Quyết định 513/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Quảng Ngãi
Số hiệu: 513/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi Người ký: Nguyễn Xuân Huế
Ngày ban hành: 06/04/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 513/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 06 tháng 4 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020 CỦA TỈNH QUẢNG NGÃI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 -2020;

Căn cứ Quyết định số 1305/QĐ-LĐTBXH ngày 22/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2015,

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 11/2011/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 26/01/2011 của Liên bộ: Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020;

Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 19/TTr- SLĐTBXH ngày 10/3/2011 về việc đề nghị quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 tỉnh Quảng Ngãi,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Quảng Ngãi (có bản Kế hoạch kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp; Thủ trưởng các Hội, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các Sở, Ban ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Huế

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020 CỦA TỈNH QUẢNG NGÃI
(Kèm theo Quyết định số: 513/QĐ-UBND ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi)

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến 2020 của tỉnh Quảng Ngãi, với nội dung chủ yếu như sau:

I- MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Cùng với cả nước, tỉnh Quảng Ngãi phát triển công tác xã hội trở thành một nghề, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với việc hình thành và phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội ngày một tốt hơn trên địa bàn của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2010 - 2015:

- Triển khai, hướng dẫn áp dụng về mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội; tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội; tiêu chuẩn, quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội theo hướng dẫn của Trung ương để thực hiện trên địa bàn của tỉnh đối với những Sở, Ban, ngành, đoàn thể và địa phương có nhu cầu sử dụng cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội;

- Tham gia xây dựng, ban hành và triển khai các văn bản có liên quan theo thẩm quyền của địa phương nhằm tạo môi trường đồng bộ, thống nhất để phát triển nghề công tác xã hội;

- Phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội trong cả tỉnh, phấn đấu đến năm 2015 ở tỉnh có đội ngũ cán bộ kể cả quản lý nhà nước và sự nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu quản lý; mỗi huyện có một cán bộ chuyên trách nghề công tác xã hội; mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 01 đến 02 cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội với mức phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định;

- Xây dựng mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội cấp tỉnh trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, phối hợp với các ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho ít nhất 50% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn; các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và cán bộ thuộc hệ thống của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Gửi cán bộ đi đào tạo ở các trường đại học, các cơ sở đào tạo khác có chức năng để có trình độ Sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học công tác xã hội; nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức ngành công tác xã hội;

- Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội.

b) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Áp dụng tiêu chuẩn nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội theo các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và theo nhóm đối tượng; tiếp tục cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện các văn bản có liên quan theo chỉ đạo của Trung ương để tạo môi trường đồng bộ, thống nhất phát triển nghề công tác xã hội;

- Phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội ở các cấp, phấn đấu tăng khoảng 55% so với thời điểm 2015; đúc kết kinh nghiệm thực tiễn để nhân rộng mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội thông qua việc lồng ghép bộ phận công tác xã hội với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của 50% số huyện, thành phố trong tỉnh;

- Tiếp tục đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 60% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn; các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương;

- Xã hội hóa các hoạt động công tác xã hội theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội;

- Tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội.

II- NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức

a) Mục đích, nội dung:

- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về vị trí, vai trò của công tác xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực: Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, khủng hoảng trong gia đình; tư vấn pháp lý cho người chưa thành niên; tham vấn cho học sinh gặp khó khăn trong học tập và cuộc sống tại các trường học;

hỗ trợ tâm lý xã hội, các dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh; lĩnh vực bảo trợ cho người khuyết tật, cao tuổi; phát triển cộng đồng.

- Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác trợ giúp người nghèo và thực hiện các chính sách xã hội.

- Định hướng để người dân biết cách sử dụng dịch vụ công tác xã hội. Tuyên truyền những kinh nghiệm có liên quan đến nghề công tác xã hội.

- Nội dung chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ nhân viên công tác xã hội.

b) Hình thức thực hiện:

+ Thông qua các cơ quan thông tin đại chúng (báo, đài) đăng tải những bản tin, phóng sự;

+ Phát hành tờ rơi, áp phích, tranh ảnh cung cấp cho cán bộ và nhân dân;

+ Xây dựng hệ thống pa nô tuyên truyền ở những điểm trọng yếu, vùng, miền và đối tượng ít có cơ hội tiếp xúc với thông tin đại chúng;

+ Kết hợp, lồng ghép truyền thông thông qua các cuộc họp của người dân ở cơ sở và các hội đoàn thể quần chúng tại các thôn, tổ dân phố và cụm dân cư.

c) Cơ quan thực hiện:

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, Ban ngành có liên quan, các Hội đoàn thể tỉnh.

