Quyết định 52/2014/QĐ-UBND về Quy chế luân chuyển cán bộ quản lý, nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Số hiệu: 52/2014/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Võ Đại
Ngày ban hành: 10/07/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2014/QĐ-UBND

Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 10 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ QUẢN LÝ, NHÀ GIÁO TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC CÔNG LẬP THUỘC HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

Căn cứ Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 19 tháng 10 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1001/TTr-SGDĐT ngày 01 tháng 7 năm 2014 và Báo cáo kết quả thẩm định số 826/BC-STP ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế luân chuyển cán bộ quản lý, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, gồm 4 Chương, 17 Điều.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Đại

 

QUY CHẾ

LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ QUẢN LÝ, NHÀ GIÁO TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC CÔNG LẬP THUỘC HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 52/2014/QĐ-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng điều chỉnh

Quy chế này quy định việc luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý ngành giáo dục trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, bao gồm:

1. Nhà giáo:

a) Nhà giáo các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý, gồm: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở;

b) Nhà giáo các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, gồm: Trường Cao đẳng sư phạm, Trường Trung học phổ thông, Trường Trung học phổ thông có nhiều cấp học (trong đó có cấp trung học phổ thông); Trường phổ thông Dân tộc nội trú; Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp; Trung tâm giáo dục thường xuyên; Trung tâm Giáo dục thường xuyên, dạy nghề và hướng nghiệp.

2. Cán bộ quản lý giáo dục, gồm:

a) Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo;

b) Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc, Phó Giám đốc các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

3. Các cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo làm việc tại các phòng ban chuyên môn nghiệp vụ của các cơ sở giáo dục đào tạo, các nhà trường quy định tại khoản 1, 2 Điều 1 của Quy chế này.

Điều 2. Phạm vi áp dụng

Các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố và các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

“Luân chuyển” là điều động nhà giáo, cán bộ quản lý các cấp học từ trường này sang trường khác thuộc vùng khác nhau theo chế độ luân phiên, có thời hạn và không ảnh hưởng đến chỉ tiêu biên chế của các đơn vị.

Điều 4. Phân chia vùng để thực hiện luân chuyển

Phân chia thành 3 vùng: vùng thuận lợi, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn.

Việc phân chia vùng thuận lợi, vùng khó khăn căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương (đặc điểm tự nhiên, cơ sở hạ tầng, đường giao thông, dân số, kinh tế, khoảng cách từ trung tâm xã đến trung tâm huyện, …) do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định (đối với cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở), Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định (đối với cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo) theo phân cấp quản lý.

Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Quy chế này bao gồm: các xã đặc biệt khó khăn, các thôn đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 5. Nguyên tắc luân chuyển

1. Việc thực hiện luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý của ngành giáo dục và đào tạo giữa các trường, các vùng được tiến hành công khai, dân chủ, bình đẳng, đúng quy trình, quy chế, đúng đối tượng theo quy định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

2. Việc luân chuyển cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo được duy trì thường xuyên hàng năm, trên cơ sở nhu cầu giảng dạy và cơ cấu nhà giáo của các nhà trường, kiện toàn công tác tổ chức cán bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh.

3. Cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo trong độ tuổi luân chuyển, thuộc đối tượng luân chuyển được tham gia luân chuyển đến các vùng khác nhau. Trong quá trình thực hiện việc luân chuyển cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo giữa các vùng không gây xáo trộn về đội ngũ, được thực hiện theo phương thức luân phiên nghĩa vụ đối với các đối tượng, phạm vi áp dụng của Quy chế này.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân các huyện, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện) có trách nhiệm xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ quản lý, nhà giáo hàng năm của ngành, địa phương mình và tổ chức thực hiện theo đúng quy định.

Chương II

ĐIỀU KIỆN, THỜI HẠN, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH, NGHĨA VỤ CỦA CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC, NHÀ GIÁO THỰC HIỆN LUÂN CHUYỂN

Điều 6. Điều kiện và thời hạn luân chuyển

1. Nhà giáo thuộc diện luân chuyển có tuổi đời từ 40 tuổi trở xuống đối với nữ, từ 45 tuổi trở xuống đối với nam; thời hạn luân chuyển 03 năm đối với nữ, 05 năm đối với nam; tỷ lệ luân chuyển đối với các trường trung học phổ thông và các trung tâm là không quá 5% số nhà giáo hiện có trong độ tuổi theo quy định; tỷ lệ luân chuyển đối với các cấp học ngành giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố là không quá 8% số nhà giáo hiện có nằm trong độ tuổi theo quy định, đồng thời việc luân chuyển phải đảm bảo cơ cấu môn dạy theo quy định.

2. Cán bộ quản lý giáo dục (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc, Phó Giám đốc) thuộc diện luân chuyển có tuổi đời từ 45 tuổi trở xuống đối với nữ; từ 50 tuổi trở xuống đối với nam; đã được bổ nhiệm làm công tác quản lý tại một trường từ nhiệm kỳ thứ 2 trở lên (từ năm thứ 6 trở lên), thời hạn thực hiện luân chuyển là 5 năm.

