Quyết định 50/2005/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành
Số hiệu: | 50/2005/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bắc Giang | Người ký: | Nguyễn Đăng Khoa |
Ngày ban hành: | 30/06/2005 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài nguyên, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 50/2005/QĐ-UB |
Bắc Giang, ngày 30 tháng 6 năm 2005 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 179/1999/NĐ-CP ngày 30/12/1999 của Chính phủ quy định việc thi hành Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 149/2004/NĐ - CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ quy định về cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước; Nghị định số 34/2005/NĐ - CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước;
- Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 710/TT - TNMT ngày 14/6/2005,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Bắc Giang và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM UBND TỈNH BẮC GIANG |
QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 50/2005/QĐ - UB ngày 30 tháng 6 năm 2005 của UBND tỉnh Bắc Giang)
1. Phạm vi áp dụng: Quy định này áp dụng cho việc quản lý, bảo vệ, điều tra cơ bản về tài nguyên nước; các hoạt động khác gồm: Khảo sát, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn lợi từ tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung thu hồi giấy phép về tài nguyên nước, giấy phép hành nghề khoan nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
2. Đối tượng áp dụng: Quy định này được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (gọi chung là tổ chức, cá nhân) có hoạt động liên quan đến tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Điều 2: Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường:
1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch, điều tra cơ bản, đánh giá, bảo vệ, khai thác sử dụng và các hoạt động khác về tài nguyên nước trình UBND tỉnh phê duyệt.
2. Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ xin cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định hoặc quyết định theo uỷ quyền;
3. Đăng ký, theo dõi, tổng hợp tình hình hoạt động về tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh, định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước; giải quyết hoặc tham gia giải quyết các tranh chấp trong hoạt động về tài nguyên nước; xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước;
5. Thực hiện việc hợp tác trong nước và quốc tế về lĩnh vực quản lý bảo vệ tài nguyên nước theo sự phân công của cấp có thẩm quyền;
6. Phối hợp với các ngành liên quan trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên nước;
7. Tham gia xây dựng phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh và thẩm định các dự án, công trình có nội dung liên quan đến tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh;
8. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước.
Điều 3: Trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành liên quan:
Các Sở, Ban, Ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc quản lý, bảo vệ; xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn về lĩnh vực ngành quản lý.
Điều 4: Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã:
1. Thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các biện pháp tránh gây ô nhiễm và làm cạn kiệt nguồn nước trên địa bàn;
2. Có biện pháp bảo vệ, phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước từ các khu vực làng nghề, cụm công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung, vùng nuôi trồng thuỷ sản;
3. Giải quyết các thủ tục liên quan về đất đai, cơ sở hạ tầng và các điều kiện liên quan khác cho các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động về tài nguyên nước thực hiện dự án;
4. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về tài nguyên nước trên địa bàn theo thẩm quyền.
Điều 5: Các hành vi bị nghiêm cấm:
1. Làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước: ngăn cản trái phép sự lưu thông của nước, san lấp ao, hồ công cộng trái phép; phá hoại các công trình khai thác và sử dụng tài nguyên nước, cản trở quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước và quyền xả nước thải hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
2. Đưa hoặc thải vào nguồn nước các chất dầu, mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá thời hạn cho phép, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn gây dịch bệnh và các chất thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường vào nguồn nước.
3. Xả nước thải hoặc đưa các chất thải gây ô nhiễm vào vùng bảo hộ vệ sinh của khu vực lấy nước sinh hoạt.
Điều 6: Nguyên tắc khai thác, sử dụng tài nguyên nước:
1. Nước có chất lượng tốt được ưu tiên cho mục đích phục vụ sinh hoạt.
2. Việc sử dụng nước có chất lượng tốt (đặc biệt là nước dưới đất) vào mục đích khác như: Công nghiệp, nông nghiệp,... chỉ được phép trong trường hợp không làm ảnh hưởng đến mục đích phục vụ sinh hoạt, phù hợp với quy hoạch sử dụng tài nguyên nước của tỉnh và các quy định khác của pháp luật.
3. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ quan sát mực nước, lưu lượng và chất lượng nước; theo dõi chặt chẽ tác động của công trình khai thác nước gây ra cho môi trường xung quanh như: sụt lún, thay đổi chất lượng nước, thay đổi dòng chảy.
4. Lượng nước khai thác trong một khu vực không vượt quá trữ lượng được phép khai thác.
Điều 7: Điều kiện, yêu cầu về hoạt động tài nguyên nước:
Tổ chức, cá nhân có hoạt động về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh phải có giấy phép được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại Chương III, trừ các trường hợp quy định tại Điều 8 Quy định này.
Các tổ chức, cá nhân được phép điều tra, khảo sát, thăm dò tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu:
1. Đăng ký khu vực hoạt động về tài nguyên nước, nội dung, mục đích, điều tra, khảo sát, thăm dò, thời gian hoạt động và tiến độ thực hiện các đề án dự án tại sở tài nguyên và môi trường.
2. Thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về an ninh trật tự an toàn lao động.
Điều 8: Các trường hợp không phải xin phép
Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước phục vụ cho các hoạt động trong phạm vi gia đình không phải xin phép, gồm:
1. Khai thác, sử dụng nước dưới đất, nước mặt để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phục vụ cho sinh hoạt, cụ thể:
a. Khai thác nước dưới đất bằng giếng khoan, dùng bơm máy có đường kính ống nhỏ hơn 50mm và tổng lượng khai thác dưới 50 m3/ngày - đêm.
b. Khai thác nước dưới đất bằng giếng đào, dùng bơm máy với tổng lượng khai thác nhỏ hơn 50 m3/ngày – đêm.
c. Khai thác nước mặt bằng phương pháp tự chảy hoặc bằng máy bơm mà không làm ảnh hưởng đến sự an toàn của các công trình thủy lợi (mương, máng, hồ, đập, đê, kè, cống...) và nguồn nước, với lưu lượng khai thác nhỏ hơn 5,0 lít/ giây (18m3/giờ).
2. Khai thác, sử dụng nước mặt cho thuỷ điện với công suất máy phát điện nhỏ hơn 10,0 KW ở các sông, suối hoặc trên các hệ thống công trình cấp nước, tiêu nước mà không làm thay đổi dòng chảy.
3. Khai thác, sử dụng nước mưa, nước mặt trong phạm vi diện tích đất được giao, thuê theo quy định của Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước và các quy định khác của pháp luật.
4. Khai thác, sử dụng nước mặt có tổng lượng nhỏ hơn 100m3/ngày - đêm, không nhằm mục đích kinh doanh của các tổ chức, cá nhân phục vụ cho hoạt động dịch vụ công như: Lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, thể thao, giải trí, du lịch, y tế, an dưỡng, nghiên cứu khoa học.
5. Khai thác nước dưới đất từ các công trình thay thế có quy mô không lớn hơn và mực nước hạ thấp nhỏ hơn giới hạn cho phép đã được xác định trong giấy phép, nằm trong khu vực đã được cấp phép.
6. Với nước thải sinh hoạt gia đình, nước thải của các hoạt động sản xuất, kinh doanh có tổng lượng nước thải nhỏ hơn 2,0m3/ngày - đêm và chất lượng tương đương nước thải loại B (tiêu chuẩn Việt Nam).
Các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều này phải đăng ký tại phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã.
Điều 9: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động về tài nguyên nước:
1. Quyền của tổ chức, cá nhân:
a. Được thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của giấy phép;
b. Được Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật;
c. Được Nhà nước bồi thường thiệt hại trong trường hợp giấy phép bị thu hồi trước thời hạn vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật;
d. Được quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân bồi thường thiệt hại đối với quyền, lợi ích hợp pháp của mình về thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật;
đ. Đề nghị cơ quan cấp giấy phép gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép theo quy định.
e.Tự nguyện trả lại giấy phép;
g. Yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước theo quy định hiện hành.
h. Khiếu nại, khởi kiện các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật.
i. Chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản đầu tư vào việc thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân:
a. Chấp hành quy định của pháp luật về tài nguyên nước và các quy định trong giấy phép;
b. Nộp lệ phí cấp phép; thuế tài nguyên, phí bải vệ môi trường đối với nước thải, bồi thường thiệt hại do mình gây ra theo quy định của pháp luật;
c. Không cản trở hoặc gây thiệt hại đến việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;
d. Bảo vệ nguồn nước tại khu vực thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;
đ. Cung cấp đầy đủ và trung thực dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước tại khu vực mà mình thăm dò, khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
e. Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng ngừa, khắc phục sự cố trong quá trình thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, báo cáo kịp thời với cơ quan cấp giấy phép để có biện pháp xử lý thích hợp;
g. Có biện pháp giám sát quá trình thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.
h. Khi giấy phép chấm dứt hiệu lực không được tự ý tháo dỡ, phá huỷ các công trình, thiết bị thuộc sở hữu toàn dân và tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; trong thời hạn 60 ngày, phải di chuyển toàn bộ tài sản của mình, của các bên có liên quan ra khỏi khu vực thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, phục hồi môi trường và đất đai theo quy định của pháp luật.
i. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân mà cơ quan quản lý Nhà nước cho phép thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra, đánh giá nguồn nước tại khu vực đã được cấp phép của mình.
k. Thực hiện chế độ báo cáo về kết quả thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân được phép hành nghề khoan nước:
a. Tuân thủ quy trình, kỹ thuật khoan, các quy định ghi trong giấy phép và quy định về bảo vệ nước dưới đất;
b. Định kỳ báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về khoan thăm dò, khoan khai thác nước dưới đất.
c. Không khoan thăm dò, khoan khai thác nước cho các tổ chức, cá nhân chưa được cấp phép thăm dò, khai thác nước dưới đất, trừ các trường hợp quy định tại Điều 8 của Quy định này.
d. Được tham gia đấu thầu các công trình thăm dò, khai thác nước dưới đất;
c. Thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP, GIA HẠN, THU HỒI GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC
Điều 10: Hồ sơ xin cấp giấy phép thăm dò dưới đất gồm:
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép theo mẫu quy định;
2. Đề án thăm dò nước dưới đất đối với công trình khai thác có lưu lượng từ 200 đến 3.000m3/ngày – đêm; hoặc thiết kế giếng thăm dò đối với công trình có lưu lượng nhỏ hơn 200 m3/ngày – đêm;
Điều 11: Hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất gồm:
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép theo mẫu quy định;
2. Đề án khai thác nước dưới đất.
3. Bản đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất tỷ lệ từ 1/5.000 đến 1/10.000.
4. Báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất đối với công trình khai thác có lưu lượng từ 200m3/ngày - đêm đến dưới 3.000m3/ngày - đêm; hoặc báo cáo kết quả thi công giếng khai thác đối với công trình có lưu lượng nhỏ hơn 200m3/ngày - đêm hoặc báo cáo hiện trạng khai thác đối với công trình khai thác nước đang hoạt động.
5. Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước theo quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam cho mục đích sử dụng tại thời điểm xin cấp phép.
Điều 12: Hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt gồm:
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép theo mẫu quy định:
2. Đề án khai thác, sử dụng nước kèm theo quy trình vận hành đối với trường hợp chưa có công trình khai thác hoặc báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước đối với trường hợp đang có công trình khai thác.
3. Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước cho mục đích sử dụng theo quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam tại thời điểm xin cấp phép.
4. Bản đồ khu vực và vị trí khai thác tỷ lệ từ 1/5.000 đến 1/10.000.
Điều 13: Hồ sơ xin cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước gồm:
1. Đơn đề nghị cáp giấy phép theo mẫu quy định.
2. Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước nơi tiếp nhận nước thải theo quy định của Nhà nước tại thời điểm xin cấp phép;
3. Quy định vùng bảo hộ vệ sinh (nếu có) do cơ quan có thẩm quyền quy định tại nơi dự kiến xả nước thải;
4. Đề án xả nước thải vào nguồn nước, kèm theo quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải; trường hợp đang xả nước thải vào nguồn nước thì phải có báo cáo hiện trạng xả nước thải, kèm theo kết quả phân tích thành phần nước thải của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và giấy chứng nhận đã nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;
5. Bản đồ vị trí khu vực xả nước thải vào nguồn nước tỷ lệ 1/10.000;
6. Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với trường hợp phải đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
Điều 14: Hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề khoan nước gồm:
1. Đơn đề nghị cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất theo mẫu quy định;
3. Bản tường trình năng lực kỹ thuật.
Điều 15: Hồ sơ xin trả giấy phép hoạt động về tài nguyên nước gồm:
1. Đơn xin trả lại giấy phép, trong đó nêu rõ lý do xin trả giấy phép;
2. Báo cáo kết quả thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước hoặc báo cáo thống kê các công trình đã thi công (với trường hợp hành nghề khoan nước).
3. Các biện pháp trám lấp lỗ khoan (với khai thác, sử dụng nước dưới đất).
Điều 16: Hồ sơ xin gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép:
1. Hồ sơ xin gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước gồm:
a. Đơn đề nghị gia hạn hoặc thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép theo mẫu quy định;
b. Giấy phép đã được cấp:
c. Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước theo quy định của Nhà nước tại thời điểm xin gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép.
d. Báo cáo việc thực hiện các quy định trong giấy phép;
đ. Đề án thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trong trường hợp đề nghị điều chỉnh nội dung giấy;
2. Gia hạn giấy phép hành nghề khoan nước:
03 tháng trước khi giấy phép hành nghề hết hạn, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ xin gia hạn gồm:
a. Đơn đề nghị gia hạn giấy phép;
b. Báo cáo thống kê các công trình đã thi công, sự thay đổi nhân sự và thiết bị chuyên môn của đơn vị.
Điều 17. Thời gian thẩm định hồ sơ:
1. Đối với thăm dò nước dưới đất:
Trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế hiện trường, nếu đủ căn cứ thì trình Chủ tịch UBND tỉnh cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo cho tổ chức, cá nhân xin phép lý do không cấp phép.
2. Đối với khai thác, sử dụng nước dưới đất:
a. Trường hợp đã có giếng khai thác: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế hiện trường, nếu đủ căn cứ thì cấp giấy phép theo ủy quyền, trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo cho tổ chức, cá nhân xin phép lý do không cấp phép.
b. Trường hợp chưa có giếng khai thác: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ và ra văn bản cho thi công giếng khai thác.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ tài liệu thi công giếng khai thác, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế hiện trường, nếu đủ căn cứ thì cấp giấy phép theo uỷ quyền; trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo cho tổ chức, cá nhân xin phép lý do không cấp phép.
3. Đối với khai thác, sử dụng nước mặt: xả nước thải vào nguồn nước:
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế hiện trường, nếu đủ căn cứ thì trình Chủ tịch UBND tỉnh cấp giấy phép hoặc cấp phép theo uỷ quyền; trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo cho tổ chức, cá nhân xin phép lý do không cấp phép.
4. Đối với hành nghề khoan nước dưới đất:
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ, kiểm tra năng lực thực tế của tổ chức, cá nhân xin phép hành nghề và cấp giấy phép theo uỷ quyền; trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo cho tổ chức, cá nhân xin phép lý do không cấp phép.
5. Đối với hồ sơ xin gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép:
Trong thời hạn 07 ngày làm việc từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế, nếu đủ điều kiện thì trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định hoặc quyết định theo uỷ quyền việc gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo cho tổ chức, cá nhân xin phép và nêu rõ lý do không gia hạn, thay đổi thời hạn hay điều chỉnh nội dung giấy phép.
6. Đối với Trường hợp trả giấy phép hoạt động về tài nguyên nước:
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ, trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định hoặc quyết định theo uỷ quyền cho phép trả lại giấy phép theo quy định.
Điều 18. Thời hạn của giấy phép
1. Khai thác, sử dụng nước mặt: thời hạn của giấy phép không quá 20 năm và được xem xét gia hạn nhưng thời gian gia hạn không quá 10 năm.
2. Thăm dò nước dưới đất: Thời hạn của giấy phép không quá 03 năm và được xem xét gia hạn nhưng thời gian gia hạn không quá 02 năm.
3. Khai thác, sử dụng nước dưới đất: Thời hạn của giấy phép không quá 15 năm và được xem xét gia hạn nhưng thời gian gia hạn không quá 10 năm.
4. Xả nước thải vào nguồn nước: Thời hạn của giấy phép không quá 10 năm và được xem xét gia hạn nhưng thời gian gia hạn không quá 05 năm.
5. Hành nghề thăm dò nước dưới đất: Thời hạn không quá 05 năm và được xem xét gia hạn nhưng thời hạn gia hạn không quá 03 năm.
Điều 19: Đình chỉ hiệu lực, thu hồi giấy phép:
1. Đình chỉ hiệu lực của giấy phép:
Giấy phép bị đình chỉ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
a. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép (gọi chung là chủ giấy phép) vi phạm nội dung quy định của giấy phép.
b. Chủ giấy phép tự ý chuyển nhượng, cho mượn giấy phép;
c. Chủ giấy phép lợi dụng giấy phép để tổ chức hoạt động không đúng quy định trong nội dung giấy phép.
Thời gian đình chỉ hiệu lực của giấy phép do cơ quan cấp phép quy định. Trong thời gian giấy phép bị đình chỉ hiệu lực, thì chủ giấy phép không có các quyền liên quan đến giấy phép.
2. Trường hợp bị thu hồi giấy phép:
a. Tổ chức là Chủ giấy phép bị giải thể hoặc bị Toà án tuyên bố phá sản; cá nhân là chủ giấy phép bị chết hoặc bị Toà án tuyên bố bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc mất tích;
b. Giấy phép được cấp nhưng không sử dụng trong thời gian 12 tháng liên tục mà không được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên nước cho phép;
c. Chủ giấy phép vi phạm quyết định đình chỉ hiệu lực của giấy phép;
d. Chủ giấy phép vi phạm nội dung quy định của giấy phép, gây cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước;
đ. Giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền;
e. Khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi giấy phép vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;
g. Chủ giấy phép tự nguyện trả lại giấy phép.
Trong trường hợp giấy phép bị thu hồi do vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 2 Điều này, chủ giấy phép chỉ được xem xét cấp mới sau 03 năm, kể từ ngày thu hồi nếu đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ liên quan đến lý do thu hồi giấy phép.
Trong trường hợp giấy phép bị thu hồi theo quy định tại các điểm đ và e khoản 2 Điều này, thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên nước xem xét việc cấp giấy phép mới.
1. Chủ tịch UBND tỉnh cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực và thu hồi giấy phép sau:
a. Thăm dò nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng dưới 3.000 m3/ngày - đêm.
b. Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp với lưu lượng từ 1m3/giây đến dưới 2m3 /giây.
c. Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất từ 500KW đến dưới 2.000 KW.
d. Xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng từ 2.000m3/ngày - đêm đến dưới 5.000m3 /ngày- đêm.
2. Chủ tịch UBND tỉnh uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực và thu hồi giấy phép sau:
a. Khai thác nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng dưới 3.000m3/ngày - đêm.
b. Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp với lưu lượng dưới 1m3/giây.
c. Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất dưới 500KW.
d. Khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích khác với lưu lượng dưới 50.000m3/ngày - đêm.
e. Xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng dưới 2.000m3/ngày - đêm.
g. Hành nghề khoan nước dưới đất có phạm vi hoạt động trong tỉnh.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực và thu hồi giấy phép với các trường hợp không quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này.
THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM
1. Thanh tra, kiểm tra việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch, phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
2. Thanh tra, kiểm tra việc chủ giấy phép thực hiện nghĩa vụ quy định tại Điều 9 của Quy định này.
3. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
4. Phối hợp với thanh tra Nhà nước, thanh tra chuyên ngành của Bộ, Ngành địa phương thanh tra việc tuân theo pháp luật về tài nguyên nước và các hoạt động có liên quan đến tài nguyên nước.
5. Giải quyết hoặc tham gia giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp trong hoạt động về tài nguyên nước.
1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về tài nguyên nước thực hiện theo nghị định số 34/2005/NĐ - CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.
2. Tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định quản lý về tài nguyên nước thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 23: Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo:
1. Tổ chức, cá nhân (hoặc người đại diện hợp pháp) bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước có quyền khiếu nại với quyết định xử phạt của người có thẩm quyền.
2. Mọi công dân có quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền những vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân và tố cáo hành vi vi phạm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.
3. Thẩm quyền, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.