Quyết định 540/QĐ-TTg năm 2014 về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra
Số hiệu: 540/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 16/04/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 27/04/2014 Số công báo: Từ số 463 đến số 464
Lĩnh vực: Ngân hàng, tiền tệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 540/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG ĐỐI VỚI NGƯỜI NUÔI TÔM VÀ CÁ TRA

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Quyết định này quy định về việc xử lý đối với các khoản nợ quá hạn và nợ đã được cơ cấu của khách hàng là hộ dân, chủ trang trại, hợp tác xã nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và trả nợ tổ chức tín dụng đến ngày 31 tháng 12 năm 2013.

Điều 2. Tổ chức tín dụng xử lý các khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn tạm thời trong việc trả nợ:

1. Cơ cấu lại nợ tối đa 36 tháng (bao gồm cả thời gian đã được cơ cấu lại nợ).

2. Không thu lãi quá hạn, lãi phạt đối với các khoản nợ được cơ cấu.

3. Ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau; trường hợp khách hàng đã trả xong nợ gốc, chưa trả hết nợ lãi thì tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng để có kế hoạch thu dần hàng năm tiếp theo.

4. Miễn, giảm lãi vay theo quy định của tổ chức tín dụng.

Điều 3. Xử lý các khoản nợ quá hạn của khách hàng không có khả năng trả nợ do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng

1. Tổ chức tín dụng trên cơ sở xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh...) để quyết định khoanh nợ trong thời hạn 03 năm đối với khách hàng. Tổ chức tín dụng căn cứ vào tình hình thực tế yêu cầu khách hàng đủ điều kiện khoanh nợ, hoàn tất các thủ tục khoanh nợ để tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước ngày 31 tháng 7 năm 2014.

Trong thời gian khoanh nợ, tổ chức tín dụng tính lãi nhưng không thu của khách hàng; trường hợp sau 03 năm khách hàng trả được đầy đủ gốc thì xóa lãi cho khách hàng; trường hợp khách hàng không trả được nợ gốc thì tổ chức tín dụng xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Số lãi khách hàng chưa trả được đến thời điểm khoanh nợ, tổ chức tín dụng xem xét thực hiện miễn, giảm lãi theo các quy định hiện hành (không tính lãi quá hạn, lãi phạt).

3. Tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo nhóm nợ đang áp dụng đối với khoản nợ tại thời điểm khoanh nợ

Điều 4. Cho vay mới

Tổ chức tín dụng được tiếp tục xem xét cho khách hàng vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh trên cơ sở phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi và không phụ thuộc vào các khoản nợ đã được xử lý theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Quyết định này.

Điều 5. Tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho vay tái cấp vốn tương ứng với số tiền tổ chức tín dụng thực hiện khoanh nợ cho khách hàng với lãi suất bằng không (0%/năm). Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày và được gia hạn tự động hàng năm với thời gian 03 năm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ vào danh sách khách hàng đủ điều kiện khoanh nợ do tổ chức tín dụng báo cáo để thực hiện giải ngân đối với tổ chức tín dụng.

Điều 6. Trách nhiệm của đơn vị có liên quan

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Chỉ đạo tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại nợ, khoanh nợ theo quy định tại Quyết định này;

b) Thực hiện tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng theo quy định tại Quyết định này;

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện.

2. Bộ Công Thương:

a) Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu đối với mặt hàng tôm và cá tra của Việt Nam;

b) Giải thích rõ mục đích và ý nghĩa chính sách của Chính phủ trong quan hệ thương mại quốc tế;

c) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra, giám sát, đề xuất xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy sản bền vững;

b) Phối hợp các địa phương quy hoạch, quản lý quy hoạch chặt chẽ các vùng sản xuất tôm, cá tra và kiểm tra đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng tôm và cá tra theo quy định;

c) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra, giám sát, đề xuất xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành việc xác nhận khách hàng trên địa bàn gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng khoanh nợ theo quy định tại Quyết định này;

b) Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách phát triển bền vững lĩnh vực sản xuất tôm và cá tra tại địa phương.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

- Điều này được hướng dẫn bởi Thông tư 26/2014/TT-NHNN (VB hết hiệu lực: 09/08/2019)

Căn cứ Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra;
...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng bằng đồng Việt Nam theo Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này quy định về tái cấp vốn bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) đối với các tổ chức tín dụng theo Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra (sau đây gọi là Quyết định số 540/QĐ-TTg).

2. Đối tượng áp dụng:

Các tổ chức tín dụng thực hiện khoanh nợ theo Quyết định số 540/QĐ-TTg cho các hộ dân, chủ trang trại, hợp tác xã nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và trả nợ tổ chức tín dụng đến ngày 31 tháng 12 năm 2013 (sau đây gọi là khách hàng).

Điều 2. Mức tái cấp vốn

Mức tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng tương ứng với số tiền tổ chức tín dụng đã thực hiện khoanh nợ cho khách hàng theo quy định tại Quyết định số 540/QĐ-TTg.

Điều 3. Thời hạn tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn

Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày và được tự động gia hạn đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại tại thời điểm đến hạn. Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu. Riêng lần gia hạn cuối cùng phải đảm bảo tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn là 03 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay tái cấp vốn.

Điều 4. Lãi suất tái cấp vốn

1. Lãi suất tái cấp vốn trong thời gian tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn quy định tại Điều 3 Thông tư này là 0%/năm.

2. Lãi suất tái cấp vốn quá hạn bằng 150% lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm chuyển nợ quá hạn đối với khoản vay tái cấp vốn.

Điều 5. Trình tự tái cấp vốn

1. Tổ chức tín dụng gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 04 bộ hồ sơ đề nghị tái cấp vốn về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Chính sách tiền tệ). Hồ sơ đề nghị tái cấp vốn bao gồm:

a) Giấy đề nghị tái cấp vốn theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Báo cáo danh sách khách hàng đủ điều kiện đã khoanh nợ theo Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị tái cấp vốn, Vụ Chính sách tiền tệ gửi hồ sơ đề nghị tái cấp vốn của tổ chức tín dụng đến Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để lấy ý kiến.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có ý kiến gửi Vụ Chính sách tiền tệ.

4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến các đơn vị, Vụ Chính sách tiền tệ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.

5. Căn cứ vào quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thực hiện thỏa thuận ký hợp đồng, giải ngân tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng.

Điều 6. Thẩm quyền ký văn bản của tổ chức tín dụng

Người có thẩm quyền thay mặt tổ chức tín dụng ký các văn bản về việc vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước là người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng.

Điều 7. Trả nợ vay tái cấp vốn

1. Khi hết thời hạn 03 năm kể từ ngày nhận giải ngân khoản vay tái cấp vốn, tổ chức tín dụng phải trả hết nợ vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước.

2. Tổ chức tín dụng trả nợ vay tái cấp vốn trước hạn cho Ngân hàng Nhà nước trong các trường hợp sau:

a) Khách hàng đã trả nợ cho tổ chức tín dụng trong thời gian được khoanh nợ. Trong thời hạn 10 ngày làm việc đầu tháng, tổ chức tín dụng trả nợ vay tái cấp vốn Ngân hàng Nhà nước số tiền tương ứng với số tiền khách hàng trả nợ cho tổ chức tín dụng trong tháng trước liền kề.

b) Các trường hợp phải thu hồi nợ vay tái cấp vốn trước hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Xử lý đối với việc tổ chức tín dụng không trả nợ đúng hạn

Trường hợp tổ chức tín dụng không trả nợ vay tái cấp vốn đúng hạn theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước chuyển khoản dư nợ tái cấp vốn còn lại của tổ chức tín dụng sang nợ quá hạn và áp dụng theo mức lãi suất tái cấp vốn quá hạn theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư này kể từ ngày quá hạn, đồng thời thực hiện các biện pháp thu hồi nợ:

1. Trích tài khoản tiền gửi của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước.

2. Thu nợ gốc và lãi từ các nguồn khác của tổ chức tín dụng.

3. Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng

1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các hồ sơ, số liệu, tài liệu đã cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước.

2. Theo dõi, thống kê kịp thời, chính xác các khoản nợ được khoanh theo quy định tại Quyết định số 540/QĐ-TTg để phục vụ cho việc kiểm toán nội bộ, báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước và kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Trả nợ vay tái cấp vốn theo quy định tại Thông tư này.

4. Chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của Ngân hàng Nhà nước trong việc chấp hành các quy định tại Thông tư này.

5. Định kỳ trong thời hạn 10 ngày làm việc đầu tháng, báo cáo Ngân hàng Nhà nước về việc trả nợ của khách hàng đã được khoanh nợ theo Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định pháp luật.

Điều 10. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước

1. Vụ Chính sách tiền tệ:

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định việc tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Thông tư này.

2. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế:

Có ý kiến gửi Vụ Chính sách tiền tệ theo thời hạn quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư này về các nội dung:

a) Đề nghị tái cấp vốn của tổ chức tín dụng.

b) Số tiền tổ chức tín dụng đã khoanh nợ cho khách hàng.

c) Kết quả xác nhận, đối chiếu tính hợp lý, sự phù hợp các chỉ tiêu trên Báo cáo danh sách khách hàng đủ điều kiện đã khoanh nợ do tổ chức tín dụng lập để vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước.

3. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng:

a) Có ý kiến gửi Vụ Chính sách tiền tệ về đề nghị tái cấp vốn của tổ chức tín dụng theo thời hạn quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

b) Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định tại Thông tư này; xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý các trường hợp vi phạm quy định của Thông tư này và các quy định khác có liên quan.

4. Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước:

a) Thỏa thuận ký kết hợp đồng tái cấp vốn giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng.

b) Thực hiện giải ngân tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn và thu hồi khoản vay tái cấp vốn của tổ chức tín dụng theo nội dung hợp đồng đã ký kết và quy định tại Thông tư này; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước các biện pháp xử lý thu hồi nợ tái cấp vốn trong trường hợp tổ chức tín dụng không trả nợ đúng hạn.

c) Thực hiện hạch toán và theo dõi khoản tái cấp vốn.

d) Định kỳ trong thời hạn 10 ngày làm việc đầu quý, báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đồng thời gửi Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Vụ Chính sách tiền tệ về việc cho vay, thu nợ tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng theo quy định tại Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Vụ Tài chính - Kế toán:

Hướng dẫn hạch toán kế toán về nghiệp vụ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng theo Quyết định số 540/QĐ-TTg.

6. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

Giám sát, kiểm tra, thanh tra các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc chấp hành quy định tại Thông tư này; xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) kết quả thực hiện.

Điều 11. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2014.

2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
...
Phụ lục số 01. GIẤY ĐỀ NGHỊ TÁI CẤP VỐN
...
Phụ lục số 02. BÁO CÁO DANH SÁCH KHÁCH HÀNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐÃ KHOANH NỢ
...
Phụ lục số 03. BÁO CÁO TRẢ NỢ TÁI CẤP VỐN CHO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
...
Phụ lục số 04. BÁO CÁO TÌNH HÌNH TÁI CẤP VỐN ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Xem nội dung VB




Hiện tại không có văn bản nào liên quan.