Quyết định 54/2005/QĐ-UBND ban hành Quy định tạm thời về cấp phát, quản lý và sử dụng kinh phí phục vụ công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật
Số hiệu: 54/2005/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 27/07/2005 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54 /2005/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 27 tháng 7 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ CẤP PHÁT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ PHỤC VỤ CÔNG TÁC KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản pháp luật; Thông tư số 01/2004/TT-BTP ngày 16/6/2004 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 109/2004/TTLT-BTC-BTP ngày 17/11/2004 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật;

Theo đề nghị của Sở Tư pháp tại Tờ trình số: 44/TP-VBTT ngày 22/6/2005 và Sở Tài chính tại Từ trình số: 1407/TT-TC/HCSN,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định tạm thời về cấp phát, quản lý và sử dụng kinh phí phục vụ công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Chủ tịch UBND các huyện - thị xã và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3.
- Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp.
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp.
- TT TU, HĐND, UBND tỉnh.
- CPVP
- Lưu VT-KTTH,NC,TTLTrữ

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
 CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Phúc

 

QUY ĐỊNH

TẠM THỜI VỀ CẤP PHÁT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ PHỤC VỤ CÔNG TÁC KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 54 /2005/QĐ-UBND ngày 27 /7 /2005 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Điều 1. Đối tượng được ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí để kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

1. Các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ giúp người có thẩm quyền kiểm tra văn bản do cơ quan, tổ chức khác ban hành quy định tại điều 13 Nghị định số: 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.

2. Các cơ quan được ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật gồm: Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện - thị xã.

Điều 2. Nội dung chi cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

1. Chi cho công tác kiểm tra văn bản gồm các nội dung:

a/ Chi cho các hoạt động in ấn, chuẩn bị tài liệu, thu thập các văn bản thuộc đối tượng kiểm tra; tổ chức các đoàn kiểm tra theo chuyên đề, địa bàn;

b/ Chi điều tra, khảo sát thực tế phục vụ công tác kiểm tra, xử lý văn bản;

c/ Chi lấy ý kiến chuyên gia: Trong trường hợp văn bản được kiểm tra thuộc chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp hoặc có dấu hiệu trái pháp luật, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định việc lấy ý kiến chuyên gia.

d/ Chi soạn thảo, viết báo cáo đánh giá kết luận về đợt kiểm tra văn bản (trong trường hợp phải thuê các chuyên gia bên ngoài cơ quan).

2. Chi tổ chức đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản:

a/ Các cơ quan, đơn vị tùy theo phạm vi chức năng và yêu cầu kiểm tra văn bản, được tổ chức đội ngũ cộng tác viên theo quy định tại điều 33 Nghị định số 135/2003/NĐ-CP. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị tùy theo yêu cầu nhiệm vụ để quyết định quy mô tổ chức của đội ngũ cộng tác viên.

b/ Nội dung chi cho đội ngũ cộng tác viên bao gồm:

- Chi thù lao cộng tác viên: Thù lao cộng tác viên được tính theo số lượng văn bản xin ý kiến;

- Chi thanh toán công tác phí cho cộng tác viên tham gia đoàn kiểm tra theo chuyên đề, địa bàn.

3. Chi tổ chức thu thập thông tin, tư liệu, lập hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm tra văn bản:

a/ Chi tổ chức thu thập, phân loại, xử lý các thông tin, tư liệu, tài liệu, dữ liệu, văn bản; trang bị sách, báo, tạp chí cần thiết theo danh mục do cơ quan, đơn vị lập hàng năm căn cứ vào phạm vi, yêu cầu của công tác kiểm tra để lập hệ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra văn bản. Trong số các tài liệu bổ sung nêu trên phải bảo đảm tối thiểu có 01 số công báo và các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi và lĩnh vực kiểm tra văn bản của cơ quan, đơn vị.

b/ Chi rà soát, xác định văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực tại thời điểm kiểm tra văn bản để lập hệ cơ sở dữ liệu, làm cơ sở pháp lý phục vụ công tác kiểm tra văn bản theo quy định tại khoản 2, điều 7 Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ;

c/ Chi trang bị và nâng cấp các trang thiết bị; tổ chức mạng lưới thông tin phục vụ cho việc xây dựng và quản lý hệ cơ sở dữ liệu; duy trì, bảo dưỡng và nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của hệ thống công nghệ thông tin (bao gồm cả việc chi mua sắm phần cứng, phần mềm, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, dịch vụ khác); ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin vào công việc chuyên môn (bao gồm cả việc tin học hóa hệ cơ sở dữ liệu).

4. Chi cho các hoạt động khác liên quan đến công tác kiểm tra văn bản: công bố kết quả xử lý văn bản trái pháp luật trên các phương tiên thông tin đại chúng; tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra văn bản cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra văn bản và đội ngũ cộng tác viên; chi sơ kết, tổng kết, tổ chức hội thi về công tác kiểm tra văn bản và các họat động khác của công tác kiểm tra văn bản theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Các quy định về nguồn kinh phí và mức chi:

1. Về nguồn kinh phí:

 a/ Kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của cấp nào thì do ngân sách cấp đó bảo đảm và được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của đơn vị (ngoài khoản đảm bảo cho chi hoạt động thường xuyên của các đơn vị).

b/ Kinh phí phục vụ hoạt động tự kiểm tra văn bản theo quy định tại điều 10 Nghị định số 135/2003/NĐ-CP được sử dụng từ nguồn kinh phí cho hoạt động thường xuyên của cơ quan có văn bản được kiểm tra.

2. Các nội dung chi tại điều 2 của Quy định này thực hiện theo đúng chế độ tiêu chuẩn, định mức chi tiêu hiện hành. Cụ thể như sau:

a/ Đối với các khoản chi công tác phí cho những người đi công tác trong nước (bao gồm cả cộng tác viên tham gia đoàn kiểm tra), chi để tổ chức các cuộc họp, hội nghị, tọa đàm, sơ tổng kết...., được thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí, chi hội nghị đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

b/ Đối với các khoản chi cho việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ và công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra văn bản và đội ngũ cộng tác viên được thực hiện theo quy định hiện hành của của nhà nước về quản lý sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - công chức nhà nước.

c/ Đối với các khoản chi lập hệ cơ sở dữ liệu tin học hóa phục vụ cho công tác kiểm tra văn bản được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 111/1998/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập tin điện tử thuộc công nghệ thông tin và các quy định hiện hành về công nghệ thông tin, xây dựng và quản lý hệ cơ sở dữ liệu.

3. Một số khoản chi có tính chất đặc thù trong việc kiểm tra, xử lý văn bản, mức chi cụ thể như sau:

a/ Chi thù lao cộng tác viên: 20.000 đồng/01 văn bản (Hai mươi ngàn đồng).

b/ Đối với các khoản chi tổ chức thu thập, phân loại, xử lý các thông tin, tư liệu, tài liệu, dữ liệu văn bản; trang bị sách, báo, tạp chí cần thiết cho việc lập hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm tra văn bản (kể cả chi cho việc truy cập mạng Internet để lấy thông tin, dữ liệu trong trường hợp cơ quan chưa có hệ thống mạng Internet) được thực hiện theo chứng từ chi hợp pháp, hợp lệ; đối với việc thu thập, phân loại, xử lý thông tin, tư liệu, tài liệu, văn bản mà không có mức giá xác định sẵn thì được chi theo mức 10.000 đồng/01 tài liệu hoặc văn bản (Mười ngàn đồng).

Khoản chi này không áp dụng đối với việc thu thập các văn bản quy phạm pháp luật đã được cập nhật trong các hệ cơ sở dữ liệu điện tử của cơ quan, đơn vị hoặc đăng trên công báo.

c/ Chi rà soát, xác định văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực tại thời điểm kiểm tra văn bản để lập hệ cơ sở dữ liệu, làm cơ sở pháp lý phục vụ cho công tác kiểm tra văn bản: 10.000 đồng/01 văn bản (Mười ngàn đồng).

d/ Chi thuê soạn thảo, viết báo cáo đánh giá kết luận về đợt kiểm tra văn bản: 100.000 đồng/01 báo cáo (Một trăm ngàn đồng).

 e/ Chi lấy ý kiến chuyên gia (nếu có) trong trường hợp văn bản được kiểm tra thuộc chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp hoặc có dấu hiệu trái pháp luật: 100.000 đồng/báo cáo (Một trăm ngàn đồng).

4. Đối với các khoản chi khác: làm đêm, làm thêm giờ, chi phí in ấn, chuẩn bị tài liệu và văn phòng phẩm... căn cứ vào hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán trước khi thực hiện làm căn cứ quyết toán kinh phí.

5. Trường hợp, đối với loại văn bản quy phạm pháp luật thuộc chuyên ngành có tính đặc thù, phức tạp thì mức chi trong việc kiểm tra, xử lý văn bản được tính bằng 1,5 lần mức chi tối thiểu tương ứng được quy định tại Thông tư liên tịch số 109/2004/TTLT-BTC-BTP .

Điều 4. Công tác lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí

Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch, yêu cầu công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và nội dung chi, mức chi tại quy định tạm thời này, các cơ quan, đơn vị lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tổng hợp chung trong dự toán kinh phí hoạt động thường xuyên. Việc lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

Giám đốc Sở Tư pháp, Sở Tài chính, thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện - thị xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng các quy định này./.