Quyết định 494/2001/QĐ-BTS về Quy chế đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu và thuyền viên
Số hiệu: 494/2001/QĐ-BTS Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Thuỷ sản Người ký: Nguyễn Ngọc Hồng
Ngày ban hành: 15/06/2001 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/09/2001 Số công báo: Số 34
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 494/2001/QĐ-BTS

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN SỐ 494/2001/QĐ-BTS NGÀY 15 THÁNG 6 NĂM 2001 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐĂNG KIỂM TẦU CÁ, ĐĂNG KÝ TÀU CÁ VÀ THUYỀN VIÊN

BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN

Căn cứ Nghị định số 50/CP ngày 21 tháng 6 năm 1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thuỷ sản;
Căn cứ Nghị định số 91/CP, ngày 23 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đăng ký tàu biển và thuyền viên và Nghị định số 23/2001/NĐ-CP ngày 03/5/2001 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều Quy chế đăng ký tàu biển và thuyền viên theo Nghị định số 91/CP, ngày 23/8/1997 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 72/1998/NĐ-CP , ngày 15 tháng 9 năm 1998 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển;
Căn cứ Tiêu chuẩn ngành từ 28 TCN 140:2000 đến 28 TCN 149:2000 ban hành kèm theo Quyết định số 03/2000/QĐ-BTS, ngày 06 tháng 01 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản;
Xét đề nghị của ông Cục Trưởng Cục bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá và thuyền viên".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây theo Quyết định 413 QĐ/BVNL, ngày 01/04/1996 và Quyết định 211 TS/QĐ, ngày 17/6/1992 đều bãi bỏ.

Điều 3: Các ông Chánh văn phòng; Vụ Trưởng các vụ; Chánh thanh tra Bộ; Cục trưởng Cục Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Giám đốc các Sở Thuỷ sản, Sở Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Sở Nông nghiệp và phát triền nông thôn có quản lý thuỷ sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Ngọc Hồng

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

ĐĂNG KIỂM TÀU CÁ, ĐĂNG KÝ TẦU CÁ VÀ THUYỀN VIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 494/2001/QĐ-BTS, ngày 15 tháng 6 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1:

Quy chế này quy định các nguyên tắc tổ chức thực hiện việc đăng kiểm tàu cá, Đăng ký tàu cá và thuyền viên.

Điều 2:

Trong quy chế này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đăng kiểm tàu cá: Là thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá trạng thái kỹ thuật tàu cá, bao gồm cả chế tạo vật liệu và sản phẩm máy móc, công cụ, trang thiết bị được sử dụng trên tàu cá trong thiết kế, đóng mới, sửa chữa lớn (đại tu), cải hoán và đang hoạt động;

2. Đăng ký tàu cá: Là thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước đối với tàu cá;

3. Đăng ký thuyền viên: Là xác nhận thuyền viên có đủ điều kiện theo quy định để làm việc trên tàu cá;

4. Tàu cá: là tất cả các loại tàu, thuyền, canô, sà lan và các phương tiện nổi khác có động cơ hay không có động cơ; dùng vào mục đích: khai thác, chế biến, nuôi trồng, thu gom, vận chuyển thuỷ sản; hậu cần phục vụ nghề cá; nghiên cứu, điều tra, thăm dò nguồn lợi thuỷ sản và kiểm tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản hoạt động trong các vùng nước: Biển, sông, hồ, kênh, rạch, đầm, phá v.v.... của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5. Thuyền viên: Là những người được biên chế làm việc trên tàu cá với các chức danh được quy định;

6. Chủ tàu: Là pháp nhân, hoặc cá nhân sở hữu tàu đứng tên đăng ký tàu theo pháp luật Việt Nam;

7. Hoạt động nghề cá: Là các hoạt động khai thác, chế biến, nuôi trồng thuỷ sản, dịch vụ hậu cần, thu gôm hàng thuỷ sản; điều tra thăm dò và kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản;

8. Thuê tàu trần: Là thuê tàu không kèm theo thuyền viên;

9. Thuê - mua tàu: Là vừa mua vừa thuê tàu.

Điều 3: Cục trưởng Cục BVNL Thuỷ sản giúp Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản tổ chức, chỉ đạo thực hiện thống nhất công tác đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá và thuyền viên trong phạm vi cả nước.

Điều 4:

Chủ tàu cá chỉ được cho tàu hoạt động nghề cá sau khi đã hoàn tất việc đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá và thuyền viên theo quy định của Quy chế này và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam.

Điều 5:

Tàu cá phải đăng ký theo Quy chế này gồm:

1. Tàu cá của các tổ chức, cá nhân trong nước;

2. Tàu cá thuộc sở hữu của các doanh nghiệp liên doanh hoặc của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được thành lập và hoạt động theo luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

3. Tàu cá thuộc tổ chức, cá nhân nước ngoài mà doanh nghiệp Việt Nam mua, hoặc thuê theo hợp đồng thuê tàu trần hoặc thuê - mua tàu;

4. Tàu cá thuộc các tổ chức, cá nhân nước ngoài viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.

5. Tàu cá thuộc tổ chức, cá nhân nước ngoài được Chính phủ Việt Nam cho phép vào đăng ký tại Việt Nam.

Điều 6:

Thuyền viên làm việc trên các loại tàu cá dưới đây phải có Sổ thuyền viên tàu cá:

1. Tàu cá nói tại khoản 1 Điều 5 của Quy chế này có lắp máy với tổng công suất máy chính từ 90 sức ngựa trở lên;

2. Tàu cá nói tại khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 5 của Quy chế này kể cả tàu có lắp máy hoặc không lắp máy.

Điều 7:

Tàu cá phải đăng kiểm theo Quy chế này gồm:

1. Tàu cá lắp máy với tổng công suất máy chính từ 20 sức ngựa trở lên;

2. Tàu cá không lắp máy hoặc có lắp máy với tổng công suất máy chính dưới 20 sức ngựa nhưng có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 mét đến 20 mết.

Đối với tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế lớn hơn 20 mét (trừ tàu Kiểm ngư), việc đăng kiểm do Cục Đăng kiểm Việt Nam đảm nhiệm.

Chương 2

CƠ QUAN ĐĂNG KIỂM TÀU CÁ, ĐĂNG KÝ TÀU CÁ VÀ THUYỀN VIÊN

Điều 8:

Cơ quan Đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá và thuyền viên sau đây gọi tắt là "Cơ quan đăng kiểm tàu cá" gồm:

1. Cơ quan đăng kiểm tàu cá Trung ương - Cục BVNL Thuỷ sản thuộc Bộ Thuỷ sản;

2. Cơ quan Đăng kiểm tàu cá tỉnh - Chi cục BVNL Thuỷ sản hoặc Trung tâm bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản thuộc Sở Thuỷ sản hoặc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có Chi cục BVNL Thuỷ sản hoặc các Trung tâm bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản là Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Điều 9:

Việc đăng ký tàu cá và thuyền viên được phân công như sau:

1. Cơ quan Đăng kiểm tàu cá Trung ương đăng ký đối với:

a. Tàu cá của các đơn vị trực thuộc Bộ Thuỷ sản và của các ngành Trung ương khác, kể cả lực lượng vũ trang làm kinh tế thuỷ sản;

b. Tàu kiểm ngư;

c. Tàu nghiên cứu, điều tra, thăm dò nguồn lợi thuỷ sản;

d. Tàu cá nói tại khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 5 của Quy chế này.

2. Cơ quan Đăng kiểm tàu cá tỉnh đăng ký đối với các tàu cá của tỉnh không nói ở khoản 1 điều này.

Điều 10:

Việc đăng kiểm tàu cá được phân công như sau:

1. Cơ quan Đăng kiểm tàu cá Trung ương đăng kiểm đối với:

a. Tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 sức ngựa trở lên;

b. Tàu cá nói ở khoản 1 Điều 9 của Quy chế này.

2. Cơ quan Đăng kiểm tàu cá tỉnh đăng kiểm đối với:

a. Tàu cá không nói ở khoản 1 Điều này gồm: tàu cá của tỉnh mình và tàu cá của tỉnh khác hết hạn đăng kiểm đến xin kiểm tra gia hạn hoặc đóng, sửa trong địa bàn quản lý;

b. Tàu cá do Cơ quan Đăng kiểm tàu cá Trung ương uỷ quyền.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có chi cục hoặc Trung tâm BVNL Thuỷ sản việc đăng kiểm tàu cá do Cơ quan Đăng kiểm tàu cá Trung ương thực hiện hoặc chỉ định Cơ quan Đăng kiểm tàu cá tỉnh gần nhất có đủ điều kiện thực hiện.

Điều 11:

1. Cơ quan đăng kiểm tàu cá Trung ương có thể uỷ quyền cho cơ quan Đăng kiểm tàu cá tỉnh thực hiện việc đăng kiểm tàu cá nói ở khoản 1 Điều 10 của Quy chế này theo nguyên tắc:

a. Uỷ quyền toàn bộ hoặc từng phần, từng thời hạn;

b. Uỷ quyền cho Cơ quan Đăng kiểm tàu cá tỉnh sở tại hoặc Cơ quan Đăng kiểm tàu cá tỉnh gần nhất có đủ điều kiện thực hiện.

2. Điều kiện để được uỷ quyền:

a. Đủ cán bộ chuyên môn (Phụ lục 1) và đã được cơ quan Đăng kiểm có thẩm quyền cấp chứng chỉ đăng kiểm viên;

b. Có đủ trang, thiết bị, dụng cụ để thực hiện công tác đăng kiểm tàu (Phụ lục 2).

c. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Thuỷ sản về Đăng kiểm tàu cá;

d. Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê đầy đủ, đúng quy định;

3. Cơ quan Đăng kiểm tàu cá Trung ương có trách nhiệm kiểm tra các đơn vị được uỷ quyền theo điều kiện nói tại khoản 2 điều này.

Điều 12:

Cơ quan Đăng kiểm tàu cá Trung ương có nhiệm vụ:

1. Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, áp dụng trong việc thiết kế, đóng mới, sửa chữa lớn, cải hoán, trang bị lại tàu cá và các quy định về đăng ký tàu cá và thuyền viên trình Bộ Thuỷ sản ban hành;

2. Lập và quản lý Sổ đăng ký tàu cá thuộc diện quản lý; tổng hợp thống kê tàu cá và thuyền viên đã được đăng ký trong cả nước;

3. Tổ chức chỉ đạo công tác đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá và thuyền viên trong cả nước;

4. Tổ chức đào tạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các cơ quan Đăng kiểm tàu cá tỉnh;

5. Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá và thuyền viên tại các Cơ quan Đăng kiểm tàu cá tỉnh trong phạm vi cả nước;

6. Trực tiếp thực hiện công tác đăng ký tàu cá và thuyền viên đối với loại tàu nói tại khoản 1 Điều 9 và đăng kiểm tàu cá đối với loại tàu nói tại khoản 1 Điều 10 của Quy chế này;

7. Tham gia đánh giá trạng thái ký thuật và chất lượng tàu cá thuộc diện quản lý trước khi trang bị lại, thanh lý và giải bản;

8. Tham gia Hội đồng giám định sự cố tai nạn hàng hải;

9. Ban hành các biểu mẫu giấy tờ dùng trong công tác đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá và thuyền viên; in ấn, phát hành và quản lý thống nhất trong cả nước;

10. Thu phí, lệ phí đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá và thuyền viên theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 13:

Cơ quan Đăng kiểm tàu cá tỉnh có nhiệm vụ:

1. Lập và quản lý Sổ đăng ký tàu cá theo phân cấp; tổng hợp thổng kê tàu cá và thuyền viên của tỉnh đã đăng ký;

2. Báo cáo công tác đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá và thuyền viên theo quy định;

3. Trực tiếp thực hiện công tác đăng ký tàu cá và thuyền viên đối với loại tàu nói tại khoản 2 Điều 9 và đăng kiểm tàu cá đối với loại tàu nói tại khoản 2 Điều 10 của Quy chế này;

4. Tham gia đánh giá trạng thái kỹ thuật và chất lượng tàu cá thuộc địa bàn quản lý trước khi trang bị lại, thanh lý và giải bản;

5. Tham gia Hội đồng giám định sự cố tai nạn hàng hải đối với tàu cá;

6. Thu phí, lệ phí đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá và thuyền viên theo quy định hiện hành của Nhà nước;

Chương 3

ĐĂNG KIỂM TÀU CÁ

Điều 14:

1. Tàu cá nói tại Điều 7 của Quy chế này phải chịu sự kiểm tra giám sát kỹ thuật của Cơ quan đăng kiểm tàu cá;

2. Tàu cá không nói tại Điều 7 của Quy chế này, cơ quan đăng kiểm tàu cá chỉ kiểm tra trang bị an toàn và thông số cơ bản của tàu trước khi đăng ký tàu;

3. Khi đóng mới, sửa chữa lớn, cải hoán, trang bị lại tàu cá nói tại Điều 7 của Quy chế này, chủ tàu hoặc cơ sở đóng tàu thuyền được chủ tàu uỷ quyền phải ký hợp đồng giám sát kỹ thuật với Cơ quan đăng kiểm tàu cá.

Điều 15:

Tàu cá thuộc loại quy định phải đăng kiểm đều phải có hồ sơ kỹ thuật. Nội dung hồ sơ kỹ thuật tàu cá quy định tại Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 141: 2000 và Quy phạm tiêu chuẩn Nhà nước hiện hành.

Điều 16:

Việc thực hiện công tác đăng kiểm tàu cá đóng mới, sửa chữa lớn, cải hoán gồm:

1. Xét duyệt thiết kế;

2. Kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công, thử và nghiệm thu.

Điều 17:

Việc thực hiện công tác đăng kiểm tàu cá trong quá trình tàu hoạt động gồm:

1. Kiểm tra lần đầu;

2. Kiểm tra hàng năm;

3. Kiểm tra định kỳ;

4. Kiểm tra bất thường.

Mục đích các loại kiểm tra nói trên quy định tại mục 5 Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 140: 2000.

Điều 18:

Các giấy tờ được cấp sau khi thực hiện công tác đăng kiểm:

1. Phiếu duyệt thiết kế;

2. Biên bản nghiệm thu từng phần;

3. Biên bản kiểm tra kỹ thuật lần đầu/ định kỳ;

4. Biên bản kiểm tra kỹ thuật hàng năm;

5. Sổ chứng nhận khả năng hoạt động tàu cá.

Nội dung, khuôn khổ và mẫu trình bày các giấy tờ nói trên quy định tại Tiêu chuẩn ngành từ 28 TCN 142: 2000 đến 28 TCN 149: 2000

Điều 19:

Cơ quan đăng kiểm tàu cá Trung ương căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy phạm hiện hành quy định cụ thể nội dung các loại kiểm tra kỹ thuật đối với tàu cá.

Chương 4

ĐĂNG KÝ TÀU CÁ

Điều 20:

Tàu cá được đăng ký vào Sổ đăng ký tàu cá khi đã có đủ các điều kiện sau:

1. Đủ năng lực hoạt động nghề cá; phù hợp với chủ trương phát triển của Ngành thuỷ sản;

2. Chủ tàu phải cam kết không sử dụng tàu vào các mục đích trái pháp luật;

3. Không còn mang đăng ký tàu biển nào khác;

4. Đã hoàn tất việc đăng kiểm (đối với loại tàu thuộc diện phải đăng kiểm);

5. Nếu là tàu cá có nguồn gốc từ nước ngoài nói tại mục C, D và Đ Điều 23 Quy chế này thì không được quá 15 tuổi.

6. Thuộc tổ chức, cá nhân trong nước có trụ sở thường trú tại Việt Nam. Nếu thuộc tổ chức, cá nhân nước ngoài phải được Chính phủ Việt Nam cho phép;

7. Có tên gọi riêng do chủ tàu tự đặt, có thể lấy số đăng ký của tàu làm tên gọi cho tàu. Trong trường hợp dùng tên các nhân vật lịch sử của Việt Nam để đặt tên cho tàu thì phải được Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản chấp thuận.

Điều 21:

1. Chủ tàu có nghĩa vụ đăng ký tàu cá tại Cơ quan đăng kiểm tàu cá quy định tại Điều 9 của Quy chế này;

2. Trong cùng một thời điểm mỗi tàu cá chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng kiểm tàu cá và chỉ mang một số đăng ký duy nhất.

3. Thủ tục, hồ sơ đăng ký tàu cá quy định tại Điều 23 của Quy chế này.

Điều 22:

1. Số đăng ký tàu cá gồm 3 nhóm (tính từ trái sang phải), quy định như sau:

A. Nhóm thứ nhất: Các chữ cái viết tắt tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cụ thể:

01. An giang - AG

02. Bà rịa Vũng tàu - BV

03. Bạc Liêu - BL

04. Bắc Cạn - BC

05. Bắc Giang - BG

06. Bắc Ninh - BN

07. Bến Tre - BT

08. Bình Dương - BD

09. Bình Định - BĐ

10. Bình Phước - BP

11. Bình Thuận - BTh

12. Cà Mau - CM

13. Cao Bằng - CB

14. Cần Thơ - CT

15. Đà Nẵng - ĐNa

16. Đắc Lắc - ĐL

17. Đồng Nai - ĐN

18. Đồng Tháp - ĐT

19. Gia Lai - GL

20. Hà Giang - HG

21. Hà Nội - HN

22. Hà Nam - HNa

23. Hà Tây - HTa

24. Hà Tĩnh - HT

25. Hải Dương - HD

26. Hải Phòng - HP

27. Hoà Bình - HB

28. Tp. Hồ Chí Minh - SG

29. Hưng Yên - HY

30. Khành Hoà - KH

31. Kiên Giang - KG

32. Kom Tum - KT

33. Lai Châu - LC

34. Lạng Sơn - LS

35. Lào Cai - LCa

36. Lâm Đồng - LĐ

37. Long An - LA

38. Nam Định - NĐ

39. Nghệ An - NA

40. Ninh Bình - NB

41. Ninh Thuận - NT

42. Phú Thọ - PT

43. Phú Yên - PY

44. Quảng Bình - QB

45. Quảng Nam - QNa

46. Quãng Ngãi - QNg

47. Quảng Ninh - QN

48. Quảng Trị - QT

49. Sóc Trăng - ST

50. Sơn La - SL

51. Tây Ninh - TN

52. Thái Bình - TB

53. Thái Nguyên - TNg

54. Thanh Hóa - TH

55. Thừa Thiên Huế - TTH

56. Tiền Giang - TG

57. Trà Vinh - TV

58. Tuyên Quang - TQ

59. Vĩnh Long - VL

60. Vĩnh Phúc - VP

61. Yên Bái - YB

B. Nhóm thứ hai: Gồm 4 chữ số theo thứ tự từ 0001 đến 9999; riêng đối với lắp máy chính từ 90% sức ngựa trở lên nhóm này gồm 5 chữ số, quy định như sau:

Số đầu là 9, các số tiếp, theo thứ tự từ 0001 đến 9999.

C. Nhóm thứ ba:

a. Gồm 2 chữ "TS" (Thuỷ sản) - Đối với tàu do cơ quan đăng kiểm tàu cá tỉnh đăng ký;

b. Gồm 3 chữ "BTS" (Bộ Thuỷ Sản) - Đối với tàu do cơ quan đăng kiểm tàu cá Trung ương đăng ký;

c. Gồm 2 chữ " KN" (Kiểm ngư) - Đối với Tàu Kiểm Ngư.

