Quyết định 473/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
Số hiệu: 473/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum Người ký: Nguyễn Văn Hòa
Ngày ban hành: 11/05/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 473/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 11 tháng 05 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Chương trình số 53-CTr/TU ngày 21/02/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”;

Căn cứ Kế hoạch số 2036/KH-UBND ngày 04/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Kon Tum;

Xét đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 186/TTr-SNV ngày 29/3/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chính sau:

I. Quan điểm

1. Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 phải tuân thủ và phù hợp yêu cầu về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quan điểm, chủ trương của Đảng, quy định của Nhà Nước và Chính phủ.

2. Thống nhất đồng bộ và phân bố hợp lý giữa các lĩnh vực, phù hợp với yêu cầu phát triển của Sở, ngành và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

3. Mang tính kế thừa quy hoạch đã được phê duyệt trước đây nhằm phát huy hiệu quả, phù hợp với khả năng đầu tư và đặc điểm của từng lĩnh vực, địa phương, đơn vị.

4. Sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, tăng cường thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, tiếp tục củng cố đầu tư cơ sở vật chất các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, đồng thời thực hiện các chính sách thúc đẩy xã hội hóa nhằm thu hút tối đa nguồn nhân lực của xã hội tham gia phát triển các dịch vụ sự nghiệp công.

5. Sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, đồng bộ, thống nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo tính đặc thù của từng lĩnh vực, có tính kế thừa, phát huy tối đa cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ viên chức hiện có.

6. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tài chính, nhân sự

7. Quy hoạch mang tính động và mở, có sự điều chỉnh phù hợp trong từng thời kỳ.

II. Mục tiêu

1. Bố trí hợp lý nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho hoạt động dịch vụ sự nghiệp công: Bảo đảm bộ máy tinh gọn, đồng bộ, tạo đột phá trong quản lý, từng bước xóa bỏ sự can thiệp và bao cấp của nhà nước đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

2. Tăng cường phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực tài chính, tính chất đặc điểm từng loại hình đơn vị, khả năng nhu cầu thị trường và trình độ quản lý nhằm thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công phát triển lành mạnh, bền vững.

3. Nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt nhu cầu của các tổ chức, cá nhân.

4. Về mạng lưới các đơn vị sự nghiệp: Rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp đảm bảo phù hợp với danh mục dịch vụ sự nghiệp công của ngành; đảm bảo tinh gọn, đồng bộ, thống nhất; thực hiện tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ công.

5. Về thực hiện cơ chế tự chủ: Đẩy nhanh tiến trình thực hiện tự chủ và thực hiện xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.

III. Nội dung quy hoạch

1. Sắp xếp mạng lưới các đơn vị sự nghiệp

a) Giai đoạn 2018 - 2021:

- Đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh gồm 02 đơn vị: Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.

- Đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện gồm 10 Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố.

b) Giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030: Tiếp tục duy trì số lượng đơn vị sự nghiệp như giai đoạn 2018 - 2021 để củng cố tổ chức và phát triển chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự. Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước và nhân dân đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Về thực hiện cơ chế hoạt động tài chính

Căn cứ vào tình hình tài chính và điều kiện thực tế tại địa phương, định hướng cho các năm tiếp theo giao cho các đơn vị quyền tự chủ theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ để có cơ chế hoạt động cho phù hợp.

a) Giai đoạn 2018 - 2020:

- Đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên gồm 02 đơn vị: Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.

- Đơn vị do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên gồm 10 Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố.

b) Giai đoạn 2021 - 2025:

Đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên gồm: Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh; 10 Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố.

c) Giai đoạn 2026 - 2030: Tiếp tục duy trì như giai đoạn 2021 - 2025.

IV. Một số giải pháp thực hiện quy hoạch

1. Nhóm giải pháp quản lý nhà nước

a) Ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách đồng bộ để phát triển đơn vị sự nghiệp công lập, tạo động lực cho các đơn vị, đội ngũ viên chức.

b) Gắn quyền hạn với trách nhiệm của từng cấp, của tập thể với cá nhân người đứng đầu đơn vị, gắn phân cấp nhiệm vụ với phân cấp quản lý về tổ chức nhân sự, tài chính và đảm bảo các điều kiện vật chất khác. Một mặt trao quyền sở hữu và vai trò của đại diện chủ sở hữu trong các đơn vị.

c) Tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và một số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính, tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị cùng phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo lợi ích của từng cá nhân, tập thể và của nhà nước.

d) Quy định rõ ràng thẩm quyền trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý và điều hành đơn vị sự nghiệp; quy định và thực hiện cơ chế giám sát, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong việc thực hiện thẩm quyền.

đ) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật; đồng thời phát huy dân chủ cơ sở để giám sát công việc quản lý của các cấp, phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức trong việc giám sát hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Nhóm giải pháp tài chính: Đẩy nhanh tiến trình thực hiện tự chủ và thực hiện xã hội hóa. Quyết liệt thực hiện chuyển đổi hoạt động hiện nay sang mô hình thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công.

3. Nhóm giải pháp về nhân lực

a) Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực các đơn vị sự nghiệp để phát triển đội ngũ viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.

b) Bố trí nhân lực theo đúng Đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi đề án được phê duyệt.

c) Phát huy đội ngũ các cán bộ, kỹ sư tham gia có đủ năng lực trực tiếp tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học về lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.

4. Nhóm giải pháp về tổ chức: Nghiên cứu, rà soát tổ chức lại đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo quy hoạch, định kỳ tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch.

b) Chủ động xem xét, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế.

2. Các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện các nội dung liên quan.

Điều 3. Các Giám đốc Sở: Thông tin và Truyền thông; Tài chính, Nội vụ và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Thường trực tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- VP UBND tỉnh; CVP, PVP (KT);
- Lưu: VT, KT5.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hòa