Quyết định 607/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020
Số hiệu: 607/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh Người ký: Nguyễn Văn Phong
Ngày ban hành: 28/10/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 607/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 28 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÃ HỘI HÓA CUNG CẤP PHƯƠNG TIỆN TRÁNH THAI VÀ DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH/SỨC KHỎE SINH SẢN TẠI KHU VỰC THÀNH THỊ VÀ NÔNG THÔN PHÁT TRIỂN” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2016-2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 818/QĐ-BYT ngày 12/3/2015 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 - 2020”;

Căn cứ văn bản số 3421/BYT-TCDS ngày 27/5/2015 của Bộ Y tế về việc triển khai xã hội hóa cung cấp phương tiện và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020, gồm những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu tổng quát

Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản có chất lượng cho người dân nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội, tính bền vững của Chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; huy động và nâng cao hiệu quả của các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Đa dạng hóa phương tiện tránh thai và hàng hóa kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản theo phân khúc thị trường, chú trọng vào các phương tiện tránh thai hiện đại có tác dụng lâu dài và hiệu quả.

+ Tiếp nhận và cung ứng ít nhất 01 chủng loại phương tiện tránh thai mới đảm bảo chất lượng khi phân phối sử dụng trên địa bàn tỉnh.

+ Cung ứng kịp thời chủng loại phương tiện tránh thai hoặc hàng hóa kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản.

- Tăng cường tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản của người dân:

+ Củng cố và nâng cao chất lượng phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản.

+ Triển khai xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai tại 29 phường, thị trấn và các địa phương khác có nhu cầu sử dụng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước; thúc đẩy phát triển thị trường phương tiện tránh thai, hàng hóa kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản và thị trường cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản.

2. Phạm vi thực hiện

Đề án được triển khai tại 23 phường thuộc thị xã Từ Sơn và thành phố Bắc Ninh; 06 thị trấn thuộc các huyện: Yên Phong, Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài.

3. Đối tượng

- Đối tượng tác động: doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phân phối, cung ứng phương tiện tránh thai, hàng hóa kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản; cơ sở y tế trong và ngoài công lập cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản.

- Đối tượng thụ hưởng: người đang sinh sống tại địa bàn triển khai Đề án, ưu tiên các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đối tượng là thanh niên, vị thành niên.

4. Quy trình thực hiện

- Giai đoạn 1 (2016 - 2017)

+ Thành lập Ban quản lý Đề án cấp tỉnh.

+ Ban hành các văn bản nhằm hoàn thiện chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển các thị trường để hỗ trợ thực hiện Đề án.

+ Nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua triển khai rộng các loại hình dịch vụ hiện có hoặc đánh giá có hiệu quả tại cơ sở thực hiện xã hội hóa; củng cố cơ sở vật chất và mạng lưới các cơ sở thực hiện xã hội hóa.

+ Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc tự chi trả các dịch vụ dân số/sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình; vận động các nhà tài trợ, sự tham gia của các đơn vị, tổ chức, cá nhân.

- Giai đoạn 2 (2018 - 2020)

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện giai đoạn 2016-2017, điều chỉnh chính sách phù hợp, triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra đến năm 2020.

5. Nội dung hoạt động

- Đa dạng hóa phương tiện tránh thai và hàng hóa kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản theo phân khúc thị trường, chú trọng vào các phương tiện tránh thai hiện đại, lâu dài và hiệu quả.

+ Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, hoạt động về hậu cần, phương tiện tránh thai theo quy định tại Chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2015-2020.

+ Củng cố phát triển mạng lưới cung ứng phương tiện tránh thai và hàng hóa kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản trên cơ sở huy động sự tham gia của các danh nghiệp, tổ chức, tư nhân thuộc các thành phần kinh tế theo phân khúc thị trường.

+ Nâng cao chất lượng, mở rộng số lượng các chủng loại phương tiện tránh thai, hàng hóa kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản theo phân khúc thị trường; đưa ra thị trường chủng loại phương tiện tránh thai mới.

+ Tăng cường quản lý chất lượng phương tiện tránh thai, hàng hóa kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản.

- Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản của người dân.

+ Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, hoạt động về cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản trong Chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2015-2020.

+ Nâng cao năng lực cho các cơ sở y tế công lập thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản.

+ Khuyến khích và huy động các cơ sở y tế ngoài công lập (doanh nghiệp, tổ chức tư nhân, tổ chức xã hội) thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản.

- Tạo hành lang, cơ sở pháp lý nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước; thúc đẩy phát triển thị trường phương tiện tránh thai, hàng hóa kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản và thị trường cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản.

- Tuyên truyền, vận động để tạo môi trường xã hội đồng thuận thúc đẩy phát triển thị trường phương tiện tránh thai, hàng hóa kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản của người dânvà thị trường cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản của người dân.

6. Kinh phí thực hiện

- Huy động các nguồn lực xã hội để triển khai thực hiện Đề án từ các ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn khác. Cụ thể:

Tổng vốn dự kiến thực hiện Đề án giai đoạn 2016-2020: 16.011.642 đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 1.410.804.600 đồng;

- Ngân sách địa phương: 686.220.000 đồng;

- Kinh phí thu của các đối tượng sử dụng phương tiện tránh thai: 13.914.617.400 đồng (Mức giá dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đề xuất bằng mức giá theo huớng dẫn tại văn bản số 5811/BYT-TCDS ngày 28/7/2016 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tạm thời giá dịch vụ kế hoạch hóa gia đình).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương liên quan, căn cứ nội dung Đề án được phê duyệt nội dung hoạt động cụ thể; chủ động tham mưu xây dựng cơ chế chính sách của địa phương, huy động nguồn lực lồng ghép vào giá dịch vụ y tế.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, liên quan triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung hoạt động của Đề án.

- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng dự toán triển khai thực hiện Đề án gắn với kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Tham mưu việc thành lập Ban Quản lý Đề án cấp tỉnh; chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị trong việc triển khai thực hiện Đề án.

- Định kỳ hằng năm báo cáo UBND tỉnh, Bộ Y tế (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) kết quả thực hiện Đề án theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng chỉ tiêu xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản lồng ghép trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp với Sở Tài chính cân đối bố trí kinh phí thực hiện Đề án.

3. Sở Tài chính

Tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí đảm bảo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Đề án trên các phương tiện truyền thông; phối hợp với Sở Y tế trong công tác xuất bản các ấn phẩm truyền thông phục vụ công tác tuyên truyền của Đề án.

5. Đề nghị UB MTTQ và các đoàn thể nhân dân tỉnh

Theo chức năng, nhiệm vụ, tham gia tổ chức triển khai thực hiện Đề án; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia giám sát việc thực hiện Đề án.

6. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng Kế hoạchchỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn theo lộ trình, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

- Huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện Đề án; thực hiện lồng ghép các hoạt động của Đề án với các Chương trình/dự án khác có liên quan đang thực hiện trên cùng địa bàn.

- Định kỳ hằng năm kiểm tra, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện Đề án theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Thủ trưởng các Sở, ngành: Y tế; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Thông tin và Truyền thông; Văn phòng UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận :
- Như Điều 3;
- Bộ Y tế (b/c);
- Tổng cục DS-KHHGĐ (b/c);
- TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân tỉnh;
- Báo Bắc Ninh, Đài PTTH tỉnh;
- Các đ/c LĐVP;
- Lưu VT, VX, KTTH, NC, T50.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phong