Quyết định 4944/QĐ-UBND năm 2015 về Quy định quản lý sử dụng cần trục tháp tại các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Số hiệu: | 4944/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Đà Nẵng | Người ký: | Huỳnh Đức Thơ |
Ngày ban hành: | 08/07/2015 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Xây dựng nhà ở, đô thị, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4944/QĐ-UBND |
Đà Nẵng, ngày 08 tháng 07 năm 2015 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Quy chuẩn QCVN 07:2012/BLĐTBXH - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thiết bị nâng.
Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Công văn số 3580/SXD-QLCL ngày 15 tháng 6 năm 2015 về ban hành Quy định quản lý sử dụng cần trục tháp tại các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý sử dụng cần trục tháp tại các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUẢN LÝ SỬ DỤNG CẦN TRỤC THÁP TẠI CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 4944/QĐ-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)
Quy định này điều chỉnh các hoạt động quản lý sử dụng cần trục tháp phục vụ cho việc vận chuyển vật tư, thiết bị trong quá trình thi công tại các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý sử dụng cần trục tháp các loại tại mọi công trường xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Trong Quy định này, những từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. Chấp thuận lắp đặt cần trục tháp là quá trình kiểm tra, xem xét của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và lao động để thống nhất ban hành văn bản cho phép cần trục tháp được lắp đặt phục vụ quá trình thi công xây dựng công trình.
2. Chứng nhận hợp quy là việc xác nhận sản phẩm thiết bị cần trục tháp phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.
3. Công bố hợp quy là việc tổ chức cá nhân tự công bố sản phẩm thiết bị cần trục tháp phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.
QUY ĐỊNH QUẢN LÝ SỬ DỤNG CẦN TRỤC THÁP
Điều 4. Chấp thuận lắp đặt cần trục tháp
Trước khi lắp đặt cần trục tháp, chủ đầu tư phải trình hồ sơ xin chấp thuận lắp đặt cần trục tháp. Danh mục hồ sơ xin chấp thuận lắp đặt bao gồm:
1. Hồ sơ kỹ thuật cần trục tháp thể hiện đầy đủ các thông số kỹ thuật, xuất xứ, thời gian sản xuất, hồ sơ chất lượng của các bộ phận hợp thành,…; lý lịch cần trục tháp.
2. Hồ sơ chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy cần trục tháp theo quy định.
3. Hồ sơ khảo sát vị trí lắp đặt, hồ sơ thiết kế lắp đặt cần trục tháp (phần móng, giằng, neo) được tổ chức đủ điều kiện năng lực thẩm tra đảm bảo khả năng chịu lực và ổn định.
4. Sơ đồ thể hiện phạm vi di chuyển của cần trục tháp; vùng nguy hiểm vật rơi khi cần trục hoạt động; vị trí các chướng ngại vật, công trình, đường giao thông bên dưới; vị trí cần trục tháp ở trạng thái nghỉ (không hoạt động).
5. Quy trình lắp đặt, sử dụng an toàn cần trục tháp.
6. Phương án đảm bảo an toàn cần trục tháp trong điều kiện mưa bão được tổ chức đủ điều kiện năng lực thẩm tra đảm bảo khả năng chịu lực và ổn định. Bao gồm:
- Trường hợp dự báo tốc độ gió bão trong giới hạn cho phép theo thiết kế của cần trục tháp: Biện pháp, tiến độ hạ cần trục xuống sát tầng thi công gần nhất, tháo dỡ đối trọng và tăng cường neo giằng thân tháp, tay cần cố định vào công trình đang thi công đảm bảo an toàn tuyệt đối.
- Trường hợp dự báo tốc độ gió bão lớn hơn tốc độ gió cho phép theo thiết kế của cần trục tháp: Biện pháp, tiến độ tháo dỡ đối trọng, tay cần của cần trục tháp, tăng cường neo giằng thân tháp cố định vào công trình đang thi công hoặc tháo dỡ thân tháp trong trường hợp không có khả năng neo giằng thân tháp vào công trình đảm bảo an toàn tuyệt đối.
7. Hồ sơ bảo hiểm cần trục tháp và bảo hiểm đối với bên thứ ba theo quy định.
8. Giấy phép sử dụng đất, công trình công cộng hoặc hợp đồng thuê đất đặt vị trí móng cần trục tháp trong trường hợp móng cần trục tháp được xây dựng ngoài phạm vi công trường (nếu có).
Điều 5. Quy định về sử dụng an toàn cần trục tháp
- Chỉ được lắp đặt cần trục tháp đã được cơ quan chức năng chấp thuận lắp đặt.
- Lắp đặt, sử dụng cần trục tháp đảm bảo an toàn theo đúng quy trình đã được phê duyệt.
- Thực hiện kiểm định kỹ thuật toàn bộ trước khi đưa vào sử dụng lần đầu, kiểm định định kỳ và các trường hợp khác theo quy định tại Quy chuẩn QCVN 07:2012/BLĐTBXH - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thiết bị nâng. Trong đó, thực hiện kiểm định định kỳ 06 tháng/lần trong quá trình sử dụng.
- Chỉ bố trí công nhân điều khiển cần trục tháp và công nhân buộc móc tải từ 18 tuổi trở lên, có giấy xác nhận đủ sức khỏe để thực hiện công việc, đã được đào tạo đúng với công việc được giao (có bằng hoặc giấy chứng nhận), được huấn luyện và cấp chứng chỉ an toàn theo đúng quy định.
- Bất kỳ trường hợp nào cũng phải có người đánh tín hiệu theo quy định. Tín hiệu sử dụng phải được quy định cụ thể và không lẫn được với các hiện tượng khác xung quanh. Trong trường hợp sử dụng thiết bị vô tuyến điện để liên lạc, đánh tín hiệu thì phải đăng ký sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện với cơ quan chức năng có thẩm quyền; đồng thời sử dụng tần số riêng đối với bộ phận quản lý và vận hành cần trục tháp.
- Không sử dụng cần trục tháp để nâng, hạ và di chuyển người, kim loại lỏng, vật liệu nổ, chất độc, bình đựng khí nén hoặc chất lỏng nén.
- Trong quá trình sử dụng cần trục tháp không cho phép:
+ Nâng tải vượt quá tải trọng cho phép.
+ Người lên, xuống cần trục khi cần trục đang hoạt động.
+ Nâng, hạ, chuyển tải khi có người đứng trên tải.
+ Nâng tải trọng tình trạng chưa ổn định, tải bị vùi dưới đất, bị các vật khác đè lên, bị liên kết bằng bu lông hoặc bê tông với các vật khác.
+ Cẩu với, kéo lê tải, vừa dùng người đẩy vừa nâng hạ tải.
- Không cho phép treo pano, áp phích, khẩu hiệu hoặc che chắn làm tăng diện tích cản gió của cần trục.
- Trường hợp trong quá trình hoạt động các bộ phận của cần trục tháp như cần, đối trọng, tải, … có phạm vi vận hành phía trên đường giao thông thì không được phép vận hành cần trục trong giờ giao thông đông người (sáng từ 6h00 đến 8h00, trưa từ 11h00 đến 14h00, chiều từ 16h30 đến 18h30). Trường hợp cần thiết phải hoạt động trong khung giờ nêu trên và trường hợp đặc biệt khác, phải được cơ quan chức năng hỗ trợ điều tiết giao thông đảm bảo an toàn.
- Không cho phép chuyển tải phía trên các công trình liền kề, công trình lân cận.
- Không được phép để phần đối trọng của cần trục phía trên đường giao thông, công trình,... khi cần trục không hoạt động
- Phải có sổ theo dõi vận hành cần trục tháp, sổ giao ca cho mỗi cần trục tháp được lưu tại công trường.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ LIÊN QUAN TRONG QUẢN LÝ SỬ DỤNG CẦN TRỤC THÁP
Điều 6. Chủ đầu tư công trình xây dựng
- Phê duyệt hồ sơ thiết kế lắp dựng cần trục tháp; quy trình lắp đặt, sử dụng an toàn cần trục tháp; phương án đảm bảo an toàn cần trục tháp trong điều kiện mưa bão sau khi cần trục tháp đã được chấp thuận lắp đặt của cơ quan chức năng.
- Quản lý chất lượng thi công xây dựng, lắp đặt cần trục tháp theo đúng quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
- Thường xuyên kiểm tra, yêu cầu đơn vị quản lý sử dụng cần trục tháp tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật an toàn trong quá trình lắp đặt, sử dụng cần trục tháp.
- Kiểm tra hồ sơ kỹ thuật của cần trục tháp; kiểm tra kết quả kiểm định lần đầu, kiểm định định kỳ cần trục tháp phục vụ thi công xây dựng công trình do mình làm chủ đầu tư; kiểm tra hồ sơ năng lực của công nhân điều khiển, công nhân buộc móc tải, công nhân đánh tín hiệu và cán bộ kỹ thuật phục vụ vận hành cần trục tháp trước khi cho phép lắp đặt, sử dụng.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu sự cố xảy ra do cần trục tháp gây ra.
Điều 7. Đơn vị quản lý sử dụng cần trục tháp
- Triển khai lắp dựng cần trục tháp, thực hiện quy trình lắp đặt, sử dụng an toàn cần trục tháp và đảm bảo an toàn cần trục tháp trong điều kiện mưa bão đúng theo hồ sơ đã được phê duyệt.
- Tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật an toàn cần trục tháp quy định tại Quy chuẩn QCVN 07:2012/BLĐTBXH - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thiết bị nâng, Tiêu chuẩn TCVN 4244:2005 - Thiết bị nâng thiết kế, chế tạo, kiểm tra kỹ thuật, trong đó đặc biệt chú ý các nội dung nêu tại Điều 5 Quy định này.
- Kịp thời báo cáo về Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Sở Xây dựng thành phố kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn cần trục tháp lần đầu trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng.
- Định kỳ hằng năm (trước ngày 10 tháng 12) báo cáo tình trạng sử dụng cần trục tháp do đơn vị mình quản lý sử dụng cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Sở Xây dựng thành phố.
- Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật nếu sự cố xảy ra do cần trục tháp gây ra.
- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư công trình xây dựng, đơn vị quản, lý sử dụng cần trục tháp trong việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng và an toàn trong lắp đặt, sử dụng cần trục tháp.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội kiểm tra, xem xét chấp thuận lắp đặt cần trục tháp. Chủ trì kiểm tra hồ sơ nêu tại khoản 3, 4, 6, 8 Điều 4 Quy định này.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận huyện và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động các cần trục tháp trên địa bàn thành phố; tiến hành xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý theo quy định.
- Tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động cần trục tháp trên địa bàn thành phố, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trước ngày 15 tháng 12 hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 9. Sở Lao động Thương binh và Xã hội
- Phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư công trình xây dựng, đơn vị quản lý sử dụng cần trục tháp trong việc kiểm định kỹ thuật an toàn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, chất lượng thiết bị cần trục tháp sử dụng thi công các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố.
- Thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm định kỹ thuật an toàn, chứng nhận hợp quy, chất lượng thiết bị cần trục tháp theo thẩm quyền.
- Phối hợp với Sở Xây dựng xem xét, chấp thuận lắp đặt cần trục tháp; kiểm tra, thanh tra hoạt động các cần trục tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn thành phố. Chủ trì kiểm tra hồ sơ nêu tại khoản 1, 2, 5, 7 Điều 4 Quy định này.
- Tổng hợp, báo cáo tình hình kiểm định cần trục tháp trên địa bàn thành phố với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khi được yêu cầu. Đồng thời gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo theo quy định trước ngày 10 tháng 12 hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 10. Sở Giao thông vận tải
- Phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra, thanh tra hoạt động các cần trục tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn thành phố.
- Hỗ trợ chủ đầu tư (khi nhận được yêu cầu) có biện pháp đảm bảo điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cộng đồng, tính toán các chi phí liên quan để chủ đầu tư công trình chi trả.
Điều 11. Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm
- Phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra, thanh tra hoạt động các cần trục tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn thành phố.
- Thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động cần trục tháp trên địa bàn do mình quản lý, nếu phát hiện chủ đầu tư, đơn vị quản lý sử dụng cần trục tháp không tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật an toàn trong lắp đặt, sử dụng cần trục tháp cần báo cáo ngay về Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan để kịp thời xử lý.
Điều 12. Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và thủ trưởng các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan kịp thời phản ảnh về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết./.