Quyết định 59/2001/QĐ-UB Quy định thủ tục hành chính về giấy phép khai thác tận thu khoáng sản
Số hiệu: | 59/2001/QĐ-UB | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Lâm Đồng | Người ký: | Phan Thiên |
Ngày ban hành: | 23/07/2001 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài nguyên, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 59/2001/QĐ-UB |
Đà Lạt, ngày 23 tháng 07 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH QUI ĐỊNH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ GIẤY PHÉP KHAI THÁC TẬN THU KHOÁNG SẢN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994.
- Căn cứ Luật Khoáng sản ban hành ngày 20/3/1996; và nghị định 76/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính phủ qui định chi tiết việc thi hành luật Khoáng sản (sửa đổi); Quyết định số 17/2001/QĐ-UB ngày 23/3/2001 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc “Ban hành qui định thủ tục về giấy phép hoạt động khoáng sản”;
- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Nghiệp Lâm Đồng tại tờ trình số 76/TT-CN ngày 26/2/2001;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này “Qui định thủ tục hành chính về giấy phép khai thác tận thu khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ”.
Điều 2: Các ông: Chánh Văn phòng HĐND&UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này thay thế quyết định số 23/2001/QĐ-UB ngày 03/5/2001 của UBND tỉnh Lâm Đồng và có hiệu lực kể từ ngày ký./-
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG |
QUY ĐỊNH
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ GIẤY PHÉP KHAI THÁC TẬN THU KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG.
(Ban hành kèm theo quyết định số 59/2001 /QĐ-UB ngày 23/7/2001 của UBND tỉnh Lâm Đồng)
Chương I
Điều 1: Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thuộc quyền sở hữu toàn dân, do UBND Tỉnh Lâm Đồng thống nhất quản lí theo sự phân cấp của Chính phủ. Việc cấp phép khai thác tận thu khoáng sản các loại trên địa bàn (trừ khoáng sản kim loại qúy như: vàng, bạc, Platin; đá qúy như: kim cương, ruby, saphia, êmôrớt.. ) cho các tổ chức , cá nhân trong nước do UBND Tỉnh thực hiện sau khi được Bộ công nghiệp phê duyệt theo quy định tại điều 67-Nghị định 76/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính phủ.
Điều 2: Mọi tổ chức, cá nhân trong nước có đủ điều kiện theo quy định của Luật khoáng sản có nhu cầu hoạt động khai thác tận thu khoáng sản ở địa bàn tỉnh Lâm Đồng phải làm đầy đủ các thủ tục theo quy định của Pháp luật và phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được khai thác tận thu khoáng sản.
Điều 3: Khai thác tận thu là hình thức hoạt động khoáng sản phù hợp với các điều kiện theo quy định tại điều 65 Nghị định 76/2000/NĐ-CP sau đây:
1- Không bắt buộc tiến hành thăm dò toàn bộ diện tích khu vực được phép hoạt động trước khi bắt đầu khai thác.
2- Khối lượng khai đào, bao gồm cả đất đá thải và khoáng sản đối với một giấy phép khai thác tận thu được cấp cho cá nhân không quá 5 nghìn ( 5.000) tấn /năm, được cấp cho tổ chức không quá một trăm nghìn ( 100.000) tấn /năm.
3- Trong trường hợp có sử dụng vật liệu nổ thì phải được cấp phép theo quy định của pháp luật; không được sử dụng hoá chất độc.
4- Mỗi cá nhân chỉ được cấp một giấy phép khai thác tận thu.
Điều 4: Các khu vực được cấp giấy phép khai thác tận thu (theo điều 66 Nghị định 76/2000/NĐ-CP) bao gồm:
1- Khu vực có hoạt động ở dạng sa khoáng nhỏ, quặng lăn và các thân quặng nhỏ phân bổ không tập trung đã được điều tra đánh giá mà đầu tư khai thác quy mô công nghiệp không có hiệu qủa kinh tế.
2- Khu vực có khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm xa đường giao thông, hồ nước, sông ngòi và các khu dân cư đô thị mà các điều kiện về kinh tế xã hội cũng như nhu cầu tiêu thụ không cho phép đầu tư khai thác qui mô công nghiệp.
3- Khu vực khai thác mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ để thanh lý hoặc đóng cửa mỏ để bảo vệ mà việc khai thác lại theo quy mô công nghiệp không có hiệu quả kinh tế và việc khai thác tận thu không gây mất an toàn cho mỏ đã đóng cửa.
