Quyết định 60/2014/QĐ-UBND về hoạt động kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Số hiệu: 60/2014/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Lưu Xuân Vĩnh
Ngày ban hành: 14/08/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/2014/QĐ-UBND

Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 14 tháng 8 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THUỐC THÚ Y TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/QĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y; Nghị định số 119/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ; Nghị định số 98/2011/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2008/NĐ-CP ;

Căn cứ Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

Căn cứ Thông tư số 02/2009/TT-BNN ngày 14 tháng 01 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thủ tục thu hồi và xử lý thuốc thú y;

Căn cứ Thông tư số 51/2009/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y, thú y thủy sản;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 132/TTr-SNNPTNT ngày 01 tháng 8 năm 2014 và Báo cáo kết quả thẩm định số 1120/BC-STP ngày 18 tháng 7 năm 2014 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về hoạt động kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; gồm 4 Chương, 10 Điều.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 889/CT ngày 08 tháng 4 năm 1997 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Quy định hoạt động kinh doanh thuốc Thú y trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lưu Xuân Vĩnh

 

QUY ĐỊNH

VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THUỐC THÚ Y TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 60/2014/QĐ-UBND ngày 14 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động kinh doanh thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y, thú y thủy sản, nguyên liệu làm thuốc thú y, thú y thủy sản (sau đây gọi chung là thuốc thú y) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Thuốc thú y là hàng hoá kinh doanh có điều kiện. Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có đủ điều kiện theo quy định đều được kinh doanh thuốc thú y nhưng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký kinh doanh và được cấp có thẩm quyền cấp phép.

Điều 3. Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thuốc thú y: là những chất hoặc hợp chất có nguồn gốc từ động vật, thực vật, vi sinh vật, khoáng chất, hoá chất được dùng để phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh hoặc để phục hồi, điều chỉnh, cải thiện các chức năng của cơ thể động vật, bao gồm: dược phẩm, hoá chất, vaccine, hóc môn, một số chế phẩm sinh học khác và một số vi sinh vật dùng trong thú y.

2. Chế phẩm sinh học dùng trong thú y: là sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật dùng để chẩn đoán phòng bệnh, chữa bệnh, điều chỉnh quá trình sinh trưởng, sinh sản của động vật; xử lý môi trường nuôi động vật.

3. Vaccine: là sản phẩm chứa kháng nguyên khi đưa vào cơ thể động vật sẽ tạo khả năng đáp ứng miễn dịch, được dùng với mục đích phòng bệnh.

4. Kinh doanh thuốc thú y là những hoạt động bao gồm: mua, bán, bảo quản, vận chuyển thuốc thú y.

Chương II

ĐIỀU KIỆN KINH DOANH THUỐC THÚ Y

Điều 4. Điều kiện kinh doanh thuốc thú y đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

1. Địa điểm kinh doanh phải cố định, có biển hiệu ghi tên cửa hàng, đại lý, tên chủ cơ sở kinh doanh (hoặc tên doanh nghiệp); có bảng niêm yết đăng ký kinh doanh. Mã số kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp; được Chi cục Thú y cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y.

2. Diện tích quầy kinh doanh thuốc thú y của tổ chức, cá nhân phải phù hợp, tối thiểu là 10m2, trang bị kệ, tủ thuốc bày bán hàng và các phương tiện bảo quản thuốc thú y; hàng hoá sắp xếp phải khoa học, ngăn nắp, sạch sẽ.

3. Bảo quản thuốc thú y theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất (nhiệt độ, ẩm độ, ...); thuốc thú y phải có nhãn mác, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng và đảm bảo chất lượng thuốc của mình bán ra.

4. Có sổ sách ghi chép, theo dõi nhập, xuất hàng hoá, niêm yết giá bán; chấp hành các quy định về chế độ thống kê, kế toán của Nhà nước. Khi thay đổi địa điểm kinh doanh phải làm đơn đăng ký để cơ quan cấp phép điều chỉnh giấy phép.

5. Tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc thú y phải có kho chứa hàng đủ diện tích, có đủ trang thiết bị, phương tiện phù hợp để bảo quản thuốc; hàng hoá sắp xếp trong tủ thuốc hoặc trên kệ, giá cao cách mặt đất tối thiểu 20cm; khoảng cách giữa các kệ, giá tối thiểu 30cm để đảm bảo độ thông thoáng, dễ vệ sinh tiêu độc; có máy phát điện dự phòng đủ công suất.

6. Chủ cơ sở kinh doanh thuốc thú y phải có bằng cấp chuyên môn từ trung cấp chăn nuôi thú y hoặc thú y thủy sản trở lên; người bán thuốc thú y phải qua lớp đào tạo tập huấn chuyên môn, được cấp giấy chứng nhận chuyên môn và chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc thú y do Chi cục Thú y cấp.

7. Tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc thú y phải chấp hành những quy định bắt buộc đối với việc kinh doanh thuốc thú y tại Điều 5, 6, 7, 8, 9 Quy định này.

Chương III

QUY ĐỊNH BẮT BUỘC VỀ VIỆC KINH DOANH THUỐC THÚ Y

Điều 5. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc thú y chỉ được bán các nguyên liệu làm thuốc, bán thành phẩm, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, hoá chất dùng trong thú y và có tên trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

Điều 6. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc thú y bán chung với thuốc dùng cho con người và ngược lại. Trong quầy hàng thuốc thú y không được bày bán chung với hàng hoá khác. Nếu kinh doanh thức ăn chăn nuôi với thuốc thú y phải bố trí khu riêng biệt.

Điều 7. Tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc thú y phải chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc thú y của mình bán ra và hậu quả của nó theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp bán thuốc thú y phải có trách nhiệm hướng dẫn cho người mua biết cách sử dụng thuốc, liều dùng, đảm bảo an toàn cho vật nuôi.

Điều 8. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh vaccine để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm phải thực hiện các điều kiện sau:

1. Thực hiện đầy đủ các điều kiện tại Điều 4 Quy định này.

2. Được Chi cục Thú y kiểm tra, đánh giá và được công nhận xếp loại A (theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản).

3. Có trang thiết bị bảo quản lạnh phù hợp, đủ dung tích chứa đựng vaccine; có dụng cụ nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ bảo quản vaccine và ghi chép hàng ngày. Bảo quản vaccine phải tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất; nghiêm cấm để hàng hoá và thực phẩm khác vào trong tủ lạnh bảo quản vaccine.

4. Trang bị máy phát điện dự phòng để bảo quản vaccine, chế phẩm sinh học khi xảy ra sự cố mất điện; máy phát điện phải đủ công suất phù hợp với thiết bị bảo quản lạnh.

5. Cam kết về chất lượng hàng hoá của mình bán ra và có trách nhiệm hướng dẫn cho người mua biết cách sử dụng vaccine đúng chủng loại, liều lượng đường tiêm (đường uống) đúng đối tượng vật nuôi.

6. Tuân thủ, chấp hành chế độ báo cáo việc nhập, xuất bán vaccine; nguồn gốc nhập vaccine, chủng loại, số lượng, phiếu xuất bán và địa bàn xuất bán vaccine với Chi cục Thú y (thông qua Trạm Thú y các huyện, thành phố).

Điều 9. Tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc thú y không được cho tổ chức, cá nhân khác mượn giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y. Người bán hàng không được ủy quyền cho người khác bán thuốc thay mình.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tổ chức phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời tổng hợp, báo cáo, tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.