Điều 7. Chế độ chính sách và nghĩa vụ của cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo luân chuyển

1. Cán bộ quản lý, nhà giáo trong thời gian thực hiện luân chuyển được hưởng các chế độ chính sách tại vùng luân chuyển đến theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định luân chuyển của cơ quan có thẩm quyền, thực hiện thời gian luân chuyển đúng quy định.

Điều 8. Đối tượng không thuộc diện luân chuyển từ vùng thuận lợi đến vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

1. Bản thân cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo là thương binh, bệnh binh, bản thân nhiễm chất độc da cam, con liệt sỹ, con thương binh, con bệnh binh, con bà mẹ Việt nam anh hùng, con của người có công với cách mạng (con của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và người làm nghĩa vụ quốc tế).

2. Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động.

3. Vợ hoặc chồng của cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo đang công tác tại hải đảo, làm nhiệm vụ quốc tế.

4. Trừ trường hợp, đối tượng được ưu tiên không thuộc diện luân chuyển có đơn tình nguyện luân chuyển.

Điều 9. Đối tượng được tạm miễn hoặc chưa luân chuyển

1. Cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo sống một mình đang nuôi con nhỏ từ dưới 18 tuổi (khi con đủ 18 tuổi là hết thời gian miễn luân chuyển).

2. Phụ nữ đang mang thai, đang nuôi con nhỏ từ dưới 60 tháng tuổi (khi con đủ 60 tháng tuổi là hết thời gian miễn luân chuyển).

3. Vợ hoặc chồng của cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo đang công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

4. Cả 2 vợ chồng là nhà giáo hoặc cán bộ quản lý giáo dục thuộc diện luân chuyển thì được tạm miễn một người.

5. Gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: người trực tiếp chăm sóc bố mẹ đẻ, bố mẹ của vợ hoặc chồng đang đau ốm, già yếu, tàn tật (bố, mẹ đang trực tiếp ở cùng nhà); bản thân hoặc vợ, chồng, con bị bệnh tật ốm đau phải điều trị dài ngày được Hội đồng nhà trường và được bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên có giấy xác nhận.

6. Cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo có vợ hoặc chồng đang thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền đi tăng cường, biệt phái tại các xã vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường biệt phái ra ngoài tỉnh.

7. Trừ trường hợp, người được tạm miễn có đơn tình nguyện luân chuyển.

Điều 10. Đối tượng được ưu tiên luân chuyển từ vùng đặc biệt khó khăn đến vùng thuận lợi

1. Cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác liên tục từ đủ 06 năm trở lên đối với nữ và 10 năm trở lên đối với nam, nhà giáo có thời gian công tác liên tục từ đủ 3 năm trở lên đối với nữ và 5 năm trở lên đối với nam, hoàn thành tốt nhiệm vụ, không vi phạm kỷ luật, có đơn xin luân chuyển đến vùng thuận lợi, được Hội đồng nhà trường xét và có văn bản đề nghị thì được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định luân chuyển để bố trí thay thế đối tượng đã luân chuyển đi nơi khác.

2. Cán bộ quản lý, nhà giáo có đơn xin luân chuyển đến vùng thuận lợi phải được lãnh đạo nhà trường xét và có văn bản nhất trí đề nghị thì được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét quyết định theo thẩm quyền được phân cấp quản lý.

Điều 11. Hoàn thành thời hạn luân chuyển

1. Cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo đã hoàn thành nhiệm vụ, hết thời hạn luân chuyển theo quy định thì được các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định sắp xếp luân chuyển công tác trở về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển hoặc bố trí sắp xếp về các trường khác thuộc vùng thuận lợi hoặc tạo điều kiện để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục liên hệ chuyển công tác, chuyển vùng theo nguyện vọng.

Nếu hết thời hạn luân chuyển theo quy định, cá nhân có nguyện vọng tình nguyện ở lại để tiếp tục công tác và ổn định cuộc sống lâu dài thì được cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

2. Trong thời hạn luân chuyển cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo có hoàn cảnh gia đình xảy ra đột xuất như: bố, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng (bố, mẹ đang trực tiếp ở cùng nhà), bản thân hoặc vợ, chồng, con bị tai nạn đột xuất, mắc bệnh nan y phải điều trị dài ngày được Hội đồng nhà trường và được bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên xác nhận; cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo phải có đơn trình bày và được lãnh đạo nhà trường xét, có văn bản nhất trí đề nghị thì được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét quyết định luân chuyển trước thời hạn theo quy định về nơi công tác cũ hoặc bố trí sắp xếp về các trường khác thuộc vùng thuận lợi.

