Quyết định 60/2006/QĐ-UBND Ban hành Đề án do Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia lai ban hành đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động văn hoá trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2006-2010 do Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành
Số hiệu: 60/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai Người ký: Phạm Thế Dũng
Ngày ban hành: 08/08/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 60/2006/QĐ-UBND

Pleiku, ngày 08 tháng 8 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI, GIAI ĐOẠN 2006-2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP , ngày 18/4/2005 của Chính phủ, về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao;
Căn cứ Nghị quyết số 13/2006/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh, v/v phê duyệt Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động văn hoá trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2006-2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này: Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động văn hoá trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2006-2010.

Điều 2: Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá thông tin, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Pleiku và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

TM. CHỦ TỊCH NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng


 

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

 

Pleiku, ngày 08 tháng 8 năm 2006

 

ĐỀ ÁN

ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI, GIAI ĐOẠN 2006-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 58/2006/QĐ-UB, ngày 08 tháng 8 năm 2006 của UBND tỉnh )

Thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao; Đề án xã hội hoá các hoạt động văn hoá của Bộ Văn hoá thông tin năm 2005; Chỉ thị số 16/CT/TU, ngày 12/5/2000 Tỉnh ủy Gia Lai về đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá công tác giáo dục, y tế, văn hoá; Hoạt động Xã hội hoá các hoạt động văn hoá Gia Lai từ nay đến năm 2010 tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:

Phần 1:

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN XÃ HỘI HOÁ CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ Ở GIA LAI

I. THỰC HIỆN XÃ HỘI HOÁ CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI VỪA QUA:

Văn hoá thông tin cơ sở

Toàn tỉnh có 1 trung tâm văn hoá thông tin tỉnh, 4 nhà văn hoá (NVH) các ngành, đoàn thể và 10 NVH của các huyện, thị xã, thành phố. Nhiều năm nay, các NVH đã tổ chức được các hoạt động như: hội diễn văn nghệ quần chúng (VNQC), liên hoan cồng chiêng, hội chợ, triển lãm…Ngoài phần ngân sách nhà nước, kinh phí hoạt động còn lại do các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức xã hội hỗ trợ.

Các đội thông tin lưu động, đội chiếu phim phục vụ tốt nhân dân các cơ sở.

Toàn tỉnh có 581 nhà rông do nhân dân tự làm, trong đó có 115 nhà rông, văn hoá chủ yếu từ nguồn xã hội hoá do các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng; có 20 nhà rông đã được mua sắm thiết bị để làm nơi sinh hoạt cộng đồng ở làng.

Có 151 điểm bưu điện văn hoá xã do Bưu điện tỉnh xây dựng và đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động bưu chính-viễn thông; ngành Văn hoá thông tin (VHTT) phối hợp luân chuyển sách, báo phục vụ bạn đọc; bộ đội biên phòng cùng các phòng VHTT xây dựng được một số điểm sáng văn hoá vùng biên.

Nghệ thuật biểu diễn: oàn nghệ thuật chuyên nghiệp ca múa nhạc dân tộc Đam San đã khai thác tốt các giá trị văn hoá - nghệ thuật dân gian của các dân tộc Tây Nguyên, dàn dựng chương trình biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và Bộ văn hoá thông tin. Hoạt động của Đoàn cùng 343 đội VNQC và 668 đội cồng chiêng do nhân dân tự quản đã tổ chức tốt các hoạt động phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hoá ở địa phương.

Bảo tồn di sản văn hoá dân tộc: Tỉnh có 2 bảo tàng là Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Gia Lai & Kon Tum (trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh); Bảo tàng tổng hợp tỉnh (trực thuộc Sở VHTT); có 12 di tích và cụm di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh đã được Bộ VHTT xếp hạng di tích cấp Quốc gia; 37 di tích đã kiểm kê bước đầu; gần 40 di tích khảo cổ học được phát hiện.

Nhân dân thị xã An Khê đã tham gia tích cực vào bảo vệ các di tích thuộc quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Toàn tỉnh có 5.126 bộ cồng chiêng đang được lưu giữ tại các buôn làng.

Công tác nghiên cứu - sưu tầm được quan tâm là cơ sở cho việc xuất bản trên 30 đầu sách có giá trị về lịch sử - văn hoá địa phương, đặc biệt là các sử thi Bahnar.