2. Tổ chức rà soát, thống kê, phân loại cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội, các đối tượng dịch vụ công tác xã hội

a) Nội dung:

- Căn cứ hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, xây dựng và triển khai kế hoạch rà soát thống kê, phân loại cán bộ nhân viên công tác xã hội và các dịch vụ công tác xã hội trên địa bàn. Kết quả điều tra, phân loại cán bộ, nhân viên công tác xã hội là căn cứ để lập kế hoạch phát triển mạng lưới và đào tạo cán bộ công tác xã hội của tỉnh.

- Thời gian thực hiện tổng rà soát vào năm 2011, sau đó cứ 02 năm thực hiện rà soát 01 lần.

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện.

3. Xây dựng thí điểm mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội

a) Nội dung:

- Xây dựng Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội để tiếp nhận các thông tin, đánh giá nhu cầu, tư vấn, hướng dẫn giúp đỡ cá nhân, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh như nghèo đói, tệ nạn xã hội, chăm sóc giáo dục trẻ em, ly hôn, bạo lực gia đình, bỏ nhà đi lang thang… Mô hình tổ chức, nội

dung và phương thức hoạt động thực hiện theo sự hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Dự kiến giai đoạn 2011 - 2015 xây dựng 01 Trung tâm cấp tỉnh trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Giai đoạn 2016 - 2020 nhân rộng mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các huyện, thành phố để cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng.

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, các ngành liên quan thực hiện.

4. Phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội của tỉnh

a) Nội dung:

- Xây dựng, kiện toàn mạng lưới công tác xã hội các cấp. Tăng số lượng cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước từ tỉnh đến huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; các tổ chức sự nghiệp cung cấp dịch vụ công tác xã hội, đến năm 2015 mỗi xã, phường, thị trấn ít nhất có từ 01- 02 cán bộ hoặc cộng tác viên công tác xã hội, được phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

- Dự kiến năm 2013: Tất cả các xã, phường đều có 01 cộng tác viên cho đến năm 2014 bổ sung thêm 01 cộng tác viên đối với xã, phường có quy mô dân số lớn và địa bàn rộng, đi lại khó khăn, phức tạp.

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, các sở, ngành liên quan thực hiện.

5. Tổ chức đào tạo, đào tạo lại cán bộ, nhân viên công tác xã hội và tập huấn kỹ năng công tác xã hội

a) Về đào tạo, đào tạo lại:

- Tổ chức và liên kết với các trường, cơ sở đào tạo, tổ chức, cá nhân để đào tạo, đào tạo lại cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội tại xã, phường, các Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Phát triển đội ngũ cán bộ xã hội có trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học.

- Năm 2011 đào tạo 100 người, từ 2012 đến 2015 mỗi năm từ 200 - 300 người, từ năm 2016 đến 2020 mỗi năm khoảng 400 người.

b) Về tập huấn kỹ năng công tác xã hội:

- Tập huấn kỹ năng về công tác xã hội cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên ở xã, phường, thị trấn; huyện, thành phố; trung tâm và các trường học, bệnh viện.

- Dự kiến năm 2011 tập huấn 300 người, từ năm 2012 đến 2015 mỗi năm 500 người, từ năm 2016 đến 2020 mỗi năm khoảng 600 - 700 người.

c) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan, các trường đào tạo nghề công tác xã hội thực hiện về đào tạo, đào tạo lại.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan, các cơ sở đào tạo nghề công tác xã hội thực hiện về tập huấn kỹ năng công tác xã hội.

6. Xã hội hóa các hoạt động công tác xã hội

- Thực hiện xã hội hóa các hoạt động công tác xã hội theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tập huấn kỹ năng và cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

- Trên cơ sở chính sách, hướng dẫn của Trung ương và điều kiện thực tế ở tỉnh, xây dựng cơ chế thực hiện nhằm thu hút các thành phần của cộng đồng dân cư tham gia công tác xã hội kể cả trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn phát triển đội ngũ công tác xã hội và tham gia vào dịch vụ công tác xã hội.

III- KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tổng kinh phí thực hiện

* Giai đoạn 2011 - 2015: Dự kiến 30.498 triệu đồng.

- Năm 2011: 4.962 triệu đồng

+ Tổ chức tuyên truyền: 100 triệu đồng.

+ Tổ chức rà soát, thống kê, phân loại cán bộ, nhân viên Công tác xã hội: 100 triệu đồng.

+ Kinh phí phụ cấp cho 01 cộng tác viên của 184 xã, phường, thị trấn: 1.612 triệu đồng.

+ Đào tạo, đào tạo lại: 100 người (10 triệu/năm/người)= 1.000 triệu đồng.

+ Tập huấn: 300 người x 500.000 đ/người= 150 triệu đồng.

+ Xây dựng Trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội: 2.000 triệu đồng.

- Năm 2012: 5.962 triệu đồng.

+ Tổ chức tuyên truyền: 100 triệu đồng.

+ Kinh phí phụ cấp cho 01 cộng tác viên của 184 xã, phường, thị trấn: 1.612 triệu đồng.

+ Đào tạo, đào tạo lại: 200 người (10 triệu đồng/người/năm)= 2.000 triệu đồng.

+ Xây dựng Trung tâm CCDV: 2.000 triệu đồng.

+ Tập huấn: 250 triệu đồng.

- Năm 2013: 7.574 triệu đồng.

+ Tổ chức tuyên truyền: 100 triệu đồng.

+ Kinh phí phụ cấp cho 02 cộng tác viên của 184 xã, phường, thị trấn: 3.224 triệu đồng.

+ Đào tạo, đào tạo lại: 2.000 triệu đồng.

+ Xây dựng Trung tâm CCDV: 2.000 triệu đồng.

+ Tập huấn: 250 triệu đồng.

- Năm 2014 và 2015 mỗi năm: 6.000 triệu đồng.

* Giai đoạn 2016 - 2020: Dự kiến 50.000 triệu đồng.

* Tổng cộng từ năm 2011 - 2020: Dự kiến 80,498 tỷ đồng

2. Nguồn kinh phí và cơ chế xây dựng cấp kinh phí thực hiện

- Theo cơ cấu nguồn vốn của Quyết định 32/2010/QĐ-TTg , đề nghị Trung ương hỗ trợ 25% trong số kinh phí dự kiến trên (trong đó bao gồm kinh phí đầu tư xây dựng mô hình Trung tâm dịch vụ Công tác xã hội), phần còn lại được bố trí từ ngân sách sự nghiệp tỉnh.

- Hàng năm, các Sở, Ban ngành căn cứ nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện nội dung của kế hoạch này, xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí chi tiết gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo Sở Tài chính tỉnh thẩm định, đề xuất UBND tỉnh quyết định bố trí kinh phí để thực hiện.

- Nội dung, mức chi thực hiện kế hoạch này, thực hiện theo Thông tư liên tịch số 11/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 26/01/2011 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020.

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành hướng dẫn triển khai thực hiện và điều phối các hoạt động của Kế hoạch; phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội; thực hiện rà soát, thống kê, phân loại cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội cung cấp cho các cấp thẩm quyền và ngành chức năng làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội; xây dựng thí điểm trung tâm công tác xã hội; phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội và tập huấn về kỹ năng nghề công tác xã hội cho đội ngũ công tác xã hội của tỉnh

- Hàng năm, cùng với thời điểm lập dự toán kế hoạch ngân sách Nhà nước, có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch, nhu cầu kinh phí của các Sở, ngành liên quan trong việc thực hiện kế hoạch này, gửi Sở Tài chính thẩm định để trình UBND tỉnh quyết định.

2. Sở Nội vụ

Chủ trì phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Sở, Ban ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh quyết định thành lập một mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội; triển khai, hướng dẫn thực hiện việc áp dụng mã số các ngạch viên chức công tác xã hội, ngạch, bậc lương, các chế độ phụ cấp lương và các chế độ có liên quan về tiền lương đối với viên chức công tác xã hội; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, viên chức và cộng tác viên công tác xã hội theo quy mô của kế hoạch và đáp ứng nhu cầu thực tiễn quản lý của nghề công tác xã hội trong tỉnh.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo nghề công tác xã hội theo hướng hội nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên công tác xã hội và thiết lập mạng lưới viên chức công tác xã hội trong các trường học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Sở Tư pháp

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan rà soát, đề xuất kế hoạch xây dựng, sửa đổi các văn bản có liên quan để phát triển nghề công tác xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

5. Sở Tài chính

Hàng năm, chịu trách nhiệm thẩm định dự toán kinh phí của các ngành chức năng, phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư tham mưu UBND tỉnh quyết định bố trí kinh phí thực hiện.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển nghề công tác xã hội.

7. Các Sở, Ban ngành, các Hội đoàn thể tỉnh có trách nhiệm tuyên truyền, xây dựng và triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị mình.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm

a) Xây dựng chương trình hành động nhằm cụ thể hóa Kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

b) Chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phù hợp trên địa bàn;

c) Có kế hoạch bố trí ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất của địa phương để thực hiện Kế hoạch.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam tỉnh chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên chỉ đạo các cấp hội cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến làm thay đổi nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về nghề công tác xã hội; tập

hợp, vận động đoàn viên, hội viên tình nguyện tham gia công tác xã hội, tham gia triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, cần điều chỉnh, bổ sung, đề nghị phản ảnh bằng văn bản về UBND tỉnh (thông qua Sở Lao động- Thương binh và Xã hội - cơ quan thường trực) để giải quyết./.