Quyết định 5759/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đề án "Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2011-2020"
Số hiệu: 5759/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Hồ Đức Phớc
Ngày ban hành: 27/12/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5759/QĐ-UBND.CN

Nghệ An, ngày 27 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG MẠNG LƯỚI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN NGHỆ AN, GIAI ĐOẠN 2011 - 2020”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Công văn số 1096/SCT-QLTM ngày 21/12/2011 về việc phê duyệt Đề án "Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2011 - 2020",

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2011-2020" (có đề án chi tiết kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành, thị và các tổ chức có liên quan tổ chức thực hiện Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế các Quyết định số 01/2004/QĐ-UB ngày 06/01/2004, số 6620/QĐ-UBND.TM ngày 15/12/2009 và số 3948/QĐ-UBND.ĐT ngày 09/9/2010 của UBND tỉnh Nghệ An.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hồ Đức Phớc

 

ĐỀ ÁN

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG MẠNG LƯỚI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5759/QĐ-UBND.CN ngày 27/12/2011 của UBND tỉnh)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG QUY HOẠCH

I. Sự cần thiết phải xây dựng quy hoạch

Hệ thống chợ giữ vai trò hết sức quan trọng, là nơi tập trung các hoạt động thương mại truyền thống, là loại hình tổ chức thị trường đã và đang phát triển phổ biến. Đây vừa là nơi tiêu thụ các sản phẩm người dân làm ra, cũng là nơi thu gom các loại hàng hóa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đồng thời là nơi gắn kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giải quyết nhiều việc làm, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Những năm qua tình hình kinh tế xã hội của tỉnh có những bước phát triển nhanh, khối lượng hàng hóa lưu thông ngày càng tăng, thu nhập của người dân được cải thiện. Đặc biệt, khi nền kinh tế của nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thị trường bán lẻ được mở cửa và nhanh chóng phát triển, nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của nhân dân tăng nhanh, kể cả vùng nông thôn đồng bằng và trung tâm các xã miền núi.

Việc chia tách địa giới hành chính của một số huyện, xã trên địa bàn tỉnh đòi hỏi phải đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng thương mại và chợ.

Vì những lý do nói trên, để hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh phát triển đúng quy định, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì việc thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung để xây dựng Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 là hết sức cần thiết.

II. Các căn cứ pháp lý xây dựng quy hoạch

- Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;

- Nghị định số 114/2009/ NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ;

- Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến năm 2020”;

- Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình, mục tiêu quốc gia và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

- Quyết định số 3845/QĐ-UBND-NN ngày 31/8/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình, mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2020;

- Chương trình hành động của BCH tỉnh Đảng bộ Nghệ An thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”;

- Quyết định số 101/2010/QĐ-UBND ngày 14/12/2010 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015;

- Quyết định số 01/2004/QĐ-UB ngày 06/01/2004 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống, mạng lưới chợ trên địa tỉnh Nghệ An đến năm 2010;

- Quy hoạch phát triển thương mại Nghệ An đến năm 2020.

Phần thứ hai

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG MẠNG LƯỚI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2010

I. Thực trạng hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2010

1. Thực trạng hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2010

1.1. Số lượng chợ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh:

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tổng cộng 370 chợ đang hoạt động. Trong đó: khu vực thành thị có 48 chợ, khu vực nông thôn có 322 chợ. Trong tổng số chợ đang hoạt động hiện nay có 06 chợ hạng 1 (gồm 01 chợ đầu mối nông sản), 20 chợ hạng 2, 166 chợ hạng 3 và 178 chợ cóc, chợ tạm.

Biểu 1: Thực trạng hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010

TT

Địa phương

Thực trạng hệ thống mạng lưới chợ tỉnh Nghệ An

Tổng số

H1

H2

H3

Tạm, cóc

Mô hình quản lý

BQL

DN

HTX

Khác

1

Thành phố Vinh

25

02

03

14

06

11

02

03

09

2

Thị xã Cửa Lò

07

0

0

05

02

02

01

0

04

3

H. Hưng Nguyên

13

0

0

10

03

06

0

0

07

4

H. Nam Đàn

18

0

01

08

09

03

0

0

15

5

H. Thanh Chương

36

0

01

16

19

09

0

0

27

6

H. Đô Lương

33

02

06

21

04

11

0

0

22

7

H. Anh Sơn

22

0

01

05

16

05

0

0

17

8

H. Con Cuông

08

0

0

03

05

01

0

0

07

9

H. Tương Dương

04

0

0

01

03

02

0

0

02

10

H. Kỳ Sơn

04

0

01

02

01

02

0

0

02

11

H. Nghi Lộc

23

01

0

04

18

07

01

0

15

12

H. Diễn Châu

35

0

02

21

11

08

01

0

26

13

H. Quỳnh Lưu

48

01

0

23

24

07

01

02

38

14

H. Yên Thành

25

0

01

06

18

06

0

0

19

15

H. Tân Kỳ

25

0

01

14

10

01

0

0

24

16

H. Nghĩa Đàn

17

0

0

02

15

04

0

0

13

17

TX Thái Hòa

07

0

01

03

03

03

0

0

04

18

H. Quỳ Hợp

10

0

01

03

06

03

0

0

07

19

H. Quỳ Châu

05

0

01

03

02

01

0

0

04

20

H. Quế Phong

05

0

0

02

03

02

0

0

03

 

Cộng

370

06

20

166

178

94

6

5

265

1.2. Số lượng chợ không có trong quy hoạch:

Trong tổng số 370 chợ hiện nay đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có 31 chợ không nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 01/2004/QĐ-UB ngày 06/01/2004, cụ thể như sau:

- Thành phố Vinh có 07 chợ (chợ Trường Thi, chợ thực phẩm Hưng Phúc, chợ Đỉn phường Hưng Dũng, chợ cóc A phường Quang Trung, chợ Quang Trung, chợ Quán Lau di dời, chợ sáng Bến Thủy);

- Huyện Diễn Châu có 05 chợ (chợ Kim Liên xã Diễn Kim, chợ Chiều xã Diễn Trung, chợ Bắc Lâm xã Diễn Lâm, chợ Chiều xã Diễn Hải, chợ Bến Kiêng xã Diễn Lộc);

- Huyện Nam Đàn có 05 chợ (chợ trâu, bò xã Khánh Sơn, chợ Hôm xã Khánh Sơn, chợ Nam Thượng, chợ Nam Phúc, chợ Tro xã Xuân Hòa);

- Huyện Yên Thành có 01 chợ (chợ Chiều xã Đô Thành);

- Huyện Thanh Chương có 01 chợ (chợ Ngã tư thị trấn);

- Huyện Đô Lương có 02 chợ (chợ Bến xe thị trấn, Yên Tân - Giang Sơn Đông);

- Huyện Anh Sơn 02 chợ (chợ Bãi Phủ, chợ 3/2 xã Đỉnh Sơn);

- Huyện Nghi Lộc 01 chợ (chợ Lò Vôi xã Nghi Thái);

- Huyện Nghĩa Đàn 02 chợ (chợ Nghĩa Bình 2, chợ Găng xã Nghĩa Hưng);

- Huyện Quỳ Hợp 02 chợ (chợ Bắc Sơn xã Tam Hợp, chợ Ngã 3 Săng Lẻ xã Tam Hợp);

- Huyện Hưng Nguyên 01 chợ (chợ Sân bóng xã Hưng Thịnh);

- Huyện Quỳnh Lưu 03 chợ (chợ Đồng hồ xã Quỳnh Tam, chợ Mai Hùng xã Mai Hùng, chợ Tân Hòa xã Quỳnh Vinh).

2. Tình hình hoạt động của chợ trên địa bàn

2.1. Về cơ sở vật chất:

- Trong tổng số chợ hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, có 45 chợ kiên cố, 146 chợ bán kiên cố, còn lại là các chợ có cơ sở vật chất tạm bợ.

- Một số chợ tại khu vực đô thị, trung tâm các huyện được xây mới, nâng cấp, cải tạo có hệ thống giao thông, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước, hệ thống PCCC cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

- Vệ sinh môi trường tại các chợ còn nhiều bất cập, nhất là chợ tại một số vùng nông thôn, vùng ven đô thị. Một số chợ tuy được nâng cấp, cải tạo nhưng khu vực xử lý rác thải, khu vệ sinh và hệ thống nước phục vụ cho hoạt động của chợ vẫn chưa được cải thiện.

2.2. Về hoạt động kinh doanh:

- Hàng hóa lưu thông qua hệ thống chợ phong phú, chủ yếu là lương thực, thực phẩm, rau quả, nông sản, lâm sản và các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp. Các chợ hạng 1, chợ vùng có khối lượng hàng hóa lớn phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn.

- Hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh, ngoài việc tạo ra việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động, mà còn tạo ra nguồn thu khá lớn cho ngân sách các địa phương.

II. Công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống mạng lưới chợ

1. Về quy hoạch

- Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 01/2004/QĐ-UB ngày 06/01/2004, trong đó:

+ Có tổng số 401 chợ, gồm: 19 chợ hạng 1, 57 chợ hạng 2 và 325 chợ hạng 3;

+ Tổng diện tích chiếm đất là 2.677.040 m2;

+ Tổng vốn đầu tư dự kiến là 816,9 tỷ đồng.

Biểu 2: Quy hoạch hệ thống mạng lưới chợ tỉnh Nghệ An giai đoạn 2004 - 2010

TT

Địa phương

Tổng số

Phân hạng chợ

Diện tích chợ (m2)

Vốn đầu tư

(triệu đồng)

Ghi chú

1

2

3

1

Thành phố Vinh

14

3

3

8

130.540

154.700

 

2

Thị xã Cửa Lò

6

0

2

4

49.000

29.300

 

3

Hưng Nguyên

16

1

1

14

80.000

27.000

 

4

Nam Đàn

16

1

2

13

115.000

33.000

 

5

Thanh Chương

38

1

5

32

296.500

53.200

 

6

Đô Lương

33

2

14

17

168.000

39.800

 

7

Anh Sơn

17

1

2

14

118.000

20.900

 

8

Con Cuông

11

0

2

9

84.000

4.500

 

9

Tương Dương

8

0

1

7

39.000

13.500

 

10

Kỳ Sơn

13

0

1

12

75.000

14.800

 

11

Nghi Lộc

34

1

8

25

320.000

137.400

 

12

Diễn Châu

38

2

4

32

216.000

55.600

 

13

Quỳnh Lưu

29

1

2

26

135.000

33.000

 

14

Nghĩa Đàn, Thái Hòa

23

2

3

18

123.000

35.600

 

15

Quỳ Hợp

21

2

1

18

205.000

40.800

 

16

Quỳ Châu

12

1

2

9

62.000

10.400

 

