Quyết định 54/2004/QĐ-UB về Quy chế quản lý cụm dân cư, tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn thuộc vùng ngập lũ tỉnh Tiền Giang
Số hiệu: 54/2004/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang Người ký: Nguyễn Văn Phòng
Ngày ban hành: 11/11/2004 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/2004/QĐ-UB

Mỹ Tho, ngày 11 tháng 11 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ CỤM DÂN CƯ, TUYẾN BỜ BAO KHU DÂN CƯ CÓ SẴN THUỘC VÙNG NGẬP LŨ TỈNH TIỀN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI thông qua ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Quyết định số 1548/QĐ-TTg ngày 5/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư tôn nền vượt lũ để xây dựng các cụm tuyến dân cư vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long;

- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý cụm dân cư, tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn thuộc vùng ngập lũ tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng, thủ trưởng các sở, ban ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ,
- Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng,
- TTTU, TTHĐND tỉnh,
- Các Sở ngành,
- UBND huyện CB, CL, TP, CT
- Lãnh đạo và CVVPUB tỉnh,
- Lưu.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phòng

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ CỤM DÂN CƯ, TUYẾN BỜ BAO KHU DÂN CƯ CÓ SẴN THUỘC VÙNG NGẬP LŨ TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 54/2004/QĐ-UB ngày 11/11/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích của việc quản lý cụm dân cư và tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn là nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ công trình cụm dân cư, tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn, góp phần bảo đảm sự an toàn và ổn định cuộc sống của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Điều 2. Quy chế này quy định và hướng dẫn việc quản lý các công trình cụm dân cư và tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn được xây dựng tại các huyện vùng ngập lũ tỉnh Tiền Giang thuộc chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long theo nội dung các Quyết định số 173/2001/QĐ-TTg ngày 06/11/2001; Quyết định số 1548/QĐ-TTg ngày 5/12/2001; Quyết định số 78/2004/QĐ-TTg ngày 7/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Ngoài những quy định trong quy chế này, việc quản lý các cụm dân cư và tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn còn phải tuân thủ theo các quy định pháp luật khác có liên quan.

Chương II

BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG CÁC CỤM DÂN CƯ, CÁC TUYẾN BỜ BAO KHU DÂN CƯ CÓ SẴN

Điều 4. Phạm vi bảo vệ các cụm dân cư và tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn được quy định như sau:

- Đối với các cụm dân cư là diện tích đất được quyết định phê duyệt trong dự án đầu tư.

- Đối với các tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn là bờ bao và khoảng lưu không dọc theo bờ bao.

Điều 5. Các tổ chức và cá nhân phải có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ các cụm dân cư và tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn.

Khi phát hiện hành vi gây nguy hại hoặc đe doạ đến an toàn của các cụm dân cư và các tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn, người phát hiện phải kịp thời ngăn chặn, khắc phục, đồng thời báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc người có trách nhiệm quản lý gần nhất để xử lý.

Điều 6. Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1. Lấn chiếm, đào bới đất công, xây dựng công trình nhà cửa vi phạm quy hoạch, vi phạm các công trình hạ tầng kỹ thuật như cấp, thoát nước, giao thông nội bộ, đường điện... trong các cụm dân cư, làm ảnh hưởng hoặc tổn hại đến quyền lợi chung.

2. Khai thác đất, cát, nạo vét luồng lạch làm sạt lở hoặc gây nguy cơ sạt lở lưu không và bờ bao; đào bới lấy đất trong phạm vi lưu không và bờ bao; xây dựng nhà cửa.

3. Sử dụng lưu không và bờ bao làm bãi chứa vật liệu, hàng hoá, các loại chất thải và vật dụng khác.

4. Sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi vào các đường giao thông nội bộ của các cụm dân cư, các bờ bao.

5. Các hành vi khác gây ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn của các cụm dân cư và các tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn, trừ những hoạt động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép quy định tại Điều 8 của quy chế này.

Điều 7. Việc thay đổi tiêu chuẩn, quy mô, xây dựng bổ sung các công trình có liên quan đến cụm dân cư, tuyến bờ bao dân cư đã có phải tuân theo quy hoạch, đồng thời phải có dự án đầu tư xây dựng và phương án bảo vệ công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Trong trường hợp đặc biệt, tổ chức, cá nhân cần tiến hành một trong các hoạt động sau đây, phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép:

1. Cắt xẻ bờ bao để xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ bờ bao.

2. Khoan thăm dò trong phạm vi bảo vệ của cụm dân cư và bờ bao.

3. Xây dựng công trình chuyên dùng phòng chống lụt bão, công trình giao thông cầu cống.... trong phạm vi bảo vệ cụm dân cư và bờ bao.

4. Sử dụng bờ bao và lưu không làm nơi để vật liệu tạm thời.

5. Các hoạt động nạo vét luồng lạch hoặc khai thác đất cát không thuộc phạm vi bảo vệ của bờ bao nhưng có ảnh hưởng đến an toàn của bờ bao, ảnh hưởng đến việc thoát lũ phải thoả thuận bằng văn bản với cấp có thẩm quyền.

Điều 8. Việc kết hợp các tuyến bờ bao với làm đường giao thông phải đảm bảo an toàn cho bờ bao.

Tổ chức, cá nhân sử dụng và cải tạo bờ bao kết hợp với làm đường giao thông phải được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện.

Tổ chức, cá nhân sử dụng mặt bờ bao kết hợp làm đường giao thông có trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa mặt bờ bao đó; việc bảo dưỡng, sửa chữa phải tuân theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp huyện.

Điều 9. Mái bờ bao, khoảng lưu không và dọc theo các sông rạch cần trồng cỏ, trồng cây chắn sóng hoặc áp dụng các biện pháp khác để chống xói mòn, chống sạt lở bờ bao và lưu không.

Trong các cụm dân cư cần trồng cây xanh dọc theo các trục đường nội bộ, các khoảng đất trống, không làm ảnh hưởng các công trình hạ tầng của cụm dân cư, để tạo bóng mát, tạo môi trường trong sạch.

Điều 10. Mỗi địa phương huyện, xã, ấp, cần tổ chức lực lượng theo dõi, quản lý các cụm dân cư và bờ bao nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ cụm dân cư và bờ bao, nhất là vào mùa mưa lũ.

Tổ chức, nhiệm vụ và chế độ thù lao cho lực lượng này do Ủy ban nhân dân các huyện quy định, từ nguồn ngân sách địa phương.

Điều 11. Đối với các cụm dân cư, do đặc điểm sống tập trung có nhiều nội dung đặc thù mang tính chất đô thị, do vậy mỗi cụm dân cư phải có một bộ máy hành chính đủ năng lực quản lý, điều hành các hoạt động mang tính đặc thù của các cụm dân cư. Trong đó cần chú ý đến các vấn đề sau:

1. Quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật như cấp thoát nước, giao thông nội bộ, hệ thống điện. Nghiêm cấm các hành vi tự ý đấu nối, câu móc vào hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống điện, tự ý đào phá đường vỉa hè trong cụm dân cư...

2. Quản lý việc xây dựng nhà ở phải phù hợp với quy hoạch, đảm bảo các yêu cầu về lộ giới, chiều cao tầng, chiều cao nền, phải đảm bảo mỗi hộ có hố xí tự hoại riêng biệt và thoát ra hệ thống cống thoát nước chung .

3. Quản lý vệ sinh, môi trường, rác thải. Nghiêm cấm xả rác bừa bãi, phải đưa rác về bãi rác tập trung để xử lý đúng quy cách.

Đối với các cụm dân cư có bố trí các khu hành chính, chợ, công trình công cộng, khu vui chơi giải trí... thì nhất thiết phải có nhà vệ sinh công cộng.

4. Quản lý an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

5. Quản lý phòng cháy, chữa cháy và an toàn cháy nổ.

Ủy ban nhân dân các huyện vùng lũ cần chỉ đạo và hướng dẫn mỗi cụm dân cư phải có những quy định cụ thể nhằm quản lý tốt những vấn đề nêu trên.

6. Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá mới.

Điều 12. Đối với các tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn, để giải quyết việc ứ đọng nước gây ô nhiễm môi trường trong mùa mưa lũ, mỗi địa phương cần huy động tốt lực lượng bơm tát, bố trí hệ thống bơm có công suất hợp lý để giải quyết tốt vấn đề trên.

Chương III

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CỤM DÂN CƯ, TUYẾN BỜ BAO KHU DÂN CƯ CÓ SẴN

Điều 13.

1 - Nội dung quản lý nhà nước về các cụm dân cư, tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn gồm:

1.1 Xây dựng và chỉ đạo việc lập kế hoạch, chính sách, kinh phí về xây dựng, tu bổ, quản lý, bảo vệ, sử dụng các cụm dân cư và các tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn .

1.2 Ban hành các quy định, quy chế và tổ chức thực hiện các quy định quy chế về xây dựng, tu bổ, bảo vệ, sử dụng các cụm dân cư và các tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn.

1.3 Tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức, kinh nghiệm về quản lý, bảo vệ, sử dụng các cụm dân cư và các tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn.

1.4 Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về các cụm dân cư, các tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về cụm dân cư và các tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn trên địa bàn các huyện vùng lũ của tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành thực hiện việc quản lý các công trình cụm dân cư và tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn đã được xây dựng trên địa bàn theo sự phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chương IV

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 14. Các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong xây dựng, tu bổ, bảo vệ, quản lý các cụm dân cư và các tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn thì được chính quyền các cấp xem xét khen thưởng .

Điều 15. Người nào có hành vi phá hoại như: đào, xẻ, sử dụng trái phép các công trình cụm dân cư và các tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm hoặc bao che cho người khác vi phạm các quy định trong quy chế này tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Việc điều chỉnh, bổ sung hoặc thay đổi những quy định tại quy chế này phải do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Giao Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức thực hiện quy chế này, nếu có vấn đề phát sinh chưa phù hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét để kịp thời bổ sung sửa đổi.

Giao Giám đốc Sở Xây dựng theo dõi việc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện Quy chế này với Ủy ban nhân dân tỉnh.