Quyết định 537/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch cấp nước an toàn Hệ thống cấp nước thành phố Kon Tum, tỉnh Kon tum
Số hiệu: | 537/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Kon Tum | Người ký: | Nguyễn Đức Tuy |
Ngày ban hành: | 20/05/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Xây dựng nhà ở, đô thị, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 537/QĐ-UBND |
Kon Tum, ngày 20 tháng 05 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH CẤP NƯỚC AN TOÀN HỆ THỐNG CẤP NƯỚC THÀNH PHỐ KON TUM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007;
Căn cứ Thông tư số 08/2012/TT-BXD ngày 21/11/2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Công văn số 419/SXD-QLNHTKT ngày 22/4/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch cấp nước an toàn Hệ thống cấp nước thành phố Kon Tum với những nội dung chính như sau:
1. Tên kế hoạch: Kế hoạch cấp nước an toàn Hệ thống cấp nước thành phố Kon Tum.
2. Đơn vị triển khai: Công ty TNHH MTV Cấp nước Kon Tum.
3. Nội dung:
- Đánh giá hiện trạng hệ thống cấp nước thành phố Kon Tum.
+ Tổng số hệ thống cấp nước: 01 công trình.
+ Tổng công suất thiết kế: 12.000 m3/ngày.đêm.
+ Tổng chiều dài hệ thống đường ống: 172.817m. Trong đó: Ống chuyền tải, phân phối: 92.622m; ống nhánh: 61.277m; ống nối hộ gia đình: 18.918m.
- Xác định, phân tích và đánh giá mức độ nguy cơ, rủi ro đối với hệ thống cấp nước:
+ Xác định các nguy cơ rủi ro từ nguồn nước, lưu vực.
+ Xác định các nguy cơ, rủi ro về mặt hóa học, lý học và sinh học theo quy trình công nghệ hệ thống cấp nước.
+ Xác định các nguy cơ, rủi ro đối với việc đảm bảo cấp nước liên tục, lưu lượng và áp lực trong mạng lưới cấp nước đến khách hàng sử dụng nước.
+ Xác định thứ tự ưu tiên về các nguy cơ, rủi ro để đề xuất các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa, bao gồm: Nguy cơ về ô nhiễm, biến động, suy giảm nguồn nước; nguy cơ xảy ra tại khu vực trạm bơm nước thô và trạm xử lý; nguy cơ về các sự cố trên mạng lưới đường ống cấp nước; nguy cơ về ý thức sử dụng nước của khách hàng; nguy cơ về sự cố mất điện, cắt điện luân phiên, giảm tải của ngành điện.
- Các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa, khắc phục rủi ro và kế hoạch triển khai áp dụng.
- Kế hoạch kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa và khắc phục các nguy cơ, rủi ro.
- Kế hoạch, quy trình ứng phó với biến đổi xảy ra trong điều kiện vận hành có sự cố, mất kiểm soát và tình huống khẩn cấp.
- Các tiêu chí, các chỉ số giám sát và giới hạn kiểm soát để đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn.
- Quản lý cơ sở dữ liệu có liên quan về cấp nước an toàn.
- Các chương trình hỗ trợ và kế hoạch triển khai.
- Kế hoạch đánh giá kết quả thực hiện cấp nước an toàn.
- Nguồn kinh phí thực hiện: Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn được tính vào chi phí sản xuất chung trong giá tiêu thụ nước sạch.
(Có Kế hoạch cấp nước an toàn kèm theo)
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Xây dựng:
- Kiểm tra, đánh giá, báo cáo hàng năm và đột xuất tình hình triển khai Kế hoạch cấp nước an toàn về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.
- Kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn.
2. Công ty TNHH MTV cấp nước Kon Tum:
- Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn đã được phê duyệt.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá các tác động ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, đề xuất các biện pháp quản lý các nguồn ô nhiễm nhằm bảo vệ và duy trì chất lượng nước, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp làm ô nhiễm nguồn nước, thông báo kịp thời tình hình chất lượng nước cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Xác định ranh giới, lắp đặt biển báo, tổ chức bảo vệ an toàn khu vực thu nước, hệ thống cấp nước; phát hiện và ngăn chặn kịp thời, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm, gây mất an toàn cho hoạt động cấp nước trên địa bàn do mình quản lý.
- Giải quyết và xử lý sự cố, khôi phục và cung cấp ổn định cho khách hàng sau sự cố thuộc hệ thống cấp nước do mình quản lý.
- Đề xuất lựa chọn các nguồn nước khai thác lâu dài, dự phòng và công nghệ xử lý phù hợp theo từng giai đoạn nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ cấp nước đạt chất lượng và hiệu quả.
- Tham gia tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước sạch tiết kiệm và an toàn.
- Báo cáo định kỳ vào trước ngày 25 của tháng cuối quý và báo cáo đột xuất tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn về Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Xây dựng.
Điều 3. Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và Chủ tịch Công ty TNHH MTV cấp nước Kon Tum chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Thông tư 08/2012/TT-BXD hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Ban hành: 21/11/2012 | Cập nhật: 24/11/2012
Nghị định 124/2011/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch Ban hành: 28/12/2011 | Cập nhật: 29/12/2011
Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch Ban hành: 11/07/2007 | Cập nhật: 26/07/2007