17

Quế Phong

13

0

1

12

53.000

11.500

 

18

Tân Kỳ

22

1

1

20

160.550

39.400

 

19

Yên Thành

37

0

2

35

277.000

52.500

 

Cộng

401

19

57

325

2.677.040

816.900

 

- Quy hoạch hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An được phân bổ theo 5 vùng:

+ Vùng 1: thành phố Vinh- thị xã Cửa Lò: 20 chợ;

+ Vùng 2: Các huyện vùng đồng bằng, tiếp giáp thành phố Vinh (Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đàn): 66 chợ;

+ Vùng 3: Các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu: 104 chợ;

+ Vùng 4: Các huyện Miền núi dọc tuyến Quốc lộ 7 (Anh Sơn, Con Cuông, Đô Lương, Tương Dương, Kỳ Sơn): 120 chợ;

+ Vùng 5: Các huyện dọc tuyến đường Quốc lộ 48 (Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, TX Thái Hòa, Quỳ Châu, Quế Phong): 91 chợ.

2. Công tác triển khai thực hiện quy hoạch

- UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chương trình phát triển chợ nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh.

- Các Sở, ban, ngành và địa phương đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, công khai quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh theo quy định.

- UBND tỉnh đã xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh quá trình đầu tư phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh.

III. Đánh giá kết quả thực hiện

1. Kết quả đạt được

1.1. Về quy hoạch:

- Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ của tỉnh đã thể hiện được là một bộ phận cấu thành trong hệ thống phát triển thương mại nói chung và hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh nói riêng. Cùng với các hệ thống thương mại khác như: Siêu thị, Trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ,... Hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt chức năng cung cấp hàng hóa theo phương thức giản đơn, tiện ích đối với người tiêu dùng và không làm mất đi tính truyền thống của chợ, phản ánh được nét văn hóa vùng miền.

- Phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và phát triển thương mại của tỉnh.

- Quy hoạch mạng lưới chợ là cơ sở để đánh giá phân hạng, quy mô chợ; là cơ sở để phân kỳ đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển và nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.

- Chuyển biến nhận thức của các cấp chính quyền về vai trò, vị trí của hệ thống chợ trong sự phát triển kinh tế xã hội, vai trò của các thương nhân trong việc tham gia đầu tư, xây dựng, tổ chức quản lý và kinh doanh chợ.

1.2. Kết quả đầu tư xây dựng:

- Giai đoạn 2004 - 2010, trên địa bàn toàn tỉnh có 188 chợ được xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo (đạt 47,38% theo quy hoạch), trong đó: 103 chợ được xây dựng mới, 85 chợ được nâng cấp, cải tạo; với tổng vốn đầu tư khoảng 467,43 tỷ đồng, trong đó có 85 chợ được hỗ trợ đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách TW, ngân sách tỉnh (bao gồm ngân sách hỗ trợ theo chương trình 135, kinh tế cộng đồng và trung tâm cụm xã).

Biểu 3: Tổng hợp kết quả đầu tư xây dựng chợ được ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2010.

TT

Địa phương

Số chợ

Hạng chợ

Vốn hỗ trợ

(triệu đồng)

Tổng

KV1

KV2

KV3

Khác

I

II

III

TW

ĐP

Tổng

1

Tương Dương

3

0

01

02

0

0

01

02

3.849

0

3.849

2

Quỳ Hợp

6

1

03

02

0

0

0

06

268

2.650

2.918

3

Tân Kỳ

19

5

11

03

0

0

01

18

3.700

12.577

16.277

4

Yên Thành

02

02

0

0

0

0

0

02

0

500

500

5

Thanh Chương

12

06

03

02

01

0

01

11

250

7.030

7.280

6

Quỳnh Lưu

03

01

01

0

01

0

0

03

0

1.500

1.500

7

Diễn Châu

03

0

0

0

03

0

01

02

150

900

1.050

8

Nghĩa Đàn

07

01

03

03

0

0

0

07

0

7.680

7.680

9

Kỳ Sơn

04

0

01

03

0

0

01

02

1.180

7.120

8.300

10

Nam Đàn

02

01

0

0

01

0

01

01

0

1.100

1.100

11

Quỳ Châu

03

0

01

02

0

0

01

02

339

3.300

3.639

12

Đô Lương

04

02

01

0

01

01

0

03

1.500

2.200

3.700

13

Anh Sơn

06

01

04

01

0

0

01

05

2.173

3.800

5.973

14

Nghi Lộc

03

02

0

0

01

01

0

02

15.000

2.127

17.127

15

TP Vinh

01

0

0

0

01

01

0

0

0

3.000

3.000

16

Quế Phong

02

0

0

02

0

0

0

02

0

1.897

1.897

17

Con Cuông

05

0

0

05

0

0

0

05

2.339

3.000

5.339

 

Cộng

85

22

29

25

09

03

08

74

30.748

60.381

91.129

(Nguồn từ Ban Dân tộc tỉnh, Ban QL chợ Đầu mối nông sản, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Công Thương).

1.3. Hiệu quả kinh tế xã hội:

- Hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh tạo được nhiều công ăn việc làm cho nhân dân. Theo số liệu thống kê, có 64.021 hộ đang hoạt động kinh doanh tại các chợ trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó: số hộ kinh doanh thường xuyên là 36.534 hộ, số hộ kinh doanh không thường xuyên là 27.487 hộ.

- Về thu ngân sách: Theo số liệu thống kê của UBND các huyện, thành phố, thị xã, nguồn thu từ chợ bao gồm thuế, lệ phí từ năm 2008 đến nay như sau:

Năm

2008

2009

2010

Dự kiến 2011

Nguồn thu

(tỷ đồng)

26.953,7

30.389,6

34.965,6

38.559,1

1.4. Về cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng:

Căn cứ vào các quy định của nhà nước ban hành liên quan đến công tác đầu tư, chính sách phát triển thương mại (Nghị định số 20/1998/NĐ-CP về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc; Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ; Quyết định số 01/2004/QĐ-UB ngày 6/01/2004 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh) UBND tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế nói chung, hạ tầng thương mại nói riêng, cụ thể:

- Quyết định số 121/2004/QĐ-UB ngày 9/11/2004 của UBND tỉnh Nghệ An quy định về một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển thương mại miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong đó: ngân sách nhà nước hỗ trợ từ 25% đến 70% vốn đầu tư xây dựng chợ có trong quy hoạch.

- Thực hiện Nghị quyết TW7 về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 56/QĐ-UBND ngày 04/8/2010 “chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Trong đó: ngân sách nhà nước hỗ trợ từ 25% đến 100% vốn đầu tư xây dựng chợ có trong quy hoạch.

- Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã cũng ban hành một số chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng chợ đã tạo được xu thế xã hội hóa đầu tư đối với mọi thành phần kinh tế.

1.5. Về công tác quản lý chợ:

- Công tác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh được áp dụng theo các mô hình chủ yếu sau đây:

+ Ban quản lý chợ: Được thành lập tại các chợ có quy mô và có cơ sở vật chất khá, chợ chủ yếu nằm tại khu đô thị, phường, thị trấn. Hiện tại có 94 chợ do Ban quản lý tổ chức quản lý, kinh doanh.

+ Tổ quản lý: Chủ yếu là chợ tại khu vực nông thôn, hiện nay có 96 chợ có tổ quản lý.

+ Khoán quản cho cá nhân, tổ chức.

- Ngoài ra, hiện nay có một số chợ do các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện quản lý, khai thác và kinh doanh như chợ Cầu Giát huyện Quỳnh Lưu (chợ hạng 1); chợ Phủ Diễn -TTTM huyện Diễn Châu (chợ hạng 1); chợ Diễn Thành huyện Diễn Châu (chợ hạng 2); chợ Cọi xã Hưng Lộc, thành phố Vinh (chợ hạng 2); chợ Cầu Thông phường Trung Đô, thành phố Vinh; chợ Tecco phường Vinh Tân, thành phố Vinh; chợ Mai Hùng huyện Quỳnh Lưu (hạng 3); chợ Hiếu, thị xã Thái Hòa.

2. Những tồn tại

2.1. Về quy hoạch và xây dựng chợ:

- Việc triển khai, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các Sở, ban, ngành có liên quan và các cấp chính quyền.

- Một số chương trình lồng ghép trong việc xây dựng chợ thiếu tôn trọng quy hoạch, không tuân thủ tính kế thừa, tính truyền thống của chợ cho nên một số chợ được xây dựng nhưng không phát huy được hiệu quả, phải chuyển mục đích sử dụng, gây lãng phí đầu tư.

2.2. Đối với đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo chợ:

Việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo chợ qua 07 năm thực hiện chỉ đạt 47,38% so với định hướng quy hoạch năm 2004. Việc chậm tiến độ chủ yếu do các nguyên nhân sau đây:

- Nguồn vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách, huy động của các thương nhân và các thành phần kinh tế còn hạn chế; công tác xã hội hóa đầu tư phát triển chợ tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn rất khiêm tốn so với xu thế phát triển.

- Cơ chế chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển chợ chưa phù hợp. Việc triển khai thực hiện đầu tư còn chồng chéo, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành liên quan và các địa phương.

2.3. Đối với mô hình quản lý:

Hoạt động của các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Ban quản lý, tổ quản lý, khoán quản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần ổn định nguồn thu tại địa phương và kinh doanh của thương nhân, thúc đẩy phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, các mô hình quản lý nói trên vẫn còn một số tồn tại như sau:

- Đối với mô hình Ban quản lý, tổ quản lý, khoán quản: Định mức thu phí, lệ phí tại các chợ và các địa bàn còn thiếu thống nhất, khoán thu còn thiếu căn cứ dẫn đến gây thất thoát cho ngân sách.

- Các tổ chức, cá nhân được giao khoán, nhận khoán thường không quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo chợ.

- Mô hình doanh nghiệp đầu tư, quản lý và kinh doanh chợ chủ yếu tập trung ở các chợ có lợi thế thương mại, vùng kinh tế phát triển. Đối với mô hình này, lợi ích mang tính xã hội chưa được quan tâm đúng mức, nhất là tính truyền thống của chợ và bản sắc văn hóa vùng miền.

- Đối với mô hình hợp tác xã quản lý: Trình độ quản lý còn bất cập, mang nặng tính kinh nghiệm; vốn tham gia kinh doanh còn ít, việc khai thác hàng hóa còn hạn chế, số lượng xã viên hợp tác xã còn bó hẹp, chưa phát triển được nhiều xã viên trong số thương nhân kinh doanh tại chợ.

3. Nguyên nhân

- Mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh tuy đã có quy hoạch nhưng do được hình thành từ lâu, phân bổ không đồng đều ở các vùng khác nhau.

- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật tuy đã được đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đối với sự phát triển kinh tế xã hội, nhất là chợ vùng nông thôn.

- Công tác xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng thương mại còn hạn chế, nhất là việc huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, khai thác và quản lý chợ còn thấp.

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh chợ quy mô còn nhỏ, vốn ít, trình độ quản lý trong lĩnh vực chợ còn nhiều bất cập.

- Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo Quyết định số 127/2007/QĐ- UBND ngày 01/11/2007 của UBND tỉnh chưa được thực hiện quyết liệt, chưa có mô hình thí điểm nhân rộng, nhất là địa bàn nông thôn, miền núi.

- Chưa xây dựng phương án và quy chế đấu thầu quản lý, khai thác, kinh doanh chợ để có cơ sở triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ. Đồng thời chưa có cơ chế tài chính áp dụng cho việc chuyển đổi mô hình quản lý và khai thác chợ.

- Công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; kinh phí đào tạo, bồi dưỡng còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tế.

Phần thứ ba

NỘI DUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG MẠNG LƯỚI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Việc xây dựng Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh nhằm mục đích tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo thêm việc làm cho người lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương.

- Xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ nhằm tạo sự đồng bộ trong hệ thống phát triển mạng lưới thương mại chung của cả tỉnh, nhưng không làm thay đổi tính truyền thống, văn hóa vùng miền của hệ thống chợ.

2. Yêu cầu

- Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 được xây dựng trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ đến năm 2010 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 01/2004/QĐ-UB ngày 06/01/2004.

- Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của từng địa phương nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nhu cầu mua bán và trao đổi hàng hóa của nhân dân.

- Trong xây dựng phát triển chợ phải kết hợp được tính truyền thống và hiện đại, đảm bảo nét văn hóa, phong tục tập quán, tạo tính đặc trưng cho mỗi loại hình chợ.

- Tuân thủ chung các tiêu chuẩn đối với chợ; hoàn thiện mô hình, quy trình và cơ chế quản lý, tổ chức kinh doanh chợ.

- Việc đầu tư xây dựng chợ phải được sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước, hạn chế tối đa sự phát triển tự phát làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm và lãng phí trong đầu tư xây dựng chợ.

- Tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, nhất là khu vực nông thôn, tăng nguồn thu cho ngân sách và đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa của nhân dân.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về “đầu tư phát triển chợ”, đảm bảo chợ được xây dựng “đáp ứng được các tiêu chí theo quy định và tính truyền thống của chợ”.

II. Các điều kiện và xu hướng ảnh hưởng phát triển đến hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh

1. Tác động của các yếu tố tự nhiên và kinh tế xã hội

1.1. Điều kiện tự nhiên:

Nghệ An là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm Bắc Trung bộ, diện tích trên 16.490 km2, lớn nhất cả nước. Có thành phố Vinh là đô thị loại 1, là cầu nối giữa hai miền Bắc - Nam, cửa ngõ sang Lào, Đông Bắc Thái Lan. Nghệ An có 10 huyện miền núi, trong đó 6 huyện có đường biên giới với nước bạn Lào (chiều dài 419km); bờ biển phía Đông dài 82km có cảng biển và khu du lịch Cửa Lò, đây là những điều kiện để phát triển các khu kinh tế tổng hợp bao gồm công nghiệp, dịch vụ, du lịch và thương mại.

1.2. Điều kiện xã hội:

- Dân số Nghệ An có hơn 2,9 triệu người, là tỉnh có số dân đứng thứ 4 của cả nước, có 6 dân tộc anh em chung sống, trong đó dân tộc kinh chiếm 86,2%; dân số trong độ tuổi lao động chiếm 55,4%, trong đó lao động khu vực nông thôn chiếm xấp xỉ 86,11%, cao hơn so với mức bình quân của cả nước. Theo dự báo, dân số toàn tỉnh đến năm 2015 sẽ vào khoảng 3,3 triệu người và 3,6 triệu người vào năm 2020, đây sẽ là nguồn lao động dồi dào phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.

- Tốc độ tăng trưởng GDP của Nghệ An giai đoạn 2005 - 2010 bình quân đạt 10,31%, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng công nghiệp dịch vụ (năm 2010 tỷ trọng công nghiệp dịch vụ đạt 33,46%); mức lưu chuyển hàng hóa dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tỉnh liên tục tăng (năm 2010 đạt 24.000 tỷ đồng); giá trị xuất khẩu tăng nhanh (năm 2010 xuất khẩu đạt 350 triệu USD); thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể (năm 2005 GDP bình quân đầu người đạt 5,59 triệu đồng, năm 2010 GDP bình quân đầu người đạt 10,08 triệu đồng).

- Cơ cấu các thành phần kinh tế chuyển dịch theo đúng quy luật thị trường, với sự tăng trưởng nhanh về số lượng (tính đến hết năm 2010 có 5.730 doanh nghiệp đang hoạt động, số hộ kinh doanh cá thể là 126.721 hộ), các doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, khách sạn, nhà hàng ngày càng tăng trưởng mạnh.

- Cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ theo hướng giảm sự chênh lệch giữa các vùng, đặc biệt là giữa đô thị và nông thôn; nhiều loại hình dịch vụ mới được ra đời và phát triển làm thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn miền núi. Các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, Hợp tác xã thương mại dịch vụ tổng hợp được hình thành và phát triển, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

1.3. Về hạ tầng cơ sở:

- Về giao thông:

+ Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Ngoài các tuyến đường chính như QL1A, QL7, QL48 và đường Hồ Chí Minh thì các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện cũng thường xuyên được nâng cấp, cải tạo, đặc biệt hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện khi tham gia giao thông.

+ Sân bay Vinh, Cảng Cửa Lò, Ga Vinh không ngừng được đầu tư nâng cấp. Các hoạt động dịch vụ vận tải bằng đường sắt, sân bay và cảng biển ngày càng tăng, nhiều thành phần kinh tế tham gia, tạo được nhiều việc làm cho người lao động.

- Về hạ tầng thương mại: Bên cạnh hệ thống mạng lưới chợ truyền thống, những năm gần đây hệ thống TTTM, siêu thị được hình thành và phát triển nhanh cả về quy mô và số lượng, hình thức phục vụ theo hướng văn minh, hiện đại phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, các trung tâm thương mại, siêu thị đạt tiêu chuẩn theo quy định còn hết sức hạn chế, hầu hết mới chỉ đáp ứng là cửa hàng tự chọn và tiện ích.

1.4. Về phát triển đô thị và vùng nông thôn mới:

- Cùng với xu thế phát triển kinh tế, đặc biệt Nghệ An nằm trong hành lang kinh tế Đông Tây nối liền Myanma, Thái Lan, Lào. Đây là điều kiện để hình thành và phát triển các khu kinh tế tổng hợp, hệ thống đô thị, các thị trấn, thị tứ và các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

- Theo Chương trình mục tiêu quốc gia, đến năm 2015, bộ mặt nông thôn sẽ có nhiều thay đổi sâu sắc theo hướng cơ cấu kinh tế và hình thức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; ổn định và giàu bản sắc văn hóa dân tộc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

2. Xu hướng đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh thương mại

- Xu thế toàn cầu hóa làm tăng sức cạnh tranh, nhất là đối với các nước có trình độ phát triển còn thấp, đặc biệt cạnh tranh thương mại thu hút vốn đầu tư và công nghệ ngày càng gay gắt, đây là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển về thương mại nói chung và hệ thống mạng lưới chợ nói riêng.

- Các loại hình tổ chức hiện đại như TTTM, siêu thị, các cơ sở bán buôn, bán lẻ đang ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, tỷ trọng hàng tiêu dùng qua các loại hình này chiếm khoảng 15% thị phần (loại hình này phát triển mạnh ở khu vực thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Diễn Châu, thị xã Thái Hòa,...)

- Với chiều dài 419 km đường biên giới với nước bạn Lào, có nhiều cửa khẩu như Nậm Cắn, Thanh Thủy, Thông Thụ, Cao Vều,... là điều kiện thuận lợi cho việc hình thành hệ thống chợ biên giới, chợ cửa khẩu và chợ trong khu kinh tế cửa khẩu nhằm đáp ứng các yêu cầu về mua bán hàng hóa cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh biên giới của các địa phương.

III. Nội dung Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020

1. Định hướng quy hoạch

1.1. Khu vực đô thị (gồm thành phố Vinh, các thị xã và các thị trấn):

- Bổ sung các chợ vào quy hoạch trên địa bàn gắn với sự phát triển của hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, phố chuyên doanh và các loại hình thương mại dịch vụ khác.

- Nâng cấp, cải tạo các chợ đang hoạt động, đảm bảo chợ có cơ sở vật chất khang trang, sắp xếp các thương nhân kinh doanh tại chợ hợp lý; đảm bảo an toàn về hành lang giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là văn minh đô thị.

- Loại bỏ khỏi quy hoạch các chợ không đáp ứng yêu cầu (chợ cóc, chợ tạm gây mất trật tự, mỹ quan đô thị, vi phạm hành lang an toàn giao thông).

- Bổ sung, điều chỉnh các chợ tại khu vực có tiềm năng phát triển du lịch theo hướng phục vụ du khách và cư dân.

1.2. Khu vực nông thôn:

- Bổ sung vào quy hoạch các chợ tại khu vực được chia tách địa giới hành chính (Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Vinh, Nghi Lộc…), các địa phương chưa có chợ nhưng nhu cầu mua sắm của người dân phát triển.

- Kết hợp đầu tư xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chợ trên địa bàn tỉnh theo chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình kinh tế cộng đồng và chương trình 135. Đối với khu vực miền núi, tập trung đầu tư xây dựng chợ tại các khu dân cư có kinh tế phát triển, các làng nghề truyền thống, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu.

1.3. Khu vực biên giới:

Với 419 km đường biên giới với nước bạn Lào, có nhiều cửa khẩu và lối mở là điều kiện thuận lợi cho việc giao thương của cư dân biên giới hai nước, đặc biệt khi cửa khẩu Thanh Thủy được đưa vào hoạt động là cơ hội cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế của hai nước Việt - Lào cũng như trong khu vực vận chuyển, quá cảnh hàng hóa. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng chợ biên giới, chợ cửa khẩu cần phải được đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng chợ hàng năm.

1.4. Chợ đầu mối nông sản đa ngành, chuyên ngành:

- Tiếp tục đầu tư, hoàn chỉnh chợ đầu mối nông sản tại huyện Nghi Lộc, đáp ứng chợ đầu mối nông sản tổng hợp khu vực miền Trung; chợ nông sản tại huyện Quỳ Hợp; chợ nông sản tại huyện Hưng Nguyên (khu vực chợ Già – Hưng Trung).

- Xây dựng chợ đầu mối thủy sản tại các cảng biển, vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhằm cung cấp hàng hóa (bao gồm bán buôn, bán lẻ) và các dịch vụ giao nhận, vận chuyển,...

2. Một số nội dung chính Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 (Có chi tiết tại phụ lục kèm theo)

2.1. Một số nội dung chính của quy hoạch:

- Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2020 có tổng cộng 500 chợ, trong đó có 22 chợ hạng 1, 58 chợ hạng 2 và 420 chợ hạng 3. Một số nội dung được điều chỉnh, bổ sung như sau:

+ Có 04 chợ điều chỉnh quy mô, trong đó: có 02 chợ nâng từ hạng 2 lên hạng 1, 01 chợ nâng từ hạng 3 lên hạng 2, 01 chợ nâng từ hạng 3 lên hạng 1.

+ Có 01 chợ điều chỉnh chức năng từ chợ hạng 1 thành trung tâm thương mại.

+ Có 01 chợ đưa ra khỏi quy hoạch (chợ Phủ Diễn).

+ Có 100 chợ được bổ sung vào quy hoạch. Trong đó: thành phố Vinh (08 chợ ); Yên Thành (02 chợ); Thanh Chương (04 chợ); Nam Đàn (09 chợ); Đô Lương (03 chợ); Tân Kỳ (03 chợ); Quỳnh Lưu (19 chợ); Anh Sơn (08 chợ); Nghĩa Đàn (09 chợ); Con Cuông (03 chợ); TX Thái Hòa (05 chợ); Tương Dương (06 chợ); Diễn Châu (06 chợ); Kỳ Sơn (06 chợ); Quỳ Hợp (04 chợ); Nghi Lộc (01 chợ); Quế Phong (03 chợ); thị xã Cửa Lò (01 chợ).

+ Có 29 chợ thuộc mạng lưới chợ biên giới (03 chợ cửa khẩu, 26 chợ biên giới).

- Tổng diện tích đất cần sử dụng là 2.897.182 m2.

2.2. Phân kỳ thực hiện đầu tư:

Dự kiến đến năm 2020 sẽ thực hiện xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 418 chợ, trong đó:

- Giai đoạn 2011 - 2015: Dự kiến xây dựng mới 71 chợ; nâng cấp, cải tạo 134 chợ; với tổng vốn đầu tư dự kiến là 688,75 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Dự kiến xây dựng mới 78 chợ; nâng cấp, cải tạo 135 chợ; với tổng vốn đầu tư dự kiến là 578,5 tỷ đồng.

Phần thứ tư

GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Giải pháp thực hiện

1. Về quản lý và thực hiện quy hoạch

- Công khai quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ được phê duyệt và định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy hoạch.

- Các địa phương cần có kế hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo chợ phù hợp với quy hoạch được phê duyệt.

- Tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy hoạch hàng năm. Theo dõi, rà soát quy hoạch từng thời kỳ, tình hình phát triển của các vùng miền để có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

- Xây dựng chợ phải thực hiện theo quy định và tiêu chuẩn tại Quyết định số 13/2006/QĐ-BXD ngày 19/4/2006 về “chợ - tiêu chuẩn thiết kế” nhằm đảm bảo chợ theo đúng tiêu chuẩn quy mô, đảm bảo công tác PCCC, xử lý rác thải, cấp thoát nước, giao thông trong chợ, đáp ứng theo văn hóa vùng miền của các loại hình chợ.

2. Xây dựng cơ chế, chính sách

2.1. Chính sách đầu tư:

- Đầu tư vào lĩnh vực chợ của các thành phần kinh tế được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; được vay tín dụng đầu tư của nhà nước theo quy định tại Nghị định số 101/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ và Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19/9/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 157/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006.

- Hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn trong quy hoạch được phê duyệt theo Quyết định số 56/2010/QĐ-UBND ngày 4/8/2010 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Dành một tỷ lệ phù hợp nguồn thu từ chợ để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các chợ có cơ sở vật chất xuống cấp, không đảm bảo điều kiện hoạt động.

2.2. Chính sách về thuế và phí:

- Cơ quan thuế cần khảo sát, đánh giá kỹ hoạt động kinh doanh các chợ, xác định mức thu và giao chỉ tiêu phù hợp, chống thất thu và công bằng giữa các hộ kinh doanh trong chợ.

- Cơ quan quản lý giá, tài chính xây dựng bảng thu phí, lệ phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và công khai cho các thương nhân kinh doanh tại chợ.

- Các thương nhân kinh doanh tại chợ thuộc đối tượng kinh doanh của Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 và Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 4/01/2002 được hưởng chế độ ưu đãi về thuế và ưu đãi về lãi suất vay vốn.

2.3. Chính sách về đất đai:

Trong quá trình xây dựng phát triển các khu kinh tế, khu dân cư mới phải có quy hoạch về quỹ đất hợp lý để xây dựng phát triển thương mại nói chung và chợ nói riêng. Quy hoạch về đất phải đảm bảo phù hợp trước mắt và lâu dài.

3. Chính sách phát triển thương nhân

Để đảm bảo thương nhân kinh doanh tại chợ ngày càng đông đảo, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa ngày càng tăng của nhân dân, cần thiết phải có những chính sách phù hợp, cụ thể:

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và có biện pháp xử lý đối với hộ buôn bán dưới lòng, lề đường ảnh hưởng an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

- Thực hiện chế độ miễn, giảm thuế đối với thương nhân kinh doanh lần đầu. Đối với thương nhân góp vốn xây dựng chợ, căn cứ thực tế và quy hoạch hoạt động của chợ, được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định.

