Quyết định 58/2008/QĐ-TTg về hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích
Số hiệu: 58/2008/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Hoàng Trung Hải
Ngày ban hành: 29/04/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 11/05/2008 Số công báo: Từ số 263 đến số 264
Lĩnh vực: Môi trường, Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 58/2008/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC HỖ TRỢ CÓ MỤC TIÊU KINH PHÍ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NHẰM XỬ LÝ TRIỆT ĐỂ, KHẮC PHỤC Ô NHIỄM VÀ GIẢM THIỂU SUY THOÁI MÔI TRƯỜNG CHO MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG THUỘC KHU VỰC CÔNG ÍCH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng";
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước cho một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích (sau đây gọi tắt là cơ sở) để triển khai, thực hiện các dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường (sau đây gọi tắt là dự án).

2. Quy định việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí trên đây áp dụng cho các cơ sở thuộc khu vực công ích có tên tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 kèm theo quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng" và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khác thuộc khu vực công ích mới phát sinh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và quyết định biện pháp xử lý, bao gồm:

a) Kho thuốc bảo vệ thực vật;

b) Bệnh viện;

c) Bãi rác;

d) Điểm tồn lưu chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh;

đ) Trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị.

Điều 2. Điều kiện hỗ trợ

Các dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường của các cơ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định này sẽ được xem xét, hỗ trợ khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành của pháp luật và được đưa vào kế hoạch ngân sách hàng năm.

2. Chưa có kinh phí thực hiện hoặc đã được bố trí nhưng chưa đủ để thực hiện dự án.

3. Dự án phải bao gồm một trong các nội dung sau: xử lý tiêu huỷ thuốc bảo vệ thực vật đã quá hạn sử dụng hoặc bị cấm lưu hành, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; xử lý phục hồi môi trường đất; xử lý ô nhiễm tồn lưu chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh; xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn y tế trong các bệnh viện; xử lý khống chế ô nhiễm bãi rác, xử lý rác thải, nước thải bãi rác, đóng cửa, phục hồi môi trường bãi rác, cải tạo, nâng cấp bãi rác; xử lý nước thải sinh hoạt đô thị.

Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Hỗ trợ 100% kinh phí từ ngân sách trung ương đối với các dự án do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý.

2. Hỗ trợ 100% kinh phí từ ngân sách địa phương đối với các dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý. Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn nhận trợ cấp cân đối từ ngân sách trung ương sẽ được ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu kinh phí cho địa phương bằng 50% tổng kinh phí của dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường để thực hiện, ngân sách địa phương chịu trách nhiệm hỗ trợ 50%.

3. Việc xác định nguồn kinh phí căn cứ theo tính chất và nội dung chi cụ thể của từng dự án.

Điều 4. Nguồn vốn hỗ trợ

1. Kinh phí sự nghiệp môi trường của trung ương và địa phương.

2. Vốn đầu tư phát triển.

3. Vốn vay ODA.

4. Vốn vay từ các tổ chức tín dụng.

5. Vốn viện trợ.

6. Vốn vay từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Bảo vệ môi trường ngành và Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương.

7. Vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Điều 5. Phê duyệt hỗ trợ

1. Hàng năm, căn cứ vào các quy định của Quyết định này, cơ quan chủ quản của cơ sở tiến hành xây dựng dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt nội dung dự án và quyết định mức hỗ trợ cụ thể từ nguồn ngân sách địa phương đối với các dự án thuộc phạm vi quản lý của địa phương; gửi dự án và đề xuất kinh phí hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho địa phương đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính để tổng hợp;

b) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt nội dung dự án do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý; gửi dự án và đề xuất kinh phí hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính để tổng hợp;

c) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất mức kinh phí hỗ trợ cụ thể đối với các dự án do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý; mức kinh phí hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho địa phương đối với các dự án do địa phương quản lý; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 01 tháng 7 hàng năm để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Quyết định phê duyệt nội dung dự án phải ghi rõ nguồn kinh phí thực hiện, bao gồm: kinh phí của Bộ, ngành; kinh phí của địa phương; kinh phí đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương (nếu có).

Điều 6. Cơ chế quản lý và thời gian thực hiện

1. Cơ chế quản lý:

a) Nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương trong kế hoạch hàng năm (ghi thành mục riêng);

b) Cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng công trình xử lý chất thải của các dự án thực hiện theo cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng.

2. Thời gian thực hiện: từ năm 2008 đến năm 2012.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Quyết định này;

b) Chủ trì kiểm tra, giám sát việc thực hiện hỗ trợ có mục tiêu theo quy định tại Quyết định này; định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình bố trí kinh phí và kết quả triển khai, thực hiện các dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc (nếu có) để có sự bổ sung, điều chỉnh kịp thời;

c) Hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi, tài trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đối với các dự án đã được phê duyệt kinh phí hỗ trợ có mục tiêu để triển khai thực hiện;

d) Hướng dẫn việc lập và quyết định danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phát sinh cần phải xử lý.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí kế hoạch vốn từ ngân sách trung ương cho các dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Bộ Tài chính cân đối, phân bổ kinh phí hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Chỉ đạo các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý lập dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, lập dự toán của các dự án, tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định hiện hành của pháp luật, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 6 hàng năm để tổng hợp kế hoạch;

b) Ghi vốn trong kế hoạch ngân sách hàng năm của Bộ, ngành và địa phương cho các dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường được ngân sách nhà nước hỗ trợ có mục tiêu theo quy định của Quyết định này;

c) Chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng và kết quả triển khai các dự án;

d) Định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tình hình bố trí kinh phí, kết quả sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ có mục tiêu và kết quả triển khai các dự án theo quy định của Quyết định này, đề xuất phương án xử lý những khó khăn, vướng mắc (nếu có) để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 8. Điều khoản thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải