Quyết định 48/2007/QĐ-UBND về tổ chức và hoạt động của chương trình đào tạo sau đại học giai đoạn 2006 - 2010
Số hiệu: | 48/2007/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đồng Nai | Người ký: | Võ Văn Một |
Ngày ban hành: | 18/07/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giáo dục, đào tạo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48/2007/QĐ-UBND |
Biên Hòa, ngày 18 tháng 7 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 51/2005/NQ-HĐND ngày 21 tháng 7 năm 2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VII kỳ họp thứ 5 về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai tại Tờ trình số 368/TTr-SKHCN ngày 03/4/2007 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 727/SNV-CBCC ngày 10/7/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tổ chức và hoạt động của chương trình đào tạo sau đại học giai đoạn 2006 - 2010 của tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Khoa học - Công nghệ, Giáo dục - Đào tạo, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Ngoại vụ, Lao động Thương binh - Xã hội, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 48/2007/QĐ-UBND ngày 18 tháng 7 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Nguyên tắc và mục tiêu của Chương trình
Chương trình đào tạo sau Đại học tỉnh Đồng Nai nhằm góp phần xây dựng, tăng cường đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, cán bộ quản lý chủ chốt, chuyên gia giỏi cho các trường Đại học, cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước, đáp ứng các nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn 2006 - 2010 và đến 2020.
Mục tiêu của chương trình đến năm 2010 là đưa đi đào tạo 400 Thạc sĩ và 100 Tiến sĩ trong các lĩnh vực có nhu cầu nguồn nhân lực cao phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chương II
TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH CHƯƠNG TRÌNH
Điều 2. Về cơ cấu tổ chức, nhân sự của Chương trình
1. Ban Chủ nhiệm Chương trình
Trưởng ban: Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Phó trưởng ban:
- Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
- Giám đốc Sở Nội vụ. Các Ủy viên:
- Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
- Giám đốc Sở Tài chính.
- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Giám đốc Sở Ngoại vụ.
- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai.
Nhân sự của Ban Chủ nhiệm Chương trình do UBND tỉnh Đồng Nai quyết định thành lập và bổ nhiệm.
Ban Chủ nhiệm Chương trình sẽ phân công trách nhiệm cho các ủy viên tham gia hoạt động theo từng nhóm chuyên trách về:
- Điều tra xác định nhu cầu đào tạo của tỉnh, khai thác các nguồn đầu tư trong nước.
- Quan hệ với các cơ sở đào tạo và khai thác đầu tư nước ngoài.
- Đào tạo chuẩn bị và tổ chức xét tuyển.
Ban Chủ nhiệm Chương trình được mở tài khoản ở Kho bạc Nhà nước và sử dụng con dấu của Sở Khoa học và Công nghệ trong giao dịch.
2. Bộ máy giúp việc của Chương trình
Bộ máy giúp việc của Chương trình là một bộ phận cán bộ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, giúp việc cho Ban Chủ nhiệm Chương trình, làm nhiệm vụ điều phối tất cả các hoạt động của chương trình.
Số lượng cán bộ kiêm nhiệm do Chủ nhiệm Chương trình quyết định tùy theo nhu cầu thực tế.
Điều 3. Về cơ chế phối hợp hoạt động
Ban Chủ nhiệm Chương trình quyết định các nguyên tắc, biện pháp, nội dung hoạt động và chỉ tiêu đào tạo hàng năm của Chương trình.
Trưởng ban Ban Chủ nhiệm Chương trình là chủ tài khoản quỹ đào tạo của Chương trình và ký các văn bản giao dịch.
Ban Chủ nhiệm Chương trình định kỳ họp 03 tháng/lần và đột xuất khi cần thiết để xác định kế hoạch công tác và kiểm điểm kết quả hoạt động của Chương trình.
Bộ máy giúp việc của Chương trình thường xuyên quan hệ với các đơn vị và cá nhân tham gia Chương trình, thực hiện các hoạt động phục vụ, sự vụ cụ thể của Chương trình, có trách nhiệm đề xuất các biện pháp cụ thể để giải quyết các nhiệm vụ được đặt ra, báo cáo định kỳ hàng tháng về tiến độ và nội dung các hoạt động cụ thể của Chương trình.
Điều 4. Nhiệm vụ của Chương trình
1. Đào tạo cán bộ chủ chốt, chuyên gia giỏi cho các trường Đại học, cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước của tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn 2006 - 2010 và đến 2020.
2. Xác định chỉ tiêu đào tạo cụ thể hàng năm.
3. Thiết lập quan hệ và tác nghiệp khai thác các nguồn đầu tư tài chính cho Chương trình.
4. Xuất phát từ nhu cầu của tỉnh trong từng lĩnh vực, tổ chức xét tuyển học viên tham gia Chương trình.
5. Xác định và thiết lập quan hệ với các cơ sở đào tạo ở trong nước và nước ngoài để đưa học viên đi đào tạo theo mục tiêu của Chương trình.
6. Tổ chức hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo ở trong nước và nước ngoài để tổ chức các lớp bồi dưỡng phù hợp với thời gian cho từng đối tượng về lĩnh vực chính trị, ngoại ngữ và những môn học cần chuyển đổi nhằm bổ sung các kiến thức cần thiết cho những người sẽ được đưa đi đào tạo. Mục tiêu cho công tác đào tạo bổ sung là phấn đấu đạt sự công nhận Quốc tế về các chứng chỉ ngoại ngữ để giảm chi phí đào tạo ở nước ngoài.
7. Thực hiện sự quản lý thường xuyên về mọi mặt đối với học viên của Chương trình thông qua các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, các trường Đại học, Viện Nghiên cứu có học viên của Chương trình.
8. Tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng hướng sử dụng, bố trí công tác thích hợp cho những người đã hoàn tất Chương trình đào tạo trở về địa phương.
Chương III
ĐỐI TƯỢNG THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH
Điều 5. Đối tượng được tham gia Chương trình
1. Mở rộng và ưu tiên các đối tượng thuộc các ngành y tế, giáo dục, đào tạo dạy nghề; đối tượng là sinh viên năm cuối ở các trường đại học có đủ điều kiện được chuyển tiếp lên chương trình đào tạo sau đại học và đặc biệt là đối tượng con em gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, con em đồng bào dân tộc thiểu số. Quá trình tuyển chọn đối tượng đưa đi đào tạo, nếu điểm thi xét tuyển bằng nhau thì ưu tiên trúng tuyển cho đối tượng thuộc gia đình có công với cách mạng, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số trước.
2. Ưu tiên đối tượng trong diện quy hoạch cán bộ chủ chốt của tỉnh ngoài các tiêu chuẩn chung phải đáp ứng các tiêu chuẩn là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu lao động tiên tiến.
3. Đối tượng là cán bộ công chức, viên chức còn trẻ hoặc những người hợp đồng dài hạn, hoặc từ 12 tháng trở lên đang công tác tại các trường Đại học, cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác tốt.
4. Sinh viên Đồng Nai có thành tích học tập khá, giỏi, xuất sắc tại các trường Đại học trong và ngoài tỉnh, học viên đang theo học (bằng nguồn kinh phí tự túc) Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh với chuyên ngành phù hợp mục tiêu đào tạo của chương trình có nguyện vọng công tác lâu dài theo sự phân công của tỉnh Đồng Nai; có khả năng phát triển tài năng của mình cao hơn trong điều kiện học tập và nghiên cứu thuận lợi.
Điều 6. Về quản lý cán bộ sau đào tạo
Các học viên sau khi hoàn tất việc học tập, nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài phải trở về làm việc, phục vụ theo phân công và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai. Cơ quan quản lý trực tiếp cử học viên dự tuyển, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ có trách nhiệm bố trí sắp xếp những người này vào các vị trí thích hợp và nghiên cứu đề xuất các biện pháp, chính sách cụ thể tạo điều kiện cho học viên phát huy năng lực phục vụ cho tỉnh và cho đất nước.
Chương IV
TÀI CHÍNH VÀ NGÂN SÁCH DÀNH CHO CHƯƠNG TRÌNH
Điều 7.
1. Các khoản thu của Chương trình
a) Nguồn ngân sách của tỉnh chi trả chi phí đào tạo ở nước ngoài và đảm bảo các hoạt động của Chương trình.
b) Các khoản đóng góp, tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước cho chương trình.
c) Lệ phí và học phí của thí sinh, học sinh các lớp bồi dưỡng kiến thức bổ sung.
2. Các khoản chi của Chương trình
a) Chi phí cho học viên và nghiên cứu sinh trong quá trình học tập, nghiên cứu (học bổng và sinh hoạt phí).
b) Chi phí cho các giao dịch với các đối tác trong khuôn khổ các hoạt động tìm kiếm học bổng, xác định cơ sở đào tạo, khai thác các sự trợ giúp.
c) Chi phí cho các nghiên cứu toàn diện và cụ thể về nhu cầu của tỉnh đối với lĩnh vực và số lượng cán bộ khoa học công nghệ, cán bộ quản lý chủ chốt, chuyên gia hàng đầu.
d) Chi phí cho việc soạn thảo nội dung giảng dạy và giảng dạy tại lớp bồi dưỡng kiến thức bổ sung.
e) Trả các chi phí thuê mướn địa điểm làm lớp học, chi hội nghị hội thảo, đi lại…
g) Một số khoản chi khác theo đúng nguyên tắc tài chính.
Điều 8. Hoạt động thu chi của Chương trình căn cứ theo nguyên tắc
- Ngân sách tỉnh đảm bảo mọi khoản chi của chương trình theo chỉ tiêu đào tạo hàng năm. Mọi dự toán chi của Chương trình phải được kế hoạch hóa trước thời gian 30/9 hàng năm.
- Mọi khoản thu của Chương trình phải được sử dụng để mở rộng chỉ tiêu đào tạo hàng năm.
- Ngoài chi phí cho việc học tập và sinh hoạt của nghiên cứu sinh, các khoản chi còn lại không vượt quá 8% tổng chi của Chương trình.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Quy định về tổ chức và hoạt động của Chương trình có thể được xem xét lại hàng năm và được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh./.