Quyết định 556/QĐ-UBND năm 2018 về Quy chế phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân tham gia chuẩn bị ứng phó, ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Số hiệu: 556/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi Người ký: Nguyễn Tăng Bính
Ngày ban hành: 26/06/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Khoa học, công nghệ, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 556/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 26 tháng 6 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA CHUẨN BỊ ỨNG PHÓ, ỨNG PHÓ SỰ CỐ BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 07/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Quyết định số 1304/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Thông tư số 25/2014/TT-BKHCN ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân;

Căn cứ Quyết định số 1304/QĐ-BKHCN ngày 29 tháng 5 năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;

Xét đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh Quảng Ngãi) tại Tờ trình số 533/TTr-SKHCN ngày 11 tháng 6 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân tham gia chuẩn bị ứng phó, ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành; Thành viên Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- VPUB: PCVP(VX), CBTH;
- Lưu: VT, VHXHlmc282.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH



Nguyễn Tăng Bính

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIỮA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA CHUẨN BỊ ỨNG PHÓ, ỨNG PHÓ SỰ CỐ BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 556/QĐ-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về phạm vi, nguyên tắc, cơ chế phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân tham gia công tác chuẩn bị ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, tổ chức triển khai các hoạt động ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân và các biện pháp can thiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

2. Đối tượng áp dụng

Các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác chuẩn bị ứng phó bức xạ và hạt nhân, phối hợp tổ chức triển khai các hoạt động ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân và các biện pháp can thiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Phối hợp đồng bộ, kịp thời, đảm bảo việc chỉ huy chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố tập trung, thống nhất, hiệu quả.

2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan tham gia phối hợp đã được pháp luật quy định và được phân công trong Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân của tỉnh đã duyệt. Các cơ quan phối hợp có trách nhiệm chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chủ trì để triển khai thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình chính xác, kịp thời, đảm bảo đồng bộ, không chồng chéo trong chỉ đạo, điều hành.

3. Khi một cơ quan đề nghị phối hợp thì cơ quan được đề nghị thực hiện trao đổi thông tin kịp thời, đúng nội dung. Nếu không thể đáp ứng nội dung được đề nghị phối hợp thì phải có văn bản thông báo rõ lý do cho cơ quan đề nghị phối hợp.

Chương II

PHỐI HỢP TRONG CHUẨN BỊ ỨNG PHÓ SỰ CỐ

Điều 3. Công tác chuẩn bị ứng phó sự cố

1. Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh:

a) Chỉ đạo chuẩn bị trang thiết bị, vật tư cần thiết phục vụ công tác ứng phó sự cố.

b) Kiểm tra và chỉ đạo tổ chức đào tạo nhân viên bức xạ, nhân viên ứng phó và lực lượng ứng phó ban đầu về khả năng nhận biết các dấu hiệu sự cố, có thông báo thích hợp, cảnh báo kịp thời khi sự cố xảy ra, các hành động ứng phó đối với sự cố tiềm tàng có thể xảy ra.

2. Thường trực Ban Chỉ huy:

a) Thiết lập cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin.

b) Thiết lập đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin hoạt động liên tục 24 giờ/7 ngày (24/7) cho việc tiếp nhận thông tin về sự cố, yêu cầu trợ giúp và khuyến cáo biện pháp ứng phó ban đầu.

c) Phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức đào tạo cho nhân viên bức xạ, nhân viên ứng phó và lực lượng ứng phó nhận biết các dấu hiệu sự cố tiềm ẩn nhằm đưa ra thông báo thích hợp, cảnh báo kịp thời khi sự cố bức xạ xảy ra, các hành động ứng phó kịp thời đối với sự cố tiềm tàng có thể xảy ra.

d) Tham mưu Ban Chỉ huy tổ chức thực tập kết nối thông tin, diễn tập ứng phó sự cố và diễn tập chuyên đề theo kế hoạch đã được phê duyệt.

3. Các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ:

a) Tạo điều kiện để nhân viên bức xạ và nhân viên ứng phó tham gia đào tạo khả năng nhận biết dấu hiệu sự cố tiềm ẩn và có thông báo phù hợp, cảnh báo kịp thời khi sự cố xảy ra.

b) Chuẩn bị nguồn nhân lực, trang thiết bị, kỹ thuật, phương tiện, quy trình đánh giá kịp thời sự cố xảy ra.

c) Sẵn sàng cung cấp thông tin về tình trạng nguy hiểm hiện tại và cách thức cảnh báo, thông báo khi xảy ra sự cố.

d) Sẵn sàng thực hiện các hành động giảm thiểu hậu quả sự cố bức xạ và hạt nhân nhằm đạt các mục tiêu:

- Ngăn ngừa sự cố leo thang.

- Đưa cơ sở trở lại trạng thái an toàn.

- Giảm khả năng phát tán chất phóng xạ.

- Giảm khả năng bị chiếu xạ.

- Cung cấp kịp thời hỗ trợ kỹ thuật cho nhân viên vận hành.

- Cung cấp kịp thời các đội ứng phó khẩn cấp.

- Chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp nhận hỗ trợ từ các tổ chức tham gia ứng phó sự cố.

4. Các đơn vị tham gia ứng phó sự cố:

a) Sẵn sàng các nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được xác định tại Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh (đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt tại Quyết định số 1304/QĐ-BKHCN ngày 29 tháng 5 năm 2017).

b) Tham gia tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân theo kế hoạch của Ban Chỉ huy.

c) Tham gia ứng phó khi có sự cố bức xạ và hạt nhân xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Chương III

PHỐI HỢP TRONG ỨNG PHÓ SỰ CỐ

Điều 4. Phối hợp thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố

1. Cơ sở nơi xảy ra sự cố:

a) Xác định vị trí xảy ra sự cố, xác định mức báo động, xác định sơ bộ nguyên nhân, tính chất và khả năng diễn biến sự cố tương ứng với nhóm nguy cơ gây ra sự cố quy định tại Phụ lục I Thông tư số 25/2014/TT-BKHCN ngày 08/10/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân (gọi tắt là Thông tư số 25 của Bộ Khoa học và Công nghệ).

b) Huy động nhân lực, phương tiện của cơ sở để khắc phục sự cố, hạn chế sự lan rộng, hạn chế hậu quả, tổ chức cấp cứu người bị nạn, cô lập nơi nguy hiểm, kiểm soát an ninh.

c) Khẩn cấp thông báo cho Sở Khoa học và Công nghệ, cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy ứng phó sự cố và cơ quan công an nơi xảy ra sự cố.

2. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Cử cán bộ phụ trách an toàn bức xạ và liên hệ với đơn vị tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ được trang bị thiết bị chuyên dụng đến nơi xảy ra sự cố để xác định thông tin ban đầu và báo cáo ngay cho Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy tổ chức ứng phó sự cố.

b) Tham mưu Ban Chỉ huy họp đánh giá tình hình, quyết định phương án ứng phó.

c) Làm đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin hoạt động liên tục 24/24 giờ để báo cáo kịp thời Ban Chỉ huy chỉ đạo, điều hành trong suốt quá trình ứng phó sự cố.

d) Phối hợp với các lực lượng kỹ thuật khắc phục sự cố.

3. Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh:

a) Khi tiếp nhận thông tin liên quan đến sự cố đã được thẩm định bởi Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo, Ban Chỉ huy thông báo và khởi động ứng phó sự cố phù hợp theo quy chế này và Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đã được phê duyệt.

b) Chỉ huy, điều động các lực lượng tham gia hoạt động ứng phó sự cố, chỉ đạo thực hiện các biện pháp can thiệp kịp thời.

c) Căn cứ trên mức báo động, điều kiện cụ thể và các số liệu quan trắc tại hiện trường đưa ra cảnh báo kịp thời và hướng dẫn hành động bảo vệ cho công chúng.

d) Đề nghị Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật An toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố - Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt hỗ trợ (nếu cần thiết). Đơn vị hỗ trợ có trách nhiệm:

- Chủ trì việc đo, đánh giá bức xạ tại hiện trường, tư vấn để xác định có sự cố bức xạ hay không và đưa ra khuyến cáo lập vành đai an toàn.

- Tiến hành quan trắc bức xạ và phân tích mẫu môi trường nhằm xác định kịp thời các mối nguy hiểm tiềm tàng và thay đổi chiến lược ứng phó sự cố.

đ) Huy động trang, thiết bị phục vụ ứng phó sự cố từ các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra.

4. Công an tỉnh:

a) Cử ngay lực lượng đến hiện trường khu vực xảy ra sự cố để đảm bảo an ninh trật tự.

b) Phối hợp với lực lượng phòng cháy và chữa cháy huy động lực lượng, phương tiện tiến hành phòng cháy, chữa cháy, thực hiện việc cứu nạn, cứu hộ trong tình huống liên quan đến sự cố bức xạ và hạt nhân theo yêu cầu của Ban Chỉ huy.

c) Phối hợp với các đơn vị tham gia ứng phó sự cố xác định và lập hàng rào kiểm soát vùng nguy hiểm (khoanh vùng đảm bảo an toàn, an ninh).

d) Thực hiện các biện pháp bảo vệ con người và tài sản bị tác động từ sự cố bức xạ và hạt nhân; phối hợp sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm khi cần thiết.

đ) Tổ chức phân luồng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

e) Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ điều tra nguyên nhân gây ra sự cố.

5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

a) Chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó sự cố sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm.

b) Thực hiện phương án tẩy xạ, khắc phục môi trường theo yêu cầu của Ban Chỉ huy.

6. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

Khi sự cố xảy ra ở khu vực biên giới, trực tiếp chủ trì phối hợp với các lực lượng tham gia ứng phó sự cố triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới, chống các thế lực thù địch lợi dụng sự cố xâm nhập, phá hoại, khủng bố gây mất trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các lực lượng chức năng:

a) Triển khai lực lượng, thiết bị thực hiện quan trắc, kiểm soát môi trường tại nơi xảy ra sự cố.

b) Tiến hành lấy mẫu môi trường tại nơi xảy ra sự cố để phân tích, đề xuất các biện pháp khắc phục sau sự cố.

8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chỉ đạo, huy động lực lượng đến hiện trường triển khai các biện pháp bảo vệ các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa bàn xảy ra sự cố.

b) Phối hợp với Sở Y tế tư vấn, hướng dẫn người dân và lực lượng tham gia ứng phó trong việc sử dụng lương thực, thực phẩm trong quá trình ứng phó sự cố.

9. Sở Tài chính: Trên cơ sở dự toán kinh phí triển khai ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh do Sở Khoa học và Công nghệ lập, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

10. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND tỉnh đảm bảo kinh phí phục vụ ứng phó sự cố theo quy định.

11. Sở Giao thông vận tải:

a) Huy động phương tiện vận tải tham gia ứng phó sự cố theo yêu cầu của Ban Chỉ huy ứng phó sự cố.

b) Phối hợp với Công an tỉnh phân luồng, hướng dẫn và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông (nếu có).

12. Sở Công Thương: Huy động nhân lực, phương tiện tham gia ứng phó sự cố theo yêu cầu của Ban Chỉ huy; phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị có chức năng kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, lưu thông sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ vùng có nguy cơ nhiễm phóng xạ.

13. Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi: Hỗ trợ việc huy động các lực lượng ứng phó sự cố tại chỗ của các cơ sở trong khu công nghiệp cho công tác ứng phó sự cố.

14. Cục Hải quan Quảng Ngãi:

Khi sự cố xảy ra ở khu vực hoạt động của hải quan chỉ đạo lực lượng hải quan phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia ứng phó theo sự phân công của Ban Chỉ huy tại hiện trường.

15. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thực hiện các yêu cầu trợ giúp và khắc phục sự cố.

b) Quản lý, duy trì địa điểm sơ tán trong ứng phó sự cố theo sự phân công của Ban Chỉ huy.

c) Huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ phục vụ ứng phó sự cố theo yêu cầu của Ban Chỉ huy.

16. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố: Chỉ huy lực lượng công an và các lực lượng có liên quan kịp thời thiết lập vành đai an toàn, kiểm soát an ninh khu vực xảy ra sự cố.

17. Tổ chức, cá nhân khác tham gia ứng phó sự cố kịp thời huy động nhân lực tham gia ứng phó sự cố khi có yêu cầu của Trưởng Ban Chỉ huy.