- Có chính sách miễn giảm thuế, phí đối với các nhóm hàng, mặt hàng mới thu gom để xuất khẩu, mặt hàng do nhân dân vùng sâu, vùng xa sản xuất.

4. Huy động và khai thác nguồn lực đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh chợ

- Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng phát triển chợ, cùng với các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng các đề án phát triển thương mại nói chung, phát triển chợ nói riêng.

- Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng, lợi thế phát triển của các chợ; xây dựng cơ chế hỗ trợ phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để thu hút đầu tư xây dựng và phát triển chợ.

5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn

- Hướng dẫn, kiểm tra chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn theo Quyết định 127/2007/QĐ-UBND ngày 06/11/2007 của UBND tỉnh, cụ thể:

+ Thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý chợ; xây dựng phương án chung, phương án chuyển đổi riêng cho từng loại chợ;

+ Xây dựng quy chế đấu thầu quản lý, khai thác và kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sau khi được chuyển đổi chợ có điều kiện hoạt động tốt hơn.

- Xây dựng cơ chế tài chính áp dụng cho việc chuyển đổi các Ban quản lý chợ sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh và quản lý chợ.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và hoạt động kinh doanh chợ. Có phương án định kỳ và đột xuất phối hợp kiểm tra hoạt động kinh doanh chợ (bao gồm phí, lệ phí, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết,...) nhằm đánh giá tình hình hoạt động của các chợ trên địa bàn tỉnh.

6. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý chợ và thương nhân kinh doanh trong chợ

- Thống kê số lượng, phân loại chất lượng cán bộ quản lý thương mại, quản lý chợ trên địa bàn, để có cơ sở đánh giá, xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng.

- Tuyên truyền trong nhân dân, đội ngũ các thương nhân kinh doanh tại chợ về chủ trương, chính sách của nhà nước về phát triển chợ; từng bước thực hiện nâng cấp, cải tạo chợ phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

- Hàng năm mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý chợ (bao gồm Ban quản lý, tổ quản lý, Hợp tác xã quản lý, doanh nghiệp quản lý chợ) trên cơ sở nguồn kinh phí đào tạo được ngân sách nhà nước hỗ trợ và đóng góp của các tổ chức kinh tế tham gia quản lý chợ.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã công khai quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút các doanh nghiệp, thương nhân tham gia đầu tư, quản lý và kinh doanh chợ.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, triển khai thực hiện việc xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo chợ theo quy hoạch được phê duyệt.

- Chủ trì xây dựng phương án, cơ chế tài chính chuyển đổi mô hình quản lý chợ; quy chế đấu thầu, quản lý, khai thác và kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển chợ, quản lý, khai thác chợ; thu hút đầu tư, thu hút thương nhân tham gia kinh doanh, quản lý khai thác chợ.

- Chỉ đạo và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và hoạt động kinh doanh chợ trên địa bàn.

- Chủ trì, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ và các thương nhân làm công tác quản lý, khai thác chợ.

2. Sở Kế hoạch - Đầu tư

Căn cứ kế hoạch và quy hoạch đã được phê duyệt, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công Thương thẩm định, bố trí nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo chợ hàng năm trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

3. Sở Tài chính

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan khảo sát, đánh giá và xây dựng chi tiết mức thu phí và lệ phí các chợ trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Công Thương xây dựng cơ chế tài chính áp dụng cho việc chuyển đổi các Ban quản lý chợ.

- Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, thương nhân quản lý chợ trên địa bàn.

4. Sở Xây dựng

- Chủ trì thiết kế mẫu cho các loại hình chợ trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở kế hoạch phát triển chợ hàng năm xác định quỹ đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư phát triển chợ.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với Sở Công Thương trong việc khảo sát, lập kế hoạch xây dựng chợ nông thôn theo kế hoạch thực hiện Chương trình “xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn, đảm bảo tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phù hợp với quy hoạch hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn đã được phê duyệt.

6. Ban Dân tộc

Phối hợp với Sở Công Thương, các Sở, ngành liên quan trong việc lập kế hoạch xây dựng chợ, trung tâm cụm-xã theo chương trình 135, kinh tế cộng đồng tại các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, phù hợp với quy hoạch hệ thống chợ đã được phê duyệt.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan, chủ động triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn.

- Chỉ đạo các địa phương trên địa bàn quản lý xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp, cải tạo chợ gửi các Sở, ngành liên quan thẩm định và đưa vào kế hoạch hàng năm để trình UBND tỉnh quyết định.

- Phối hợp các Sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác kinh doanh chợ trên địa bàn.

- Xây dựng phương án, đề án phát triển thương mại trên địa bàn; chủ động xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển thương mại, đầu tư xây dựng chợ, nhằm thu hút các doanh nghiệp và thương nhân tham gia xây dựng và quản lý kinh doanh chợ.

- Bố trí đủ đội ngũ cán bộ có năng lực, chuyên môn quản lý trên lĩnh vực thương mại, quản lý thị trường, đảm bảo cho hoạt động thương mại nói chung và lĩnh vực chợ nói riêng có hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện các đơn vị kịp thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc qua Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.





Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ Ban hành: 14/01/2003 | Cập nhật: 22/02/2013