Quyết định 484/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Dự án Khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bảo vệ môi trường lưu vực Sông Mã tỉnh Sơn La giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020
Số hiệu: 484/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La Người ký: Lò Mai Kiên
Ngày ban hành: 04/03/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 484/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 04 tháng 3 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN KHOANH NUÔI, BẢO VỆ, TRỒNG RỪNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC SÔNG MÃ TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2012 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh;

Căn cứ Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng;

Căn cứ Quyết định số 1959/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 69/2011/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh ban hành kèm theo Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 80/2013/TTLT-BTC-BNN ngày 14 tháng 6 năm 2013 của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 85/2014/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 30/TTr-SNN ngày 30 tháng 01 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án Khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bảo vệ môi trường lưu vực Sông Mã tỉnh Sơn La giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020 với các nội dung sau:

1. Phạm vi dự án

Lưu vực Sông Mã trong Quyết định này bao gồm ranh giới địa chính của 24 xã, thị trấn, thuộc 2 huyện Sông Mã và Sốp Cộp. Trong đó:

- 19 xã, thị trấn thuộc huyện Sông Mã: Thị trấn Sông Mã, Bó Sinh, Chiềng Phung, Pú Pẩu, Chiềng En, Mường Lầm, Nậm Ty, Đứa Mòn, Yên Hưng, Chiềng Sơ, Nà Nghịu, Nậm Mằn, Huổi Một, Chiềng Khoong, Chiềng Cang, Mường Cai, Mường Hung, Chiềng Khương, Mường Sai.

- 05 xã thuộc huyện Sốp Cộp: Púng Bánh, Dồm Cang, Sốp Cộp, Mường Và, Nậm Lạnh.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Bảo vệ môi trường lưu vực Sông Mã có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với các xã trên lưu vực; là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, thường xuyên, đòi hỏi phải tập trung các nguồn lực đầu tư với những quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân địa phương trên lưu vực, có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương.

Triển khai có hiệu quả nhiệm vụ khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng trên lưu vực Sông Mã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nước của dòng sông; thực hiện cân bằng nguồn nước nhằm phục vụ an toàn cho việc cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu nông nghiệp, các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững khác và gìn giữ cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của lưu vực sông.

Xây dựng mô hình khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bảo vệ môi trường trên lưu vực Sông Mã phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, bảo đảm công bằng cho mọi đối tượng, mọi tiểu vùng trong lưu vực; gắn quyền lợi của người khai thác, sử dụng tài nguyên trên lưu vực với nghĩa vụ khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng phục vụ phát triển bền vững dòng sông.

Làm cơ sở để đề xuất xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống cơ chế, chính sách, các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến và khả thi nhằm nâng cao độ che phủ của rừng, tăng cường chức năng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, rửa trôi, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia công tác khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng trên lưu vực Sông Mã.

b) Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu đến năm 2020, diện tích khoanh nuôi: 16.000 ha; bảo vệ: 29.500 ha; trồng rừng: 520 ha; nuôi dưỡng rừng: 500 ha.

Hoàn chỉnh mô hình xã hội hóa công tác khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bảo vệ môi trường trên lưu vực Sông Mã.

Nâng độ che phủ của rừng của lưu vực Sông Mã từ 36,91% năm 2013 lên 40,34% năm 2020, khôi phục cơ bản rừng đầu nguồn đã bị suy thoái.

Đạt được sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ của người dân với chính quyền trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bảo vệ môi trường lưu vực hệ Sông Mã.

3. Nội dung khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bảo vệ môi trường lưu vực Sông Mã đến năm 2020

a) Khoanh nuôi

Tổng diện tích khoanh nuôi: 16.000 ha. Cụ thể như sau:

- Khoanh nuôi tái sinh tự nhiên

+ Đối tượng: Bao gồm diện tích đất trống, trạng thái Ib, Ic thực vật che phủ gồm cây bụi, trảng cỏ, lau lách và cây gỗ tái sinh có triển vọng (H > 0,5 m) > 500 cây/ha và những diện tích không đủ các điều kiện trên, nhưng phân bố phân tán, cao xa, dốc, xen kẽ trong rừng có khả năng nhận gieo giống tự nhiên và một số diện tích rừng IIa chưa có trữ lượng, thuộc rừng phòng hộ, quy hoạch cho lâm nghiệp, không trùng với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Tổng diện tích khoanh nuôi tái sinh tự nhiên: 15.884 ha. Trong đó:

Phân theo đơn vị hành chính: Huyện Sông Mã: 9.684 ha; Huyện Sốp Cộp: 6.200 ha.

