Quyết định 47/2005/QĐ-BGTVT về điều kiện thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài và thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Số hiệu: | 47/2005/QĐ-BGTVT | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Giao thông vận tải | Người ký: | Đào Đình Bình |
Ngày ban hành: | 23/09/2005 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 30/10/2005 | Số công báo: | Từ số 40 đến số 41 |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 47/2005/QĐ-BGTVT |
Hà Nội, ngày 23 tháng 09 năm 2005 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ ,
QUYẾT ĐỊNH:
Quyết định này quy định điều kiện thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài và thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam.
Quyết định này áp dụng đối với thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài, thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài và thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam phải chấp hành quy định của Quyết định này và quy định liên quan khác của pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tàu biển nước ngoài là tàu biển đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài.
2. Hợp đồng cho thuê thuyền viên Việt Nam là hợp đồng được giao kết bằng văn bản giữa tổ chức xuất khẩu thuyền viên Việt Nam (sau đây gọi là người cho thuê thuyền viên Việt Nam) với tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi là người thuê thuyền viên Việt Nam).
3. Thuyền viên Việt Nam là công dân Việt Nam có đủ điều kiện làm việc trên tàu biển nước ngoài theo quy định của Quyết định này.
4. Thuyền viên nước ngoài là công dân nước ngoài có đủ điều kiện làm việc trên tàu biển Việt Nam theo quy định của Quyết định này.
Điều 5. Xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo, khởi kiện
1. Mọi hành vi vi phạm quy định của Quyết định này thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện và các vấn đề phát sinh liên quan đến thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài và thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam được giải quyết theo quy định của pháp luật.
THUYỀN VIÊN VIỆT NAM LÀM VIỆC TRÊN TÀU BIỂN NƯỚC NGOÀI
Điều 6. Điều kiện thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài
1. Có đủ sức khoẻ, khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn và trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Có hộ chiếu thuyền viên.
3. Có hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 7 của Quyết định này.
4. Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật về lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.
Điều 7. Hợp đồng cho thuê thuyền viên Việt Nam
1. Thuyền viên Việt Nam có thể làm việc trên tàu biển nước ngoài thông qua hợp đồng lao động với người cho thuê thuyền viên Việt Nam hoặc ký kết hợp đồng lao động cá nhân với người thuê thuyền viên Việt Nam.
2. Việc đăng ký hợp đồng lao động đưa thuyền viên đi làm việc trên tàu biển nước ngoài và hợp đồng lao động cá nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.
3. Hợp đồng cho thuê thuyền viên Việt Nam và hợp đồng lao động có các nội dung cơ bản sau đây:
a) Tên và địa chỉ người thuê thuyền viên Việt Nam và người cho thuê thuyền viên Việt Nam;
b) Tên và địa chỉ của thuyền viên;
c) Điều kiện làm việc trên tàu biển;
d) Thời hạn thuê thuyền viên;
đ) Tiền lương, tiền thưởng, tiền ăn và các khoản chi phí khác của thuyền viên;
e) Chế độ và mức bảo hiểm của thuyền viên;
g) Nghĩa vụ, quyền hạn của người cho thuê thuyền viên Việt Nam, người thuê thuyền viên Việt Nam và thuyền viên;
h) Nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên trên tàu.
Điều 8. Trách nhiệm của người cho thuê thuyền viên Việt Nam
1. Tìm hiểu, khai thác, giao dịch và thỏa thuận với người thuê thuyền viên Việt Nam về việc cho thuê thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ, tập quán hàng hải quốc tế.
2. Hướng dẫn cho thuyền viên Việt Nam về quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, pháp luật quốc gia nơi thuyền viên đó ký hợp đồng lao động có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của thuyền viên và chỉ cử thuyền viên Việt Nam đi làm việc trên tàu biển nước ngoài khi thuyền viên đó có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 6 của Quyết định này.
