Quyết định 479/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Chương trình an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 - 2020
Số hiệu: | 479/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hà Giang | Người ký: | Trần Đức Quý |
Ngày ban hành: | 28/03/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Lao động, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 479/QĐ-UBND |
Hà Giang, ngày 28 tháng 03 năm 2016 |
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TỈNH HÀ GIANG, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 05/QĐ - TTg ngày 05 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 - 2020;
Xét đề nghị của Sở Lao động - TBXH tại tờ trình số 15/TTr - LĐTBXH ngày 02 tháng 3 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 - 2020 (Có Chương trình kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TỈNH HÀ GIANG, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 28/3/2016 của UBND tỉnh)
1. Công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện
Nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo hộ lao động, an toàn, vệ sinh lao động, công tác thông tin tuyên truyền luôn được các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể và các huyện, thành phố quan tâm thực hiện với nhiều hình thức như: xây dựng các phóng sự chuyên đề, các tin, bài về công tác an toàn, vệ sinh lao động đăng trên Đài phát thanh - Truyền hình, Báo Hà Giang, các đài địa phương, thông tin tuyên truyền trực tiếp đến cán bộ quản lý, người sử dụng lao động và người lao động. In ấn 30.000 tờ rơi tuyên truyền được phát miễn phí tới tận tay người sử dụng lao động, người lao động và cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động được các ngành chức năng triển khai và thực hiện có hiệu quả. Trong 5 năm (2011- 2015) đã tổ chức tập huấn cho trên 1.373 lượt cán bộ quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động và trên 398 người sử dụng lao động và cán bộ làm công tác an toàn lao động tại các doanh nghiệp, huấn luyện trên 2.298 người lao động làm việc có yêu cầu nghiêm ngặt về AT-VSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và nông dân. Ngoài ra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã tổ chức tuyên truyền, huấn luyện an toàn lao động cho trên 2.000 lượt người lao động. Các ngành Công Thương, Công an, Xây dựng... theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã tổ chức huấn luyện công tác an toàn lao động chuyên ngành cho người lao động, góp phần tích cực vào việc giảm thiểu tai nạn lao động.
Tuần lễ Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ hàng năm được thực hiện với nhiều hình thức đổi mới, theo hướng chuyển các nội dung hoạt động về cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát...ngày càng nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của người sử dụng lao động, người lao động và các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh.
Qua các hoạt động trên, nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, các ngành có sự chuyển biến tích cực, góp phần vào giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
2. Kết quả thực hiện các mục tiêu
2.1. Mục tiêu 1: Trung bình hàng năm giảm 6,5% tần suất tai nạn lao động chết người trong các ngành, lĩnh vực khai khoáng, xây dựng, sử dụng điện, sản xuất kim loại.
Căn cứ số liệu báo cáo từ các huyện, các ngành liên quan, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, Trong 5 năm đã xảy ra 53 vụ tai nạn lao động, làm 44 người bị thương và 23 người bị chết; trong đó có 19 vụ tai nạn lao động trực tiếp từ sản xuất (chiếm 36% số vụ TNLĐ) làm 15 người bị thương và 16 người chết. Tai nạn lao động qua các năm có xu hướng giảm: năm 2011: 8 vụ (1 vụ trực tiếp SX), năm 2012: 22 vụ (5 vụ trực tiếp SX), năm 2013: 9 vụ (5 vụ trực tiếp SX), năm 2014: 9 vụ (6 vụ trực tiếp SX), năm 2015: 6 vụ (2 vụ trực tiếp SX). Tần suất tai nạn lao động giảm còn 0,34%
Mặt khác, kết quả điều tra thu thập thông tin người dân địa phương chết do tai nạn lao động giai đoạn 2011- 2015 cho thấy: Tổng số người dân địa phương chết do tai nạn lao động là: 183 người, trong đó nữ: 41 người (tần suất tai nạn lao động chết người chiếm 4%).
