Quyết định 59/QĐ-TTg năm 2015 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật hộ tịch
Số hiệu: | 59/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 15/01/2015 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 01/02/2015 | Số công báo: | Từ số 177 đến số 178 |
Lĩnh vực: | Hành chính tư pháp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 59/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT HỘ TỊCH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật hộ tịch ngày 20 tháng 11 năm 2014;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thi hành Luật hộ tịch.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT HỘ TỊCH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 59/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ)
Luật hộ tịch được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 20 tháng 11 năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, Nhằm triển khai thi hành Luật được kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật hộ tịch với các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật hộ tịch, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả;
b) Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật hộ tịch trên phạm vi cả nước.
2. Yêu cầu
a) Việc xác định nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương là Bộ Tư pháp và ở địa phương là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bảo đảm chất lượng và tiến độ hoàn thành công việc.
b) Tăng cường sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong triển khai thi hành Luật hộ tịch; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch.
c) Có lộ trình bảo đảm thực thi Luật hộ tịch trong giai đoạn chuyển tiếp phù hợp với điều kiện từng địa phương để sau ngày 31 tháng 12 năm 2019 thực hiện thống nhất, đầy đủ tất cả các quy định của Luật hộ tịch trên toàn quốc.
II. NỘI DUNG
1. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật
a) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp
- Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
- Thời gian trình Chính phủ: Tháng 9 năm 2015
b) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định trong đó có nội dung quy định về thủ tục cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh; việc kết nối, cung cấp, trao đổi thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Công an
- Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
- Thời gian hoàn thành: Tháng 7 năm 2015
c) Xây dựng, trình Chính phủ Nghị định quy định về việc quản lý, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp
- Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
- Thời gian trình Chính phủ: Theo tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử nhưng xong trước ngày 01 tháng 01 năm 2020.
d) Xây dựng Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hộ tịch; ban hành, hướng dẫn sử dụng, quản lý Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn, trích lục hộ tịch và các biểu mẫu hộ tịch khác; điều kiện, trình tự đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử lưu động; ủy quyền thực hiện đăng ký hộ tịch.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp
- Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Y tế và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
- Thời gian ban hành: Tháng 10 năm 2015
đ) Xây dựng Thông tư liên tịch quy định về thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch, việc cấp bản sao trích lục hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Ngoại giao
- Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
- Thời gian ban hành: Tháng 10 năm 2015
e) Xây dựng Thông tư quy định chi tiết thẩm quyền thu, mức thu, nộp, chế độ quản lý và sử dụng lệ phí hộ tịch.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tài chính
- Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
- Thời gian ban hành: Tháng 10 năm 2015
2. Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến Luật hộ tịch, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thi hành hiệu quả Luật hộ tịch
a) Ở Trung ương:
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp
- Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế và các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
b) Ở địa phương:
- Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Cơ quan phối hợp: các cơ quan, tổ chức có liên quan.
c) Thời gian hoàn thành:
- Trước tháng 6 năm 2015 hoàn thành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm thi hành hiệu quả Luật hộ tịch.
- Thực hiện rà soát cập nhật trong những năm tiếp theo.
d) Sản phẩm: Báo cáo kết quả rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật trình Thủ tướng Chính phủ.
3. Tổ chức quán triệt thực hiện và tuyên truyền, phổ biến Luật hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành
a) Tổ chức quán triệt thực hiện Luật hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Ở Trung ương: Tổ chức 02 Hội nghị quán triệt thực hiện Luật hộ tịch tại khu vực phía Bắc và phía Nam cho cán bộ, công chức các Bộ, ngành và cấp tỉnh (Thành phần: Đại diện các Bộ, ngành liên quan; Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện một số Sở, ban, ngành có liên quan).
+ Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp
+ Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Sở, ban, ngành có liên quan.
+ Thời gian thực hiện: Quý II năm 2015.
- Ở địa phương: Tổ chức quán triệt thực hiện Luật hộ tịch cho cán bộ, công chức thuộc Phòng Tư pháp, các phòng, ban có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.
+ Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
b) Tuyên truyền, phổ biến Luật hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành
- Biên soạn và cấp phát tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến Luật hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành
+ Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp
+ Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Thời gian hoàn thành: Tháng 10 năm 2015 và các năm tiếp theo.
c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật hộ tịch bằng các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn.
- Ở Trung ương:
+ Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp
+ Cơ quan phối hợp: Cơ quan thông tin và truyền thông, cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương, địa phương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
- Ở địa phương:
+ Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện
+ Cơ quan phối hợp: Cơ quan thông tin và truyền thông, cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở địa phương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Năm 2015 và các năm tiếp theo.
4. Xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc
a) Xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp
- Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
- Thời gian hoàn thành: Quý III năm 2015
- Sản phẩm: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.
b) Xây dựng, triển khai Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp
- Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
- Thời gian hoàn thành: Trước ngày 30 tháng 6 năm 2019
- Sản phẩm: Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch phục vụ kết nối toàn quốc, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.
5. Rà soát, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hộ tịch, kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch ở cấp huyện, cấp xã và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong Luật hộ tịch
a) Rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp
- Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
- Thời gian hoàn thành:
+ Ủy ban nhân dân các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoàn thành việc rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại địa phương trước ngày 31 tháng 7 năm 2015, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết quả rà soát và đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí đủ công chức Phòng Tư pháp làm công tác hộ tịch, bảo đảm đủ công chức làm công tác hộ tịch khi chuyển giao thẩm quyền theo quy định của Luật.
+ Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại địa phương, đề xuất lộ trình đào tạo, bồi dưỡng và báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp trước ngày 31 tháng 8 năm 2015.
+ Bộ Ngoại giao hoàn thành việc rà soát đội ngũ viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự làm công tác hộ tịch tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp trước ngày 31 tháng 8 năm 2015.
+ Bộ Tư pháp tổng hợp kết quả rà soát, đề xuất kế hoạch đào tạo đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch xây dựng Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2015.
+ Thực hiện việc rà soát cập nhật trong những năm tiếp theo.
b) Bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hộ tịch cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Thời gian thực hiện:
+ Hàng năm. Bảo đảm trước ngày 01 tháng 01 năm 2020, 100% số công chức làm công tác hộ tịch được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch.
+ Thực hiện bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ hộ tịch trong những năm tiếp theo đối với tất cả công chức làm công tác hộ tịch.
c) Kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch bảo đảm đủ tiêu chuẩn được quy định trong Luật hộ tịch.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp
- Cơ quan phối hợp: Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Thời gian hoàn thành:
+ Trước ngày 31 tháng 12 năm 2019, bảo đảm 100% công chức làm công tác hộ tịch đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Luật hộ tịch.
+ Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, Ủy ban nhân dân các cấp chỉ bố trí, tuyển dụng mới những người đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật hộ tịch làm công tác hộ tịch.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành và địa phương mình chủ động, tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch này theo nhiệm vụ được phân công, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí.
Căn cứ nội dung Kế hoạch này và tình hình thực tiễn, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thi hành Luật hộ tịch tại Bộ, địa phương mình. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp để được hướng dẫn giải quyết và gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Ủy ban nhân dân các cấp bảo đảm kinh phí, nhân lực để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của các Bộ, ngành và địa phương.
3. Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch theo đúng tiến độ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Kế hoạch này.
4. Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ ngân sách nhà nước trong dự toán chi thường xuyên hàng năm và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan được phân công chủ trì thực hiện các nhiệm vụ cụ thể quy định trong Kế hoạch này có trách nhiệm lập dự toán kinh phí bảo đảm việc triển khai thi hành Luật hộ tịch, gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự toán ngân sách hàng năm theo quy định pháp luật.
Đối với các hoạt động trong Kế hoạch được triển khai trong năm 2015, các Bộ, ngành và địa phương được phân công thực hiện có trách nhiệm dự toán bổ sung và sắp xếp, bố trí trong nguồn ngân sách năm 2015 để tổ chức thực hiện./.