Quyết định 47/QĐ-UB ban hành bản quy định về huy động và sử dụng ngày công lao động xã hội chủ nghĩa năm 1988 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
Số hiệu: 47/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Công Ái
Ngày ban hành: 25/02/1988 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 47/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 02 năm 1988

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG NGÀY CÔNG LAO ĐỘNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA NĂM 1988

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 06 năm 1983 ;
Xét đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở lao động thành phố. Sau khi xem xét các ý kiến của Ủy ban nhân dân các quận, huyện ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này “Bản quy định về huy động và sử dụng ngày công lao động xã hội chủ nghĩa năm 1988”.

Điều 2. Bản quy định này có hiệu lực từ ngày ký. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với nội dung bản quy định này.

Điều 3. Các đồng chí Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở lao động, Giám đốc Sở Tài chánh, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Công Ái

 

BẢN QUY ĐỊNH

VỀ HUY ĐỘNG VÀ SỦ DỤNG NGÀY CÔNG THUỘC NGHĨA VỤ LAO ĐỘNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
(Ban hành kèm theo quyết định số 47/QĐ-UB ngày 25-02-1988 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Nhằm đẩy mạnh công tác huy động lao động xã hội chủ nghĩa nâng cao hiệu quả ngày công lao động nghĩa vụ của nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định sửa đổi và bổ sung một số điểm trong Bản quy định về huy động lao động xã hội chủ nghĩa ban hành kèm theo quyết định số 53/QĐ-UB ngày 09-04-1986 của Ủy ban nhân dân thành phố như sau :

I. VỀ NGÀY CÔNG NGHĨA VỤ.

Điều 1. Đối với xã viên hợp tác xã tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp huy động số ngày công nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa như quy định tại quyết định số 53/QĐ-UB ngày 09-04-1986 của Ủy ban nhân dân thành phố, riêng mức thu tiền thay công huy động bằng mức đóng góp của cán bộ, công nhân viên chức tại phần 1 điều 3 quyết định này.

Đối với các đối tượng khác, ngày công lao động xã hội chủ nghĩa vẫn huy động theo quyết định số 53/QĐ-UB ngày 09-04-1986 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 2. Nguyên tắc đóng góp nghĩa vụ lao động XHCN là đóng góp bằng công lao động trực tiếp có năng suất, có hiệu quả. Người đi lao động trực tiếp phải tự túc dụng cụ lao động, sinh hoạt và phương tiện để bảo đảm thực hiện công lao động theo định mức lao động của công trường (bình quân hiệu quả 1 ngày công quy định bằng giá trị đào đắp 1m3 đất ).

Tuy nhiên, có chiếu cố hoàn cảnh, cho thực hiện đóng tiền thay công. Nhà nước sử dụng số tiền đó thuê lao động chuyên nghiệp thực hiện đạt khối lượng quy định.

II. ĐIỀU KIỆN VÀ MỨC TIỀN ĐÓNG THAY CÔNG:

Điều 3. Mức tiền đống thay công được quy định thống nhất cho từng đối tượng và theo giá trị chung như sau :

1. Cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước; thành viên Ban điều hành khu phố, ban điều hành ấp, Tổ nhân dân ; xã viên hợp tác xã, lao động tổ hợp tiểu thủ công nghiệp ; xã viên hợp tác xã và tập đoàn viên sản xuất công nghiệp mức tiền đóng góp : 100đ/ngày công.

- Riêng với giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy (kể cả dạy nhà trẻ, mẫu giáo), mức đóng góp 50đ/ngày công.

2. Chủ hộ sản xuất kinh doanh cá thể, chủ hộ sản xuất kinh doanh đã liên doanh với Nhà nước và hộ sản xuất theo quyết định 34/QĐ-UB , mức tiền đóng góp: 400đ/ngày công.

3. Người lao động làm công trong khu vực sản xuất cá thể, gia đình và phi sản xuất không thuộc các đối tượng nêu ở điểm 1 và 2 thu 150đ/ngày công.

4. Các thành phần khác (ngoài 3 diện trên ) như lao động hành nghề tôn giáo, nội trợ, lao động chưa việc làm … mức tiền đóng góp 100đ/ngày công.

Đối với lao động chưa có việc làm được địa phương bố trí việc làm nhưng không làm việc, sống bám gia đình, ăn chơi lêu lỏng, phải lao động trực tiếp.

Điều 4. Giá trị bằng tiền của người đóng góp tiền thay công lao động XHCN bảo đảm thuê được lao động chuyên nghiệp làm thay, để bảo đảm sự công bằng hợp lý giữa người thực hiện nghĩa vụ trước và sau ( vì đơn giá lao động chuyên nghiệp do thời giá, trong đó lấy giá gạo làm chuẩn có thể thay đổi trong năm ), mức đóng góp tiền thay công theo quy định sẽ điều chỉnh tính theo 2 thời điểm ngày 1-1-1988 và ngày 1-7-1988, giá quy định nêu ở điều 3 là thu trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-1988 đến 30-06-1988. Từ ngày 1-7-1988 trở đi sẽ thu theo mức giá mới. Người đóng số công nghĩa vụ bằng tiền vào thời điểm nào thì thực hiện theo mức tiền quy định theo thời điểm đó.

III. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ CÔNG LAO ĐỘNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA :

Điều 5. Trích 5% trong tổng quỹ công lao động XHCN (bao gồm công trực tiếp và công thu bằng tiền) quy thành tiền để chi tiêu cho công tác tổ chức huy động lao động XHCN và thực hiện công tác quản lý, cập nhật sổ sách di biến động nguồn lao động. Trong đó 0,3% dành cho Sở Lao động (bao gồm cả phần chi cho công tác cập nhật lao động và chi phí tính toán) 0,7% dành cho Phòng lao động quận, huyện và 4% dành cho phường xã.

Điều 6. Sử dụng quỹ tiền công (sau khi trừ 5%) thực hiện theo điểm 1b mục III quyết định 316/QĐ-UB ngày 21-12-1985 của Ủy ban nhân dân thành phố. Việc phân phối sử dụng phải đảm bảo chặt chẽ theo quy định và theo kế hoạch huy động lao động XHCN của Ủy ban nhân dân thành phố giao hàng năm.

VI. THƯỞNG PHẠT TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THI HÀNH NGHĨA VỤ LAO ĐỘNG XHCN :

Điều 7. Cá nhân, gia đình thi hành tốt nghĩa vụ lao động XHCN được kết hợp với các thành tích khác để khen thưởng như : khen gia đình tốt, công nhân viên chức tiên tiến… Ngoài các đối tượng được xét miễn hoãn, những trốn tránh nghĩa vụ lao động XHCN (không đi lao động trực tiếp, cũng không đóng góp tiền thay công), kể cả những trường hợp nói sai, làm sai hoặc xuyên tạc chánh sách của Nhà nước về huy động nghĩa vụ, kết hợp xử lý bằng chế độ trách nhiệm vật chất. Tạm thời quy định cụ thể : Nếu gọi lần 1 cá nhân không chấp hành với lý do chính đáng thì phường xã tiếp tục gọi lần 2. Nếu gọi lần 2 vẫn không chấp hành, để phải gọi lần 3 sẽ tăng gấp đôi số ngày công nghĩa vụ quy định trong năm. Nếu gọi lần 3 vẫn không chấp hành, phường xã đề nghị và Ủy ban nhân dân quận, huyện phải thực hiện cưỡng bức lao động theo quy định hiện hành. Đối với công nhân viên chức Nhà nước vi phạm, phường xã cần kết hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị công nhân viên chức hiện làm việc, để có biện pháp xử phạt theo chế độ kỷ luật.

Điều 8. Ủy ban nhân dân các quận, huyện có hình thức khen thưởng thích đáng đối phường xã làm tốt công tác quản lý, tồ chức huy đông ngày công XHCN chặc chẽ, đủ, đúng chánh sách, sử dụng tiền công có hiệu quả, báo cáo thanh quyết toán kịp thời rõ ràng. Nếu phường xã không hoàn thành nhiện vụ, tùy theo mức nặng nhẹ, Ủy ban nhân dân quận huyện có biện pháp xử phạt hoặc đề nghị thành phố xử phạt.

Điều 9. Ủy ban nhân dân quận, huyện có nhiệm vụ hướng dẫn Ủy ban nhân dân phường xã tổ chức sử dụng công lao động XHCN có hiệu quả, hoàn thành kế hoạch thành phố giao, báo cáo thanh quyết toán đúng định kỳ, tùy theo mức độ thành tích của từng đơn vị thành phố có hình thức khen thưởng. Nếu Ủy ban nhân dân quận huyện huy động vượt chỉ tiêu và đúng chánh sách trên tổng quỹ ngày công được giao trong năm thì Ủy ban nhân dân thành phố cho phép dành phần vượt cho Ủy ban nhân quận huyện sử dụng không trích nộp về ngân sách thành phố.

Để bảo đảm công bằng hợp lý trong công việc tổ chức sử dụng quỹ công lao động xã hội chủ nghĩa giữa các quận huyện đến hạn hoàn thành kế hoạch huy động lao động xã hội chủ nghĩa do Ủy ban nhân thành phố giao, quận huyện nào chưa hoàn thành hoặc hoàn thành không hiệu quả thì tùy từng trường hợp thành phố có biện pháp trừ điểm thi đua và trừ vào ngân sách quận huyện năm sắp đến.

Điều 10. Giao trách nhiệm cho Sở Lao động và Sở Tài chánh chủ trì phối hợp các ngành liên quan như : Thông tin văn hóa, Công an, Báo chí… hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra Ủy ban nhân dân các quận huyện, phường xã việc huy động quản lý, nhằm sử dụng có hiệu quả quỹ tiền công lao động xã hội chủ nghĩa thuộc ngân sách thành phố, tổng hợp báo cáo thanh quyết toán thu chi quỹ tiền công phần của thành phố, của các quận huyện và phường xã kịp thời theo chế độ thời gian quy định, báo cáo đề xuất ủy ban nhân dân thành phố khen thưởng các ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, đơn vị cá nhân có thành tích, cũng như kiến nghị hình thức xử phạt đối với những đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch.