Quyết định 52/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam
Số hiệu: | 52/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 12/01/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, hợp tác xã, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM THÀNH LẬP TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP XÂY DỰNG VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 111/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, quản lý tổng công ty nhà nước và chuyển đổi tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập, công ty mẹ là công ty nhà nước theo hình thức công ty mẹ - công ty con hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con với nội dung như sau:
1. Thành lập Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam do Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt với sự tham gia của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tương đồng thuộc Bộ Xây dựng và các thành phần kinh tế khác để hình thành một tổ chức kinh tế mạnh đa sở hữu, trong đó sở hữu Nhà nước là chi phối, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; kinh doanh đa ngành, trong đó xây dựng và tổng thầu xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi, giao thông, công nghiệp, cơ khí chế tạo và sản xuất vật liệu xây dựng là ngành kinh doanh mũi nhọn; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với khoa học, công nghệ, nghiên cứu triển khai, đào tạo; làm nòng cốt để ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh, hoạt động có hiệu quả.
2. Cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam bao gồm:
a) Công ty mẹ - Tập đoàn Sông Đà là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; hoạt động theo quy định của pháp luật, trực tiếp tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư tài chính vào các công ty con, công ty liên kết; giữ quyền chi phối các công ty con thông qua vốn, tài sản được Nhà nước giao quản lý, công nghệ, thương hiệu và thị trường.
Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty mẹ: tổng thầu xây lắp (tổng thầu EPC) và thi công xây lắp các công trình giao thông, công nghiệp, dân dụng, điện, thủy lợi, tổ hợp các công trình ngầm; sản xuất, kinh doanh điện thương phẩm; sản xuất, kinh doanh vật tư, thiết bị, vật liệu xây dựng; chế tạo và lắp đặt các thiết bị, máy móc công nghiệp.
Ngành nghề kinh doanh liên quan: đầu tư phát triển và kinh doanh khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế; kinh doanh bất động sản; đóng mới và sửa chữa tàu thuyền; thi công và xử lý nền móng công trình, khoan nổ mìn; tư vấn thiết kế và tổng thầu tư vấn thiết kế các dự án đầu tư, xây dựng; vận tải đường thủy, đường bộ; tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành về bất động sản và xây dựng, xuất khẩu lao động; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, khách sạn, cho thuê văn phòng.
Ngành nghề kinh doanh khác theo quy định của pháp luật và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Công ty mẹ được hình thành trên cơ sở tổ chức lại bộ máy quản lý, điều hành, tham mưu giúp việc, các Ban quản lý, điều hành dự án, các đơn vị phụ thuộc và đơn vị sự nghiệp của Tổng công ty Sông Đà.
Bộ máy quản lý của Công ty mẹ bao gồm: Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Ban kiểm soát và bộ máy giúp việc.
Tập đoàn Sông Đà có trách nhiệm kế thừa các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của Tổng công ty Sông Đà.
b) Các công ty con do Tập đoàn Sông Đà nắm giữ 100% vốn điều lệ
- Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - LILAMA;
- Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng - LICOGI;
- Tổng công ty Cơ khí xây dựng - COMA;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hạ tầng Sông Đà.
