Quyết định 464/QĐ-UBND về Chương trình công tác tư pháp trọng tâm năm 2014 của tỉnh Thái Bình
Số hiệu: 464/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình Người ký: Phạm Văn Xuyên
Ngày ban hành: 10/03/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp, Hành chính tư pháp, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 464/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 10 tháng 03 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC TƯ PHÁP TRỌNG TÂM NĂM 2014 CỦA TỈNH THÁI BÌNH.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Công văn số 351/BTP-VP ngày 08 tháng 02 năm 2014 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn xây dựng, ban hành Chương trình, kế hoạch công tác tư pháp năm 2014 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 24/TTr-STP ngày 05 tháng 3 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình công tác tư pháp trọng tâm năm 2014 của tỉnh Thái Bình.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố triển khai thực hiện Chương trình này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC, TH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Xuyên

 

CHƯƠNG TRÌNH

CÔNG TÁC TƯ PHÁP TRỌNG TÂM NĂM 2014 CỦA TỈNH THÁI BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 464/QĐ-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình).

Thực hiện Công văn số 351/BTP-VP ngày 08 tháng 02 năm 2014 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn xây dựng, ban hành Chương trình, kế hoạch công tác tư pháp năm 2014 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Chương trình công tác tư pháp trọng tâm năm 2014, như sau:

I. CÔNG TÁC TƯ PHÁP TRỌNG TÂM NĂM 2014

1. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản; theo dõi thi hành pháp luật

- Ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2014.

- Ban hành các chính sách nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

- Triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật, tập trung vào các lĩnh vực như: Xử lý vi phạm hành chính, đất đai, khoáng sản đồng thời triển khai và quản lý có hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính.

- Tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; Thông tư số 09/2013/TT-BTP ngày 15 tháng 6 năm 2013 quy định chi tiết thi hành Nghị định số 16/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

- Xây dựng triển khai Đề án đổi mới quy trình và nâng cao chất lượng xây dựng thẩm định văn bản QPPL của Ủy ban nhân dân các cấp, quy định về nội dung chi, mức chi bảo đảm cho việc xây dựng và kiểm tra, xử lý, rà soát hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh.

2. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở

- Tập trung tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp năm 2013 và những văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Tăng cường công tác tuyên truyền về biển đảo, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác trên các vùng biển, về cải cách hành chính, đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng, quản lý đô thị, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phòng chống tệ nạn xã hội, an toàn giao thông.

- Tập trung đẩy nhanh xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, từng bước đưa công tác này đi vào chiều sâu, bám sát nhu cầu xã hội, gắn kết với nội dung hoạt động của các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người nghèo, gia đình chính sách, vùng xa trung tâm.

- Tổ chức tốt Ngày Pháp luật năm 2014 với hình thức và nội dung phù hợp, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Chủ động thông tin chính xác, kịp thời về các chủ trương, cơ chế chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trên Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống, góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, giảm bớt các khiếu nại, tố cáo, tăng cường tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư.

3. Công tác Hành chính tư pháp

- Tập trung thực hiện tốt Luật Nuôi con nuôi; Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài và Thông tư số 22/2013/TT-BTP ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP. Tiếp tục hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các hồ sơ của công dân về hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, cấp phiếu lý lịch tư pháp theo đúng quy định của pháp luật tạo thuận lợi cho công dân và tổ chức khi đi thực hiện.

- Tiếp tục triển khai Luật Lý lịch tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu và khai thác, sử dụng hiệu quả các thông tin lý lịch tư pháp. Triển khai tích cực công tác bồi thường nhà nước.

- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi trong nước thuộc thẩm quyền của cấp xã, cấp huyện.

4. Công tác Bổ trợ tư pháp

- Triển khai thực hiện đề án “Quy hoạch phát triển tổ chức các hành nghề công chứng” trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động công chứng, phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt.

- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp theo định hướng xã hội hóa và các hoạt động: Luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản. Xây dựng đội ngũ hành nghề luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và trình độ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ.

5. Công tác thanh tra, kiểm tra: Thường xuyên thanh tra, kiểm tra đối với các lĩnh vực: Công chứng, luật sư, bán đấu giá tài sản, chứng thực, hộ tịch, công tác Tư pháp ở cơ sở... nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý và nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác này.

6. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính

- Thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính được quy định tại các nghị định của Chính phủ: Số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010, số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013, số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định có liên quan đến công tác kiểm soát thủ tục hành chính.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt việc công bố, công khai thủ tục hành chính và việc xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh.

7. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin

- Triển khai thực hiện Quyết định số 2648/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc công bố bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp và công khai các thủ tục hành chính theo quy định tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, bảng niêm yết các TTHC và trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp.

- Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cũng như trong việc quản lý, điều hành công việc; giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính, đáp ứng tốt yêu cầu của công dân và tổ chức. Thực hiện hiệu quả thống nhất quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001-2008.

8. Công tác xây dựng ngành

- Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện, Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, các tổ chức pháp chế. Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nhất là kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ của ngành đảm bảo đáp ứng và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

- Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương”, Quyết định số 2736/QĐ-BTP ngày 15 tháng 01 năm 2013 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc triển khai thực hiện Chương trình, định kỳ báo cáo và kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh về các biện pháp cần thiết bảo đảm thực hiện có hiệu quả Chương trình này.

2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình và Chương trình này xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung, các đơn vị gửi văn bản về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 





Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính Ban hành: 08/06/2010 | Cập nhật: 11/06/2010