Quyết định 51-HĐBT năm 1984 về sắp xếp lại sản xuất, cải tạo và xây dựng một số ngành công nghiệp thực phẩm
Số hiệu: | 51-HĐBT | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Hội đồng Bộ trưởng | Người ký: | Tố Hữu |
Ngày ban hành: | 22/03/1984 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 15/05/1984 | Số công báo: | Số 9 |
Lĩnh vực: | Công nghiệp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51-HĐBT |
Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 1984 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 51-HĐBT NGÀY 22-3-1984 VỀ SẮP XẾP LẠI SẢN XUẤT, CẢI TẠO VÀ XÂY DỰNG MỘT SỐ NGÀNH CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM.
Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ V (khoá V) về phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1984 và mức phấn đấu năm 1985, Nghị quyết của Bộ Chính trị số 14 ngày 13-9-1983 và Nghị quyết của Hội đồng bộ trưởng số 127-HĐBT ngày 1-10-1983 về kế hoạch tổ chức thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về tình hình và nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư doanh, Thường vụ Hội đồng bộ trưởng, sau khi nghe đồng chí Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm báo cáo các phương án về sắp xếp lại sản xuất, cải tạo và xây dựng một số ngành mía đường, dầu thực vật, thuốc lá, chè và rau, quả hộp, quyết định.
I. VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 1985 VÀ 1990
A. NGÀNH MÍA ĐƯỜNG
1. Mục tiêu phấn đấu đến năm 1985 phải đạt từ 40 đến 50 vạn tấn đường mật, trong đó có 10 vạn tấn đường kính; năm 1990 đạt 80 vạn đến một triệu tấn đường mật, trong đó có 20 vạn tấn đường kính.
Bộ công nghiệp thực phẩm cùng Bộ Nông nghiệp, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các tỉnh xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển mạnh sản xuất mía đường ở miền Nam, mở rộng sản xuất ở miền Bắc đến năm 1985, năm 1990. Cùng với việc xây dựng các vùng tập trung chuyên canh cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy đường lớn, cần chú trọng phát triển rộng rãi sản xuất mía trên địa bàn huyện với quy mô diện tích từ 300 héc ta đến 500 hécta để đáp ứng tại chỗ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Củng cố và phát triển sản xuất mía trong khu vực nông trường, đồng thời rất coi trọng phát triển sản xuất mía trong khu vực hợp tác xã để tạo nguồn cung ứng nguyên liệu chủ yếu cho các nhà máy chế biến đường. Việc mở rộng diện tích mía chủ yếu phải hướng vào đất đồi, bãi không được thu hẹp diện tích đất trồng lúa.
Trước mắt, cần quy hoạch cụ thể vùng sản xuất và thu mua mía cho các nhà máy đường hiện có và một số nhà máy lớn mới xây dựng sắp đưa vào sản xuất nhằm sử dụng hết công suất thiết bị.
2. Bộ Công nghiệp thực phẩm cùng Bộ Cơ khí và luyện kim và các tỉnh có lực lượng cơ khí mạnh tổ chức sự hiệp tác và phân công chế tạo các loại thiết bị chế biến với quy mô vừa và nhỏ để trang bị cho tỉnh, huyện và cơ sở.
Cần chế tạo ngay các loại thiết bị quy mô vừa và nhỏ trang bị cho huyện để sớm thay thế các lò đường thủ công của tư nhân, tránh lãng phí lớn về mía và không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm.
Cơ sở chế biến quy mô từ 300 đến 500 tấn mía/ngày trở nên phải có dây chuyền thiết bị luyện đường kính để sử dụng hợp lý năng lực sản xuất, năng lượng và bớt vận chuyển đường thô đến các nhà máy lớn tinh luyện.
Gắn liền với sản xuất đường, các cơ sở sản xuất có quy mô từ 300 tấn mía/ ngày trở lên cần có thiết bị sử dụng tổng hợp các nguyên liệu phụ của mía để sản xuất cồn, rượu các loại, bột giấy hoặc giấy.
3. Việc xây dựng các nhà máy đường có công suất lớn từ 1000 tấn mía/ngày trở lên phải chú trọng tính toán đồng bộ các khâu quy hoạch vùng nguyên liệu, giao thông vận tải, thuỷ lợi, điện lực, đội ngũ cán bộ quản lý.
4. Về phân công, phân cấp quản lý sản xuất, xí nghiệp có quy mô 1000 tấn mía/ngày trở lên do Bộ Công nghiệp thực phẩm quản lý, xí nghiệp có quy mô dưới 1000 tấn mía/ngày trở xuống do tỉnh quản lý, và xí nghiệp có quy mô 100 tấn mía/ngày trở xuống do huyện quản lý. Phải đặc biệt chú trọng liên kết việc sản xuất, thu mua nguyên liệu với chế biến ở cơ sở sản xuất. Bộ Công nghiệp thực phẩm cần phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân các địa phương để tổ chức sản xuất, thu mua và quản lý, nghiên cứu chính sách cụ thể nhằm điều hoà hợp lý các quan hệ kinh tế trong việc liên kết sản xuất nông nghiệp với công nghiệp trong việc phân công, phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương, để trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định.
5. Các xí nghiệp sản xuất đường quốc doanh, công tư hợp doanh phải giao nộp đẩy đủ sản phẩm cho Nhà nước. Đối với đường, mật sản xuất trong khu vực hợp tác xã, ngành thương nghiệp cần tổ chức thu mua (theo hợp đồng kinh tế hai chiều) và đưa về các nhà máy lớn luyện đường kính. Việc phân phối đường cho tiêu dùng trong nước do ngành nội thương đảm nhiệm. Việc xuất khẩu đường do các tổ chức được Hội đồng bộ trưởng phân công thực hiện, dưới sự hướng dẫn và quản lý của Bộ Ngoại thương.
6. Cần xây dựng kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu đường để tạo điều kiện tái sản xuất mở rộng, phát triển nhanh ngành mía đường và tự cung một phần vật tư kỹ thuật, nhiên liệu.
B. NGÀNH DẦU THỰC VẬT VÀ TINH DẦU
1. Mục tiêu phấn đấu đến năm 1985 phải đạt 3 vạn tấn dầu, trong đó dành cho xuất khẩu 1 vạn tấn. Đến năm 1990 đạt 6 vạn tấn dầu, trong đó dành cho xuất khẩu 3 vạn tấn.
2. Bộ Công nghiệp thực phẩm cùng Bộ Nông nghiệp, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các tỉnh xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành dầu thực vật ở phía Nam, vùng Tây Nguyên, miền Trung và miền núi phía Bắc. Chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất tập trung chuyên canh cho một số loại cây có giá trị kinh tế lớn như trẩu, dừa, thầu dầu, cọ dầu, lạc, đỗ tương, điều...
3. Phát triển sản xuất các cây có dầu chủ yếu phải dựa vào khu vực kinh tế tập thể và gia đình nông dân; các nông trường quốc doanh sản xuất cây có dầu có nhiệm vụ chủ yếu tạo giống có năng suất, chất lượng cao và hướng dẫn kỹ thuật cho hợp tác xã và nhân dân trồng trọt, chăm sóc, thu hái.
4. Tại các vùng sản xuất nguyên liệu, cần xây dựng cơ sở sản xuất dầu thô hoặc cơm dừa, chế biến xơ dừa. Việc tinh luyện dừa do các cơ sở của trung ương phụ trách, để bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
5. Nghiên cứu sản xuất các loại tinh dầu phục vụ việc chế biến thực phẩm và sản xuất các mặt hàng mỹ phẩm (xà phòng thơm, nước hoa, sáp môi...) 6. Hợp tác với các nước đã trồng nhiều dừa, cọ dầu... có năng suất chất lượng cao nhằm học tập kinh nghiệm và kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất trong nước.
C. NGÀNH THUỐC LÁ
1. Mục tiêu phấn đấu đến năm 1985 đạt 1,4 tỷ bao thuốc lá, trong đó xuất khẩu 1 tỷ bao. Năm 1990 đạt từ 4 đến 5 tỷ bao, trong đó xuất khẩu từ 3 đến 4 tỷ bao và từ 1 đến 2 vạn tấn thuốc lá lá.
2. Bộ Công nghiệp thực phẩm cùng Bộ Nông nghiệp, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các tỉnh xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển mạnh ngành thuốc lá. Bộ Công nghiệp thực phẩm quản lý thống nhất việc thu mua thuốc lá ở các vùng tập trung chuyên canh. Chú trọng hướng dẫn các hợp tác xã về kỹ thuật sấy thuốc lá. Nhà nước cần phấn đấu quản lý hoàn toàn khâu giống, bỏ loại giống lai tạp, chất lượng xấu, năng suất kém.