3. Bảo đảm quyền lợi của thuyền viên Việt Nam khi cử họ đi làm việc trên tàu biển nước ngoài theo quy định của pháp luật.
4. Bảo đảm thực hiện những điều khoản trong hợp đồng lao động và hợp đồng cho thuê thuyền viên đã ký kết.
5. Bảo đảm mối quan hệ thường xuyên với thuyền viên, chỉ dẫn kịp thời cho thuyền viên cách giải quyết các vấn đề phát sinh kể từ khi cử thuyền viên đó làm việc trên tàu biển nước ngoài cho đến khi kết thúc hợp đồng lao động.
6. Giải quyết các tranh chấp phát sinh với người thuê thuyền viên Việt Nam trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động với thuyền viên Việt Nam hoặc hợp đồng cho thuê thuyền viên đã ký kết.
7. Quan hệ với các tổ chức, hiệp hội quốc tế liên quan đến thuyền viên để bảo vệ quyền lợi của thuyền viên Việt Nam khi làm việc trên tàu biển nước ngoài.
8. Vào ngày 15 tháng 1 và ngày 15 tháng 7 hàng năm phải báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam về tình hình cho thuê thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài.
Trường hợp có vấn đề phát sinh liên quan đến việc sử dụng thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài thì phải báo cáo kịp thời cho Cục Hàng hải Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Điều 9. Trách nhiệm của thuyền viên Việt Nam
Thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài có trách nhiệm:
1. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã ký kết trong hợp đồng lao động;
2. Thực hiện mẫn cán nhiệm vụ được giao theo đúng chức danh của mình trên tàu;
3. Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia nơi mà thuyền viên đó phục vụ và nơi tàu đến;
4. Giữ liên lạc với người cho thuê thuyền viên Việt Nam và thực hiện theo chỉ dẫn của người cho thuê thuyền viên Việt Nam về việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong thời gian làm việc trên tàu biển nước ngoài.
THUYỀN VIÊN NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TRÊN TÀU BIỂN VIỆT NAM
Điều 10. Điều kiện thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam
1. Có đủ sức khoẻ, khả năng chuyên môn tương ứng với chức danh được bố trí đảm nhiệm trên tàu biển và trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Có đủ chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp. Các chứng chỉ này phải ghi rõ là được cấp theo quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, thi, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên năm 1978, sửa đổi, bổ sung năm 1995 và được Cục Hàng hải Việt Nam cấp giấy xác nhận đối với các chứng chỉ đó.
Trường hợp chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp theo quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, thi, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên năm 1978, sửa đổi, bổ sung năm 1995 thì không cần xác nhận.
3. Có hộ chiếu thuyền viên hoặc sổ thuyền viên hoặc hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà thuyền viên đó mang quốc tịch cấp.
4. Có sổ thuyền viên do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
5. Có hợp đồng thuê thuyền viên.
Điều 11. Trách nhiệm của người thuê thuyền viên nước ngoài
1. Hướng dẫn cho thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam thực hiện đúng quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam.
2. Thực hiện việc xin cấp giấy xác nhận đối với các chứng chỉ chuyên môn và đăng ký thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam theo quy định của pháp luật.
3. Vào ngày 15 tháng 1 và ngày 15 tháng 7 hàng năm phải báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam về tình hình sử dụng thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam.
Trường hợp có vấn đề phát sinh liên quan đến việc sử dụng thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam thì phải báo cáo kịp thời Cục Hàng hải Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Điều 12. Trách nhiệm của thuyền viên nước ngoài
1. Thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê thuyền viên.
2. Thực hiện mẫn cán các nhiệm vụ được giao theo đúng chức danh được bố trí đảm nhiệm trên tàu.
3. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật quốc gia nơi tàu đến.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2006 và thay thế Quyết định số 4131/2001/QĐ/BGTVT ngày 5 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài và thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam.
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
Nghị định 34/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải Ban hành: 04/04/2003 | Cập nhật: 25/12/2012