Quyết định 58/2006/QĐ-UBND Ban hành Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2006-2010 do Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia lai ban hành
Số hiệu: 58/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai Người ký: Phạm Thế Dũng
Ngày ban hành: 08/08/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 58/2006/QĐ-UBND

Pleiku, ngày 08  tháng 8  năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI, GIAI ĐOẠN 2006-2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/ NQ-CP, ngày 18/4/2005 của Chính phủ, về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao;
Căn cứ Nghị quyết số 13/2006/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh, v/v phê duyệt Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2006-2010;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này: Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2006-2010.

Điều 2: Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Pleiku và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

TM. CHỦ TỊCH NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng

 

 


 

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

 

Pleiku, ngày 08  tháng 8  năm 2006

 

ĐỀ ÁN

ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI, GIAI ĐOẠN 2006-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 58/2006/QĐ-UB, ngày 08 tháng 8 năm 2006 của UBND tỉnh )

Thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về  "Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao"; Quyết định số 2194/QĐ-BYT ngày 21/6/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế về " Phê duyệt Đề án phát triển xã hội hoá bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân".
Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai xây dựng Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2006-2010 với những nội dung cụ thể như sau:

I. THỰC TRẠNG XÃ HỘI HOÁ CÔNG TÁC Y TẾ Ở TỈNH TA THỜI GIAN QUA

Xã hội hoá công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước được thể hiện qua nhiều Nghị quyết quan trọng. thời gian qua các đơn vị, các địa phương triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động y tế trên địa bàn tỉnh và đã được kết quả nhất định, tuy chưa được như mong muốn.

1. Những kết quả đạt được:

1.1. Chuyển biến nhận thức về xã hội hoá công tác y tế:

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp cũng như sự phối hợp liên ngành trong y tế, người dân đã có kiến thức hơn trong việc tự chăm lo bảo vệ sức khỏe, mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe (TT-GDSK) được xây dựng và hoạt động đạt kết quả. Một số mô hình xã hội hoá mang tính từ thiện đã được hình thành trong công tác khám chữa bệnh, phẫu thuật đem lại ánh sáng cho người nghèo và trẻ em bị khuyết tật.

1.2 Hệ thống y tế công lập được củng cố và phát triển.

Hệ thống y tế công lập ở tỉnh ta tiếp tục phát triển và giữ vai trò chủ đạo trong việc cung cấp dịch vụ y tế. Toàn tỉnh có 18 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, 16 phòng khám đa khoa khu vực, 193 xã có y tế hoạt động, số xã chưa có trạm y tế là 8 xã chiếm tỷ lệ 4%, tỷ lệ giường bệnh viện/10.000 dân là: 15,5; đội ngũ nhân viên y tế thôn bản có bước chuyển biến đáng kể, đến nay có 1715 người. Đội ngũ cán bộ làm công tác y tế được quan tâm bổ sung, trình độ chuyên môn ngày nâng cao, đến nay có 2746 cán bộ y tế, 409 Bác sĩ, có 112 BS có trình độ sau đại học, trong đó 30% số xã có bác sĩ. Đã huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, các đơn vị y tê đã từng bước được đầu tư, chuẩn hoá dần, về cơ bản đảm bảo được khả năng khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Công tác y tế dự phòng được chú trọng: tình hình dịch bệnh ổn định, dịch hạch từ năm 2002 trở lại đây không mắc ca nào, dịch tả nhiều năm liền không xảy ra, công tác tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi triển khai đạt kết quả trên 90%, tỷ lệ mắc sốt rét/1000 dân giảm xuống còn 5.3, bệnh bướu cổ trẻ em từ 8-12 tuổi giảm xuống còn 5%, tỷ lệ số hộ gia đình dùng muối iốt duy trì mức 99%, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 33,4%

Công tác khám chữa bệnh cho nhan dân ngày càng tiến bộ, đảm bảo được khả năng khám, chữa bệnh, cấp cứu cho nhân dân, hàng năm khám chữa bệnh cho hơn 1 triệu lượt người, gần 90.000 lượt người điều trị nội trú. Thực hiện Quyết định 139/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được khám chữa bệnh miễn phí, tạo công bằng trong công tác khám chữa bệnh. Thu viện phí hàng năm đều tăng, năm 2005 là 15,8 tỷ đồng (năm 2003: 3 tỷ đồng).

1.3 Phát triển bảo hiểm y tế (BHYT).

Tính đến nay số người có thẻ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế và diện tương đương chiếm tỷ lệ 63,7% dân số toàn tỉnh.

1.4 Đa dạng hoá các loại hình khám chữa bệnh.

Tổng số cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn tỉnh hơn 229 cơ sở, các cơ sở hành nghề y tế tư nhân có những đóng góp tích cực trong việc khám chữa bệnh cho nhân dân.

2. Một số tồn tại chủ yếu và nguyên nhân:

Mặc dù nội dung xã hội hoá công tác y tế đã được nêu rõ trong Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, nhưng một số Cấp ủy, Đảng, Chính quyền các cấp nhận thức chưa đúng và đầy đủ, chưa thật sự quan tâm, chưa đề ra kế hoạch hành động cụ thể công tác xã hội hoá, nhiều ngành, địa phương coi công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là công việc chỉ riêng ngành y tế đảm nhận.

Công tác truyền thông còn hạn chế, số người tham gia BHYT tự nguyện còn ít.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG Y TẾ GIAI ĐOẠN 2006-2010

Để tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động y tế trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau đây:

1. Mục tiêu và chỉ tiêu cơ bản.

1.1 Mục tiêu:

- Nhà nước và toàn xã hội cùng chăm lo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân một cách tốt nhất. Nhà nước đảm nhận lĩnh vực y tế dự phòng, thực hiện XHH lĩnh vực điều trị và dịch vụ, tập trung vào điều trị kỹ thuật cao và dịch vụ chất lượng cao.

- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo các Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, của các ban ngành, đoàn thể về xã hội hoá công tác y tế.

- Không ngừng phát triển hệ thống y tế (cả công lập và tư nhân), nhằm tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt các đối tượng chính sách , người nghèo được thụ hưởng đầy đủ những dịch vụ y tế với chất lượng ngày càng cao.

1.2 Một số chỉ tiêu cơ bản đến năm 2010:

- Thực hiện bảo hiểm y tế cho toàn dân trong tỉnh.

- Chuyển hầu hết các Bệnh viện công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ.

- Khuyến khích thành lập các bệnh viện tư nhân, Bệnh viện cổ phần tại tỉnh Gia Lai.

- Đạt chỉ tiêu giường bệnh viện 19,5/10.000 dân (trong đó có 5-7% giường bệnh tư nhân).

- Giảm tỷ lệ bệnh truyền nhiễm, đạt 30% số xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, 60% số xã có Bác sĩ, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng xuống dưới 25%, 80% số làng/khu dân cư được công nhận đạt danh hiệu "làng văn hoá- sức khỏe", 70% gia đình có hố xí hợp vệ sinh.

- Thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Gia Lai.

1.3 Phạm vi:

- Khuyến khích tư nhân đầu tư các loại dịch vụ y tế có khả năng thu lợi nhuận như: Bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa các loại; phòng khám đa khoa; chuyên khoa các loại; các trung tâm xét nghiệm, chẩn đoán và thăm dò chức năng y học tại các khu vực Tp. Pleiku, An Khê, AyunPa.

- Cho phép các cơ sở y tế ngoài công lập huy động vốn dưới dạng góp cổ phần.

- Khuyến khích tư nhân đầu tư vào một số dịch vụ của các bệnh viện công của tỉnh và huyện như:

+ Dịch vụ tiệt trùng, giặt là, ăn uống, xây dựng nhà để xe, dịch vụ làm vệ sinh, nhà trọ cho bệnh nhân.

+ Dịch vụ phương tiện vận chuyển cấp cứu, bảo vệ.

+ Các xét nghiệm kỹ thuật cao, đắt tiền mà bệnh viện không có khả năng trang bị, hoặc không đủ đáp ứng nhu cầu phục vụ bệnh nhân (CT Scanner, cộng hưởng từ, siêu âm 3 chiều, nội soi…).

- Khuyến khích tư nhân đầu tư loại hình dịch vụ bác sĩ gia đình tại các khu vực Tp.Pleiku, thị xã, thị trấn của tỉnh; lĩnh vực y học cổ truyền, một số dịch vụ của y tế dự phòng.

2. Các nhiệm vụ và giải pháp:

2.1. Vận động toàn xã hội tích cực tham gia công tác BV-CSSK nhân dân:

a. Các Cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng cần quán triệt, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xã hội hoá công tác y tế, đưa các chỉ tiêu cơ bản của y tế vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, triển khai xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã, vận động nhân dân làm hố xí hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch, quản lý rác, dời chuồng gia súc xa nhà.

b. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe để nâng cao dân trí, vận động người dân tích cực tham gia vào các hoạt động y tế, phối hợp với ngành văn hoá thông tin xây dựng thôn, làng, khu dân cư đạt danh hiệu "Làng văn hoá sức khỏe".

c. Khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong nước hoạt động từ thiện, cung cấp, hỗ trợ các thiết bị về y tế và hỗ trợ khám, chữa bệnh.

2.2. Phát huy tiềm năng hệ thống y tế công lập.

a. Về cơ chế cung ứng dịch vụ: Chuyển hầu hết các cơ sở y tế công lập sang cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ, giao quyền tự chủ đầy đủ về quản lý, tổ chức nhân sự; chủ động về tài chính để thực hiện đúng mục tiêu và nhiệm vụ của đơn vị.

b. Tiếp tục củng cố hệ thống y tế nhà nước, phát triển mạng lưới khám chữa bệnh, mạng lưới y tế dự phòng theo hướng phục vụ các cụm dân cư. Phát triển và nâng cấp các phòng khám đa khoa khu vực, Bệnh viện đa khoa tuyến huyện, Bệnh viện đa khoa khu vực, phát triển các bệnh viện chuyên khoa như Lao, tâm thần… Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, huyện nâng cao chất lượng và hiệu quả các dịch vụ y tế. Tiếp tục thực hiện tốt việc khám chữa bệnh miễn phí cho các gia đình chính sách, các hộ nghèo và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Về cơ bản, nhà nước vẫn đảm bảo ngân sách cho các hoạt động của lĩnh vực y tế dự phòng.

c. Tăng cường chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân ngoài công lập thực hiện các dịch vụ ngoài chuyên môn kỹ thuật y tế như dịch vụ phương tiện vận chuyển, ăn uống, vệ sinh, giặt là, bảo vệ v.v…trong các cơ sở y tế công lập để tập trung đầu tư nguồn lực cho việc nâng cao chất lượng các dịch vụ kỹ thuật y tế cao.

d. Ngăn chặn, xoá bỏ độc quyền trong nhập khẩu, cung ứng thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế, có chính sách hỗ trợ thu hút CBYT về công tác tuyến xã, đặc biệt là bác sĩ, tăng nhu cầu phụ cấp  cho nhân viên y tế thôn bản.

e. Từng bước tiến tới thực hiện cổ phần hoá một số bệnh viện công.

2.3 Huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống y tế công lập:

a. Khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh, điều dưỡng và phục hồi chức năng huy động nguồn vốn từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước, hợp tác và liên kết với các doanh nghiệp,cá nhân để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị và cung cấp các dịch vụ y tế phù hợp với quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

b. Bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp về vật chất và tinh thần, về quyền sở hữu và thừa kế đối với phần góp vốn và lợi tức của các cá nhân, tập thể thuộc các thành phần kinh tế, các tập thể tham gia xã hội hoá theo quy định của pháp luật.

2.4 Phát triển bảo hiềm y tế:

Đẩy nhanh tiến độ phát triển và nâng cao chất lượng KCB BHYT, phát triển BHYT cộng đồng chủ yếu dựa vào sự đóng góp của người tham gia bảo hiểm, có sự trợ giúp của nhà nước và các nguồn tài trợ khác, khuyến khích các loại hình BHYT tự nguyện, mở rộng các cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh BHYT.

2.5 Tài chính y tế, chính sách thu viện phí.

a. Tiếp tục tăng tỉ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước, trong đó bảo đảm ngân sách cho y tế công cộng. Chăm sóc sức khỏe cơ bản cho các đối tượng chính sách, người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Ưu tiên đầu tư cho hệ thống y tế dự  phòng, y tế cơ sở, các bệnh viện đa khoa huyện, các chuyên khoa ít có khả năng thu hút đầu tư. Tiếp tục triển khai đào tạo bác sĩ cử tuyển cho các huyện, xã.

b. Thực hiện chính sách thu Viện phí, phí lệ phí phù hợp ở các cơ sở khám chữa bệnh và dự phòng. Tiếp tục huy động các nguồn kinh phí từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư cho các hoạt động y tế.

2.6. Phát triển mạng lưới y tế ngoài công lập.

a. Các Cấp ủy Đảng, Chính quyền và y tế các địa phương cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của y tế tư nhân trong hệ thống y tế. Thực hiện những cơ chế, chính sách và giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy mạnh phát triển bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân và bác sĩ gia đình.

b. Thực hiện chính sách bình đẳng giữa các khu vực y tế công lập và y tế ngoài công lập về thi đua khen thưởng, về công nhận các danh hiệu thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân…Quan tâm và hỗ trợ các cơ sở y tế ngoài công lập về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và chuyển giao công nghệ kỹ thuật y tế.

c. Tỉnh thực hiện các chính sách ưu đãi về đất đai, về nhân lực, về thuế, về nguồn vốn đối với các nhà đầu tư các cơ sở y tế ngoài công lập.

2.7 Tăng cường công tác quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn tỉnh.

- Nhà nước quản lý thống nhất đối với các cơ sở công lập và ngoài công lập; tạo điều kiện để các cơ sở đó cùng phát triển ổn định lâu dài.

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện nghiệp vụ chuyên môn, chế độ chính sách của Nhà nước trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân tại các cơ sở công lập và tư nhân.

- Hoàn thiện việc phân cấp quản lý, tăng tính chủ động các địa phương, các đơn vị.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

- Tăng cường công tác tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết số: 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ, các nội dung xã hội hoá công tác y tế của đề án  này để nhân dân và các tổ chức nhận thức đúng, đầy đủ về chủ trương xã hội hoá. Tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 23/8/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, gắn với các nội dung cơ bản của Đề án xã hội hoá công tác y tế giai đoạn 2006-2010 của tỉnh.

- Trên cơ sở Đề án của tỉnh, Sở Y tế, các địa phương, các ngành liên quan cụ thể hoá thành kế hoạch phù hợp với địa phương, đơn vị, triển khai thực hiện đạt kết quả; tổ chức công tác kiểm tra, đánh giá và sơ kết, tổng kết định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo các cấp theo quy định.

- Sở Y tế chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành sửa đổi, bổ sung các chính sách, giải pháp cụ thể thực hiện đề án.

Trên đây là Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2006-2010, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp triển khai thực hiện./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng