Quyết định 55/2011/QĐ-UBND về phê duyệt Chương trình Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành
Số hiệu: 55/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh Người ký: Nguyễn Nhân Chiến
Ngày ban hành: 14/04/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/2011/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 14 tháng 04 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ EM NĂM TUỔI GIAI ĐOẠN 2010-2015

UBND TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐDND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định 239/QĐ-TTg ngày 09 tháng 2 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi;
Căn cứ Hướng dẫn số 4148/BGDĐT/GDMN ngày 25 tháng 7 năm 2010 về việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi;
Xét đề nghị của giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh tại tờ trình số 281/SGD&ĐT-GDMN ngày 16.3. 2011 về việc đề nghị phê duyệt Chương trình triển khai thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt Chương trình Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi tỉnh Bắc Ninh đến 2015 (có Chương trình kèm theo).

Điều 2: Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện chương trình.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành./.

 

 

TM. UBND TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Nhân Chiến

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ EM NĂM TUỔI TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2010-2015
(Kèm theo Quyết định số: /QĐ-UBND ngày tháng 4 năm 2011 của UBND tỉnh Bắc Ninh)

I. MỤC TIÊU

Tiếp tục duy trì các chỉ tiêu đã đạt tiêu chuẩn phổ cập và đảm bảo 100% trẻ em năm tuổi trên địa bàn tỉnh được đến lớp và học 2 buổi/ngày, phấn đấu đến năm 2012, toàn tỉnh đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.

II. NHIỆM VỤ

1. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp:

Xây dựng 152 phòng học và 267 khối phòng chức năng theo chương trình kiên cố hóa trường lớp cho các lớp mầm non năm tuổi để đến năm 2012 có đủ phòng học kiên cố cho 100% các lớp năm tuổi.

2. Mua sắm trang thiết bị, đồ chơi, để thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới, cụ thể:

Mua sắm 615 bộ thiết bị tối thiểu theo tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 02/2010/TT- BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trang bị thêm 147 bộ thiết bị làm quen với vi tính và ngoại ngữ, 147 bộ đồ chơi ngoài trời theo tiêu chuẩn quy định để đến năm 2012 có 100% lớp mầm non năm tuổi đủ bộ đồ dùng thiết bị tối thiểu và được trang bị bộ thiết bị làm quen với vi tính, 100% các trường mầm non có bộ đồ chơi ngoài trời.

3. Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng hàng năm, phấn đấu đến năm 2012 toàn tỉnh giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 6%, cụ thể:

Đối với 13 xã có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trên 10% (chưa đạt chuẩn), phấn đấu đến năm 2012 đạt tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 10%, (đạt chuẩn); đối với 113 xã tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đạt mức chuẩn (dưới 10%) tiếp tục phấn đấu hàng năm giảm thêm từ 2-3%.

4. Đảm bảo đủ giáo viên theo tiêu chuẩn phổ cập, cụ thể:

- Tập trung thực hiện Quyết định 102 /2010/QĐ-UBND ngày 13. 8. 2010 của UBND tỉnh về việc chuyển đổi các trường Mầm non Bán công sang Công lập;

- Đến năm 2012, tuyển thêm 222 giáo viên dạy lớp năm tuổi để đảm bảo đủ theo quy định tại Thông tư 71/2008/TT-BGDĐT-BNV về hướng dẫn định mức biên chế (đạt 2 giáo viên/lớp);

- Sắp xếp, bố trí giáo viên để đảm bảo ngay trong năm học 2010-2011 có đủ 100% giáo viên dạy lớp năm tuổi đạt trình độ chuẩn, trong đó trên chuẩn đạt 90,6%, trình độ tin học cơ bản (trình độ A) đạt 50%. Đến hết năm 2012 có 95% giáo viên dạy lớp năm tuổi có trình độ trên chuẩn, 85% có trình độ tin học cơ bản; 100% giáo viên dạy lớp năm tuổi được hưởng thu nhập và các chế độ theo thang bảng lương giáo viên mầm non.

III. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 1 (2010-2011):

- Xây dựng 90 phòng học kiên cố cho các lớp mầm non năm tuổi; trang bị cho 361 lớp mầm non năm tuổi đủ thiết bị tối thiểu và bộ thiết bị nội thất dùng chung, 100% trường có máy vi tính và kết nối mạng Internet, 86 bộ làm quen với tin học và ngoại ngữ, 80 bộ đồ chơi ngoài trời;

- Xây dựng 21 trường mầm non chuẩn, nâng tỉ lệ trường mầm non đạt chuẩn lên 69%; 5/8 huyện, thị xã, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.

2. Giai đoạn 2 (2011-2012):

- Xây dựng 62 phòng học đảm bảo đủ 100% phòng học kiên cố cho các lớp mầm non năm tuổi, 187 phòng chức năng; Trang bị 67 bộ đồ chơi ngoài trời và 61 bộ thiết bị làm quen với tin học và ngoại ngữ;

- Xây dựng mới 9 trường mầm non đạt chuẩn, nâng số trường mầm non đạt chuẩn lên 110 trường, đạt 74,8%;

- Tiếp tục tuyển dụng 397 giáo viên đủ điều kiện vào biên chế Nhà nước theo Quyết định 102/2010/QĐ-UBND , tuyển mới 122 giáo viên dạy lớp năm tuổi;

- 100% số huyện, thị xã, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.

3. Giai đoạn 3 (2012-2015):

Nâng cao chất lượng đạt chuẩn chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mầm non năm tuổi.

IV. GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi;

2. Phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ từ 0 đến 5 tuổi; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mầm non năm tuổi. Tăng tỉ lệ bán trú ở các trường mầm non, nâng chất lượng bữa ăn cho trẻ, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng từ 7,4% (năm 2010) xuống 7% (năm 2011) và dưới 6% (năm 2012);

3. Hàng năm đưa chỉ tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương để chỉ đạo, thực hiện; đưa kết quả thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi vào tiêu chuẩn bình xét, đánh giá các tổ chức, cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể, bình xét gia đình văn hoá và đơn vị văn hoá.

4. Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục mầm non.

- Triển khai thực hiện đại trà Chương trình giáo dục mầm non mới cho trẻ em năm tuổi nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em năm tuổi;

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục mầm non, đến 2012 có 100% trẻ năm tuổi trong các trường mầm non được tiếp cận với tin học.

5. Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non.

- Tăng cường năng lực của các cơ sở giáo dục, đào tạo để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu phổ cập và đổi mới giáo dục mầm non;

- Đổi mới nội dung và phương thức bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, cập nhật kiến thức và kỹ năng cho giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới;

- Bảo đảm nguồn ngân sách để thực hiện trả lương cho giáo viên và cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập theo thang bảng lương và nâng lương theo định kỳ. Các cơ sở giáo dục mầm non tư thục bảo đảm chế độ lương cho giáo viên không thấp hơn ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho giáo viên theo quy định hiện hành.

6. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục

- Chủ động lồng ghép các Đề án hiện có của tỉnh và huy động nguồn lực của nhân dân để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi;

- Khuyến khích các địa phương thực hiện cơ chế học phí mới, tăng nguồn thu hợp pháp ở những nơi thuận lợi, cha mẹ trẻ có khả năng chi trả để thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non;

- Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển trường, lớp theo tinh thần Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

- Tăng cường mối quan hệ, phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ.

7. Về kinh phí

Bảo đảm ngân sách cho Chương trình và chi thường xuyên cho hoạt động chăm sóc, giáo dục mầm non năm tuổi.

a. Tổng kinh phí thực hiện PCGDMN (giai đoạn 2010-2012) là 177.793,5 triệu đồng, trong đó:

Dự án 1: Xây dựng mới 152 phòng học, 267 phòng chức năng, tổng số là 110.394 triệu đồng.

Dự án 2: Mua sắm trang thiết bị, đồ chơi cho trẻ em mầm non, tổng kinh phí là: 65.664 triệu đồng.

Dự án 3: Đào tạo, bồi dưỡng 361 giáo viên, tổng kinh phí là 1.985,5 triệu đồng.

b. Cơ cấu nguồn vốn

- Ngân sách Nhà nước: 106.643,7 triệu đồng

- Trái phiếu Chính phủ: 17.773,95 triệu đồng

- Chương trình mục tiêu: 17.773,95 triệu đồng

- Nhân dân đóng góp và các tổ chức xã hội tài trợ: 35.547,9 triệu đồng.

c. Phân kỳ đầu tư

Giai đoạn 1(2010-2011), tổng số 112.250 triệu đồng gồm:

- Xây dựng 90 phòng học và 187 phòng học chức năng, tổng kinh phí là: 73.170 triệu đồng.

- Mua sắm thiết bị và đồ chơi: 38.080 triệu đồng, gồm:

+ Bộ thiết bị tối thiểu và dùng chung: 361 bộ

+ Bộ thiết bị làm quen với tin học và ngoại ngữ: 86 bộ

+ Đồ chơi ngoài trời: 80 bộ

- Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên: 1.000 triệu đồng.

Giai đoạn 2 (2011-2012), tổng số: 65.793,5 triệu đồng gồm:

- Xây dựng 62 phòng học và 80 phòng học chức năng, tổng kinh phí là 37.224 triệu đồng.

- Mua sắm thiết bị và đồ chơi, tổng kinh phí là: 27.584 triệu đồng, gồm:

+ Bộ thiết bị tối thiểu và dùng chung: 254 bộ

+ Bộ thiết bị làm quen với tin học và ngoại ngữ: 61 bộ

+ Đồ chơi ngoài trời: 67 bộ

- Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên: 985,5 triệu đồng.

Số kinh phí đầu tư trên nằm trong Đề án kiên cố hóa trường lớp học và xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2010-2015 được UBND Tỉnh phê duyệt.

VI: TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Là cơ quan thường trực tổ chức thực hiện chương trình, chủ trì, phối hợp với các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi. Chỉ đạo hướng dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình và triển khai thực hiện;

- Triển khai, hướng dẫn thực hiện bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi, điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể và quy trình công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi;

- Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi;

 - Tổ chức kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, định kỳ hàng năm báo cáo theo yêu cầu;

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

 - Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc chỉ đạo giám sát việc thực hiện chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và các chính sách khác đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và trẻ mầm non.

3. Sở Y tế

 Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và hoàn thiện các chương trình dịch vụ y tế; kiểm tra, giám sát công tác chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng trong các trường, lớp mầm non năm tuổi theo các mục tiêu phổ cập; Phổ biến kiến thức, kỹ năng và cung cấp dịch vụ chăm sóc, giáo dục tại gia đình.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, thẩm định các dự án thuộc Chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, báo cáo Ủy ban nhân tỉnh phê duyệt; Bố trí chương trình mục tiêu để đảm bảo tiến độ thực hiện Chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.

5. Sở Tài chính

- Phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư đề xuất và triển khai cơ chế tài chính mới cho giáo dục và đào tạo giai đoạn 2010-2015; Tham mưu giúp UBND tỉnh phân bổ ngân sách thường xuyên, chương trình mục tiêu…để đảm bảo mục tiêu tiến độ thực hiện Chương trình;

- Hướng dẫn sử dụng kinh phí, quản lý tài chính cho các trường mầm non, kiểm tra công tác tài chính theo Luật Ngân sách.

6. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên, nhân viên mầm non vào biên chế và chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên mầm non thuộc các loại hình nhà trường, đảm bảo đủ giáo viên cho các cơ sở mầm non và giáo viên dạy lớp năm tuổi, quan tâm đầu tư đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn theo tiêu chuẩn phổ cập.

7. Sở Thông tin, Truyền thông; Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh

 Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các Sở, Ngành liên quan tăng cường công tác truyền thông, vận động xã hội để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.

8. UBND các huyện, thị xã, thành phố

Chịu trách nhiệm toàn diện về thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi trên địa bàn theo phân cấp quản lý, cụ thể:

- Xây dựng kế hoạch, cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chương trình để chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn;

- Chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, huy động trẻ đến trường;

- Chỉ đạo việc dành quỹ đất, xây dựng đủ phòng học cho các trường mầm non, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ chơi đáp ứng yêu vầu triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới; Đảm bảo bố trí đủ ngân sách chi cho phổ cập giáo dục mầm non trẻ em năm tuổi và giáo dục mầm non nói chung theo đúng quy định;

- Chỉ đạo việc thực hiện các chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng và các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên mầm non trên địa bàn theo quy định;

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi trên địa bàn.

9. Mặt trận Tổ quốc, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Khuyến học, các tổ chức, đoàn thể ở các cấp:

Quan tâm, chăm lo, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện Chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi trên địa bàn./.