Quyết định 550/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển bền vững tỉnh Hà Nam đến năm 2020
Số hiệu: 550/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam Người ký: Mai Tiến Dũng
Ngày ban hành: 28/05/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 550/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 28 tháng 5 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TỈNH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

Theo đề nghị của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển bền vững tỉnh Hà Nam đến năm 2020 tại Báo cáo thẩm định ngày 29 tháng 01 năm 2013, đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 379/TTr-SKH ngày 23 tháng 4 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển bền vững tỉnh Hà Nam đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2020

1. Quan điểm phát triển bền vững

1.1. Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với sản xuất và tiêu dùng bền vững, phát triển công nghiệp sạch, đảm bảo an ninh lương thực và xây dựng nông thôn mới.

1.2. Không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, trên cơ sở nâng cao năng suất lao động xã hội, ổn định quy mô dân số và phát triển nhân lực, giảm nghèo, chăm lo sức khỏe cộng đồng và tăng cường công tác thanh thiếu niên.

1.3. Phát triển xã hội hài hòa giữa lợi ích kinh tế với lợi ích môi trường sinh thái, để lại cho thế hệ mai sau một môi trường, môi sinh trong sạch.

1.4. Phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các ngành, các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư và mỗi người dân.

1.5. Kết hợp chặt chẽ phát triển bền vững với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng an ninh, an toàn xã hội.

2. Mục tiêu phát triển bền vững

2.1. Mục tiêu tổng quát: Tăng trưởng nhanh, bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Phát triển bền vững là vì con người, tập trung vào con người và chất lượng cuộc sống.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh: giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13,5%, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 15%, cả thời kỳ đạt 14,2% trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng.

- Duy trì xu thế tăng chỉ số phát triển con người (HDI): Phấn đấu đến năm 2015 đạt 0,78 và đến năm 2020 đạt 0,82.

- Đảm bảo công bằng xã hội về thu nhập: Chỉ số GINI năm 2015 khoảng 0,32 và năm 2020 khoảng 0,33.

- Không ngừng tăng năng suất lao động xã hội, đảm bảo đến năm 2015 đạt 52 triệu đồng, năm 2020 đạt 100 triệu đồng (tính theo giá cố định năm 2010).

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VỀ KINH TẾ ĐẾN NĂM 2020

1. Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững

1.1. Mục tiêu chung: Để phát triển nhanh, bền vững, đến năm 2020 Hà Nam phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển như sau:

- Chỉ số GDP/người (PPP-USD: USD tính theo sức mua tương đương) năm 2015 khoảng 0,64 và năm 2020 khoảng 0,71.

- Năng suất lao động xã hội (tính theo giá cố định năm 2010) năm 2015 đạt 52 triệu đồng/lao động, năm 2020 đạt 100 triệu đồng/lao động.

1.2. Những hành động chủ yếu bảo đảm phát triển nhanh, bền vững:

- Cơ cấu lại nền kinh tế: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, đi vào các ngành công nghiệp công nghệ cao nhằm tăng nhanh đóng góp của năng suất tổng nhân tố (TFP) trong tăng trưởng GDP của tỉnh.

- Chuyển mạnh cơ cấu ngành theo hướng hiện đại: với các ngành đã có, tập trung vào cải tiến công nghệ và nâng cao việc sử dụng công nghệ mới, chuyển dịch theo xu hướng hiện đại.

- Thực hiện tốt các định hướng của quy hoạch để đảm bảo nuôi sống dân số Hà Nam với chất lượng sống cao hơn.

2. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững

2.1. Mục tiêu chung: Sản xuất và tiêu dùng nhằm đáp ứng được các nhu cầu cơ bản và đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn, đồng thời giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các vật liệu độc hại, giảm thiểu lượng chất thải và các chất ô nhiễm phát thải.

2.2. Những hành động ưu tiên nhằm thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững

a) Đối với sản xuất:

- Nâng cao chất lượng và hiện đại hóa các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp. Các sản phẩm chất lượng cao phải được tăng nhanh, thay thế các sản phẩm chất lượng thấp;

- Duy trì tỷ lệ giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất (VA/GO), trên cơ sở áp dụng công nghệ sản xuất sử dụng ít năng lượng, nguyên liệu. Giảm tối đa những tác động tiêu cực của sản xuất đối với môi trường sống của nhân dân trong tỉnh bằng cách đầu tư công nghệ xử lý rác thải và nước thải, phấn đấu đến 2020: 100% rác thải đô thị, khu công nghiệp được thu gom và xử lý, 100% rác thải nông thôn được thu gom và từng bước được xử lý; 100% nước thải khu công nghiệp và trên 95% nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn.

- Giảm tiêu hao điện cho sản xuất từ 1-1,5%/năm.

b) Đối với tiêu dùng:

- Thay đổi nhanh cơ cấu tiêu dùng năng lượng, nâng cao tỷ lệ tiêu dùng các loại năng lượng sạch (năng lượng tái sinh) đạt 15% năm 2015 và 35% năm 2020.

- Tiêu dùng cá nhân phù hợp với thu nhập; từng bước thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh; nâng cao năng lực sức mua của mọi tầng lớp dân cư, xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên. Áp dụng các chính sách điều chỉnh những hành vi tiêu dùng không hợp lý.

- Hàng năm thống kê (khảo sát) phân tích và dự báo một số chỉ tiêu chủ yếu như năng lượng tiêu dùng hàng năm bình quân đầu người; khảo sát hộ gia đình để tính thu nhập và cơ cấu tiêu dùng, tiết kiệm.

3. Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giữ diện tích đất lúa theo chỉ tiêu Chính phủ phân bổ để phát triển bền vững

3.1. Mục tiêu chung:

- Hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đảm bảo cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn; thay đổi cơ bản phong tục tập quán lạc hậu.

- Thực hiện chương trình nông thôn mới: phấn đấu đến 2015 có 21% (22 xã) và đến 2020 có 50% (51 xã) đạt chuẩn nông thôn mới.

3.2. Những hành động chủ yếu bảo đảm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững:

a) Phát triển nông nghiệp bền vững:

- Đến 2020 đảm bảo giữ ổn định diện tích đất trồng lúa khoảng 30.590 ha, sản lượng lúa đạt trên 37,2 vạn tấn.

- Phát triển bền vững 2 loại rừng (rừng phòng hộ và rừng kinh tế); đảm bảo năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng chiếm 7% diện tích tự nhiên.

- Liên kết với Hà Nội về các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như: tạo giống, bảo vệ thực vật, trồng rau, hoa quả, chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ bảo quản chế biến, hình thành các trạng trại và điểm bán rau sạch…

b) Xây dựng nông thôn mới:

- Đảm bảo sức chứa hợp lý dân số nông thôn trên 2 điều kiện sống: Đất ở và khả năng nuôi sống từ nông, lâm, thủy sản.

- Xây dựng và củng cố vững chắc nông thôn theo các tiêu chí nông thôn mới, phù hợp với đặc điểm từng vùng; giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của nông thôn Việt Nam. Coi trọng mối liên kết đô thị - nông thôn.

- Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động nông thôn qua dạy nghề đạt 41% và năm 2020 đạt 51%.

4. Thực hiện “công nghiệp hóa sạch”

4.1. Mục tiêu chung: Thay đổi mô hình công nghiệp hóa, từ dựa vào vốn, khai thác tài nguyên thiên nhiên và công nghệ chế biến đơn lẻ, chuyển dần sang mô hình sản xuất dựa trên công nghệ cao, ít chất thải hoặc xử lý chất thải; hạn chế sự hủy hoại môi trường do chất thải công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại.

4.2. Những hành động chủ yếu bảo đảm “công nghiệp hóa sạch”

- Hạn chế sự hủy hoại môi trường do chất thải công nghiệp.

- Sử dụng triệt để phế liệu phế thải.

- Tăng cường năng lực cạnh tranh.

- Tiến hành rà soát, hiệu chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp và các làng nghề TTCN gắn với bảo vệ môi trường. Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp liên kết vào KCN Đồng Văn II; KCN Đồng Văn III.

- Phát triển công nghiệp với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm thân thiện với môi trường.

- Tăng cường công tác giám sát cộng đồng về bảo vệ môi trường nơi có KCN, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất đang hoạt động.

- Xây dựng KCN hỗ trợ cho sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn và khu vực.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VỀ XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2020

1. Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

1.1. Mục tiêu chung:

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6,63% năm 2015 (theo tiêu chí hiện hành) và còn dưới 3% vào năm 2020.

- Kiềm chế gia tăng chênh lệch của 20% nhóm dân cư giàu nhất với 20% nhóm dân cư nghèo nhất.

- Tạo ra nhiều việc làm mới và ổn định, đồng thời chuyển dịch cơ cấu lao động cho phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

- Hạn chế sự tăng lên của hệ số GINI về chênh lệch thu nhập: 0,32 năm 2015, 0,33 năm 2020.

1.2. Những hành động chủ yếu bảo đảm phát triển bền vững

- Thực hiện các chính sách thuộc chương trình mục tiêu giảm nghèo.

- Phát triển giao thông và kết cấu hạ tầng các xã nghèo.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế hỗ trợ đầu tư các xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn trên địa bàn tỉnh.

- Hỗ trợ sản xuất tạo việc làm tăng thu nhập. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động gắn với phát triển ngành nghề, tạo việc làm bền vững. Hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn và đô thị hóa.

2. Ổn định quy mô, cải thiện và nâng cao chất lượng dân số

2.1. Mục tiêu chung: Đảm bảo tỷ lệ giới tính khi sinh một cách tự nhiên; chống suy dinh dưỡng trẻ em để nâng cao các chỉ tiêu căn bản là: chiều cao, cân nặng cho người lao động sau này.

2.2. Những hành động chủ yếu bảo đảm phát triển bền vững:

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em ở các cấp.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi về dân số, kế hoạch hóa gia đình đến mọi người dân. Thực hiện hiệu quả giáo dục truyền thông kết hợp với thực hành dinh dưỡng trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng.

- Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình. Thực hiện bình đẳng giới.

- Huy động mọi nguồn lực cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, trong đó tích cực triển khai chủ trương xã hội hóa trong công tác dân số.

3. Phát triển bền vững đô thị

3.1. Mục tiêu chung: Kết hợp hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển đô thị, thỏa mãn tiêu chuẩn đô thị sinh thái “xanh, sạch, đẹp”.

3.2. Những hành động chủ yếu bảo đảm phát triển bền vững:

- Theo dõi, giám sát thực hiện quy hoạch đô thị; xử lý kịp thời và nghiêm minh các hành vi vi phạm các quy định về đầu tư và xây dựng; thành lập và phát triển hệ thống giám sát vệ sinh môi trường đô thị.

- Đảm bảo việc làm cho dân cư đô thị, giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị xuống dưới 3,0% năm 2020.

4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh, huyện và các đô thị

4.1. Mục tiêu chung: Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55% năm 2015 và 70% năm 2020. Năm 2020, tỷ lệ người lớn biết chữ đạt 97%; tỷ lệ nhập học các cấp đạt 80%; chỉ số nhập học tổng hợp đạt 0,8.

4.2. Những hành động chủ yếu bảo đảm phát triển bền vững:

- Thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư đã được phê duyệt trong quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hà Nam đến năm 2020.

- Xây dựng Quy hoạch phát triển giáo dục đào tạo tỉnh Hà Nam đến năm 2020.

- Rà soát, bổ sung Quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề. Đầu tư có chiều sâu Trường cao đẳng nghề Hà Nam, Trường trung cấp nghề công nghệ Hà Nam, Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm tỉnh. Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề bảo đảm tính hợp lý, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

5. Phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cải thiện điều kiện lao động và vệ sinh môi trường sống

5.1. Mục tiêu chung: Phấn đấu để mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Giảm tỷ lệ mắc các bệnh do dịch, không để dịch lớn xảy ra, mọi người đều được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, nâng cao sức khoẻ, tăng tuổi thọ. Chỉ số tuổi thọ bình quân từ khi sinh: Năm 2015 đạt 0,817; 2020 đạt 0,825.

5.2. Những hành động chủ yếu bảo đảm phát triển bền vững

- Đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá bệnh viện Đa khoa Hà Nam, trở thành bệnh viện hạng I, quy mô 500-700 giường bệnh, đủ khả năng giải quyết các trường hợp cấp cứu chuyển tuyến; xây dựng thương hiệu với chất lượng cao, có môi trường an toàn, thân thiện…

- Tạo điều kiện thuận lợi để Trường Đại học Y Hà Nội đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở II tại tỉnh và tiếp nhận quản lý Bệnh viện Đa khoa thành phố Phủ Lý.

- Chú trọng phát triển y học cổ truyền kết hợp chặt chẽ với y học hiện đại trong điều trị. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, áp dụng khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực y tế.

- Nâng cao chất lượng cán bộ và cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các trạm y tế, trung tâm y tế. Đầu tư công nghệ, trang thiết bị, nâng cao năng lực hoạt động cho các bệnh viện và mạng lưới y tế dự phòng tuyến tỉnh và tuyến huyện. Tăng cường đầu tư cho xử lý chất thải y tế.

- Phát triển nhân lực Y tế: Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo nhân lực có trình độ Đại học trở lên trong lĩnh vực y tế; Đề án cử bác sỹ tuyến tỉnh về hỗ trợ bệnh viện tuyến huyện. Phấn đấu đến năm 2020, có 90% bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đạt trình độ chuyên khoa cấp I trở lên.

- Mở rộng các dịch vụ y tế cho nhân dân. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế, tăng cường sự tham gia của hệ thống y tế ngoài công lập; thực hiện đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư trong lĩnh vực y tế.

6. Tăng cường hoạt động khoa học, công nghệ

6.1. Mục tiêu: Hoạt động khoa học công nghệ góp phần trực tiếp vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế của tỉnh.

6.2. Những hành động chủ yếu bảo đảm phát triển bền vững

- Đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức, dần hình thành các trung tâm hoạt động khoa học có thu; thực hiện có hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học sát thực tiễn và tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường.

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trên địa bàn; thực hiện việc đặt hàng nghiên cứu các đề tài, nhiệm vụ cần thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tăng cường hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ trên cơ sở đa dạng hóa đối tác và hình thức hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ. Tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học công nghệ trong hợp tác quốc tế.

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG LĨNH VỰC MÔI TRƯỜNG

1. Sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất

1.1. Mục tiêu chung: Đảm bảo cân đối hài hòa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và bảo đảm an ninh lương thực; giữ vững và không ngừng tăng sức chứa của tài nguyên đất, đáp ứng nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học.

1.2. Những hành động chủ yếu bảo đảm phát triển bền vững:

- Tăng cường quản lý đất đai về số lượng và chất lượng.

- Tiết kiệm đất đi đôi với sử dụng có hiệu quả nguồn đất đai.

- Nâng cao hiệu suất sử dụng đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Sử dụng đất trong các hoạt động khai khoáng phải có phương án hoàn thổ sau khai thác, thực hiện tẩy rửa chất độc hại.

2. Bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước

2.1. Mục tiêu chung: Trong giai đoạn 2011-2015, đảm bảo 85% nước thải đô thị được xử lý, đến 2020 xử lý từ 95% trở lên.

2.2. Những hành động chủ yếu bảo đảm phát triển bền vững

- Tuyên tuyền, nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư về sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước. Có quy chế, quy định chặt chẽ đối với những cơ sở sản xuất và kinh doanh phải xử nước thải bảo đảm tiêu chuẩn trước khi cho đổ vào hệ thống dẫn nước thải chung.

- Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án xử lý nước thải đô thị. Nhân rộng mô hình nhà máy xử lý nước thải tại xã Nhật Tân (Kim Bảng) với điều kiện UBND các huyện, xã phải cam kết và có phương án quản lý, vận hành cụ thể sau khi công trình hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng. Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án quản lý tổng hợp các lưu vực sông, vùng đầu nguồn, nước dưới đất. Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung ở các thị trấn và khu công nghiệp.

- Tiếp tục thực hiện Đề án bảo vệ môi trường sông Nhuệ - Đáy; dự án kiểm soát ô nhiễm công nghiệp lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Nghiên cứu và đề xuất mô hình quản lý tài nguyên nước mặt.

3. Khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản

3.1. Mục tiêu chung: Khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên, gắn với chế biến, đồng thời hạn chế gây ô nhiễm và tác động xấu đến môi trường. Chú trọng việc xây dựng kế hoạch điều tra, khai thác khoáng sản.

3.2. Những hành động chủ yếu bảo đảm phát triển bền vững

- Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khai thác khoáng sản phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng;

- Thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, đánh giá được trữ lượng kỹ thuật, trữ lượng kinh tế, đồng thời lập quy hoạch khai thác khoáng sản một cách bền vững trong từng thời kỳ.

4. Bảo vệ và phát triển rừng

4.1. Mục tiêu chung: Xác định bảo vệ rừng như bảo vệ một hệ sinh thái luôn phát triển, vừa bảo đảm khả năng tái tạo và sử dụng rừng một cách tối ưu; nâng cao chất lượng rừng và bảo đảm độ che phủ của rừng đạt 7% vào năm 2020.

4.2. Những hành động chủ yếu bảo đảm phát triển bền vững

- Tăng cường bảo vệ tài nguyên rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ. Đến năm 2020, duy trì diện tích rừng khoảng 6.000 ha, trong đó đất rừng sản xuất khoảng 3.400 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 2.600 ha. Từng bước trồng lại rừng trên vùng đất trước đây là rừng, song đã khai thác, nay chỉ là cây bụi hoặc đất trống.

- Lập quy hoạch phát triển hệ thống rừng giống, vườn giống lâm nghiệp làm cơ sở cho quản lý và phục hồi rừng;

- Khuyến khích các hộ nông dân sử dụng các loại nhiên liệu thay thế củi đun như khí Biogas, năng lượng mặt trời. Sử dụng các loại vật liệu bê tông đúc sẵn để làm nhà thay cho gỗ.

5. Giảm ô nhiễm không khí ở các đô thị và khu công nghiệp

5.1. Mục tiêu chung: Đưa ra các biện pháp đủ mạnh để khống chế và cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị và khu công nghiệp, ngăn chặn nguy cơ phát tán ô nhiễm không khí trên diện rộng.

5.2. Những hành động chủ yếu bảo đảm phát triển bền vững:

- Nâng cao ý thức người dân tham gia giảm nhẹ ô nhiễm không khí (không đổ vật liệu, phế thải ra đường, tập kết vật liệu xây dựng hai bên lề đường...).

- Khống chế ô nhiễm do khí thải tại các KCN

- Đẩy mạnh các hoạt động quan trắc, kiểm kê, kiểm soát môi trường không khí, nhất là kiểm soát và xử lý ô nhiễm do khí thải tại các làng nghề.

- Đối với đô thị, cần kiểm soát, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm không khí từ các hoạt động xây dựng và giao thông. Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí và tiếng ồn đô thị theo Luật Đô thị. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ phải cam kết đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải, loại chất thải và lượng phát thải trên địa bàn tỉnh.

- Giảm tiếng ồn trong sản xuất công nghiệp - TTCN, đô thị trên cơ sở giảm tiếng ồn tại nguồn, tiếng ồn trên đường lan truyền và sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân.

6. Quản lý có hiệu quả chất thải rắn và chất thải nguy hại

6.1. Mục tiêu chung: Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng; tăng cường công tác quản lý chất thải đô thị, chất thải sinh hoạt, các chất thải từ trồng trọt, chăn nuôi, phế thải công nghiệp…

6.2. Những hành động chủ yếu bảo đảm phát triển bền vững

- Tăng cường công tác theo dõi, giám sát, thu thập dữ liệu phục vụ cho đánh giá và báo cáo thường kỳ về khối lượng và thành phần chất thải rắn ở từng khu công nghiệp; khuyến khích áp dụng những quy trình công nghệ sản xuất sạch hơn và thân thiện với môi trường;

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường.