Phân theo trạng thái rừng: Ib: 5.064 ha; Ic: 9.820 ha; IIa: 1.000 ha.

Phân theo chủ rừng: Cộng đồng: 8.188 ha; Tổ chức: 1.630 ha; Nhóm hộ: 1.291 ha; Hộ gia đình: 2.288 ha; Lực lượng vũ trang: 2.487 ha.

- Khoanh nuôi có trồng bổ sung

+ Đối tượng: Bao gồm diện tích đất trống, trạng thái Ib thực vật che phủ gồm cây bụi, trảng cỏ, lau lách và cây gỗ tái sinh có triển vọng (H > 0,5 m) > 500 cây/ha, thuộc rừng phòng hộ, quy hoạch cho lâm nghiệp, không trùng với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Tổng diện tích khoanh nuôi có trồng bổ sung: 116 ha. Trong đó:

Phân theo đơn vị hành chính: Huyện Sông Mã: 116 ha.

Phân theo trạng thái rừng: Ib: 116 ha.

Phân theo chủ rừng: Cộng đồng: 48 ha; Tổ chức: 27 ha; Hộ gia đình: 41 ha.

b) Bảo vệ rừng

- Đối tượng: Bao gồm diện tích đất có rừng. Diện tích khoanh nuôi phục hồi thành rừng và diện tích trồng rừng mới sau khi hết thời gian đầu tư xây dựng cơ bản, thuộc đất rừng phòng hộ, quy hoạch cho lâm nghiệp, không trùng với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tổng diện tích bảo vệ rừng: 29.500 ha. Trong đó:

Phân theo đơn vị hành chính: Huyện Sông Mã: 19.620 ha; huyện Sốp Cộp: 9.880 ha.

Phân theo trạng thái rừng: IIIa3, IIIb: 587 ha; IIIa2: 1.520 ha; IIIa1: 11 ha; IIa, IIb: 25.534 ha; Rừng hỗn giao gỗ - tre nứa: 56 ha; Rừng tre: 1.413 ha; Rừng trồng: 379 ha.

Phân theo chủ rừng: Cộng đồng: 17.354 ha; Tổ chức: 2.179 ha; Nhóm hộ: 2.576 ha; Hộ gia đình: 4.355 ha; Lực lượng vũ trang: 3.036 ha.

c) Trồng rừng và chăm sóc rừng

- Đối tượng: Là những lô đất trống thuộc trạng thái Ia nhưng khả năng tái sinh thành rừng chậm, trên đất rừng phòng hộ, quy hoạch cho lâm nghiệp, không trùng với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Diện tích trồng rừng và chăm sóc rừng: 520 ha. Trong đó:

Phân theo đơn vị hành chính: Huyện Sông Mã: 400 ha; huyện Sốp Cộp: 120 ha.

Phân theo loại đất: Đất trống Ia thuộc rừng phòng hộ là 520,0 ha.

Phân theo chủ rừng: Cộng đồng: 328 ha; Tổ chức: 20 ha; Nhóm hộ: 77 ha; Hộ gia đình: 95 ha.

d) Nuôi dưỡng rừng

- Đối tượng: Đất rừng tự nhiên có đủ cây tái sinh theo mục đích nhưng có cấu trúc tổ thành và phân bố cây không hợp lý so với cấu trúc rừng chuẩn, thuộc trạng thái IIIa1, IIa, thuộc rừng phòng hộ, quy hoạch cho lâm nghiệp, không trùng với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tổng diện tích rừng nuôi dưỡng: 500 ha. Trong đó:

Phân theo đơn vị hành chính: Huyện Sông Mã: 380 ha; Huyện Sốp Cộp: 120 ha.

Phân theo trạng thái rừng: IIIa1: 432 ha; IIa: 68 ha.

Phân theo chủ rừng: Cộng đồng: 355 ha; Tổ chức: 40 ha; Nhóm hộ: 40 ha; Hộ gia đình: 65 ha.

đ) Bố trí cơ sở hạ tầng phục vụ công tác khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bảo vệ môi trường lưu vực Sông Mã đến năm 2020

- Xây dựng đường băng cản lửa với tổng chiều dài 42 km, chiều rộng 8 m.

- Xây dựng chòi canh rừng: 8 chòi. Trong đó huyện Sông Mã: 08 chòi; Huyện Sốp Cộp: 05 chòi.

- Làm mới bảng quy ước, biển báo, biển cấm: 72 cái (trong đó bảng quy ước: 22 bảng; Biển báo, biển cấm: 50 biển) được bố trí tại nơi thuận tiện, dễ nhìn, gần đường giao thông, đường đi nương rãy, gần bản và những nơi gần rừng cần bảo vệ.

e) Bố trí vườn ươm giống cây lâm nghiệp phục vụ dự án

- Nâng cấp 2 vườn ươm với quy mô 02 ha (trong đó xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã: 01 vườn với diện tích 01 ha; Xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp: 01 vườn với diện tích 01 ha).

4. Tổng nhu cầu vốn: 184.547,4 triệu đồng.

Trong đó:

- Vốn ngân sách: 131.545,4 triệu đồng.

- Vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hợp tác quốc tế và các nguồn hợp pháp khác: 53.002,0 triệu đồng.

5. Danh mục các hạng mục, dự án ưu tiên đầu tư

- Thiết kế Khoanh nuôi, bảo vệ, nuôi dưỡng, trồng rừng theo dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng như: Chòi canh lửa, Đường băng cản lửa, bảng quy ước bảo vệ rừng và các biển cấm, biển báo.

- Nâng cấp 02 vườn ươm để đảm bảo giống cây cho trồng rừng theo tiến độ hàng năm.

- Đầu tư cho bảo vệ rừng tự nhiên và rừng trồng với diện tích 29.500 ha.

- Đầu tư trồng, chăm sóc rừng trồng với diện tích 520 ha.

- Đầu tư khoanh nuôi tái sinh với diện tích 16.000 ha.

- Đầu tư nuôi dưỡng rừng với diện tích 500 ha.

- Xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp bền vững trên địa bàn các xã thuộc lưu vực Sông Mã.

6. Các giải pháp thực hiện dự án

a) Giải pháp về huy động và sử dụng nguồn vốn thực hiện dự án

- Huy động nguồn vốn

Khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có dự án đầu tư trong lĩnh vực Bảo vệ và Phát triển rừng thuộc lưu vực Sông Mã.

Tổ chức triển khai có hiệu quả chính sách theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và quy định các văn bản pháp luật có liên quan.

Bố trí vốn ngân sách Nhà nước từ các nguồn vốn của các chương trình, dự án như nguồn vốn: Bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình phát triển sản xuất nông lâm nghiệp từ nguồn giành cho chương trình khuyến nông, tập huấn, tuyên truyền lấy từ nguồn ngân sách tỉnh, Chương trình Bảo vệ và Phát triển rừng, Chương trình 30a,Phí dịch vụ môi trường rừng, ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác được phân bổ đầu tư cho từng năm và từng dự án đã được duyệt, đảm bảo đúng thời gian, tiến độ triển khai thực hiện có hiệu quả. Ưu tiên dành nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng đường băng cản lửa, chòi canh, làm mới bảng quy ước, biển báo, biển cấm.