Hoạt động xuất bản, in, phát hành sách báo: có 4 cơ quan trong tỉnh được Bộ Văn hoá Thông tin cấp giấy phép hoạt động báo chí là: Báo Gia Lai; Đài Phát thanh truyền hình tỉnh; Tạp chí Văn nghệ Gia Lai; Tạp chí Khoa học- Công nghệ-Môi trường. Có 6 bản tin được cấp giấy phép Xuất bản Bản tin(5 năm) là: Bản tin Tuổi trẻ Gia Lai của Tỉnh Đoàn, Bản tin Sức khỏe của Trung tâm truyền thông - giáo dục sức khỏe (2 loại bản tin); thông tin chọn lọc của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN); Bản tin thương mại và Xúc tiến đầu tư của Trung tâm thương mại và xúc tiến đầu tư tỉnh; thông tin nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ngoài ra, hàng năm, sở VHTT cấp khoảng 100 giấy phép xuất bản nhất thời cho các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh.

Có 1 Công ty cổ phần In, 1 xưởng in quân đoàn III, 1 công ty in Trường Xuân được phép in Xuất bản phẩm và trên 20 cơ sở in lưới lụa của tư nhân hoạt động tốt.

Phát hành sách báo và văn hoá phẩm do Công ty cổ phần văn hoá - du lịch; Công ty cổ phần sách thiết bị trường học đảm nhận cùng trên 50 đại lý phát hành sách, báo của tư nhân.

Thư viện: Có 1 thư viện tổng hợp tỉnh; 1 thư viện của Sở KH&CN; 1 thư viện quân đoàn 3; 9 thư viện và 4 phòng đọc sách của huyện, thị xã, và gần 400 thư viện, phòng đọc sách của các trường học, cơ quan, đơn vị, tủ sách pháp luật xã.

Đào tạo: Trường Trung học Văn hoá nghệ thuật đào tạo trình độ trung cấp các chuyên ngành: Quản lý văn hoá, nhạc, hoạ, múa, thư viện, thông tin cổ động, bảo tàng, cán bộ văn hoá xã với quy mô 400 học sinh hàng năm. Các nhà vh cũng có các lớp dạy các lớp năng khiếu nghệ thuật cho thanh-thiếu niên. Kinh phí mở các lớp này chủ yếu từ nguồn đóng góp của người học.

Kinh doanh dịch vụ văn hoá: Có 20 cơ sở cho thuê băng đĩa hình, đĩa nhạc; 141 cơ sở Karaoke, 2 vũ trường; 694 cơ sở Internet; công viên văn hoá: Đồng Xanh, Diên Hồng, Lý Tự Trọng; khu du lịch sinh thái Đại Vinh Gia Trang và khu du lịch Ayun Hạ do các doanh nghiệp và tư nhân đầu tư, bước đầu hoạt động có hiệu quả.

II. ĐÁNH GIÁ NHỮNG ƯU ĐIỂM VÀ TỒN TẠI:

- Ưu điểm: Nhà nước đã đầu tư, mở rộng các cơ sở hoạt động văn hoá và thiết chế văn hoá thông tin. Công tác xã hội hoá hoạt động văn hoá bước đầu đã được triển khai ở hầu hết các lĩnh vực do ngành VHTT quản lý và tổ chức hoạt động. Một số lĩnh vực như in, phát hành và các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá đã thu hút được sự quan tâm của xã hội.

- Tồn tại: việc sắp xếp, đổi mới cơ chế quản lý theo hướng xã hội hoá đối với các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước còn lúng túng, việc quản lý nhà nước các hoạt động dịch vụ văn hoá còn chưa được chặt chẽ. Hệ thống nhà văn hoá tỉnh, huyện hoạt động kém hiệu quả, nhà rông văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng chưa khai thác hết khả năng; phong trào VNQC nhìn chung có phát triển song chưa định hướng bước đi phù hợp, một số loại hình khác còn mang nặng bao cấp như: Đoàn nghệ thuật Đam San, Trung tâm VHTT, Trường Văn hoá nghệ thuật, Bảo tàng, Thư viện.

Phần 2:

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ LỘ TRÌNH XÃ HỘI HOÁ CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ

I. QUAN ĐIỂM VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHUNG:

1. Phát huy tiềm năng, trí tuệ, vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội tham gia các hoạt động văn hoá để toàn xã hội, đặc biệt là đối tượng chính sách và vùng đồng bào dân tộc, người nghèo được hưởng thụ văn hoá ngày càng cao.

2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật; phát huy vai trò giám sát của các tổ chức quần chúng và các tổ chức xã hội, vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể trong quá trình phát triển xã hội hoá hoạt động văn hoá.

II. MỤC TIÊU CHUNG:

1. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân trong xã hội tham gia xây dựng cơ sở vật chất, tạo nhiều sản phẩm, công trình cũng như phát huy sự sáng tạo tổ chức, các hoạt động xã hội, cùng với nhà nước không ngừng nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho nhân dân.

