Quyết định 467/QĐ-UBND năm 2010 về Quy định quản lý xe công nông, xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Số hiệu: | 467/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bình Thuận | Người ký: | Huỳnh Tấn Thành |
Ngày ban hành: | 25/02/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 467/QĐ-UBND |
Phan Thiết, ngày 25 tháng 02 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ XE CÔNG NÔNG, XE CƠ GIỚI BA BÁNH VÀ XE THÔ SƠ BA, BỐN BÁNH THAM GIA GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Căn cứ Chỉ thị số 1405/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quản lý xe công nông, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh theo quy định tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 và Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 327/TTr-SGTVT ngày 24 tháng 7 năm 2009, Công văn số 17/SGTVT-QLVT ngày 06 tháng 01 năm 2010 và Công văn số 342/SGTVT-QLVT ngày 03 tháng 02 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy định quản lý xe công nông, xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ngành trực thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức, đoàn thể và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC QUẢN LÝ XE CÔNG NÔNG, XE CƠ GIỚI BA BÁNH VÀ XE THÔ SƠ BA, BỐN BÁNH THAM GIA GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 467/QĐ-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2010 của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về quản lý các loại xe công nông, xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ và khu vực nội thành, nội thị thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng phương tiện giao thông cơ giới ba bánh, các loại xe thô sơ đang hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ phải nghiêm chỉnh chấp hành Quy định này và các quy định khác của pháp luật.
3. Các loại xe có kết cấu tương tự thuộc sở hữu của các lực lượng quốc phòng, lực lượng an ninh và lực lượng cứu hộ, phòng chống thiên tai không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Các thuật ngữ dùng trong Quy định này được hiểu như sau:
1. Xe công nông là xe được lắp ráp từ các động cơ diezel một xi lanh và tận dụng các tổng thành ô tô, không có tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Các loại xe tương tự nhưng lắp ráp từ động cơ cũ của ô tô 4 xi lanh, 6 xi lanh được gọi chung là xe cơ giới 4 bánh tự chế (gọi chung là xe công nông, đầu ngang, xe độ chế, xe bình bịch…).
2. Xe máy kéo nhỏ là loại xe gồm phần đầu kéo có công suất đến 18 mã lực, lái bằng càng hoặc vô lăng và thùng hàng kéo theo (có thể tháo rời với phần đầu kéo). Các loại xe này chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp (thường có tính năng đa dụng như: làm đất, bơm nước, phát điện, vận chuyển…).
3. Xe cơ giới ba bánh là xe di chuyển bằng động cơ có ba bánh như xe ba gác máy, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy ba bánh, xe xích lô máy…
a) Xe ba gác máy là loại xe tự chế được lắp ráp động cơ của xe gắn máy hoặc xe môtô, có thùng chở hàng ở phía trước, có sức chở từ 350 kg đến 500 kg, người điều khiển ngồi ở phía sau;
b) Xe mô tô ba bánh là xe có ba bánh di chuyển bằng động cơ, có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên, có thùng chở hàng ở phía sau, hoặc bên phải, có một chỗ ngồi cho người điều khiển ở phía trước;
c) Xe gắn máy ba bánh là xe có ba bánh di chuyển bằng động cơ, có dung tích xi lanh dưới 50 cm3, có thùng chở hàng ở phía sau, có một chỗ ngồi cho người điều khiển ở phía trước.
4. Xe lôi máy là loại xe cơ giới 2 bánh kéo theo thùng để chở người, hàng hóa.
5. Xe thô sơ là các loại xe không di chuyển bằng sức động cơ như xe đạp, xe ba gác đạp, xe xích lô đạp, xe lôi, xe súc vật kéo…
6. Xe cơ giới ba bánh tự chế của người khuyết tật là xe có hình dáng tương tự xe môtô, xe gắn máy được lắp thêm hai bánh nhỏ ở phía sau, hoặc thay một bánh sau bằng hai bánh cùng kích cỡ.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Các loại xe đình chỉ tham gia giao thông
Đình chỉ ngay tham gia giao thông đối với xe lôi máy, xe công nông và các loại xe tương tự.
Điều 4. Đối với xe máy kéo nhỏ
1. Các loại xe máy kéo nhỏ phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp có tính năng đa dụng như làm đất, bơm nước, phát điện, vận chuyển: không bị cấm lưu hành theo Chỉ thị số 46/2004/CT-TTg ngày 09 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký, gắn biển số.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào điều kiện thực tế ở địa phương, quy định cụ thể phạm vi và thời gian hoạt động đối với loại xe này; có kế hoạch xây dựng các tuyến đường gom, đường dân sinh để phân luồng cho xe máy kéo nhỏ hoạt động nhằm hạn chế xe máy kéo nhỏ hoạt động trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao.
Điều 5. Đối với xe cơ giới ba bánh đã được cấp đăng ký và gắn biển số
1. Từ ngày 01 tháng 4 năm 2010, xe cơ giới ba bánh đã được cấp đăng ký và gắn biển số đang hoạt động cấm tham gia giao thông trong nội thành thành phố Phan Thiết, nội thị thị xã La Gi và trên các quốc lộ ngang qua Bình Thuận (trừ xe cơ giới ba bánh dùng làm phương tiện đi lại của người khuyết tật).
2. Ngoài những tuyến quốc lộ và các khu vực cấm lưu hành nói trên, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương có thể quy định cụ thể các phạm vi khác và thời gian được phép lưu hành đối với xe cơ giới ba bánh.
Điều 6. Đối với các loại xe thô sơ ba, bốn bánh
Từ ngày 01 tháng 4 năm 2010:
1. Các loại xe thô sơ ba, bốn bánh khi tham gia giao thông phải đảm bảo các quy định về điều kiện an toàn, có đăng ký và gắn biển số (các xe được sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu theo quy định của pháp luật).
2. Cấm tham gia giao thông đối với các loại xe thô sơ ba, bốn bánh không có đăng ký và gắn biển số (trừ xe đạp, xe thu gom rác thải phục vụ vệ sinh môi trường, xe làm phương tiện đi lại của người khuyết tật).
Điều 7. Đối với xe cơ giới ba bánh do người khuyết tật điều khiển
1. Từ ngày 01 tháng 4 năm 2010, các xe cơ giới do người khuyết tật điều khiển phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, được đăng ký cấp biển số và người điều khiển phải có giấy phép lái xe.
2. Kể từ ngày Quy định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2010, người khuyết tật có xe phải chủ động thực hiện các thủ tục kiểm tra an toàn kỹ thuật, đăng ký và gắn biển số để được tham gia giao thông theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Phân công trách nhiệm
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền và chỉ đạo Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện Quy định này đến từng địa bàn khu phố, thôn, tổ, xóm, ấp, đến các tổ chức, cá nhân có các xe công nông, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh biết và thực hiện;
- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng và địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
2. Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các sở, ngành chức năng tổ chức quản lý hoạt động của các đội xe xích lô đạp phục vụ du lịch trên địa bàn đi vào nề nếp.
3. Sở Giao thông vận tải:
- Phối hợp Công an tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quy định này;
- Tổ chức thực hiện việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe máy kéo nhỏ để lập biên bản kiểm tra, chứng nhận xe đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
- Thực hiện việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật cho xe cơ giới ba bánh dành cho người khuyết tật, tổ chức đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe cho người khuyết tật, người điều khiển xe máy kéo nhỏ theo đúng quy định;
- Phối hợp Công an tỉnh thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật;
- Theo dõi, báo cáo và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung, sửa đổi quy định cho phù hợp với tình hình thực tế.
4. Công an tỉnh:
- Phối hợp cùng với Sở Giao thông vận tải tổ chức, triển khai thực hiện;
- Triển khai, quán triệt trong lực lượng ngành và chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện đăng ký, cấp biển số cho xe máy kéo nhỏ, xe cơ giới ba bánh dành cho người khuyết tật, các loại xe thô sơ đủ điều kiện an toàn theo quy định hiện hành.
5. Sở Tài chính:
Phối hợp Kho bạc Nhà nước tỉnh và Sở Giao thông vận tải tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ áp dụng trên địa bàn tỉnh phù hợp chính sách chung về hỗ trợ chuyển đổi nghề, chuyển đổi xe của Chính phủ đối với các chủ phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông và tình hình thực tế địa phương.
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch đào tạo chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho các đối tượng có phương tiện bị đình chỉ tham gia giao thông muốn chuyển đổi nghề.
Điều 9. Xử lý các hình thức vi phạm
1. Kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, những trường hợp vi phạm Quy định này sẽ bị xử phạt theo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
2. Các xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh khi đến thời điểm cấm lưu hành, mà vẫn cố tình vi phạm thì bị tịch thu phương tiện bán phế liệu, sung vào công quỹ.
3. Cương quyết thực hiện ngay và xử lý nghiêm các hành vi điều khiển xe công nông tham gia giao thông đường bộ, tịch thu phương tiện bán phế liệu, sung vào công quỹ.
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Các sở, ngành chức năng, các đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt Quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện nếu Chính phủ hoặc các bộ, ngành Trung ương có quy định mới hoặc thực tiễn có phát sinh thì Sở Giao thông vận tải phối hợp Công an tỉnh đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung, sửa đổi quy định cho phù hợp./.
Chỉ thị 1405/CT-TTg về việc tiếp tục thực hiện quản lý xe công nông, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh theo Nghị quyết 32/2007/NQ-C và Nghị quyết 05/2008/NQ-CP Ban hành: 30/09/2008 | Cập nhật: 04/10/2008
Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP về việc phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2008 Ban hành: 04/02/2008 | Cập nhật: 14/02/2008
Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông . Ban hành: 29/06/2007 | Cập nhật: 09/07/2007
Chỉ thị 46/2004/CT-TTg về quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ Ban hành: 09/12/2004 | Cập nhật: 09/12/2009