Điều 5: Không giải quyết cấp phép khai thác t?n thu tại các khu vực cấm hoạt động khoáng sản theo quy định tại Nghị định 76/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính phủ (điều 19), cụ thể tại các khu vực như sau:
a) Khu vực có di tích lịch sử, văn hoá , danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc đăng ký xếp hạng ;
b) Vườn rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, đất rừng phòng hộ xung yếu và rất xung yếu( có rừng), khu vực rừng đặc dụng có rừng, khu vực bảo tồn địa chất;
c) Khu vực dành riêng cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;
d) Khu vực thuộc phạm vi bảo vệ đê, đập, kè, cầu ,cống, bờ sông, đường giao thông;
e) Khu vực dành riêng cho tôn giáo;
f) Khu vực đô thị hoặc có công trình kết cấu hạ tầng quan trọng.
Việc xin khai thác tận thu khoáng sản tại các khu vực thuộc rừng đặc dụng không có rừng, rừng phòng hộ ít xung yếu, khu vực gần danh lam thắng cảnh, di tích văn hoá lịch sử, an ninh quốc phòng, đường sá, cầu cống, đê đập... phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền các khu vực đó có ý kiến bằng văn bản thoả thuận hoặc xác nhận không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản.
Điều 6: Diện tích khu vực khai thác tận thu của một giấy phép cấp cho một tổ chức không qúa hai mươi héc ta, cho cá nhân không quá một hécta.
Điều 7: Thời hạn của một giấy phép khai thác tận thu không quá ba mươi sáu tháng và được xét gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá hai mươi bốn tháng. Với các điều kiện sau đây tại thời điểm xin gia hạn:
1- Tổ chức cá nhân khai thác tận thu đã hoàn thành nghĩa vụ theo quy định tại điều 52 của Luật khoáng sản.
2- Khu vực xin gia hạn giấy phép còn phù hợp với hình thức khai thác tận thu theo quy định của luật khoáng sản và các điều 3,4 của bản quy định này.
3- Giấy phép khai thác tận thu còn thời hiệu không ít hơn 30 ngày.
Chương II
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ CẤP GIẤY PHÉP KHAI THÁC TẬN THU KHOÁNG SẢN
Điều 8: Việc cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản tuân theo các nguyên tắc đã được quy định tại Nghị định 76/2000/NĐ-CP ngày 15.12.2000 của Chính phủ (điều 48). Hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản gồm:
1- Đơn xin cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản ( theo mẫu), kèm văn bản thoả thuận của chính quyền địa phương cấp huyện.
2- Bản đồ khu vực khai thác tận thu khoáng sản trên nền địa hình, có tỷ lệ không nhỏ hơn 1/5.000, hệ tọa độ vuông góc UTM (bốn bộ).
3- Đề án khai thác tận thu khoáng sản (bốn bộ).
4- Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh về hoạt động khai thác khoáng sản. Nếu là cá nhân chưa đăng ký kinh doanh thì phải có sự xác nhận của chính quyền địa phương về hộ khẩu thường trú.
5- Văn bản xác nhận tài sản, năng lực tài chính của chủ đơn đối với khu vực xin khai thác tận thu khoáng sản có quy mô khai thác lớn hơn 30.000 m3/năm.
6- Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường được Sở Khoa học - Công nghệ Môi trường xác nhận theo quy định của Luật môi trường và các văn bản pháp luật khác về môi trường có liên quan.
7- Chủ đơn có trách nhiệm tìm hiểu tình trạng đất đai đang sử dụng bao gồm hoa màu, tài sản , vật kiến trúc gắn liền với đất đai; có phương án đền bù hợp lý, theo quy định của pháp luật, được sự thoả thuận bằng văn bản của người đang sử dụng đất thuộc phạm vi khu vực xin khai thác tận thu khoáng sản và gửi văn bản thoả thuận cho cơ quan tiếp nhận đơn.
Điều 9: Sở công nghiệp tiếp nhận đơn, hồ sơ và hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân xin khai thác tận thu khoáng sản làm đầy đủ thủ tục theo quy định, trình UBND tỉnh cấp giấy phép.
Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ xin khai thác tận thu , Sở Công nghiệp phải hoàn thành việc kiểm tra thực địa và thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh cấp giấy phép hoặc trả lời bằng văn bản về việc giấy phép khai thác tận thu không được cấp.
Trường hợp hồ sơ nộp để xin cấp phép chưa đầy đủ theo quy định, chậm nhất 5 ngày Sở Công nghiệp có trách nhiệm thông báo cho chủ đơn biết để điều chỉnh, bổ sung.
Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được tờ trình của Sở Công nghiệp kèm theo hồ sơ hợp lệ của chủ đơn xin khai thác tận thu khoáng sản UBND Tỉnh sẽ giải quyết cấp giấy phép hoặc trả lời bằng văn bản việc không giải quyết cấp giấy phép.
Điều 10: Sở công nghiệp chủ trì , phối hợp với UBND các Huyện, thị xã, thành phố, các Sở, ban ,ngành liên quan kiểm tra thực tế và lập biên bản liên ngành về khu vực xin khai thác tận thu khoáng sản của chủ đơn. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được Sở công nghiệp mời tham gia kiểm tra để làm biên bản liên ngành, các Sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện không cử người tham gia kiểm tra hoặc không có ý kiến phản hồi thì coi như đã thỏa thuận việc xin khai thác tận thu của chủ đơn.
Điều 11: Đối với các hồ sơ xin khai thác tận thu khoáng sản với công suất nhỏ (dưới 30.000 m3/năm cho tổ chức , dưới 3000 m3 / năm cho cá nhân) ,nếu không nằm trong khu vực khai thác tận thu đã được Bộ công nghiệp phê duyệt bàn giao cho tỉnh thì sau khi đã được các ngành chức năng kiểm tra hồ sơ như tại điều 7,8 và 9 của quy định này và thẩm định hội đủ các điều kiện khác, UBND Tỉnh sẽ xem xét cấp giấy phép tạm thời với thời hạn không quá 01 năm, trong thời gian đó chủ đơn phải lập đủ hồ sơ đúng quy định theo hướng dẫn của Sở Công nghiệp để trình Bộ Công nghiệp phê duyệt theo quy định tại điều 67 của Nghị định 76/2000/NĐ-CP. Sau khi được Bộ Công nghiệp phê duyệt, UBND Tỉnh sẽ cấp phép khai thác tận thu khoáng sản chính thức hoặc gia hạn theo quy định.
Với khu vực xin khai thác tận thu khoáng sản có quy mô công suất nhỏ dưới 5.000 m3/ năm, căn cứ vào ý kiến đánh giá của các cơ quan trong đoàn kiểm tra liên ngành, nếu việc khai thác ít gây ảnh hưởng tới môi trường hoặc mức độ tác động tới môi trường không lớn và nếu đảm bảo các điều kiện khác thì Sở Công nghiệp trình UBND Tỉnh xem xét giải quyết cấp giấy phép khai thác tận thu tạm thời, sau đó chủ đơn phải đồng thời hoàn thành các thủ tục đăng ký sản xuất kinh doanh, xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, ký qũy hoàn nguyên môi trường, hợp đồng thuê đất.
Những trường hợp không phải xin giấy phép khai thác tận thu thực hiện theo quy định tại điều 62 và 63 Nghị định 76/2000/NĐ-CP của Chính phủ.
Chương III
THỦ TỤC GIA HẠN, TRẢ LẠI, TRẢ LẠI MỘT PHẦN VÀ THU HỒI GIẤY PHÉP KHAI THÁC TẬN THU KHOÁNG SẢN
Điều 12: Để được gia hạn giấy phép khai thác tận thu khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải gửi đến sở Công nghiệp:
1- Đơn xin gia hạn giấy phép khai thác tận thu khoáng sản (theo mẫu).
2- Báo cáo kết qủa khai thác tận thu khoáng sản kể từ ngày giấy phép có hiệu lực đến thời điểm xin gia hạn, trữ lượng khoáng sản còn lại và diện tích xin tiếp tục khai thác.
3- Giấy chứng nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh còn thời hiệu.
4- Bản kê ( kèm theo chứng từ) các nghĩa vụ đã thực hiện như: nộp các loại thuế , ký qũy hoàn nguyên môi trường, bồi thường thiệt hại , giấy nộp tiền thuê hoặc tiền sử dụng đất ,biên bản kiểm tra việc phục hồi đất đai ở các diện tích đã chấm dứt hoạt động khai thác tận thu.
5- Bản đồ hiện trạng khu vực khai thác tận thu tại thời điểm xin gia hạn.
Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn và hồ sơ hợp lệ Sở Công nghiệp thẩm định hồ sơ ,trình UBND Tỉnh quyết định gia hạn hoặc trả lời chủ đơn bằng văn bản việc giấy phép không được gia hạn. Thời gian giải quyết hồ sơ của UBND Tỉnh như Điều 8.
Điều 13: Để được trả lại giấy phép khai thác tận thu, tổ chức, cá nhân phải gửi đến Sở Công nghiệp:
1- Đơn xin trả lại giấy phép khai thác tận thu khoáng sản (theo mẫu).
2- Báo cáo kết qủa khai thác tận thu khoáng sản kể từ ngày giấy phép có hiệu lực đến thời điểm trả lại giấy phép.
3 -Bản kê các nghĩa vụ đã thực hiện tính đến thời điểm xin trả lại giấy phép như: nộp thuế, bồi thường thiệt hại. ( kèm theo các chứng từ ).
4- Đề án đóng cửa mỏ theo quy định của Bộ công nghiệp hoặc báo cáo đã thực hiện việc phục hồi môi trường đất đai.
5- Bản đồ hiện trạng khu vực khai thác tận thu khoáng sản.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đơn và hồ sơ hợp lệ Sở Công nghiệp phải phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành có liên quan xem xét trình UBND Tỉnh quyết định. Thời hạn giải quyết hồ sơ của UBND Tỉnh như điều 8.
Điều 14: Để được trả lại một phần diện tích khai thác tận thu, tổ chức, cá nhân phải gửi đến Sở Công nghiệp:
1- Đơn xin trả lại một phần diện tích khai thác tận thu ( theo mẫu).
2- Báo cáo kết qủa khai thác tận thu trữ lượng khoáng sản còn lại trong phần diện tích xin trả lại.
3- Báo cáo phục hồi đất đai, môi trường, bảo vệ tài nguyên khóang sản và bảo đảm an toàn đối với diện tích xin trả lại.
4- Bản đồ hiện trạng khu vực khai thác tận thu tại thời điểm xin trả lại một phần diện tích khai thác.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đơn và hồ sơ hợp lệ Sở công nghiệp phải phối hợp với ngành liên quan xem xét trình UBND Tỉnh quyết định. Thời hạn giải quyết hồ sơ của UBND Tỉnh như tại điều 8.
Điều 15: Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản bị thu hồi theo quy định tại Điều 53 của Luật khoáng sản. Trong trường hợp tổ chức , cá nhân được phép khai thác vi phạm một trong các quy định tại Điều 52 của Luật khoáng sản thì thời hạn cho phép để khắc phục không quá chín mươi (90) ngày, kể từ ngày Sở Công nghiệp thông báo theo thẩm quyền.
Điều 16: Giấy phép khai thác tận thu , khu vực khai thác tận thu khoáng sản không được chuyển nhượng, thừa kế. Nếu vì lý do gì đó mà tổ chức ,cá nhân, không hoạt động được hoặc hoạt động không có hiệu quả phải làm thủ tục trả lại giấy phép khai thác tận thu; chủ đơn sau nếu xin cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản tại vị trí do tổ chức, cá nhân trước trả lại thì phải thỏa thuận để bồi thường chi phí hợp lý về đầu tư xây dựng cơ bản cho tổ chức, cá nhân trước.
Điều 17: Trong vòng 02 tháng kể từ khi Giấy phép khai thác tận thu hết hạn , tổ chức , cá nhân đã được cấp phép phải di dời toàn bộ tài sản, khôi phục lại môi trường, đất đai trong khu vực và được Sở Công nghiệp, Sở Khoa học Công nghệ Môi trường, chính quyền địa phương kiểm tra, xác nhận, đồng thời làm căn cứ để quyết toán tiền ký quỹ hoàn nguyên môi trường. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm quản lý các khu vực hoạt động khoáng sản đã thu hồi và quản lý,bảo vệ tài nguyên khoáng sản sau khi đóng cửa mỏ hoặc tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.
Chương IV
Điều 18: Mọi hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không có giấy phép đều bị xử lí theo pháp luật.
Điều 19: Quy định này được thực hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng kể từ ngày ban hành quyết định. Những nội dung khác không có trong quy định này áp dụng thống nhất theo Luật khoáng sản, Nghị định 76/2000/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành luật Khoáng sản.
Nghị định 76/2000/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Khoáng sản sửa đổi Ban hành: 15/12/2000 | Cập nhật: 17/09/2012