3. Cải tạo và mở rộng các nhà máy thuốc lá hiện có, xây dựng mới một số nhà máy thuốc lá có công suất lớn. Thực hiện Nhà nước thống nhất quản lý sản xuất và kinh doanh thuốc lá, cấm tư nhân sản xuất, kinh doanh thuốc lá chế biến. Ngoài những vùng do trung ương tổ chức sản xuất và chế biến theo quy hoạch kế hoạch, địa phương nào muốn tổ chức chế biến thuốc lá thì phải được Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng cho phép.
4. Nhập thiết bị để xây dựng nhà máy sản xuất giấy cuốn thuốc lá, giấy đầu lọc để chủ động trong việc sản xuất thuốc lá điếu. Trước mắt, nghiên cứu sản xuất giấy cuốn thuốc lá điếu tiêu thụ trong nước. Bộ Công nghiệp thực phẩm cùng Bộ Công nghiệp nhẹ nghiên cứu sản xuất giấy làm bao bì. Tiến tới tự giải quyết thiết bị sơ chế, phụ tùng thay thế và phụ liệu cho sản xuất thuốc lá.
5. Hợp tác với Bun-ga-ri, Cu-ba về kỹ thuật trồng và sơ chế thuốc lá. Hợp tác kinh tế - kỹ thuật với các nước khác để có thuốc lá chế biến phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài (về khẩu vị và bao bì...).
D. NGÀNH CHÈ
1. Mục tiêu phấn đấu đến năm 1985 đạt 3,5 vạn tấn chè khô, trong đó dành cho xuất khẩu 1,8 vạn tấn. Đến năm 1990 đạt 7 vạn tấn chè khô, trong đó dành cho xuất khẩu 4,5 vạn tấn.
2. Bộ Công nghiệp thực phẩm cùng Bộ Nông nghiệp, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển rộng rãi, trồng chè ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, hướng chủ yếu phát triển sản xuất chè là khu vực hợp tác xã. Cần phấn đấu có sản lượng chè, bình quân đầu người 2 kg/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và tạo mặt hàng chủ lực xuất khẩu.
Hợp tác với Liên Xô để xây dựng các vùng tập trung, chuyên canh kết hợp với cơ sở chế biến hiện đại để có sản phẩm đạt chất lượng cao xuất khẩu.
3. Tổ chức chế tạo thiết bị chế biến chè với quy mô sản xuất vừa và nhỏ để trang bị cho các địa phương.
4. Vùng chè chuyên canh lớn phần nhiều tập trung ở miền núi và trung du; những nơi có điều kiện, cần phát triển mạnh thuỷ điện quy mô vừa nhỏ để giải quyết khó khăn về năng lượng (điện).
E. NGÀNH RAU QUẢ CHẾ BIẾN, ĐỒ HỘP VÀ ĐÔNG LẠNH
1. Mục tiêu phấn đấu đến năm 1985 phải đạt 40.000 tấn đồ hộp, đông lạnh và các loại rau quả chế biến khác; đến năm 1990 phải đạt 66.000 tấn.
Bộ Nông nghiệp, Bộ Công nghiệp thực phẩm, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Ngoại thương và các tỉnh xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mạnh các loại rau, quả thích hợp với đất đai, khí hậu từng vùng nhằm bảo đảm cung ứng nguyên liệu chế biến và xuất tươi theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.
Để đạt mục tiêu trên, cần khẩn trương đầu tư cải tạo giống, thâm canh tăng năng suất cây ăn quả ở các nông trường quốc doanh, và mở rộng sản xuất theo quy hoạch định hình đối với từng nông trường. Đồng thời phát triển mạnh các loại rau quả trong khu vực kinh tế tập thể và vườn cây ăn quả của gia đình nông dân.
Trước mắt, cần khẩn trương tăng cường đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích, cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy hiện có và đang xây dựng.
2. Có kế hoạch tích cực thực hiện chương trình hợp tác với Liên Xô về rau, quả nhằm nhanh chóng mở rộng 4 nhà máy chế biến rau quả, xây dựng xưởng cơ khí ngành rau quả hộp, xưởng tráng véc-ni, xưởng các-tông bao bì, 4 xưởng sấy rau quả và hai cụm công - nông nghiệp trồng và chế biến rau, quả với diện tích 10.000 hécta, theo chương trình hợp tác đã ký với Liên Xô.
3. Đối với những vùng tập trung chuyên canh được quy hoạch cho các cơ sở chế biến rau quả, Bộ Công nghiệp thực phẩm có trách nhiệm tổ chức liên kết sản xuất công - nông nghiệp từ cơ sở và trực tiếp quản lý từ khâu đầu tư phát triển cây trồng, đến sản phẩm cuối cùng và tiêu thụ theo quy định của Nhà nước.
II - CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
A - NGÀNH MÍA ĐƯỜNG
1. Cải tạo các lò đường tư nhân.
Tại các vùng sản xuất nguyên liệu đã được quy hoạch, phục vụ nhà máy chế biến quốc doanh trung ương và địa phương, các lò đường thủ công, nửa cơ giới của tư nhân, hoặc tổ hợp phải chuyển sang vùng khác, theo quy hoạch sắp xếp của địa phương. Cần tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa các lò đường tư nhân theo các hình thức sau đây:
Cơ sở sản xuất nửa cơ giới có công suất 10 tấn mía/ngày trở lên được Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc huyện mua lại hoặc trưng mua trên cơ sở trị giá thiết bị, máy móc còn lại và tổ chức thành xí nghiệp quốc doanh hoặc công tư hợp doanh do tỉnh hoặc huyện quản lý.
Các chủ lò đường có khả năng kỹ thuật, có kinh nghiệm quản lý, có thái độ tiếp thu cải tạo tốt, được sử dụng làm trong các cơ sở quốc doanh hoặc công tư hợp doanh để phát huy khả năng của họ.
Các cơ sở sản xuất mà thiết bị đã quá cũ (giá trị sử dụng còn lại dưới 30 - 40%) hiệu suất thu hồi đường mật quá thấp, thì không cho tiếp tục sản xuất.
Việc trả dần tiền mua thiết bị, máy móc cho chủ lò được thực thực hiện như sau:
- Đối với cơ sở mua lại hoặc trưng mua để cơ sở quốc doanh sử dụng, thì trả tiền cho chủ qua Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng nhà nước có trách nhiệm quản lý số tiền này theo chính sách của Nhà nước đã quy định.
- Đối với xí nghiệp công tư hợp doanh thì áp dụng chính sách định lãi (mức lãi hàng năm là 8% trên số vốn của chủ lò đưa vào công tư hợp doanh).
- Các cơ sở sản xuất nửa cơ giới hoặc ép thủ công có công suất từ 5 đến 10 tấn mía/ngày thì giao cho hợp tác xã nông nghiệp hoặc tập đoàn sản xuất nông nghiệp quản lý. Đường thô hoặc mật làm ra, ngoài phần để lại cho gia đình xã viên tiêu dùng với mức hợp lý, hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất bán số sản phẩm còn lại cho công ty chuyên doanh đường mật hoặc tổ chức thương nghiệp quốc doanh địa phương. Sản phẩm bán ra phải nộp thuế hàng hoá cho Nhà nước.
Căn cứ vào các định mức kinh tế kỹ thuật về thu hồi đường mật trên một tấn mía, công ty mía đường hoặc công ty thương nghiệp huyện bán dầu chạy máy và vật tư cần thiết cho sản xuất theo giá của Nhà nước quy định.
Nơi nào chưa tổ chức hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất nông nghiệp và vùng mía không nằm trong vùng quy hoạch cho các nhà máy đường quốc doanh thì Uỷ ban nhân dân huyện đứng ra tổ chức các lò đường của tư nhân thành hợp tác xã thủ công nghiệp và cho được mua nguyên liệu trong vùng mía quy định. Toàn bộ sản phẩm phải bán cho Nhà nước.
- Các cơ sở sản xuất đường đặc sản (đường phèn, đường phổi), tuỳ tình hình cụ thể của địa phương, có thể thành lập hợp tác xã thủ công nghiệp hoặc để gia đình làm, nếu xét thấy tổ chức vào hợp tác chưa có lợi. Cơ sở đó phải đăng ký kinh doanh, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, giá cả, nộp thuế, bán sản phẩm cho công ty chuyên doanh mía đường hoặc cho thương nghiệp quốc doanh. Cơ quan quản lý sản xuất ở địa phương có nhiệm vụ cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến này.
- Các cối kết tinh, ly tâm đường của tư nhân cũng cần được sắp xếp lại hợp lý và cải tạo đồng thời với việc cải tạo các lò đường tư nhân. Tuỳ theo chủ cơ sở là tư sản hay tiểu chủ mà áp dụng các chính sách Nhà nước đã quy định, có sự phân biệt rõ ràng, mua lại hoặc trưng mua để chuyển thành cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh, hay tổ chức tiểu chủ lại thành hợp tác xã làm gia công cho Nhà nước.
2. Cải tạo những người buôn bán mía đường.
Trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất phát triển và tập trung sản phẩm đường vào tay Nhà nước, cần xoá bỏ kinh doanh của các chủ vựa đường, mật (tư sản thương nghiệp), chuyển họ sang sản xuất; có chính sách sử dụng vốn liếng, các phương tiện kinh doanh và nghiệp vụ của họ.
Đối với tiểu thương buôn bán đường, mật, cần tổ chức, sắp xếp, lựa chọn sử dụng một bộ phận vào làm trong mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, chuyển những người thừa trong lĩnh vực lưu thông sang sản xuất, chế biến.
Đối với lái mía, thì chuyển họ sang sản xuất nông nghiệp nếu họ có ruộng vườn, hoặc chuyển sang sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, chế biến các mặt hàng nông sản của địa phương. Có thể lựa chọn sử dụng một số người tiến bộ và có nghiệp vụ vào tổ chức thu mua của xí nghiệp quốc doanh hoặc công tư hợp doanh, nhưng phải quản lý họ một cách chặt chẽ.
Tăng cường quản lý vận tải và vật tư chủ yếu của ngành mía đường... không để thẩm lậu ra ngoài trở thành món hàng đầu cơ, mua đi bán lại trên thị trường tự do.
B. NGÀNH DẦU THỰC VẬT
1. Cải tạo các cơ sở tư nhân chế biến dầu thực vật.
Đi đôi với việc củng cố và phát triển lực lượng quốc doanh chế biến dầu, cần tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các cơ sở tư nhân chế biến dầu theo các hình thức và chính sách như sau:
a. Các cơ sở nhỏ, công suất trên dưới 1 tấn sản phẩm/ngày được tổ chức thành các hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp, làm gia công cho Nhà nước hoặc được phép đi thu mua nguyên liệu ở những vùng sản xuất phân tán về sản xuất và bán toàn bộ sản phẩm cho Nhà nước.
b. Các cơ sở có công suất trên dưới 2 tấn sản phẩm/ngày trở lên thì tuỳ theo đối tượng Nhà nước mua lại hoặc trưng mua để tổ chức thành quốc doanh hoặc công tư hợp doanh.
Cơ sở có công suất 500 tấn sản phẩm/năm do huyện, quận quản lý, cơ sở trên 500 tấn sản phẩm/năm trở lên do tỉnh, thành phố quản lý.
c. ở những vùng tập trung nhiều cơ sở ép dầu nhỏ có thể tổ chức lại thành xí nghiệp công tư hợp doanh hay hợp tác xã ngành ép dầu và do cơ quan quản lý sản xuất cây có dầu ở địa phương quản lý.
d. ở thành phố Hồ Chí Minh các cơ sở ép dầu thiết bị còn tương đối tốt, Nhà nước cần căn cứ vào tình hình cụ thể của từng cơ sở để chuyển thành quốc doanh hoặc công tư hợp doanh và có thể bổ sung thêm thiết bị để nâng cao khả năng sản xuất và nâng cao hiệu suất thu hồi dầu.
Các cơ sở ép dầu lâu nay vẫn dựa vào nguyên liệu của các địa phương khác, thì tuỳ từng đối tượng cụ thể Nhà nước mua lại hoặc trưng mua thiết bị và giao cho các địa phương quản lý theo quy hoạch, người chủ của các cơ sở ấy có thể được sử dụng vào việc tổ chức thu mua, cung ứng nguyên liệu hoặc chuyển họ vào các cơ sở công nghiệp khác.
e. Các cơ sở sản xuất xà phòng tư nhân cũng cần được tổ chức thành các xí nghiệp công tư hợp doanh hoặc quốc doanh. Không cho phép tư nhân và hợp tác xã sản xuất xà phòng đánh răng và xà phòng thơm, để bảo đảm tốt tiêu chuẩn vệ sinh cho người tiêu dùng.
g. Đối với các cơ sở sản xuất các mặt hàng mỹ phẩm truyền thống được tiếp tục sản xuất, phải đăng ký kinh doanh, nhận hợp đồng gia công cho cơ quan kinh tế của Nhà nước, hoặc hợp đồng mua nguyên liệu, bán sản phẩm cho Nhà nước.
2. Cải tạo những người buôn bán nguyên liệu dầu thực vật và dầu ăn.
a. Về thu mua dừa, cơm dừa.
Tập trung việc thu mua vào cơ quan chuyên doanh dừa của tỉnh, huyện; xoá bỏ tình trạng nhiều ngành; nhiều tổ chức tranh nhau thu mua, đẩy giá lên cao. ở những nơi có sản lượng dừa lớn, có thể phân vùng cho liên hiệp các xí nghiệp dầu thực vật trực tiếp tổ chức thu mua nguyên liệu theo phương thức hợp đồng kinh tế hai chiều với hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và hộ nông dân cá thể.
b. Đối với thương lái (tư sản) chuyên mua các nguyên liệu ép dầu thì không được tiếp tục kinh doanh. Cần sử dụng vốn, phương tiện kinh doanh và khả năng nghiệp vụ của họ vào việc thu mua cho Nhà nước. Đối với tiểu thương, thì tổ chức sắp xếp, sử dụng họ vào mạng lưới thu mua cho Nhà nước (dưới hình thức uỷ thác thu mua) hay chuyển sang các ngành, nghề sản xuất hoặc dịch vụ.
Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa tổ chức mạng lưới bán lẻ dầu ăn cho nhân dân và một số nhu cầu cần thiết như các nhà tu hành, những người có bệnh không ăn được mỡ động vật.
c. Đối với những người buôn bán nhỏ các loại dầu ăn, thương nghiệp xã hội chủ nghĩa sử dụng một số làm đại lý bán lẻ, chuyển số người còn lại sang các ngành sản xuất chế biến hoặc dịch vụ;
C. NGÀNH THUỐC LÁ
1. Nhà nước thống nhất quản lý sản xuất và thu mua toàn bộ thuốc lá nguyên liệu, kể cả trong và ngoài vùng quy hoạch.
Các nông trường quốc doanh được giao nhiệm vụ trồng thuốc lá có nghĩa vụ giao nộp toàn bộ sản phẩm cho các nhà máy trung ương (sau khi đã sơ chế).
Các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp trồng thuốc lá phải bán toàn bộ sản phẩm cho Nhà nước theo hợp đồng kinh tế hai chiều và nộp thuế nông nghiệp bằng hiện vật.
Những hộ nông dân trồng thuốc lá được phép để lại một phần sản phẩm để tiêu dùng (mức để lại do chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định, sau khi thống nhất với Bộ Công nghiệp thực phẩm), phần còn lại phải bán toàn bộ cho Nhà nước.
2. Việc phân phối thuốc lá do thương nghiệp quốc doanh đảm nhiệm. Thuốc lá bao là loại sản phẩm không dự trữ được lâu, các xí nghiệp sản xuất thuốc lá được phép giao thẳng cho thương nghiệp cấp II theo chỉ tiêu kế hoạch phân phối của Bộ Nội thương. Ngành thương nghiệp cần chấn chỉnh hệ thống kinh doanh bán lẻ thuốc lá để phục vụ thuận tiện cho người tiêu dùng. 3. Nghiêm cấm mọi cá nhân và tổ chức buôn bán lậu, thuốc lá và phụ liệu giấy cuốn, đầu lọc, hương liệu... để sản xuất và kinh doanh thuốc lá.
4. Việc xuất khẩu thuốc lá được thống nhất vào cơ quan chuyên doanh của Nhà nước. Cấm nhập khẩu và buôn bán lậu các loại thuốc lá của nước ngoài.
III. TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trên cơ sở quy hoạch các vùng tập trung chuyên canh đối với mỗi cây công nghiệp thực phẩm và vận dụng tốt phương châm thuốc lá và nhân dân cùng làm, trung ương và địa phương cùng làm Bộ Công nghiệp thực phẩm cần nghiên cứu, kiến nghị các chính sách về:
- Đầu tư ban đầu cho khai hoang, trồng mới các vùng tập trung chuyên canh (vốn, giống, lương thực, lao động, phân bón, xăng dầu, thuỷ lợi, giao thông, điện).
- Thâm canh tăng năng suất, mở rộng diện tích và thu mua sản phẩm hàng năm theo chủ trương, chính sách và kế hoạch Nhà nước (giá cả, bảo đảm hàng đối lưu về lương thực, vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng thiết yếu... thưởng cho địa phương và người trồng cây công nghiệp giao nộp sản phẩm vượt kế hoạch...).
Các hình thức tổ chức liên kết và cơ chế giải quyết các mối quan hệ kinh tế giữa xí nghiệp quốc doanh với nông dân tập thể.
2. Về tổ chức, cần thành lập các Liên hiệp xí nghiệp công - nông nghiệp quản lý từ trồng trọt đến khâu chế biến ra sản phẩm cuối cùng và giao nộp sản phẩm theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.
- Các liên hiệp xí nghiệp có khối lượng sản phẩm xuất khẩu lớn cần tổ chức các công ty xuất nhập khẩu chuyên lo việc sản xuất các mặt hàng phù hợp với thị hiếu thị trường thế giới, tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế để giới thiệu mặt hàng và tiếp cận với thị trường và nghiên cứu kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tìm nguồn nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, thiết bị chuyên dùng cho ngành sản xuất của mình.
- Ở Bộ có tổng công ty xuất nhập khẩu bao gồm các thành viên là công ty xuất nhập khẩu của các liên hiệp xí nghiệp, có trách nhiệm quản lý chung việc xuất nhập khẩu của toàn ngành công nghiệp thực phẩm.
- Ở các tỉnh có sản lượng lớn về các cây công nghiệp nói trên, có thể tổ chức hoặc liên hiệp xí nghiệp hoặc công ty chuyên doanh (mía, đường, dầu thực vật, chè) trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh.
- Để đi sâu vào khoa học - kỹ thuật chuyên ngành, ở mỗi liên hiệp xí nghiệp lớn cần tổ chức một số cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm với nhiệm vụ tạo giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái cho nông trường, hợp tác xã, và cải tiến công nghệ, thiết bị, chế biến tạo ra nhiều mặt hàng mới, có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, nghiên cứu các nguyên vật liệu thay thế hàng nhập khẩu, v v...
Phấn đấu để mỗi ngành sản xuất tự trang trải được các nhu cầu cơ bản cho sản xuất, và có phần đóng góp ngày càng cao vào ngân sách Nhà nước. Nếu phải nhập nguyên liệu, vật tư thì chủ yếu là để tạo điều kiện vật chất đẩy mạnh xuất khẩu với hiệu quả lớn hơn.
- Để nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất và tăng cường quản lý kỹ thuật theo hướng trên đây, cần sắp xếp lại một số cơ sở sản xuất từ sản phẩm nông nghiệp, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp thực phẩm, và kinh doanh của ngoại thương cho hợp lý theo nguyên tắc quản lý chuyên ngành kinh tế kỹ thuật.
3. Về tổ chức chỉ đạo thực hiện.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu có trách nhiệm chỉ đạo toàn diện công tác cải tạo và xây dựng các ngành công thương nghiệp gắn với cải tạo và phát triển nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm ở địa phương.
Sau khi tiến hành điều tra cơ bản cần phân loại các hộ tư sản, tiểu chủ, tiểu thương, trên cơ sở đó lập phương án cải tạo cụ thể đối với từng loại đối tượng trong từng ngành.
Cần hết sức coi trọng kết hợp cải tạo với sắp xếp lại sản xuất, nhằm phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tập trung lực lượng tiến hành trước các vùng có quy mô sản xuất lớn và tập trung. Cần tiến hành gọn đối với từng ngành.
Bộ Công nghiệp thực phẩm chịu trách nhiệm xây dựng những tiêu chuẩn hợp lý về phẩm chất sản phẩm, định mức kinh tế kỹ thuật và hướng dẫn các địa phương tổ chức quản lý sản xuất và kinh doanh.
Các liên hiệp xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp được phân công phụ trách từng khu vực có trách nhiệm cùng với địa phương tiến hành điều tra cơ bản tình hình và xây dựng phương án tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các cơ sở tư nhân sản xuất kinh doanh mía đường, dầu thực vật, thuốc lá.
Các Bộ Công nghiệp thực phẩm, Cơ khí và luyện kim, Nội thương, Ngoại thương, Nông nghiệp, Lương thực, Nội vụ, Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Vật giá Nhà nước và Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
|
Tố Hữu (Đã ký) |