Chương III

QUY TRÌNH VÀ THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH LUÂN CHUYỂN

Điều 12. Quy trình luân chuyển cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo

1. Thành lập Hội đồng và Quy trình luân chuyển nhà giáo và cán bộ quản lý thuộc thẩm quyền của Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND cấp huyện:

a) Bước một: Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp huyện thành lập Hội đồng xét luân chuyển cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp, số lượng từ 5 đến 7 thành viên:

- Hội đồng xét luân chuyển của Sở Giáo dục và Đào tạo gồm: đại diện lãnh đạo Sở, Chủ tịch Công đoàn ngành, Trưởng các Phòng chuyên môn có liên quan. Hội đồng gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các uỷ viên, Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ làm ủy viên kiêm thư ký Hội đồng.

- Hội đồng xét luân chuyển của cấp huyện gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực giáo dục đào tạo), Trưởng phòng Nội vụ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Chánh Thanh tra huyện, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục huyện, Chuyên viên phụ trách công tác tổ chức cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo. Hội đồng gồm có: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên, chuyên viên phụ trách công tác tổ chức cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo làm ủy viên kiêm thư ký Hội đồng.

- Chủ tịch Hội đồng ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng xét luân chuyển.

- Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quy định;

b) Bước hai: vào đầu tháng 6 hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp huyện căn cứ vào kế hoạch phát triển trường, lớp, học sinh của ngành, địa phương xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo thuộc quyền được phân cấp quản lý, dự kiến chỉ tiêu số lượng theo tỷ lệ phần trăm quy định triển khai tới các trường, đơn vị và hướng dẫn tổ chức thực hiện, chậm nhất đến ngày 15 tháng 6 phải hoàn thành;

c) Bước ba: từng nhà trường, đơn vị thành lập Hội đồng xét luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, thành phần gồm: lãnh đạo, đại diện cấp ủy đại diện Ban Chấp hành công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đại diện các tổ chuyên môn (cơ cấu Hội đồng gồm: Chủ tịch Hội đồng, 1 Phó Chủ tịch Hội đồng, 1 thư ký và các ủy viên) số lượng từ 5 đến 7 thành viên. Nhiệm vụ quyền hạn của các thành viên Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quy định. Hội đồng nhà trường tổ chức xét các đối tượng thuộc diện luân chuyển trên cơ sở chỉ tiêu luân chuyển được cấp có thẩm quyền giao, các đối tượng không thuộc diện luân chuyển phải trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Thời gian hoàn thành trong tháng 6;

d) Bước bốn: Hội đồng xét luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp huyện tiến hành tổng hợp danh sách đề nghị luân chuyển, do Hội đồng của các trường, đơn vị báo cáo đề nghị.

- Hội đồng xét luân chuyển cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo tổ chức họp xét các đối tượng thuộc diện luân chuyển, đối tượng không thuộc diện luân chuyển, có biên bản, danh sách trích ngang và tờ trình trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định theo phân cấp quản lý cán bộ;

đ) Bước năm: Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định luân chuyển cho từng cá nhân nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thuộc thẩm quyền phân cấp quản lý theo quy định.

2. Thời gian thực hiện: các quyết định về luân chuyển cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phải thực hiện xong trước ngày 15 tháng 8 hàng năm, để kịp thời bố trí công tác và phân công nhiệm vụ tại đơn vị vào đầu năm học mới.

Điều 13. Thẩm quyền quyết định luân chuyển cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo

1. Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định luân chuyển (hoặc ủy quyền cho Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo) đối với cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định luân chuyển đối với cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc theo phân cấp quản lý.

Đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định luân chuyển đối với cán bộ quản lý giáo dục sau khi có ý kiến chấp thuận (hoặc ủy quyền) của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Trong trường hợp cần thiết phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định điều động luân chuyển cán bộ quản lý, nhà giáo của ngành giữa các huyện, thành phố trong tỉnh để điều hòa số lượng, chất lượng đội ngũ; tăng cường cán bộ, nhà giáo từ các huyện đồng bằng, khu vực có điều kiện thuận lợi đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa; luân chuyển cán bộ, nhà giáo hết thời hạn ở miền núi về đồng bằng sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn thực hiện Quy chế này theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Quy chế trong toàn tỉnh về Ủy ban nhân dân tỉnh vào tháng 12 hàng năm.

3. Triển khai, đôn đốc, chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Quy chế này tới các đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Giáo dục và Đào tạo có hiệu quả.

Điều 15. Giám đốc Sở Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo thực hiện nghĩa vụ luân chuyển theo đúng quy định hiện hành.

Điều 16. Giám đốc Sở Nội vụ phối hợp với các Sở, ngành chức năng liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lập kế hoạch tiến hành thanh tra, kiểm tra, việc thực hiện Quy chế và tổng hợp báo cáo kết quả thanh, kiểm tra về Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Điều 17. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; thủ trưởng các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trên địa bàn toàn tỉnh có trách nhiệm thi hành nghiêm túc Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, đề nghị các cơ quan, tổ chức phản ánh bằng văn bản về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉnh sửa./.