Quyết định 473/QĐ-TTg năm 1998 thành lập Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ
Số hiệu: 473/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 30/05/1998 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 473/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN NGHIÊN CỨU CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để tăng cường công tác nghiên cứu đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ để giúp Thủ tướng trong công tác nghiên cứu về đổi mới chính sách, thể chế quản lý kinh tế, xã hội, hành chính và về những vấn đề khác được Thủ tướng giao.

Điều 2. Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ (dưới đây gọi tắt là Ban Nghiên cứu) có những nhiệm vụ chính dưới đây:

- Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ nội dung tiếp tục đổi mới chính sách kinh tế, xã hội và thể chế hành chính trong chương trình công tác của Chính phủ;

- Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tư tưởng chỉ đạo và yêu cầu đổi mới cần được thể hiện trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế, xã hội và hành chính do Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành soạn thảo; rà soát, tu chỉnh các dự thảo văn bản được Thủ tướng giao; tham gia nghiên cứu, soạn thảo hoặc chủ trì việc tổ chức soạn thảo một số văn bản theo yêu cầu của Thủ tướng;

- Tổ chức nghiên cứu, biên tập, tu chỉnh các báo cáo, đề án và văn bản khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ;

- Thực hiện các công việc khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

Điều 3. Ban Nghiên cứu có một số cán bộ chuyên trách và cộng tác viên.

1. Cán bộ chuyên trách gồm Trưởng ban, các thành viên và các chuyên viên nghiên cứu, cán bộ thông tin - tư liệu, văn thư.

Trưởng ban và các thành viên Ban Nghiên cứu do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Cộng tác viên là các nhà khoa học, cán bộ quản lý và cán bộ nghiên cứu được Thủ tướng Chính phủ mới tham gia công tác nghiên cứu của Ban Nghiên cứu theo đề nghị của Trưởng ban.

3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ căn cứ đề nghị của Trưởng ban Nghiên cứu và các chế độ hiện hành của Nhà nước, quy định chế độ công tác và phụ cấp đối với cộng tác viên làm việc thường xuyên ở Ban và các cộng tác viên khác.

Điều 4. Biên chế chuyên trách và kinh phí hoạt động của Ban Nghiên cứu do Trưởng ban đề xuất và được tổng hợp vào tổng biên chế và kinh phí của Văn phòng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ bố trí nơi làm việc và bảo đảm điều kiện hoạt động cho Ban nghiên cứu.

Điều 5. Quy chế làm việc của Ban Nghiên cứu ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 6. Ban nghiên cứu thay thế Tổ nghiên cứu đổi mới kinh tế, xã hội và hành chính của Thủ tướng Chính phủ (đã kết thúc hoạt động theo Quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ) làm tiếp nhiệm vụ của đối tác phía Việt Nam trong việc thực hiện Dự án do Chính phủ Canada tài trợ và Dự án do Chính phủ Thuỵ Điển tài trợ.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

LÀM VIỆC CỦA BAN NGHIÊN CỨU CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 5 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Ban Nghiên cứu đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ (dưới đây gọi chung là Thủ tướng) phù hợp với nhiệm vụ quy định trong Quyết định thành lập Ban.

Trưởng ban được tham gia các cuộc họp Chính phủ, các cuộc làm việc của Thủ tướng, Phó Thủ tướng liên quan đến công tác nghiên cứu của Ban. Ban Nghiên cứu được chủ động làm việc với các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương và cơ sở và được cung cấp các tài liệu cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ của Ban.

2. Ban làm việc theo chế độ chuyên gia. Các thành viên Ban và các cộng tác viên nhận sự phân công của Trưởng ban và thảo luận tập thể để báo cáo với Thủ tướng, đồng thời có thể trực tiếp nhận chỉ thị công tác từ Thủ tướng, được báo cáo và kiến nghị với Thủ tướng ý kiến riêng của mình, kể cả ý kiến khác với Trưởng ban và các thành viên khác.

3. Ban có các Tổ nghiên cứu thường xuyên theo từng lĩnh vực, gồm một số người trong bộ phận chuyên trách của Ban và một số cộng tác viên, do thành viên chuyên trách của Ban phụ trách.

Khi cần tổ chức nghiên cứu từng vấn đề nhất định (như soạn thảo, soát xét, tu chỉnh một dự thảo văn bản pháp quy được Thủ tướng giao), Ban thành lập nhóm chuyên đề, gồm thành viên của Ban, các cộng tác viên và có thể mời cán bộ của các cơ quan khác tham gia. Nhóm chuyên đề tự giải thể khi kết thúc công việc được giao.

4. Cộng tác viên của Ban tham gia các Tổ nghiên cứu thường xuyên hoặc các Nhóm chuyên đề, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản và tham gia nghiên cứu, biên tập các báo cáo, đề án theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và của Ban hoặc chủ động đề xuất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Ban. Tuỳ theo nhiệm vụ nghiên cứu, cộng tác viên được Ban cung cấp thông tin cần thiết, được mời tham gia các cuộc hội nghị, hội thảo, các cuộc khảo sát ở trong và ngoài nước do Ban Nghiên cứu tổ chức và được trả thù lao.

Việc mời cộng tác viên là chuyên gia người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải thuân thủ các quy định hiện hành và phải được Thủ tướng phê duyệt. Ban Nghiên cứu quy định phương thức tham gia nghiên cứu của các cộng tác viên ở nước ngoài phù hợp với điều kiện của các cộng tác viên đó.

5. Ban phối hợp chặt chẽ với các Vụ và các bộ phận nghiên cứu của Văn phòng Chính phủ trong công tác nghiên cứu.

Đối với các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành soạn thảo và Bộ Tư pháp thẩm định, khi được Thủ tướng giao, Ban làm nhiệm vụ soát xét, tu chỉnh theo yêu cầu của Thủ tướng, chủ yếu là về nội dung chủ trương, chính sách thể hiện trong văn bản để bảo đảm sự thống nhất về quan điểm, phương hướng đổi mới trong hệ thống thể chế.

Đối với các văn bản mà Ban được Thủ tướng giao chủ trì nghiên cứu, soạn thảo, Ban kiến nghị với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ việc phân công, phối hợp với các Vụ trong Văn phòng Chính phủ, bao gồm cả việc cử cán bộ của các Vụ tham gia nhóm chuyên đề khi cần thiết.

6. Trong khuôn khổ các quy định hiện hành, ban được chủ động hợp tác trên cơ sở thoả thuận với các cơ quan nghiên cứu hoặc chuyên gia trong nước, được tổ chức các cuộc hội thảo, khảo sát trong nước, tiếp xúc với các chuyên gia và cơ quan nước ngoài ở Việt Nam.

7. Ban được tiếp nhận các dự án tài trợ quốc tế và chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện các dự án đó theo quy định của pháp luật và uỷ nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

8. Trưởng ban chịu trách nhiệm quản lý số cán bộ, nhân viên chuyên trách và việc mời cộng tác viên. Trong khuôn khổ biên chế của Ban, Trưởng ban bàn thống nhất với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ quy định cụ thể việc tuyển dụng, cho thôi việc và xếp lương các chuyên viên, cán bộ, nhân viên chuyên trách của Ban và những người làm việc theo hợp đồng có kỳ hạn.

9. Trưởng ban chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí theo đúng chế độ tài chính của Nhà nước.

10. Căn cứ Quyết định thành lập Ban và Quy chế làm việc này, Trưởng ban thoả thuận với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ những quy định cụ thể mối quan hệ giữa Ban với các Cục, Vụ và bộ phận khác thuộc Văn phòng Chính phủ trong việc phối hợp công tác nghiên cứu, cung cấp thông tin, công tác nhân sự, kinh phí và bảo đảm điều kiện, phương tiện làm việc của Ban.





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.