Quyết định 509/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Số hiệu: 509/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh Người ký: Nguyễn Hữu Thành
Ngày ban hành: 09/12/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Tổ chức chính trị - xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 509/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 09 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG CHO THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2015 - 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Điều 2. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan căn cứ Kế hoạch được phê duyệt triển khai thực hiện đản bảo theo đúng các quy định của Nhà nước.

Điều 3. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ GD&ĐT (để báo cáo);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (để báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy, VP Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- UB MTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh, TT Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, VX, LĐVP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Thành

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG CHO THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2015 - 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 509/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2015 của UBND tỉnh Bắc Ninh)

Căn cứ Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”, UBND tỉnh Bắc Ninh xây dựng Kế hoạch thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu

Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh nhằm tạo chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống phát triển toàn diện; yêu gia đình, có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa; yêu nước, tự hào dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực và bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức và kỹ năng lao động, trở thành những công dân có ích, tích cực tham gia xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu

- 100% thanh niên trong lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên (HSSV) được tuyên truyền, học tập nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến đời sống, học tập.

- 100% HSSV học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo 5 Điều Bác Hồ dạy và đăng ký làm theo 1 đến 2 phần việc cụ thể.

- 100% các cơ sở giáo dục và đào tạo xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.

- 100% đội ngũ làm công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng được thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ.

- 100% các đơn vị trường học thực hiện tốt, có hiệu quả thực chất phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; nhận chăm sóc các di tích lịch sử, công trình văn hóa của địa phương và chăm sóc phụng dưỡng mẹ liệt sỹ, gia đình chính sách.

- 100% các phòng truyền thống tại các cơ sở giáo dục và đào tạo được chỉnh trang thường xuyên phục vụ công tác giáo dục truyền thống tại đơn vị.

- 100% thanh niên, HSSV tình nguyện tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, hoạt động lao động tập thể.

- 100% trở lên hộ gia đình được phổ biến, hướng dẫn và cam kết thực hiện tốt việc giáo dục đạo đức, lối sống, góp phần hướng dẫn học tập cho con em trong gia đình.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác tham mưu, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng

- Tăng cường công tác giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, bồi dưỡng lý luận chính trị, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền phổ biến Luật Giáo dục, Luật Thanh niên.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo lồng ghép việc giáo dục đạo đức vào các hoạt động chính khoá và ngoại khoá. Tuyên truyền sâu rộng về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kết hợp giáo dục lý luận chính trị với giáo dục lý tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho HSSV; tăng cường tính nêu gương của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục gắn với cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"...

- Đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho HSSV. Tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân HSSV” ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, “Tuần sinh hoạt tập thể đầu năm học” cho học sinh trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT)… Lồng ghép giáo dục đạo đức vào đầu năm học và cuộc vận động “HSSV gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc luật giao thông”, các hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trường học.

- Các cơ sở giáo dục và đào tạo thường xuyên cập nhật đưa tin bài về các phong trào thi đua yêu nước, những tấm gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực đời sống xã hội; tuyên truyền chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ; đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hòa bình”, phản bác các luận điệu thông tin sai trái của các thế lực thù địch cho học sinh trung học và HSSV các trường trung cấp, cao đẳng nghề và đại học trong tỉnh.

2. Đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng

- Xây dựng nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong các cơ sở giáo dục và đào tạo bảo đảm thiết thực, hiệu quả phù hợp với từng cấp học, bảo đảm nội dung giáo dục tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, giáo dục Lý luận chính trị theo hướng tiếp cận tự nhiên, tránh giáo điều, cứng nhắc; tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HSSV. Đa dạng hóa các hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng. Giáo dục theo chủ đề, kết hợp với vui chơi, hoạt động thực hành trải nghiệm; tăng cường các hoạt động tập thể, lao động, vệ sinh trường lớp, hoạt động xã hội; thực hiện nghiêm túc quy định hát Quốc ca ở các buổi Lễ chào cờ, việc tập thể dục giữa giờ cho HSSV.

+ Đối với giáo dục phổ thông: Thực hiện nội dung dạy học các môn Đạo đức, Giáo dục công dân trong chương trình sách giáo khoa hiện hành trên cơ sở rà soát, tinh giản nội dung khó, chưa thực sự cần thiết đối với học sinh. Lựa chọn những nội dung giáo dục có giá trị và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm phát triển của học sinh; giáo dục hành vi và chuẩn mực đạo đức; giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống đúng đắn trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

+ Đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học: Chú trọng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống, lòng tự hào dân tộc; tăng cường giáo dục ý thức chấp hành pháp luật; lối sống nhân ái, bao dung, nghĩa tình; trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng; gắn với giáo dục lý luận chính trị với giáo dục kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, năng lực tự học, sáng tạo.

- Đẩy mạnh hưởng ứng cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; triển khai và thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong trường học” góp phần xây dựng cơ sở giáo dục trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục, rèn luyện HSSV.

- Phát huy vai trò các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Bố trí thời lượng phù hợp cho các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

3. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động của tổ chức Đoàn, Hội, Đội

- Triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách hiện hành dành cho Bí thư Đoàn trường, Bí thư chi đoàn lớp, giáo viên Tổng phụ trách Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; vận động đội viên, đoàn viên, HSSV tham gia có hiệu quả các cuộc thi phong trào bổ ích do các cấp tổ chức.

- Tổ chức thực hiện các công trình phần việc thanh niên, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và nhiệm vụ tại địa phương. Đề cao tính sáng tạo, tính giáo dục qua việc thực hiện từng dự án, đề án, công trình thanh niên, tránh hình thức, phô trương, lãng phí.

- Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sân chơi lành mạnh, nâng cao sức khỏe thể chất và đời sống văn hóa tinh thần cho thanh thiếu nhi; tích cực tham gia các hoạt động xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tổ chức các phong trào mang tính thiết thực, phát động các phong trào thi đua yêu nước; tạo điều kiện thuận lợi để HSSV tham gia các hoạt động thực tiễn, qua đó rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện để phát triển, nhân rộng các phong trào giá trị thực tiễn cao, có ý nghĩa giáo dục tích cực với thanh thiếu niên, nhi đồng. Chú trọng công tác tuyên dương, khen thưởng từ cơ sở.

4. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, cộng tác viên phụ trách công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, tổ chức Đoàn, Hội, Đội

- Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách công tác HSSV, cán bộ Đoàn, Hội, Đội.

- Tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác xã hội ở cấp xã, phường, thị trấn về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, nhi đồng.

5. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng

a) Phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc và giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh thiếu niên, nhi đồng, cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thế hệ trẻ phát triển toàn diện. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa, ông bà, cha mẹ, anh chị mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, gia đình đoàn kết, thương yêu nhau, bảo vệ cái tốt, cái đúng, chống lại cái xấu, cái ác và sống có văn hóa, nghĩa tình.

b) Xây dựng môi trường dân chủ, lành mạnh, thân thiện trong các cơ sở giáo dục và đào tạo

- Xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong các cơ sở giáo dục;

- Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, từng bước chuyển phong trào thành các hoạt động thường xuyên trong các cấp học;

- Xây dựng “Trường học xanh - sạch - đẹp”, “Cổng trường an toàn giao thông”, mỗi cơ sở giáo dục và đào tạo có phòng truyền thống gắn với giáo dục lịch sử, truyền thống, ý thức công dân cho HSSV;

- Các cơ sở giáo dục và đào tạo thành lập bộ phận tư vấn và bố trí giáo viên phụ trách, kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, hướng nghiệp.

c) Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể

- Tổ chức các diễn đàn, tham quan, trao đổi, giao lưu có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường và các ban, ngành, đoàn thể địa phương về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV. Các cơ sở giáo dục và đào tạo củng cố Ban Chỉ đạo công tác an ninh trật tự trong trường học do Hiệu trưởng làm Trưởng ban; cán bộ Đoàn, Hội, Đội là lực lượng tiên phong xây dựng kế hoạch hoạt động, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự trong các cơ sở giáo dục;

- Củng cố, nhân rộng và tổ chức có hiệu quả hoạt động của các mô hình giáo dục pháp luật, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến.

6. Tăng cường cơ sở vật chất và đảm bảo thiết chế tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng

- Xây dựng chuyên trang tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trên các cổng thông tin của các sở, ban, ngành, địa phương.

- Tổ chức lại việc bố trí, sử dụng sân chơi, các công trình văn hóa, thể thao cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tại địa phương.

- Tăng cường phối hợp xây dựng cơ chế sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao trong và ngoài nhà trường cho thanh thiếu niên và nhi đồng tại địa phương, đặc biệt ưu tiên cho học tập, rèn luyện văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của HSSV trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

- Các cơ sở giáo dục và đào tạo ưu tiên dành kinh phí xây dựng, bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất đảm bảo tốt việc tập luyện văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của HSSV.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức cá nhân xây dựng các sân tập, nhà tập đa năng, bể bơi, trang thiết bị,… trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TRONG NĂM 2015 VÀ NĂM 2016

1. Rà soát, ban hành chế độ chính sách cho giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh của các trường phổ thông trong tháng 12/2015.

2. Quy định thời lượng triển khai các hoạt động Đoàn, Đội trong chương trình giáo dục mới, chú trọng tích hợp nội dung sinh hoạt Đoàn, Đội trong hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo của các trường phổ thông.

3. Tiếp tục triển khai phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt; quy định thống nhất việc treo khẩu hiệu trong khuôn viên nhà trường từ năm học 2015-2016.

4. Quy định việc tổ chức cho HSSV trực tiếp lao động, vệ sinh trường lớp và các công trình trong khuôn viên nhà trường.

5. Thực hiện và duy trì việc hát Quốc ca trong Lễ chào cờ; việc tập thể dục giữa giờ cho học sinh phổ thông; các bài tập thể dục tại chỗ cho HSSV và hô các khẩu ngữ sau khi tập thể dục tập thể.

6. Xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện hoạt động tổ chức trại hè cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

7. Triển khai các chuyên mục, chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trên các phương tiện truyền thông, báo chí.

8. Rà soát việc bố trí sân chơi bãi tập cho thanh thiếu niên và nhi đồng tại địa phương. Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở hiện có; xã hội hóa nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Trong công tác quy hoạch, ưu tiên diện tích trồng cây xanh sử dụng công cộng để người dân tiếp cận và sử dụng cho các mục đích luyện tập thể dục thể thao, nghỉ ngơi và giải trí.

9. Tăng cường phối hợp giữa chính quyền địa phương các cấp, nhà trường, gia đình và các tổ chức đoàn thể trong công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Kinh phí thực hiện Kế hoạch được sử dụng lồng ghép trong dự toán kinh phí chi thường xuyên giao hàng năm của các cơ quan, đơn vị để thực hiện.

- Huy động các nguồn lực của các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh để tổ chức hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Là cơ quan thường trực tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện các công việc sau:

- Hàng năm, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các nhiệm vụ 1,2,3,4,5 tại mục III của Kế hoạch này.

- Tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết Kế hoạch, báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch và đề xuất nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, nhi đồng giai đoạn tiếp theo.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch chi tiết, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội để triển khai ở từng địa phương.

- Chủ trì tổ chức tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ nhà giáo, báo cáo viên phụ trách công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa trong các nhà trường.

- Chủ trì, phối hợp với Tỉnh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tầm quan trọng của việc giáo dục tuyên truyền lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho HSSV.

2. Tỉnh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ 6 tại mục III của Kế hoạch này;

- Chủ trì, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ tại địa phương, đơn vị. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xác định những nội dung và giải pháp phù hợp để thực hiện có hiệu quả; cụ thể hóa nội dung công việc vào chương trình, kế hoạch công tác; tăng cường công tác tham mưu, phối hợp với các ngành để cùng tham gia thực hiện, nâng cao nhận thức chính trị cho đoàn viên, hội viên, đội viên;

- Chủ trì triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động của tổ chức Đoàn, Hội, Đội;

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình và các đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện Kế hoạch này.

3. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ 8 tại mục III của Kế hoạch này.

Định hướng phát triển các hoạt động văn hóa, sáng tác văn học, nghệ thuật và quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các tổ chức, đơn vị và văn nghệ sĩ; thông qua các hoạt động biểu diễn tuyên truyền về chuẩn mực đạo đức, lối sống văn hóa, giáo dục lý tưởng cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Chỉ đạo, lồng ghép nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trong quá trình triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, trong đó đề cao vai trò của gia đình trong việc giáo dục con cháu.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, chỉ đạo việc lồng ghép nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền trẻ em và công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em thông qua Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em và Công ước quốc tế về Quyền trẻ em.

- Xây dựng, tham mưu ban hành các chính sách trợ giúp, tạo việc làm và thu nhập ổn định đối với các hộ gia đình nghèo, khó khăn để bảo đảm quyền cơ bản cũng như đảm bảo điều kiện tối thiểu trong việc chăm sóc, giáo dục cho thanh thiếu niên và nhi đồng.

- Tăng cường phối hợp, lồng ghép công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ vào các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm,…

5. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, triển khai nhiệm vụ 7 tại mục III của Kế hoạch.

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị và địa phương liên quan chỉ đạo công tác tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ trên các phương tiện truyền thông hiện đại, công nghệ mới, nhất là Internet trong công tác giáo dục thanh thiếu nhi.

- Tăng cường kiểm tra, rà soát nội dung trò chơi trực tuyến và các dịch vụ online bảo đảm giữ gìn thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam.

6. Công an tỉnh

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai Kế hoạch bảo đảm công tác an ninh trật tự trường học; công tác giáo dục pháp luật an toàn giao thông, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội trong HSSV.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai đấu tranh phòng, chống tội phạm và giáo dục thanh thiếu niên, nhất là đối tượng cá biệt.

7. Sở Tài chính

Hàng năm, căn cứ nội dung Kế hoạch này và khả năng cân đối ngân sách, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, thẩm định, bố trí lồng ghép kinh phí trong dự toán của các cơ quan, đơn vị để đảm bảo thực hiện Kế hoạch theo quy định.

8. Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh

Thường xuyên tuyên truyền về truyền thống lịch sử, cách mạng quê hương, đất nước; tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giới thiệu những gương điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

9. Các Sở, ban, ngành liên quan

Theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung liên quan về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa đối với thế hệ trẻ và đội ngũ cán bộ, công chức trẻ.

10. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Triển khai nhiệm vụ 8 tại mục III của Kế hoạch này trên địa bàn.

- Chịu trách nhiệm cụ thể hóa Kế hoạch bằng chương trình cụ thể; bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, nhi đồng tại địa phương.

11. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Chỉ đạo, định hướng các cơ quan truyền thông thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; tham gia kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

12. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp tỉnh

a) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân

Xây dựng chương trình hành động cụ thể với nội dung, giải pháp đồng bộ, phát huy vai trò tích cực của các tổ chức trong công tác giáo dục tuyên truyền lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng; đưa nội dung tuyên truyền vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

b) Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể triển khai nhiệm vụ 9 tại mục III của Kế hoạch.

- Chịu trách nhiệm xây dựng Kế hoạch giáo dục tuyên truyền phẩm chất, giá trị truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, như: lòng yêu nước, cần cù, thông minh sáng tạo trong lao động sản xuất, có lòng nhân hậu, giàu lòng yêu thương; đồng thời tuyên truyền vận động việc xây dựng gia đình văn hóa, phát huy vai trò gương mẫu của ông bà, cha mẹ trong giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

c) Liên đoàn Lao động tỉnh

Nâng cao vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân; bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, tinh thần tự lực tự cường, tác phong công nghiệp… cho người lao động trong độ tuổi thanh niên.

d) Hội Khuyến học tỉnh

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, tuyên dương các HSSV nghèo vượt khó, học giỏi.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo - cơ quan Thường trực để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.