Quyết định 47/2008/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2015
Số hiệu: 47/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum Người ký: Đào Xuân Quí
Ngày ban hành: 03/10/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/2008/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 03 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN MỘT SỐ KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20/3/1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị định 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Công văn số 570/TTg-CN ngày 11/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Chỉ thị số 26/2008/CT-TTg ngày 01/9/2008 của Thủ tướng chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản;

Căn cứ Nghị quyết số 10/2008/NQ-HĐND ngày 09/9/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum Khoá IX, kỳ họp bất thường (lần 3) về việc thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến một số khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến một số khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2015.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

Giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan khẩn trương có văn bản liên ngành hướng dẫn triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh nội dung Quy hoạch này.

Điều 3. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có những vấn đề phát sinh, vướng mắc, cần điều chỉnh, bổ sung; các Sở, Ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công thương tổng hợp) để trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 4. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Lao động Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào xuân Quí

 

QUY HOẠCH

THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN MỘT SỐ KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 47/2008/QĐ-UBND ngày 03/10/2008 của UBND tỉnh Kon Tum)

PHẦN MỞ ĐẦU

I/ Sự cần thiết lập đề án quy hoạch khoáng sản

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XIII đã đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2006 - 2010 là đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 19 %, tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp từ 22 - 23% trong nền kinh tế, trên cơ sở dựa vào nội lực là chính, phát huy mọi tiềm lực sẵn có của địa phương nhằm tạo cơ sở vững chắc để đẩy nhanh công cuộc CNH - HĐH, góp phần đưa tỉnh Kon Tum ra khỏi danh sách tỉnh nghèo, thu hẹp khoảng cách về chênh lệch kinh tế với các tỉnh trong cả nước và đặc biệt là các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Tài nguyên khoáng sản được xem là một tiềm lực quan trọng của tỉnh, theo tài liệu Biên hội bản đồ địa chất và khoáng sản tỉnh Kon Tum tỷ lệ 1/100.000 (do Trường Đại học Mỏ và Địa chất Hà Nội thực hiện năm 2006 - 2007) đã tổng hợp và thống kê được trên 250 điểm biểu hiện khoáng sản dưới các quy mô: Mỏ, điểm quặng, điểm khoáng hóa (có dấu hiệu, tiền đề sinh khoáng) và đã khoanh định được 20 khu vực có triển vọng và rất có triển vọng, gồm các loại khoáng sản:

Khoáng sản kim loại có: sắt, crôm, môlipden, wolfram, bismut, đồng, chì, kẽm, thiếc, asen, nhôm, vàng, bạc, uran, thori, đất hiếm.

Khoáng sản phi kim loại có: pyrit, secpentin, than bùn, than nâu, đolomit, điatomit, kaolinit, fenspat, quaczit, silimanit, bột màu, puzơlan...

Vật liệu xây dựng và đá mỹ nghệ: sét gạch ngói, đá bazan, anđezit, cát, sỏi, đá mỹ nghệ secpentinit, đá ốp lát granit, gabrô...

Nước khoáng và nước nóng thiên nhiên có giá trị chữa bệnh, xây dựng các quần thể về du lịch sinh thái và điều dưỡng phục vụ nhân dân và du khách nước ngoài.

Tuy nhiên trong những năm qua do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan, công tác hoạch định chiến lược phát triển ngành công nghiệp khai khoáng chưa được quan tâm đúng mức, công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản còn nhỏ bé, manh mún hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao và nhiều vấn đề bất cập xảy ra, việc thực hiện các đề tài nghiên cứu về địa chất của trung ương và địa phương phân tán từng loại khoáng sản, nguồn tài liệu chưa đánh giá tổng quát và có hệ thống để làm cơ sở cho công tác lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.

Hiện nay trên thị trường trong nước và ngoài nước nhu cầu sử dụng nguyên liệu khoáng ngày càng cao đặc biệt là các loại khoáng sản quý, hiếm. Nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh nhưng đảm bảo được tính phát triển bền vững, bảo vệ môi sinh môi trường cũng như giải quyết những vấn đề bất cập trong hoạt động khoáng sản đã và đang xảy ra, công tác lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

II/ Mục đích và yêu cầu

1. Mục đích

- Khoanh định, quy hoạch các mỏ khoáng sản có triển vọng (ngoài các mỏ khoáng sản Chính phủ quy hoạch), làm cơ sở để trình HĐND tỉnh thông qua, làm cơ sở để UBND tỉnh quản lý, bảo vệ và cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản cho các nhà đầu tư, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế tỉnh giai đoạn đến 2015 và xét đến 2025.

- Làm cơ sở luận chứng cho việc lập kế hoạch khai thác chế biến, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản của tỉnh, quy hoạch định hướng xây dựng các nhà máy chế biến sâu phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu, đồng thời có tính đến sự phát triển của khoa học, công nghệ và nhu cầu khoáng sản trong tương lai.

- Làm cơ sở cho việc lập và kết hợp hài hòa với các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội khác, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững: Khai thác phải gắn liền với chế biến, chế biến phải gắn liền với khoa học - công nghệ tạo sản phẩm nguyên liệu khoáng có giá trị gia tăng cao, phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác.

2. Yêu cầu

- Thu thập triệt để các nguồn tài liệu địa chất khoáng sản thuộc tỉnh Kon Tum của các đơn vị đã nghiên cứu trên địa bàn. Nghiên cứu tổng hợp, phân tích, đánh giá, sử dụng thông tin đồng thời cập nhật các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động khoáng sản và điều tra đánh giá các vấn đề về: điều kiện địa lý, tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và những vấn đề khác có liên quan đến hoạt động khoáng sản.

- Lựa chọn loại khoáng sản, các khu vực khoáng sản có triển vọng, có tính khả thi, khai thác chế biến mà nhu cầu xã hội đang cần để đưa vào quy hoạch trong giai đoạn từ nay đến 2015, định hướng cho công tác thăm dò, khai thác chế biến. Từng bước đưa ngành công nghiệp khai khoáng phát triển tương xứng với tiềm năng, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế tỉnh nhà, đồng thời cũng đảm bảo tính phát triển bền vững và đúng quy định của pháp luật.

- Ngoài những mỏ khoáng sản đã quy hoạch, thường xuyên cập nhật thông tin khảo sát, điều tra, nghiên cứu về địa chất khoáng sản trên địa bàn tỉnh do Chính phủ hoặc các tổ chức có chức năng thực hiện (ngoài quy hoạch của quốc gia), để bổ sung vào quy hoạch làm cơ sở để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh.

- Vận dụng có hiệu quả sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ (mang tính đặc thù), để phát huy có hiệu quả tiềm lực về tài nguyên khoáng sản của địa phương.

III/ Các căn cứ để lập đề án quy hoạch khoáng sản

1- Cơ sở pháp lý:

1.1- Điều 3b – Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản và Điều 12 - Nghị định 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ Qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật Khoáng sản bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;

1.2- Công văn số 570/TTg-CN ngày 11/4/2006 của Chính phủ “V/v tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản”;

1.3- Công văn số 1575/BCN-CLH ngày 12/4/2007 của Bộ Công nghiệp “V/v hướng dẫn việc lập quy hoạch khoáng sản”;

1.4- Quyết định 176/2006/QĐ-TTg ngày 01/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ “V/v phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản chì, kẽm Việt Nam giai đoạn 2006 – 2015 và xét đến 2015”;

1.5- Quyết định số 26/2007/QĐ-BCN ngày 26/7/2007 của Bộ Công nghiệp “V/v phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản Crômit, Măng gan Việt Nam giai đoạn 2007 – 2015 và xét đến 2025”;

1.6- Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ “Về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội”; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ;

1.7- Quyết định số 11/2008/QĐ-BCT ngày 05/6/2008 của Bộ Công thương “V/v phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản vàng, đồng, niken, molipđen Việt Nam giai đoạn 2006 – 2015 có xét đến 2025”;

1.8- Công văn số 2737/VPCP-KTN ngày 02/5/2008 của Văn phòng Chính phủ “V/v thăm dò khoáng sản vàng tại Kon Tum”;

1.9- Công văn số 3227/VPCP-KTN ngày 20/5/2008 của Văn phòng Chính phủ “V/v thăm dò khoáng sản Wonfram tại huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum”;

1.10- Công văn số 1575/BCN-CLH ngày 12/4/2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) “V/v hướng dẫn lập quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum”

2- Cơ sở khoa học

2.1- Tài liệu điều tra cơ bản về địa chất tỉnh Kon Tum tỷ lệ 1/200.000 do Liên đoàn địa chất bản đồ Miền nam thực hiện 1990 - 1993;

2.2- Báo cáo kết quả điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản 1/50.000 nhóm tờ vùng Sa Thầy, Đăk Tô, Đăk Glei do Liên đoàn địa chất bản đồ Miền nam thực hiện;

2.3- Báo cáo kết quả thực hiện đề tài “Biên hội bản đồ địa chất và khoáng sản tỉnh Kon Tum” do Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội thực hiện năm 2006 – 2007;

2.4- Và các tài liệu khác đã công bố liên quan đến công tác quy hoạch khoáng sản.

IV/ Phạm vi, quy mô các bước thực hiện quy hoạch

1. Phạm vi

Phạm vi của Đề án quy hoạch là các loại khoáng sản, các khu vực có triển vọng khoáng sản, có đầy đủ cơ sở dữ liệu để lập quy hoạch và các điểm khoáng sản đã và đang là điểm nóng về tình hình hoạt động khai thác tài nguyên trái phép trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm làm cơ sở định hướng cho công tác thăm dò, khai thác, chế biến hợp lý, tiết kiệm đảm bảo tính bền vững và công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi sinh môi trường.

2. Quy mô

Từng loại khoáng sản, từng khu vực khoáng sản cụ thể. Không mang tính quy hoạch tổng thể.

3. Các bước thực hiện quy hoạch

+ Bước 1: Thu thập tài liệu, nghiên cứu tổng hợp các tài liệu điều tra địa chất về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có;

+ Bước 2: Khảo sát thực địa khoanh vùng triển vọng, đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng,…(không thuộc vùng cấm hoạt động khoáng sản, vùng quy hoạch khoáng sản của quốc gia) để lập danh mục quy hoạch;

+ Bước 3: Nghiên cứu các Đề án, Quyết định phê duyệt khoáng sản của Chính phủ và Bộ Ngành Trung ương, lựa chọn một số mỏ khoáng sản, điểm quặng hóa ưu tiên để lập Đề án quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến một số khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2015.

Phần 1. ĐÁNH GIÁ ĐẶC ĐIỂM ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH KON TUM

I/ Điều kiện tự nhiên

1. Đặc điểm về vị trí địa lý, địa hình địa mạo và khí hậu

Kon Tum là một tỉnh miền núi vùng cao, phía bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 967.656 ha, được giới hạn bởi toạ độ địa lý 13o55’10” đến 15o27’15” vĩ độ Bắc, 107o20’15” đến 108o32’30” kinh độ Đông. Phía tây giáp Lào, Campuchia với 280,7 km đường biên giới, phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam 142 km, phía đông giáp tỉnh Quảng Ngãi 74 km, phía nam giáp tỉnh Gia Lai 203 km đường ranh giới. Trước đây, Kon Tum là một trong các tỉnh có mạng lưới giao thông rất hạn chế, chỉ có Quốc lộ 14 đi Gia Lai và Quốc lộ 24 đi Quảng Ngãi, hiện nay có thêm các tuyến đường Hồ Chí Minh nối Kon Tum với Đà Nẵng, Quốc lộ 40 nối với Quốc lộ 18B (Lào) qua cửa khẩu Quốc tế Bờ-Y, giao thông đi lại thuận lợi hơn.

Phần lớn lãnh thổ Kon Tum nằm ở phía tây Trường Sơn, địa hình thấp dần từ bắc xuống nam và từ đông sang tây. Phía bắc địa hình rất dốc, có đỉnh Ngọc Linh cao nhất phía nam nước ta với độ cao 2.598 m.

- Đồi núi: Chiếm 82,14% diện tích; độ dốc từ 8-15o, chiếm 22,80 %; độ dốc lớn hơn 150, chiếm 54,24 %, bao gồm: núi cao liền dải, chủ yếu ở phía bắc và đông bắc, dãy Ngọc Linh kéo dài từ bắc-tây bắc xuống nam-đông nam; địa hình đồi, có độ cao trung bình 400-500m, chia cắt vừa đến mạnh từ hướng bắc-nam.

- Thung lũng: Dạng địa hình khá bằng phẳng, tập trung dân cư đông đúc như thị xã Kon Tum và thị trấn các huyện.

- Cao nguyên: Phía đông nam Ngọc Linh, có cao nguyên KonPlông 1100-1300m, phát triển theo hướng tây bắc-đông nam, địa hình bị phân cắt mạnh.

Với diện tích tự nhiên 967.656 ha. Trong đó độ cao so với mặt nước biển từ 200-600m có 231.350 ha, chiếm 23,91%; độ cao từ 601-1.000m có 377,870 ha, chiếm 39,50%; độ cao từ 1.001-2.000m có 350.527 ha, chiếm 36,22%; độ cao từ 2.001-2.500m có 7.908,9 ha, chiếm 0,37%.

Nhiệt độ không khí bình quân hàng năm dao động từ 20-23,5oC. Tháng có nhiệt độ thấp nhất là tháng giêng. Tháng có nhiệt độ cao nhất là tháng 4, 5. Chênh lệch nhiệt độ trung bình giữa các tháng kề nhau từ 1-3oC. Biên độ nhiệt trong năm từ 6-7oC. Thời gian xuất hiện các cực trị nhiệt độ ngắn, ít ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng các loại cây trồng, vật nuôi. Sự phân bố lượng mưa trong tỉnh chịu tác động rất mạnh của địa hình. Ở vùng núi cao mùa mưa thường đến sớm hơn, khoảng cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4, nhưng lại kết thúc muộn hơn, có thể kéo dài đến tháng 11. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Ở các vùng núi phía bắc lượng mưa trung bình cao từ 2.500-3.000 mm. Những khu trũng, lượng mưa thấp từ 1.660-1.770 mm,

2. Đặc điểm về tài nguyên thiên nhiên

2.1- Tài nguyên đất: Tổng diện tích khoảng 967.656 ha. Trong đó:

- Đất nông nghiệp: Chiếm 10% khoảng 96.765,6 ha

- Đất lâm nghiệp: 633.400 ha

- Đất chuyên dùng, trong đó có mỏ khoáng sản: 43.715 ha

- Đất khu dân cư: 4.143 ha

- Đất chưa sử dụng: 215.772 ha

(Theo số liệu thống kê năm 2004)

2.2- Tài nguyên rừng: Độ che phủ rừng của tỉnh là 65,1%, trữ lượng gỗ đạt 54 triệu m3. Rừng Kon Tum thuộc dạng rừng nhiệt đới ẩm, đa dạng phong phú về chủng loại gỗ.

2.3- Tài nguyên khoáng sản: Được đánh giá là phong phú và đa dạng, có trên 40 loại khoáng sản, từ khoáng sản nguyên liệu: nguyên liệu hóa, gốm sứ, vật liệu xây dựng, đá trang trí mỹ nghệ ...đến khoáng sản quý hiếm: vàng, bạc,... một số khoáng sản có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp then chốt của quốc gia như công nghiệp luyện kim: wolfram, molipden, sắt, nhôm, đồng, chì, kẽm…, công nghiệp điện hạt nhân: Uran, Thori, đất hiếm…Tuy nhiên đa phần các loại khoáng sản trên còn ở dưới dạng tiềm ẩn, công tác điều tra cơ bản chưa được phủ kín, một số vùng còn rất sơ lược, một số khoáng sản chỉ dừng lại ở mức độ tìm kiếm phát hiện, định tính dự báo tài nguyên.

II/ Đặc điểm kinh tế - xã hội

1. Đặc điểm dân cư: Kon Tum là một tỉnh gồm nhiều dân tộc, trong đó dân tộc ít người chiếm 56,46%, gồm các dân tộc: Xê Đăng chiếm 24,5%, Ba Na chiếm 11,93%, Gia Rai chiếm 6,62%, Giẻ Triêng chiếm 5%, còn lại là dân tộc Brâu, Rơ Mâm và dân tộc phía Bắc vào làm kinh tế. Dân số trung bình tỉnh Kon Tum năm 2008 ước đạt 406.000 người, tỷ lệ tăng dân số trung bình đạt 2,89%.

2. Tăng trưởng của các ngành kinh tế và tổng sản phẩm xã hội giai đoạn 2000 - 2005

- Tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế theo số liệu thống kê (theo giá cố định 1994).

Ngành

Giá trị sản phẩm năm 2000 (triệu đồng)

Tốc độ tăng trưởng bình quân G.Đ 2001 – 2005 (%)

Giá trị sản phẩm năm 2005

(triệu đồng)

Tốc độ tăng trưởng bình quân G.Đ 2006 – 2010 (%)

Giá trị sản phẩm năm 2010

(triệu đồng)

So với 2005

(lần)

Nông – Lâm – thủy sản

404.083

9,1

629.000

11-12

1.100.000

1,76

Công nghiệp – Xây dựng

107.171

16,8

232.593

23-24

660.000

2,83

Thương mại - Du lịch

141.200

11,2

409.670

15-16

840.000

2,05

GDP

752.454

11,0

1.268.263

15-16

2.600.000

2,05

- Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2010 (theo giá cố định 1994) sẽ là 2.600.000 triệu đồng, gấp 2,05 lần so với năm 2005, như vậy tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 15%

- Tỷ trọng ngành trong cơ cấu kinh tế giai đoạn 2006 - 2010: Nông – Lâm – Thủy sản: 37 – 38%, Công nghiệp – Xây dựng: 25 – 26%, Thương mại – Dịch vụ: 36 – 37 % .

- Quy mô dân số đến năm 2010 sẽ đạt trên 450.000 người, thu nhập bình quân đầu người đạt 9,35 triệu đồng, tương đương 550USD.

Nhìn chung kinh tế tỉnh Kon Tum còn chậm phát triển, còn khoảng cách khá xa với các tỉnh trong nước và khu vực Tây Nguyên, ngành công nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Để thực hiện được các mục tiêu mà Đại hội tỉnh Đảng bộ Kon Tum lần thứ XIII đã đề ra cần đẩy mạnh phát triển mọi lĩnh vực kinh tế, trong đó ngành công nghiệp là then chốt và động lực phát triển kinh tế, dựa trên cơ sở nội lực là chính, phát huy tối đa mọi tiềm lực của tỉnh đồng thời phải đảm bảo được yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng.

3- Đặc điểm về cơ sở hạ tầng

Nhìn chung điều kiện cơ sở hạ tầng của tỉnh Kon Tum còn khó khăn, trong những năm gần đây được Đảng và Nhà nước quan tâm, cơ sở hạ tầng từng bước được củng cố, đầu tư xây dựng, cụ thể là:

- Về giao thông: Mạng lưới giao thông đã phát triển đến trung tâm xã, tuy nhiên có một số xã do địa hình hiểm trở công trình giao thông chỉ sử dụng được vào mùa nắng.

- Về điện: Đã đưa điện lưới quốc gia về đến 100% số xã, 98% số thôn đảm bảo được nhu cầu sinh hoạt và cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

- Bưu chính viễn thông: Mạng lưới hữu tuyến đã phát triển đến 100% số huyện, mạng lưới vô tuyến (ĐTDĐ) đã phủ sóng trên 70% số xã.

- Công trình phúc lợi (Y tế, giáo dục...) đã đầu tư phát triển 100% số xã.

Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng cơ bản cũng đáp ứng được cho các dự án đầu tư phát triển kinh tế.

Phần 2. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐIỀU TRA CƠ BẢN, THĂM DÒ KHOÁNG SẢN VÀ THỰC TRẠNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP KHAI THÁC, CHẾ BIẾN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

I/ Tình hình về công tác điều tra cơ bản về địa chất

1. Đánh giá mức độ điều tra

Ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng đã hoàn thành công tác đo vẽ Bản đồ địa chất, tìm kiếm khoáng sản tỷ lệ 1/500.000 và 1/200.000. Đối với tỉnh Kon Tum cho đến nay đã có một số diện tích đã tiến hành đo vẽ bản đồ địa chất và tìm kiếm khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 như: khu vực phía Tây (địa bàn huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi), khu vực phía Bắc (địa bàn huyện Đăk Tô, Đăk Glei) và hiện nay Liên đoàn địa chất 6 đang thực hiện khu vực phía Đông (địa bàn huyện Kon Rẫy, Kon Plông).

Nhìn chung công tác điều tra cơ bản địa chất ở tỷ lệ 1/50.000 trên địa bàn toàn tỉnh chưa được phủ kín. Đây là một căn cứ quan trọng trong việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, do vậy công tác lập quy hoạch tổng thể phát triển khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh chưa thực hiện được.

2. Đánh giá những kết quả đạt được và những vấn đề còn tồn tại

2.1- Những kết quả đạt được

Theo tài liệu đo vẽ bản đồ địa chất và tìm kiếm khoáng sản tỷ lệ 1/200.000 đã được công bố, cho thấy tỉnh Kon Tum là một địa khối có cấu trúc địa chất phức tạp, là tiền đề sinh khoáng đa dạng từ khoáng sản quý hiếm đến khoáng sản nguyên liệu, nước khoáng – nước nóng thiên nhiên, mà không có một địa phương nào trong nước có được. Trên bản đồ khoanh vùng triển vọng khoáng sản tỉnh Kon Tum 1/100.000 (Tài liệu Biên hội Bản đồ địa chất tỉnh Kon Tum do trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện năm 2007) đã thể hiện trên 250 điểm khoáng sản (dưới nhiều quy mô khác nhau: mỏ, điểm quặng, điểm khoáng hóa, đới khoáng hóa), gồm nhiều loại khoáng sản và nhiều kiểu nguồn gốc sinh thành, cụ thể là:

- Kim loại: (Fe, Cr, Mo, W, Bi, Cu, Pb, Zn, Sn, Au, Ag, U, Th, TR).

- Không kim loại: gồm các loại khoáng sản sau:

+ Nguyên liệu hóa học và phân bón: than nâu, than bùn.

+ Nguyên liệu gốm sứ chịu lửa: kaolin, dolomit, sét diatomit.

+ Nguyên liệu kỹ thuật: bột màu.

+ Đá tạc tượng mỹ nghệ: đá serpentinit, đá hoa.

+ Vật liệu xây dựng tự nhiên: cát, cuội, sỏi, granitoid, bazan, andesit xây dựng, granit ốp lát, pyroxenit ốp lát.

+ Nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng: đá vôi xi măng, sét gạch ngói.

- Nước khoáng nóng: Theo tài liệu điều tra địa chất thủy văn do Liên đoàn ĐCTV - ĐCCT miền Trung thực hiện đã xác định trên 14 điểm nước khoáng - nước nóng có triển vọng, có giá trị chữa bệnh và điều dưỡng, địa nhiệt và có thể đưa vào khai thác, chế biến và sử dụng trong giai đoạn hiện nay.

2.2- Những vấn đề tồn tại và hạn chế:

Các tài liệu nêu trên chỉ dừng lại ở mức độ phát hiện và dự đoán, các tài liệu được nghiên cứu ở nhiều thời điểm khác nhau, nhiều đơn vị và nhiều tác giả thực hiện, do vậy tài liệu rất tản mạn, không hệ thống và rất khó cập nhật theo dõi và sử dụng;

Một số công trình nghiên cứu ở bước điều tra cơ bản, công tác bảo mật thực hiện chưa tốt đặc biệt là đối với một số điểm khoáng sản quý hiếm: vàng, bạc, wolfram, molipden…đã bị một số tổ chức, cá nhân khai thác trái phép một mặt tài nguyên bị thất thoát không còn nguyên trạng như tài liệu đánh giá ban đầu, một mặt cấu trúc địa chất nguyên thủy bị phá hủy gây khó khăn cho công tác quy hoạch định hướng thăm dò;

Một số công trình nghiên cứu được thực hiện cách nay khá lâu, có một số công trình thực hiện trong thời gian chiến tranh, công nghệ lạc hậu, việc đánh giá thiếu cơ sở khoa học, việc định vị các điểm phát hiện khoáng sản thiếu chuẩn xác, địa hình địa mạo bị thay đổi…

Các tài liệu điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản sau khi nghiệm thu, phê duyệt nộp lưu trữ Bộ chủ quản không cung cấp kịp thời cho địa phương để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ đồng thời hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp khai khoáng của địa phương theo thẩm quyền.

II/ Công tác thăm dò

1. Khái quát một số mỏ khoáng sản đã được đầu tư thăm dò đánh giá

Trong thời gian qua, một số khoáng sản và khu vực khoáng sản có triển vọng đã được nhà nước đầu tư thăm dò, đánh giá từ sơ bộ đến chi tiết như:

- Sét gạch ngói: Được Liên đoàn địa chất 5 (Liên đoàn ĐCTTB) đã tiến hành thăm dò đánh giá năm 1982 ở mức độ trữ lượng cấp C 1– C2.

- Sét cao lanh: Được Viện khoa học tự nhiên và trái đất thăm dò đánh giá năm 1985 ở trữ lượng cấp C 1– C2.

- Sét điatomit: Được Đoàn địa chất 701 - Liên đoàn địa chất thủy văn Miền Nam (Liên đoàn ĐCTV Trung bộ) thực hiện thăm dò đánh giá năm 1987 ở trữ lượng C 1– C2.

- Đôlômit: Từ năm 2000 - 2005 Trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội đã phối hợp với Sở KH&CN thực hiện các đề tài điều tra nghiên cứu khoáng sản đôlômit trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Kết quả nghiên cứu cho thấy khoáng sản đôlômit rất có triển vọng, có thể tổ chức khai thác ở quy mô công nghiệp, chất lượng quặng đáp ứng được yêu cầu các lĩnh vực sản xuất công nghiệp: sản xuất vật liệu chịu lửa, chất cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, nguyên liệu magiê oxit, kính nổi...

- Fenspat: Cũng đã được Trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội đã phối hợp với Sở KH&CN thực hiện đề tài điều tra nghiên cứu đánh giá tiềm năng. Kết quả đề tài đã đánh giá khoáng sản Fenspat trên địa bàn tỉnh rất có triển vọng, chất lượng quặng đáp ứng được yêu cầu sản xuất gạch ceramic, nguyên liệu sản xuất gốm sứ,...

- Bauxit: Đã được Liên đoàn địa chất 5 (nay là Liên đoàn ĐC TTB) thăm dò đánh giá từ năm 1980. Kết quả thăm dò đã đánh giá mỏ Bauxit Măng Dên rất có triển vọng trữ lượng cấp C1 - C2 trên 23, 133 triệu tấn và cấp P1 khoảng 39 triệu tấn, chất lượng quặng: Hầm lượng Al2O3 = 39,95%. Gồm 3 thân quặng phân bố kéo dài từ khu vực Măng đen đến Kon Hnừng (Gia Lai). Các thân quặng chính có giá trị công nghiệp thì nằm dưới khu vực thị trấn Kon Plông hiện nay tỉnh đang quy hoạch phát triển vùng động lực kinh tế về du lịch, các khu vực khoáng sản còn lại hiện nay chính phủ đã quy hoạch thăm dò, khai thác và dự trữ tài nguyên quốc gia.

2. Đánh giá những kết quả đạt được và những vấn đề còn tồn tại

2.1- Những kết quả đạt được:

- Qua công tác thăm dò, đánh giá về khoáng sản đã thực hiện, đã xây dựng nên một bức tranh tổng thể về tiềm năng tài nguyên khoáng sản tỉnh Kon Tum và cũng khẳng định rằng tài nguyên khoáng sản tỉnh Kon Tum “ Có đa dạng nhưng không phong phú” so với các địa phương khác.

- Đã đánh giá tương đối chính xác một số mỏ có triển vọng như: Bauxit và các mỏ phi kim loại: sét gạch ngói, sét cao lanh, điatomit, đôlômit, Fenspat tuy giá trị kinh tế không cao nhưng là nguyên liệu đầu vào cơ bản để phát triển nhiều ngành công nghiệp: vật liệu xây dựng, gốm sứ, sản xuất cao su, ceramic, gạch chịu lửa, phân bón…Đây là những mỏ có giá trị công nghiệp, là cơ sở để hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp khai khoáng tỉnh Kon Tum.

2.2- Những vấn đề tồn tại

- Trong những năm qua đặc biệt là từ khi tái lập tỉnh đến nay (1991), Nhà nước (kể cả vốn trung ương và địa phương ) đã thực hiện công tác thăm dò đánh giá từ tỷ lệ 1/25.000 đến 1/2000 nhiều công trình nhưng kết quả đem lại chưa cao, tất cả các mỏ khoáng sản được đánh giá cũng chỉ dừng lại ở mức độ cấp trữ lượng C1 - C2 (mức độ dự báo), do vậy cơ sở tài liệu thiếu chắc chắn, độ tin cậy thấp, chưa thể sử dụng để lập dự án khai thác, chế biến và khó thu hút đầu tư đặc biệt là các loại khoáng sản có giá trị kinh tế không cao.

- Công tác thăm dò giai đoạn trước chủ yếu là vốn ngân sách nhà nước, việc thực hiện được giao cho nhiều đơn vị thực hiện, mạnh ai nấy làm, không tập trung một đầu mối, tài liệu thiếu tính hệ thống, việc chuyển giao tài liệu từ trung ương đến địa phương, giữa các ngành chức năng trong tỉnh không kịp thời, do vậy đã nẩy sinh nhiều vấn đề bất cập: một mặt không quản lý bảo vệ được nguồn tài nguyên, một mặt chưa phát huy được tiềm năng kinh tế về tài nguyên khoáng sản.

- Các mỏ khoáng sản được thăm dò hầu hết được thực hiện trong thời gian cách nay khá lâu, phương tiện, thiết bị cũng như công nghệ thăm dò còn lạc hậu, do vậy tài liệu có độ chuẩn xác chưa cao. Các đề tài Điều tra nghiên cứu ứng dụng về khoáng sản của ngành Khoa học và công nghệ trong thời gian qua cũng chỉ dừng lại ở mức độ là đề tài khoa học định tính chứ chưa định lượng.

III/ Hiện trạng công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản

1. Đánh giá hiện trạng khai thác

Thực trạng về quy mô năng lực sản xuất: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 doanh nghiệp hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản và 500 cơ sở khai thác sét để sản xuất gạch ngói thủ công. Các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản đa số là khai thác chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, chỉ có 1 doanh nghiệp khai thác khoáng sản vàng, 02 doanh nghiệp khai thác than bùn và sản xuất phân hữu cơ tổng hợp, hầu hết các cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản đều ở quy mô nhỏ, chủ yếu là cung cấp cho nhu cầu sử dụng trên địa bàn, chưa có sản phẩm xuất khẩu. Giá trị sản xuất còn ở mức thấp, bình quân giai đoạn 2005 – 2008 đạt khoảng 12 tỷ đồng/ năm.

Nhìn chung hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn còn đơn điệu, manh mún, đem lại hiệu quả kinh tế chưa cao và nảy sinh nhiều vấn đề bất cập như: gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường, làm mất an ninh trật tự xã hội.

2. Đánh giá công nghệ chế biến

2.1- Đầu tư khoa học – công nghệ: Một phần do hoạt động khai thác chế biến khoáng sản còn đơn điệu chủ yếu là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, các loại khoáng sản khác quy mô khai thác nhỏ chủ yếu là hình thức tận thu. Do vậy các cơ sở chưa quan tâm đến đầu tư khoa học và công nghệ, các đề tài khoa học công nghệ trong thời gian qua chưa đi sâu vào thực tiễn, chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản.

2.2- Sản phẩm chủ yếu là sơ chế, chưa có nhà máy chế biến sâu, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao, chưa có sản phẩm xuất khẩu.

3. Tình hình sử dụng khoáng sản: Việc sử dụng khoáng sản còn thiếu nghiên cứu chiều sâu, sử dụng chưa hợp lý nguồn tài nguyên sẵn có trên địa bàn, một số cơ sở sản xuất công nghiệp phải nhập nguyên liệu khoáng trong lúc đó trên địa bàn tỉnh lại có sẵn, một số khoáng sản sử dụng lãng phí và không hợp lý một số nguyên liệu khoáng như đôlômit, fenspat…có thể tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao nhưng có một số địa phương, doanh nghiệp sử dụng làm đất cấp phối để làm đường giao thông, khoáng sản điatomit nằm xen lẫn trong các tầng đất sét sản xuất gạch ngói nhưng các cơ sở sản xuất khi gặp đối tượng này thì vứt bỏ gây lãng phí rất lớn

4. Đánh giá chung những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, bài học kinh nghiệm và nguyên nhân

4.1- Những kết quả đạt được

- Giá trị sản xuất công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản tuy còn ở mức thấp nhưng cũng đã góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, đã giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương

- Tuy còn trong giai đoạn phát triển tự phát nhưng cũng đã góp phần đa dạng hóa các loại hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn, ngày càng tạo nên bức tranh khởi sắc cho ngành công nghiệp

4.2- Những vấn đề tồn tại

- Giá trị sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng (bình quân 12 tỷ đồng/năm chiếm 1,6% giá trị sản xuất công nghiệp), tốc độ tăng trưởng chậm khoảng 5% (ngành là 19 - 20%).

- Việc khai thác, chế biến chủ yếu tự phát manh mún, nhỏ lẻ, gây nên nhiều vấn đề bất cập về vệ sinh môi trường, trật tự an ninh xã hội và an toàn lao động

- Gây thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên

4.3- Nguyên nhân

- Văn bản pháp luật điều chỉnh các hoạt động đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản thiếu sự nhất quán và đồng bộ, tạo nhiều kẽ hở.

- Công tác quản lý về hoạt động khoáng sản thiếu chặt chẽ, chưa linh động và phù hợp với điều kiện đặc thù từng địa bàn.

- Sự hiểu biết về pháp luật của các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản còn hạn chế.

Phần 3. QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ CHẾ BIẾN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2015

I/ Quan điểm phát triển

- Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản phù hợp với các quy hoạch khoáng sản của quốc gia, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với yêu cầu củng cố an ninh quốc phòng, bảo vệ các công trình văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái tại các địa bàn có khoáng sản.

- Phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản ổn định, bền vững, với công nghệ tiên tiên tiến, bảo đảm an toàn, có hiệu quả kinh tế trên cơ sở khai thác hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên của tỉnh.

- Thực hiện trước một bước các hoạt động thăm dò khoáng sản nhằm tạo cơ sở, lập dự án và xúc tiến đầu tư hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản trong giai đoạn quy hoạch. Kinh phí thăm dò do các nhà đầu tư lo liệu, ưu tiên cấp phép khai thác khoáng sản cho các nhà đầu tư thăm dò, công tác thăm dò phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về thăm dò khoáng sản.

- Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên cơ sở phát huy nội lực là chính, sản phẩm nguyên liệu khoáng ưu tiên phục vụ cho các nhà máy sản xuất công nghiệp của địa phương, chỉ xuất khẩu những sản phẩm đã qua chế biến và thị trường trong tỉnh, trong nước không có nhu cầu.

II/ Định hướng

- Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên cơ sở tiềm năng nguồn tài nguyên, vừa đáp ứng cho nhu cầu trước mắt vừa tính đến chiến lược lâu dài, kết hợp quy mô vừa và nhỏ, cơ giới hóa với bán cơ giới và thủ công phù hợp với từng loại khoáng sản, từng điểm mỏ. Từng bước hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến quặng, tối đa hóa hệ số thu hồi khoáng sản kể cả khoáng sản đi kèm và phụ phẩm.

- Đầu tư xây dựng các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản cho các vùng có tiềm năng khoáng sản đã được thăm dò hoặc đã được đánh giá có triển vọng và dựa vào nhu cầu thị trường, lấy hiệu quả kinh tế xã hội làm thước đo;

- Trước mắt cần tổ chức thăm dò các mỏ qua tìm kiếm đánh giá đã xác định có triển vọng khoáng sản hoặc các mỏ, điểm quặng được các nhà đầu tư quan tâm, các điểm nóng về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật.

- Từng bước bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đối với những khu vực khoáng sản mà tài liệu điều tra cơ bản đánh giá có triển vọng và các loại khoáng sản mà thị trường đang có nhu cầu.

III/ Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đến 2015

1- Mục tiêu

- Lựa chọn loại khoáng sản, các mỏ khoáng sản có triển vọng, các điểm nóng về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép để lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đến 2015 (ngoài các mỏ khoáng sản Chính phủ quy hoạch); làm cơ sở để UBND tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư cấp phép, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn (theo thẩm quyền), xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản bảo đảm tính bên vững và có giải pháp thích hợp để bảo vệ tài nguyên, môi sinh môi trường và an ninh trật tự xã hội.

- Phấn đấu đến năm 2015 đưa các mỏ khoáng sản lập quy hoạch vào hoạt động khai thác, chế biến có hiệu quả kinh tế, từng bước tăng dần tỷ trọng công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trong giá trị sản xuất công nghiệp, đưa tốc độ tăng trưởng công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành (≈19%).

2. Lựa chọn mỏ khoáng sản ưu tiên lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến

2.1- Cơ sở lựa chọn

- Căn cứ vào cơ sở tài liệu điều tra cơ bản về địa chất trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

- Căn cứ vào điều kiện kinh tế của tỉnh, điều kiện thuận lợi khai thác của từng mỏ, công nghệ khai thác, chế biến của từng loại khoáng sản và tình hình hoạt động khoáng sản tại các điểm mỏ khoáng sản.

- Tình hình thị trường tiêu thụ sản phẩm từ nguyên liệu khoáng trong và ngoài nước đến năm 2015 và dự đoán đến năm 2025.

2.2- Loại khoáng sản và khu vực khoáng sản lựa chọn lập quy hoạch

a) Khoáng sản vàng: Khu vực khoáng sản lập quy hoạch là khu vực khoáng sản vàng (gốc + sa khoáng) xã Đăk Blô - huyện Đăk Glei, khu vực khoáng sản vàng (gốc + sa khoáng) xã Pô Kô - huyện Đăk Tô, khu vực khoáng sản vàng (gốc + sa khoáng) xã Sa Nhơn - huyện Sa Thầy, khu vực khoáng sản vàng (gốc) xã Đăk Roong - huyện Đăk Glei, khu vực khoáng sản vàng (sa khoáng) xã Đăk Pét - huyện Đăk Glei.

b) Khoáng sản kim loại: Wolfram, sắt, măng gan. Khu vực khoáng sản lập quy hoạch là: Sắt, măng gan Đăk Uy - huyện Đăk Hà. Sắt xã Hiếu - huyện Kon Plong, khu vực khoáng sản wolfram Chư Ya Krei - huyện Đăk Tô.

c) Khoáng sản phi kim loại: điatomit, đôlômit, fenspat, kaolinit, đá ốp lát granit, đá mỹ nghệ secpentinit, than bùn. Các khu vực khoáng sản lập quy hoạch là: Khu vực khoáng sản Điatomit xã Ngọc Bay – thị xã Kon Tum, khu vực khoáng sản Điatomit xã Diên Bình – huyện Đăk Tô, khu vực khoáng sản Đôlômit xã Đăk Uy – huyện Đăk Hà, khu vực khoáng sản Đôlômit Kon Gô, Đăkpne – huyện Kon Rẫy, khu vực khoáng sản Fenspat Đăk Rơ Ve, Đăk Pne – huyện Kon Rẫy, khu vực khoáng sản Kaolinit xã Đăk Cấm – thị xã Kon Tum, khu vực đá Granit làng Lung leng - xã Sa Bình, làng Chổi – xã Sa Sơn - huyện Sa Thầy, khu vực đá mỹ nghệ secpentinit đông Sa Nhơn – huyện Sa Thầy, khu vực đá mỹ nghệ secpentinit xã Bờ Y – huyện Ngọc Hồi.

d) Nước khoáng – nước nóng thiên nhiên

- Nguồn nước khoáng nóng xã Kon Đào – huyện Đăk Tô

- Nguồn nước khoáng nóng Đăk Pung – xã Ngọc Tụ – huyện Đăk Tô

- Nguồn nước khoáng nóng Đăk Manh, xã Ngọc Tụ – huyện Đăk Tô

- Nguồn nước khoáng nóng Đăk Pet – huyện Đăk Glei

- Nguồn nước khoáng nóng Đăk Kôi – huyện Kon Rẫy

- Nguồn nước khoáng nóng suối Luông xã Đăk Ring - huyện KonPlông (địa danh theo tài liệu địa chất)

(Phụ lục: Danh mục loại khoáng sản và khu vực khoáng sản lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2015)

3- Khái quát về đặc điểm, diện tích các khu vực khoáng sản lập quy hoạch

3.1- Khoáng sản vàng:

3.1.1- Khu vực khoáng sản vàng Đăk Blô – huyện Đăk Glei

a- Vị trí địa lý:

Điểm quặng có tọa độ địa lý 15030’50” vĩ độ bắc, 107041’27” kinh độ đông. Thuộc địa bàn làng Măng Khèn, xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei.

b- Hiện trạng khu vực triển vọng khoáng sản: Hiện nay khu vực khoáng sản này đã bị khai thác trái phép, diện tích mặt bằng bị khai thác khoảng vài ngàn m2, tuy nhiên tình hình trên đã được ổn định, khu vực khoáng sản đang được chính quyền địa phương quản lý bảo vệ.

Khu vực khoáng sản nằm trên rừng sản xuất thuộc tiểu khu 09, trạng thái rừng IIIA1, IIIA2, IIB, IIA do Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Blô quản lý. Nằm cách xa khu dân cư, không thuộc khu vực cấm, khu vực vành đai biên giới, không có di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh (theo ý kiến xác nhận của: Sở Văn hóa Thông tin tại công văn số 281/CV-SVHTT ngày 26/11/2007, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum tại công văn số 1431/BCHBP-PTM ngày 26/11/2007)

c- Đặc điểm địa chất khoáng sản

Theo kết quả thu thập tài liệu, tài liệu nghiên cứu địa chất liên quan đến điểm khoáng sản vàng Đăk Blô còn quá ít và sơ lược, tuy nhiên trên thực tế điểm quặng này đang bị một số tổ chức các nhân khai thác trái phép (thực tiễn cho thấy các điểm quặng bị dân khai thác thủ công thường có hàm lượng cao, vượt chỉ tiêu công nghiệp ≥ 3g/T. Vì trên hàm lượng này mới đảm bảo ngày công lao động). Theo kết quả khảo sát của đoàn kiểm tra Liên ngành: Sở TN&MT, Sở Công Thương, Sở NN&PT. Hiện tại có 1 đới khoáng hóa (đới mạng mạch thạch anh sunfua chứa vàng) dày từ 3 - 5 m, kéo dài 15 – 20 m, phát triển dọc theo đới tiếp xúc giữa thành tạo xâm nhập Ngọc pheng tốc (¥ T2 nt) gồm đá granit biotit, granođiorit và các thành tạo trầm tích biến chất của hệ tầng Khâm Đức (PR22) gồm đá phiến thạch anh, gneis biotit, plagiogneis amphibolit…, đới này kéo dài theo phương Đông Bắc – Tây Nam, diện rộng khoảng chừng 3 km2.

Ngoài ra trên khu vực cũng có triển vọng vàng sa khoáng dọc theo các suối trong vùng như: Đăk Bia, Đăk Ba, Đăk Che…

Nhìn chung khu vực khoáng sản trên tuy chưa được nghiên cứu đánh giá cụ thể nhưng theo nhận định của các nhà chuyên môn địa chất là khu vực có triển vọng về khoáng sản vàng, cần khẩn trương đầu tư thăm dò và tổ chức khai thác, chế biến đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

d- Xác định diện tích lập quy hoạch

Căn cứ vào ý kiến thống nhất của các Bộ ngành trung ương: Bộ Tài nguyên và Môi Trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Quốc phòng. Diện tích lập quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản vàng địa bàn xã Đăk Blô khoảng 2 km2

3.1.2- Khu vực khoáng sản vàng xã Pô Kô – huyện Đăk Tô

a- Vị trí địa lý:

Tọa độ địa lý được xác định: 14037’57” vĩ độ bắc và 107045’20” kinh độ đông, nằm về phía đông nam và cách Trung tâm Giống nông – lâm nghiệp tỉnh Kon Tum khoảng 1km, thuộc địa bàn thôn Tu Pen, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô.

b- Hiện trạng khu vực khoáng sản:

Khu vực khoáng sản hiện đang bị một số tổ chức, cá nhân khai thác trái phép trên diện tích khoảng 1 ha, nằm trên quả đồi rộng khoảng 10 ha thuộc tiểu khu 302, trên bề mặt có 31 công trình giếng hầm lò, công trình sâu nhất trên 20 m, mật độ khá dày. Theo thông tin UBND xã Pô Kô cung cấp khu vực khoáng sản này đã bị một số tổ chức, cá nhân vào đây khai thác cách đây vài tháng, cao điểm có từ 300 đến 400 người. Hiện nay tình hình khai thác khoáng sản trái phép cơ bản đã được chính quyền giải tỏa và đang được tổ chức bảo vệ.

Khu vực khoáng sản nằm trong khu rừng sản xuất, cách xa khu dân cư, không có di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh cần bảo tồn, không có công trình quốc phòng và không thuộc khu vực cấm.

c- Đặc điểm địa chất khoáng sản

Theo tài liệu đo vẽ địa chất và tìm kiếm khoáng sản 1/50.000 nhóm tờ Đăk Tô do Liên đoàn BĐĐCMN thực hiện năm 1998, khu vực khoáng sản thuộc đới khoáng hóa Bờ nam Đăk Pô Kô (kéo dài từ thôn Đăk Ri Pen, xã Tân Cảnh đến thôn Đăk Tu Pen, xã Pô Kô), đới khoáng hóa vàng được khoanh vẽ trên bản đồ phân vùng triển vọng khoáng sản (Tài liệu Biên hội bản đồ địa chất khoáng sản tỉnh Kon Tum 1/100.000) có diện rộng hàng chục km2 (dài trên 5 km, rộng khoảng 2 km), chúng phân bố phân tán nơi một cụm, biểu hiện khoáng sản thường là những đới mạch, chuổi mạch thạch anh - sunfur – vàng xuyên cắt trong các thành tạo trầm tích biến chất hệ tầng Đăk Tơlir gồm: đá phiến botit, đá phiến amphibolit. Đới tiếp xúc thường bị biến đổi mạnh mẽ thành clorit hóa, epiđot hóa, thạch anh hóa, sừng hóa và thường bị dập vỡ, cà nát có chứa khoáng vật sunfua, các đới mạch thạch anh dài từ vài mét đến hàng trăm mét, dày từ 0,1÷0,4 đến 1÷1,5m đôi khi đến 10m, thường phát triển kéo dài theo phương á kinh tuyến (dọc theo sông Pô Kô). Hàm lượng vàng từ 0,1 đến 20,4 g/T. Trong đó có 2 điểm quặng đạt hàm lượng cao (vượt chỉ tiêu công nghiệp): Điểm quặng Đăk Ri Pen (Tân Cảnh), trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 64,3 kg và Điểm quặng Đăk Tơ Lir (Pô Kô), trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 1,233 tấn và điểm quặng Đăk Tu Pen (Pô Kô) hiện đang bị dân khai thác, theo tài liệu điều tra cơ bản về địa chất thì không thể hiện điểm quặng này nhưng theo quan sát của đoàn công tác điều tra quy hoạch cũng là đới mạng mạch thạch anh sunfua chứa vàng cùng loại hình với Điểm quặng Đăk Ri Pen (Tân Cảnh), dày từ 2- 3 m kéo dài hàng trăm mét, phát triển theo phương á kinh tuyến và xuyên cắt các thành tạo trầm tích biến chất: đá phiến biotit, đá phiến amphibolit. Hàm lượng quặng sunfua khá cao, theo nhận định ban đầu khu vực khoáng sản này rất triển vọng,

Nhìn chung đới khoáng hóa vàng Đăk Pô Kô nhìn chung rất triển vọng phân bố trên diện rộng khoảng vài chục km2 kéo dài từ Tân Cảnh - Đăk Tô đến Sa Nhơn - Sa Thầy dọc theo bờ phải sông Pô Cô (theo chiều dòng chảy), trên khu vực khoáng hóa này đã từng xảy ra những điểm nóng về hoạt động khai thác trái phép. Do vậy cần được sớm đầu tư thăm dò, tổ chức khai thác hợp lý, tận thu tối đa nguồn khoáng sản vàng, đem lại nguồn thu cho nhà nước. Nếu để thời gian kéo dài một mặt chính quyền sẽ tốn công sức bảo vệ, một mặt tài nguyên bị thất thoát đặc biệt là môi sinh môi trường bị hủy hoại.

d- Xác định diện tích lập quy hoạch

Trên cơ sở nguồn tài liệu đang có, đới khoáng hóa vàng Pô Kô rất triển vọng và phân bố trên diện rộng, quy hoạch thăm dò, đánh giá cần quy hoạch rộng trên cơ sở kết quả thăm dò mới tiến hành khoanh vùng triển vọng khai thác. Diện tích quy hoạch khoảng 10 km2,

3.1.3- Khu vực khoáng sản vàng Sa Nhơn:

a- Vị trí địa lý: Thuộc địa bàn xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Tờ bản đồ Sa Thầy (D-48-60-D) hệ toạ độ VN2000, tỷ lệ 1:50.000. Tọa độ địa lý:

14029’37,4’’ vĩ độ bắc; 107048’48,5’’ kinh độ đông

b- Hiện trạng khu vực khoáng sản: Mặt bằng phân bố khoáng sản là đất sản xuất nông, lâm nghiệp của nhân dân và Lâm trường Sa Thầy. Trên phạm vi khu vực phân bố khoáng sản có dân cư thưa thớt, không có di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh cần bảo tồn, không có công trình quốc phòng và không thuộc khu vực cấm.

Một số điểm thuộc khu vực khoáng sản nhân dân địa phương phát hiện và khai thác quặng vàng gốc vào đầu năm 2003. Sau đó Liên đoàn BĐ ĐCMN điều tra chi tiết trên phạm vi 28 km2.

c- Đặc điểm địa chất khoáng sản

Khu vực Khoáng hóa vàng Sa Nhơn là đới cà nát có hệ mạch, mạng mạch thạch anh-sulfur-vàng phát triển trong đá phiến thạch anh-sericit, phiến thạch anh-mica phức hệ Khâm Đức (mq/NP-1). Sulfur 5-15% chủ yếu là pyrit, ít hơn là arsenopyrit, galena, sphalerit, chalcopyrit. Khoáng hóa vàng có nguồn gốc nhiệt dịch nhiệt độ trung bình (168-350C), thuộc kiểu khoáng vàng-pyrit-thạch anh, TPKV quặng: vàng, pyrit, pyrolusit, (arsenopyrit, galena, sphalerit, chalcopyrit). Khoáng hóa vàng liên quan chặt chẽ với hoạt động đứt gãy phương kinh tuyến, á kinh tuyến. Trong vùng có 2 đới khoáng hóa vàng. Trong đó đáng chú ý là đới khoáng hóa tây Sa Nhơn, đới này có 3 thân quặng và 6 thân khoáng vàng với tài nguyên dự báo khoảng 0,67 tấn vàng.

Nhìn chung trong phạm vi 28 km2, đều phân bố khoáng sản vàng rất có triển vọng cần được sớm tiến hành thăm dò, đánh giá chi tiết để lập dự án đầu tư khai thác, chế biến, đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

d- Xác định diện tích lập quy hoạch

Trên cơ sở tài liệu điều tra cơ bản về địa chất, hiện trạng mặt bằng khu vực khoáng sản diện tích lập quy hoạch thăm dò là 10 km2, trên cơ sở kết quả thăm dò sẽ khoanh vùng khai thác và quy hoạch khu chế biến.

3.1.4- Khu vực khoáng sản vàng Đăk Roong

a- Vị trí địa lý: Khu vực khoáng sản thuộc địa bàn làng Đăk Vat, xã Đăk Roong, huyện Đăk Glei. Có tọa độ địa lý được xác định: 14058’52” vĩ độ bắc, 107043’26” kinh độ đông.

b- Hiện trạng khu vực khoáng sản: Là đất nương rẫy của nhân dân, nằm cách khu dân cư khoảng 300m về phía tây, không có công trình xây dựng kiên cố của nhân dân hoặc của nhà nước, không có di tích lịch sử, không thuộc quy hoạch danh lam thắng cảnh cần bảo tồn và không thuộc vùng cấm của quân sự. Khu vực khoáng sản này đã bị dân khai thác từ năm 1994. Đến năm 1995 Liên đoàn BĐ ĐCMN tiến hành điều tra chi tiết ở tỷ lệ 1/10.000 trên phạm vi 5 km2 và năm 1996 mở rộng phạm vi điều tra chi tiết là 15 km2. Kết quả cho thấy khu vực này rất có triển vọng vàng.

c- Đặc điểm địa chất khoáng sản

Quặng nằm trong đới dập vỡ rộng từ 400 – 500 m, kéo dài theo phương Bắc - Nam khoảng 1.500 m. Chúng là những đới mạng mạch thạch anh - sunfua - vàng, phát triển theo hệ thống khe nứt kiến tạo, phương bắc nam. Theo tài liệu địa chất đã khoanh 11 thân quặng, tổng tài nguyên dự báo khoảng 3,325 tấn vàng.

d- Xác định diện tích lập quy hoạch

Trên cơ sở tài liệu địa chất diện tích khu vực lập quy hoạch thăm dò là 15 km2trên cơ sở kết quả thăm dò sẽ khoanh vùng khai thác và quy hoạch khu chế biến.

Khu vực này đã bị nhân dân khai thác từ những năm 1994, 1995 vì làm thủ công, công nghệ khai thác chế biến lạc hậu cho nên chỉ khai thác ở phần nông và khoáng sản bị bỏ sót còn nhiều, khu vực khoáng sản này cần tiếp tục thăm dò khai, thác, chế biến tận thu nguồn tài nguyên khoáng sản.

3.1.5- Khu vực khoáng sản vàng sa khoáng Đăk Pét - Đăk Glei

a- Vị trí địa lý: Khu vực khoáng sản phân bố dọc suối Đăk Pét, thuộc địa bàn xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei. Tọa độ địa lý được xác định: 15004’20” vĩ độ bắc và 107044’19” kinh độ đông.

b- Hiện trạng khu vực khoáng sản: Là các trầm tích bở rời phân bố dọc hai bên và giữa dòng suối Đăk Pét, dài từ 400 - 500 m, rộng 100 – 200 m, nhân dân đã đào đãi vàng từ những năm của thập kỷ 90, hai bên suối là ruộng lúa nước của nhân dân.

c- Đặc điểm địa chất khoáng sản

Khoáng sản vàng được phân bố trong thành tạo trầm tích (aQIV3). Mặt cắt từ trên xuống:

- Lớp sét lẫn cát mịn dày từ 1 - 2 m

- Lớp sét màu xám chứa ít vàng dày 0,5 - 1 m

- Lớp cuội sạn lẫn ít cát chứa vàng (tầng sản phẩm chính) dày khoảng 2 m.

- Dưới cùng là nền đá gốc Granit

Diện sa khoáng hẹp, phân bố 2 bên và giữa dòng suối Đăk Pet, diện rộng khoảng 1km2, theo tài liệu điều tra địa chất 1/50.000 vùng Đăk Glei - Khâm Đức do Liên đoàn BĐ ĐCMN thực hiện năm 1997 đánh giá trữ lượng dự báo khoảng 60 - 70 kg vàng

d- Xác định diện tích lập quy hoạch khu vực khoáng sản này khoảng 1 km2

3.2- Khoáng sản kim loại

3.2.1- Khu vực khoáng sản Wolfram Chư Ya Krei – huyện Sa Thầy

a- Vị trí địa lý: Nằm ở phía tây khối núi Chư Ya Krei, thuộc tiểu khu 663, Vườn Quốc gia Chư Mo Ray. Thuộc địa bàn xã Mo Ray - huyện Sa Thầy. Tọa độ địa lý được xác định 14017¢53,9¢¢ Vĩ độ bắc; 107051¢28,2¢¢ Kinh độ đông.

b- Hiện trạng khu vực khoáng sản

Khu vực khoáng sản thuộc lâm phần Vườn Quốc gia Chư Mo Ray (tiểu khu 663), đã được Chính phủ cho phép chuyển sang rừng sản xuất và thăm dò khoáng sản đa kim wolfram. Khu vực khoáng sản này đã bị một số tổ chức cá nhân khai thác quặng wolfram trái phép, tuy nhiên đã được ngăn chặn kịp thời, hiện đang được địa phương quản lý bảo vệ. Trong khu vực khoáng sản không có công trình xây dựng kiên cố, không có di tích lịch sử văn hóa, không thuộc khu vực vành đai biên giới.

c- Đặc điểm địa chất khoáng sản

Trên diện tích vùng Chư Ya Krei đã xác định 8 thân quặng, 1 thân khoáng wolfram ở trung tâm vòm nâng phân bố thành 2 đới khoáng hóa wolfram, đi kèm wolfram có thiếc, bismut. Tại phần ven rìa cấu trúc vòm nâng có khoáng hóa bạc, chì, kẽm, đồng. Tài nguyên dự báo khoảng 9.800 Tấn quặng.

* Đới khoáng hóa I: Là hệ mạch thạch anh-wolframit có sulfur xuyên đá granit hạt nhỏ pha 2 phức hệ Bà Nà và đới đá biến đổi thạch anh hóa, greisen hóa chứa woframit. Đới khoáng hóa rộng 1000m, dài 1600m, phương á kinh tuyến, được khống chế bởi hai hệ đứt gãy phương ĐB-TN (đứt gãy F4) và phương kinh tuyến (đứt gãy F7, F9). Trên diện tích của đới phân bố dày đặc các vành phân tán địa hóa deluvi nguyên tố thiếc, bismut, chúng có quy mô từ nhỏ đến lớn, hàm lượng dị thường từ bậc 1 đến bậc 3. Tài liệu Địa vật lý đã xác định nhiều dải dị thường điện phân cực liên quan đến các mạch thạch anh-wolframit, có mật độ dày và trùng với các vành phân tán địa hóa. Quặng wolfram phân bố tập trung tại nơi giao nhau giữa hai hệ thống đứt gãy. Có 7 thân quặng và 1 thân khoáng wolfram ở phần trung tâm đới

1- Thân quặng wolfram số 1: Là hệ mạch thạch anh-wolframit xuyên đới đá biến đổi thạch anh hóa phát triển trong đá granit hạt nhỏ pha 2, phức hệ Bà Nà. Đới rộng 17m, dài 100m theo phương ĐB-TN (dọn lộ DL3459). Hệ mạch thạch anh-wolframit phát triển theo phương á kinh tuyến; Các mạch dày 1-2cm, 5-10cm, 20cm; Trong các mạch gặp wolframit tinh thể lớn nằm xâm tán, đôi khi tạo ổ đặc sít, hàm lượng 5-7%. Đá ven rìa bị biến đổi thạch anh hóa, greisen hóa, dày từ 1-2cm đến 10-20cm, có wolframit 1-2%. Phân tích Hóa quặng (4 mẫu): WO3 = 0,134-3,506%; Sn = 0,029-0,04%; Mo = 0,001-0,003% (bảng V.3, trang 10). Phân tích hấp thụ nguyên tử (HTNT) mẫu (KT.DL3459/9): Bi = 5060g/t; Cu = 228g/t. . Thân quặng wolfram dày 3,6m, dài 100m, chiều sâu 30m (dự tính bằng 1/3 chiều dài thân quặng), hàm lượng trung bình W = 1,136%, thể trọng quặng wolfram 2,6t/m3. TNDB:

Cấp 334b=100m x 3,6m x 30m x 2,6t/m3 x 1,136%=319,11 tấn wolfram

TNDB quặng bismut: dày 1m, dài 100m, hàm lượng Bi 5060g/t.

Cấp 334b=100m x 1m x 30m x 2,6t/m3 x 5060g/t=39 tấn bismut

2- Thân quặng wolfram số 2: Là hệ mạch thạch anh-wolframit xuyên đới đá biến đổi thạch anh hóa phát triển trong đá granit hạt nhỏ. Đới rộng 17 m, dài 100 m theo phương ĐB-TN (dọn lộ DL3459). Hệ mạch thạch anh-wolframit phương kinh tuyến, á kinh tuyến, dày 1-2 cm, 5-10 cm. Wolframit 2-5% (nằm xâm tán, đôi khi tạo ổ nhỏ, tinh thể nhỏ-vừa, kích thước 1-2 mm, 2-5 mm). Đá ven rìa mạch bị biến đổi greisen hóa, dày 0,1m. Hóa quặng mẫu KTDL3459/2 (%): WO3=0,887; Mo=0,0047; Sn=0,013. Phân tích HTNT mẫu KT.DL.3459/2 (g/t): Bi=3800; Cu=228. Thân quặng dày 1m, dài 100 m, hàm lượng W=0,659 %; Bi=3800g/t. TNDB :

Cấp 334b = 100m x 1m x 30m x 2,6t/m3 x 0,659% = 51,42 tấn wolfram.

Cấp 334b = 100m x 1m x 30m x 2,6t/m3 x 3800g/t = 30 tấn bismut.

3- Thân quặng wolfram số 3: Là hệ mạch thạch anh-wolframit xuyên đới đá biến đổi thạch anh phát triển trong đá granit hạt nhỏ. Đới rộng 17 m, dài 100 m phương ĐB-TN (dọn lộ DL3460). Hệ mạch thạch anh-wolframit phương kinh tuyến, á kinh tuyến, dày 1-2 cm, 5-20 cm. Tại đây gặp wolframit tinh thể lớn nằm xâm tán, dạng ổ đặc sít, hàm lượng 5-10%. Đá ven rìa mạch bị biến đổi thạch anh hóa, greisen hóa, dày 1-2 cm, 10-20 cm. Hóa quặng 5 mẫu (%): WO3=0,161-9,640; Sn=0,05-0,32; Mo=0,001-0,004. HTNT mẫu KT.DL3460/3 (g/t): Bi=22800; Cu=590. Thân quặng dày 3 m, dài 100 m, hàm lượng trung bình W=3,142%. TNDB:

Cấp 334b = 100m x 5m x 30m x 2,6t/m3 x 3,142% = 1225,28 tấn wolfram

Cấp 334b = 100m x 1m x 30m x 2,6T/m3 x 0,32% = 24,96 tấn thiếc.

Cấp 334b = 100m x 1m x 30m x 2,6t/m3 x 22800g/t = 178 tấn bismut

5- Thân quặng wolfram số 5: Là đới mạng mạch thạch anh-wolframit xuyên đá granit hạt nhỏ (hào H317). Đới dày 1,2m, gồm nhiều mạch thạch anh-wolframit dày từ 5-10 mm đến 20 mm xuyên chằng chịt trong đá granit, thế nằm 260Ð85. Wolframit 3-5%, tinh thể nhỏ kích thước 1x2 mm, 2x5 mm, nằm xâm tán, tạo ổ trong mạch thạch anh. Trong mạch thạch anh có nhiều hốc, ổ nhỏ chứa limonit (do sulfur phong hóa), kích thước hốc ổ 1x2 mm đến 2x5 mm, hàm lượng 2-3%. Đá ven rìa mạch bị biến đổi greisen hóa, dày 0,2m. Hóa quặng KT.CK.H317/1 (%): WO3 1,004; Sn 0,022; Mo 0,0048. Thân quặng dày 0,8m, dài 100m, hàm lượng W 0,746%. TNDB:

Cấp 334b=100m x 0,8m x 30m x 2,6t/m3 x 0,746%=46,55 tấn wolfram.

6- Thân quặng wolfram số 6: Là hệ mạch thạch anh-wolframit xuyên đới đá biến đổi thạch anh hóa. Đới dày 9,5m (hào H15, H16, H17, H18), phương kinh tuyến, cắm đứng. Mạch dày 0,5-5 cm, thế nằm 70Ð85. Wolframit tinh thể nhỏ-vừa, dạng ổ đặc sít, xâm tán thưa. Hóa quặng KT.CK.H18/4 (%): WO3 0,747; Sn 0,0267; Mo 0,0012. Thân quặng dày 1m, dài 100m, hàm lượng W 0,555%. TNDB:

Cấp 334b=100m x 1m x 30m x 2,6t/m3 x 0,555%=43,29 tấn wolfram.

7- Thân quặng wolfram số 7: Là hệ mạch thạch anh-wolframit xuyên đá granit hạt nhỏ (hào H320). Hệ gồm 12 mạch dày từ 1-2 cm, 3-5 cm đến 40 cm, thế nằm 80-90Ð60-80. Đá ven rìa mạch bị biến đổi greisen hóa, dày 5-10 cm đến 20 cm. Wolframit 5-7%, tinh thể lớn, dạng ổ đặc sít trong thạch anh và đá biến đổi greisen; pyrit 5% xâm tán trong thạch anh.

8- Thân khoáng wolfram số 8: Là hệ mạch thạch anh-wolframit có sulfur xuyên đá granit hạt nhỏ (hào H22). Hệ gồm các mạch dày 20-40 cm, phương ĐB-TN. Thạch anh hạt nhỏ. Wolframit tinh thể nhỏ nằm xâm tán trong thạch anh. Hóa KT.CK.H22/2 (%): WO3=0,1078; Sn=0,023; Mo=0,0016.

Ngoài 7 thân quặng wolfram có giá trị công nghiệp nằm ở Trung tâm đới khoáng hóa I, tại phần ven rìa phía Đông và phía Nam của đới khoáng hóa còn thấy hệ mạch, vi mạch thạch anh-wolframit xuyên đá granit hạt nhỏ pha 2, phức hệ Bà Nà.

* Đới khoáng hóa II: Rộng 700, dài 1.000 m phương kinh tuyến, là hệ mạch thạch anh, thạch anh-wolframit có sulfur và đới đá biến đổi thạch anh hóa xuyên đá granit sáng màu hạt nhỏ (hào H19, H20, H21, H30, H31, điểm khảo sát KT2393, KT3452). Đới khoáng hóa có các dải dị thường địa vật lý điện phân cực kích thích và các vành phân tán dị thường địa hóa thứ sinh bậc 1 và 2 của nguyên tố thiếc; bậc 1, 2 nguyên tố molybden và bậc 1 của nguyên tố bạc. Chúng rộng 20-60 m, dài 100-500 m. Trên diện tích đới khoáng hóa phát hiện 1 thân quặng wolfram.

9- Thân quặng wolfram số 9: Là hệ mạch thạch anh-wolframit xuyên đới biến đổi thạch anh hóa phát triển trong đá granit hạt nhỏ. Đá biến đổi thạch anh hóa màu trắng đục, nâu vàng, cấu tạo khối, kiến trúc hạt nhỏ, thế nằm 70Ð80. Thành phần (%): thạch anh=70-80; felspat=20-30; wolframit=1 (tinh thể nhỏ, xâm tán thưa). Các mạch thạch anh-wolframit dày từ 1-2cm đến 20cm, cắm dốc 70-900 phương á kinh tuyến. Wolframit=1-2%, nằm xâm tán; Pyrit=2-3%, tinh thể nhỏ, xâm tán thưa. Hóa quặng KT.CK.H20 (%): W=0,235; Sn=0,13. Thân quặng dày 1m, dài 100m, W=0,235%. TNDB: Cấp 334b=1m x 100m x 30m x 2,6t/m3 x 0,235%=18,33 tấn wolfram.

Do tài liệu chỉ dừng lại ở mức độ điều tra cơ bản, việc đánh giá chủ yếu là định tính, tuy nhiên trên cơ sở tiền đề dấu hiệu sinh khoáng, vùng Chư Ya Krei rất có triển vọng khoáng sản Wolfram và một số khoáng sản đi kèm hiện nay thị trường đang có nhu cầu và có giá trị kinh tế cao, cần được thăm dò đánh giá chi tiết hơn để làm cơ sở cho việc đầu tư khai thác, chế biến phục vụ phát triển công nghiệp địa phương và đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

d- Xác định diện tích lập quy hoạch

Trên cơ sở tài liệu điều tra địa chất của Liên đoàn BĐĐCMN thực hiện. Diện tích lập quy hoạch thăm dß là 4 km2, trên cơ sở kết quả thăm dò sẽ khoanh vùng khai thác và quy hoạch khu chế biến.

3.2.2- Khoáng sản sắt, măng gan

Theo tài liệu địa chất khoáng sản tỉnh Kon Tum thì khoáng sản sắt trên địa bàn không có quy mô trữ lượng lớn, chúng tồn tại dưới dạng đới mạch dài chừng 300 - 400m, dày từ 1 – 2 m. Quặng sắt chủ yếu là Limonit, gơtit, manhêtit. Trong đó 2 khu vực có triển vọng là: sắt, măng gan Đăk Uy – huyện Đăk Hà và Sắt xã Hiếu – huyện Kon Plụng.

a- Khu vực khoáng sản sắt, măng gan xã Đăk Uy – huyện Đăk Hà

- Vị trí địa lý: Khu vực khoỏng sản nằm ở sườn phía đông khối núi Kon Kla, thuộc địa bàn xã Đăk Uy, huyện Đăk Hà. Tọa độ địa lý được xác định 14036’49” vĩ độ bắc và 108001’46” kinh độ đông.

Ngoài ra trên khu vực khoáng sản sắt có một đới Măng gan. Tọa độ địa lý được xác định: 14036’00” vĩ độ bắc và 108001’56” kinh độ đông.

- Hiện trạng khu vực khoáng sản

Các thân quặng sắt tồn tại dưới dạng đới mạch, khu vực triển vọng khoáng sản có diện tích khoảng 4 km2, có 4 thân quặng sắt và 1 thân quăng Măng gan phân bố rãi rác trong vùng. Hiện trạng khu vực khoỏng sản là nằm trên diện tích rừng sản xuất và đất rẫy của nhân dân, xa khu dân cư, không liên quan đến đất quốc phòng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.

- Đặc điểm địa chất khoáng sản

+ Khoáng sản sắt: Đá vây quanh là đá phiến sericit thạch anh, xen lớp mỏng quăczit, thuộc thành tạo của hệ tầng A vương. Thế nằm 120 – 320<40. Quặng hóa limonit lấp đầy trong mặt ép đá phiến hoặc khe nứt, quặng cấu tạo dạng mạng mạch, đới mạng mạch dài hàng trăm mét theo phương Đông bắc – Tây nam, rộng 3,5 mét. Thành phần chủ yếu là Limonit, gơtít. Tài liệu nghiên cứu còn sơ lược, tuy nhiên trên cơ sở tiền đề dấu hiệu địa chất thì khu vực này có triển vọng về khoáng sản sắt. Tài nguyờn dự bỏo khoảng 300.000 tấn quặng.

- Xác định diện tích quy hoạch là 2 km2.

+ Khoáng sản Măng gan: Quặng hóa Măng gan liên quan tới tập đá phiến silic, silic sọc dãi màu đen ở phần dưới phụ hệ tầng A vương. Măng gan có mặt trong trầm tích silic cùng với keo hydroxit sắt tạo thành các dãi lượn sóng trên nền vi hạt silic, măng gan trầm tích hàm lượng nghèo nhưng phân bố đều trong trầm tích silic, sét silic. Trong đới phong hóa thấm đọng đã khoanh vẽ được hai đới quặng Măng gan có hàm lượng MnO2 đạt yêu cầu công nghiệp, chiều dài mỗi đới ≥ 400m, rộng 10 -12 m, thế nằm 300 – 320<30 – 60.

Thành phần khoáng vật quặng chủ yếu là Psilomenlan dạng keo, dạng bột màu đen nâu mềm bỡ, chiếm tỷ lệ 15 – 21%, sắt chiếm 31 – 40%.

- Xác định diện tích quy hoạch là 2 km2.

b- Khu vực khoáng sản sắt xã Hiếu

- Vị trí địa lý: Nằm ở bờ phải thượng nguồn sông Re – huyện Kon Plụng. Tọa độ địa lý được xác định 14035’30” vĩ độ bắc và 108029’33” kinh độ đông.

- Hiện trạng khu vực khoáng sản: Nằm trong rừng sản xuất, thuộc Lâm trường Kon Plụng quản lý, khu vực khoáng sản còn nguyên trạng, xa khu dân cư, không liên quan đến đất quốc phòng và không có di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.

- Đặc điểm địa chất khoáng sản: Đá vây quanh bao gồm: и phiến kết tinh, đá phiến plagiocla-hyperoten-biotit, plagiogneis-biotit-granat, thuộc thành tạo hệ tầng Kan Nac – phụ hệ tầng giữa. Chỉnh hợp với các thành tạo biến chất là thể hocnoblenit, đá màu xám tối, cấu tạo định hướng phương ĐB-TN, dài 2 km rộng 0,5 km.

Sắt xã Hiếu có nguồn gốc măc ma, liên quan với các thể siêu mafic, phân bố dọc theo đứt gãy sâu.

- Đặc điểm quặng hóa

Manhêtit xâm tán dạng ổ, dạng mạch trong trong hocnoblenit. Thành phần khoáng vật chủ yếu là manhê titi từ tính cao, hàm lượng manhêtit chiếm 40%, hàm lượng Fe chiếm 24%. Ngoài ra còn gặp Ni ken, crôm đạt hàm lượng 0,06 – 0,2%.

Kiểu thành tạo này thường có quy mô không lớn nhưng quặng manhêtit có chất lượng tốt, dễ luyện sắt, cần có kế hoạch điều tra thăm dò và định hướng xây dựng nhà máy luyện kim loại đặc biệt: luyện fero wolfram, feromang gan…cung cấp cho các nhà máy đóng tàu.

- Xác định diện tích quy hoạch là 2 km2.

3.3- Khoáng sản phi kim loại

Trên cơ sở nhu cầu thị trường hiện nay và cơ sở tài liệu điếu tra địa chất, trong giai đoạn này cần quy hoạch một số mỏ phi kim loại sau đây:

3.3.1- Khoáng sản Đôlômit

a- Mỏ khoáng sản Đôlômit Đăk Uy – Đăk Hà:

Phân bố trên địa bàn Thôn Kon Tu, xã Đăk Uy, huyện Đăk Hà. Trên diện tích khoảng 200ha

* Trữ lượng: Qua kết quả đề tài nghiên cứu đánh giá tiềm năng khoáng sản Đôlômit của Sở KH&CN và Trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội, trữ lượng mỏ được đánh giá như sau:

Tổng trữ lượng (P1+ C1+C2) = 9.372.39 nghìn tấn. Trong đó:

- Cấp C1(điều tra chi tiết) = 441.690 tấn

- Cấp C2 (điều tra sơ bộ) = 4.003.270 tấn

- Cấp P1(dự báo) = 4.927.000 tấn

* Chất lượng và giá trị sử dụng:

- Thành phần hóa học

. CaO có hàm lượng trung bình 29,94%

. MgO có hàm lượng trung bình 19,67%

. Al2O3 có hàm lượng trung bình 0,41%

. SiO3 có hàm lượng trung bình 3,56%

. Fe2O3 có hàm lượng trung bình 0,22%

.MKN trung bình 43,97%

* Giá trị sử dụng: Với thành phần hóa học như trên khoáng sản Đôlômit Kon Tu, Đăk Uy, Đăk Hà đáp ứng được yêu cầu cho một số ngành công nghiệp như sau: sản xuất gạch chịu lửa, thủy tinh cao cấp, phụ gia sản xuất các sản phẩm cao su, làm chất cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản…

* Điều kiện khai thác: Tương đối thuận lợi, có đường giao thông đến khu vực mỏ, các thân khoáng hầu hết phân bố trên địa hình dương phù hợp với hình thức khai thác lộ thiên

b/ Mỏ khoáng sản Đôlômit Kon Gô – Đăk Pne, huyện Kon Rẫy

Phân bố trên địa bàn thôn Kon Gô, xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tọa độ địa lý được xác định: 14030’00” vĩ độ bắc và 108014’00” kinh độ đông, trên diện tích khoảng 10 km2.

* Trữ lượng: Qua kết quả đề tài nghiên cứu đánh giá tiềm năng khoáng sản Đôlômit của Sở KH&CN và Trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội, trữ lượng mỏ được đánh giá như sau:

Tổng trữ lượng (P1+ C2) = 32.083,97 nghìn tấn. Trong đó:

- Cấp C2 (điều tra sơ bộ) = 4.961,08 nghìn tấn

- Cấp P1(dự báo) = 27.122,89 nghìn tấn

* Chất lượng và giá trị sử dụng:

- Thành phần hóa học

. CaO có hàm lượng trung bình 30,70%

. MgO có hàm lượng trung bình 20,10%

. Al2O3 có hàm lượng trung bình 0,25%

. SiO2 có hàm lượng trung bình 1,21%

. Fe2O3 có hàm lượng trung bình 0,49%

. MKN trung bình 45,68%

* Giá trị sử dụng: Với thành phần hóa học như trên khoáng sản Đôlômit Đăk Pne – Kon Gô đáp ứng được yêu cầu cho một số ngành công nghiệp như sau: sản xuất gạch chịu lửa, sản xuất Clanh ke để sản xuất ximăng, làm chất cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản…

* Điều kiện khai thác: Tương đối thuận lợi, có đường giao thông đến khu vực mỏ, các thân khoáng hầu hết phân bố trên địa hình dương phù hợp với hình thức khai thác lộ thiên.

3.3.2- Khoáng sản Fenspat:

- Địa điểm phân bố: Khoáng sản Fenspát phân bố tập trung trên 2 địa bàn thị trấn Đăk Rơve và xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy. Tọa độ địa lý được xác định: từ 14028’00” đến 14032’00” vĩ độ bắc và từ 108010’00” kinh độ đông.

- Trữ lượng: Theo đề tài nghiên cứu đánh giá về khoáng sản Fenspat của Sở KH&CN và Trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội, trữ lượng khoáng sản Fenspat được đánh giá như sau:

- Khu Đăk Rơve dự đoán khoảng 134.843, 8 ngàn tấn

- Khu Kon Gô dự đoán khoảng 650 ngàn tấn

- Chất lượng và giá trị sử dụng:

- Thành phần hóa học:

Hàm lượng tổng kiềm (Na2O + K2O) trung bình 10,42% trong đó thành phần K2O > Na2O, SiO2 trung bình 71,79%, hàm lượng Al2O3 trung bình 14,40% .

- Giá trị sử dụng: đảm bảo được yêu cầu sản xuất đồ gốm sứ, nguyên liệu xương và men cho sản xuất gạch ceramit, granit nhân tạo

- Điều kiện khai thác thuận lợi

3.3.3- Khoáng sản Điatomit

Loại khoáng sản này trên địa bàn tỉnh Kon Tum rất có triển vọng, trữ lượng sơ bộ đánh giá chỉ đứng sau tỉnh Phú Yên, chúng phân bố trong trầm tích Neogen bao gồm các địa bàn Thị xã Kon Tum, Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô. Tuy nhiên trên mặt các vùng mỏ đã và đang có nhiều lĩnh quy hoạch do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Trên cơ sở tài liệu địa chất và kết quả điều tra hiện trạng, kinh tế xã hội, khoáng sản điatomit chọn 2 vùng quy hoạch như sau:

a- Khu vực khoáng sản Điatomit xã Ngọc Bay – thị xã Kon Tum

- Vị trí địa lý: Thuộc địa bàn xã Ngọc Bay, thị xã Kon Tum, có tọa độ địa lý được xác định 14022’14,3’’ vĩ độ bắc; 107057’42,9’’ kinh độ đụng.

- Hiện trạng khu vực khoỏng sản quy hoạch

Trên bề mặt mỏ khoáng sản là đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân, nằm cách xa khu dân cư, không có công trình kiên cố, di tích lịch sử.

- Đặc điểm địa chất khoáng sản: sét điatomit có nguồn gốc hồ lục địa, nằm trong trầm tích Neogen hệ tầng Kon Tum, chiều dày thân quăng từ 7 đến 15 m, trữ lượng dự báo cấp 334a là 17.665.200 m3, trong đó trữ lượng cấp C2 là 7.953.660 m3, được xếp vào quy mô mỏ lớn.

Thành phần hóa học: SiO2 trung bình 48,41%, Fe 2O3 trung bình 6,27%, Al2O3 trung bình 12,75%, K2O: 0,89%,Na2O: 0,14%

- Xác định diện tích quy hoạch khoảng 2 km2

b- Khu vực khoáng sản điatomit Diên Bình huyện Đăk Tô

Khu vực khoáng sản này đang được Sở KH&CN Kon Tum phối hợp cùng với Liên đoàn ĐCTTB điều tra đánh giá, thông tin ban đầu mỏ khoáng sản có đặc điểm tương tự như mỏ Ngọc Bay, quy mô mỏ vừa. Hiện nay Sở Công Thương đang tiến hành lập quy hoạch chi tiết khu vực mỏ này.

- Xác định diện tích quy hoạch: 2 km2

3.3.4- Khoáng sản Cao lanh

Khu vực khoỏng sản Cao lanh Đăk Cấm

a- Vị trí địa lý: Thuộc địa bàn xã Đăk Cấm, thị xã Kon Tum, có tọa độ địa lý: 14025’36” vĩ độ bắc và 107054’04” kinh độ đông.

b- Hiện trạng khu vực mỏ là đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân nằm cách xa khu dân cư, không có công trình kiên cố, di tích lịch sử, công trình quốc phòng.

c- Đặc điểm địa chất khoáng sản: Theo tài liệu thăm dò của Viện Khoa học trái đất và Viện Khoa học Việt Nam (1986), cao lanh thành tạo trong trầm tích bở rời Đệ tứ, các trầm tích này năm trên nền đá gốc granit và đá phiến kết tinh, quặng cao lanh có màu trắng xám, mịn dẽo dạng ổ, thấu kính nhỏ, thành phần hóa học: SiO2 = 45,19 – 57,50%, Al2O3= 25,5 – 37,10%, Fe2O3: 0,92 – 2,27%, chất lượng quặng trung bình, đáp ứng được yêu cầu sản xuất đồ gốm, sứ.

Trữ lượng được đánh giá ở cấp B + C1= 5,7 triệu tấn, xếp vào quy mô mỏ vừa.

d- Xác định diện tích lập quy hoạch

Căn cứ vào tài liệu địa chất và hiện trạng khu vực khoáng sản, diện tích lập quy hoạch khoảng 2 km2

3.3.5- Đá ốp lát

a- Đá granit màu hồng

- Địa bàn phân bố: Đá granít màu hồng chúng phân bố trên địa bàn các làng: làng Lung Leng, xã Sa Bình và làng Chổi, xã Sa Sơn thuộc huyện Sa Thầy trong phạm vi diện tích khoảng 10 km2, đá có độ nguyên khối lớn màu sắc đẹp, có thể khai thác, chế biến thành đá ốp lát.

- Trữ lượng: Theo tài liệu điều tra cơ bản 1/50.000 (tờ BĐ Sa Thầy) do Liên đoàn ĐC 6 thực hiện và tài liệu nghiên cứu đánh giá của Sở KH&CN phối hợp với đoàn ĐC 506, trữ lượng dự đoán khoảng 20 triệu m3.

- Về chất lượng: Đá có độ nguyên khối tương đối lớn, màu sắc đẹp có thể sản xuất đá ốp lát, có giá trị kinh tế cao.

- Về điều kiện khai thác: Khá thuận lợi đường giao thông đến được khu vực mỏ, xa khu dân cư, không ảnh hưởng đến công trình xây dựng kiên cố của nhân dân hoặc của nhà nước, phân bố trên địa hình dương có thể khai thác theo phương pháp mỏ lộ thiên và quy mô công nghiệp.

- Diện tích lập quy hoạch khoảng 10 km2

b- Đá Gabrô

b1- Khu vực đá Gabrô xã Đăk Ring, huyện Kon Plông

- Vị trí địa lý: Thuộc địa phận xã Đăk Ring, huyện Kon Plông. Tọa độ địa lý được xác định 14054’00” vĩ độ bắc và 108015’30”.

- Hiện trạng khu vực khoáng sản: nằm trong rừng tự nhiên thuộc rừng sản xuất do Lâm trường Kon Plông quản lý và xen lẫn với nương rẫy của nhân dân. Khu vực khoáng sản nằm xa khu dân cư, không có công trình xây dựng kiên cố cũng như di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cần bảo tồn.

- Đặc điểm địa chất khoáng sản: Đá ở đây là loại đá Gabropyoxen thuộc phức hệ Phú Lộc, đá có màu xanh đen kiến trúc hạt đều rất đẹp, độ nguyên khối lớn có triển vọng sản xuất đá ốp lát.

- Diện tích quy hoạch khoảng 4 km2

b2 – Khu vực đá gabro- pyroxenit ốp lát Sa Nghĩa:

- Vị trí địa lý: Thuộc địa bàn xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Tờ Sa Thầy (D-48-60-D) VN2000 tỷ lệ 1:50.000. Tọa độ địa lý : 14025’51,6’’ vĩ độ bắc; 107050’04,5’’ kinh độ đông.

- Đặc điểm địa chất khoáng sản: Khối đá pyroxenit lộ ra ở phía nam vùng, diện tích 0,2km2. Đá lộ trên địa hình sườn núi, độ cao tuyệt đối 640-720m, độ cao tương đối 80m. Đá màu xám đen, cấu tạo khối, kiến trúc hạt lớn tự hình. TPKV (%): pyroxen=92-93; plagioclas=7-8; quặng=ít. Đá có độ nguyên khối 30x50cm đến 1x1m. Phân tích QPBĐL và Kích hoạt nơtron cho thấy khối đá gabro-pyroxenit không có dị thường các nguyên tố tạo quặng. TNDB (hệ số thu hồi 20%). Tài nguyên dự báo khoảng 1,6 triệu m3.

- Diện tích quy hoạch thăm dò, khai thác khoảng 1 km2

3.3.6- Đá mỹ nghệ Secpentinit

a) Điểm mỏ đá secpentinit Sa Nghĩa - huyện Sa Thầy

- Vị trí địa lý: Nằm về phía đông xã Sa Nghĩa. Tọa độ địa lý được xác định 14027’01,6’’ vĩ độ bắc ; 107050’20,1’’ kinh độ đông.

- Hiện trạng khu vực khoáng sản: Đá lộ ra dưới dòng suối và có thể phát triển qua hai bên theo phương bắc nam, hai bên là đất nương rẫy của nhân dân trong vùng. Khu vực khoáng sản xa khu dân cư, không có công trình xây dựng kiên cố, không thuộc khu vực bảo tồn thiên nhiên, di tích lịch sử...và không thuộc đất quốc phòng. Trong thời gian gần đây khu vực khoáng sản này đã bị dân đào bới khai thác trái phép, tuy nhiên chính quyền địa phương đã kịp thời ngăn chặn và đang tổ chức quản lý, bảo vệ.

- Đặc điểm khoáng sản: Cấu tạo phân phiến; kiến trúc hạt vảy biến tinh; có màu xanh lục, sọc dải khá đẹp; độ nguyên khối nhỏ. Thành phần khoáng vật: chủ yếu là serpentin, calcit; thứ yếu là tremolit. Nguồn gốc: biến chất trao đổi-nhiệt dịch.

- Về trữ lượng: Theo tài liệu điều tra cơ bản 1/50.000 (tờ BĐ Sa Thầy) do Liên đoàn ĐC 6 thực hiện, dự đoán trữ lượng khoảng 300.000 m3

- Về chất lượng và giá trị sử dụng: Tuy đá có độ nguyên khối nhỏ nhưng đá có nhiều màu sắc đặc biệt là màu xanh lục rất đẹp, có thể chế tác thành những sản phẩm đá mỹ nghệ làm những mặt hàng lưu niệm phục vụ trong du lịch.

- Điều kiện khai thác: Thuận lợi, gần đường giao thông, xa khu dân cư và không ảnh hưởng đến các công trình xây dựng kiên cố.

- Diện tích lập quy hoạch khoảng 2 km2

b) Điểm mỏ đá secpentinnit Norking, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi

- Vị trí địa lý: Nằm gần khu vực ngã ba biên giới: Việt Nam - Lào - Campuchia. Tọa độ địa lý: 14039’30” vĩ độ bắc và 107034’19” kinh độ đông.

- Hiện trạng khu vực khoáng sản: Thân quặng lộ ra dưới lòng suối dày khoảng 3 - 5m, kéo dài khoảng 100m theo phương bắc nam, gần khu trại bò của nhân dân, khu vực khoáng sản đã bị dân khai thác, hiện nay đang được quản lý bảo vệ.

- Đặc điểm khoáng sản: Có đặc điểm tương đồng với điểm quặng secpentinit Sa Nghĩa - huyện Sa Thầy.

- Trữ lượng dự đoán khoảng 50.000 m3

- Diện tích lập quy hoạch khoảng 1 km2

3.3.7- Khoáng sản than bùn

a) Khu vực khoáng sản than bùn Ya Chim - thị xã Kon Tum:

- Vị trí địa lý: Thuộc làng Klâu Ngor, xã Ya Chim, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Tờ Đại An (D-48-72-B) VN2000 tỷ lệ 1:50.000. Tọa độ địa lý: 14018’04,4’’ vĩ độ bắc, 107055’18’’ kinh độ đông.

- Hiện trạng khu vực khoáng sản: Than bùn tồn tại dưới dạng 3 thân quặng, 2 thân quặng nằm dưới vùng đầm lầy (đất phi sản xuất) và 1 thân quặng nằm dưới ruộng lúa nước của nhân dân. Khu vực khoáng sản này đã được đoàn địa chất thăm dò đánh giá chi tiết năm 1997 và tỉnh đã tổ chức khai thác, chế biến.

- Đặc điểm địa chất khoáng sản

Mặt cắt qua các vỉa than từ trên xuống:

+ Tầng phủ dày 0,1-0,45 m. Thành phần: cát, sét, rễ cây màu xám đen.

+ Vỉa than màu đen, xám tro, nâu đen, đen nhánh dạng kết vón. Ở trạng thái tự nhiên than ngấm nước mạnh, khi phơi khô than tơi, xốp, rất nhẹ. Chiều dày vỉa than 0,2-3,1m. Thành phần (%): di tích hữu cơ=70-80; cát=5; sét=10-15. Tỷ trọng=0,5t/m3.

+ Tầng đáy là lớp vật liệu bở rời màu xám trắng, xám đen. Thành phần (%): cát=25-55; sét=30-65; ít di tích hữu cơ và vật liệu vụn cơ học khác.

Chất lượng than bùn đạt yêu cầu làm phân vi sinh. Trữ lượng 3 vỉa than cấp C1+C2=84.414 tấn. TNDB: cấp 334a=33.485 tấn; cấp 334b=24.500 tấn. Quy mô nhỏ.

b) Khu vực khoáng sản than bùn Đăk Hring – huyện Đăk Hà

- Vị trí địa lý: Thuộc địa bàn xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà.

- Hiện trạng là nương rẫy nhân dân

- Đặc điểm địa chất khoáng sản: Chưa được điều tra nghiên cứu nhưng qua khảo sát thực tế và nhìn nhận bằng mắt thường khu vực khoáng sản than bùn này có triển vọng. Phân bố trên diện tích gần 30 ha. Trữ lượng ước đoán khoảng 60.000 m3.

- Diện tích quy hoạch là 0,5 km2

Nhìn chung các mỏ khoáng sản phi kim loại tài liệu điều tra đánh giá khá đầy đủ, đủ cơ sở để lập dự án đầu tư khai thác chế biến. Trong đó có một số mỏ có thể khai thác, chế biến ở quy mô công nghiệp như: Đôlômit, Điatomit, Fenspat, đá ốp lát granit.

3.4- Nước khoáng - nước nóng

3.4.1- Nguồn nước khoáng nóng xã Kon Đào – huyện Đăk Tô

- Vị trí địa lý: Thuộc địa bàn thôn 3 xã Kon Đào, huyện Đăk Tô, có tọa độ địa lý: 14042’47” vĩ độ bắc và 10705112” kinh độ đông

- Hiện trạng khu vực khoáng sản

Nước khoáng xuất lộ giữa dòng suối Đăk Rơ Nu chảy về suối Đăk Lung, trước kia có đơn vị khai thác đóng chai làm nước giải khát, đã xây dựng một số giếng bao quanh các điểm lộ để tập trung nguồn nước, hiện nay đang bị bỏ hoang một số người dân lợi dụng nguồn nước nóng nhiệt độ cao đem gia súc, gia cầm ra đây giết mổ gây ô nhiểm nguồn nước khoáng; xung quanh là đất sản xuất cuả nhân dân trong vùng, xa khu dân cư, không liên quan đến đất quốc phòng, di tích lịch sử gần điểm du lịch sinh thái suối Đăk Lung.

- Đặc điểm địa chất khoáng sản

Nước xuất lộ thành nhiều mạch từ các các khe nứt của đá biến chất, hệ tầng Tắc Pỏ (PRtp), thành phần gồm các đá phiến thạch anh – biotit, gneisbiotit màu xám đen, xám tro, đá có cấu tạo gneis, cứng chắc nứt nẽ không đều, bề dày của hệ tầng khoảng 800 m.

Chùm mạch lộ nước khoáng kéo dài khoảng 15 m dưới dòng suối, với tổng lưu lượng nguồn lộ 5,5 l/s, nhiệt độ 60 – 640C, độ PH: 8,5 – 9,1, khoáng hóa 0,299 – 0,482 M(g/l), loại hình hóa học SO4-Na, SO4-HCO3-Na, các yếu tố đăc hiệu Si,F, triển vọng sử dụng: đóng chai, nghỉ dưỡng, du lịch, chữa bệnh.

- Xác định diện tích quy hoạch 2 km2

3.4.2- Nguồn nước khoáng nóng Đăk Pung – xó Đăk Rơ Nga – huyện Đăk Tô

- Vị trí địa lý: Nguồn nước khoáng xuất lộ đầu nguồn bên phải suối Đăk Moê, ở độ cao tuyệt đối 620 m, thuộc địa bàn thôn Đăk Pung, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, có tọa độ địa lý 14044’45” vĩ độ bắc và 107043’45” kinh độ đông.

- Hiện trạng khu vực khoáng sản: Nước khoáng xuất lộ dưới dòng suối, 2 bên là đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân trong vùng, không có công trình xây dựng kiên cố, di tích lịch sử. Vị trí nước khoáng xuất lộ rất có tiềm năng về du lịch sinh thái, môi trường xung quanh trong lành, thảm thực vật khá phát triển, cảnh quan đẹp. Có thể xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

- Đặc điểm địa chất khoáng sản: Nước khoáng xuất lộ thành 3 nhóm mạch từ đầu nguồn lòng suối Đăk Moê, suối này chảy về Sông Pô Kô. Nguồn nước có đặc điểm như sau: nhiệt độ 63 – 660C, độ PH:6,0 – 7,1, khoáng hóa 0,668 – 0,674, loại hình hóa học HCO3-SO4-Na, HCO3-Na-Ca, các yếu tố đăc hiệu Si,F, triển vọng sử dụng: đóng chai, nghĩ dưỡng, du lịch, chữa bệnh, lưu lượng 2,5 l/s.

- Xác định diện tích quy hoạch 2 km2

3.4.3- Nguồn nước khoáng nóng Đăk Manh, xó Ngọc Tụ – huyện Đăk Tô

- Vị trí địa lý: Nguồn nước khoáng xuất lộ ở bờ phải suối Đăk Rơ Nga, thuộc địa bàn thôn Đăk Manh, xã Ngọc Tụ, huyện ĐăkTô, ở độ cao 660 m, có tọa độ địa lý14044’12” vĩ độ bắc và 107045’56” kinh độ đông.

- Hiện trạng khu vực khoáng sản: Nước khoáng xuất lộ dưới dòng suối, hai bên là đất sản xuất của nhân dân không có công trình xây dựng kiên cố, di tích lịch sử. Vị trí nước khoáng xuất lộ rất có tiềm năng về du lịch sinh thái, môi trường xung quanh trong lành, thảm thực vật khá phát triển, cảnh quan đẹp. Có thể xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

- Đặc điểm địa chất khoáng sản: Nước khoáng xuất lộ ở đầu nguồn suối nhánh của suối Đă Rơ Nga, từ các khe nứt của đá granit thuộc thành tạo của phức hệ Bà Nà, hệ thống khe nứt phát triển theo phương TB-ĐN. Nguồn nước có đặc điểm như sau: nhiệt độ 44 – 480C, độ PH: 7,78 – 9,6, khoáng hóa 0,295 – 0,353, loại hình hóa học HCO3-SO4-Na, HCO3-Na, các yếu tố đăc hiệu Si,F, triển vọng sử dụng: đóng chai, nghỉ dưỡng, du lịch, chữa bệnh, lưu lượng 2,4 l/s

- Xác định diện tích quy hoạch là 2 km2

3.4.4- Nguồn nước khoáng nóng Đăk Pet – huyện Đăk Glei

- Vị trí địa lý: Nguồn nước khoáng xuất lộ dưới dòng suối Đăk Pet, đổ ra s«ng P« K«, thuéc ®ịa bàn thị trấn Đăk Glei. Tọa độ địa lý: 15004’ vĩ độ bắc và 107044’19” kinh độ đông.

- Hiện trạng khu vực khoáng sản: Nước xuất lộ dưới dòng suối, hai bên là đất sản xuất nông nghiệp, không có công trình xây dựng kiên cố, di tích lịch sử. Vị trí nước khoáng xuất lộ rất có tiềm năng về du lịch sinh thái, gần trục lộ giao thông đường Hồ Chí Minh, môi trường xung quanh trong lành, thảm thực vật khá phát triển, cảnh quan đẹp. Có thể xây dựng quần thể: khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng phục vụ cho du khách trong và ngoài nước.

- Đặc điểm địa chất: Nguồn nước có đặc điểm giống như nguồn nước suối Đăk Pung nhưng có điều kiện khai thác thuận lợi hơn.

- Xác định diện tích quy hoạch: Tuy diện tích xuất lộ trong diện hẹp chừng vài trăm m2 nhưng để phát triển điểm nước khoáng này thành quần thể sản xuất nước đóng chai, nghĩ dưỡng, du lịch sinh thái thì diện tích cần quy hoạch là 2 km2

3.4.5- Nguồn nước khoáng nóng Đăk Kôi – huyện Kon Rẫy

- Vị trí địa lý: nguồn nước khoáng Đăk Kôi xuất lộ từ khe nhỏ đổ ra suối Đăk A Kôi, ở độ cao 660 m thuộc địa phận thôn 1, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, có tọa độ địa lý: 14037’03” vĩ độ bắc và 108008’43” kinh độ đông.

- Hiện trạng khu vực khoáng sản: Nước xuất lộ ở khe suối, hai bên là đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân trên địa bàn, không có công trình xây dựng kiên cố, di tích lịch sử. Vị trí nước khoáng xuất lộ rất có tiềm năng về du lịch sinh thái, môi trường xung quanh trong lành, thảm thực vật khá phát triển, cảnh quan đẹp. Có thể xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

- Đặc điểm địa chất khoáng sản: Nước khoáng xuất lộ từ hệ thống khe nứt của đá granit biotit thuộc các thành tạo của phức hệ Hải Vân, hệ thống khe nứt phát triển theo phương ĐB-TN. Đặc điểm nguồn nước: nhiệt độ 56 – 600C, độ PH: 6,0 – 7,81, khoáng hóa 0,401 – 0,52, loại hình hóa học HCO3-SO4-Na, các yếu tố đặc hiệu Si,F, triển vọng sử dụng: đúng chai, nghỉ dưỡng, du lịch, chữa bệnh, lưu lượng 2,0 l/s.

- Xác định diện tích quy hoạch là 2 km2

3.4.6- Nguồn nước khoáng suối Luông

- Vị trí địa lý: Nguồn nước khoáng xuất lộ dưới dòng suối Luông, thuộc địa bàn buôn Tu Noc, xã Đăk Ring, huyện Kon Plông. Tọa độ địa lý được xác định:14057’25” vĩ độ bắc và 108016’59” kinh độ đông.

- Hiện trạng và đặc điểm địa chất: Nước chảy ra từ khe nứt đá Granit trong thung lũng suối Đăk Đriêng. Nhiệt độ nước khoáng khoảng 630C, lưu lượng đo được 5 l/s.

- Giá trị sử dụng và điều kiện khai thác: Điểm nước khoáng này do Đoàn 500N phát hiện từ năm 1979. Nguồn nước khoáng này có chất lượng tốt và rất nóng có thể khai thác phục vụ cho nhu cầu khai thác địa nhiệt, đóng chai giải khát, ngâm tắm. Hiện nay điều kiện cơ sở hạ tầng đến điểm nước khoáng còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên trong quá trình quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện cần chú ý phát triền nguồn tài nguyên này.

- Diện tích quy hoạch khoảng 2 km2

3.4.7- Nguồn nước khoáng Nước Chè

- Vị trí địa lý: Thuộc địa bàn thôn Nước Chè, xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, có tọa độ địa lý: 14048’44” vĩ độ bắc và 108023’22” kinh độ đông.

- Hiện trạng và đặc điểm địa chất: Nước chảy ra từ khe nứt đá granit trên sườn đồi thoải, cách đỉnh Ngọc Tem khoảng 3,3 km về phía Đông Nam. Lưu lượng 0,4 l/s, nhiệt độ nước khoảng 440C.

- Giá trị sử dụng và điều kiện khai thác: Nguồn nước khoáng này thuộc loại nước nóng vừa, có thể khai thác phục vụ cho nhu cầu ngâm tắm, đóng chai, giải khát. Nhưng do điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chưa phát triển, điều kiện giao thông đến điểm nước khoáng này còn rất khó khăn, do vậy giai đoạn này chưa đưa vào khai thác, sử dụng được.

- Diện tích lập quy hoạch khoảng 2 km2

4- Những định hướng quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2015.

4.1- Quy hoạch thăm dò

Với quan điểm phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản là công tác thăm dò phải đi trước một bước. Căn cứ vào đặc điểm tình hoạt động khoáng sản trên địa bàn, công tác thăm dò được quy hoạch như sau:

- Giai đoạn 2008 – 2010 thăm dò một số khu vực khoáng sản sau:

+ Khu vực khoáng sản vàng Đăk Blô – huyện Đăk Glei

+ Khu vực khoáng sản vàng xã Pô Kô – huyện Đăk Tô

+ Khu vực khoáng sản wolfram Chư Ya Krei – huyện Sa Thầy

+ Khu vực khoáng sản sắt, măng gan xã Đăk Uy – huyện Đăk Hà

+ Khu vực khoáng sản Đôlômit Kon Gô – huyện Kon Rẫy

+ Khu vực khoáng sản Điatomit xã Ngọc Bay - thị xã Kon Tum, xã Diên Bình - huyện ĐakTô.

+ Khu vực đá Granit ốp lát làng Lung Leng – xã Sa Bình, làng Chổi – xã Sa Sơn thuộc huyện Sa Thầy.

+ Nước khoáng – nước nóng thiên nhiên: Nguồn nước khoáng nóng xã Kon Đào, nguồn nước khoáng nóng Đăk Manh, xã Ngọc Tụ – huyện Đăk Tô, nguồn nước khoáng nóng Đăk Pet – huyện Đăk Glei, nguồn nước khoáng nóng Đăk Kôi – huyện Kon Rẫy.

- Giai đoạn 2011 – 2015: Thăm dò một số khu vực khoáng sản còn lại đã được điều tra, đánh giá có triển vọng và thị trường có nhu cầu (trừ các khu vực khoáng sản thuộc quy hoạch hoặc dự trữ tài nguyên của quốc gia).

4.2- Quy hoạch khai thác

- Đến năm 2010 đưa các mỏ khoáng sản sau đây vào khai thác:

a) Khoáng sản vàng: Khu vực khoáng sản vàng xã Đăk Blô - huyện Đăk Glei, Khu vực khoáng sản vàng xã Pô Kô - huyện Đăk Tô.

b) Khoáng sản kim loại: Khu vực khoáng sản Sắt, măng gan Đăk Uy - huyện Đăk Hà và khu vực khoáng sản wolfram Chư Ya Krei - huyện Sa Thầy.

c) Khoáng sản phi kim loại: Khu vực khoáng sản Điatomit xã Ngọc Bay – thị xã Kon Tum, khu vực khoáng sản Điatomit xã Diên Bình – huyện Đăk Tô, khu vực khoáng sản Đôlômit xã Đăk Uy – huyện Đăk Hà, khu vực khoáng sản Đôlômit Kon Gô, Đăkpne – huyện Kon Rẫy, khu vực khoáng sản Fenspat Đăk Rơ Ve, Đăk Pne – huyện Kon Rẫy, khu vực khoáng sản Kaolinit xã Đăk Cấm – thị xã Kon Tum, Than bùn Ya Chim – thị xã Kon Tum, ĐăkHring huyện Đăk Hà, khu vực đá Granit Lung leng, làng Chổi – huyện Sa Thầy, khu vực đá mỹ nghệ secpentinit đông Sa Nhơn – huyện Sa Thầy, xã Bờ Y – huyện Ngọc Hồi.

d) Nước khoáng – nước nóng thiên nhiên: Nguồn nước khoáng nóng xã Kon Đào, nguồn nước khoáng nóng Đăk Pung – xã Ngọc Tụ, nguồn nước khoáng nóng Đăk Manh, xã Ngọc Tụ – huyện Đăk Tô, nguồn nước khoáng nóng Đăk Pet – huyện Đăk Glei, nguồn nước khoáng nóng Đăk Kôi – huyện Kon Rẫy.

Với điều kiện tất cả các mỏ khoáng sản trước khi cấp phép khai thác phải có báo cáo kết quả thăm dò được cấp thẩm quyền phê duyệt trữ lượng.

- Đến năm 2015 các mỏ khoáng sản còn lại đưa vào khai thác, chế biến khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

4.3- Quy hoạch chế biến

Đồng bộ với khai thác là chế biến khoáng sản, tùy từng đối tượng khoáng sản và giai đoạn quy hoạch khai thác, đầu tư cơ sở chế biến cho phù hợp, ưu tiên cho các dự án chế biến sâu, có công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm nguyên liệu khoáng có giá trị kinh tế cao và xuất khẩu.

Bố trí cơ sở chế biến vào các khu, cụm công nghiệp thuộc địa bàn các huyện thị xã, nhằm giảm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp cũng như thuận lợi trong việc quản lý về chế biến và kinh doanh khoáng sản.

a) Đối với khoáng sản vàng

Vàng gốc: Việc chế biến, tuyển quặng cần áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, hiện nay phương pháp chiết tách vàng hiệu quả nhất là phương pháp ướt (phương pháp Xianua) có thể lấy vàng có hiệu quả ở hàm lượng thấp < 3g/T, điểm nổi bật của phương pháp là toàn bộ dung dịch hóa chất để chiết tách được sử dụng tuần hoàn do đó không những nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường (theo tài liệu của Viện nghiên cứu Mỏ và luyện kim). Vàng gốc tỉnh Kon Tum có quy mô không lớn, hàm lượng trung bình thấp, để khai thác, chế biến có hiệu quả cần áp dụng phương pháp này. Do vậy việc tổ chức khai thác giao cho doanh nghiệp có chức năng, có năng lực và có kinh nghiệm trong khai thác, chế biến, có dự án đầu tư phù hợp.

Đến năm 2010 các khu vực khoáng sản vàng đưa vào hoạt động khai thác phải xây dựng nhà máy tuyển khoáng vàng, công suất phù hợp với sản lượng khai thác, nhà máy cách xa khu dân cư, việc đầu tư công nghệ thiết bị nhà máy phải gắn liền với đầu tư hệ thống xử lý môi trường, quá trình thực hiện phải tuân thủ đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát và có biện pháp chế tài nếu đơn vị không thực hiện đúng.

- Đến 2015 tận thu các điểm có triển vọng vàng trên địa bàn tỉnh đã đưa vào quy hoạch và xây dựng các nhà máy tuyển khoáng theo mô hình trên.

Vàng sa khoáng: Đi đôi với vàng gốc thì thường hình thành những bãi vàng sa khoáng (vàng gốc bị phân hủy và tích tụ) dưới các dạng Eluvi (tàn tích), Deluvi (sườn tích), Proluvi (lũ tích). Quy mô của các dạng tích tụ này không lớn thường thì chỉ vài chục đến vài trăm m2. Do vậy việc khai thác chỉ tổ chức theo hình thức khai thác tận thu là phù hợp nhưng vì điều kiện địa hình các sông suối của tỉnh ta có độ dốc lớn nên việc khai thác cần chú ý đến các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lỡ. Việc tuyển khoáng sử dụng phương pháp khô và quy tình công nghệ hiện đại một số địa phương trong nước và thế giới đang sử dụng, không sử dụng hóa chất để chiết tách.

b) Đối với khoáng sản kim loại wolfram, sắt, măng gan

Theo tài liệu điều tra địa chất, khoáng sản kim loại wolfram, sắt, măng gan… trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, do vậy các quặng chứa kim loại cần phải qua khâu tinh luyện. Việc chế biến phải xây dựng nhà máy chế biến phù hợp, với tiềm năng tài nguyên được đánh giá, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tối thiểu là phôi nguyên liệu như: Ferowolfram, Feromanggan… với công suất 100.000 T/năm.

c) Đối với khoáng sản phi kim loại

- Khoáng sản Đụlụmit: Tiềm năng khoáng sản đụlụmit trên địa bàn tỉnh được đánh giá là rất lớn. Quy mụ mỏ từ vừa đến lớn, có thể tổ chức khai thác công nghiệp. Chúng phân bố trên 2 vùng: Đăk Uy - Đăk Hà và Kon Gô - Kon Rẫy. Về chất lượng quặng đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật để sản xuất ra các loại nguyên liệu dùng trong cỏc lĩnh vực sản xuất công nghiệp như: sản xuất bột nuôi trồng thủy sản, sản xuất kính nổi, vật liệu chịu lửa, điều chế magiê oxit và nước ót (nước thải trong quá trình sản xuất muối), MgO hoạt tính được dùng làm chất phụ gia trong công nghiệp chế biến cao su làm chất hấp phụ trong chế biến dầu mỏ; MgO là nguyên liệu làm xi măng xoren, từ đó làm thành các sản phẩm như tấm lợp mái nhà, vách ngăn nội thất, bàn ghế...thay cho gỗ.

Để khai thác và chế biến có hiệu quả nguồn tài nguyên này cần thu hút đầu tư 2 nhà máy chế biến khoáng sản đụlụmit trong 2 cụm công nghiệp: Đăk La (Đăk Hà), cụm công nghiệp Kon Rẫy.

- Khoáng sản Điatomit: Tiềm năng khoáng sản điatomit trên địa bàn tỉnh được đánh giá là rất lớn. Tổng trữ lượng trên 30 triệu tấn. Chúng phân bố trên 2 vùng: thị xã Kon Tum và Đăk Tô. Về chất lượng: hàm lượng các thành phần có ích tương đương với điatomit ở Phú Yên, tuy nhiên hàm lượng chất có hại Fe2O3 thì cao hơn do vậy trong thời gian qua thị trường ít được ưa chuộng. Tỉnh Phú Yên khai thác chế biến chủ yếu là cung cấp cho nuôi trồng thủy sản và công nghệ lọc giá trị kinh tế đem lại chưa cao và hiện nay đang khai thác ồ ạt tài nguyên sẽ dần bị cạn kiệt. Rút kinh nghiệm từ tỉnh Phú Yên, tỉnh cần đầu tư 2 nhà máy chế biến sâu sản xuất nguyên liệu bột nuôi trồng thủy sản, tinh chế quặng bột điatomit để xuất khẩu, đặc biệt là kết hợp với nguyên liệu Puzơlan hiện sẵn có trên địa bàn để sản xuất vật liệu nhẹ (gạch không nung) phục vụ cho nhu cầu xây dựng.

- Khoáng sản Cao lanh: Trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xác định được một mỏ cao lanh Đăk Cấm (thị xã Kon Tum) có quy mô mỏ vừa, trữ lượng cấp B – C1 đạt 5,7 triệu tấn, chất lượng trung bình. Hiện nay thị trường trong nước đang rất cần nguồn nguyên liệu này, đặc biệt là ngành công nghiệp gốm sứ. Trong quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Kon Tum đến năm 2010 và tính đến 2015 có quy hoạch phát triển ngành công nghiệp gốm sứ. Do vậy cần đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu khoáng sản cao lanh.

- Khoáng sản Fenspat: Theo kết quả nghiên cứu đánh giá tiềm năng khoáng sản Fenspat làm nguyên liệu gốm sứ trong Pegmatit tỉnh Kon Tum do Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội thực hiện năm 2005, trên địa bàn khu vực Đăk Rơ Ve, huyện Kon Rẫy có mỏ Fenspat được xếp vào quy mô lớn, trữ lượng cấp C2 – P1 khoảng trên 23 triệu tấn. Về chất lượng đảm bảo được yêu cầu làm nguyên liệu xương và men cho gốm sứ cao cấp, gạch ceramic, granit nhân tạo.

Để khai thác chế biến có hiệu quả cần đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nguyên liệu gốm sứ, gạch ceramic, granit tại cụm công nghiệp Kon Rẫy.

- Đá mỹ nghệ và đá ốp lát:

- Đá mỹ nghệ Secpentinit: Theo tài liệu điều tra địa chất 1/50.000 do Liên đoàn BĐĐCMN thực hiện đã xác định một điểm mỏ đá mỹ nghệ secpentinit thuộc địa bàn xã Sa Nhơn, điểm mỏ có quy mô nhỏ, trữ lượng khoảng 300.000 m3, độ nguyên khối nhỏ nhưng có màu sắc và vân đá rất đẹp, có thể chế tác đồ mỹ nghệ, tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao.

Để phát huy tiềm năng nguồn tài nguyên này cần tổ chức khai thác với hình thức thủ công, và xây dựng nhà xưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Sa Thầy thu hút nghệ nhân, thợ lành nghề sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ cho nhu cầu du khách và xuất khẩu.

- Đá ốp lát Granit: Theo tài liệu điều tra địa chất 1/50.000 do Liên đoàn BĐĐCMN thực hiện đã xác định trên địa bàn huyện Sa Thầy có 2 mỏ đá Granit có triển vọng sản xuất đá ốp lát: mỏ đá Granit thuộc địa bàn làng Lung Leng, xã Sa Bình và mỏ đá Granit thuộc địa bàn làng Chổi, xã Sa Sơn. Trữ lượng tiềm năng trên 20 triệu m3, có màu sắc đẹp, độ nguyên khối lớn đảm bảo các chỉ tiêu sản xuất đá ốp lát. Hiện nay nhu cầu xây dựng, trang trí nội thất, khách hàng rất ưa chuộng đá ốp lát tự nhiên, với màu sắc của đá Granit Sa Thầy qua khảo sát thị trường có giá khoảng 300 ngàn đồng/m2. Nếu đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đá ốp lát thì nguồn lợi đem lại là không nhỏ.

Để phát huy nguồn tài nguyên cần tổ chức thăm dò, lập dự án đầu tư khai thác đá Granit và xây dựng nhà máy sản xuất đá ốp lát tại cụm công nghiệp Sa Thầy.

f- Nước khoáng - nước nóng thiên nhiên

Đây là nguồn tài nguyên khá triển vọng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nếu phát huy tốt sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho tỉnh. Theo tài liệu điều tra đánh giá tiềm năng nước khoáng trên địa bàn tỉnh Kon Tum do Liên đoàn ĐCTV-ĐCCT miền Trung thực hiện, thì trên địa bàn tỉnh có 14 nguồn nước khoáng nóng có triển vọng, tuy nhiên để khai thác có hiệu quả và phù hợp với điều kiện hiện nay của tỉnh, trong quy hoạch chọn ưu tiên 5 điểm nước khoáng như đã nêu ở mục 3.4 - phần 3.

Nhìn chung các điểm nước khoáng lập quy hoạch có điều kiện khai thác thuận lợi, gần các trục giao thông chính: đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, lưu lượng xuất lộ từ 2 đến 5 l/s, chất lượng nước tốt giàu khoáng chất, có giá trị chữa bệnh và điều dưỡng, nhiệt độ cao từ 40 đến 700C, cảnh quan xung quanh còn đảm bảo tính hoang sơ thiên nhiên.

Để phát huy nguồn tài nguyên này cần đầu tư xây dựng các quần thể: Sản xuất nước đóng chai, khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái nhằm phục vụ du khách đi qua theo đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24 và nhân dân trong tỉnh. Việc sản xuất nước đóng chai cần thực hiện theo các quy định TCVN 6213:2004 (Quyết định 23/2004/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về quy định các tiêu chuẩn liên quan đến an toàn sức khỏe đối với nước khoáng thiên nhiên) và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm…

IV- Dự báo những tác động đến môi trường do hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản gây ra và những biện pháp khắc phục

1- Dự báo những tác động do hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản gây ra

Việc đẩy mạnh công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản cũng có nghĩa là phải đối mặt với những nguy cơ hủy hoại đến môi trường và người dân sẽ gánh chịu những hậu quả của thiên tai do môi trường bị hủy hoại gây ra. Cụ thể là:

- Việc thăm dò, khai thác sẽ gây nên tai biến địa chất môi trường như: biến dạng địa hình, phá hủy cấu trúc địa chất nguyên thủy, gia tăng nguy cơ xói mòn, xạt lỡ đất…là nguyên nhân gây nên lũ ống, lũ quét.

- Thảm thực vật bị phá hủy, cảnh quan môi trường thiên nhiên bị xâm hại.

- Nguồn nước bị ô nhiễm do khai thác và chế biến khoáng sản, đặc biệt là trong hoạt động khai thác, chế biến vàng, kim loại.

- Không khí bị ô nhiễm do bụi từ các nhà máy chế biến quặng gây ra, đặc biệt là các nhà máy chế biến nguyên liệu khoáng.

- An toàn tính mạng của người lao động trong mỏ và nhà máy chế biến bị đe dọa.

- Các vấn đề xã hội: hút chích, mại dâm…và tình hình an ninh, trật tự ở các địa bàn có khoáng sản bị đảo lộn.

2- Những biện pháp khắc phục

- Việc thẩm định phê duyệt các dự án đầu tư hoạt động khoáng sản phải gắn liền với phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

- Có giải pháp hợp lý về bảo vệ môi sinh môi trường trong hoạt động khoáng sản

- Có biện pháp chế tài đủ mạnh để chấn chỉnh hoặc thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản đối với các doanh nghiệp không chấp hành đúng pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như không thực hiện đúng nội dung cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

- Nâng cao trách nhiệm của ngành chức năng về quản lý: tài nguyên, môi trường, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản, an toàn lao động trong khai thác, chế biến khoáng sản

- Có chính sách bắt buộc các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc việc đóng phí bảo vệ môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường trước khai thác và thực hiện việc phục hồi môi trường, hoàn thổ sau khi hoạt động khai thác khoáng sản kết thúc.

- Có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến về khai thác, chế biến sâu khoáng sản. Không cấp giấy phép hoạt động khoáng sản cho các nhà đầu tư không có năng lực, kinh nghiệm.

Phần 4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I/ Một số giải pháp thực hiện

Để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đúng định hướng quy hoạch. Cần thực hiện một số giải pháp sau:

1- Giải pháp về quy trình thủ tục hành chính thu hút đầu tư hoạt động khoáng sản (thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản)

Việc giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư hoạt động khoáng sản cần nhanh gọn, thông thoáng, đúng quy trình và đúng quy định của pháp luật.

- Giải quyết các hồ sơ đăng ký hoạt động khoáng sản thực hiện theo cơ chế một cửa, một đầu mối.

- Tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký hoạt động khoáng sản đúng quy trình quy phạm.

- Trên cơ sở quy hoạch khoáng sản được HĐND tỉnh thông qua, kết quả thẩm định hồ sơ của hội đồng thẩm định hồ sơ khoáng sản, cấp phép hoạt động khoáng sản (Theo quy định tại mục 1, điều 6, Nghị định 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật khoáng sản và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật khoáng sản) hoặc trả lời bằng văn bản khi nhà đầu tư không đảm bảo các yêu cầu.

- Hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến cấp phép hoạt động khoáng (được quy định tại điều 28, 29,30, 31,35 - Nghị định 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật khoáng sản và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật khoáng sản)

- Trao giấy phép hoạt động cho nhà đầu tư.

2- Giải pháp về công nghệ và bảo vệ tài nguyên, môi trường trong hoạt động khoáng sản

Áp dụng các công nghệ, thiết bị, kỹ thuật trong khai thác, chế biến khoáng sản, nhằm tận thu tài nguyên, chống ô nhiễm môi trường.

Áp dụng các tiêu chuẩn cho phép của nhà nước về chất lượng phế thải đưa vào bãi thải, chất lượng nước thải đổ ra sông, suối, nồng độ các chất khí độc, nồng độ bụi được phép thải vào không khí, các tiêu chuẩn về nổ mìn, về tiếng ồn về độ rung,...

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng nhằm sử dụng các công nghệ khai thác khoáng sản hợp lý nhất, các công nghệ sạch trong sàng tuyển và chế biến khoáng sản.

3- Giải pháp về công tác quản lý

- Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Khoáng sản, Nghị định 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật khoáng sản và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động khoáng sản.

- Tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản cho mọi người dân nói chung và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản nói riêng.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản và môi trường trong hoạt động khoáng sản các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản, nhất là việc thực hiện các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

- Nâng cao trách nhiệm quyền hạn của các cấp chính quyền, vai trò của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng đối với việc bảo vệ môi trường trong khai thác tài nguyên khoáng sản.

- Kiện toàn hệ thống quản lý tài nguyên khoáng sản, thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản, tập trung về một đầu mối tránh sự phân tán, trùng lắp không cần thiết. Xây dựng quy hoạch thống nhất sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.

- Làm tốt công tác thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa để tham mưu cho các cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật, kiến nghị biện pháp thích hợp để giảm thiểu các ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên và các vấn đề khác có liên quan.

II/ Trách nhiệm của các ngành, các cấp

1- Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn theo quy định của Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ môi trường.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng có liên quan, UBND các huyện, thị xã tham mưu UBND tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lâm nghiệp, đất có liên quan đến đất lâm nghiệp sang đất khai thác khoáng sản đối với các mỏ khoáng sản đã được quy hoạch theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì và phối hợp với ngành chức năng thẩm định: Báo cáo đánh giá tác động môi trường trong khai thác khoáng sản, dự toán ký quỹ phục hồi môi trường, báo cáo kết quả thăm dò (đối với giấy phép thăm dò do UBND tỉnh cấp) của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản.

- Tham mưu UBND tỉnh cấp phép hoạt động khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân đăng ký đủ điều kiện (theo thẩm quyền của tỉnh).

- Chủ trì và phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh các hoạt động khoáng sản trên địa bàn đúng quy định của pháp luật.

2- Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ đăng ký đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì và phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thẩm định hồ sơ năng lực; dự án đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh của các nhà đầu tư. Tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương.

- Phối hợp cùng với Sở Công thương xây dựng kế hoạch, quy hoạch hàng năm và dài hạn về công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn, làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.

3- Sở Công thương

- Chủ trì và phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản (thuộc thẩm quyền UBND tỉnh)

- Phối hợp cùng với các ngành chức năng thẩm định hồ sơ đăng ký hoạt động khoáng sản và tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương hoặc cấp phép hoạt động khoáng sản (theo thẩm quyền UBND tỉnh) và theo quy hoạch khoáng sản đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Thẩm định thiết kế cơ sở khai thác mỏ khoáng sản (kể cả mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường). Tham mưu UBND tỉnh cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với các mỏ khoáng sản đủ điều kiện theo quy định cuả pháp luật.

- Tổ chức kiểm tra, thanh tra về quy trình, quy phạm khai thác mỏ, công nghệ chế biến, kinh doanh khoáng sản đối với các cơ sở hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản theo nội dung dự án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản được cấp thẩm quyền phê duyệt.

4- Sở Khoa học và Công nghệ

- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu - ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản.

- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khoa học trong tỉnh, trong nước kể cả các tổ chức nước ngoài chuyển giao quy trình - công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản cho các doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn nhằm đẩy mạnh ngành công nghiệp khoáng sản của tỉnh phát triển theo hướng CNH, HĐH.

5- Sở Tài chính

- Tham mưu UBND tỉnh tổ chức thu và quản lý nguồn thu về khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

- Hướng dẫn cho các nhà đầu tư hoạt động khoáng sản thực hiện các nghĩa vụ: ký quỹ phục hồi môi trường, phí bảo vệ môi trường, đặt cọc tiền độc quyền thăm dò khoáng sản theo quy định của pháp luật.

6- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp cùng với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng, đền bù những thiệt hại đến rừng do hoạt động khoáng sản gây ra đối với các nhà đầu tư được UBND tỉnh hoặc cơ quan thẩm quyền cho phép hoạt động khoáng sản theo quy hoạch được duyệt và quy định của pháp luật.

- Phối hợp cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan thẩm định phương án và giám sát việc thực hiện phục hồi môi trường rừng đối với các nhà đầu tư hoạt động khoáng sản sau khi giấy phép khai thác hết thời hạn.

7- Sở Lao động thương binh và xã hội

- Chủ trì và phối hợp cùng với các ngành chức năng kiểm tra, thanh tra an toàn lao động trong khai thác mỏ

8- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các cấp xã phường

- Thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản, bảo đảm an ninh trật tự xã hội trong khu vực có khoáng sản.

- Giải quyết theo thẩm quyền các thủ tục giao đất, cho thuê đất, sử dụng cơ sở hạ tầng và các vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật.

- Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

9- Các tổ chức chính trị, xã hội tùy theo nhiệm vụ, chức năng của mình nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự xã hội trên địa bàn có hoạt động khoáng sản./.

 


PHỤ LỤC:

DANH MỤC MỘT SỐ KHOÁNG SẢN LẬP QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ CHẾ BIẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2015.

(kèm theo Quy hoạch)

STT

Loại khoáng sản và khu vực QH

Tọa độ, vị trí địa lý

Diện tích quy họach

Mức độ điều tra địa chất

Trữ lượng tài nguyên

Hiện trạng

I

Khoáng sản vàng

 

 

 

 

 

1

Khu vực khoáng sản vàng Đăk Blô

15030’50” VĐB,

 107041’27” KĐĐ Thuộc

 xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei

2 km2

Sơ lược

Tiềm năng

Rừng sản xuất

2

Khu vực khoáng sản vàng Pô Kô

14037’57” VĐB và 107045’20”KĐĐ thuộc

xã Pô Kô, huyện Đăk Tô

10 km2

Điều tra cơ bản 1/50.000

Dự báo khoảng

 1.297,3 kg

Rừng sản xuất và nương rẫy nhân dân

3

Khu vực khoáng sản vàng Sa Nhơn

14029’37,4’’VĐB ; 107048’48,5’’ KĐĐ thuộc

xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy

10 km2

Điều tra cơ bản 1/50.000

Dự báo khoảng

 670 kg

Rừng sản xuất và nương rẫy nhân dân

4

Khu vực khoáng sản vàng Đăk Roong

14058’52” VĐB, 107043’26” KĐĐ thuộc xã Đăk Roong,

huyện Đăk Glei

15 km2

Điều tra cơ bản 1/50.000

Dự báo khoảng

 3.325 kg

Đất nương rẫy

5

Khu vực khoáng sản vàng Đăk Pet

15004’20” VĐB, 107044’19” KĐĐ thuộc xã Đăk Pet,

huyện Đăk Glei

1 km2

Điều tra cơ bản 1/50.000

Dự báo khoảng

 65 - 70 kg

Bãi bồi và ruông lúa nước

II

Khoáng sản kim loại

 

 

 

 

 

1

Khu vực Khoáng sản wolfram Chư Ya Krei

14017¢53,9¢¢ VĐB; 107051¢28,2¢¢KĐĐ thuộc

xã Mo Ray, huyện Sa Thầy

4 km2

Điều tra cơ bản 1/50.000

Dự báo khoảng

 9.800 kg

Rừng sản xuất

2

Khu vực khoáng sản sắt, măng gan xã Đăk Uy

14036’49” VĐB vµ 108001’46”K ĐĐ thuộc

xã Đăk Uy, huyện Đăk Hà

4 km2

Điều tra cơ bản 1/200.000

Triển vọng

Rừng sản xuất và nương rẫy nhân dân

3

Khu vực khoáng sản sắt xã Hiếu

14035’30” VĐB

vµ 108029’33” KĐĐ thuộc

 xã Hiếu, huyện Kon Plông

2 km2

Điều tra cơ bản 1/200.000

Triển vọng

Rừng sản xuất

III

Khoáng sản

phi kim loại

 

 

 

 

 

1

Khu vực khoáng sản kaolinit Đăk Cấm

14025’36” VĐB

vµ 107054’04” KĐĐ thuộc

xã Đăk Cấm, thị xã KonTum

2 km2

Thăm dò

Cấp B-C1

5,7 triệu tấn

Đất sản xuất nông nghiệp

2

Khu vực khoáng sản điatomit Ngọc Bay

14022’14,3’’ VĐB; 107057’42,9’’KĐĐ thuộc

xã Ngọc Bay, thị xã KonTum

2 km2

Điều tra cơ bản 1/50.000

Dự báo: 20 triệu tấn

Đất sản xuất nông nghiệp

3

Khu vực khoáng sản điatomit Diên Bình

xã Diên Bình, huyện Đăk Tô

2 km2

Điều tra cơ bản 1/50.000

Dự báo: 10 triệu tấn

Đất sản xuất nông nghiệp

4

Khu vực khoáng sản đolomit Kon Gô-Đak Pne

14030’00” VĐB và 108014’00”KĐĐ thuộc

xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy

4 km2

Thăm dò sơ bộ

C2- P1

32 triệu tấn

Rừng sản xuất

5

Khu vực khoáng sản đolomit Đăk Uy

14036’40” VĐB và

 108002’30” KĐĐ thuộc

 xã Đăk Uy, huyện Đăk Hà

2 km2

Thăm dò sơ bộ

C2- P1

9,32 triệu tấn

Rừng sản xuất

6

Khu vực khoáng sản Fenspat Đăk Rve

14028’00” VĐB và 108010’00” KĐĐ thuộc

TT Đăk RơVe, huyện Kon Rẫy

4 km2

Thăm dò sơ bộ

C2- P1

135 triệu tấn

Đất sản xuất nông nghiệp

7

Khu vực Đá Granit ốp lát làng lung Leng

14022’14,3’’ VĐB; 107057’42,9’’KĐĐ thuộc

xã Sa Bình, huyện Sa Thầy

2 km2

Điều tra cơ bản 1/50.000

C2- P1

10 triệu m3

Rừng sản xuất và nương rẫy nhân dân

8

Khu vực Đá Granit ốp lát làng Chổi

xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy

2 km2

Điều tra cơ bản 1/50.000

C2- P1

10 triệu m3

Rừng sản xuất và nương rẫy nhân dân

9

Khu vực đá gabrô ốp lát Sa Nghĩa

14025’51,6’’VĐB ; 107050’04,5’’ KĐĐ thuộc

xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy

1 km2

Điều tra cơ bản 1/50.000

Có triển vọng

Rừng sản xuất và nương rẫy nhân dân

10

Khu vực đá gabrô ốp lát Đăk Ring

14054’00” VĐB và 108015’30”KĐĐ thuộc

xã Đăk Ring, huyện KonPlông

4 km2

Điều tra cơ bản 1/200.000

Có triển vọng

Rừng sản xuất

11

Khu vực đá mỹ nghệ secpentinit Sa Nghĩa

14027’01,6’’VĐB ; 107050’20,1’’ KĐĐ thuộc

xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy

2 km2

Điều tra cơ bản 1/50.000

Dự báo khoảng 300.000 m3

Rừng sản xuất và nương rẫy nhân dân

12

Khu vực đá mỹ nghệ secpentinit Bờ Y

14039’30” VĐB và 107034’19”KĐĐ thuộc

xã Bờ Y, huyện Sa Thầy

2 km2

Điều tra cơ bản 1/50.000

Dự báo khoảng

50.000 m3

Rừng sản xuất và nương rẫy nhân dân

13

Khu vực khoáng sản than bùn Ya Chim

14018’04,4’’VĐB, 107055’18’’ KĐĐ thuộc

xã Ya Chim, thị xã Kon Tum

1 km2

Điều tra cơ bản 1/50.000

C2- P1 khoảng

 140.000 m3

Sình lầy và ruộng lúa nước

14

Khu vực khoáng sản than bùn Đăk Hring

xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà

1 km2

Mới phát hiện

Có triển vọng

Đất rẫy

IV

Nước khoáng – nước nóng thiên nhiên

 

 

 

 

 

1

 Nguồn nước khoáng nóng Kon Đào

14042’47” VĐB vµ 10705112”KĐĐ thuộc

xã Kon Đào – huyện Đăk Tô

2 km2

Điều tra cơ bản 1/200.000

Lưu lượng 5,6 l/s

Đất sản xuất nông nghiệp

2

Nguồn nước khoáng nóng Đăk Pung

14044’45” VĐB vµ 107043’45”KĐĐ thuộc

xã ĐăkRơNga–huyện ĐăkTô

2 km2

Điều tra cơ bản 1/200.000

Lưu lượng 2,5 l/s

Đất sản xuất nông nghiệp

3

Nguồn nước khoáng nóng Đăk Manh

14044’45” VĐB vµ 107043’45”KĐĐ thuộc

xã ĐăkRơNga–huyện ĐăkTô

2 km2

Điều tra cơ bản 1/200.000

Lưu lượng 2,4 l/s

Đất sản xuất nông nghiệp

4

Nguồn nước khoáng nóng Đăk Pet

 

15004’20” VĐB

 và 107044’19” KĐĐ thuộc

xã Đăk Pet – huyện Đăk Glei

2 km2

Điều tra cơ bản 1/200.000

Lưu lượng

 4 l/s

Đất sản xuất nông nghiệp

5

Nguồn nước khoáng nóng Đăk Kôi

 

14037’03” VĐB vµ

 108008’43” KĐĐ thuộc

 xã Đăk Kôi – huyện Kon Rẫy

2 km2

Điều tra cơ bản 1/200.000

Lưu lượng 2,0 l/s

Nương rẫy nhân dân

 

6

Nguồn nước khoáng nóng suối Luông

14057’25” VĐB và

 108016’59” KĐĐ thuộc

 xã Đăk Ring, huyện KonPlông

2 km2

Điều tra cơ bản 1/200.000

Lưu lượng

 5,0 l/s

Rừng sản xuất

7

Nguồn nước khoáng nóng suối Nước Chè

14048’44” VĐB và

 108023’22” KĐĐ thuộc xã Ngọc Tem, huyện KonPlông

2 km2

Điều tra cơ bản 1/200.000

Lưu lượng

 0,4 l/s

Rừng sản xuất