c) Các công ty con do Tập đoàn Sông Đà nắm giữ trên 50% vốn điều lệ:
- Tổng công ty cổ phần Sông Hồng;
- Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng;
- Công ty cổ phần Sông Đà 1 (Hà Nội);
- Công ty cổ phần Sông Đà 2 (Hà Nội);
- Công ty cổ phần Sông Đà 3 (Gia Lai);
- Công ty cổ phần Sông Đà 4 (Gia Lai);
- Công ty cổ phần Sông Đà 5 (Sơn La);
- Công ty cổ phần Sông Đà 8 (Sơn La);
- Công ty cổ phần Sông Đà 9 (Hà Nội);
- Công ty cổ phần Sông Đà 10 (Hà Nội);
- Công ty cổ phần Sông Đà 25 (Thanh Hóa);
- Công ty cổ phần Tư vấn Sông Đà (Hà Nội);
- Công ty cổ phần Thủy điện Cần Đơn (Bình Phước);
- Công ty cổ phần Simco Sông Đà (Hà Nội);
- Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà Yaly (Gia Lai);
- Công ty cổ phần Thủy điện Ry Ninh 2 (Gia Lai);
- Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long (Quảng Ninh);
- Công ty cổ phần Thủy điện Nà Lơi (Điện Biên);
- Công ty cổ phần Thép Việt Ý (Hưng Yên);
- Công ty cổ phần Thủy điện Sê San 3 A (Gia Lai);
- Công ty cổ phần Thanh Hoa - Sông Đà (Thanh Hóa);
- Công ty cổ phần Thủy điện Nậm Chiến (Sơn La);
- Công ty cổ phần Thủy điện Hương Sơn (Hà Tĩnh);
- Công ty cổ phần SOMECO Sông Đà (Hà Nội);
- Công ty cổ phần Thủy điện Trà Xom (Bình Định);
- Công ty cổ phần Phòng cháy chữa cháy và đầu tư xây lắp Sông Đà (Hà Nội);
- Công ty cổ phần Điện Việt - Lào (Hà Nội);
- Công ty cổ phần Thủy điện Sơn Trà - Sông Đà (Quảng Nam);
- Công ty cổ phần Luật thép Sông Đà (Hải Phòng)
d) Các công ty do Tập đoàn Sông Đà nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ:
- Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Sông Đà (Hà Nội);
- Công ty cổ phần Sông Đà 6 (Gia Lai);
- Công ty cổ phần Sông Đà 7 (Sơn La);
- Công ty cổ phần Sông Đà 11 (Hà Nội);
- Công ty cổ phần Sông Đà 12 (Hà Nội);
- Công ty cổ phần Sông Đà 27 (Hà Tĩnh);
- Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SUDICO) - (Hà Nội);
- Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Đô thị Sông Đà (Hà Nội);
- Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà - Hòa Bình (Hòa Bình);
- Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Sông Đà (TP. Hồ Chí Minh);
- Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà (Hà Nội);
- Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 2 (Vĩnh Phúc);
- Công ty cổ phần Thủy điện Sông Đà - Hoàng Liên (Lào Cai);
- Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Vân Phong (Khánh Hòa);
- Công ty cổ phần Sông Đà - JURONG (TP. Hải Phòng);
- Công ty TNHH Tư vấn Sông Đà - UCRIN (Hà Nội).
đ) Việc thành lập các tổng công ty, các đơn vị thành viên mới; tổ chức lại các đơn vị thành viên hiện có; tiếp nhận các đơn vị thành viên mới, Hội đồng quản trị Tập đoàn Sông Đà thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên tổ chức hoạt động theo quy định của pháp luật tương ứng với loại hình tổ chức của doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa Tập đoàn Sông Đà với chủ sở hữu nhà nước và các đơn vị thành viên được thực hiện phù hợp với pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Sông Đà.
4. Thủ tướng Chính phủ trực tiếp hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan liên quan và Hội đồng quản trị Tập đoàn Sông Đà thực hiện một số quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Sông Đà.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng Bộ Xây dựng:
a) Quyết định chuyển giao quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng, Tổng công ty Cơ khí xây dựng, Tổng công ty cổ phần Sông Hồng và Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng cho Hội đồng quản trị Tập đoàn Sông Đà trong quý I năm 2010;
b) Chịu trách nhiệm chỉ đạo và theo dõi việc thực hiện Quyết định này; kịp thời phát hiện, giải quyết những vướng mắc phát sinh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những vấn đề mới cần thí điểm trong quá trình thực hiện.
2. Hội đồng quản trị Tập đoàn Sông Đà quyết định chuyển Công ty mẹ - Tổng công ty: Lắp máy Việt Nam; Xây dựng và phát triển hạ tầng; Cơ khí xây dựng thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định hiện hành.
3. Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ; Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp theo chức năng nhiệm vụ, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng và Hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà, Hội đồng quản trị Tập đoàn Sông Đà trong việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ; Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà và Hội đồng quản trị Tập đoàn Sông Đà chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |
Nghị định 101/2009/NĐ-CP về việc thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước Ban hành: 05/11/2009 | Cập nhật: 10/11/2009
Nghị định 111/2007/NĐ-CP về tổ chức, quản lý tổng công ty nhà nước và chuyển đổi tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập, công ty mẹ là công ty nhà nước theo hình thức công ty mẹ - công ty con hoạt động theo Luật doanh nghiệp Ban hành: 26/06/2007 | Cập nhật: 04/07/2007