Từ số liệu trên cho thấy số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn gia tăng, tần suất tai nạn lao động, tai nạn lao động gây chết người có tín hiệu giảm.
2.2. Mục tiêu 2: Trung bình hàng năm tăng 7% số doanh nghiệp, cơ sở tổ chức thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 8% số người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tăng 5% số doanh nghiệp, cơ sở được giám sát môi trường lao động;
Theo số liệu của cơ quan y tế, bình quân hàng năm số đơn vị doanh nghiệp tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động, chiếm tỷ lệ rất ít, khoảng 4,57% trên tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang với trên 3.900 lao động, khoảng 5,73% và cũng chưa phát hiện trường hợp nào bị mắc bệnh nghề nghiệp. Số doanh nghiệp, cơ sở được giám sát môi trường lao động hàng năm chiếm khoảng 3,17%.
Tuy nhiên, do số doanh nghiệp, cơ sở thực hiện khám bệnh nghề nghiệp đạt thấp và số lao động được khám bệnh nghề nghiệp còn ít, nên khả năng người lao động mắc bệnh nghề nghiệp có thể xảy ra.
2.3. Mục tiêu 3: Trung bình hàng năm tăng thêm 2,5% doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động;
Qua theo dõi, đánh giá số doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động có chiều hướng gia tăng, góp phần tích cực vào việc hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tạo môi trường lao động hài hòa, an toàn; qua đánh giá hàng năm tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động đều đạt mục tiêu đề ra.
2.4. Mục tiêu 4: Hàng năm có 200 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; 300 người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. 150 cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp được hỗ trợ huấn luyện về an toàn - vệ sinh lao động;
Qua 5 năm triển khai thực hiện đã tổ chức huấn luyện trên 1.373 lượt cán bộ quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động và trên 398 người sử dụng lao động và cán bộ làm công tác an toàn lao động tại các doanh nghiệp, huấn luyện trên 2.298 người lao động làm việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Kết quả trên cho thấy đã vượt mục tiêu đề ra.
2.5. Mục tiêu 5: Đảm bảo 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều trị, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng.
Đến nay, theo báo cáo của cơ quan lao động và cơ quan y tế các huyện, thành phố thì 100% số người đã xác định, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đều được điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định. Riêng đối với số lao động bị tai nạn lao động mà không khai báo hoặc bị bệnh nghề nghiệp mà không giám định y khoa (tức là chưa được xác nhận là bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) thì không thuộc đối tượng để đánh giá.
2.6. Mục tiêu 6: Bảo đảm 100% số vụ tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động nặng được điều tra, xử lý.
Theo báo cáo của các huyện, thành phố đến nay cơ bản 100% các vụ tai nạn lao động có báo cáo hoặc do cơ quan thanh tra lao động phát hiện đều được điều tra, xử lý. Bên cạnh đó, có một số vụ tai nạn giao thông, tai nạn chết người được coi là tai nạn lao động đã được cơ quan Công an điều tra. Tuy nhiên, trên thực tế còn có một số vụ tai nạn lao động chết người bị dấu, không khai báo, nên không được điều tra. Theo phân tích đánh giá chỉ có khoảng 93,5% số vụ tai nạn lao động chết người được điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật lao động. Mục tiêu này chỉ đạt được 100% khi cơ chế thông tin, khai báo tai nạn lao động được đầy đủ và chính xác.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Kết quả đạt được
- Về nhận thức: Việc triển khai thực hiện chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, của người sử dụng lao động và người lao động.
Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ tác động của công tác an toàn vệ sinh lao động đến năng suất, chất lượng sản phẩm nên đã quan tâm tới việc xây dựng hệ thống quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động, xây dựng văn hóa an toàn nơi làm việc.
Bên cạnh đó công tác an toàn, vệ sinh lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn đã và đang được quan tâm triển khai, tác động tích cực đến hàng ngàn người lao động trong nông nghiệp.
- Lợi ích về kinh tế: Do tần suất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giảm, nên đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, chi phí cho tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên đầu người giảm, góp phần tiết kiệm chi phí bảo hiểm xã hội cho tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Tác động đến an sinh xã hội: Việc cải thiện điều kiện và môi trường lao động đã góp phần vào việc giảm ô nhiễm môi trường sinh thái nói chung, đặc biệt trong việc phát tán hơi khí độc, bụi gây bệnh tật trong cộng đồng.
Với môi trường làm việc an toàn và vệ sinh, người lao động giảm tâm lý căng thẳng, lo sợ bị mắc bệnh, bị tai nạn, giúp tăng năng suất chất lượng sản phẩm, thu nhập và phúc lợi của người lao động được nâng lên. Giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã góp phần tiết kiệm hao phí sức lao động xã hội, giảm tỷ lệ mất việc làm, đói nghèo và việc tăng thêm gánh nặng cho xã hội.
2. Tồn tại, nguyên nhân
Việc lập kế hoạch tổ chức thực hiện ở các huyện, thành phố còn chậm. Sự phối kết hợp giữa các sở, Ban, ngành liên quan chưa nhịp nhàng, các giải pháp đưa ra còn chung chung. Việc lồng ghép hoạt động của chương trình với các hoạt động trong các chương trình khác chưa mang tính đồng bộ nên hiệu quả mang lại còn thấp.
Chương trình có phạm vi và đối tượng rộng, liên quan đến nhiều địa phương, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và con người nên việc đánh giá gặp khó khăn; trong khi đó ngân sách hạn chế, chủ yếu mới do trung ương cấp, địa phương không có kinh phí hỗ trợ nên gặp nhiều khó khăn trong thực hiện.
Do tác động của suy giảm kinh tế thế giới, Chính phủ cắt giảm đầu tư công, hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn, nên việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, cũng như ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật lao động về an toàn, vệ sinh lao động bị hạn chế.
CHƯƠNG TRÌNH VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2016-2020
I. THỰC TRẠNG XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Khó khăn, tồn tại
Bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh từ tỉnh đến huyện vẫn còn bất cập; Chức năng, nhiệm vụ được giao nhiều, biên chế cán bộ thiếu, phải kiêm nhiệm, lại thay đổi thường xuyên do vậy chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra. Công tác báo cáo, thống kê tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn yếu; số cơ sở tiến hành giám sát môi trường lao động còn ít. Các hoạt động truyền thông, huấn luyện tuy đã triển khai mạnh, nhưng chua đủ thường xuyên để thay đổi hành vi, tạo thói quen làm việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Người sử dụng lao động, đặc biệt trong doanh nghiệp nhỏ, hộ sản xuất tư nhân, làng nghề, hợp tác xã chưa quan tâm đến công tác an toàn, vệ sinh lao động. Người lao động chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp với trình độ văn hóa chưa cao, chưa quen với tác phong công nghiệp, thiếu được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nên không hiểu đầy đủ các mối nguy hiểm để đề phòng, đồng thời đa số họ vì lý do thu nhập nên sẵn sàng và chấp nhận làm việc trong điều kiện lao động xấu, lao động không an toàn.
2. Dự báo các yếu tố làm tăng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Giai đoạn 2016 - 2020, tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có khả năng gia tăng do các yếu tố sau:
- Sự phát triển mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ với trình độ công nghệ thấp và chưa quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường;
- Xu thế phát triển mạnh các ngành khai khoáng, xây dựng,... làm tăng nguy cơ mất an toàn, vệ sinh và môi trường lao động;
- Lực lượng lao động tăng nhanh mỗi năm, cùng với sự chuyển dịch một lượng lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp với trình độ tay nghề thấp, chưa quen với tác phong công nghiệp làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Cơ chế quản lý doanh nghiệp hiện nay đang chuyển đổi rất đa dạng, chưa ổn định,... làm cho công tác an toàn, vệ sinh lao động gặp nhiều khó khăn cả trong quản lý, thực hiện luật pháp và các chính sách;
- Lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông lâm nghiệp chiếm gần 70% tổng số lao động toàn tỉnh. Nông dân sản xuất nông nghiệp ngày càng sử dụng nhiều máy, thiết bị, phân bón hóa học, thuốc hóa chất bảo vệ thực vật,... nên nguy cơ tai nạn lao động, nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật ngày càng lớn, trong khi lực lượng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động ở cấp xã không có. Bên cạnh đó, việc hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra các yêu cầu cấp bách về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.
3. Vấn đề cần giải quyết trong công tác an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 - 2020
- Ngăn chặn sự gia tăng tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chết người trong lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, trong lĩnh vực sử dụng điện, sử dụng máy, thiết bị, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;
- Tăng cường giám sát ô nhiễm môi trường lao động, từng bước cải thiện môi trường lao động, xây dựng văn hóa an toàn, vệ sinh lao động, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp;
- Nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động, đặc biệt khu vực làng nghề, khu vực nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa về việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, gắn kết với ý thức bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, việc làm và sự phát triển bền vững.
1. Mục tiêu chung
Cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khỏe người lao động; nâng cao nhận thức, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm an toàn thân thể và tính mạng cho người lao động, tài sản của nhà nước, tài sản của doanh nghiệp của tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững.
Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Trung bình hàng năm, giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người.
2.2. Trên 55% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; trên 75% doanh nghiệp lớn và 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động.
2.3. Trung bình hàng năm tăng thêm 30 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản của hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động, bước đầu xây dựng văn hóa an toàn trong lao động.
2.4. Trên 90% người làm công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động huyện, thành phố, xã, phường, Ban quản lý khu công nghiệp được tập huấn nâng cao năng lực về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Trên 80% số lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế và an toàn, vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất - kinh doanh được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động. Trên 90% số an toàn, vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất - kinh doanh được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động. Trên 80% thành viên hợp tác xã và 80% hội viên nông dân làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tiếp cận thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động.
2.5. Trên 80% số người thuộc lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc được huấn luyện cập nhật về sơ cứu, cấp cứu.
2.6. 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều trị và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật.
2.7. 100% vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Các hoạt động nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động
- Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ sinh lao động, công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm; huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động; đẩy mạnh xã hội hóa về công tác an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nhà nước về lao động; điều tra tai nạn lao động; nâng cao năng lực hiệu quả của cán bộ hoạt động an toàn lao động; xây dựng mô hình quản lý an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp;
- Trang bị máy, thiết bị giám sát môi trường lao động, các thiết bị làm việc để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác an toàn, vệ sinh lao động.
2. Các hoạt động nâng cao nghiệp vụ y tế lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc
Triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh nghề nghiệp; tập huấn, hướng dẫn nghề nghiệp vụ cho người làm công tác y tế tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh; huấn luyện lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc; tập huấn kỹ năng giám sát môi trường lao động.
3. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, tư vấn về an toàn, vệ sinh lao động
- Cải thiện điều kiện lao động trong doanh nghiệp, phòng chống tai nạn lao động tập trung vào một số lĩnh vực có nguy cơ cao như: Khai thác khoáng sản, sử dụng điện, xây dựng, tập trung vào khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ;
- Các hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng: Triển khai huấn luyện, tuyên truyền cho người sử dụng lao động, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ; tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động; điều tra nhu cầu thông tin và huấn luyện. Nâng cao hiệu quả các phong trào quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động.
- Các hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với đặc điểm hoạt động, sản xuất, kinh doanh, của đơn vị, với nội dung về cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tiến tới cam kết thực hiện tốt công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động.
Kinh phí thực hiện chương trình được hình thành từ các nguồn vốn:
1. Nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách Trung ương hàng năm thông qua Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020.
2. Nguồn kinh phí cấp đối ứng từ ngân sách địa phương. Các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ động lập dự toán bảo vệ kế hoạch hàng năm.
3. Kinh phí đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia chương trình và các nguồn kinh phí khác.
1. Về chính sách và cơ chế
- Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động, áp dụng các hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động tiên tiến, xây dựng văn hóa an toàn trong lao động;
- Thực hiện chính sách hỗ trợ thông tin, giáo dục, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động;
- Tăng cường sự phối hợp của các ngành, đặc biệt là sự tham gia của người dân của các tổ chức đoàn thể vào các hoạt động của chương trình, từ việc lập kế hoạch triển khai, quản lý nguồn lực, giám sát đánh giá kết quả đến việc thụ hưởng thành quả từ các dự án của chương trình;
- Lồng ghép các nội dung của chương trình an toàn lao động, vệ sinh lao động với các chương trình, dự án của các chương trình và các hoạt động khác có liên quan khi có cùng tính chất và cùng đối tượng tác động;
- Tăng cường sự giám sát đánh giá của các sở, ngành chủ trì dự án; giám sát đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước, giám sát đánh giá từ các tổ chức đại diện người sử dụng lao động, người lao động. Việc giám sát, đánh giá đầu vào và tác động thông qua đánh giá thực hiện các hoạt động dự án và các chỉ tiêu.
2. Về thông tin, tuyên truyền
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng dân cư, trước hết là người sử dụng lao động, người lao động thấy được tầm quan trọng và trách nhiệm của họ trong việc tham gia thực hiện Chương trình. Nâng cao hiệu quả việc hưởng ứng các hoạt động của Tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ hàng năm và Tháng hành động vì an toàn, vệ sinh lao động. Tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, huấn luyện nghiệp vụ về an toàn, vệ sinh lao động nhằm tác động thay đổi nhận thức đến ý thức và hành vi, tạo thói quen làm việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
1. Ban chỉ đạo chương trình
Để thực hiện Chương trình có hiệu quả, cơ chế hoạt động của chương trình là phối hợp liên ngành; giao cho Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ tỉnh giúp UBND tỉnh điều hành, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện Chương trình. Cơ quan thường trực là sở Lao động - TB&XH tỉnh Hà Giang.
2. Trách nhiệm cụ thể
2.1. Sở Lao động - TB&XH cơ quan thường trực giúp Ủy ban nhân dân tỉnh điều hành. Chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính, các ngành, các huyện, thành phố, các doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện chương trình; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện chương trình báo cáo UBND tỉnh và Trung ương theo quy định.
2.2. Sở Y tế chủ trì và phối hợp với sở Lao động - TB&XH giúp Ủy ban nhân dân tỉnh điều hành, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các Sở, ngành, các huyện thành phố, các ngành liên quan và các doanh nghiệp tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc.
2.3. Sở Tài chính bố trí kinh phí thực hiện Chương trình theo dự toán được cấp hàng năm theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước; thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình.
2.4. Sở Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp, bố trí nguồn vốn Đầu tư phát triển thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật về thực hiện Luật đầu tư công; phối hợp với các sở, ngành liên quan vận động các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để thực hiện Chương trình.
2.5. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Thông tin và Tuyền thông phối hợp với Sở Lao động - TB&XH kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các Sở, ngành và các huyện, thành phố, các doanh nghiệp triển khai thực hiện các hoạt động theo các nội dung của Chương trình.
2.6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ nội dung chương trình an toàn lao động, vệ sinh lao động của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và tình hình thực tế của địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương mình và chủ động phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn.
2.7. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên minh Hợp tác xã, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp chủ động phối hợp tham gia các hoạt động thông tin, truyền thông trong việc thực hiện chương trình.
2.8. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Lao động - TB&XH, Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người nông dân theo phương pháp hành động; các hoạt động nâng cao hiệu quả phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh đảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; nâng cao kiến thức an toàn, vệ sinh lao động cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp.
Các cơ quan được giao thực hiện, định kỳ 6 tháng, hàng năm thực hiện sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện chương trình an toàn - vệ sinh lao động theo định kỳ hoặc đột xuất về Sở Lao động - TB&XH để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội./.