2. Tên và số đăng ký phải viết bằng sơn hoặc làm thành biển gắn chắc chắn vào tàu theo quy định sau:

a. Tên tàu viết phía trên vách cabin hoặc vách buồng ngủ;

b. Số đăng ký viết hai bên mạn phía mũi tàu trường hợp tàu nhỏ không thể viết số đăng ký ở mạn mũi tàu thì làm biển số gắn ở phía ngoài vách cabin hoặc vách buồng ngủ, nếu tàu không có cả ca bin và buồng ngủ thì viết hoặc gắn vào bất kỳ vị trí nào của thân tàu nơi dễ nhìn thấy nhất;

c. Địa danh cảng hoặc nơi đăng ký trú đậu tàu viết ở phía đuôi tàu.

Chữ và số viết ngay ngắn rõ ràng bằng kiểu chữ in đều nét, mẫu chữ và số tương phản với mầu nền viết để nhìn rõ.

Kích cơ chữ và số phải tương xứng kích cỡ tàu, bề dày nét chữ và số không nhỏ hơn 30 mm, chiều cao chữ và số không nhỏ hơn 200mm. Đối với tàu quá nhỏ, kích cỡ chữ và số có thể nhỏ hơn quy định trên đây nhưng phải đảm bảo rõ ràng, dễ thấy.

Điều 23:

Hồ sơ đăng ký tàu cá gồm:

A. Đối với tàu cá đóng mới hoặc cải hoán.

1. Giấy tờ phải nộp, mỗi thứ 01 bản:

a. Tờ khai đăng ký tàu cá và thuyền viên (bản chính);

b. Giấy chứng nhận xuất xưởng do chủ cơ sở đóng, sửa tàu cấp hoặc hợp đồng đóng, sửa tàu (bản chính).

c. Biên lai nộp thuế trước bạ (cả máy tàu và vỏ tàu, bản chính);

d. Giấy chứng nhận đăng ký cũ (đối với tàu cải hoán, bản gốc);

e. 2 ảnh tàu cỡ 9 x 12 (ảnh mầu, chụp toàn tàu theo hướng 2 bên mạn tàu);

2. Giấy tờ phải xuất trình (bản chính):

a. Hồ sơ an toàn kỹ thuật do cơ quan Đăng kiểm cấp (bản chính), đối với loại tàu phải đăng kiểm;

b. Giấy phép sử dụng đài tàu, nếu có.

B. Đối với tàu cá chuyển dịch quyền sở hữu trong nước (Bán, đổi, cho, nhượng, thừa kế v.v...)

1. Trường hợp chuyển dịch sở hữu tàu trong vùng cùng một cơ quan Đăng kiểm

1.1. Giấy tờ phải nộp, mỗi thứ 01 bản:

a. Tờ khai sang tên và cấp lại đăng ký;

b. Chứng từ chuyển nhượng quyền sở hữu tàu theo quy định hiện hành của Nhà nước (bản chính);

c. Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá cũ của tàu (bản chính);

d. Biên lai nộp thuế trước bạ (bản chính).

1.2. Giấy tờ phải xuất trình (bản chính): Hồ sơ an toàn kỹ thuật do cơ quan Đăng kiểm cấp (bản chính), đối với loại tàu phải đăng kiểm;

2. Trường hợp chuyển dịch sở hữu tàu từ vùng này sang vùng khác không cùng một cơ quan Đăng kiểm.

2.1. Giấy tờ phải nộp, mỗi thứ 0,1 bản:

a. Tờ khai đăng ký tàu cá và thuyền viên (bản chính);

b. Giấy chứng nhận xoá đăng ký do cơ quan đăng ký tàu cá cũ cấp và kèm theo hồ sơ đăng ký cũ của tàu (bản chính);

c. 2 ảnh tàu cỡ 9 x 12 (ảnh mầu, chụp toàn tàu theo hướng 2 bên mạn tàu);

d. Các giấy tờ như nói tại tiết c và d điểm 1.1 khoản 1 mục này.

2.2. Giấy tờ phải xuất trình (bản chính): Các Giấy tờ như nói tại khoản 2 mục A điều này.

C. Đối với tàu cá mua ở nước ngoài

1. Giấy tờ phải nộp, mỗi thứ 0,1 bản:

a. Tờ khai đăng ký tàu cá và thuyền viên (bản chính);

b. Giấy phép mua tàu do cơ quan Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền cấp (bản chính);

c. Giấy chứng nhận hoàn thành thủ tục hải quan (bản chính);

d. Giấy chứng nhận xoá đăng ký cũ do cơ quan đăng ký tàu của nước ngoài bán tàu cấp (bản chính) và kèm theo bản dịch ra tiếng Việt do cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung dịch;

e. Biên lai nộp thuế trước bạ (bản chính);

g. 2 ảnh tàu cỡ 9 x 12 (ảnh mầu, chụp toàn tàu theo hướng 2 bên mạn tàu)

2. Giấy tờ phải xuất trình (bản chính):

a. Hồ sơ an toàn kỹ thuật do cơ quan Đăng kiểm cấp (bản chính);

b. Giấy phép sử dụng đài tàu, nếu có.

D. Đối với tàu cá thuộc diện thuê tàu trần hoặc thuê - mua tàu của nước ngoài

1. Giấy tờ phải nộp, mỗi thứ 0,1 bản:

a. Hợp đồng thuê tàu trần, hoặc thuê - mua tàu vào Việt Nam (bản chính);

b. Giấy chứng nhận tạm ngừng đăng ký cũ của tàu do cơ quan đăng ký cũ cấp (bản chính) và kèm theo bản dịch ra tiếng Việt do cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung dịch;

c. Giấy phép thuê tàu trần, hoặc thuê - mua tàu vào Việt Nam do cơ quan Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền cấp (bản chính);

d. Các giấy tờ nói tại điểm a, c, e và g khoản 1 mục C điều này.

2. Giấy tờ phải xuất trình (bản chính): Các giấy tờ nói tại khoản 2 mục C điều này.

Đ. Đối với tàu cá do tổ chức, cá nhân nước ngoài viện trợ không hoàn lại.

1. Giấy tờ phải nộp, mỗi thứ 0,1 bản:

a. Giấy tờ tiếp nhận viện trợ tàu do cơ quan Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền cấp (bản chính);

b. Các giấy tờ nói tại điểm a, c, d và g khoản 1 mục C điều này;

2. Giấy tờ phải xuất trình (bản chính):

Các giấy tờ nói tại điểm a và b khoản 2 mục C điều này.

Điều 24:

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Đăng kiểm tàu cá có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký vào Sổ đăng ký tàu cá và cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá. Trường hợp không đủ điều kiện đăng ký hoặc hồ sơ đăng ký chưa hợp lệ phải thông báo cho chủ tàu.

Điều 25.

Chủ tàu, Thuyền trưởng tàu cá có nghĩa vụ bảo quản và lưu giữ thường xuyên ở tàu Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và các giấy tờ Đăng kiểm tàu cá.

Điều 26:

1. Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

a. Bị mất, bị rách nát hư hỏng;

b. Thay đổi tên tàu, hô hiệu hoặc các thông số kỹ thuật của tàu.

2. Hồ sơ phải nộp cho Cơ quan Đăng kiểm tàu cá để cấp lại giấy chứng nhận đăng ký gồm:

a. Tờ khai xin đổi tên tàu hoặc cấp lại đăng ký tàu cá;

b. Giấy chứng nhận đăng ký cũ (nếu bị rách nát hư hỏng hoặc thay đổi tên tàu...; bản chính) hoặc Giấy khai báo bị mất "Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá" có xác nhận của chính quyền cấp xã, phường hoặc đồn Công an, Biên phòng nơi bị mất (nếu bị mất).

3. Cơ quan Đăng kiểm tàu cá xét cấp lại "Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá" cho chủ tàu chậm nhất không quá 03 ngày kể từ ngày nhận tờ khai.

4. Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được cấp lại phải giữ nguyên số đăng ký đã được cấp và ghi rõ cấp lại lần thứ mấy.

Điều 27:

1. Chủ tàu phải thông báo cho cơ quan Đăng kiểm tàu cá nơi tàu đăng ký để xoá đăng ký trong những trường hợp sau:

a. Tàu bị phá huỷ hoặc bị chìm đắm mà cơ quan điều tra tai nạn hàng hải có thẩm quyền xác nhận đã thực sự mất khả năng hoạt động nghề cá;

b. Tàu bị mất tích (sau 6 tháng kể từ khi mất liên lạc với tàu);

c. Tàu hư hỏng không thể sửa chữa được, hoặc việc sửa chữa là không có hiệu quả kinh tế;

d. Tàu chuyển dịch quyền sở hữu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;

2. Cơ quan Đăng kiểm tàu cá có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ xét cấp Giấy chứng nhận xoá đăng ký tàu cá đồng thời xoá tên tàu trong sổ đăng ký tàu cá.

Điều 28:

1. Tàu cá được cấp "GIấy chứng nhận đăng ký tạm thời" trong các trường hợp sau đây:

a. Khi tiến hành đăng ký tàu cá cũ mua của nước ngoài để sử dụng nhưng chủ tàu chưa có giấy chứng nhận xoá tên đăng ký tàu biển và giấy chứng nhận đã nộp lệ phí trước bạ;

b. Khi tiến hành đăng ký tàu cá đóng mới tại Việt Nam để chạy thử về nơi đăng ký chính thức;

Hồ sơ phải nộp khi đăng ký tạm thời gồm:

a. Có tờ khai xin cấp chứng nhận đăng ký tạm thời nêu rõ lý do;

b. Hợp đồng đóng tàu hoặc hợp đồng chuyển dịch sở hữu tàu.

c. Hồ sơ an toàn kỹ thuật của tàu do cơ quan đăng kiểm cấp

3. Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời về Đăng ký tàu cá được cấp cho chủ tàu chỉ có giá trị trong 90 ngày.

Điều 29:

Thủ tục và trình tự cầm cố, thế chấp hoặc cầm giữ hàng hải tàu cá thực hiện theo quy định tại mục E chương II Quy chế đăng ký tàu biển và thuyền viên, ban hành kèm theo Nghị định số 91-CP, ngày 23/8/1997 của Chính phủ.

Chương 5

ĐĂNG KÝ Ở NƯỚC NGOÀI TÀU CÁ THUỘC SỞ HỮU CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VIỆT NAM

Điều 30:

1. Điều kiện để tàu cá thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam được đăng ký ở nước ngoài và nguyên tắc áp dụng luật để giải quyết các vấn đề có liên quan, thực hiện theo quy định tại Điều 20 và 22 mục F chương II Quy chế đăng ký tàu biển và thuyền viên, ban hành kèm theo Nghị định số 91-CP, ngày 23/8/1997 của Chính phủ.

2. Việc cho phép đăng ký ở nước ngoài tàu cá thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản quyết định.

Điều 31:

1. Trước khi đăng ký ở nước ngoài mà tàu cá đã đăng ký tại Việt Nam thì chủ tàu phải làm tờ khai xoá đăng ký hoặc tạm ngừng đăng ký, gửi cơ quan Đăng kiểm tàu cá thuộc địa bàn quản lý để xoá hoặc tạm ngừng đăng ký trong sổ đăng ký tàu cá Việt Nam.

2. Cơ quan Đăng kiểm tàu cá thực hiện việc xoá đăng ký và cấp Giấy chứng nhận xoá đăng ký hoặc Giấy chứng nhận tạm ngừng đăng ký cho chủ tàu chậm nhất không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Chương 6

ĐĂNG KÝ THUYỀN VIÊN

Điều 32:

1. Thuyền viên tàu cá nói tại Điều 6 Quy chế này phải có Sổ thuyền viên tàu cá.

2. Người xin cấp Sổ thuyền viên tàu cá phải có đủ các điều kiện sau:

a. Đủ 18 tuổi trở lên;

b. Có đủ sức khoẻ và biết bơi lội;

c. Được tập huấn về những kiến thức cơ bản khi hành nghề trên biển do cơ quan Đăng kiểm tàu cá có thẩm quyền tổ chức (Nếu chưa có chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với các chức danh quy định trên tàu cá).

3. Hồ sơ cấp sổ thuyền viên gồm:

a. Tờ khai cấp sổ thuyền viên tàu cá kèm theo 2 ảnh chân dung cỡ 3 x 4 (ảnh mầu);

b. Chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với các chức danh quy định trên tàu cá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp (bản sao có công chứng) hoặc Giấy chứng nhận đào tạo nghiệp vụ đi biển làm nghề cá do cơ quan đăng kiểm tàu cá cấp (bản chính).

4. Cơ quan Đăng kiểm tàu cá có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và làm thủ tục cấp Sổ thuyền viên tàu cá cho thuyền viên chậm nhất không quá 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ

Điều 33:

1. Tàu cá đăng ký ở cơ quan Đăng kiểm tàu cá nào thì do cơ quan Đăng kiểm tàu cá đó thực hiện việc đăng ký thuyền viên và cấp Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá cho tàu.

Việc đăng ký thuyền viên và cấp Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá đối với các loại tàu cá quy định như sau:

a. Đối với thuyền viên làm việc trên tàu cá nói ở Điều 6 của Quy chế này phải tuân thủ quy định nói tại các Điều 32 của Quy chế này;

b. Đối với thuyền viên làm việc trên tàu cá không nói ở Điều 6 của Quy chế này, cơ quan đăng kiểm tàu cá căn cứ vào khoản 2 Điều 32 Quy chế này ghi danh sách thuyền viên vào Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá.

2. Hồ sơ phải nộp để đăng ký thuyền viên và cấp Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá gồm:

a. Tờ khai đăng ký tàu cá và thuyền viên (bản chính);

b. Bảo sao Sổ thuyền viên tàu cá của mỗi thuyền viên xin đăng ký (Đối với thuyền viên làm việc trên tàu cá nói tại Điều 6 của Quy chế này) hoặc chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ khác phù hợp với các chức danh quy định trên tàu cá.

3. Sau khi đã đăng ký mỗi tàu cá được cấp một Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá.

4. Cơ quan đăng kiểm tàu cá có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và làm thủ tục cấp Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá cho chủ tàu chậm nhất không quá 07 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Điều 34:

1. Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá được cơ quan Đăng kiểm tàu cá cấp lần đầu cùng với việc đăng ký tàu cá.

