Quyết định 60/2002/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thủ đô Hà Nội thời kỳ 2001-2010
Số hiệu: 60/2002/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 13/05/2002 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/06/2002 Số công báo: Số 27
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 60/2002/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 60/2002/ QĐ-TTG NGÀY 13 THÁNG 5 NĂM 2002 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI THỦ ĐÔ HÀ NỘI THỜI KỲ 2001- 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội ngày 28 tháng 12 năm 2000;
Xét đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 96/ TTr-UB ngày 29 tháng 10 năm 2001; của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 2325/ BKH/ VPTĐ ngày 15 tháng 4 năm 2002,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2001- 2010 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu:

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Trong mười năm tới, gắn với kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, Thành phố phải đảm bảo ổn định vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, văn hoá- xã hội toàn diện, nhanh, hiệu quả và môi trường bền vững. Xây dựng một bước quan trọng cơ sở vật chất - kỹ thuật và xã hội của Thủ đô xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, đồng bộ, hiện đại: bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến; tập trung làm lành mạnh, trong sạch môi trường văn hoá - xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; chủ động đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế, chuẩn bị tiền đề của kinh tế tri thức, trở thành một Trung tâm ngày càng có uy tín ở khu vực, xứng đáng với danh hiệu "Thủ đô Anh hùng ".

2. Những quan điểm phát triển cơ bản:

- Phát triển Thủ đô là trọng điểm trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Cần phát huy đồng bộ sức mạnh tổng hợp của Trung ương, của Hà Nội, của cả nước, của các thành phần kinh tế, của hợp tác quốc tế trong quá trình phát triển Thủ đô; khai thác nội lực là nhân tố quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng .

- Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội Thủ đô phải được xây dựng và thực hiện trong mối quan hệ hữu cơ với sự phát triển kinh tế- xã hội của cả nước, với việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng, liên vùng, dùng sức mạnh của Thủ đô làm động lực thúc đẩy sự phát triển của vùng, tạo ra sự phân công - hợp tác chặt chẽ trong một cơ cấu thống nhất trên phạm vi cả nước .

- Trong chỉ đạo, quán triệt phương châm: phát triển kinh tế- xã hội là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, quản lý đô thị là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng. Trong tổ chức thực hiện, cần kết hợp hài hoà các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng; phát triển lực lượng sản xuất gắn liền với xây dựng, củng cố quan hệ sản xuất, kết hợp giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt, kiên trì thực hiện các mục tiêu cơ bản, lâu dài. Xác định đúng trọng tâm các khâu đột phá, có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đi tắt, đón đầu, đẩy nhanh tốc độ phát triển Thủ đô.

3. Một số chỉ tiêu chủ yếu:

3.1. Về kinh tế:

- Đưa tỷ trọng GDP của Hà Nội trong tổng GDP của cả nước từ 7,3% năm 2000 lên khoảng 8,2% vào năm 2005 và 9,8% vào năm 2010.

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm thời kỳ 2001- 2010 khoảng 10-11%/ năm.

- GDP bình quân đầu người vào năm 2005 tăng 1,4 lần so với năm 2000, vào năm 2010 tăng 1,5 lần so với năm 2005.

- Cơ cấu kinh tế:

+ Giai đoạn 2001- 2005 chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp;

+ Giai đoạn 2006 - 2010 theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp (Năm 2010, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 42%, dịch vụ 56% và nông nghiệp 2% GDP toàn Thành phố).

+ Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp 14,5%/năm, nông nghiệp 3,0%/năm, dịch vụ 8,6%/năm;

- Giá trị xuất khẩu tăng trưởng bình quân thời kỳ 2001- 2010 khoảng 16-18%/năm.

3.2. Về dân số, nguồn nhân lực:

Năm 2010, quy mô dân số Hà Nộị đạt khoảng 3,3 triệu người; lao động qua đào tạo chiếm 60- 65%. Đến năm 2005, chuẩn hoá đội ngũ công chức cấp thành

phố, cấp quận, huyện; năm 2010 chuẩn hoá đội ngũ công chức cấp xã, phường. Giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị còn 5,5 - 6%; quản lý chặt chẽ số lao động ở các địa phương khác về Hà Nội .

3.3. Về văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, thể dục thể thao:

Phát triển giáo dục- đào tạo của Thủ đô trở thành Trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ trung học ( bao gồm: trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, trung học nghề) là 70% vào năm 2005 và phổ cập trung học vào năm 2010. Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc, người Hà Nội "văn minh, thanh lịch - hiện đại". Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Phát triển sự nghiệp y tế chăm sóc sức khoẻ, nâng cao thể chất cho nhân dân. Xây dựng nền thể dục, thể thao tiên tiến với lực lượng thể dục thể thao đạt trình độ cao trong khu vực, trong đó có một số môn đạt trình độ thế giới; đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng. Thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hoá giáo dục, văn hoá, y tế, thể dục thể thao.

3.4. Về đời sống:

Không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân. Nâng cao tuổi thọ và chiều cao trung bình của người dân Thủ đô. Tăng khẩu phần và chất lượng dinh dưỡng, mức dinh dưỡng bình quân của mỗi người dân Hà Nội đạt 2500 Kcalo/ngày. Đảm bảo 100% số gia đình có điều kiện tiếp xúc và hưởng thụ văn hoá, nghệ thuật. Phấn đấu đạt 100% số hộ có nước sạch sinh hoạt và được chăm sóc y tế; giảm tỷ lệ hộ nghèo ( theo tiêu chuẩn mới ) còn khoảng 1%; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn dưới 10%.

3.5. Về môi trường:

Xây dựng môi trường Hà Nội xanh, sạch, đẹp, văn minh, đạt cấp độ trung bình tiên tiến của khu vực. Khẩn trương xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả

Đề án tổng thể bảo vệ môi trường Thành phố góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân dân.

3.6. Về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội:

Đảm bảo ổn định vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Tạo bước chuyển biến mới rõ rệt về quản lý trật tự, an toàn xã hội, nếp sống đô thị, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội .

4. Những nhiệm vụ chủ yếu phát triển các ngành, lĩnh vực và xây dựng Thủ đô Hà Nội:

4.1. Phát triển, hiện đại hoá các ngành, lĩnh vực dịch vụ then chốt như thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin viễn thông, khoa học- công nghệ và các dịch vụ khác phục vụ cho sản xuất, kinh doanh cũng như các mặt hoạt động đa dạng khác của Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Xây dựng Hà Nội trở thành Trung tâm hàng đầu về thương mại, du lịch, tài chính, ngân hàng của phía Bắc, cả nước và của khu vực Đông Nam á.

4.2. Xây dựng Hà Nội thành Trung tâm công nghiệp lớn:

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có sử dụng công nghệ cao, chú trọng những ngành sản xuất ra các sản phẩm cao cấp, các ngành công nghiệp chủ lực như điện- điện tử - công nghệ thông tin; cơ - kim khí; dệt - may - da giầy; chế biến thực phẩm; vật liệu mới và những ngành sử dụng nhiều lao động . Đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại, trang bị kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Phát triển các khu, cụm công nghiệp bao gồm cả các khu công nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề truyền thống phù hợp với quy hoạch mở rộng thành phố, với toàn vùng; có mối quan hệ phân công - hợp tác với các tỉnh, thành phố lân cận trong tổng thể thống nhất. Từng bước di rời các cơ sở không còn thích hợp ở nội thành ra các khu công nghiệp tập trung, đảm bảo môi trường bền vững.

4.3. Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyển dịch cơ cấu, cao cấp hoá các sản phẩm nông nghiệp đô thị, sinh thái, làng nghề; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá nông phẩm đặc sản như rau sạch, hoa, cây cảnh, cây ăn quả và chăn nuôi gắn với công nghiệp chế biến, đa dạng sản phẩm nhằm đạt mục tiêu chất lượng, sản phẩm sạch, hiệu quả, môi trường bền vững. Phát triển nông nghiệp đi đôi với xây dựng nông thôn mới ngoại thành, tạo môi trường trong lành cho Hà Nội.

4.4. Phát triển các lĩnh vực văn hoá- xã hội tương xứng với phát triển kinh tế. Xây dựng người Hà Nội vững vàng về chính trị, tư tưởng, có lòng tự hào dân tộc, tâm huyết, trách nhiệm với đất nước, với Thủ đô; có khả năng tiếp thu, làm chủ công nghệ hiện đại, nhanh nhạy, sáng tạo, có năng lực sản xuất kinh doanh; có lối sống văn minh, thanh lịch, hiện đại, tiêu biểu cho con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Xây dựng Hà Nội thành một Trung tâm kiểu mẫu về giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá - thông tin, thể dục, thể thao của cả nước.

4.5. Phát triển kết cấu hạ tầng then chốt, đầu tư đi trước một bước, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô và cả nước.

- Cần có các giải pháp hữu hiệu để cải thiện, nâng cấp và hiện đại hoá đồng bộ cơ sở hạ tầng nhằm nhanh chóng khắc phục tình trạng quá tải, bất cập hiện nay; phát triển theo quy hoạch dài hạn ngang tầm trình độ của các đô thị văn minh, tiên tiến trong khu vực và thế giới.

- Đầu tư mở rộng, nâng cấp, hoàn thiện, mở các tuyến đường hướng tâm nối với các quốc lộ xuất phát từ Thủ đô Hà Nội, phát triển hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai I, II, III và có kế hoạch xây dựng vành đai IV; xây dựng hoàn chỉnh, xử lý triệt để các nút giao thông nội thành, cửa ô, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông tĩnh, cải tạo cầu Long Biên, xây mới 2 cầu qua sông Hồng. Nâng cấp và bổ sung hệ thống giao thông đô thị và nông thôn, tập trung đầu tư phát triển giao thông công cộng chủ yếu bằng phương tiện xe buýt, xe điện; giải quyết hệ thống các phương tiện giao thông gây ra ách tắc, ô nhiễm môi trường, đảm bảo giao thông thuận lợi của Hà Nội, giữa Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, với cả nước và giao thông xuyên á.

- Xây dựng thêm các trạm truyền tải 500 KV, 200 KV, 110 KV, ngầm hoá mạng lưới điện trung thế; bỏ dần cấp điện áp 35 KV, 10 KV, 6 KV, chỉ còn một cấp 22 KV/ 0,4 KV. Xây dựng trung tâm điều độ lưới điện Thành phố, tổng đài báo sửa chữa điện.

- Đầu tư phát triển mạng viễn thông hiện đại ngang tầm quốc tế, sử dụng công nghệ hiện đại, tăng dung lượng các tổng đài hiện có. Cải tạo, xây mới hệ thống cống bể, cáp đồng và cáp quang hoá mạng truyền dẫn nội thành; đầu tư cơ giới hoá, tự động hoá mạng lưới bưu chính.

- Duy tu, bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các nhà máy nước hiện có, hoàn chỉnh mạng đường cấp nước. Xây dựng nhà máy nước Bắc Thăng Long, nhà máy sử dụng nguồn nước mặt, 60 trạm cấp nước nông thôn, mở rộng diện cấp nước cho toàn Thành phố; đầu tư cải tạo và lắp đặt mới hệ thống đường ống truyền dẫn, mạng lưới phân phối và mạng dẫn nước sạch, hợp vệ sinh tới hộ gia đình. Giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch dưới 30%, đạt tiêu chuẩn cấp nước 170 lít/ người/ ngày vào năm 2010.

- Đến năm 2005 giải quyết cơ bản tình trạng úng ngập. Chú trọng cải tạo các sông, mương thoát nước, các hồ điều hoà, các trạm bơm thoát nước; cải tạo và xây dựng mới các công trình thoát nước và xử lý nước thải tập trung cho các khu vực còn thiếu và yếu của Thành phố, phối hợp có hiệu quả việc xử lý nước thải của Thành phố với các tỉnh lân cận trong vùng.

- Phấn đấu đạt 8m2 nhà ở/ người vào năm 2010. Giải quyết cơ bản những trường hợp nhà ở dưới 3m2/ người, giảm dần các khu nhà hư hỏng, nguy hiểm trong nội thành và ven đô. Thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm cơ hội tạo lập nơi ở và quyền có nhà trong các tầng lớp dân cư, chú trọng các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp.

- Phấn đấu đến năm 2005, đạt bình quân 5,0 đến 5,5 m2 cây xanh/ người; năm 2010 đạt 7,0 đến 7,5 m2/ người.

4.6. Củng cố, phát huy vai trò và tác dụng của các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng. Đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy nền cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hình thức kinh tế hợp tác và hợp tác xã; tiếp tục đổi mới quản lý, ứng dụng công nghệ mới, mở rộng thị trường; nâng cao quyền tự chủ của các doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật.

