng cao.
3. Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới
3.1. Cấp Trung ương
- Giúp Chính phủ chỉ đạo, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương các tỉnh biên giới có liên quan triển khai thực hiện Quy hoạch.
- Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh có liên quan.
3.2. Cấp địa phương
- Theo dõi, giám sát tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới này hàng năm tại địa phương và tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới Trung ương theo chế độ định kỳ hoặc đột xuất.
- Thực hiện chế độ trao đổi thông tin, bàn bạc và hợp tác giữa địa phương hai nước để thống nhất kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển và quản lý mạng lưới chợ biên giới.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban các tỉnh có biên giới Lào và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Nghị định 44/2011/NĐ-CP về sửa đổi Điều 3 Nghị định 189/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương Ban hành: 14/06/2011 | Cập nhật: 15/06/2011
Nghị định 29/2011/NĐ-CP quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường Ban hành: 18/04/2011 | Cập nhật: 23/04/2011
Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Ban hành: 11/01/2008 | Cập nhật: 17/01/2008
Nghị định 189/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương Ban hành: 27/12/2007 | Cập nhật: 02/01/2008
Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Ban hành: 07/09/2006 | Cập nhật: 16/09/2006