2. Việc thay thế thuyền viên làm việc trên tàu cá cho từng chuyến biển quy định như sau:

a. Đối với thuyền viên làm việc trên loại tàu cá như nói tại Điều 6 của Quy chế này, thuyền viên thay thế phải có Sổ thuyền viên tàu cá; đối với thuyền viên làm việc trên các tàu cá còn lại không nói tại Điều 6 của Quy chế này, thuyền viên thay thế không cần thiết phải có Sổ thuyền viên tàu cá nhưng phải đủ tuổi thành niên, có sức khoẻ và biết bơi lội.

b. Theo yêu cầu của chủ tàu hoặc Thuyền trưởng, thuyền viên thay thế phải được người có thẩm quyền (Đối với tàu cá thuộc doanh nghiệp là Giám đốc doanh nghiệp, đối với tàu cá không thuộc doanh nghiệp là Chủ tịch UBND xã hoặc phường nơi cư trú của chủ tàu đó) thực hiện việc ghi tên thuyền viên thay thế vào sổ danh bạ thuyền viên của tàu; sau đó ghi rõ họ tên, chức danh, ký tên và đóng dấu xác nhận.

Chương 7

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 35:

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Quy chế này đều được khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Quy chế này đều bị xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

3. Việc khiến nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến việc thực hiện Quy chế này theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.

Chương 8

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 36:

Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Quy chế này thay thế:

1. Thể lệ đăng ký tàu cá và thuyền viên ban hành kèm theo Quyết định số 413 QĐ/BVNL, ngày 01/4/1996 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản;

2. Quyết định 211 TS/QĐ, ngày 17/6/1992 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản về việc quản lý kỹ thuật, kiểm tra an toàn các phương tiện nghề cá.

Điều 37:

Cục trưởng Cục BVNL Thuỷ sản có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện thống nhất Quy chế này.

PHỤ LỤC 1

BẢNG KÊ CÁN BỘ TỐI THIỂU PHẢI CÓ ĐỐI VỚI MỘT ĐƠN VỊ ĐĂNG KIỂM TÀU CÁ
(Cán bộ trực tiếp làm công tác đăng kiểm)

STT

Nghiệp vụ

Trình độ chuyên môn

Số lượng

Đơn vị

Ghi chú

1

Cán bộ vỏ tàu

Đại học

1

Người

 

 

 

Trung cấp

2

nt

 

2

Cán bộ máy tàu

Đại học

1

nt

 

 

 

Trung cấp

1

nt

 

3

Cán bộ cơ khí khai thác

Trung cấp

1

nt

 

4

Cán bộ khác

Trung cấp

1

nt

Điện, lạnh, v.v...

5

Cán bộ thống kê

Trung cấp

1

nt

Có thể kiêm

PHỤ LỤC 2

BẢNG KÊ DỤNG CỤ, THIẾT BỊ TỐI THIỂU CẦN PHẢI CÓ CHO MỘT ĐƠN VỊ LÀM ĐĂNG KIỂM TÀU CÁ

TT

Tên dụng cụ, thiết bị

Quy cách

Số lượng

Ghi chú

1

Thước dây cuộn (sơi bố)

0-10 m

0-25 m

2 cái

2 cái

 

2

Thước cuộn (kim loại)

0-2 m

0-5 m

0-10 m

2-10 cái

2 cái

2 cái

Mỗi cán bộ 1 cái

3

Thước thẳng (gỗ, hoặc nhựa)

0-300 mm

0-800 mm

0-1000 0mm

2-10 cái

2 cái

2 cái

Mỗi cán bộ 1 cái

4

Đồng hồ đo độ nghiêng tàu

0-90o (trái, phải)

2 cái

 

5

Đồng hồ đo tốc độ gió

 

2 cái

 

6

Định vị vệ tinh

 

1 cái

 

7

Đồng hồ bấm giây

 

5-10 cái

Mỗi cán bộ 1 cái

8

Thước đo bước xoắn chân vịt

0-800 mm

R 1000 mm

1 cái

 

9

Máy dò siêu âm

 

1 cái

 

10

Búa kiểm tra

 

5-10 cái

Mỗi cán bộ 1 cái

11

Máy vi tính

 

1 cái

 

12

Thước lá mỏng

0,001-2,000 mm

2-5 cái

Mỗi cán bộ máy 1 cái

13

Thước lá dẹp

150 mm

300 mm

1000 mm

2-5 cái

2-5 cái

1 cái

Mỗi cán bộ máy 1 cái

nt

nt

14

Đồng hồ so (Comparateur)

 

1 bộ

 

15

Đồng hồ đo vòng tua máy

 

2 cái

1 kiểu từ, 1 kiểu cơ

16

Đồng hồ đo áp suất

0-16 KG/cm2

0-25 KG/cm2

0-200 KG/cm2

1-2 cái

nt

nt

 

17

Đồng hồ đo nhiệt độ nước

0-100 oC

1-2 cái

 

18

Đồng hồ đo nhiệt độ khí xả

1-300 oC

1-2 cái

 

19

Bộ đồ vẽ kỹ thuật

 

2 bộ

 

20

Thước cặp

150 mm

300 mm

1-2 cái

1-2 cái

 

21

Pan me đo ngoài

0-25 mm

100-200 mm

1-2 cái

1 bộ

 

22

Pan me đo trong

100-200 mm

1 bộ

 

23

Thiết bị bàn nguội

(bàn mát, giá đỡ V chuẩn)

 

1 bộ