2. Các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành văn hoá thông tin thực hiện chế độ tự chủ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu theo nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ; cho phép để mọi người dân được tham gia vào một số lĩnh vực văn hoá; nhà nước đầu tư một số lĩnh vực mà xã hội chưa đảm nhận được toàn bộ hoặc một phần cơ sở vật chất ; khuyến khích thành lập một số cơ sở dịch vụ văn hoá ngoài công lập (dân lập và tư nhân).

3. Phấn đấu đến năm 2010, từng bước chuyển dần các cơ sở công lập hiện có thuộc ngành VHTT sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ.

III. NỘI DUNG, LỘ TRÌNH XÃ HỘI HOÁ CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ ĐẾN NĂM 2010:

1. Văn hoá thông tin cơ sở:

- Nhà nước bao cấp các hoạt động trên lĩnh vực VNQC, thông tin tuyên truyền cổ động trực quan, thông tin lưu động.

- Các hoạt động hội chợ, triển lãm, quảng cáo, chiếu phim, thực hiện theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Cho phép kêu gọi tư nhân đầu tư để tổ chức kinh doanh.

- Các nhà văn hoá cấp huyện, thị, thành phố liên kết với một số ngành để phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, từng bước tổ chức thực hiện theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

- Khuyến khích các công ty, xí nghiệp, các nông, lâm trường xây dựng nhà văn hoá để người lao động có địa điểm sinh hoạt văn hoá.

- Phấn đấu đến năm 2010, mỗi huyện có 1 Trung tâm văn hoá thể thao, 90% số xã có điểm sinh hoạt văn hoá, 90% thôn, làng có điểm vui chơi giải trí, có nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng, có đội văn nghệ quần chúng, đội cồng chiêng.

2. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá". Bên cạnh việc củng cố các đơn vị văn hoá đã được công nhận, hàng năm sẽ có từ 15-20% số thôn làng, cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận danh hiệu văn hoá. Phấn đấu đến năm 2010 có 70 đến 75 % số thôn làng, cơ quan, trường học được công nhận danh hiệu văn hoá.

3. Nghệ thuật biểu diễn:

- Từng bước chuyển Đoàn ca múa nhạc dân tộc Đam San theo lộ trình: Năm 2006 đoàn có 150 buổi phục vụ và 40 buổi có thu; năm 2007 là 130 buổi phục vụ và 60 buổi có thu, năm 2008 là 110 buổi phục vụ và 80 buổi có thu; từ năm 2009 đến 2010 chuyển hẳn sang đơn vị tự chủ kinh tế theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

- Cho phép thành lập các đoàn nghệ thuật xiếc, múa rối, ca nhạc, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, câu lạc bộ VHNT của tập thể, tư nhân và gia đình khi đủ các điều kiện quy định của nhà nước.

- Khuyến khích biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng phục vụ sinh hoạt cộng đồng, khai thác du lịch và tiến tới đưa cồng chiêng vào một loại hình biểu diễn chuyên nghiệp.

4. Bảo tồn di sản văn hoá:

- Nâng cấp 2 bảo tàng công lập hiện có, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng. Sau khi được đầu tư xây dựng, tăng cường công tác sưu tầm và đổi mới phương thức trình bày, bên cạnh việc hoạt động phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Bảo tàng tỉnh khai thác một số di tích lớn ( Tây Sơn Thượng Đạo, Biển Hồ…) để làm dịch vụ; Vận động các tổ chức xã hội và nhân dân đầu tư, khai thác các giá trị của di tích theo quy hoạch được duyệt để tạo nguồn kinh phí cho việc bảo vệ và tôn tạo các di tích, thắng cảnh tốt hơn.

- Cho phép tư nhân sưu tầm và trưng bày các sưu tập hiện vật, cổ vật, theo đúng quy định tại Luật Di sản văn hoá.

- Khuyến khích những người có tâm huyết, các nhà khoa học tham gia trực tiếp vào việc nghiên cứu, sưu tầm, các di sản văn hoá phi vật thể, tìm thị trường và khuyến khích các làng nghề truyền thống để tiêu thụ các sản phẩm.

5. Hoạt động xuất bản, in, phát hành sách báo:

- Mở rộng các hình thức liên kết theo hướng chủ sở hữu tác phẩm, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về in hoặc phát hành xuất bản phẩm liên kết với nhà xuất bản dưới hình thức đầu tư vốn, tổ chức bản thảo, in và phát hành xuất bản phẩm và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với xuất bản phẩm liên kết.

- Mở rộng chức năng cho cơ sở in tư nhân, theo quy định tại Luật Xuất bản.

6. Thư viện tổng hợp:

Duy trì hoạt động công lập theo kế hoạch được giao hàng năm, đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc; vận động thành lập các thư viện hoặc phòng đọc sách tư nhân ở cộng đồng dân cư; khuyến khích thành lập câu lạc bộ bạn đọc hay câu lạc bộ người yêu sách.

7. Đào tạo văn hoá nghệ thuật:

Nhà nước đầu tư các chuyên ngành văn hoá quần chúng, Bảo tồn di sản, thư viện và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hoá xã theo kế hoạch được giao (ưu tiên cho đối tượng là người dân tộc thiểu số). Các chuyên ngành còn lại như: Hội hoạ, Nhạc, Thanh nhạc, Múa cho phép trường được mở các lớp theo hợp đồng đặt hàng của các địa phương, đơn vị và mở các lớp theo nhu cầu của xã hội trên cơ sở kinh phí từ nguồn đóng góp của người học. Phấn đấu sau năm 2010, nâng cấp trường Trung học Văn hoá nghệ thuật Gia Lai lên Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Gia Lai.

8. Hoạt động mỹ thuật - nhiếp ảnh:

Mở rộng các hình thức triển lãm tập thể, cá nhân về mỹ thuật, nhiếp ảnh. Tổ chức các cuộc thi sáng tác mỹ thuật, nhiếp ảnh với giải thưởng mang tên nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh. Cho phép thành lập hoặc liên kết các cơ sở mỹ thuật, nhiếp ảnh, hội hoạ tư nhân bằng kinh phí đóng góp của người học.

9 Kinh doanh dịch vụ văn hoá:

Cho phép các cá nhân liên kết, liên doanh xây dựng các rạp hát, rạp chiếu bóng, điểm biểu diễn nghệ thuật, các điểm chiếu phim cố định hoặc lưu động…để phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ cho nhân dân.

Phần 3:

CHÍNH SÁCH VÀ GIẢI PHÁP

- Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, cơ chế khuyến khích xã hội hoá các hoạt động văn hoá của Nhà nước; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia, đấu thầu lĩnh vực văn hoá thông tin.

- Nhà nước tăng cường đầu tư cho các hoạt động bảo tồn di sản văn hoá dân tộc và ưu tiên đầu tư trang thiết bị văn hoá thông tin cho vùng dân tộc thiểu số, các xã đặc biệt khó khăn. Thực hiện trợ cước vận chuyển sách, sách tài trợ cho thư viện, vùng sâu, vùng xa, văn hoá phẩm lên miền núi.

- Chính sách sử dụng đất cho mục đích hoạt động văn hoá thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và địa phương. Các cơ sở văn hoá thông tin như nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm văn hoá, bảo tàng, thư viện…ưu tiên bố trí xây dựng ở những vị trí thuận lợi, mặt tiền và khu dân đông người, trên một diện tích thích hợp để phục vụ nhân dân.

- Có chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hoá cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, vùng nghèo.

- Ưu tiên hình thành các cơ sở ngoài công lập hoạt động xã hội hoá về sản xuất sản phẩm văn hoá, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc xây dựng các công trình văn hoá, thiết chế văn hoá ở cơ sở.

- Về khen thưởng: Mọi người có công đều được nhà nước biểu dương khen thưởng, đặc biệt là đối với các văn nghệ sĩ có tài, có tác phẩm xuất sắc. Các nghệ nhân hoạt động nghề thủ công truyền thống, văn hoá văn nghệ dân gian…các nghệ nhân giữ gìn, trình diễn, lưu truyền di sản văn hoá phi vật thể cho thế hệ sau.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương, chính sách khuyến khích xã hội hoá hoạt động văn hoá của Đảng và Nhà nước.

Phần 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 05 về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá từ nay đến 2010 trên phạm vi của toàn tỉnh gồm các ban ngành có liên quan do đ/c Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã làm Trưởng ban để chỉ đạo đôn đốc, tổ chức thực hiện đề án xã hội hoá hoạt động văn hoá.

- Sở VHTT là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện, tổng hợp tình hình, tiến độ kế hoạch thực hiện đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động văn hoá đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện đề án.

- Từ quý III năm 2006, phổ biến sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng và ban hành hướng dẫn, triển khai đề án xã hội hoá hoạt động văn hoá trong toàn tỉnh.

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, bổ sung sửa đổi, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển xã hội hoá các hoạt động văn hoá.

- Tổng kết kinh nghiệm về xây dựng và phát triển những mô hình tiêu biểu để nhân rộng ở nhiều nơi. Định kỳ hàng năm, tổ chức sơ, tổng kết để đánh giá, đúc rúc kinh nghiệm công tác triển khai thực hiện Đề án xã hội hoá hoạt động văn hoá và phương hướng triển khai trong thời gian tiếp theo./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng