Quyết định 59/2006/QĐ-UBND Quy định việc quản lý sử dụng quỹ hỗ trợ nông dân nghèo tỉnh Vĩnh Phúc
Số hiệu: 59/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc Người ký: Trần Ngọc Ái
Ngày ban hành: 29/08/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 59/2006/QĐ-UBND

Vĩnh Yên, ngày 29 tháng 08 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH  QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN NGHÈO TỈNH VĨNH PHÚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ vào Thông t­ư số 36/2002/TT-BTC ngày 22/04/2002 của Bộ tài chính về quy chế quản lý tài chính đối với quỹ hỗ trợ nông dân của Hội nông dân Việt Nam;

Căn cứ vào Nghị quyết 06/2006/NQ-HĐND ngày 14/4/2006 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ quỹ hỗ trợ nông dân nghèo;

Xét đề nghị của Ban thường vụ Hội nông dân tỉnh Vĩnh Phúc, tại văn bản số 702/CV-HND ngày 07/8/2006; và thẩm định của Sở Tư pháp tại văn bản số 60/BC-STP ngày 03/7/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định việc quản lý sử dụng quỹ hỗ trợ nông dân nghèo tỉnh Vĩnh Phúc.

Điều 2. Giao cho Hội nông dân tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, sử dụng quỹ Hỗ trợ nông dân nghèo, và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Pháp luật.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký; Chánh văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các tổ chức và cá nhân liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Ái

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN NGHÈO TỈNH VĨNH PHÚC
(Ban hành kèm theo quyết định số:59/2006/QĐ-UBND ngày 29 tháng 8 năm 2006 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Chương I.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quỹ hỗ trợ nông dân (viết tắt HTND) nghèo tỉnh Vĩnh Phúc do Ban thường vụ Hội nông dân (viết tắt HND) tỉnh trực tiếp quản lý và sử dụng. Hoạt động của Quỹ HTND nghèo không kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận, mà nhằm mục tiêu hỗ trợ và giúp đỡ nông dân nghèo phát triển sản xuất tăng thu nhập giải quyết việc làm, xóa nghèo.

Điều 2. Ban thường vụ HND tỉnh tự chịu trách nhiệm về hoạt động của quỹ trước Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh, tự chủ về tài chính bảo toàn vốn và không phải nộp thuế cho ngân sách địa phương.

Điều 3. Hoạt động thu, chi tài chính, hạch toán và quyết toán tài chính phải tuân thủ theo Pháp luật hiện hành của Nhà nước và điều lệ quỹ Hỗ trợ nông dân Việt Nam.

Chương II.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Nguyên tắc quản lý hoạt động của quỹ:

1. Quỹ HTND nghèo không hoạt động kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận, nên không phải nộp thuế và các khoản thu khác;

2. Nguồn vốn của quỹ do các tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế- xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tự nguyện đóng góp; nhận nguồn ủy thác từ TW Hội nông dân Việt Nam; từ nguồn ngân sách địa phương trích tiền thu ủy thác xây dựng quỹ;

3. Tự chịu trách nhiệm về hoạt động của quỹ trước pháp luật; tự chủ về tài chính và bảo toàn vốn; tuân thủ các qui định về nghiệp vụ tài chính;

4. Sử dụng con dấu của hội và mở tài khoản Ngân hàng chính sách xã hội.

Điều 5. Nguồn hình thành quỹ:

1. Tự vận động hộ nông dân, hộ phi nông nghiệp; cán bộ, công nhân viên chức trong lực lượng vũ trang, các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội; các tổ chức cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ đóng góp;

2. Vốn tiếp nhận các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và người nước ngoài giúp đỡ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc;

3. Nguồn vốn ủy thác của Trung ương Hội nông dân Việt Nam; trích từ nguồn vượt thu ngân sách địa phương hỗ trợ xây dựng quỹ HTND nghèo;

4. Vốn tự bổ sung hàng năm;

5. Quỹ không được phép huy động vốn và vay vốn dưới hình thức gửi tiền tiết kiệm, phát hành kỳ phiếu, tín phiếu vay thương mại… như các tổ chức tín dụng kinh doanh tiền tệ.

Điều 6. Về sử dụng quỹ:

1. Quỹ HTND nghèo được sử dụng để hỗ trợ giúp đỡ cho nông dân vay, nhất là các hộ nghèo thiếu vốn sản xuất. Vốn giúp nông dân được thực hiện dưới hình thức cho vay trợ giúp có hoàn trả (có hạn mức thấp nhất không dưới 1 triệu, cao nhất không quá 5 triệu/hộ/lần vay). Vốn cho vay có kỳ hạn 2 năm không thu lãi mà chỉ thu phí theo qui định của Trung ương Hội nông dân Việt Nam;

2. Hội nông dân tỉnh có trách nhiệm quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích, đúng đối tượng có hiệu quả, thu hồi đầy đủ kịp thời để bảo toàn vốn;

3. Quỹ không được sử dụng để thực hiện các mục đích kinh doanh tiền tệ kiếm lời.

Điều 7. Về thu phí

1. Quỹ HTND nghèo được thu phí trên số vốn cho vay trợ giúp nông dân, mức thu phí là 0,7%/ tháng;

2. Mức thu phí trên nguyên tắc: bảo đảm trang trải chi phí cần thiết cho hoạt động của quỹ bao gồm khoản phí và lãi trích nộp về TW Hội theo quy định; chi hỗ trợ bồi dưỡng cán bộ quản lý, công tác phí, văn phòng phẩm và các chi phí cho hội họp sơ tổng kết, tập huấn nghiệp vụ quản lý…;

3. Mức thu phí và phân bổ phí cho các cấp hội phải tuân thủ theo điều lệ quỹ HTND Việt nam và hướng dẫn của TW Hội. Biểu thu và trích phân bổ phí phải được thực hiện trong thời gian tối thiểu là 6 tháng.

Điều 8. Về thu chi tài chính của quỹ:

1. Thu nhập của quỹ:

- Thu phí: cho vay trợ giúp nông dân;

- Thu khác: các khoản đóng góp của các tổ chức cá nhân trong ngoài tỉnh cho hoạt động của quỹ;

- Quỹ HTND nghèo có trách nhiệm thu đủ, kịp thời các khoản thu theo quy định của TW Hội (sau khi được Bộ tài chính chấp thuận).

2. Chi phí hoạt động của quỹ:

a) Chi phí nghiệp vụ, gồm có:

- Chi trả phí cho Ban điều hành quỹ cấp huyện, thị xã và cơ sở hội, trích nộp phí về TW Hội nông dân Việt Nam (nguồn ủy thác);

- Các chi phí khác nếu có;

b) Chi phí quản lý:

-  Ban điều hành quỹ cấp tỉnh;

- Chi lương và bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ quản lý quỹ;

- Chi công tác phí;

- Các khoản chi phí văn phòng phẩm, khấu hao cơ bản tài sản cố định, sửa chữa mua sắm công cụ lao động;

- Các khoản chi cần thiết phù hợp như: hội nghị, khen thưởng, tiếp khách…;

c) Ban điều hành quỹ chịu trách nhiệm thực hiện các khoản chi tiêu đúng qui định Nhà nước trong phạm vi nguồn thu thực hiện cho phép.

3. Phân phối chênh lệch thu, chi.

- Số chênh lệch thu lớn hơn chi hàng năm được trích 1,8 % năm trên số vốn Nhà nước tại quỹ để bổ sung vào vốn Nhà nước tại quỹ;

- Phần còn lại (coi như 100%) phân bổ cụ thể:

+ Trích 10% lập quỹ dự phòng rủi ro nếu trong năm không sử dụng được bổ sung vào nguồn vốn cho vay;

+ Trích 40% bổ sung vào vốn cho vay trợ giúp nông dân;

+ Trích 20% trích lập quỹ đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cho hoạt động quỹ;

+ Số còn lại 30% trích lập 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi cơ quan nếu trong năm sử dụng không hết thì bổ sung toàn bộ vào quỹ đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản.

Điều 9. Chế độ hạch toán và kế toán:

1. Căn cứ vào chế độ kế toán áp dụng cho phù hợp với đặc điểm hoạt động của quỹ do Ban thường vụ TW Hội ban hành. Ban điều hành quỹ HTND nghèo cấp tỉnh cần xây dựng chế độ kế toán hạch toán cho phù hợp với điều kiện địa phương;

2. Quỹ HTND nghèo các cấp trong tỉnh có trách nhiệm thực hiện mở sổ sách kế toán, ghi chép chứng từ và thực hiện việc hạch toán theo đúng chế độ quy định, pháp lệnh thống kê kế toán, quy định của điều lệ quỹ HTND Việt Nam và các qui định của Ban thường vụ TW Hội;

3. Định kỳ quý, năm gửi báo cáo cho Sở tài chính, Ban điều hành quỹ hỗ trợ nông dân TW Hội, gồm có:

- Bảng tổng kết tài sản.

- Bảng cân đối tài khoản.

- Bảng quyết toán thu nhập chi phí

- Báo cáo nguồn vốn và sử dụng vốn.

4. Thời hạn gửi báo cáo:

- Báo cáo quyết toán quý chậm nhất 30 ngày sau khi kết thúc quý;

- Báo cáo quyết toán năm chậm nhất vào ngày 1 tháng 3 năm sau;

- Ban thường vụ HND tỉnh chịu trách nhiệm kiểm tra xét duyệt quyết toán tài chính quý, năm của Ban điều hành quỹ.

Điều 10. Lập kế hoạch tài chính:

- Ban điều hành quỹ HTND nghèo có trách nhiệm thực hiện việc xây dựng kế hoạch tài chính năm theo hướng dẫn của Ban điều hành quỹ HTND TW Hội, gửi cho Ban thường vụ HND tỉnh và Sở tài chính vào thời điểm quy định (Tháng 10) các kế hoạch tài chính năm tiếp theo, gồm có:

+ Kế hoạch xây dựng quỹ và sử dụng vốn trợ giúp cho nông dân.

+ Kế hoạch thu chi tài chính.

Ban thường vụ HND tỉnh có trách nhiệm xem xét phê duyệt các kế hoạch trên của quỹ (sau khi có ý kiến của Sở tài chính). Các chỉ tiêu kế hoạch được duyệt là căn cứ để Ban điều hành quỹ HTND nghèo thực hiện.

Điều 11. Xử lý các trường hợp rủi ro đối với quỹ:

Các trường hợp rủi ro đối với quỹ được xử lý theo qui định tại quy chế xử lý rủi ro quỹ hỗ trợ nông dân số 615/QC-HND ngày 25/6/2000 của Ban thường vụ TW Hội.

Chương III.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Khen thưởng, xử lý vi phạm:

1. Khen thưởng:

- Hàng năm, tổng kết 5 năm, 10 năm hoạt động xây dựng và quản lý sử dụng quỹ những tập thể cá nhân có nhiều thành tích trong xây dựng, quản lý và sử dụng vốn quỹ tốt được xét khen thưởng;

- Ban thường vụ HND các cấp trong tỉnh xem xét phê duyệt đề nghị của Ban điều hành quỹ HTND nghèo các cấp. Tiền thưởng được trích từ quỹ khen thưởng của quỹ HTND các cấp.

2.  Xử lý vi phạm:

Các tổ chức, cá nhân vi phạm những quy định về quản lý, sử dụng quỹ HTND nghèo tùy theo mức độ sai phạm sẽ bị xử lý theo quy định của Pháp luật.

Điều 13. Tổ chức thực hiện:

- Các qui định trên áp dụng tất cả quỹ HTND nghèo các cấp trong địa bàn tỉnh Vĩnh phúc;

 - Giao cho Ban thường vụ HND tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn các cấp hội trong tỉnh thực hiện nghiêm túc quyết định của UBND tỉnh về quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ nông dân nghèo của tỉnh;

- Ban thường vụ HND tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện bản quy định này. Quá trình thực hiện nếu có điểm nào chưa phù hợp, vướng mắc các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Hội nông dân tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh, sửa đổi bổ sung cho phù hợp./.