- Xây dựng kế hoạch kiểm soát ô nhiễm của tỉnh, huyện, các ngành để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục và tiến tới kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường do các chất thải độc hại gây ra.

7. Bảo tồn đa dạng sinh học

7.1. Mục tiêu chung: Bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học nhằm duy trì môi trường sinh thái tự nhiên đáp ứng tất cả các nhu cầu của cuộc sống. Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác và sử dụng hợp lý đa dạng sinh học và xóa đói giảm nghèo.

7.2. Những hành động chủ yếu bảo đảm phát triển bền vững

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của cộng đồng địa phương.

- Bảo vệ đa dạng hệ sinh thái tự nhiên (hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi, hệ sinh thái trảng cây bụi cỏ trên đất được hình thành do rừng bị khai phá lấy đất canh tác rồi bỏ hoang); hệ sinh thái nhân tạo và ở các sông chính.

- Phát triển du lịch sinh thái và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

8. Giảm thiểu tác động và thích nghi với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai

8.1. Mục tiêu chung: Tạo ra thế chủ động trong việc ngăn ngừa, ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu; phát triển nền kinh tế các-bon thấp, phòng tránh và giảm thiểu những hiểm họa của biến đổi khí hậu. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

8.2. Những hành động chủ yếu bảo đảm phát triển bền vững

- Các hành động chủ yếu nhằm giảm nhẹ tác động của BĐKH: Tổ chức quan trắc diễn biến các yếu tố môi trường liên quan đến biến đổi khí hậu nhằm cảnh báo và đề xuất các giải pháp phòng tránh.

- Các hành động chủ yếu nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu: (1) Đảm bảo an ninh lương thực; (2) Bảo đảm an ninh tài nguyên nước; nâng cấp mạng lưới và các công trình tưới, tiêu thành phố Phủ Lý và các huyện: Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân giai đoạn đến năm 2015;

- Các hành động nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp: (1) Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới; (2) Triển khai tái cơ cấu kinh tế theo hướng giảm các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng; (3) Phát triển giao thông vận tải công cộng ở các đô thị, kiểm soát sự gia tăng phương tiện vận tải cá nhân.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững

- Nội dung tuyên truyền: những thành tựu về khoa học, công nghệ đã đạt được có thể ứng dụng vào sản xuất; Luật bảo vệ môi trường; Luật Đa dạng sinh học năm 2008; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) năm 2012;

- Phát huy vai trò và trách nhiệm của các cơ quan thông tin truyền thông của tỉnh (Đài Truyền hình tỉnh Hà Nam, Báo Hà Nam) trong việc nâng cao nhận thức của người dân về các chủ trương, chính sách và định hướng PTBV của đất nước, của tỉnh, cũng như phổ biến nội dung, thông tin về PTBV.

- Phát động và duy trì các phong trào quần chúng, theo dõi và giám sát các hoạt động có liên quan đến phát triển bền vững như chăn nuôi lợn hộ gia đình sử dụng đệm lót sinh học,... cũng như mô hình trồng hoa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; phong trào xây dựng khu phố xanh - sạch - đẹp; phong trào sạch làng tốt ruộng.

2. Huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, nâng cao chất lượng nhân lực, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chuyển đổi cơ cấu kinh tế

2.1. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện phát triển bền vững: (1) Tăng cường đầu tư và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; (2) Huy động các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực cho các hoạt động PTBV; (3) Khuyến khích các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp bảo vệ môi trường.

2.2. Ứng dụng khoa học - công nghệ: Đối với các nhà khoa học, cần tăng cường cung cấp thông tin về công nghệ và quảng bá để thương mại hóa các sản phẩm công nghệ mới. Đối với doanh nhân: một trong những khó khăn phải vượt qua là tài chính để đầu tư đổi mới thiết bị và hiện đại công nghệ.

2.3. Mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh: Tăng cương hợp tác có hiệu quả với các tỉnh lân cận, đặc biệt với Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình... trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái

2.4. Mở rộng hợp tác quốc tế: Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trao đổi thông tin, khoa học công nghệ về phát triển bền vững, phát triển những ngành kinh tế môi trường (công nghệ xử lý chất thải, công nghệ tiêu tốn ít năng lượng, phát thải ít CO2, công nghệ tái chế rác thải…); phối hợp giải quyết những vấn đề toàn cầu và khu vực (liên quốc gia), như giảm phát thải CO2, ô nhiễm nguồn nước, không khí, khai thác rừng, những vấn đề xã hội như di dân, xuất khẩu lao động… Chủ động và tích cực tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.

3. Giải pháp về cơ chế chính sách

- Phê duyệt Quy hoạch phát triển bền vững tỉnh Hà Nam đến 2020. Đồng thời, xây dựng quy chế bảo vệ môi trường cụ thể cho các khu vực quan trọng, đặc biệt là Khu công nghiệp Châu Sơn nằm trên địa phận thành phố Phủ Lý, các khu vực khai thác khoáng sản...

- Ban hành Quy định chính sách hỗ trợ đối với cơ sở phải di dời ra khỏi khu dân cư hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh để bảo vệ môi trường làng nghề; Quy định mức chi cụ thể hợp đồng lao động thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường cấp huyện, cấp xã; chính sách hỗ trợ các đơn vị thu gom rác thải trên địa bàn; chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, đặc biệt tại các khu vực công cộng và các tòa nhà công của tỉnh.

- Chú trọng việc lồng ghép vấn đề môi trường vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khuyến khích nghiên cứu khoa học phục vụ lập kế hoạch phát triển bền vững.

4. Thực hiện bộ chỉ tiêu theo dõi, giám sát phát triển bền vững của tỉnh: gồm 13 tiêu chí

TT

Chỉ tiêu

2010

2015

2020

Cơ quan chịu trách nhiệm

I

Các chỉ tiêu tổng hợp

 

 

 

 

1

Chỉ số HDI

0,75/a

0,78

0,82

Cục Thống kê

2

Chỉ số GINI

0,32/b

0,32

0,33

II

Các chỉ tiêu kinh tế

 

 

 

 

3

NSLĐ XH (triệu đ./ lao động):

 

 

 

Cục Thống kê

- Giá cố định 2010

29,9

52,0

100,0

- USD giá cố định 2010

1.495

2.638

4.976

III

Các chỉ tiêu về xã hội

 

 

 

 

4

Tỷ lệ hộ nghèo (%)

12,81

6,63

dưới 3,0

Sở LĐ TBXH

5

Số giường bệnh bình quân/10.000 dân

20,2

26,0

32,0

Sở Y tế

6

Tỷ lệ lao động qua đào tạo (%)

35

55

70

Sở LĐ TBXH

7

Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới (%)

0

21

50

Sở NN & PTNT

IV

Các chỉ tiêu về môi trường

 

 

 

 

8

GTSP ngành công nghệ cao (%)

 

25-30

42-45

Sở Công thương

9

Giảm mức tiêu hao điện cho sản xuất (kWh/1 triệu đồng GTGT)

 

1-1,5%/năm

1-1,5%/năm

10

Tỷ lệ che phủ rừng (%)

7,0

7,2

7,0

Sở NN và PTNT

11

Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh (%)

75

90

100

12

Tỷ lệ xử lý chất thải rắn:

 

 

 

Sở Xây dựng

- Đô thị

80

95

> 95%

- Khu công nghiệp

80

100

100

13

Tỷ lệ xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn

 

 

- Đô thị (%)

 

85

> 95%

- Khu công nghiệp

33

100

100

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực, tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện Quy hoạch.

Các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Trên cơ sở Quy hoạch phát triển bền vững tỉnh Hà Nam đến năm 2020, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Mai Tiến Dũng