Sử dụng vốn đầu tư xây dựng các dự án phát triển sản xuất nông lâm kết hợp đảm bảo các loại giống cây trồng có giá trị kinh tế và chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Phương án sử dụng vốn

Đối với nguồn vốn từ nguồn: Bảo vệ môi trường, Xây dựng mô hình phát triển sản xuất nông lâm nghiệp từ nguồn giành cho chương trình khuyến nông, Tập huấn, tuyên truyền lấy từ nguồn ngân sách tỉnh, Chương trình Bảo vệ và Phát triển rừng, Chương trình 30a, Phí dịch vụ môi trường rừng và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác: sử dụng nguồn vốn theo quy định của các chương trình, dự án.

Đối với các nguồn vốn ODA sử dụng theo quy định của nhà Tài trợ và pháp luật Việt Nam.

Đối với các nguồn vốn khác, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng vốn đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

b) Tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bảo vệ môi trường lưu vực Sông Mã

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng của Nhà nước. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, cảnh quan và khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bền vững lưu vực.

Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng trên lưu vực Sông Mã.

c) Giải pháp về cơ chế, chính sách

Tổ chức triển khai có hiệu quả công tác khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; Công tác nghiệm thu trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, chăm sóc rừng trồng, bảo vệ rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên theo quy định tại Quyết định số 06/2005/QĐ-BNN ngày 24 tháng 01 năm 2005; Quyết định số 59/2007/QĐ-BNN ngày 19 tháng 6 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy định nghiệm thu trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, chăm sóc rừng trồng, bảo vệ rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên ban hành kèm theo Quyết định số 06/2005/QĐ-BNN ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tổ chức thực hiện tốt các quy định tại Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006; Quyết định số 34/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và quy định khác còn hiệu lực tại thời điểm áp dụng.

Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia công tác khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng trên lưu vực Sông Mã.

d) Giải pháp về khoa học công nghệ

Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển giao đến từng hộ gia đình các biện pháp kỹ thuật trồng rừng; chăm sóc rừng trồng; khoanh nuôi bảo vệ rừng; phòng chống cháy rừng và công tác phòng chống sâu bệnh hại rừng. Tổ chức các đợt cho chủ hộ tham quan học tập các mô hình sản xuất tiên tiến trong và ngoài tỉnh.

Trồng khảo nghiệm để chọn lọc tập đoàn cây trồng phù hợp với điều kiện hệ sinh thái từng vùng, từng loại rừng, ưu tiên phát triển các loài cây mang tính phòng hộ cao và bền vững.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tin học vào công tác quản lý, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, theo dõi công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Củng cố hệ thống khuyến lâm ở cơ sở, tăng cường đầu tư cho công tác khuyến lâm, đặc biệt những xã có nhiều rừng, vùng sâu, vùng xa; đổi mới phương pháp tiếp cận nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ khuyến lâm.

Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ lâm nghiệp đặc biệt là ở cấp xã và thôn bản, cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa, ưu tiên đào tạo con em các dân tộc thiểu số và đào tạo liên thông cán bộ lâm nghiệp ở các vùng sâu, vùng xa để đáp ứng yêu cầu về đổi mới ngành và hội nhập quốc tế.

Mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan khoa học trong và ngoài tỉnh, tạo mối liên hệ thông tin các tiến bộ khoa học công nghệ. Tranh thủ mọi nguồn, mọi hình thức đầu tư cho việc chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác lâm sinh và công nghiệp chế biến lâm sản.

Tăng cường nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng của lưu vực; khuyến khích việc đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ mới trong công tác quản lý về khoanh nuôi, bảo vệ rừng.

đ) Giải pháp Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng

Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương thông qua hội thảo công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đối với người dân tổ chức hội thảo chuyên đề về tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển rừng có sự tham gia của người dân, phổ biến pháp luật, giáo dục môi trường…, cho từng nhóm đối tượng. Tổ chức các nhóm tuyên truyền do lực lượng thanh niên làm nòng cốt có sự tham gia của cộng đồng. Để làm được điều này cần thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như sách báo, áp phích, pa nô, phim ảnh.

Tạo việc làm thông qua các hợp đồng giao khoán trồng rừng, chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng để nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng làm giảm thiểu áp lực xấu đến rừng. Hỗ trợ trồng cây phân tán, cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn, hạn chế sự phụ thuộc của các hộ gia đình vào gỗ, củi từ rừng các khu rừng phòng hộ.