18. Các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cung cấp kịp thời trang, thiết bị cần thiết theo yêu cầu của Ban Chỉ huy.

Điều 5. Phối hợp cung cấp thông tin sự cố và ứng phó sự cố:

1. Ban Chỉ huy ứng phó sự cố:

a) Căn cứ trên mức báo động, điều kiện cụ thể và các số liệu quan trắc tại hiện trường đưa ra cảnh báo kịp thời và hướng dẫn hành động bảo vệ cho công chúng theo thẩm quyền.

b) Cung cấp thông tin chính thức nhằm hạn chế phát tán thông tin sai lệch, thiếu chính xác.

2. Sở Khoa học và Công nghệ: Thay mặt Ban Chỉ huy thông báo, cung cấp thông tin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền đến các đơn vị có liên quan tham gia ứng phó sự cố.

3. Sở Thông tin và truyền thông:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện công tác truyền tin, thông báo chính xác, kịp thời các thông tin về sự cố bức xạ; các chủ trương, mệnh lệnh, chỉ thị về ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố bức xạ của Trung ương và UBND tỉnh.

b) Tham mưu Ban Chỉ huy họp báo về sự cố.

c) Phối hợp với các cơ quan chuyên môn chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương trong việc định hướng, thông tin kịp thời, chính xác về sự cố.

d) Chỉ đạo các cơ quan bưu chính, viễn thông trên địa bàn đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong quá trình ứng phó sự cố.

đ) Triển khai phương tiện hỗ trợ (loa, đài phát thanh) phục vụ công tác thông tin cho người dân khu vực xảy ra sự cố biết và phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó sự cố của Ban Chỉ huy tại hiện trường.

e) Cung cấp đường dây nóng phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó sự cố.

f) Hướng dẫn các lực lượng quản lý chuyên ngành thông tin và truyền thông phối hợp với các cơ quan có liên quan tham gia ứng phó sự cố theo sự phân công của Ban Chỉ huy tại hiện trường.

g) Phối hợp tổ chức thực hiện các giải pháp công nghệ, số hóa, tổng hợp dữ liệu phóng xạ, đưa ra đánh giá dự báo mức báo động sự cố.

4. Cơ sở có nguồn phóng xạ: Chuẩn bị sẵn sàng cung cấp thông tin về sự cố tới Ban Chỉ huy, bao gồm: Thông tin về tình trạng nguy hiểm hiện tại, cách thức thông báo, cảnh báo và các hành động người dân cần thực hiện khi xảy ra sự cố.

Điều 6. Phối hợp đánh giá mức báo động

1. Cơ sở có nguồn phóng xạ có trách nhiệm đánh giá kịp thời:

a) Các điều kiện bất thường trong cơ sở.

b) Tình huống chiếu xạ hay phát tán chất phóng xạ.

c) Tình trạng bức xạ trong và ngoài cơ sở.

d) Mọi tình huống chiếu xạ tiềm năng hoặc thực tế đối với công chúng.

2. Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh cùng phối hợp cơ sở có nguồn phóng xạ:

a) Bố trí nguồn lực và trang thiết bị để thực hiện đánh giá nhiễm bẩn phóng xạ phát tán chất phóng xạ, liều bức xạ. Nếu vượt quá khả năng thì Sở Khoa học và Công nghệ (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy) có văn bản yêu cầu hỗ trợ từ Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật An toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố - Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

b) Xác định mức độ nguy hiểm và khuyến cáo các hành động bảo vệ đến cơ quan có thẩm quyền.

2. Ban Chỉ huy ứng phó sự cố:

a) Căn cứ mức độ nhiễm bẩn phóng xạ, xác định mức độ báo động.

b) Quyết định khởi động kế hoạch ứng phó sự cố phù hợp với mức độ báo động theo kế hoạch.

Điều 7. Phối hợp quản lý y tế trong ứng phó sự cố

1. Ban Chỉ huy: Xây dựng kế hoạch phân loại và chuyển những người bị chiếu xạ quá liều đến các bệnh viện chuyên ngành.

2. Sở Y tế:

a) Tổ chức huy động lực lượng y tế đã được đào tạo về an toàn bức xạ; triệu chứng lâm sàng do bức xạ gây ra; quy trình thông báo và sơ cứu, điều trị bệnh nhân trong sự cố bức xạ và hạt nhân; trang thiết bị y tế cần thiết đến ngay hiện trường để chẩn đoán, cấp cứu, điều trị nạn nhân bị chiếu xạ, nhiễm bẩn phóng xạ theo pháp đồ đã xác định; vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm; vận chuyển nạn nhân lên tuyến trên khi cần thiết.

b) Thành lập các bệnh viện dã chiến (trên cơ sở các lực lượng có sẵn của ngành y tế, Hội Chữ thập đỏ, lực lượng quân y...) khi được yêu cầu.

c) Thiết lập mạng lưới các bệnh viện trong tỉnh hoặc đề xuất các bệnh viện chuyên ngành, bệnh viện tuyến trên tham gia hỗ trợ ứng phó sự cố.

d) Tham vấn ý kiến các chuyên gia bức xạ để đảm bảo an toàn trong điều trị bệnh nhân bị nhiễm xạ, nhiễm bẩn phóng xạ.

đ) Tư vấn, tuyên truyền nhằm ngăn ngừa kịp thời việc lo lắng sức khỏe thái quá của người dân, lực lượng tham gia ứng phó sự cố.

e) Tư vấn, hướng dẫn người dân và lực lượng tham gia ứng phó sự cố về sử dụng lương thực, thực phẩm, nước uống trong quá trình xử lý sự cố và sau khi xử lý sự cố.

f) Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và tâm lý cho những người bị ảnh hưởng do sự cố.

g) Tổ chức sàng lọc, phát hiện và điều trị cho nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bức xạ.

h) Tổ chức điều phối sự phối hợp của các lực lượng y tế (của quân đội, công an, bệnh viện Trung ương hỗ trợ...) trong ứng phó sự cố.

3. Cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ: Chuẩn bị sẵn sàng cho việc điều trị số lượng nhất định nhân viên bị chiếu xạ quá liều hoặc nhiễm bẩn phóng xạ. Việc điều trị bao gồm sơ cứu, đánh giá liều, vận chuyển và điều trị y tế ban đầu đối với bệnh nhân nhiễm bẩn phóng xạ hoặc bị chiếu xạ liều cao tại bệnh viện địa phương.

4. Tổ chức, cá nhân tham gia chuẩn bị ứng phó và hoạt động ứng phó sự cố thực hiện các biện pháp bảo vệ nhân viên, kiểm soát liều theo quy định tại Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN ngày 08/11/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về kiểm soát và bảo vệ an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng.

5. Tổ chức, cá nhân kịp thời thông báo đến Sở Khoa học và Công nghệ khi phát hiện thấy các biểu hiện bệnh lý do bức xạ gây ra.

Điều 8. Phối hợp thực hiện biện pháp hạn chế tiêu thụ lương thực, thực phẩm và bảo vệ dài hạn

1. Ban Chỉ huy ứng phó sự cố:

a) Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố nơi xảy ra sự cố tham mưu chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ, hạn chế tiêu thụ lương thực, thực phẩm và bảo vệ dài hạn phù hợp với quy định tại Phụ lục II của Thông tư số 25 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

b) Chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu việc chỉ đạo tổ chức quản lý chất thải phóng xạ và xử lý nhiễm bẩn phóng xạ do sự cố gây ra.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tổ chức đánh giá mức độ tác động của sự cố đến sản xuất nông nghiệp, thiệt hại đối với đất, cây trồng, gia súc, gia cầm và cơ sở chế biến trong nông nghiệp.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương đảm bảo cung cấp hàng hóa, nhu cầu yếu phẩm thiết yếu đáp ứng yêu cầu trong và sau ứng phó sự cố.

3. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ban Chỉ huy tổ chức quản lý chất thải phóng xạ và xử lý nhiễm bẩn phóng xạ do sự cố gây ra.

