Quyết định 477/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, giai đoạn 2014-2020 do tỉnh Hải Dương ban hành
Số hiệu: | 477/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hải Dương | Người ký: | Nguyễn Văn Quế |
Ngày ban hành: | 11/02/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, Y tế - dược, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 477/QĐ-UBND |
Hải Dương, ngày 11 tháng 02 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC METHADONE, GIAI ĐOẠN 2014-2020
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);
Căn cứ Nghị định số 96/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ Quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 06/TTr-SYT ngày 21/01/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, giai đoạn 2014-2020 với các nội dung chính sau:
Thực hiện lộ trình xã hội hoá chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone nhằm mở rộng diện bao phủ, tăng cường tiếp cận điều trị Methadone cho người nghiện chích ma túy (NCMT) đảm bảo diện bao phủ tối thiểu 70% cho người NCMT trên địa bàn tỉnh vào năm 2020; góp phần giảm đối tượng nghiện các chất dạng thuốc phiện trong cộng đồng, giảm sự lây truyền HIV/AIDS và các bệnh liên quan trong nhóm người NCMT và từ nhóm người NCMT ra cộng đồng; duy trì tính bền vững hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS địa bàn tỉnh.
- Duy trì hoạt động của 04 cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone (sau đây gọi tắt là cơ sở điều trị Methadone) đáp ứng nhu cầu của 1.000 bệnh nhân nghiện chích ma túy trên địa bàn (đạt 30% số người NCMT).
- Đến năm 2015, triển khai thêm 02 cơ sở điều trị Methadone đảm bảo điều trị cho 50% người nghiện chích ma tuý trên địa bàn (điều trị cho khoảng 1500 bệnh nhân).
- Từ năm 2016, duy trì 06 cơ sở điều trị Methadone hiện có và xem xét mở thêm các cơ sở điều trị Methadone theo quy định đảm bảo điều trị cho 70% người nghiện chích ma túy trên địa bàn tỉnh.
II. ĐỐI TƯỢNG, QUY TRÌNH, ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG, QUY MÔ VÀ LỘ TRÌNH
1. Về đối tượng, quy trình điều trị thuốc Methadone
Thực hiện theo Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ Quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (sau đây gọi tắt là Nghị định 96); Thông tư số 12/2013/TT-BYT ngày 13/4/2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 96/2012/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Thông tư 12).
2. Điều kiện hoạt động của cơ sở điều trị Methadone
Thực hiện theo Nghị định 96 và Thông tư 12.
3. Về quy mô, lộ trình
a) Giai đoạn 2014-2015
Duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả của 04 cơ sở điều trị Methadone hiện có và triển khai thêm 02 cơ sở điều trị mới (tại 02 địa bàn có số người sử dụng ma tuý trên 250 người).
b) Giai đoạn 2016-2020
Căn cứ kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2014-2015 và điều kiện kinh tế - xã hội thực tế của tỉnh sẽ xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể cho giai đoạn 2016-2020 đảm bảo phù hợp, khả thi và hiệu quả.
III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tăng cường lãnh đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền
- Tổ chức quán triệt và nghiêm túc thực hiện Thông báo kết luận số 27-TB/TW ngày 09/5/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về sơ kết Chỉ thị 54-CT/TW ngày 31/11/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền đối với hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại mỗi đơn vị, địa phương.
- Lãnh đạo cấp uỷ đảng, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cần phải đưa hoạt động phòng chống HIV/AIDS là một trong những mục tiêu ưu tiên song hành cùng với chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt những địa phương có số người nhiễm HIV và số người nghiện chích ma tuý cao.
- Tăng cường việc thực hiện chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS thông qua hoạt động giám sát trực tiếp và báo cáo định kỳ của các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các cấp.
2. Đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng
- Tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của Đề án, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân trong việc triển khai cơ sở điều trị Methadone.
- Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát các tờ rơi, tờ bướm, sách nhỏ… về lợi ích và địa chỉ cung cấp các dịch vụ điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
- Tăng cường sự hoạt động của đội ngũ đồng đẳng viên, cộng tác viên và gia đình có người NCMT trong việc tuyên truyền, vận động để người NCMT tham gia điều trị.
- Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc hỗ trợ bệnh nhân điều trị Methadone học nghề, giải quyết việc làm.
3. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ
- Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyên môn tại các cơ sở điều trị Methadone đảm bảo thực hiện đúng quy trình, quy định hiện hành đồng thời xử lý vi phạm liên quan đến việc triển khai hoạt động điều trị Methadone theo quy định của pháp luật.
- Tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm việc tại các cơ sở điều trị.
- Đảm bảo thực hiện các chế độ chính sách theo quy định cho cán bộ làm việc toàn thời gian tại cơ sở điều trị Methadone.
- Tăng cường phối hợp giữa cơ sở điều trị với chính quyền, gia đình đảm bảo bệnh nhân tuân thủ điều trị, không sử dụng ma tuý khi tham gia điều trị.
- Đảm bảo việc khám, tư vấn và chuyển tiếp kịp thời tới các dịch vụ y tế dự phòng, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ liên quan đến HIV/AIDS.
4. Tăng cường đầu tư nguồn lực từ ngân sách
- Tăng cường đầu tư ngân sách của tỉnh nhằm đảm bảo duy trì và ngày càng hoàn thiện các cơ sở điều trị Methadone hiện có, đồng thời triển khai các cơ sở mới theo lộ trình phù hợp với khả năng ngân sách của tỉnh.
- Đảm bảo kinh phí chi trả cho các đối tượng trong diện được miễn giảm theo Nghị định 96.
- Đảm bảo đầu tư kinh phí, cụ thể: Kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho một cơ sở điều trị Methadone mới ước tính khoảng 500.000.000 đồng (theo thời giá hiện tại). Kinh phí đào tạo nâng cao năng lực và giám sát hàng năm cho một cơ sở điều trị Methadone là 50.000.000 đồng.
5. Thực hiện xã hội hóa một phần kinh phí hoạt động
a) Nguyên tắc thu phí
Việc thu phí bệnh nhân điều trị Methadone được thực hiện trên nguyên tắc thu đủ bù chi, không lợi nhuận và đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ quốc tế, ngân sách tỉnh và khả năng đóng góp từ người bệnh.
b) Mức thu
- Năm 2014: 186.000 đồng/người/tháng
- Năm 2015: 206.000 đồng/người/tháng
- Từ năm 2016: 500.000 đồng/người/tháng
c) Thời gian áp dụng thu phí
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện Đề án đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành.
- Quản lý thống nhất hoạt động của các cơ sở điều trị theo quy định.
- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
2. Công an tỉnh
Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong việc triển khai Đề án; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị tổ chức hoạt động điều trị, cấp phát thuốc Methadone, bảo vệ kho thuốc khi cần; giữ gìn an ninh trật tự và quản lý người bệnh tại cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc cũng như địa phương nơi người bệnh cư trú.
3. Sở Lao động Thương binh và Xã hội
Phối hợp với Sở Y tế triển khai Đề án và lồng ghép với chương trình điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng; chủ trì việc tạo điều kiện cho người điều trị Methadone về học nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch
Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc triển khai Đề án góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân nơi triển khai Đề án.
5. Sở Tài chính
Bố trí kinh phí để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở điều trị Methadone mới triển khai trong giai đoạn 2014-2015 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các đơn vị sử dụng và thanh quyết toán kinh phí do bệnh nhân đóng góp theo qui định hiện hành.
6. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch triển khai cơ sở điều trị Methadone đối với địa bàn có số người NCMT trên 250 người.
- Hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở điều trị Methadone tại địa phương, tạo môi trường thuận lợi cho việc triển khai mô hình xã hội hoá.
- Chỉ đạo các ban, ngành liên quan phối hợp triển khai Đề án trên địa bàn, đặc biệt chú trọng đến sự tham gia phối hợp của lực lượng công an trong việc đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn đặt cơ sở điều trị Methadone.
- Chỉ đạo các ban, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức quản lý, giám sát, hỗ trợ người bệnh tham gia chương trình.
- Phối hợp với ngành Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện đào tạo, dạy nghề, tìm việc làm và hỗ trợ tâm lý, xã hội cho người bệnh tại địa phương.
7. Các cơ sở điều trị Methadone
- Tổ chức điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone theo quy định.
- Định kỳ hằng tháng báo cáo danh sách người được điều trị, tình hình điều trị và tuân thủ điều trị của đối tượng tham gia điều trị thay thế cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
- Chịu sự kiểm tra, theo dõi của Sở Y tế và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.
- Đảm bảo việc quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí theo đúng quy định hiện hành; thông báo công khai mức thu tại cơ sở điều trị và thông báo cho người bệnh, gia đình người bệnh trước khi tiến hành các thủ tục đăng ký và xét chọn.
- Người đứng đầu cơ sở điều trị chịu trách nhiệm về mọi hoạt động quản lý, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone theo quy định hiện hành.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Y tế, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Văn hoá Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Nghị định 96/2012/NĐ-CP quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Ban hành: 15/11/2012 | Cập nhật: 16/11/2012