Quyết định 54/2002/QĐ-UB về "Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình 12/CTr-TU Thành phố Hà Nội" do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: | 54/2002/QĐ-UB | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Hà Nội | Người ký: | Lê Quý Đôn |
Ngày ban hành: | 10/04/2002 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
SỐ:54/2002/QĐ-UB |
Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH 12/CTR-TU THÀNH PHỐ HÀ NỘI"
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Chương trình 12/CTr - TU ngày 5/11/2001 của Thành uỷ về phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hoá nông thôn giai đoạn 2001 - 2005;
Căn cứ Quyết định số 1485/QĐ-UB ngày 6/3/2002 của UBND Thành phố về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình 12/CTr-TU Thành phố Hà Nội;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội (Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện chương trình 12/CTr-TU Thành phố Hà Nội).
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1 : Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện chương trình 12/CTr-TU Thành phố Hà Nội".
Điều 2 : Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3 : Chánh văn phòng HĐND và UBND Thành phố, các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình 12/CTr-TU Thành phố, Chủ tịch UBND các huyện, Thủ trưởng các ngành, các cấp liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH 12/CTR-TU THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo quyết định 54/2002/QĐ-UB ngày 10/4/2002 của UBND Thành phố Hà Nội)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1 : Bản quy chế này quy định các hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình 12/CTr-TU Thành phố, nhằm đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế ngoại thành và hiện đại hoá nông thôn trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Điều 2 : Bạn chỉ đạo thực hiện chương trình.12/CTr-TU Thành phố hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành uỷ, UBND Thành phố Hà Nội.
Ban chỉ đạo Thành phố có nhiệm vụ (theo Quyết định thành lập Ban chỉ đạo) :
- Tham mưu giúp Thành uỷ và UBND Thành phố về các chủ trương, chính sách và các biện pháp tổ chức thực hiện các mục tiêu Chương trình 12/CTr-TU ngày 5/11/2001 của Thành uỷ khoá XIII "Về phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hoá nông thôn giai đoạn 2001 - 2005".
- Chỉ đạo các Sở Ban, Ngành và UBND các Huyện chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phát triển kinh tế xã hội nông thôn theo mục tiêu nhiệm vụ của Chương trình 12/CTr-TU của Thành uỷ khoá XIII về phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hoá nông thôn giai đoạn 2001 - 2005 và phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng ngành và điều kiện cụ thể của từng Huyện.
Điều 3 : Các thành viên trong ban chỉ đạo Thành phố có trách nhiệm thực hiện việc điều hành chung do Ban chỉ đạo phân công; làm việc theo chế độ kiêm chức; Đồng thời trực tiếp chỉ đạo ngành của mình có kế hoạch và giải pháp cụ thể theo chức năng nhiệm vụ về phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hoá nông thôn. Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội là cơ quan thường trực giúp Ban chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện của các Sở, Ban, Ngành, UBND các Huyện báo cáo Ban chỉ đạo hàng quý, hàng năm.
Điều 4 : Kinh phí cho hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện Chương trình 12/CTr-TU Thành phố, do ngân sách Thành phố cấp hàng năm. Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm lập dự toán trình UBND Thành phố quyết định; đồng thời có trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn kinh phí này theo chế độ tài chính hiện hành.
Chương 2:
TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH 12/CTR-TU THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Điều 5 : Ban chỉ đạo Thành phố hoạt động theo chế độ cá nhân phụ trách, chỉ đạo theo chức năng nhiệm vụ được phân công, thảo luận tập thể và quyết định theo đa số.
Điều 6 : Trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo :
1. Đ/c Lê Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng Ban chỉ đạo Thành phố.
a. Chịu trách nhiệm trước Thành uỷ, HĐND và UBND Thành phố về các hoạt động của Ban chỉ đạo.
b. Điều hành hoạt động của Ban : điều hành sự phối hợp giữa các Sở, Ban, Ngành của Thành phố và UBND các huyện và phối hợp với các cơ quan Trung ương trong việc thực hiện Chương trình phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hoá nông thôn.
c. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo.
Các văn bản do Trưởng ban ký được đóng dấu UBND Thành phố Hà Nội.
2. Đ/c Nguyễn Tiễn Dĩnh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội : Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo :
a. Giúp việc cho Trưởng Ban, thay mặt trưởng Ban giải quyết công việc của Ban khi Trưởng Ban uỷ quyền.
b. Đôn đốc kiểm tra, triển khai các đề án, dự án PTKT và Hiện đại hoá nông thôn theo Chương trình 12.
-Tổng hợp nghiên cứu chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Chỉ đạo tổ chuyên viên dự thảo các văn bản của Ban, theo dõi tổng hợp tình hình thực hiện chương trình.
c. Hướng dẫn đôn đốc các ngành , UBND các Huyện và các đơn vị có liên quan nhằm thực hiện các nhiệm vụ được Trưởng Ban thống nhất phân công.
d. Chịu trách nhiệm theo dõi chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở địa chính nhà đất, Sở Thương mại, Huyện Gia Lâm và các đề án dự án theo kế hoạch của UBND Thành phố;
Các văn bản do Phó Ban thường trực ký được đóng dấu của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội.
3. Đ/c Đàm Hồng : Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, Phó Ban.
a. Giúp Trưởng Ban về công tác quy hoạch, kế hoạch PTKTNT và Hiện đại hoá nông thôn;
b. Tổng hợp các nguồn vốn đầu tư cho các Huyện ngoại thành và các dự án của Chương trình.
c. Thay mặt Trưởng Ban điều hành hoạt động của Ban khi Trưởng ban uỷ quyền.
d. Chịu trách nhiệm theo dõi chỉ đạo Sở kế hoạch - Đầu tư, Sở Công nghiệp, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và huyện Đông Anh, các dự án đề án theo kế hoạch của UBND Thành phố.
4. Đ/c Nguyễn Văn Kết - Uỷ viên UBND Thành phố : Phó Ban có trách nhiệm :
a. Nghiên cứu đề xuất biện pháp tổ chức thực hiện chương trình.
b. Giúp Trưởng ban theo dõi đôn đốc và phối hợp các hoạt động của Ban, các ngành, các huyện.
c. Chỉ đạo theo dõi đôn đốc các ngành Văn hoá Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Thể dục Thể thao và Huyện Sóc Sơn.
d. Điều hành hoạt động của Ban khi được Trưởng Ban uỷ quyền.
5. Đ/c Kông Xuân Mùi - Cục phó Cục Thống kê Hà Nội - Uỷ viên :
a. Đề xuất hệ thống chỉ tiêu thống kê thực hiện chương trình và chỉ đạo hướng dẫn về công tác thống kê tổng hợp kết quả thực hiện.
b. Cung cấp thông tin phân tích kết quả thực hiện chương trình theo yêu cầu của Thành uỷ, UBND Thành phố.
c. Chịu trách nhiệm theo dõi và chỉ đạo Cục thống kê Hà Nội.
6. Đ/c Bùi Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao thông công chính - Uỷ viên :
a. Có trách nhiệm chỉ đạo và theo dõi về tình hình quy hoạch và thực hiện xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn.
b. Chịu trách nhiệm theo dõi chỉ đạo ngành Giao thông Công chính.
7. Đ/c Trần Kỷ, Giám đốc Chi nhánh quỹ hỗ trợ PTSX Hà Nội - Uỷ viên:
- Nghiên cứu cơ chế chính sách của Nhà nước đề xuất các giải pháp đầu tư, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
a. Đề xuất các giải pháp về vốn cho các dự án và vồn cho nông dân vay phát triển sản xuất.
b. Chịu trách nhiệm theo dõi Huyện Từ Liêm.
8. Đ/c Đồng Thị Bẩy, Phó Giám đốc Sở Tài chính Vật giá : uỷ viên :
a. Có trách nhiệm chỉ đạo theo dõi hướng dẫn kiểm tra việc sử dụng vốn do ngân sách Thành phố cấp. Phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư và các Sở ngành đề xuất chính sách tạo nguồn vốn và hỗ trợ vốn đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn.
b. Chịu trách nhiệm theo dõi và chỉ đạo Sở Tài chính Vật giá.
c. Cân đối và cấp kinh phí cho hoạt động của Ban.
9. Đ/c Ngô Đại Ngọc, PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT - Tổ trưởng Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo, trực tiếp theo dõi Huyện Thanh Trì.
Điều 7 : Lịch làm việc của Ban chỉ đạo Thành phố.
- Mỗi quý Ban chỉ đạo họp 1 lần vào tuần thứ 4 của tháng cuối quý để đánh giá kết quả công tác trong quý và bàn kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo trong quý tới, bàn một số nội dung cần thiết phục vụ chỉ đạo chương trình. Nội dung cuộc họp do thường trực Ban chỉ đạo chuẩn bị hoặc do Trưởng Ban chỉ đạo phân công.
- Ngoài các cuộc họp định kỳ có thể có các cuộc họp đột xuất của Ban chỉ đạo hoặc Thường trực Ban chỉ đạo do Trưởng Ban triệu tập.
- Trước mỗi lần họp, Thường trực Ban chỉ đạo sẽ thông báo nội dung họp cho các thành viên.
- Ban chỉ đạo họp sơ kết 6 tháng đầu năm vào tháng 7, tổng kết công tác năm trước và bàn kế hoạch công tác năm sau vào quý 1 năm sau.
- Ban chỉ đạo sẽ tổ chức kiểm tra thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hoá nông thôn của các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện. Thời gian và nội dung kiểm tra sẽ do Thường trực Ban thông báo. Các Sở, Ban, Ngành và UBND các Huyện có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ nội dung chương trình báo cáo theo yêu cầu của Ban chỉ đạo.
Tuỳ theo tính chất, nội dung các cuộc họp Ban chỉ đạo, có thể mời thêm các ngành không là thành viên Ban chỉ đạo và chuyên viên giúp việc cho các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo.
Điều 8 :Quy định về công tác xét duyệt thi đua và xã đạt tiêu chuẩn nông thôn hiện đại giai đoạn 2001 - 2005.
- Cuối năm 2003 : Thành phố xét duyệt khen thưởng xã có thành tích về PTKT và xây dựng nông thôn hiện đại 2 năm 2002 - 2003.
- Cuối năm 2005 : Thành phố xét duyệt công nhận xã đạt tiêu chuẩn nông thôn hiện đại giai đoạn 2001 - 2005.
- UBND các Huyện có trách nhiệm xét duyệt và lập hồ sơ các xã đạt được đề nghị Thành phố xét khen thưởng xã có thành tích PTKT và xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn hiện đại giai đoạn 2001 - 2005. Việc xét duyệt thi đua và công nhận các xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn hiện đại theo quy định của Nhà nước về thi đua khen thưởng.
Điều 9 : Chế độ làm việc của thường trực Ban chỉ đạo Thành phố.
- Thường trực Ban chỉ đạo thay mặt Ban chỉ đạo điều hành công việc thường xuyên của Ban; khi cần thiết, thường trực Ban chỉ đạo có thể mời một số đồng chí thành viên Ban chỉ đạo đại diện các ngành, Huyện và chuyên viên giúp việc để bàn triển khai những công việc cụ thể.
- Đôn đốc các thành viên, các Sở, Ban, Ngành, UBND các Huyện chuẩn bị nội dung các báo cáo sơ kết, tổng kết và các cuộc kiểm tra của Ban chỉ đạo.
- Xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban và kế hoạch thực hiện Chương trình để trình Ban chỉ đạo thông qua và triển khai, đôn đốc thực hiện.
- Tổng hợp tình hình thực hiện chương trình và kết quả hoạt động của Ban.
- Xây dựng kế hoạch tài chính và quản lý sử dụng kinh phí hoạt động của Ban theo đúng chế độ Nhà nước quy định.
- Là nơi tiếp nhận, xử lý thông tin, lưu trữ công văn, giấy tờ của Ban chỉ đạo.
Chương 3:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10 : Các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện chương trình 12/CTr-TU Thành phố có trách nhiệm thực hiện quy chế này. Các cá nhân làm tốt, có thành tích trong hoạt động sẽ được Ban chỉ đạo xem xét đề nghị UBND Thành phố khen thưởng.
Những cá nhân không thực hiện đúng quy chế này tuỳ mức độ sẽ bị xử lý hành chính theo quy định.
Điều 11 : Quy chế được thực hiện kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, Ban chỉ đạo sẽ điều chỉnh cho phù hợp.