Vận động các thôn, bản, tiểu khu xây dựng quy chế phối kết hợp trong công tác bảo vệ rừng với các thôn, bản, chính quyền địa phương và các đơn vị đóng trên địa bàn. Tiến hành xây dựng hương ước quản lý bảo vệ rừng trong cộng đồng nhằm chia xẻ quyền lợi, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thi hành luật pháp nghiêm túc trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

e) Các giải pháp khác

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài khác để tranh thủ vốn, công nghệ, kinh nghiệm và thu hút đầu tư trong việc khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bảo vệ môi trường lưu vực Sông Mã.

Gắn kết chặt chẽ và lồng ghép các yêu cầu bảo vệ môi trường; Khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng của lưu vực vào quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của hai huyện trên lưu vực.

Điều 2. Tổ chức thực hiện dự án

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ trì, phối hợp với UBND huyện Sông Mã, Sốp Cộp và các đơn vị có liên quan:

Công bố công khai nội dung dự án khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bảo vệ môi trường lưu vực Sông Mã theo đúng quy định.

Hàng năm đề xuất các nguồn vốn và phương án sử dụng nguồn vốn phục vụ cho việc triển khai thực hiện dự án trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp nhằm thu hút các nguồn vốn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào công tác khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bảo vệ môi trường lưu vực Sông Mã.

Hướng dẫn các đơn vị có liên quan về chuyên môn, nhiệm vụ trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ, nuôi dưỡng, trồng, chăm sóc rừng trồng bảo vệ môi trường lưu vực Sông Mã.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dự án khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bảo vệ môi trường lưu vực Sông Mã tại các địa phương thuộc vùng dự án.

2. Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tham gia, tạo điều kiện tổ chức thực hiện dự án Khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bảo vệ môi trường lưu vực Sông Mã tỉnh Sơn La phù hợp với định hướng bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó giao thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

a) Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh các nội dung liên quan đến công tác quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường. Đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan:

Hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường trong quá trình lập, thẩm định và cấp phép dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ các nguồn vốn cho dự án khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bảo vệ môi trường lưu vực Sông Mã đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

c) Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan trong việc:

Bố trí vốn ngân sách hàng năm cho các chương trình, kế hoạch, dự án khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng trên địa bàn lưu vực Sông Mã theo đúng quy định của pháp luật.

Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn ngân sách cho khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng.

d) Sở Nội vụ

Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp và các cơ quan liên quan đến việc bảo vệ và phát triển rừng thuộc lưu vực Sông Mã.

đ) Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc xét duyệt, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng.

e) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan:

Xây dựng kế hoạch về đào tạo nhân lực đảm bảo phù hợp với yêu cầu của công tác bảo vệ và phát triển rừng trên lưu vực Sông Mã.

3. UBND các huyện Sông Mã, Sốp Cộp

UBND các huyện thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án theo quy định của pháp luật; Tổ chức phổ biến, công khai Dự án Khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bảo vệ môi trường lưu vực Sông Mã tỉnh Sơn La giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn địa phương quản lý.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện công tác khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng gắn với bảo vệ môi trường và tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

4. Các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao thực hiện dự án phải nghiêm chỉnh chấp hành sự quản lý, chỉ đạo của các cấp thm quyền, chủ đầu tư; xem xét, nghiên cứu, b trí nhân lực, vật tư, thiết bị máy móc, nguồn vốn, tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo khối lượng, tiến độ, chất lượng các nội dung dự án đề ra.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện: Sốp Cộp, Sông Mã; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- TT UBND tỉnh;
- Bộ NN-PTNT;
- Các tổ chức đoàn thể tỉnh;
- Huyện ủy các huyện: Sốp Cộp, Sông Mã;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Như Điều 4;
- Lưu: VT, Biên KTN, 140b.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lò Mai Kiên

 

 





Quyết định 186/2006/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý rừng Ban hành: 14/08/2006 | Cập nhật: 23/08/2006