Quyết định 49/2008/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước tại các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành
Số hiệu: 49/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Huỳnh Đức Hòa
Ngày ban hành: 28/10/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/2008/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 28 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH LÂM ĐỒNG.

ỦY BAN NHÂN DÂN TÌNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu kinh tế,
Xét đề nghị của Ban Quản lýcác Khu công nghiệp tại Tờ trình số 336/TTr-KCN ngày 18/9/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước tại các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban Quản lýcác Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính. Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Lao động Thương binh và Xã hội; Cục truởng Cục thuế, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Đà Lạt, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt, Giám đốc các doanh nghiệp hoạt động trong các Khu công nghiệp và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định./-

 

 

TM . ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa

 

QUY CHẾ

VỀ PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 49/2008/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định một số nội dung phối hợp quản lý Nhà nước trong các Khu công nghiệp giữa Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng (viết tắt là Ban QLKCN) với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan của tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Quy chế này được xây dựng nhằm mục đích:

1. Xác định cụ thể nội dung phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc tỉnh trong các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

2. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước tại các khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ có hiệu quả cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chương II

CÁC NỘI DUNG PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG KHU CÔNG NGHIỆP

Điều 3. Ban QLKCN là cơ quan chức năng thực hiện quản lý Nhà nước trực tiếp đối với các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và các dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho các nhà đầu tư trong Khu công nghiệp.

Ban QLKCN trực tiếp thực hiện các chức năng hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, tiếp nhận, hướng dẫn, thẩm định hồ sơ dự án đầu tư của các doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào các khu công nghiệp. Cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư vào các Khu công nghiệp của tỉnh Lâm Đồng theo thầm quyền.

Điều 4. Trong quá trình thẩm tra các dự án đầu tư vào các Khu công nghiệp, khi xét thấy cần thiết Ban QLKCN các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi đến các cơ quan để xin ý kiến thẩm tra các dự án về những nội dung liên quan, trong đó đề nghị thời hạn để cơ quan phối hợp thẩm tra trả lời

Cơ quan được xin ý kiến thẩm tra dự án nếu không trả lời trong thời gian đề nghị, được xem như đồng ý và chịu trách nhiệm nếu có những sai sót về mặt quản lý Nhà nước đối với nội dung đã được Ban QLKCN đề nghị cho ý kiến.

Điều 5. Trong quá trình quản lý các hoạt động trong Khu công nghiệp, các cơ quan quản lý chức năng thuộc tỉnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ban QLKCN, cụ thể như sau:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Phối hợp trong việc tổ chức thẩm tra các nội dung dự án đầu tư vào các Khu công nghiệp có vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng trở lên và không thuộc lãnh vực đầu tư có điều kiện, hoặc thẩm tra đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, theo quy định tại các Điều 45, 46, 47 Nghị định số 108/2006/NĐ- CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư

b) Phối hợp xây dựng chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư tại các Khu công nghiệp, trình UBND tỉnh ban hành trên cơ sở phù hợp với các quy định của Nhà nước.

2. Sở Tài chính

a) Phối hợp thiển khai chế độ tài chính áp dụng cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài Chính.

b) Xác định quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn thuộc sở hữu Nhà nước của các doanh nghiệp đầu tư trong Khu công nghiệp khi có yêu cầu.

3. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Xác định dự án đầu tư vào Khu công nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ mới, sản xuất vật liệu mới, thuộc danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư theo Nghị định số 149/2005/NĐ-CP ngày 08/12/2005 của Chính phủ.

b) Thẩm định công nghệ đối với các dự án đầu tư có hợp đồng chuyển giao công nghệ và các hoạt động liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

c) Phối hợp thực hiện công tác quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ đối với các hoạt động trong Khu công nghiệp, phối hợp xử lý các tranh chấp, khiếu nại về sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp hoặc với doanh nghiệp khác trong tỉnh.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Phối hợp triển khai các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong Khu công nghiệp.

b) Phối hợp thực hiện công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường theo quy định của pháp luật và hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

c) Phối hợp tổ chức việc thu phí bảo vệ môi trường; tổ chức thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường; xử lý các khiếu nại, tranh chấp về đất đai, Môi trường trong Khu công nghiệp theo quy định của pháp luật.

5. Sở Công thương

a) Phối hợp trong việc cấp giấy phép kinh doanh đối với hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Khu công nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.

b) Phối hợp thực hiện các chức năng quản lý Nhà nước về công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu không thuộc các chức năng đã được quy định hoặc ủy quyền cho Ban QLKCN.

6. Sở Xây dựng

a) Thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt hoặc thỏa thuận quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các Khu công nghiệp thuộc quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp với Ban QLKCN thực hiện công tác quản lý Nhà nước về xây dựng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình xây dựng trong Khu công nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

7. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Phối hợp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lao động trong Khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động, trừ các chức năng đã được cấp có thẩm quyền giao hoặc ủy quyền cho Ban QLKCN.

8. Chi cục Hải quan

Phối hợp chặt chẽ với Ban QLKCN trong công tác hướng dẫn thủ tục hải quan, chính sách ưu đãi thuế, đề xuất giải quyết các vướng mắc đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp KCN.

9. Cục Thuế

Phối hợp chặt chẽ với Ban QLKCN về công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực Thuế tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp; tháo gỡ những khó khăn về công tác quản lý thuế phát sinh trong quá trình thực hiện.

10. Các sở, ban, ngành và UBND các địa phương có liên quan

Phối hợp với Ban QLKCN về công tác quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực chuyên ngành và quản lý Nhà nước tại địa phương trong các trường hợp có liên quan.

Điều 6. Thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp Khu công nghiệp

1. Định kỳ Ban QLKCN có trách nhiệm thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp Khu công nghiệp theo quy định tại điểm i, khoản 2, Điều 37 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ, theo nguyên tắc, thủ tục quy định tại Điều 81 và 84 Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ.

2. Trong trường hợp cần thiết, Ban QLKCN lập kế hoạch kiểm tra các doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp, trình UBND tỉnh phê duyệt và quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Ban QLKCN thông báo kết luận về nội dung các vụ việc đã kiểm tra và xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Các hoạt động kiểm tra nhằm đảm bảo công tác quản lý của từng lĩnh vực như quản lý thuế, môi trường, lao động ... thực hiện theo các quy định chuyên ngành.

Điều 7. Kiểm tra bất thường các doanh nghiệp Khu công nghiệp

Khi các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành dược chủ động tiến hành các cuộc kiểm tra bất thường đối với doanh nghiệp. Ban QLKCN được cừ đại diện là thành viên để tham gia kiểm tra bất thường doanh nghiệp trong Khu công nghiệp và có quyền tham gia ý kiến xử lý.

Điều 8. Đối thoại giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp

Định kỳ hàng năm hoặc khi cần thiết, Ban QLKCN chủ trì, các ngành phối hợp tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp Khu công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp Khu công nghiệp đồng thời tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các ngành trong việc thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong Khu công nghiệp.

Điều 9. Phối hợp trong báo cáo

Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và hàng năm, Ban QLKCN báo cáo UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan về tình hình hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp theo quy định tại Điều 37, Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ đồng thời đánh giá những khó khăn, vướng mắc và phương hướng giải quyết các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp trong Khu công nghiệp.

Các báo cáo nêu trên đồng thời được gởi cho các sở, ngành chức năng liên quan thuộc tỉnh để theo dõi, phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Điều khoản thi hành

Ban Quản lý các Khu công nghiệp Lâm Đồng, các sở, ngành chức năng có liên quan thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã có Khu công nghiệp và các doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này./-