Chương IV

PHỐI HỢP SAU ỨNG PHÓ SỰ CỐ

Điều 9. Phối hợp trong các hoạt động chấm dứt các hành động bảo vệ, can thiệp, thông báo mức sự cố và khắc phục hậu quả sự cố

1. Ban Chỉ huy ứng phó sự cố:

a) Chỉ đạo lập kế hoạch ra thông báo kết thúc hoạt động ứng phó sự cố và kế hoạch phục hồi môi trường theo Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 25 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

b) Xác định thời điểm chấm dứt các hành động bảo vệ, can thiệp và thông báo tới công chúng theo thẩm quyền.

2. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Thông báo chính thức việc chấm dứt hoạt động ứng phó sự cố trên phương tiện thông tin đại chúng.

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức liên quan tư vấn kỹ thuật cho tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương trong xây dựng phương án khắc phục hậu quả sự cố, triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả sự cố và kiểm tra kết quả sau khi khắc phục.

c) Tham mưu Ban Chỉ huy báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kết quả ứng phó sự cố.

3. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Tiếp tục đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn sau sự cố.

4. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Tham mưu Ban Chỉ huy tổ chức họp báo thông báo kết quả ứng phó sự cố.

b) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thông tin, tuyên truyền kết quả ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố.

5. Sở Y tế: Thực hiện các biện pháp đánh giá việc tăng tỷ lệ ung thư đối với nhân viên ứng phó sự cố và công chúng; đưa ra các biện pháp điều trị khi cần thiết.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Tổ chức lập báo cáo đánh giá ảnh hưởng tác động về môi trường sau sự cố.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và thực hiện phương án cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường sau sự cố.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tham mưu UBND tỉnh các biện pháp thực hiện các mức can thiệp trong quản lý lương thực, thực phẩm và biện pháp phòng ngừa lâu dài trong sản xuất nông nghiệp vùng xảy ra sự cố.

b) Hướng dẫn sản xuất nông nghiệp trong vùng xảy ra sự cố.

8. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Hướng dẫn và kiểm tra thực hiện các chế độ, chính sách cho người tham gia ứng phó sự cố và nạn nhân của sự cố.

9. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ gây ra sự cố có trách nhiệm:

a) Xây dựng và thực hiện phương án khắc phục hậu quả sự cố bên trong cơ sở.

b) Thực hiện khắc phục hậu quả sự cố bên ngoài cơ sở theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ huy.

c) Chịu chi phí khắc phục hậu quả sự cố do cơ sở gây ra theo quy định của pháp luật.

10. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi xảy ra sự cố hoặc bị ảnh hưởng bởi sự cố:

a) Phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện phương án khắc phục hậu quả sự cố trên địa bàn quản lý.

b) Sử dụng chi phí khắc phục hậu quả sự cố theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Phối hợp trong thực hiện các biện pháp giảm thiểu hậu quả phi phóng xạ của sự cố và công tác ứng phó sự cố

1. Ban Chỉ huy ứng phó sự cố:

a) Chỉ đạo áp dụng các biện pháp tối ưu để thực hiện các mức can thiệp trong việc quản lý lương thực, thực phẩm và biện pháp phòng ngừa lâu dài.

b) Tham mưu UBND tỉnh xem xét các tác động đối với phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lâu dài đến phúc lợi xã hội và ảnh hưởng khác của sự cố.

c) Sẵn sàng tư vấn cho nhân dân về giảm thiểu hậu quả.

d) Kịp thời giải thích về các rủi ro sức khỏe và tư vấn cho công chúng về các hành động bảo vệ cần thực hiện và các hành động cần tránh thực hiện để giảm thiểu hậu quả do sự cố gây ra.

đ) Ngăn chặn kịp thời các hành động quá khích.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các đơn vị liên quan tham mưu Ban Chỉ huy ứng phó sự cố thực hiện nội dung quy định tại Điểm a, b, c, khoản 1 Điều này.

3. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Ban Chỉ huy ứng phó sự cố thực hiện nội dung quy định tại Điểm d, khoản 1 Điều này.

4. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu Ban Chỉ huy ứng phó sự cố thực hiện nội dung quy định tại Điểm đ Mục 1 Điều này.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Các cơ quan tham gia phối hợp tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế này.

2. Sở Khoa học và Công nghệ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này; định kỳ tổng hợp tình hình báo cáo y nhân nhân dân tỉnh.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.