4.7. Tăng cường quốc phòng an ninh, đảm bảo ổn định vững chắc về chính trị và trật tự an toàn xã hội của Thủ đô trong mọi tình huống; phục vụ có hiệu quả các hoạt động của Đảng, Nhà nước và hoạt động đối ngoại. Kết hợp chặt chẽ chiến lược, các chương trình bảo vệ quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội với các chương trình phát triển kinh tế- xã hội .

5. Phát triển đô thị và nông thôn:

- Quy hoạch phát triển thành phố Hà Nội tương xứng vai trò vị trí là Thủ đô của Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

- Phát triển Hà Nội với không gian mở theo hướng Bắc và Tây Bắc, hướng Tây và Tây Nam. Hướng phát triển lâu dài của thành phố Hà Nội chủ yếu về phía Tây,Tây Nam ( Miếu Môn- Xuân Mai- Hoà Lạc- Sơn Tây của tỉnh Hà Tây); một phần phía Bắc Thành phố: cụm đô thị Sóc Sơn ( thành phố Hà Nội), Xuân Hoà- Đại Lải- Phúc Yên ( tỉnh Vĩnh Phúc) và các đô thị khác nhằm khai thác lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, giao thông và cơ sở hạ tầng của các đô thị vệ tinh. Trước mắt, hướng mở rộng thành phố Hà Nội trung tâm về phía Tây Bắc,Tây Nam và phía Bắc, trong đó ưu tiên cho đầu tư phát triển khu vực phía Bắc sông Hồng, nghiên cứu chỉnh trị sông Hồng, hoàn thành phương án và tổ chức thực hiện quy hoạch, khai thác hai bên sông Hồng.

- Quản lý chặt chẽ quá trình đô thị hoá và đầu tư, xây dựng. Kết hợp cải tạo , chỉnh tu khu đô thị cũ với mở rộng đô thị mới theo đúng quy hoạch và đảm bảo các chỉ tiêu về quy hoạch kỹ thuật đô thị, kiến trúc, tiện ích công cộng và các chỉ tiêu khác của đô thị hiện đại, văn minh.

- Phát triển khu vực nông thôn theo hướng gắn đô thị hoá với xây dựng nông thôn mới, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương xứng với nông thôn mới ngoại thành Hà Nội. Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, giảm sự cách biệt giữa nội thành và ngoại thành.

- Quản lý chặt chẽ đất đai nội, ngoại thành, sử dụng quỹ đất có hiệu quả, đúng quy hoạch. Trước mắt cần tập trung chỉ đạo công tác lập quy hoạch chi tiết

sử dụng đất đai, công bố rộng rãi cho dân biết; tăng cường quản lý quy hoạch, sử dụng đất theo quy định hiện hành.

Điều 2. Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội có nhiệm vụ:

1. Nghiên cứu cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết 15- NQ/ TW ngày 15 tháng 12 năm 2000 của Bộ Chính trị; Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá X thông qua ngày 28 tháng 12 năm 2000.

2. Chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, nghiên cứu và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể phù hợp với điều kiện của Hà Nội nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, mở rộng thị trường , chủ động hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường... , thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế- xã hội đã đề ra.

3. Thực hiện đổi mới tổ chức, quản lý và cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước, sử dụng, phát huy mạnh mẽ nguồn nhân tài vật lực của đất nước.

4. Chỉ đạo đầu tư tập trung có trọng điểm để nhanh chóng mang lại hiệu quả thiết thực, ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo động lực phát triển các ngành, các lĩnh vực của Thủ đô.

5. Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý các cấp cùng với việc đổi mới công tác sắp xếp cán bộ chủ chốt, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp chế, chính sách, cụ thể hoá việc phân công phân cấp, đề cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức bộ máy quản lý.

6. Căn cứ Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể của Chính phủ, cụ thể hoá các mục tiêu và triển khai thực hiện bằng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, các dự án đầu tư, xây dựng các kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn để quản lý và điều hành khoa học đạt hiệu quả cao. Trong quá trình thực hiện quy hoạch phải thường xuyên cập nhật tình hình, có những điều chỉnh kịp thời khi cần thiết.

Điều 3. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chủ động phối hợp cùng Thủ đô Hà Nội triển khai việc thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị; Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội; ban hành các quy định ưu đãi, khuyến khích đầu tư; chỉ đạo việc xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù; cụ thể hoá các quy hoạch ngành đã được phê duyệt bằng các chương trình và dự án đầu tư trên địa bàn, thực hiện theo quy hoạch để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.